hộ việc Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu cán bộ cao cấp
trong ngành không được chơi golf, tờ Tuổi Trẻ (Chủ nhật
22-10-2011) đặt câu hỏi: "<em>Tại sao một văn bản mà thoạt
nghe qua có vẻ không ổn về tính pháp lý khi can thiệp đến
cả thời gian nghỉ của cán bộ, nhưng lại đón nhận được
sự ủng hộ tưng bừng như vậy?</em>". Rồi, Tuổi Trẻ tự
trả lời: "<em>Đó là nhờ bộ trưởng đã gãi trúng chỗ
ngứa của mọi người khi có tình trạng một số cán bộ nhà
nước ngày càng sống xa hoa, cách biệt</em>".
Kết quả thăm dò trên trang mạng VnExpress cho thấy có 60,2% tán
thành với lệnh cấm của ông Thăng. Không có gì phải nghi ngờ
những đa số ấy. Nhưng, trong một quốc gia mà các nhà lãnh
đạo vẫn thường nói đến nhà nước pháp quyền, một tờ
nhật báo hàng đầu không thể dùng số đông để ủng hộ
một văn bản "thoạt nghe" đã thấy "không ổn về pháp
lý". Lựa chọn cho mình một môn giải trí trong ngày nghỉ là
quyền công dân của cán bộ, không ai có thể tước đoạt nó,
kể cả dùng "chuyên chế đa số".
Nếu có thể chứng minh việc cán bộ chơi golf là nguyên nhân
dẫn đến những trì trệ trong ngành giao thông, ông Thăng có
thể nhờ Tuổi Trẻ điều tra những cán bộ dùng xe công đi
chơi golf trong ngày làm việc. Nếu chơi golf thực sự liên quan
đến tham nhũng, ông Thăng có thể phối hợp với Tuổi Trẻ
điều tra những người được các sân golf tặng thẻ hội
viên; điều tra những người đi chơi golf bằng tiền các doanh
nghiệp đang thầu công trình của ngành giao thông vận tải.
Golf ở Việt Nam chưa phải là một môn giải trí của nhà
nghèo. Nhưng, nếu Tuổi Trẻ lên sân golf sẽ thấy người chơi
có cả nhà báo và một số giáo viên. Việt Nam đã có kinh tế
thị trường, không phải ai có tiền cũng đều do tham nhũng.
Tuổi Trẻ viết: "<em>Chơi một bữa golf bằng thu nhập một
tháng lương giáo viên, gần bằng thời gian một ca làm việc
của công nhân. Điều đó quá xa lạ và phản cảm mà một cán
bộ đảng viên không nên làm... Nhìn xa hơn, đó là câu chuyện
đạo đức của người cán bộ đảng viên, khi ăn sang mặc
đẹp, chơi trò của giới thượng lưu trong lúc đồng bào còn
không ít người khốn khó, ngành mình còn quá trì trệ</em>".
Bây giờ không phải là thập niên 1980s, lẽ ra Tuổi Trẻ không
nên kích động mâu thuẫn giữa người giàu và người nghèo
theo cách hồng vệ binh như thế.
Cuối thập niên 1970s, giữa một Sài Gòn vẫn còn đói kém, ông
Võ Văn Kiệt đã chơi tennis. Nhiều nhà lãnh đạo lúc bấy giờ
phê phán ông Kiệt cũng rất nặng lời. Nhưng ông vẫn chơi.
Theo ông Kiệt, sau "giải phóng", cho dù một bộ phận dân
chúng vẫn có khả năng tài chánh, nhiều sân tennis ở Sài Gòn
chỉ được dùng để phơi củ mì; nhiều người dân treo vợt
trên nhà mà không dám ra sân vì không thấy "Việt cộng"
chơi, họ sợ. Năm 1994, khi sang thăm Việt Nam, Thủ tướng
Thailand Chuan Leekpai đã khá bất ngờ khi thấy ông Thủ tướng
Cộng sản cũng chơi tennis, ông bèn cho chuyên cơ trở về Bangkok
lấy vợt sang để cuối chiều, sau giờ đàm phán, hai vị thủ
tướng, khi ấy chưa thực sự hữu nghị với nhau, ra sân giao
hữu.
Cũng trong năm 1994, khi ông Nguyễn Mạnh Cầm đến Bangkok dự
Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN và trả lời: Việt Nam sẵn
sàng tham gia tổ chức này, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, ông
Badawi đã nói với ông Cầm: "<em>Có hai việc anh phải chuẩn
bị trước khi trở thành thành viên ASEAN: nói tiếng Anh và chơi
golf</em>". Về sau khi đã ra sân được rồi, ông Cầm mới
thấm thía, có những việc không giải quyết được trên bàn
đàm phán nhưng lại xử lý khá nhẹ nhàng trên sân golf. Ông Võ
Viết Thanh, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, cũng đã từng
bị phê phán. Nhưng chính trên sân golf, ông Thanh đã chuyển
được một số thông điệp ngoại giao tới một số vị nguyên
thủ chỉ ghé qua Sài Gòn đánh golf chứ không thăm, làm việc.
Cũng trên sân golf, ông Võ Viết Thanh đã từng giao hữu với
Tướng Nguyễn Cao Kỳ, người mà chính quyền không muốn đón
tiếp một cách chính thức.
Không phải điều gì được nói trên sân golf cũng đều ích
nước. Không thể phủ nhận có "<em>một số cán bộ ngày
càng sống xa hoa, cách biệt</em>" với dân. Nhưng, chơi golf
chỉ là hệ quả chứ không phải nguyên nhân. Nếu chơi golf
đúng là "<em>câu chuyện đạo đức của người cán bộ,
đảng viên</em>", thì cũng không thể điều chỉnh những
điều sai bằng một quyết định "không ổn về pháp lý".
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/10341), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét