Aduku Adk - Tự hào và xấu hổ

<h2>--- Đề thi đại học năm 2011, khối C, câu II ---</h2>

Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ
còn quan trọng hơn.

Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ
của anh/chị về ý kiến trên.

<h2>--- Bài làm ---</h2>

Thưa các thầy!

Em đồng thuận tuyệt đối và nhất trí cao độ với nhận
định rằng biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng
biết xấu hổ còn quan trọng hơn.

Vâng, tự hào về bản thân là vô cùng cần thiết ngay từ khi
đứa trẻ mới lọt lòng mẹ. Nó cất cao tiếng khóc long trọng
tuyên bố với thế giới về sự hiện diện không thể tranh
cãi của mình. Tiếng khóc đầy tự hào của đứa trẻ cũng là
tiếng nói phản biện có hiệu quả tức thì với người mẹ
của nó, do nó và vì nó mỗi khi bà chưa kịp thời thực hiện
quyền lợi và nghĩa vụ cho con bú. Lòng tự hào rất cần
thiết khi con người chưa biết xấu hổ. Em nhớ hồi mẫu giáo
em tự hào rằng bản thân "cẩu" xa nhất trong đám con trai cùng
lớp. Em liền được bọn đồng chí thưởng huân chương chiến
công hạng nhất là một cái thìa tuyệt đẹp trong giờ ăn
trưa.

Càng lớn lên ta càng nhận thức được rằng tự hào là cần
thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn. Nếu không biết
xấu hổ thì ở thế ký 21 này con người vẫn còn ăn lông ở
lỗ và diện thời trang Chử Đồng Tử. Nếu không biết xấu
hổ thì người người, nhà nhà, ngành ngành vẫn còn mặc độc
một bộ quần áo của hoàng đế. Khi mà ai cũng nuy vì môi
trường thì Ngọc Quyên nổi tiếng với ai? Thế thì em sẽ
quyết một tay cầm lá nho, một tay cầm biểu ngữ phản đối
Trung Quốc xâm lược, đứng bất động 3 giờ đồng hồ
trước sứ quán Tàu để làm bẽ mặt bè lũ cướp nước cùng
đồng đảng. Tuy nhiên, em nghĩ rằng trong một thế giới toàn
cầu nuy thì cách có hiệu quả cao nhất vẫn là để người
phát ngôn bộ ngoại giao áo xống chỉnh tề cực lực phản
đối bọn 3Tàu, làm thế rất chi là gợi cảm cho mục tiêu đa
phương hóa, quốc tế hóa vấn đề biển Đông.

Nói đâu xa, ngay trong ngành giáo dục nhà ta cũng khối những
tấm gương chói lọi về lòng tự hào lẫn nỗi xấu hổ. Thầy
bộ trưởng của chúng ta mặc dù rất tự hào về phong trào hai
không nhưng khi không thực hiện được lời hứa cho giáo viên
sống được bằng lương thì thầy liền tự nguyện hạ một
bậc hạnh kiểm của mình từ trưởng xuống phó thủ tướng
ngay (thực ra thì thầy bộ trưởng chẳng cần hứa như vậy,
vì dù thế nào thì các thầy vẫn đã, đang và sẽ sống
được phải không ạ). Và người đồng cấp cùng cảnh ngộ
từ trưởng giáng xuống phó của thầy ấy cũng là một tấm
gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Bác ta rất tự hào
về triển vọng GDP của Việt Nam ta nên đã có một phát biểu
từ tầm cao IQ xác quyết rằng đường sắt cao tốc không thể
không làm. Và bác ấy cũng thông hiểu nỗi xấu hổ của những
đầy tớ trót làm điều càn quấy mà không nỡ cách chức vì
cách chức hết thì lấy ai mà làm việc, không có ai làm việc
thì lấy gì mà tự hào.

Em cũng vô cùng biết ơn vì dưới sự dìu dắt của đảng, nhà
nước và toàn thể ngành giáo dục cùng toàn bộ hệ thống
chính trị, em đã quán triệt được một niềm tự hào sâu
sắc mà không một thế lực thù địch nào có thể dập tắt
nổi. Như bất cứ một học sinh nào dưới mái trường XHCN, em
xiết bao tự hào về rừng vàng biển bạc, đồng ruộng phì
nhiêu, khoáng sản giàu có trong lòng đất, trong lòng biển
đảo; em đặc biệt tự hào về con người Việt Nam cần cù
thông minh sáng tạo đoạt ngay cả giải Nobel toán học lẫn
chức phó thủ tướng Đức; em cũng có thể vỗ ngực nói với
bọn Tây ba lô đến từ khắp năm châu rằng dân tộc Việt Nam
anh hùng dùng gậy tầm vông cũng đánh tan tác mấy thằng đế
quốc tay to. Niềm tự hào ấy thôi thúc em ra sức học tập,
không ngừng thi đua, kiên quyết rèn luyện những mong một ngày
Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu.

Càng tự hào bao nhiêu thì em càng xấu hổ bấy nhiêu khi nhìn ra
thế giới em thấy một cơ số những nước tư bản giãy chết
với tài nguyên thiên nhiên hạn hẹp, đất chật người đông,
đồng ruộng khô cằn mà nó phát triển vượt bậc - công nhận
là bọn tư bản nó giãy mạnh thật đấy các thầy ạ. Em càng
xấu hổ vì dân tộc Việt Nam IQ cao thế mà giờ này dân trí
vẫn thấp, dân chủ vẫn còn phải tập trung, Việt Nam vẫn là
nước nghèo, KTTT vẫn phải định hướng XHCN. Còn ngành ta thì
dù ra sức cải cách nhưng giờ đây sao mà lại giống một
ngành giáo dục XHCN định hướng KTTT đến thế. Tại sao và vì
ai? Phải chăng là tại chúng ta tự hào thì vô song mà xấu hổ
lại còn nhiều bất cập?

Thưa các thầy!

Tâm tư của em còn dài nhưng hạn ngạch chỉ có 600 từ.

Thi cử là nơi mà người hỏi thì tự hào còn người trả lời
lại xấu hổ. Em xin dừng bút. Em kính chúc các thầy sức
khỏe! Chúc ngành giáo dục của chúng ta phối kết hợp nhuần
nhuyễn cả lòng tự hào cùng niềm xấu hổ!

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9320), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét