ý tưởng cải cách trong Đảng thì thiếu vắng và tình hình
theo nhiều người là vẫn <em>"chưa đủ xấu"</em>. Nếu
không xuất phát từ nhu cầu cải cách, việc sửa đổi Hiến
pháp chỉ là vá víu. Rất tiếc là Đảng Cộng sản Việt Nam
thường chỉ chấp nhận cải cách khi bị dồn tới chân
tường, Đại hội VI năm 1986 là ví dụ.
Chỉ chưa đầy 5 thập niên (1946-1992), Việt Nam có 4 lần thay
Hiến pháp. Năm 1959, khi môi trường chính trị để vận hành
một nhà nước dân chủ và đoàn kết toàn dân theo Hiến pháp
1946 không còn, Đảng Cộng sản hình thành ở miền Bắc một
nhà nước do <em>"giai cấp công nhân lãnh đạo"</em>. Tháng
6-1976, sau khi chiến thắng người anh em ở miền Nam, trong tâm
thế <em>"ta đang tới đỉnh cao nhân loại"</em>, Quốc hội
Thống nhất quyết định thay thế Hiến pháp 1959, thiết lập
trên cả nước một nhà nước chuyên chính vô sản hơn. Nhưng,
đường lối Đại hội Đảng lần thứ IV và mô hình nhà
nước theo Hiến pháp 1980 đã nhanh chóng đưa Việt Nam tới chỗ
bế tắc. Đảng phải tìm lối thoát bằng cách chia tay với mô
hình copy từ Liên xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.
Hiến pháp 1992 đã từ bỏ bớt quyền lực tập trung. Từ chỗ
không thể đưa ký gạo từ quê lên, đến thập niên 1990,
người dân đã có thể lập công ty, được đi lại, được ra
cả nước ngoài mua bán. Trong kinh tế cũng như trong chính trị,
một quốc gia chỉ trở nên thịnh vượng khi người dân thực
sự có quyền. Bản chất của <em>"đổi mới"</em> mà Đảng
thường nói đến như một công lao chỉ đơn giản là trả lại
cho người dân một phần quyền, trong đó có quyền được tự
lo lấy cơm ăn, áo mặc.
Khi Quốc hội công bố sửa đổi Hiến pháp 1992, nhiều người
đề nghị: Thay vì quan niệm Hiến pháp là đạo luật cơ bản
của Nhà nước, nên thiết kế Hiến pháp như một bản khế
ước xã hội, theo đó, <em>"con người chính thức đánh đổi
quyền tự do tự nhiên để trở thành một công dân, chính
thức trao một phần quyền tự do quyết định của mình vào tay
một số người cầm quyền để có được sự chở che của xã
hội"</em>. Tuy nhiên, chỉ trong một chế độ thực sự dân
chủ, hiến pháp cũng như các đạo luật khác mới trở thành
một khế ước. Đảng biết trước câu trả lời khi các vấn
đề sau đây phải trưng cầu dân ý: Điều 4; quyền tư hữu
về ruộng đất cho người dân; mô hình chính trị…
Quyền sửa đổi Hiến pháp 1992 chưa thuộc về nhân dân mà
đang ở trong tay Đảng Cộng sản Việt Nam, thay vì kiến tạo
một nhà nước pháp quyền (rule of law), bản Hiến pháp mới
chỉ có thể là bộ luật cơ bản để tiện bề "quản lý"
(rule by law). Ngay cả trong điều kiện đó thì Đảng cũng phải
biết mình muốn tổ chức một nhà nước theo mô hình nào: Tản
quyền hay tập quyền? Cộng hòa tổng thống hay cộng hòa nghị
viện? Mô hình ít xáo trộn nhất với điều kiện hiện nay là
cộng hòa bán tổng thống: Chủ tịch nước vừa là nguyên thủ
quốc gia vừa đứng đầu chính phủ nhưng chỉ nắm các quyền
ngoại giao và an ninh, quốc phòng; Thủ tướng tập trung lãnh
đạo các vấn đề kinh tế. Chủ tịch nước có thể được
bầu bởi 2/3 đại biểu quốc hội hoặc được bầu bởi số
phiếu quá bán của quốc hội cùng toàn thể đại biểu các
hội đồng nhân dân ở cấp thành và cấp tỉnh.
Nhưng trước hết, cải cách phải được tiến hành trong
Đảng. Đội ngũ cán bộ Đảng nên được phân công theo
hướng: Có những người làm công tác Đảng chuyên trách và có
những người được Đảng đưa sang ứng cử các chức danh nhà
nước. Những người chuyên trách ở cấp Trung ương được
gọi là Ban Bí thư, gồm các chiến lược gia, chịu trách nhiệm
tìm kiếm nhân sự cho Đảng và chuẩn bị các vấn đề lý
luận. Các văn kiện của Ban Bí thư chỉ có giá trị lưu hành
nội bộ.
Đại hội của Đảng nên diễn ra theo hai vòng: Vòng một, tổ
chức tranh cử trong Đảng để bầu các ứng cử viên ra ứng
cử đại biểu hội đồng nhân dân (ở các đảng bộ địa
phương) và ứng cử đại biểu Quốc hội (ở đảng bộ toàn
quốc). Số lượng ứng cử viên mà Đảng bầu ra phải nhiều
gấp đôi số đại biểu cần thiết. Những ứng cử viên của
Đảng trúng cử đại biểu Quốc hội đương nhiên trở thành
trung ương ủy viên. Sau bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân
dân, Đảng tổ chức đại hội vòng hai để cho các Trung ương
ủy viên ra tranh cử ứng cử viên chức Chủ tịch nước và
các ủy viên Bộ Chính trị. Đại hội giới thiệu ít nhất hai
ứng cử viên để bầu Chủ tịch nước. Ai đắc cử Chủ
tịch nước người đó đương nhiên trở thành Tổng Bí thư.
Chủ tịch nước sẽ lập nội các bao gồm các thành viên trong
Bộ Chính trị.
Quốc hội chỉ nên có không quá 400 người, trong đó: những
đại biểu được bầu từ <em>"bảng A"</em>, gồm các ứng
cử viên của của Đảng và những đại biểu được bầu từ
<em>"bảng B"</em>, gồm các ứng cử viên độc lập. Chưa
thể hy vọng bầu cử tự do được thiết lập trong lần sửa
Hiến pháp này, nhưng nếu Đảng dành cho các ứng cử viên
độc lập khoảng 100 ghế trong Quốc hội thì Đảng vẫn nắm
quyền quyết định nhưng nhân dân sẽ có tiếng nói; các vấn
đề kinh tế, xã hội sẽ được mổ xẻ, lương tri của các
đại biểu là trung ương ủy viên sẽ được đánh thức; quy
trình quyết định được giám sát chính trị một cách chặt
chẽ hơn, tránh được các rủi ro do áp đặt và thiếu phản
biện khi ban hành chính sách.
Tất cả ứng cử viên tất nhiên phải là công dân Việt Nam,
nhưng hiện có hàng triệu người Việt đang sống ở nước
ngoài và nhiều người trong số họ đang có hai quốc tịch. Nên
quy định, chỉ những công dân Việt Nam không mang quốc tịch
khác, hoặc đã từ bỏ quốc tịch khác, đã định cư trong
nước ít nhất là 5 năm trước ngày bầu cử mới được
quyền ứng cử. Chỉ có một đảng thì không thể đòi những
cuộc bầu cử có hàm lượng dân chủ cao. Nhưng nếu những
người tự ứng cử không được Đảng ủng hộ bị loại ra
khỏi cuộc chơi bằng tổ dân phố và mặt trận tổ quốc thì
không nên tổ chức bầu cử làm gì cho tốn kém.
Có thể áp dụng quy trình hiện hành đối với những người
được Đảng đưa ra đề cử. Nhưng những ứng cử viên độc
lập thì chỉ cần thu thập đủ một lượng chữ ký tùy theo
đơn vị bầu cử: nếu ở các thành phố lớn thì có thể 10
nghìn; nếu ở miền núi thì có nơi chỉ cần 500 đến 1000 chữ
ký. Tất cả các đại biểu Quốc hội, trừ những người tham
gia nội các, là Trung ương ủy viên hay đại biểu độc lập,
đều có quyền ngang nhau. Họ vừa có văn phòng làm việc ở Hà
Nội và ở nơi ứng cử. Nội các và các đại biểu Quốc hội
đều được bố trí nhà công vụ ở Thủ đô, hết nhiệm kỳ
thì bàn giao lại cho những người kế tiếp.
Theo mô hình này, quyền lực được phân bớt cho các địa
phương. Chính quyền trung ương chỉ nắm những quyền đủ để
kiểm soát sự phát triển thống nhất của quốc gia. Các tỉnh
trưởng không nhất thiết tham gia Ban chấp hành Trung ương,
nhưng nhiều người trong số họ có thể là ứng cử viên hàng
đầu của chức Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ kế tiếp.
Tòa án bao gồm: tòa địa phương, xử các tội hình sự liên
quan đến giựt dọc, trộm cắp… thẩm phán tòa này do tỉnh
trưởng bổ nhiệm, được phê chuẩn bởi hội đồng nhân dân;
tòa quốc gia, xử các tội đại hình, các tội tham nhũng và
các tội phạm về chức vụ… thẩm phán tòa này do Chủ tịch
nước bổ nhiệm, Quốc hội phê chuẩn. Các ứng cử viên thẩm
phán bao gồm các luật sư danh tiếng hoặc các thẩm phán liêm
chính được chọn từ tòa dưới. Chính quyền Trung ương chỉ
cần có bộ an ninh và cục điều tra quốc gia. Trừ những vụ
việc thuộc thẩm quyền xét xử của các tòa địa phương,
quyền điều tra nằm trong tay cục điều tra quốc gia. Lực
lượng cảnh sát nên giao về cho địa phương, căn cứ tình
hình, các địa phương sẽ quyết định lương thưởng, biên
chế… Những thành phố đông dân như Sài Gòn sẽ tuyển đủ
lực lượng cảnh sát cần dùng thay vì đưa thanh niên xung phong
ra điều hành giao thông. Ở những địa phương mà người dân
sống thân thiện với nhau họ có thể thay cảnh sát bằng vài
<em>"hiệp sỹ"</em>.
Quân đội chỉ được xây dựng theo nguyên tắc chính quy, tinh
nhuệ, chỉ được dùng để bảo vệ nhân dân và từng tấc
đất của ông cha. Cho dù ai nắm quyền thì quân đội cũng chỉ
trung thành với tổ quốc. Quân đội mà lo bảo vệ Đảng hơn
bảo vệ biên cương, thì khi chính trị trong nước không ổn
định, Trung Quốc sẽ thừa cơ chiếm đảo.
Theo mô hình này, chỉ có một người thực sự là nguyên thủ
quốc gia thay vì có tới 4 nhân vật được hưởng chế độ
nguyên thủ như đang áp dụng. Trừ các vấn đề liên quan đến
công tác Đảng do Ban Bí thư đảm trách, các quyết định của
Bộ Chính trị đồng thời là quyết định của nội các. Không
cần qua giai đoạn <em>"thể chế hóa"</em> mới có giá trị
thi hành. Nó không chỉ chịu sự giám sát của Ban chấp hành
Trung ương mà còn chịu sự giám sát của các đại biểu độc
lập. Chức năng không bị trùng lắp, quy trình ban hành các
quyết định được rút ngắn, địa chỉ để quy trách nhiệm
cũng rõ. Vai trò lãnh đạo của Đảng cũng tương đối chính
danh vì các nhà lãnh đạo chỉ có thể trở thành Tổng Bí thư,
ủy viên Bộ chính trị, ủy viên Trung ương sau khi được
<em>"nhân dân phúc quyết"</em>.
Cho dù tiếp tục giữ quyền viết Hiến pháp thì Đảng cũng
hãy vì sự thịnh vượng của quốc gia mà chia sẻ bớt quyền
lực cho nhân dân. Đừng nghĩ là tình hình chưa đủ xấu.
Đừng nhìn các mâu thuẫn xã hội dựa trên các báo cáo hay
dựa trên mấy câu leo lẻo của những người vẫn tới tặng
quà: <em>"Anh lãnh đạo chúng em làm ăn được"</em>. Nhân dân
đang bị nhũng nhiễu. Cái ác đang hoành hành. Nhiều "chức
năng" đang phải vận hành bằng tiền bạc trong khi đa số
nhân dân thì thiếu tiền nhất là tiền để mưu cầu công lý.
Nên nhớ là những cuộc nổi dậy thường bắt đầu từ những
uất ức của người dân trước những bất công chứ không
phải từ những trí thức đang lên tiếng nhằm thức tỉnh
chính quyền. Thay vì đào những đường hầm để thoát thân khi
có biến như Gaddafi, ngay bây giờ hãy khai thông các lối ra cho
toàn dân tộc.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9840), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét