Thanh Chung - Thư ngỏ gửi ông già Noel

Santa thân mến,

Mọi người gọi bác là "Papa de Noel", là Santa, tên tuổi của
bác gắn liền với "Giáng sinh vui vẻ" (Merry Christmas). Nhưng em
năm nay cũng chẳng còn trẻ trung gì nữa. Gọi bác là "papa" có
khi còn bị cho là "cưa sừng làm nghé" - "kính chả bõ phiền".
Vả lại em với bác cũng biết nhau quá rồi. Hồi các con em còn
nhỏ, em với bác đã từng có mấy vụ làm ăn trót lọt. Vì
thế nên em cứ với bác cứ xưng hô thế này cho thân thiện.
Chỉ mong bác không cho rằng em "gần chùa gọi Bụt bằng anh" là
quý hóa lắm rồi.

Phi vụ làm ăn đầu tiên là khi con gái em mới lên 3 tuổi. Mấy
anh chị sếp cũ của em gửi về từ Belgium cho con gái em một
thùng đồ chơi Lego và và búp bê Barbie. Vào năm 94, món quà ấy
chẳng khác nào Coco Channel hay Louis Vuiton cho các cô người mẫu
chân dài thời này. Sau những thủ tục hải quan lằng nhằng
dây điện, cuối cùng em cũng mang được thùng bưu phẩm về
văn phòng. Chiều tối ngày 24, em phải nhờ người cho các con
đi chơi mới dám mang thùng quà về nhà, giấu ngoài ban-công.
Năm ấy, con gái em đã có một đêm thấp thỏm không ngủ. Nó
gần như "chết lặng" khi mở thùng quà buộc nơ đỏ gắn với
tấm thiệp của Ông già Noel.

Khi lên năm, nó đã biết có thể viết thư hoặc gọi điện xin
ông già Noel những món quà ưa thích. Em phải cậy nhờ một anh
bạn, gọi điện từ mấy hôm trước. "Khà khà, ta là ông già
Noel đây. Cháu Linh Chi thích gì?". Con bé run rẩy cầm ống nghe.
Nó không ngờ lại được nói chuyện qua điện thoại với bác.
"Cháu chào ông già Noel. Sao ông không đến chơi nhà cháu?" "Khà
khà, ta bận lắm. Ta biết cháu là đứa bé ngoan, cháu muốn quà
gì để ta gửi tặng?". Có lẽ vì quá bất ngờ nên nó không
kịp nghĩ đến những món quà đắt tiền. "Cho cháu xin một bộ
bàn ghế cho em Barbie, ông nhé". Đúng ngày Giáng sinh, một hộp
đồ chơi "nhà cho Barbie" được đặt ngay ngắn dưới chân
giường khi con bé tỉnh dậy. Nó cứ trách em mãi vì đã không
đánh thức nó dậy khi bác đến tặng quà.

Nhưng những mùa Giáng sinh gần đây em đã thấy bác có nhiều
đổi khác. Những món quà "Merry Christmas" đã bắt đầu có mùi
"chạy chọt", "rửa tiền", "tham nhũng". "Cây thông - trổ đầy
khế ngọt - Ai cao thì hái được nhiều" (xin lỗi bác Đỗ Trung
Quân ạ).

Cô bạn em làm ở một cơ quan ngang Bộ. Sếp của cô ấy tất
nhiên phải là Đảng viên - lý lịch khai rõ: "Tôn giáo: không".
Mấy năm trở lại đây, sếp bỗng nhiên tỏ ra cởi mở. Một
tuần trước lễ Giáng sinh, sếp đề xuất ý tưởng mọi
người trong cơ quan rút thăm tặng quà lẫn nhau cho "tăng cường
tình thân ái". Năm đầu tiên, cô bạn em rút phải tên sếp. Nó
mất ngủ bạc cả tóc để tìm ra ý tưởng tặng quà độc
đáo. Đối với một cô văn thư hành chính, thu nhập lè phè,
cuối tháng nghĩ đến tiền học thêm của con đã xám xanh mặt
mũi, thì quà cho sếp phải vừa đảm bảo tính kinh tế (mà
không quá úi xùi), vừa có giá trị văn hóa, tinh thần cao (mà
không bị nghi ngờ xỏ xiên, kháy khú mấy tấm bằng rởm của
sếp). Thương bạn vật vờ như ốm nghén, cực chẳng đã, em
đành phải mách cho cô ấy một nước cờ (tuy không được
quân tử cho lắm). Bạn em đến cơ quan, nét mặt rạng ngời,
thầm thì như buôn bạc giả. Hỏi xin lời khuyên của một anh
bạn đồng nghiệp đang nằm trong tầm ngắm "kế cận" xem nên
tặng sếp quà gì. Lập tức anh này nhận đứng tên mua quà cho
sếp, kèm theo cả một hộp sô-cô-la thứ thiệt dành cho cô văn
thư để giữ kín cuộc "trao đổi" này. Từ đấy trở đi, năm
nào cô bạn em cũng cầu mong rút thăm được tên sếp. Nhưng
vận may cũng như tình yêu, chỉ như cơn gió thoảng qua...

Lại chuyện nữa, chồng của một cô bạn khác làm lãnh đạo
tỉnh. Đêm Giáng sinh, chính Santa đã cho chuyển đến những
hộp lớn nhỏ thắt nơ, bọc giấy công phu. Santa tặng cho quý
tử của bạn em Mac Book dù thằng bé mới học lớp năm; cô
bạn em được đôi hoa tai kim cương và quà cho phu quân của cô
ấy là thẻ hội viên Vàng của một sân golf hạng top.

Nhiều, nhiều lắm. Kể mãi không hết những chuyện Santa tiếp
tay cho đệ tử của Lã Bất Vi. Trong các nghề buôn, chỉ có
buôn vua là lãi suất cao ngất ngưởng. Từ hồi có thêm Santa
tham gia vào những sự kiện của năm, Tổ chức Minh Bạch thế
giới cứ đẩy mãi nước em xuống bảng "bottom twenty". Giận
quá.

Ở xứ cờ hoa, nơi CNTB đang đứng bên bờ vực thẳm (có vách
kính dày bảo vệ như ở Grand Canyon - Arizona), Giáng sinh là dịp
để sếp nói lời cám ơn với nhân viên cấp dưới bằng
rượu vang, sô-cô-la và "gift card". Trong building nơi em làm việc,
ban quản lý còn đặt một thùng carton lớn để quyên góp quà
tặng và đồ chơi cho trẻ em nghèo. Còn tụi em lại quyên góp
tiền tặng cho những người làm công việc lao công, bảo vệ.
Nước chảy từ núi cao xuống đồng bằng mới hợp lẽ tự
nhiên phải không Santa?

Em gửi lá thư này cho Santa, không phải vì em không nhận được
quà mà sinh lòng đố kị. Santa có quà tặng cho em Giáng sinh này
thì em cũng vui, không có thì em cũng... không vui. Tình cảm của
em với Santa trước sau vẫn vậy. Em chỉ mong Santa đề phòng
kẻ xấu, kẻo bị lợi dụng mà phải chịu trách nhiệm hình
sự. Nhẹ thì là tòng phạm, nặng hơn thì thành "lợi dụng
chức quyền". Santa nhớ cẩn trọng.

Còn hai mươi tư giờ nữa là Santa sẽ đến thăm nhà em. Chiều
nay đi làm về em sẽ ghé qua chợ. Giáng sinh năm nay nhà em có
nhiều bạn bè đến chơi. Bữa cơm chiều mai sẽ có món chả
giò và bún ốc (rất cổ truyền dân tộc, phải không Santa?)
Trước khi trèo lên Tuần Lộc, Santa nhớ bỏ vào túi cho em một
"con" Ipad 16 GB, 4G, wifi. Xông xênh hơn thì cho em cái vé số
Jackpot (độc đắc). Em cần phải trả xong mortgage cái căn hộ
em đang ở và cho con cái đi học ở những trường chúng hằng
mơ ước. Dư dả thì em sẽ chung tay với bác Tuấn vì những
"bữa cơm có thịt" và em Thạch với những "tủ sách dòng họ".
Tất nhiên, ưu tiên hàng đầu vẫn là nhóm "Vì ta cần nhau",
mang áo ấm đến cho trẻ em nghèo vùng cao của tụi em. Thế
nhá, Santa. Em chờ đấy.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/11023), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét