Phương Bích - Bước chân vào chốn ngục tù (2)

<center><img src="http://danluan.org/files/u1/sub02/duyngoc-img_9483.jpg"
width="557" height="371" alt="duyngoc-img_9483.jpg" /></center>

Có điềm gì báo trước không khi tôi kiên quyết dứt khỏi
những bàn tay đang cố níu kéo tôi? Thực ra tôi không hoàn toàn
nghĩ rằng đó chỉ là do họ muốn làm tròn phận sự của
mình, mà chẳng hề vì sự an toàn của tôi. Tôi cảm nhận
được có lẽ có chút tình nào đó trong sự níu kéo ấy, nhưng
chỉ vì tôi đã quyết đi nên tôi đã khước từ…

Trời vẫn lất phất mưa bay, tôi đi thẳng một mạch ra Hồ
Gươm, không bận tâm đến việc có người nào đó vì nhiệm
vụ đang đi theo tôi. Đến cửa hàng "Hàm cá mập" tôi gọi
điện cho Minh Hằng. Khi thấy bảo có người theo tôi, hắn nói
tôi vào cà phê Thủy Tạ chờ.

Người ta đang chuẩn bị biểu diễn nghệ thuật ở quảng
trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Tôi vòng ra Thủy Tạ gửi xe rồi
vào quán. Chả thấy Minh Hằng đâu, chỉ thấy vợ chồng con
cái Bùi Quang Minh đang ăn sáng ở đó. Vừa gọi cốc ca-cao
sữa, uống được một ngụm thì Minh Hằng gọi điện bảo ra
chỗ vườn hoa Lý Thái Tổ. Lúc này vợ chồng Vân Anh cũng mới
vào quán, chưa kịp gọi đồ uống. Tôi ra thanh toán tiền rồi
chào gia đình BQ Minh, cùng vợ chồng Vân Anh đi bộ ra vườn hoa
Lý Thái Tổ. Dọc đường gặp Tiến Nam, Quang Thạch, NV Dũng và
một số người biểu tình đã quen mặt nhưng chưa nhớ tên.

<center><img
src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgNYaFjNLC6okf6netSrvXGaBtdX78cgPVayzALQfF32gKhGI-t4KKVFxstcCqA0ap7bluHCBq7fp8ZVp7r8U2Gj9HlTR0FuhKSaiiBtWVie0dG9v_MevxwhlxpElgbO3Zaw7voPnX3qNhS/s400/DSC_6065-n.JPG"
/></center>
<center><em>Phương Bích. Ngày 3.7.2011. Ảnh: GS Hoàng Xuân
Phú</em></center>

Từ Thủy Tạ ra vườn hoa Lý Thái Tổ khá xa. Khu vực Đài cảm
tử có một sân khấu, mấy cháu nhỏ đang biểu diễn, khán
giả chủ yếu là những thanh niên mặc đồng phục áo xanh? Bên
vườn hoa Lý Thái Tổ, một sân khấu nữa cũng đang được
thiết lập, khán giả cũng lại là thanh niên đồng phục áo
xanh. Bên kia đường, trên vỉa hè của bờ hồ là một đám
đông, một chiếc xe buýt đỗ cạnh đó. Tôi vừa giục mọi
người nhanh chân vừa chạy lên phía trước.

Có lẽ không kịp mất, tôi đã thấy trên xe đầy người, nửa
người Đức xoăn nhô hẳn ra phía ngoài ở ô cửa phía sau
cùng. Cả trên xe và ở dưới đường mọi người cùng đang hô
to: Phản đối bắt người yêu nước! Phản đối bắt người
yêu nước!

Tôi và NV Dũng chạy đến khi chiếc xe buýt đã đóng cửa và
bắt đầu chuyển bánh. Nhìn chiếc xe buýt mang bóng dáng những
người đồng đội của tôi xa dần, lồng ngực tôi nhộn
nhạo, cồn cào một nỗi đau đớn lẫn phẫn uất. Tôi bất
lực nhìn ngang nhìn dọc xem có những ai tôi quen mặt, nhưng
dường như mắt tôi đã mờ đi nên tôi chả nhận ra ai. Một
chiếc xe buýt khác trờ tới. Bên cạnh tôi lại chợt nhốn
nháo, đám đông đang xô đẩy, giằng co cái gì đó, nhiều
tiếng thét vang lên: Phản đối xé cờ, Phản đối xé cờ. Ngay
lập tức tôi nhào vào, cố rướn người đập vào những cánh
tay đang giằng giật lá cờ. Tôi chỉ vào mặt gã thanh niên
bặm trợn chỉ đáng tuổi con tuổi cháu mình đang bị bà con
xâu xé hét lên: Mày muốn xé cờ phải không? Muốn xé cờ
phải không?

Thấy người dân phản ứng dữ dội trước hành động xúc
phạm lá cờ, viên chỉ huy ra lệnh cho đám trật tự buông lá
cờ ra. Mọi người bắt đầu lùi lên đứng trên vỉa hè. Tôi
quay người lại, hy vọng tìm những gương mặt quen thuộc đi
cùng tôi ban nãy - sau này nhìn ảnh trên mạng thấy tôi đang
bước về phía sau, và sau lưng tôi, đám trật tự đang túm
lấy một thanh niên mặc áo đỏ.

Tôi vốn là người chẳng thích xía vào chuyện của người
khác, nhưng khi đi biểu tình, hễ ai bị bắt là thế nào tôi
cũng nhào vô phụ bà con một tay giành lại người. Vì tôi tin
vào chính nghĩa của mình, nên tôi chẳng hề sợ hãi ngay cả
khi họ túm lấy tôi tống lên xe buýt. Dẫu họ có chưa tống
tôi lên thì tôi cũng phải chen bằng được lên, vì ở đó có
đồng đội của tôi, làm sao tôi không ở bên cạnh họ
được.

Lần này thì không phải cầu được ước thấy, tôi cho rằng
hôm ấy họ đã chủ tâm bắt tôi. Chẳng phải vì tôi là một
kẻ nguy hiểm gì, nhưng thời gian qua, việc tôi viết một số
bài tường thuật một cách trung thực các cuộc biểu tình,
được cư dân mạng tỏ lòng mến mộ. Cư dân mạng cũng nhận
ra tôi hay cầm loa hô khẩu hiệu, thường đi cùng với Minh
Hằng – có người gọi hắn là "Hoa bất tử" của cuộc
biểu tình. Có lẽ chính vì điều này khiến họ ngứa mắt
chăng?

Có thể người nào đó nói rằng cư dân mạng họ tán dương,
tâng bốc những người như chúng tôi để chúng tôi phổng mũi
mà lăn xả vào đấu tranh thay họ… Thú thực tôi chả quan tâm
đến việc phải thanh minh thanh nga gì. Sống hơn năm mươi năm
trên đời, tuy chưa đủ quá già để nói những lời triết lý,
nhưng thực sự tôi là kẻ không hám danh hám lợi, chỉ thích
sống thu mình trong một thế giới hoàn toàn riêng tư và cách
biệt. Nếu như không có chuyện báo chí đưa tin tàu Bình Minh
bị phía Trung Quốc cắt cáp – một hành đồng gây hấn đầy
thách thức láo xược, để rồi từ đó tôi lần mò vào mạng,
chứng kiến cuộc thảm sát chiến sĩ ta trên bãi đá Gạc Ma –
thì tôi vẫn mãi sống trong cái thế giới của riêng tôi.

Chiếc xe buýt đưa chúng tôi đi lòng vòng quanh
thành phố. Sau này qua nhiều sự việc, tôi mới cảm thấy có
vẻ họ sợ việc bắt giữ này sẽ khiến người biểu tình
tập trung với số đông để đòi người như vụ giải cứu
Nguyễn Tiến Nam tại trụ sở công an phường Tràng Tiền lần
trước. Từ việc nhỏ suy ra việc lớn, chuyện giữ nước của
cha ông ta cũng thành công khi vua tôi đoàn kết trên dưới một
lòng, thất bại khi nội bộ chia rẽ, hoặc không đủ tâm và
tín để quy tụ sức mạnh toàn dân.

Khi nhận ra xe lại hướng về Mỹ Đình, mọi người đều vui
mừng vì sẽ được gặp lại người trên xe trước. Trên xe,
khi hô phản đối bắt người yêu nước, đả đảo Trung Quốc
xâm lược, tôi chợt thấy nghẹn ngào, không hô tiếp được
nữa. Bé Cải đến gần tôi, giọng miền Trung như dỗ dành
rất dễ thương:

- Sao cô Bích lại khóc?

Tôi muốn nói rằng tôi khóc vì uất ức, vì thương tất cả
chúng tôi. Tôi không quen nhìn thấy cảnh người với người
đối xử với nhau tàn nhẫn thế. Những người già, hay phụ
nữ như chúng tôi đều là những kẻ dễ bị tổn thương
nhất. Chỉ một lời to tiếng cũng đủ làm chúng tôi đau lòng,
cần gì phải dùng đến sức lực võ biền của những gã thanh
niên chỉ đáng tuổi con tuổi cháu mình như thế.

Xuống đến đồn công an Mỹ Đình, tôi không nhìn thấy ai trong
số đoàn biểu tình đứng trên sân mà chỉ toàn công an với
số lượng đông bất thường. Họ đưa chúng tôi lên phòng
họp tầng 2. Ngồi chán chê, họ gọi một bác lớn tuổi tên
là Dần, tôi, Thạch, Dũng, Tiến Nam ra ngoài. Tưởng lại gọi
đi khai báo gì đó, hóa ra họ đưa chúng tôi lên xe đưa về
công an quận Hoàn Kiếm. Tôi vừa đi vào, vừa ngắm nghía nơi
mà Minh Hằng đã kể cho tôi nghe, khi hắn bị bắt hôm xử phúc
thẩm tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, bị đưa về đây giữ 9 tiếng
rồi thả.

Khu thẩm vấn là một dãy những căn buồng nhỏ, bên trong mỗi
căn buồng là một chiếc bàn gỗ, một cái ghế dài dành cho
người bị bắt và một chiếc ghế tựa dành cho các "vị quan
tòa". Qua những cánh cửa mở he hé, tôi nhìn thấy Minh Hằng,
Đức xoăn, Trịnh Hữu Long. Lòng tôi chợt dịu lại. Dù gì thì
chúng tôi lại được ở bên nhau. Mới chỉ cùng nhau đi biểu
tình chưa đến 10 lần, chưa biết gì nhiều về nhau, nhưng tôi
đã kịp mến yêu và cảm phục những con người này. Họ chưa
một lần lên mạng nói về bản thân mình, dù chỉ là kể
chuyện đi biểu tình. Nhìn những gương mặt sáng sủa, thông
minh, nhân hậu của những chàng trai trẻ, sẵn sàng từ bỏ
những thú vui chơi, như hàng triệu thanh niên bây giờ vẫn đang
chìm đắm trong đó, để đến mỗi buổi sáng chủ nhật, lại
thể hiện hết mình sự bất bình như vốn dĩ nó phải thế
trước việc dân tộc mình bị sỉ nhục, bị ức hiếp…. Cảm
ơn những Đức xoăn, những Trịnh Hữu Long, Tiến Nam, Phương,
Dũng và những chàng trai, cô gái yêu quý khác tôi không kể
được hết tên, đã khiến tôi chưa mất hẳn niềm tin vào
thế hệ trẻ hôm nay.

Trong lúc ngồi đợi ngoài hành lang, tôi nghe thấy tiếng Minh
Hằng gào to bất thường trong căn buồng đầu dãy. Tôi đứng
bật dậy, bảo tay công an đang canh giữ chúng tôi:

- Để tôi vào trấn an cô ấy

Có lẽ họ cũng sợ ầm ĩ nên đồng ý để tôi vào. Minh Hằng
đang ngồi thở dốc, nước mắt đầm đìa. Tôi vuốt vai hắn
nghẹn ngào nói:

- Mình đây, bình tĩnh, bình tĩnh, có mình đây.

Minh Hằng chợt ôm choàng lấy tôi ghì chặt như thể sợ tôi
biến mất. Thế là chính tôi mới lại là người tru lên tức
tưởi. Cả hai chị em chúng tôi ôm chặt lấy nhau khóc rống
lên khiến bọn họ hoảng sợ tách vội chúng tôi ra. Tôi cố
dặn hắn trong nước mắt:

- Bình tĩnh nhé.

<center> * * *</center>

Đêm qua thức cả đêm, từ sáng lại chưa ăn uống gì, tôi
mệt rũ cả người. Họ thay phiên nhau hỏi chúng tôi ba lần,
mỗi lần một người khác nhau. Thoạt đầu tôi thắc mắc tại
sao họ không dùng ngay những lời khai báo ban đầu mà cứ hỏi
đi hỏi lại thế. Sau thì đoán họ làm thế để kiểm tra xem
chúng tôi có gian trá gì không, bởi sự thật thì có nói đến
một nghìn một vạn lần cũng không thể thay đổi được.

Nhân học được chút ít kinh nghiệm trên mạng, tôi tuyên bố
không ký vào biên bản ghi lời khai, không ký khi biên bản làm
việc không được lập thành 2 bản để tôi được giữ một
bản. Tôi nói giờ tôi chẳng thể tin được chính quyền, bởi
những chuyện làm sai lệch hồ sơ của các ngành chức năng là
hoàn toàn có thật, chưa nói đến việc nguyên tắc khi lập
biên bản, có bao nhiêu bên tham gia thì phải lập bấy nhiêu
bản. Có một điều nữa tôi nhận thấy các điều tra viên
luôn có xu hướng giảm nhẹ những lời tố cáo khi họ luôn
viết không đúng lời nói của tôi. Nếu tôi nói là tôi phản
đối hành vi xúc phạm lá quốc kỳ của các nhân viên bảo vệ
thì họ lại ghi là hành động thu giữ cờ. Tôi hỏi việc
giật cờ với thu giữ cờ có giống nhau không? Lá cờ Tổ
quốc là tang vật phạm tội hay sao mà phải thu giữ? Hoặc họ
viết như vô tình để tôi nhận tội gây rối trật tự công
cộng như họ muốn.

Tôi thật ngây thơ khi nghĩ rằng mình bộc bạch hết lòng
mình thì họ sẽ hiểu mình. Thậm chí họ bảo tôi nhận thức
tốt thế, chưa kịp phấn khởi thì họ lại hỏi: vậy tại sao
tôi lại còn làm thế - họ tránh nói việc tôi đi biểu tình.
Tôi chán hẳn, rõ ràng họ không được phép nghĩ khác, họ
giống hệt như một cỗ máy, chỉ được nói theo một lập
trình đã được định sẵn như là đã có đảng và nhà nước
lo, là các thế lực thù địch lợi dụng v.v… bất chấp
những chứng cớ tôi dẫn ra là tuyên bố của ông Nguyễn Đức
Nhanh trước báo chí thừa nhận đây là biểu tình yêu nước,
chối bay chối biến cái clip đạp vào mặt Chí Đức là không
có thật, và im lặng khi tôi hỏi vậy tại sao đại úy Minh
lại bị đình chỉ công tác.

Không một ai trong số chúng tôi đoán được họ sẽ làm gì
với chúng tôi. Không nhớ từ lúc nào có thêm cậu Quyền nhập
bọn với chúng tôi, cậu ấy vẫn mặc cái áo sơ mi bị xé
rách tay từ vụ bị bắt lần trước. Cậu ấy bảo bây giờ
mỗi lần đi biểu tình, em sẽ lại mặc cái áo này.

Thời gian cứ trôi đi, ánh nắng chiều nhạt dần rồi tối
thẫm sau ô cửa sổ trên cao mà chúng tôi vẫn phải ngồi đó.
Tôi quá đỗi bồn chồn lo lắng cho bố tôi, giờ này đã đến
lúc cụ phải ăn cơm chiều mà tôi vẫn còn ngồi ở đây.
Thức ăn thì có sẵn trong tủ lạnh, nhưng một ông già 88 tuổi
làm sao biết chế biến thức ăn? Tôi hỏi một phụ nữ trẻ
mặc thường phục, có ai là chỉ huy ở đây không, cốt để
xin được gọi điện về nhà cho mẹ lên chăm sóc bố tôi.
Người phụ nữ trẻ không nhìn tôi, lạnh lùng đáp trống
không trước khi bỏ đi:

- Không biết.

Minh Hằng thấy thế bèn dẩu mỏ lên chỉ trích thái độ vô
cảm và thiếu lễ độ của người phụ nữ kia. Thật bất
ngờ, cô ta quay ngay lại:

- Con kia! Mày không im mồm, tao mà không là công an tao tát vỡ
mồm mày bây giờ.

Nếu so về tuổi tác, cô ta có lẽ kém Minh Hằng hơn cả chục
tuổi. Chả thế mà Minh Hằng bảo chỗ này nó giống như sào
huyệt của mafia hơn là trụ sở công an. Tôi chẳng còn thấy
bất ngờ trước những gì diễn ra ở đây nữa.

(Còn nữa)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9851), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét