Tô Văn Trường - Hiểu thế nào và làm gì để tái cơ cấu nền kinh tế?

Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch Đầu tư xây dựng Đề án
tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng
trưởng sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 tháng 5/2012.
Lâu nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng từ lãnh
đạo đến các nhà khoa học, người dân thường nhắc đến
nội hàm thuật ngữ tái cơ cấu, tái cấu trúc nền kinh tế
theo nhiều góc nhìn, cách hiểu khác nhau.

Một câu hỏi được đặt ra hiểu thế nào và làm gì để tái
cơ cấu nền kinh tế? Ngày 15/12 vừa qua, Phó Thủ tướng
Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị về Đổi mới cơ
chế quản lý khoa học đã phân tích hiện tại đóng góp vào
tăng trưởng của Việt Nam do 3 nguồn lực chính, trong đó vốn
đóng góp 52%, lao động đóng góp 22% và khoa học và quản lý
đóng góp 26%.

Một nền kinh tế mà chỉ dựa vào tài nguyên và lao động rẻ
thì rất khó phát triển nhanh và bền vững. Không rõ cách tính
như thế nào để có con số khoa học và quản lý đóng góp vào
tăng trưởng của Việt Nam là 26%? Theo quan điểm của chuyên gia
Bùi Trinh (Thời báo Kinh tế Sài gòn), năng suất nhân tố tổng
hợp (TFP) được tính từ phương pháp ước lượng nguồn tăng
trưởng từ hàm sản xuất. Sau khi trừ đi các yếu tố đóng
góp về lượng (lao động và vốn) cho tăng trưởng, phần còn
lại của tăng trưởng là do đóng góp về sự gia tăng hiệu
quả của nền kinh tế, gọi là năng suất nhân tố tổng hợp,
chỉ tiêu này hàm chứa sự gia tăng của thay đổi quy trình
công nghệ trong sản xuất, quy trình quản lý, năng suất lao
động. Hệ số này càng cao chứng tỏ nền kinh tế càng hiệu
quả và ngược lại. Qua tính toán hệ số này cho 2 giai đoạn
2000-2005 và 2006-2010 cho thấy hiệu quả của nền kinh tế giảm
rõ rệt, nếu giai đoạn 2000-2005 hệ số này đóng góp vào tăng
trưởng khoảng trên 22% thì đến giai đoạn 2006-2010 đóng góp
vào tăng trưởng của năng suất nhân tố tổng hợp chỉ vào
khoảng dưới 8,8%. Thay thế cho sự sút giảm về năng suất
được bù đắp bằng đầu tư, nếu giai đoạn trước đóng
góp của vốn vào tăng trưởng khoảng trên 50% thì giai đoạn
2006-2010 đóng góp của vốn vào tăng trưởng trên 60%. Một
điều ngạc nhiên là trong các thành phần sở hữu (Nhà nước,
ngoài nhà nước và khu vực FDI) thì cũng là khu vực FDI có
hiệu quả thấp nhất kéo hiệu quả của cả nền kinh tế đi
xuống. Như vậy, nền kinh tế của ta đang quá phụ thuộc vào
nước ngoài, vào vốn vay ưu đãi ngày càng khó khăn vì ta tuyên
bố GDP/đầu người vượt 1000USD.

Trong từ điển bách khoa Việt Nam không tìm thấy nguyên nghĩa
của từ tái cơ cấu kinh tế. Nếu mỗi người hiểu nó một
cách khác nhau, và nếu vậy thì "biết đâu mà ...lần". Theo
những thông tin không đầy đủ mà chúng tôi nhận được, thì
anh chị em nghiên cứu kinh tế, xã hội có nhiều ý kiến khác
nhau về tái cấu trúc nền kinh tế. Ví dụ có người hiểu
đây là đợt mới của tiến trình đổi mới kinh tế và đất
nước đáng lẽ đã phải đến sớm hơn. Có người hiểu tái
cấu trúc nền kinh tế đòi hỏi điều kiện tiên quyết là
đổi mới hệ thống chính trị. Có người hiểu tái cấu trúc
nền kinh tế chỉ là một bộ phận, phải gắn bó chặt chẽ
với toàn bộ công cuộc thay đổi mô hình phát triển đất
nước trong thực trạng của nước ta và tình hình của thế
giới ngày nay.

Theo Wikipedia "<em>Tái cơ cấu (Reengineering) là việc xem xét và
cấu trúc lại một phần, một số phần hay toàn bộ một tổ
chức, một đơn vị nào đó</em>". Có ý kiến cho rằng chữ tái
cấu trúc, dịch từ tiếng Anh là restructuring, là chữ vô nghĩa
về mặt lý thuyết kinh tế cũng như chính trị. Chữ này cũng
vô nghĩa như chữ đổi mới. Chúng chỉ là khẩu hiệu thôi, cho
nên ai đó đặt ra nó thì phải cho nó nội dung và mục tiêu.
Ở đây chỉ bàn về vấn đề kinh tế. Đổi mới thật ra là
đổi cũ, tức là đi về cái cũ, cái kinh tế thị trường ngàn
xưa đã có.
Có ý kiến cho rằng tái cơ cấu là việc sắp xếp lại, điều
tra, thẩm định, đánh giá lại cơ cấu của các mô hình kinh
tế-xã hội, của các tổ chức; trong đó có các doanh nghiệp.
Nội dung của tái cơ cấu doanh nghiệp quan tâm đến tính hệ
thống và chuyên nghiệp trong phương thức xác định, thành lập
loại hình, quy mô, tổ chức sản xuất, kinh doanh, các mối liên
doanh, liên kết, các phương thức và kỹ năng điều hành, các
định hướng và mục tiêu phát triển. Trong điều kiện hiện
nay, tái cơ cấu đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi tư
duy, mạnh dạn và chú trọng sáng tạo trong quản lý, cung cách
điều hành, nghiệm thu và đúc kết. Tái cấu trúc lại các quá
trình tổ chức sản xuất kinh doanh, trên cơ sở đó định hình
các loại hình và mô hình, cơ cấu tổ chức phù hợp với
điều kiện và định hướng kinh doanh của doanh nghiệp. Qua
đó, cần kịp thời xây dựng lại toàn bộ sơ đồ cơ cấu
tổ chức, thậm chí thay đổi bề mặt và cả chiều sâu. Tái
cơ cấu thường quan tâm đến việc xem xét các hệ thống lập
kế hoạch kinh doanh, hệ thống quản trị chuỗi cung, maketing và
thẩm định chuỗi cầu (quản trị quan hệ khách hàng), hệ
thống quản trị nhân lực, hệ thống quản trị tài chính.
Đúng ra nên gọi là "hoàn thiện hóa cơ cấu", còn như gọi
"tái cơ cấu " không được đầy đủ nội dung, ý nghĩa
này.

Theo chúng tôi hiểu nếu chỉ xét cấu trúc (cơ cấu)
của nền kinh tế, không hoặc chưa tính tới mục tiêu, vận
hành và điều khiển, thì tái cấu trúc kinh tế (cấu trúc lại
kinh tế) gồm những chiều cạnh cấu trúc lại như: Cấu trúc
lại các khâu của quá trình tái sản xuất mở rộng: đầu tư,
sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng. Cấu trúc lại các
thành phần kinh tế : khu vực nhà nước, khu vực tư nhân (cá
thể, tiểu chủ, tư sản), khu vực tập thể, khu vực có vốn
nước ngoài, khu vực cổ phần hóa. Nếu chỉ đặt trọng tâm
vào tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (1 trong 3 trọng tâm của
tái cơ cấu nền kinh tế lần này) là không đủ mà là vấn
đề công khai, minh bạch trong quản lý các doanh nghiệp nhà
nước và bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh
nghiệp tư nhân trong nền kinh tế.

Cấu trúc lại các yếu tố sản xuất: lực lượng lao
động, đất đai và tài nguyên khác, tư liệu sản xuất, khoa
học và công nghệ, tri thức (của kinh tế tri thức). Cấu trúc
lại kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại. Cấu trúc lại
các ngành kinh tế: công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, cần
chú ý các tổ hợp kinh tế lớn. Cấu trúc lại các vùng kinh
tế. Cấu trúc lại khu vực kinh tế thực và khu vực kinh tế
ảo (từ "ảo" không chuẩn, nhưng đã quen dùng). Cấu trúc lại
kinh tế vi mô : các doanh nghiệp, các hộ.

Còn có thể có những chiều cạnh tái cấu trúc kinh tế khác
nữa. Tùy thực trạng kinh tế của từng nước trong từng thời
gian (đối với kinh tế thế giớ́i cũng tùy thực trạng kinh
tế thế giới trong từng thời gian) mà chọn tập trung vào
những chiều cạnh tái cấu trúc kinh tế nào, trọng tâm là ở
đâu, các biện pháp thực hiện và lộ trình thực hiện tái
cấu trúc ra sao. Một điều rất quan trọng là xác định đúng
lực lượng tiến hành tái cấu trúc kinh tế là lực lượng
nào, gồm những ai, từng nhóm người có vai trò, trách nhiệm
và công việc cụ thể ra sao.

Tái cấu trúc kinh tế là rất quan trọng và cấp bách: Không
phải chỉ để chữa các khuyết tật mà phải có ý nghĩa
quyết định là phát huy thế mạnh, tranh thủ thời cơ, vượt
qua thách thức, đáp ứng yêu cầu mới, làm bừng nở những
khả năng mới. Tái cấu trúc trúc kinh tế phải gắn chặt chẽ
với năng suất và chất lượng, nếu không tái cấu trúc hệ
thống đào tạo nguồn lực thì cũng chỉ là nhất thời. Tái
cấu trúc nền kinh tế chỉ thành công khi Đề án phải chứng
minh được dân chủ, tin ở dân, phát huy trí tuệ và sức mạnh
của dân, thực hiện dân biết, dân bàn, dân quyết, dân làm,
dân kiểm tra, dân hưởng.

Chúng ta bàn đến tái cấu trúc nền kinh tế / tái cơ cấu
đầu tư. Muốn đầu tư đúng, hiệu quả trước hết phải tái
cơ cấu hệ thống tổ chức vì với hệ thống tổ chức còn
chưa phù hợp thì rất khó nói đến tái cơ cấu đầu tư. Lấy
ví dụ thực tế vấn đề tái cơ cấu trong nông nghiệp (nghĩa
rộng) trong Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn có Cục gồm
hệ thống chân rết đến huyện xã, xong lại nhiều Cục hoạt
động như Vụ vì chẳng có hệ thống. Mối quan hệ Tổng
cục/Cục/Vụ cũng cần xử lý thấu đáo. Cần xem lại cơ
cấu xuất khẩu: Đánh giá lại các ngành hàng xuất khẩu chủ
lực, ai được trong việc xuất khẩu này, doanh nghiệp, Nhà
nước hay người dân?. Thực tế cho thấy doanh nghiệp là
được lợi nhiều nhất, vì họ chỉ mua ngọn (sản phẩm) mà
không hề tham gia vào quá trình sản xuất và người chịu
thiệt thòi nhất vẫn là nông dân. Cần thay đổi tư duy về
xuất khẩu: Không nhất thiết theo số lượng mà phải theo giá
trị. Các nước đều hướng vào xuất khẩu nông sản chế
biến sâu chứ không phải thô. Xem lại vấn đề xuất khẩu
gạo, không nên tự hào vì ta đã trở thành cường quốc xuất
khẩu gạo hơn 6 triệu tấn/năm. Chỉ cần đảm bảo xuất
khẩu khoảng 2-3 triệu tấn là đủ, chuyển đổi sang trồng
lúa chất lượng cao (tiêu tốn ít phân bón, thuốc bảo vệ
thực vật) sang trồng cây thay thế nhập khẩu như ngô, đậu
tương (tất nhiên phải có chính sách khuyến khích) để giảm
nhập khẩu như hiện nay. Tái cơ cấu hệ thống trường Đại
học theo nguyên tắc, không nên có trường này thuộc Bộ Giáo
dục & Đào tạo, trường kia lại thuộc Bộ Nông nghiệp và
PTNT. Có cơ chế cho Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo
mô hình khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, người
nông dân góp vốn với doanh nghiệp bằng quyền sử dụng đất
và họ như các cổ đông của Doanh nghiệp, có chia sẽ lợi ích
như vậy mới bền vững.

Vấn đề rất nghiêm trọng là phải thay đổi tư duy làm kinh
tế vẫn còn mang nặng bệnh thành tích, "bệnh anh hùng"!
Thật tù mù không thể hiểu được, bởi vì tỉnh nào cũng nói
GDP trên 10% nhưng khi tính con số GDP trung bình của cả nước
lại khác hẳn? Với tình hình kinh tế hiện nay của đất
nước trong khi vừa đòi hỏi đầu tư giảm từ 42% năm 2010
xuống 34,5% (giảm gần 8 điểm %) mà GDP lại tăng được 5,9%?
Chỉ có "ảo thuật gia" mới nhào nặn được các con số
đầy mâu thuẫn, không tưởng này.

Thể chế chính trị nào thì sinh ra cơ chế đó cho phù hợp. Cơ
chế sinh ra cơ cấu, chính sách, pháp luật đi kèm, có tác dụng
tương hỗ, giao hòa và xử lý với các đối trọng. Cái gốc
để đẻ ra cơ cấu một nền kinh tế là cơ chế. Vì vậy, cơ
chế cũ không thể đẻ ra cơ cấu mới, chẳng qua chỉ là sự
điều chỉnh, cải thiện nào đó mà thôi. Thể chế chính trị
vẫn vậy, cơ chế nằm nguyên, thì cơ cấu kinh tế phải tuân
thủ và vận hành theo. Chừng nào tiến hành "tái cấu trúc cơ
chế" tương đối phù hợp, thì tái cơ cấu mới có điều
kiện để thực hiện có hiệu năng và chất lượng. Tái cơ
cấu phải tạo đà mạnh mẽ cho đổi mới và phát triển.
Nhưng nếu căn nhà vẫn vậy, mà gọi là tái cơ cấu chẳng qua
như sắp xếp lại đồ đạc, vật dụng trong nhà, hiệu quả
chẳng có gì đáng kể.

Nền kinh tế và xã hội không phải là cái máy và Chính phủ
không phải là ông thợ máy. Một câu hỏi được đặt ra nếu
doanh nghiệp là của người khác thì làm sao Chính phủ ra lệnh
thay đổi được? Ngay cả nước Mỹ làm sao nói tái cấu trúc
kinh tế!? Họ chỉ có thể đưa ra luật để "regulate market",
mà ngay cả Chính phủ Mỹ muốn làm như thế cũng chưa được
vì bị nhiều áp lực chống lại. Suy cho cùng, ở nước ta
chừng nào chưa đổi mới cơ chế tổ chức quản lý kinh tế
xã hội thì hiệu quả thực tế của việc tái cơ cấu nền
kinh tế vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ chưa có lời giải
đáp.

26/12/211
(bản gốc từ tác giả)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/11063), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét