src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhSbQyoyrfx-sL9FiERKGF4IunoxYpQpu9DRs_KdmV94-1ms-LaSDlyP_bEed-SL9jwhlC8OI1ZkPOOLv24jtpLft96MLBBaUy2yoqr7IqrSvlZpYGiV93riYHZPzOI1x3q5fxLYY7eHKu_/s1600/chiphuongbich1.jpg"
/>
<div class="rightalign"><em>Nhất nhật tại tù,
Thiên thu tại ngoại
(Một ngày tù,
Nghìn thu ở ngoài) </em></div>
22/8 - Ở đây ngày cũng như đêm, lúc nào cũng có mấy ngọn
đèn sáng trưng ngoài hành lang, còn bên trong buồng giam thì
không có ngọn đèn nào cả. Có lẽ vì trần hơi thấp nên họ
sợ phạm nhân tự tử bằng điện chăng? Bây giờ tôi mới
biết giường trong trại giam là một cái bệ xi măng, phía trong
là một bể nước khoảng nửa khối để hở một ô vuông chỉ
để đủ vục một gáo nước, kế đó là bệ xí – hết!
Tôi hỏi ở đây làm sao biết giờ giấc vì nằm mãi không
thấy sáng. Cô bạn tù bảo thấy tù tự giác đi quét hành lang
là mấy giờ, giao ca là mấy giờ, có tiếng xe máy là mấy
giờ, có khói bếp hun vào buồng giam là mấy giờ v.v...
Bất cứ có tiếng động nào là cô bạn tù nhỏm phắt dậy,
chổng mông, cố ghé mắt qua cánh cửa sắt để nhìn dọc hành
lang rồi thông báo cho tôi nhất cử nhất động. Tôi khao khát
mọi tin tức về đồng đội quá, cố gạn hỏi mấy cậu tù
tự giác về những người vừa bị đưa vào đêm qua nhưng
chẳng biết gì thêm. Tôi đánh liều thử gọi tên Tiến Nam thì
có ai đó quát: trật tự!
Khi khói bếp xông vào cay xè thì họ gọi tôi ra ngoài. Ra đến
khu vực thẩm vấn, tôi nhớn nhác đưa mắt tìm đồng đội
nhưng họ bắt tôi phải vào ngay phòng chờ. Trong khi chưa có
người vào làm việc với tôi, Minh Hằng và Tiến Nam chợt
bước vào. Mấy chị em mừng tủi ôm ghì lấy nhau thổn thức.
Lúc ấy tôi hoàn toàn không biết cả đêm qua chỉ có mỗi mình
tôi và Dũng phải vào phòng giam, còn tất cả mọi người vẫn
ở lại bên ngoài. Bởi vậy tất cả mọi người đều rất
thương tôi. Hóa ra vì không biết tin về nhau, nên chúng tôi
lại cứ quay ra lo lắng lẫn cho nhau mãi.
Họ không cho chúng tôi hàn huyên lâu. Minh Hằng và Tiến Nam
buộc phải quay trở ra. Cuộc hội ngộ ngắn ngủi khiến tôi
xúc động đến mức vừa tranh luận với điều tra viên vừa
nước mắt tuôn như suối. Đã khóc thì kèm theo mũi dãi khiến
tôi cứ xì xoẹt xỉ mũi làm bà lăn tay càu nhàu, ý bảo tôi
không được khóc. Tôi cáu tiết gắt:
- Ai muốn khóc làm gì chứ? Chị không chịu được thì cứ
đuổi tôi ra. Tôi oan ức thì tôi phải khóc.
Họ vẫn hỏi những điều cũ rích, vẫn giở cái trò ban đầu
ghi biên bản lời khai, khi tôi không đồng ý thì lại lấy
giấy trắng ra ghi biên bản làm việc. Rồi khi tôi không ký vì
biên bản chỉ lập 1 bản, thì ngay lập tức họ đưa tôi trở
lại phòng giam.
Trở về phòng giam, tôi linh cảm thấy việc có thể sẽ
không được đoàn tụ với anh chị em trong một thời gian dài.
Bởi vậy khi kể lại cho cô bạn tù nghe, tôi không thể nào
cầm được nước mắt. Chưa bao giờ tôi khóc nhiều đến
thế. Vừa nức nở, tôi vừa nghĩ đến ngày tự do, tôi sẽ
viết những dòng đầu tiên: nước mắt Phương Bích đã rơi,
nước mắt Minh Hằng đã rơi, nước mắt Tiến Nam và có thể
của cả nhiều anh chị em khác đã rơi không phải vì cường
quyền bạo lực, vì sự bất công mà vì tình thương yêu giữa
chúng tôi càng lớn hơn trong chốn lao tù này.
Tôi quyết định sẽ tuyệt thực để phản đối. Mặc cho cô
bạn tù khuyên hết lời, tôi vẫn nhất định không chịu ăn.
Bữa ăn trong tù làm tôi một lần nữa lại rơi nước mắt.
Chỉ vỏn vẹn một tô cơm với một tô rau muống luộc lẫn
với nước rau. Tôi hỏi rau luộc hay canh? Cô bạn tù bảo rau
luộc. Cô ấy bảo thỉnh thoảng cũng có cho được tý muối.
Tôi chỉ mấy lọ muối vừng với ruốc để ở cạnh tường
thì cô ấy bảo của bạn tù được tiếp tế thương tình sẻ
cho. Tôi hỏi sao cô ấy không được tiếp tế thì cô ấy chỉ
lắc đầu không nói.
Trong khi cô bạn tù ngồi ăn ngon lành, tôi cứ nằm nhìn cô
ấy. Không biết có chế độ giam giữ nào lại tàn nhẫn như
vậy không?. Có ông bà đại biểu quốc hội nào biết chuyện
này không? Nói thực lòng, đến con chó con mèo còn được trộn
vào bát cơm tý thức ăn mặn. Tôi vốn yêu quý tất cả các
loài vật, chỉ cần thấy chúng khốn khổ là tôi đã thắt
ruột thắt gan lại vì xót thương. Nếu họ phạm tội thì chỉ
riêng việc bị giam giữ trong 4 bức tường đã là một sự
trừng phạt lớn nhất đối với họ rồi, cần gì phải hành
hạ cả về thể xác họ như thế.
<center>* * *</center>
Thế là đã qua nửa ngày thứ 2. Tôi nghĩ gia đình tôi đã
đoán phần nào lý do đêm qua tôi không trở về. Như vậy hẳn
ở nhà đã bố trí người chăm sóc bố tôi. Khi nghĩ vậy, tôi
không còn lo lắng nữa. Giờ tôi chỉ còn nghĩ đến việc mình
sẽ đối diện với việc này như thế nào. Tôi nghĩ chắc
chắn mọi người ở bên ngoài đang rất lo cho chúng tôi, chắc
chắn họ sẽ lên tiếng đòi lẽ phải cho chúng tôi. Nghĩ vậy,
tôi yên lòng nằm xuống, uống thật nhiều nước mỗi khi thấy
đói.
Đầu giờ chiều, họ gọi tôi đi lăn tay, bảo đây là quy
định, nếu tôi không tự nguyện thì sẽ cưỡng chế. Tôi bảo
họ cứ cưỡng chế vì sức tôi làm sao mà chống lại được,
còn đương nhiên tôi chả đời nào tự nguyện lăn tay. Nhưng
đúng là tôi vẫn ngờ ngệch lắm, tôi bảo ai vào giữ tay tôi
đi này, tôi chả tự nguyện đâu, thế mà chả ai vào giữ tay
tôi gọi là lấy lệ cả. Tôi đâu khỏe như Minh Hằng, tôi mà
chống lại, có khi họ bẻ gãy tay tôi không chừng. Trong khi tôi
đang lăn tay, Trịnh Hữu Long chạy vào ôm lấy tôi. Cứ mỗi
sự quan tâm của đồng đội là khiến tôi lại chảy nước
mắt. Bà lăn tay ơ lên một tiếng bảo:
- Sao Long lại vào đây, đi ra.
Mặc dù mặt bà ấy lúc nào trông cũng khó đăm đăm, nhưng lạ
là bà ấy nói với Hữu Long rất nhẹ nhàng, gọi tên Long một
cách thân thiện. Sau khi Hữu Long ra ngoài, tôi vừa khóc vừa
bảo:
- Cô cháu tôi gặp nhau một tý thì mất gì của các chị,
thiệt hại gì cho các chị mà phải ngăn cấm. Chị trông nó
thế mà bảo nó là kẻ gây rối được à.
- Ừ, thằng bé này được lắm
Bà lăn tay công nhận. Bà ấy đi theo tôi ra tận toalet. Vừa
rửa tay, tôi vừa xỉ mũi ầm ĩ.
Thậm chí cho đến tận lúc đó, tôi vẫn đinh ninh là tất cả
8 người chúng tôi đều bị đưa vào phòng giam như nhau. Sau này
Minh Hằng bảo mọi người đều thương bà quá, vì chỉ một
mình bà với Dũng bị đưa vào phòng giam. Lúc thấy bà bị lăn
tay, thằng Long nó ra ngoài cứ gục đầu vào tường khóc, trông
tội lắm.
Đến giờ cơm chiều, tôi vẫn nhất quyết không ăn. Cô bạn
tù lấy hộp bánh bích quy ra dỗ dành tôi. Chao ôi, cái thứ đó
trong tù đối với cô ấy nó quý như vàng, thế mà cô ấy sẵn
sàng chìa nó ra cho tôi để dỗ tôi ăn. Tôi lại những muốn
ứa nước mắt, sao những người phạm tội ở đây lại tốt
đến thế, còn những người tưởng rằng lương thiện lại vô
cảm, lạnh lùng đến thế? Khi ép tôi ăn mãi không được, cô
ấy ngồi nhấm nháp cái bánh quy, cắn từng tý một và nhai
bỏm bẻm như nhai trầu. Ngay cách cô ấy cất cái hộp bánh
một cách nâng niu cũng đủ thấy nó quý giá với cô ấy như
thế nào.
Đang nằm nghĩ ngợi miên man thì họ lại gọi tôi và Dũng ra.
Vì họ bảo có đồ dùng gì thì đem theo nên tôi nghĩ họ sẽ
thả chị em tôi. Nhưng khi ra đến bên ngoài, thấy công an
đứng đông đặc, ý nghĩ đến với tôi rất nhanh, họ sẽ
chuyển chúng tôi đi nơi khác! Một người đưa trả tôi dây
giày khi tôi hỏi, nhưng khi Dũng cúi xuống định buộc giày cho
tôi thì người khác lại không cho, bắt vứt đi. Tôi thoáng
nghĩ, có thể họ sẽ chia cắt chúng tôi mỗi người một nơi,
và như thế tôi sẽ không được gặp lại mọi người nữa.
Lúc ấy tôi không hề nghĩ đến những gì sẽ chờ đợi tôi
ở phía trước, chỉ cảm thấy họ đưa tôi đi mà bạn bè tôi
không được biết, thế là tôi lao vào chỗ khu vực thẩm vấn,
định gọi to tên các bạn tôi, báo cho họ biết là chúng tôi
phải đi đây. Nhưng ngay tức khắc họ túm tôi lại, cứ như
sợ tôi chạy trốn giữa một rừng công an như thế này. Hai
người túm chặt hai bên tay tôi áp giải tôi ra ngoài, đẩy tôi
lên chiếc xe chở tù mà tôi vẫn thỉnh thoảng nhìn thấy khi
ở ngoài đời.
Trên xe có Dũng, tôi và 2 phạm nhân, một nữ một nam. Tôi im
lặng nhìn họ bập chiếc còng số 8 vào tay tôi với cô phạm
nhân trẻ, Dũng bị còng với nam phạm nhân. Nói thực lòng, cho
đến giờ phút này, tôi thấy họ phải hao tâm tổn sức, huy
động ngần ấy con người, phải dùng đến nhà tù và còng số
8 để đối phó với một con người như tôi thì quả là một
sự lãng phí ghê gớm. Tôi hoàn toàn có thể kiêu hãnh mà tự
nhận rằng lòng tôi trong sạch không một chút tỳ vết, trong
sạch hơn bất cứ một kẻ nào trong số bọn họ. Sự phẫn
nộ không bùng lên mà đang chìm xuống, âm ỉ cháy trong lòng
tôi. Tôi nghĩ đến một ngày, khi họ thấy được họ nhầm
lẫn như thế nào, thì tôi chỉ mong họ sẽ phải hối hận.
Sẽ không có chỗ cho lòng căm thù, tôi chỉ muốn ít nhất con
người ta phải biết hối hận khi làm những điều sai trái.
Đấy là lúc tôi chưa biết họ còn đến khám xét nhà tôi,
khám xét và thu giữ máy tính của tôi. Thật khó hiểu quá,
với cái tội danh gây rối trật tự công cộng như họ gán cho
tôi, mà nghiêm trọng tới mức phải ra lệnh khám xét nhà khẩn
cấp, khám xét và thu giữ máy tính thì có hợp lý không? Sao
họ không bắt vì cái tội danh nào khác cho nó bõ cái cách
thức rầm rộ mà họ đã phô trương ra như thế này?
Ngay cả hai phạm nhân trên xe cũng cảm thấy bất thường khi
thấy công an quá đông. Qua cánh cửa xe vẫn chưa khép hẳn, tôi
thấy Bùi Hằng và Tiến Nam đang chen nhau phía sau chấn song cửa
sổ nhìn ra, Minh Hằng giơ tay nói:
- Cứ bình tĩnh nhé, xem họ đưa đi đâu.
Tôi nhao người ra phía ngoài để nhìn họ cho rõ hơn, nhưng cô
phạm nhân trẻ đẩy bật tôi lại, giọng rất dữ dằn:
- Ngồi yên không tôi đập chết bà bây giờ.
Biết là gặp phải đầu gấu, tôi ngồi xuống nhìn cô ta:
- Làm gì mà dữ thế?
Cô ta lườm tôi bằng con mắt hẹp như kẻ chỉ, tôi lại bảo:
- Khiếp, sao phải lườm ghê vậy?
- Lườm bà làm đ. gì cho đau mắt tôi.
Tôi không nói gì nữa. Khi ánh nắng xuyên qua nóc thùng xe rọi
vào mặt cô gái, tôi ngồi dịch vào trong góc bảo:
- Ngồi lui vào đây cho đỡ nắng.
Cô ta không nói gì nhưng cũng dịch sát vào tôi. Trước khi xe
chạy, tôi phát hiện ra họ cũng đã đưa Minh Hằng lên trên ca
bin, cũng bị còng tay như chúng tôi. Vậy là một lần nữa
chúng tôi lại được bên nhau, ít ra điều đó làm tôi yên tâm
hơn.
Suốt dọc đường, tôi cố gắng yên lặng, chỉ thỉnh thoảng
hỏi chuyện cô gái cho không khí đỡ căng thẳng. Cả Dũng
cũng thế, cậu ấy cũng là người có cách nói rất nhẹ nhàng
ôn tồn, dường như cậu ấy chẳng bao giờ biết cáu kỉnh như
tôi. Sau này tôi mới biết là mình lầm, đằng sau cái thể
chất có vẻ yếu ớt và sự nhẹ nhàng ôn tồn ấy là một
chàng trai thực sự rất kiên cường, rất hiểu biết. Thế mà
ban đầu tôi cứ ngỡ cậu ấy chết nhát, nên đã có lúc gay
gắt với cậu ấy.
Thoạt đầu cô gái chỉ trả lời nhát gừng và trống không
trước những câu hỏi của tôi, sau thấy tôi không có vẻ ác
ý, lại tỏ ý tiếc khi biết cô ta từng trong đội tuyển bắn
cung. Cứ mỗi lúc, đôi mắt của cô gái lại mở to hơn, bớt
lỳ lợm hơn. Tôi hỏi cô ấy bao nhiêu tuổi, cô ta bảo: Hai
bốn! Ôi chao, vậy thì còn chưa bằng nửa tuổi cô.
Tôi cảm thấy rõ sự thay đổi của cô gái, thậm chí phút
cuối chặng đường, cô gái đã bắt đầu xưng cháu. Điều
đó khiến tôi vui lên, ngẫm ra mỗi con người dẫu có hung tợn
đến đâu – cô ấy kể đi tù từ khi mới 16 tuổi, chưa bao
giờ biết sợ là gì - trước sự cảm thông và chia sẻ,
người ta vẫn có thể trở nên hiền lành, nhân hậu. Lúc
xuống xe, cô gái nắm lấy tay tôi đỡ tôi xuống, cái hành
động ân cần của cô gái giang hồ ấy khiến tôi xúc động:
- Cảm ơn cháu.
Thế là tôi đã bước vào Hỏa Lò, cái địa danh tôi mới chỉ
từng nghe thấy trong đời!
Ngay đến bố, đi hoạt động từ khi cách mạng còn chưa thành
công, đối mặt với cái sống cái chết biết bao nhiêu lần,
nhưng chưa khi nào bị bắt, chưa bao giờ nếm mùi tù tội. Bây
giờ con gái bố - người đầu tiên trong gia đình, trong tất
cả các anh chị em, cô, dì, chú, bác - đã thực sự bước chân
vào Hỏa Lò!
(Còn nữa)
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9866), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét