Diplomat nhận định rằng hỗn hợp các yêu sách vừa có tính
lịch sử vừa có tính pháp luật của Trung Quốc tại Biển
Đông là mâu thuẫn. Bắc Kinh không thể vừa ăn bánh vừa đòi
tiền.</div>
Học giả Lucian Pye của Hoa Kỳ đã từng đưa ra một tuyên bố
nổi tiếng rằng Trung Quốc không phải là một quốc gia mà là
"một nền văn minh giả dạng nhà nước." Nhận định này có
lẽ rất xác đáng vào một thời điểm nào đó trong quá khứ,
nhưng Trung Quốc của ngày nay đã được chuyển hóa thành một
nhà nước hiện đại nắm giữ một vai trò chủ động trên
nhiều diễn đàn quốc tế.
Tuy vậy nhưng Bắc Kinh cũng vẫn cố lợi dụng dòng lịch sử
dài lâu của Trung Quốc để tạo sức ép cho lý lẽ của mình
trong những tranh chấp trên trường quốc tế. Hơn bất cứ nơi
đâu, ý đồ này được triển hiện rõ ràng nhất trong vụ
tranh chấp lãnh thổ hiện thời trên Biển Đông, nơi mà Trung
Quốc đang nằm trong vị thế đối chọi với một số quốc gia
láng giềng của mình.
Các nước bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi ầm ĩ ở đây bao
gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Nhật Bản cũng càng ngày càng có
nhiều khả năng hơn. Đó là một hỗn hợp có sức bùng nổ
mạnh mẽ.
Vào năm 1996, Trung Quốc phê chuẩn Công Ước Liên Hiệp Quốc
Về Luật Biển (UNCLOS) và công khai tiếp nhận điều khoản
của hiệp ước này quy định rằng "Trung Quốc có chủ quyền
và quyền tài phán trong phạm vi 200 hải lý của vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa" — một khái niệm mà
trước đây vẫn chưa được hiểu rõ.
Nhưng đồng thời Trung Quốc lại tái khẳng định yêu sách
chủ quyền của mình trên các hòn đảo nhỏ, mạch đá, và
rặng san hô tại Biển Đông dựa vào những căn cứ lịch sử
— những căn cứ không được công ước này thừa nhận.
Điều đó có nghĩa là Trung Quốc đòi hỏi tất cả mọi quyền
lợi do luật pháp quốc tế hiện hành ban bố, và, thêm vào
đó, đòi hỏi những quyền lợi thông thường không được
thừa nhận với lý do là vì nền văn minh của họ có thể truy
tầm căn nguyên từ vài ngàn năm về trước.
Về mặt lịch sử, Trung Quốc đã từng là một cường quốc
thống trị tại Đông Á và xem các nước yếu kém hơn là chư
hầu của mình. Bây giờ, bằng cách cứ khăng khăng với những
yêu sách lãnh thổ phản ánh một mối quan hệ lịch sử đã
biến mất cách đây hàng trăm năm kể từ khi phương Tây bắt
đầu trỗi dậy, Bắc Kinh, trên một chừng mức ý nghĩa nhất
định, đang cố gắng hồi sinh và hợp pháp hóa tình huống
của thời kỳ mà họ đã từng chiếm địa vị một nước bá
chủ không bị ai thách thức.
Tính mập mờ về những bộ phận của luật pháp quốc tế mà
Trung Quốc thừa nhận và những điều khoản mà họ bác bỏ là
nguyên nhân gây ra vụ tranh chấp trong hiện tại, trực tiếp
lôi kéo sự cạnh tranh của Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, và
Brunei, cũng như gián tiếp bao hàm quyền lợi của nhiều quốc
gia khác.
Đòi hỏi của các nước Đông Nam Á chủ yếu là dựa vào các
điều khoản của bộ Luật Biển. Nhưng Trung Quốc thì đưa ra
lập trường rằng chủ quyền của họ trên những vùng lãnh
thổ liên đới đã hiện hữu trước khi bộ Luật Biển được
thông qua, và bởi thế luật lệ đó không thể áp dụng đối
với họ. Lịch sử là lá bài con át chủ luật pháp.
Vào năm 2009, Trung Quốc đệ trình lên Ủy Ban Luật Biển Của
Liên Hiệp Quốc một bản đồ để hỗ trợ cho các yêu sách
của họ về "chủ quyền không thể tranh cãi trên các hải
đảo tại Biển Đông và những hải vực kế cận" cũng như
"đáy biển và lòng đất dưới đáy biển tại những nơi đó."
Nét đặc trưng của tấm bản đồ này một đường gián đoạn
hình chữ U bao quanh hầu như toàn bộ Biển Đông và ôm sát bờ
biển của các nước láng giềng bao gồm Việt Nam, Mã Lai, và
Phi Luật Tân. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đệ trình lên
Liên Hiệp Quốc một bản đồ để hỗ trợ cho các yêu sách
chủ quyền lãnh thổ của mình, nhưng không đưa ra một lời
giải thích nào để xác minh rằng họ muốn đòi hỏi chủ
quyền trên toàn bộ hải vực cũng như tất cả các hải đảo
nằm trong lòng chữ U hay không.
Đây là một sự chuyển hướng triệt để so với lập trường
mà Trung Quốc đã đề ra khi họ phê chuẩn công ước này. Vào
lúc đó, Trung Quốc đã phát biểu rằng họ sẽ tiến hành
hiệp thương "với các nước có bờ biển đối diện hoặc
tiếp giáp với Trung Quốc dựa trên cơ sở của luật pháp
quốc tế và theo đúng với nguyên tắc công bằng."
Điều đáng chú ý, đặc biệt từ quan điểm của Hoa Kỳ, là
lập trường của Trung Quốc đối với UNCLOS cũng đã chuyển
hướng trên một bình diện khác. Vào năm 1996, lập trường
của Trung Quốc là tàu chiến của nước ngoài muốn đi qua lãnh
hải của họ cần phải được họ chấp thuận. Bây giờ, Trung
Quốc lại tuyên bố rằng tàu chiến nước ngoài cần phải
được Trung Quốc chấp thuận trước khi đi qua vùng đặc
quyền kinh tế của họ — một khu vực rộng lớn hơn nhiều
nhưng không nằm trong vùng biển mà họ có chủ quyền.
Hoa Kỳ phản đối lập trường đó, và giữ vững quan điểm
rằng các hải vực tại vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia
nào cũng thuộc hải phận quốc tế và tàu thuyền hải quân
của tất cả các nước khác đều có quyền tự do đi vào và
thậm chí có thể tiến hành thao tác mà chẳng cần ai phê
chuẩn cả.
Sự bất đồng ý kiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ (cũng như
hầu hết các nước phát triển khác) trong vấn đề này đã
dẫn đến nhiều vụ chạm trán giữa hai nước, với tàu giám
sát của hải quân Hoa Kỳ thực hiện nhiều nhiệm vụ thu thập
tin tức trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và đang
bị họ thách thức.
Mánh lới dựa vào lịch sử của Trung Quốc là một phát triển
tương đối mới trong lãnh vực luật pháp quốc tế, mặc dù
đó chẳng phải là chuyện hoàn toàn không có tiền lệ. Ví
dụ, các nước ven biển thường được phép đòi hỏi nới
rộng quyền tài phái trên biển, đặc biệt là các vùng vịnh
hoặc hải đảo, khi những đòi hỏi đó công khai, tồn tại
từ lâu, có tính duy nhất, và được các nước khác rộng rãi
chấp nhận.
Nhưng trong trường hợp của Trung Quốc, những đòi hỏi của
họ rõ ràng không có tính duy nhất mà cũng không được các
nước khác rộng rãi chấp nhận vì những đòi hỏi này đang
bị tranh biện công khai. Thế nhưng quan chức và học giả Trung
Quốc vẫn cứ cố gắng chống đỡ lý lẽ của họ bằng cách
viện dẫn tài liệu lịch sử.
Ví dụ, Lý Quốc Cường, một học giả tại Trung Tâm Nghiên
Cứu Sử Địa Biên Cương của Học Viện Khoa Học Xã Hội Trung
Quốc, vào tháng bảy vừa qua đã phát biểu trên tờ <i>China
Daily</i> rằng: "Chứng cứ lịch sử biểu thị rằng người
Trung Quốc đã khám phá những hải đảo trên Biển Đông từ
thời nhà Tần (221 - 206 TCN) và nhà Hán (206 TCN - 220 SCN)." Ông ta
quả quyết rằng biên giới biển của Trung Quốc đã được
xác lập từ thời nhà Thanh (1644-1911).
"Trái lại," ông ta viết, "trước thời nhà Thanh của Trung
Quốc, Việt Nam, Mã Lai, và Phi Luật Tân hầu như chẳng biết
gì về các hải đảo ở Biển Đông."
Để tạo sức ép cho lý lẽ của mình, Việt Nam đã viện dẫn
nhiều bản đồ và cứ liệu địa lý minh chứng cho "chủ
quyền lịch sử" có từ thế kỷ thứ 17 của mình đối với
hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này không thể sánh
với tính cổ xưa trong yêu sách của Trung Quốc, nhưng, tối
thiểu, nó biểu thị rõ rằng yêu sách của Trung Quốc đã bị
tranh biện hàng mấy thế kỷ rồi, và như thế Trung Quốc chưa
hề có quyền tài phán duy nhất và liên tục trên các hải
đảo này.
Và, nếu lấy lịch sử làm tiêu chuẩn, thì giai đoạn lịch
sử nào mang tính quyết định? Xét cho cùng, nếu thời nhà Tần
hay nhà Hán được dùng làm mốc thì lãnh thổ của Trung Quốc
ngày nay sẽ nhỏ đi rất nhiều, vì vào thời đó Trung Quốc
chưa đoạt được Tây Tạng, Tân Cương hay Mãn Châu, khu vực
mà bây giờ được gọi là vùng đông bắc.
Một thỏa hiệp mà Trung Quốc đề nghị với các nước láng
giềng là gác chuyện tranh chấp lãnh thổ để cùng tiến hành
việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Gần đây nhất, đề
nghị này mới vừa được Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào đưa ra vào
ngày 31 tháng 8 [năm 2011] khi ông ta hội kiến với Tổng Thống
Benigno Aquino của Phi Luật Tân.
Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng. Thực sự Trung
Quốc đưa ra chính sách này với dụng ý gì?
Trang mạng của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc giải thích rằng:
"Khái niệm 'gác tranh chấp, cùng khai thác' có bốn yếu tố sau:
1. Chủ quyền trên các lãnh thổ liên quan thuộc về Trung
Quốc.
2. Khi điều kiện chưa chín muồi để giải quyết triệt để
vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đàm phán về chủ quyền có
thể hoãn lại để gác tranh tranh chấp qua một bên. Gác tranh
chấp qua một bên không có nghĩa là từ bỏ chủ quyền mà chỉ
tạm thời đình chỉ tranh chấp.
3. Tiến hành việc khai thác chung tại các lãnh thổ liên quan.
4. Mục đích của việc khai thác chung là để nâng cao sự hiểu
biết lẫn nhau và tạo điều kiện cho một giải pháp tối chung
về chủ quyền lãnh thổ."
Bốn điểm này xác định rõ rằng thay vì gác lại việc tranh
chấp lãnh thổ, ý niệm cùng khai thác là sách lược mà Trung
Quốc dùng để áp đặt yêu sách chủ quyền của mình lên
đối phương. Chủ quyền của Trung Quốc là kết quả mong muốn
mà họ đã vạch rõ cho bất cứ tiến trình khai thác chung nào.
Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi chẳng có nước nào
chịu đồng ý với đề nghị này của Trung Quốc.
Có lẽ là vì tính xung đột giữa các yêu sách mang tính lịch
sử và UNCLOS nên nhiều học giả khác của Trung Quốc hiện
tại đang lên tiếng kêu gọi tái xét bộ Luật Biển.
Lý Kim Minh, một giáo sư tại Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á
của Đại Học Hạ Môn, nói rằng UNCLOS có nhiều "thiếu sót"
và do đó "Trung Quốc nên suy xét kỹ tình huống của mình
trước khi thi hành UNCLOS." Điều đó có nghĩa là mặc dù Trung
Quốc đã phê chuẩn hiệp định vốn đã có hiệu lực suốt 17
năm qua này, nhưng Bắc Kinh không cần tuân thủ các điều
khoản của nó trừ phi công ước này được tu chỉnh bằng
một cách nào đó để hỗ trợ cho các yêu sách về chủ quyền
lãnh thổ của họ.
Bắc Kinh dường như muốn được đối xử như một trường
hợp ngoại lệ của luật pháp quốc tế. Họ muốn vừa ăn
bánh vừa đòi tiền. Nhưng luật pháp là luật pháp. Luật pháp
quốc tế có nghĩa lý chi khi nó không còn tính chất quốc tế,
và khi nó không còn là luật pháp?
Tháng 10, 2011
<a
href="http://namhai-truongson.blogspot.com/p/trung-quoc-lam-dung-lich-su.html">Copyright
© 2011 Nam Hải Trường Sơn</a>
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/10315), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét