Nguyễn Xuân Xanh - Lá thư hè Singapore

<div class="rightalign">Tháng 7, 2011</div>

Thưa các Anh Chị,

Đầu tháng 7 vừa qua tôi (và gia đình) vừa đi chơi ở Singapore
một tuần nhân con chúng tôi nghĩ hè. Đây là lần đến thăm
Singapore sau hơn 10 năm. Chúng tôi được gặp các anh Vũ Minh
Khương và Giáp Văn Dương tại nhà riêng trong một buổi cơm
tối và trò chuyện thân mật. Những ngày còn lại cả gia đình
đi "ta bà" để tham quan, đi đến rã cả chân. Singapore không
mất đi vẻ thu hút mãnh liệt đối với tôi. Tôi xin ghi lại
vài ấn tượng và suy nghĩ hời hợt gửi đến Anh Chị, và
cũng như từ góc độ Singapore tìm hiểu xem tại sao Trung Quốc
như thế mà Việt Nam không như thế.

<center>(I)</center>

Chắc nhiều Anh Chị ít nhiều đã đến Singapore. Một người
bạn tôi từ Canada bảo những năm đầu 80 anh ấy đến Singapore
vì công việc, mỗi lần đến đó thì tâm hồn "tan nát" khi
nghĩ đến hoàn cảnh Việt Nam. Singapore chỉ cách Sài gòn 1.45
giờ bay, giống như Hà nội. Thế mà sao sự khác biệt lại kinh
khủng thế?

Ai xây thành phố nhà nước này? Singapore có nhiều chủng tộc
chủ yếu Hoa, Malay và Ấn. Nhưng cả thành phố không hề có
vẻ châu Á chút nào, mà nó "Tây" một trăm phần trăm, trừ
những khu Tàu, khu Ấn nhỏ truyền thống vẫn còn tiếp tục
hoạt động.

Cái cảm giá đầu tiên là đường phố rất rộng, mật độ
đường phố rất lớn, trong khi diện tích của đảo quốc rất
nhỏ, chỉ 694km2, xe cộ chạy liên tục không kẹt lúc nào (có
lẽ cũng kẹt đôi chút vào những giờ cao điểm), rất thông
thoáng, không hề nghe tiếng còi xe inh tai như ở Việt Nam. Trong
khi đó TP HCM có diện tích 2,095 km2 gấp hơn 3 lần Singapore,
đường xá lại rất chật hẹp, mật độ đường lại quá
nhỏ. Ô tô ở Singapore chạy vù vù như mắc cưởi, giống như
trong roller coaster, rất nhanh, đến 80 miles/ giờ trong trung tâm,
100 miles ngoài trung tâm. Ai chưa quen tốc độ sẽ sợ hãi; nhưng
một hồi rồi thấy mọi người đều lái rất đúng luật,
chính xác và an tòan. Hệ thống đường giao thông của Singapore
là 3D, trong khi hệ thống đường giao thông ở Việt Nam chỉ là
2D, hay bị tắc nghẽn nặng nề vào những giờ cao điểm. Tôi
cho ai thiết kế hệ thống đường giao thông của Singapore là
rất thông minh, và không phải dễ thiết kế được hệ thống
đường xá như thế. Hệ thống đường giao thông giống như
hệ thống các mạch máu chằng chịt lan tỏa khắp nơi để
đưa máu nhanh chóng đến tất các bộ phận cơ thể. Chưa nói
đến hệ thống tàu điện ngầm MRT, hệ thống xe búyt của
Singapore rất hữu dụng. Không có một hệ thống giao thông
thông minh như thế, thì không thể có được thành phố hiện
đại, trung tâm tài chính, thương mại. So với cơ sở hạ tầng
của Singapore, thì cơ sở hạ tầng của Việt Nam quả là còn
primitive.

Cảm giác thứ hai là toàn bộ thành phố đều được phủ xanh
một cách rất thông minh và khoa học. Không có một tấc đất
nào của Singapore mà không có sự chăm sóc của bàn tay con
người; không có khái niệm "đất hoang" ở đây. Họ có
rất nhiều chủng loại cây thích hợp cho thành phố, và họ
trồng cây xanh nhiều tầng như rừng nhiệt đới, tạo nên
mảng thiên nhiên dầy đặc khắp nơi. Cây đẹp, tàn to tạo
bóng mát, nhưng không quá cao gây nguy hiểm như các loại cây sao
Pháp đã trồng lâu đời ở Việt Nam. Người ta có ngay cảm
tưởng dễ chịu khi ra khỏi phi trường, rằng mình đang sống
trong thành phố công viên tươi mát có bàn tay thiết kế và
chăm bón tuyệt diệu của con người. Phần lớn các nước châu
Á không để ý đến cây xanh. Lý Quang Diệu ngay từ đầu đã
có kế hoạch làm xanh cả đất nước như một chương trình
lớn. Ông mời chuyên gia cây cỏ nước ngoài đến nghiên cứu
thổ nhưỡng và biện pháp, gửi người đi tìm khắp những nơi
có khí hậu gần giống Singapore để mang về những giống cây
làm giàu cho thảm thực vật họ. 8000 giống lạ được mang về
Singapore và 2000 trong đó đã sống được. Singapore cũng giải
quyết vấn đề ô nhiễm không khí rất tốt. Công viên chim,
Bird Park, rất ấn tượng, được đặt ngay bên cạnh trung tâm
công nghiệp lớn Jurong, nếu không xử lý khí thải thì mấy con
chim kia chắc sẽ không sống được lâu.

Cuộc xanh hóa của Singapore đã được lãnh đạo các nước lân
bang "bắt chước": Mahathir xanh hóa Kuala Lumpur, Suharto Jakarta,
Marcos Manila, Thanin Bangkok, tất cả vào những năm cuối 70.

Các công trình văn hóa ấn tượng của Singapore không chỉ là
dành cho du khách để kiếm tiền, mà còn để giáo dục con
người Singapore. Chẳng hạn như những công trình Công viên chim,
Sở thú, Safari đêm, Vườn Bách thảo, Trung tâm khoa học (Science
Center), Lịch sử Singapore (Images of Singapore, một công trình rất
ấn tượng tại khu vui chơi Sentosa) đều có tính giáo dục rất
cao…. Học sinh và thầy cô Việt Nam muốn học hỏi về khoa
học, cây cỏ, sinh vật, lịch sử chỉ có nước qua Singapore,
chứ không nơi nào ở Việt Nam có những công trình giáo dục
cụ thể và qui mô như thế. Đó là những công trình ấn
tượng mà du khách có thể tham quan cả ngày, cả tuần. Thật
thấy thương học sinh Việt Nam.

Vì sao với một đảo quốc nhỏ, khi tách khỏi Malaysia vào năm
1965 chỉ có 2 triệu dân (và hiện nay khoảng 3.2 dân, cộng với
người nước ngoài đến làm việc là 5.1 triệu), mà Ông Lý
Quang Diệu đã làm nên lịch sử? Thời thế tạo anh hùng, hay
anh hùng tạo thời thế? Tại sao trong khoảng 2 thập kỷ thôi,
Ông Lý Quang Diệu đã thay đổi hẳn những tật xấu cổ
truyền của các dân tộc sống trên đó như khạc nhổ, xả
rác, gây tiếng ồn, tính thô bạo trong cư xử, làm ăn gian
dối… để biến họ thành những người văn minh, đối xử ân
cần và lịch sự với nhau? Ông đã từng bước dẹp nạn taxi
dù và tệ bán hàng rong trên hè phố, đặc biệt trước các
cổng trường, tệ dắt bò đi ăn vào thành phố gây tai nạn
chết người, tệ đốt pháo vào ngày tết cổ truyền Trung
Quốc gây thiệt hại về con người và tài sản. Xây dựng cơ
sở hạ tầng thành phố mới dễ hơn nhiều thay đổi thói quen
cố hữu của người dân. Nhưng ông đã khôn ngoan làm được.

Lý Quang Diệu kể lại tệ khạc nhổ của người Trung Quốc.
Đó là trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông tại
Đại sảnh đường nhân dân (Great Hall of the People) năm 1976 tại
Bắc Kinh, ông nhận thấy có các ống nhổ được đặt tại
các phòng họp nơi tiếp ông. Một số vị lãnh đạo đã sử
dụng các ống nhổ này. Khi Đặng Tiểu Bình đến thăm Singapore
năm 1978, phía Singapore đặt một ống nhổ màu trắng xanh thời
nhà Minh cạnh ghế ông trong phòng họp cho ông sử dụng. Nhưng
ông không sử dụng, có lẽ ông đã nhận ra rằng người Hoa ở
Singapore đã không còn khạc nhổ nữa. Đến lần thăm tiếp
của ông tại Bắc Kinh năm 1980, tức bốn năm sau, ông không còn
thấy các ống nhổ đặt tại các phòng họp nữa. Vài năm sau
ông tiếp một chính khách khác của Trung Quốc đặc trách kinh
tế tại Singapore, Lý Quang Diệu nhắc lại việc các lãnh đạo
Trung Quốc không còn sử dụng ống nhổ nữa như một điều
tốt. Nhưng vị khách này tiết lộ với ông, đó chỉ là hình
thức thôi, chứ các vị lãnh đạo vẫn còn tiếp tục sử
dụng ống nhổ trong phòng làm việc của họ!

Singapore vừa là trung tâm tài chánh, vừa là một điểm du lịch
hấp dẫn (chưa nói đến các chức năng khác như giáo dục,
công nghệ, cảng trung chuyển vùng). Người ta chờ đợi
Singapore sắp tới sẽ trở thành trung tâm quản lý tài chánh
lớn nhất thế giới vượt cả Thụy Sĩ. Với số dân khiêm
tốn 3.2 triệu dân, Singapore có đến gần 12 triệu khách du
lịch, gấp 4 lần số khách du lịch đến Việt Nam (Việt Nam
dân số trên 85 triệu, có số khách du lịch chỉ khoảng 3
triệu). Người ta bảo rằng 4 (hay 5) người khách du lịch đủ
nuôi sống 1 người Singapore.

<center><img
src="http://www.hillssvl.com.au/assets/Uploads/News/Hills-SVL/DTS-Light-Marina-Bay-Sands/Marina-Bay-Sands-3.jpg"
/></center>

<center><em>Khách sạn mới xây Marina Bay Sands, có kiến trúc
chiếc tàu ở phía trên, giống như stonehenge ở Anh. Vé đi lên
chiếc tàu này là S$20/ người chỉ để ngắm cảnh thôi! Giá
ngủ một đêm ở đây khỏang 1.000 USD.</em></center>

Ngay từ đầu lập quốc, Ông Lý Quang Diệu đã quyết tâm làm
cho Singapore khác biệt các nước thế giới thứ ba một cách
triệt để và nhanh chóng, và có tham vọng phải tiến lên thế
giới thứ nhất. "Một nhánh của chiến lược tôi là biến
Singapore thành một oasis của Đông Nam Á, bởi vì nếu chúng ta
có các tiêu chuẩn của thế giới thứ nhất, thì doanh nhân và
khách du lịch sẽ sử dụng đất nước chúng ta thành một bàn
đạp cho hoạt động kinh doanh và các tour du lịch trong khu
vực." Tiếp đến là phải thay đổi hẳn thói quen cổ truyền
cản trở của hai triệu dân, thông qua giáo dục họ, giáo dục
con cái họ trong nhà trường để có tác dụng lên cha mẹ, và
thông qua luật pháp. Để đạt được First World standards trong
một vùng của thế giới thứ ba, Lý Quang Diệu quyết định
biến đất nước thành một thành phố-vườn-nhiệt đới, và
phải làm cho nó "sạch và xanh" theo đúng nghĩa. Với xanh và
sạch, Singapore đã nhanh chóng gây được ấn tượng tốt mạnh
mẽ cho thế giới. Không những giữ cho cảnh quang xanh, sạch,
mà ông còn giữ cho chính quyền Singapore trong sạch. Trong cái
bể của tham nhũng nẳng nề của châu Á thì Singapore nổi lên
như một hòn đảo ít tham nhũng nhất, sạch nhất.

Singapore lại thể hiện một lần nữa tinh thần "thoát Á
nhập Âu" mà Nhật Bản thời Minh Trị đã đi tiên phong. Việc
chuyển đổi một đất nước từ thế giới thứ ba sang đất
nước có tiêu chuẩn thế giới thứ nhất là không dễ. Những
ý tưởng của Lý Quang Diệu lúc đầu bị xem là không tưởng.
Các phóng viên nước ngoài cười chế nhạo những chiến dịch
"làm tốt" của Singapore. Nhưng Lý Quang Diệu tin rằng
"chúng ta sẽ là những người cười sau cùng. Chúng ta sẽ
phải cam chịu trở thành một xã hội thô tục hơn, khiếm nhã
hơn, thô bạo hơn nếu chúng ta không làm những nỗ lực này
để thay đổi cách sống. Chúng ta chưa đạt tới mức một xã
hội có giáo dục và văn minh, và chúng ta không xấu hổ ra sức
trở thành một dân tộc như thế trong một thời gian ngắn
nhất có thể."

<center>(II)</center>

Bây giờ đến câu hỏi: Vì sao Trung Quốc làm được những kỳ
tích mà Việt Nam thì không? Thực tế, cuộc thăm viếng lần
đầu tiên năm 1978 của Đặng Tiểu Bình tại Singapore là cái
mốc lịch sử hết sức quan trọng cho cuộc chuyển đổi Trung
Quốc. Ông đã tận mắt nhìn những thành quả ấn tượng của
mấy triệu dân Singapore cần cù, thông minh này và đã hết lời
khen ngợi ông Lý Quang Diệu. Cuối chuyến đi, Đặng Tiểu Bình
nói: "Phải chi tôi chỉ có Thượng Hải thôi (dân số gấp ba
hay bốn lần dân số Singapore), thì tôi sẽ có thể biến đổi
nó nhanh chóng (như ông đã biến đổi Singapore). Nhưng tôi có
cả một đất nước Trung Hoa!"

Trong chuyến đi này Đặng Tiểu Bình đã nghe Lý Quang Diệu
"giảng bài" về lợi hại của chủ nghĩa: "Chủ nghĩa
Cộng Sản chỉ thành công nếu ông tin rằng tất cả mọi
người hy sinh mình cho đồng loại chứ không cho gia đình hay
chính bản thân mình. Còn tôi, tôi hoạt động trên cơ sở
rằng con người, trai cũng như gái, trước nhất lao động cho
chính bản thân và gia đìng họ, và chỉ trên cơ sở đó họ
mới chia sẻ một phần thành quả lao động của họ cho những
người đồng loại ít may mắn hơn. Đấy là nên tảng hoạt
động của tôi." Ông Lý cho rằng các nhà lãnh đạo kỳ cựu
của cuộc Trường Chinh của Trung Quốc không hiểu gì cả về
kinh tế thị trường cả, tuy cũng có thể đã đọc Adam Smith.

Lý Quang Diệu nói: "Nếu Đặng Tiểu Bình không đến đây
(trong những năm 70) và thấy các tập đoàn đa quốc gia phương
Tây tại Singapore tạo ra sự phồn vinh cho chúng tôi, đào tạo
người của chúng tôi để rồi chúng tôi có khả năng xây
dựng một xã hội phồn vinh, thì ông ấy sẽ không bao giờ
(dám) mở cửa…mở cửa các Đặc khu kinh tế miền ven biển,
điều cuối cùng dẫn đến việc cả nước Trung Hoa mở cửa
và đi vào WTO." Sự thành công của Singapore là thí dụ "bảo
chứng" cho quyết định mở cửa của Đặng Tiểu Bình.

Ảnh hưởng của Singapore và của cá nhân ông Lý Quang Diệu lên
các nhà lãnh đạo làm chính sách của Trung Quốc là rất to
lớn chưa thể đánh giá hết được. Thực tế, các TP mới
của Trung Quốc là hình ảnh "cảm ứng" của mô hình
Singapore của Lý Quang Diệu, dĩ nhiên theo cách làm riêng của
Trung Quốc. Hạt giống Singapore đã được đem về trồng trên
đất Trung Quốc. Singapore giúp đào tạo cán bộ, chuyên viên cao
cho Trung Quốc trong cuộc chuyển đổi này. Hằng năm Trung Quốc
gửi 110 – 120 thị trưởng, hay các viên chức cùng cấp, từ
các thành phố của họ đến học tập một khóa từ tám đến
chín tháng về quản lý công và quản lý thành thị. Họ được
dạy bằng ngay tiếng Hoa. Còn gì hay bằng! Sau đó họ đi thực
địa và nghiên cứu tại chỗ, và khi về nước, họ viết lại
những kinh nghiệm học tập tại Singapore. Singapore cũng có
những liên doanh xây dựng một số thành phố kiểu mẫu, trong
đó có thành phố sinh thái Thiên tân. Hai bên có một ủy ban
hỗn hợp họp thường niên, cấp phó thủ tướng.

Kể ra những chi tiết trên là để minh họa phần nào sự dấn
thân của Singapore và Ông Lý Quang Diệu vào Trung Quốc thế nào
để giúp lãnh đạo Trung Quốc thực hiện quá trình chuyển
đổi kinh tế và xây dựng đất nước. Lý Quang Diệu được
xem là Tutor cho giới lãnh đạo Trung Quốc, và có quan hệ rất
mật thiết, hiểu biết Trung Quốc rất sâu sắc. Nhiều Tổng
Thống Mỹ đã gặp Lý Quang Diệu trước, để nghe ý kiến của
ông về Trung Quốc, rồi mới đến thăm Trung Quốc sau. Đối
với Trung Quốc, sự hợp tác với Singapore là mưu đem lại lòng
tin đối với thế giới cho công cuộc đổi mới của Trung
Quốc. Còn đối với Singapore, ông Lý Quang Diệu giúp Trung Quốc
là nhắm có được một chân trên chuyến xe tốc hành Trung
Quốc vào thế kỷ 21 mà ông bảo sẽ là thế kỷ Trung Quốc.
Và ông đã thú nhận đã đạt được điều đó. Thế còn chân
thứ hai của Singapore ông để ở đâu? Ở Hoa Kỳ: "Số phận
của chúng tôi không chỉ tùy thuộc vào điều gì xảy ra ở
Johor hay Indonesia hay ở ASEAN. Nó tùy thuộc vào điều gì xảy ra
ở Mỹ trong trật tự mới ngày hôm nay này." Đi một mình
với Trung Quốc ông sợ có ngày bị cọp ăn thịt mất.

Còn về cách tuyển chọn nhân sự ở Trung Quốc, ông Lý Quang
Diệu nhận xét rằng, sau cuộc cách mạng văn hóa, Đảng Cộng
Sản Trung Quốc trở lại mô hình tuyển dụng của vua chúa
thuở xưa: chọn lựa qua tài năng, qua học lực, sát hạch. Mỗi
thí sinh đều có hồ sơ học lực từ đầu. Và sự xét duyệt
để bổ nhiệm dựa trên hồ sơ đó. Cho nên thế hệ lãnh
đạo sau đều được học cao hơn thế hệ trước. Bây giờ có
cả những thị trưởng có bằng Ph.D, và một số trong họ có
bằng MBA của các trường đại học Mỹ.

Trung Quốc làm được những kỳ tích là vì lực lượng của
Đặng Tiểu Bình là lực lượng đổi mới, sau khi Mao qua đời
và "bọn bốn người" bị xử, lực lượng mao-ít đã cáo
chung. Các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc muốn đoạn tuyệt
với quá khứ của cách mạng văn hóa đã gây quá nhiều đau
khổ. Đặng là người đã dám đoạn tuyệt với chủ nghĩa
Cộng Sản, theo lời Lý Quang Diệu; và đó chính là một bước
đại nhảy vọt của lãnh đạo Trung Quốc về mặt tư tưởng.
Họ có kỳ vọng đưa đất nước tiến lên khỏi sự lạc hậu
để thiết lập lại đẳng cấp của dân tộc đã bị mất đi
hàng thế kỷ. Đằng sau họ là đống tro tàn không có gì để
luyến tiếc. Trong kế hoạch đổi mới, Trung Quốc có Singapore
làm mô hình để học hỏi cụ thể, và có Lý Quang Diệu làm
người hướng đạo bên cạnh cho cuộc hành trình.

Còn Việt Nam, đặc thù tình hình đã khiến không có một lực
lượng đổi mới rõ ràng nào cả. Những người cũ hôm qua
tiến hành cuộc đổi mới hôm nay. Không có một sự đoạn
tuyệt về tư tưởng và một sự 'thay ca' về nhân sự như
ở Trung Quốc; quá khứ cứ mãi là 'thiêng liêng' và trở
thành 'điệp khúc chính trị' thay cho nhận thức mới trong
thời kỳ cần thiết có những thay đổi sâu sắc và triệt
để; thiếu vắng ý chí vươn lên thật mạnh mẽ để mở
đường. Cho nên đổi mới là không triệt để, nếu không
muốn nói là nửa vời. Đổi mới ở Việt Nam không vì đổi
mới nhằm 'lột xác' thực sự để đóng lại chương cũ
của quá khứ và mở ra một chương mới trước tình hình mới
của thế giới. Mà Đổi mới của Việt Nam nhằm bảo vệ cái
cũ nhiều hơn. Các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể học ở
Singapore, có thể được Lý Quang Diệu giúp đỡ nhiều hơn,
nhưng họ không có động cơ mạnh mẽ, vẫn còn nhìn lại phía
sau để luyến tiếc. Họ không học mô hình Singapore ở ngay
trước mắt và kho tàng tri thức của Lý Quang Diệu như lãnh
đạo Trung Quốc đã làm. Lý Quang Diệu cho rằng, những người
lãnh đạo Việt Nam có thói quen cố hữu của 'chiến tranh du
kích', không ai nghe ai, không tập trung, chính quy, thiếu một
lãnh đạo mạnh, và họ rất nghi ngờ người nước ngoài. Thủ
tướng Phạm Văn Đồng, do thời cuộc bấy giờ, chưa phải là
người cầu thị, ông đến Singapore sau 1975 với tư thế của
người chiến thắng và người cộng sản tự hào, ông chưa
thấy cái to lớn của Singapore và nhu cầu học hỏi, cái lạc
hậu của khối xã hội chủ nghĩa, ông vẫn còn ảo tưởng về
Chủ nghĩa xã hội trước khi đất nước rơi vào cuộc khủng
hoảng nghiêm trọng sắp đến. Cuộc gặp gở đó không để
lại những ấn tượng đẹp ở Lý Quang Diệu, như cuộc gặp
gở với Đặng Tiểu Bình đã làm, chưa nói làm mích lòng chủ
nhà là khác. Phải đợi mười năm sau, khi Việt Nam bị cô
lập, khủng hoảng, suy yếu nghiêm trọng, Thủ tướng Võ Văn
Kiệt mới là người đến với Lý Quang Diệu với tư thế
thật sự cầu thị. Và cũng chỉ lúc đó ông Lý Quang Diệu
mới có cảm tình với lãnh đạo Việt Nam. Tổng bí thư Đổ
Mười, tuy không phải là người hăm hở đổi mới, nhưng cũng
đã có ý muốn áp dụng một số ý tưởng của mô hình
Singapore nhưng rồi người ta bàn bạc cho nó tan biến đi; chính
ông đã cho dịch các bài phát biểu của Lý Quang Diệu và phổ
biến đầu tiên tại Việt Nam. Người Singapore và nước ngoài
vào làm ăn gặp phải những khó khăn không đáng có. Việt Nam
không muốn học hỏi cái mới thật sự, mà chỉ muốn tự biên
tự diễn và tự hào về mình là chính, loại bỏ tất cả
những gì mình không ưa, bị giới hạn trong tầm nhìn, khác
với tinh thần đổi mới, cầu thị và sự nhìn xa của Trung
Quốc. Thái độ đó tự hại mình, tự che mắt mình, giống như
thái độ tự cao tự đại của vua quan Việt Nam xưa khi nhìn
người nước ngoài đến muốn làm ăn với Việt Nam. Cái đuôi
sam kia vẫn chưa bị xén, và vẫn cứ mọc dài ra vào thế kỷ
21 này. Chính sách tuyển chọn nhân sự của Việt Nam cũng không
dựa trên tài năng, học lực, mà chỉ dựa trên quan hệ, vây
cánh, 'tính truyền thống', óc vâng lệnh phục tùng để
chìu lòng cấp trên, và cấp trên chỉ muốn nghe những gì mình
thích từ cấp dưới, hay dựa trên sự 'mua quan bán chức'.
Trong khi phần lớn các thị trưởng, tỉnh trưởng ở Trung
Quốc đều là những người trẻ tuổi, học hết cấp ba, thì
ở Việt Nam giới này là những người cầm quân trước đây
trong quân đội. Ông Lý Quang Diệu đề nghị với Thủ tướng
Kiệt và bộ sậu của ông là nên bổ nhiệm các chiến sĩ lão
thành vào các chức vụ tư vấn và đưa những người trẻ,
nhất là những người trẻ có khuynh hướng mở cửa kinh tế
sang phương Tây lên đảm trách công việc hàng ngày. Ông Lý
Quang Diệu cho rằng, Việt Nam cần cởi bỏ chiếc áo chật
cộng sản, thì họ mới tiến nhanh và uyển chuyển đến thắng
lợi. Lý Quang Diệu nhìn thấy tiềm năng của người Việt Nam
qua cuộc chiến tranh gian khổ, và sự thành đạt của Việt
Kiều ở Mỹ và Pháp, đó phải là những điều nhắc nhở
rằng dân tộc này là dân tộc có những phẩm chất tuyệt
vời.

Không có quyết tâm đổi mới để đưa đất nước nhanh chóng
hóa rồng thì cũng sẽ không có chính sách nhân sự đúng đắn,
trong sáng và phù hợp với nhu cầu. Nhân tài bị bốc hơi, bị
loại khỏi sân chơi và không được lắng nghe. Ngựa giỏi đã
hết trong chuồng.

Người Trung Quốc đã xóa được những hậu quả của cuộc
cách mạng văn hóa, của bức tranh mà Mao Trạch Đông đã muốn
vẽ áp đặt lên lịch sử 5.000 năm của Trung Hoa, phục hồi
lại DNA của dân tộc. Còn Việt Nam, chẳng biết DNA bốn nghìn
năm văn hiến có còn nguyên vẹn hay không trước sự băng hoại
nghiêm trọng và kéo dài hiện nay của xã hội?

<center>(III)</center>

Sau cùng tôi xin nói thêm đôi lời về Lý Quang Diệu. Ông là
một con người không phải không có tranh cãi. Nhiều người dân
chủ không chia sẻ một số quan điểm của ông. Ông xem cuộc
xây dựng Singapore là một "cuộc cách mạng xã hội bằng
những biện pháp hòa bình", và không bao giờ đi chệch khỏi
mục tiêu đó. Ông tự nhận mình là người theo Khổng giáo:
"Tôi không bị ràng buộc bởi lý thuyết, nhưng sự giáo dục
của tôi trong một gia đình kéo dài ba thế hệ làm cho tôi trở
thành một người theo Khổng giáo không ý thức. Niềm tin Khổng
giáo thâm nhập vào tôi, rằng xã hội chỉ hoạt động tốt khi
mọi người đều nhắm trở thành người quân tử." Ông tin
vào đạo 'ngũ thường' của Khổng tử. Từ thế giới quan
này, ông đặt quyền lợi đất nước lên trên quyền lợi cá
nhân, đặt nặng vai trò của một nhà nước mạnh và ưu việt
để gìn giữ trật tự. Nhưng thành quả mới là sự biện minh
cho nhà nước đó. Người ta có thể biện minh sự kiểm soát
tối đa của nhà nước và sự loại bỏ đa nguyên chính trị
cần thiết, vì ổn định và phát triển. Nhưng rồi người ta
phải chứng minh bằng thành quả của hành động. Không có
thành quả tương ứng, anh chỉ là kẻ tham quyền vô độ. Nếu
quyền lực chỉ vì quyền lực, đất nước dễ rơi vào chủ
nghĩa ích kỷ, bè phái, tham nhũng và lũng đoạn. Lý Quang Diệu
không xem mình là 'soft authoritarian' như một số người ở
phương Tây xem ông, bởi vì ông có kết quả để biện minh, và
kết quả là rất thuyết phục; và các chính sách của ông cứ
bốn đến năm đều được cử tri chấp thuận lại với một
đa số không dưới 60 phần trăm. Với quan niệm Khổng giáo,
ông đặt nặng trách nhiệm của những người lãnh đạo:
"Chúng ta đừng bao giờ quên rằng chúng ta, những tinh hoa
được giáo dục theo hệ thống giáo dục Anh, chỉ xứng đáng
với vị trí chúng ta bao lâu chúng ta có năng lực phục vụ xã
hội." Trước khi rời đại học Frizwilliam, Cambridge, Anh, nơi
ông đã học 4 năm ngành luật và đã tốt nghiệp với hạng
Double Starred First Class Honours để trở lại Singapore hoạt
động, Lý Quang Diệu trong một bài diễn văn đã khẳng định
quyết tâm sắt đá của mình: "Chúng ta phải đạp đổ niềm
tin rằng chúng ta là thấp kém và sẽ luôn mãi thấp kém so với
người châu Âu." Ông đã học được sự sống chung hòa bình
của các chủng tộc khác nhau từ không quốc gia nào khác hơn
là Thụy Sĩ để làm mô hình sống chung cho các sắc tộc của
Singapore sau này.

Ông tự ý thức việc làm phục vụ cho sự nghiệp của nhân
dân Singapore mặc cho những lời chỉ trích: "Điều mà giới
đọc giả thế giới phương tây không hiểu là cuối cùng tôi
không quan tâm họ đánh giá tôi thế nào. Tôi chỉ quan tâm nhân
dân mà tôi lãnh đạo đánh giá tôi thế nào."

Triều đại Lý Quang Diệu có thể cũng sẽ không vĩnh viễn.
Ông nói: "Mỗi hệ thống cần được xét lại theo thời gian.
Không hệ thống nào tồn tại vĩnh viễn. Các điều kiện thay
đổi, những thiếu sót trong hệ thống phát triển quá mức,
lúc đó người ta cần phải xem xét lại. Anh không thể nói đó
là một nguyên lý phổ quát có giá trị vĩnh cửu." và "Đó
là nhiệm vụ của thế hệ hiện tại và tương lai của giai
tầng lãnh đạo có nhiệm vụ thay đổi và tu chỉnh hệ thống
khi xã hội và công nghệ thay đổi." Dù sao Lý Quang Diệu cũng
sẽ đi vào lịch sử như một "người cha lập quốc" bất
tử của Singapore.

Ông không tin vào Thượng đế, mà tin vào thuyết tiến hóa của
Darwin. Singapore có lẽ là sự minh họa hùng hồn cho thuyết
tiến hóa này: thích nghi để tồn tại, một cách thông minh.
Ông không làm nô lệ cho một ý tưởng giáo điều nào. Ý
tưởng nào không phù hợp, ông vứt nó đi và tìm ý tưởng
khác. Ông là một người thực dụng. "Tôi đuổi bắt các ý
tưởng, miễn là chúng đem lại kết quả. Nếu không, tôi nói,
xem này, ý tưởng này có thể nghe hay đấy, nhưng thôi chúng ta
hãy đi tìm cái gì khác hoạt động có hiệu quả đi". Đầu
ông là một 'vườn ươm ý tưởng'. Có người lý tưởng
hóa ông khi nói rằng, tại miếng đất Khổng tử của ông,
Plato và Machiavelli gặp gỡ nhau, và Lý Quang Diệu chính là một
'Machiavelli châu Á'.

Về sự thành công của Lý Quang Diệu: ông có lẽ thành công là
vì Singapore là mảnh đất nhỏ, dân số lúc độc lập chỉ 2
triệu người; nhưng ông chắc sẽ gặp khó khăn hơn với một
đất nước dân số đông vài chục triệu người. Lực lượng
đối lập và bảo thủ sẽ đông đảo và sẽ có thể loại
ông ra khỏi cuộc chơi. Cũng may mắn cho ông. Trong chừng mực
này, thời cơ đã tạo anh hùng. Dĩ nhiên điều ngược lại
cũng đúng.

Thưa các Anh Chị, bức tranh trên nói về Singapore, Lý Quang
Diệu, Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc, Việt Nam nhìn từ góc độ
Singapore chắc chắn cần có sự điều chỉnh, tôi mong những anh
chị am hiểu tình hình Singapore hơn tôi, những anh chị đã
từng sống ở đó, anh Võ Tá Hân và các bạn của anh chẳng
hạn có thêm ý kiến, hay các anh Việt, Long, Dũng từ góc độ
Mỹ, và nhiều anh chị khác có nghiên cứu những vấn đề này.

<center>(IV)</center>


Cuối thư, xin mách thêm: các Anh Chị nào muốn thấy được
"ngọc xá lợi Phật" có thể đến thăm "Chùa răng
Phật", vì họ có lưu trữ một chiếc răng Phật và nhiều xá
lợi Phật khác. Ngôi chùa 5 tầng này cũng rất hiện đại như
chính Singapore vậy. Chùa đã góp nhặt nhiều di tích Phật giáo
châu Á quý báu. Còn ai muốn ăn chay thì xin đến khu Mustafa, ở
đó có rất nhiều nhà hàng chay Ấn độ và Đài Loan. Còn ai
muốn thưởng lãm đồ ăn Thụy Sĩ, xin hãy đến nhà hàng
"Marché" tại Sommerset 313, Orchard Road, rất ấm cúng và thanh
lịch, trang trí bằng toàn gỗ từ và theo kiểu Thụy Sĩ.
Singapore có nhiều nhà sách lớn tuyệt vời để thỏa mãn
những người yêu sách: Borders (Mỹ), Kinokuniya (Nhật, nằm ngay
trong đại siêu thị Takashimaya, Orchard Road), hay một nhà sách
lớn khác (PAGEONE) ở khu mua sắm Vivo gần khu vui chơi Sentosa.
Người mua vô ra nườm nượp, phản ảnh trình độ văn hóa cao
của người dân Singapore. Sách vở bày bán có thể còn nhiều
hơn ở Mỹ, đủ tất cả các chủng lọai tri thức trên đời.

Thư đã khá dài. Xin tạm ngừng bút. Cám ơn các Anh Chị.

Thân ái,

NXXanh

____________________

Tài liệu tham khảo:

[1] Alex Josey, Lee Kwan Yew, The Crucial Years. Times Books International.
Singapore. Luala Lumpur, 1986; reprint 1994.

[2] Lee Kwan Yew, Memoirs. From Third World to First. The Singapore Story:
1965-2000.Marshall Cavendish Editions 2000; reprint 2011.

[3] Tome Plate, Conversations with Lee Kwan Yew. How To Build A Nation.
Marshall Cavendish Editions 2010.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9408), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét