đăng trên báo/mạng khác, mà chỉ giới thiệu qua mục THẤY
TRÊN MẠNG để độc giả có thể tiếp cận nguyên bản, tránh
tình trạng 'tam sao thất bản', khó tìm ra xuất xứ, khá phổ
biến trên không gian mạng hiện nay. Bài dưới đây là một
trong những biệt lệ hiếm.
Chúng tôi xin đăng lại của <a
href="http://menam0.multiply.com/notes/item/457">Blog Mẹ Nấm</a>. Cũng
để thông báo với bạn đọc là chủ nhân trang blog này, chị
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, sau khi bị Công an Phường Tân Thới
Nhất, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, bắt giữ qua đêm (để
ngăn không cho đi biểu tình), đã về tới Nha Trang. Giới thiệu
bài viết dưới đây, Mẹ Nấm viết: "<em>Tôi đăng lại bài
viết này, trước hết là để tặng mẹ tôi (bà ngoại Nấm),
bởi tôi đã làm bà khóc rất nhiều lần vì lo lắng. Tôi đăng
lại bài viết này, để tặng bạn Nấm - đứa con gái 4 tuổi
rưỡi bé bỏng của tôi - đã luôn miệng nhắc tôi "Mẹ bảo
các chú làm việc hết đêm cho nhanh rồi về luôn nhé mẹ" ngay
khi tôi đang bị tạm giữ qua đêm tại công an phường Tân
Thới Nhất, quận 12, Sài Gòn. Tôi đăng lại bài viết này, như
muốn lưu giữ một món quà cho thế hệ các bạn Nấm, Tí Hớn,
Phan Khôi... Và tôi cũng đăng lại bài viết này, để những
người "phải" đọc blog tôi thấy rằng, tôi không hề cô đơn.
Xin cám ơn chị Phương - mẹ bé Phan - vì một bài viết tuyệt
vời.</em>"
Và bạn đọc cũng hiểu tại sao chúng tôi đã mạn phép hai
chị Như Quỳnh và Phương mà đăng lại bài viết này.</div>
Phan yêu,
Mẹ vốn không định cho con đi biểu tình với mẹ hôm nay.
Người đàn ông chân (vẫn còn) ngắn của mẹ mới 3 tuổi
rưỡi, mẹ chỉ muốn đưa con đến những nơi như công viên
Thống Nhất (để con chơi cưỡi ngựa đu quay), hay công viên
Yoyogi (để con nhặt cánh hoa anh đào chơi và ấp lên đôi má
non tơ của con). Cho đến giờ, mẹ vẫn cố bảo vệ tâm hồn
nhạy cảm của con khỏi tất cả những gì liên quan đến bạo
lực, dù chỉ là hình ảnh một khẩu súng trong phim hoạt hình.
Biểu tình (dù ôn hòa) ở Việt Nam vẫn là một việc mạo
hiểm ở nhiều cấp độ. Và ngay cả khi không có gì nghiêm
trọng xảy ra, thì mẹ cũng không muốn con phải nhìn thấy mẹ
và những người biểu tình bị bao vây, xua đuổi, xô đẩy,
bởi rừng các chú công an, cảnh sát cơ động với súng ống,
dùi cui (Các chú trông lại đáng sợ, chẳng hề giống hình các
chú cảnh sát trên áp phích mình vẫn thấy, hic).
Khi mình sống ở Nhật, con từng hỏi "Chú cảnh sát đi trên
đường làm gì hả mẹ". Mẹ đã nói, việc của chú cảnh sát
là bảo vệ mọi người, trong đó có mẹ con mình, và bắt bọn
xấu. Thế là con bảo : "Mẹ ơi con rất là yêu các chú cảnh
sát", cũng hồn nhiên như khi con nói "con rất là yêu" ông, bà,
bố, mẹ, yêu cây, chim và sư tử. Nếu mẹ cho con đi biểu tình
hôm nay, mẹ sẽ phải giải thích cho con rằng không phải tất
cả những con người / hành động bị các chú cảnh sát trấn
áp đều là xấu. Mẹ muốn nói điều đó với con muộn hơn
một chút, khi tâm hồn chỉ có tình thương yêu của con hiểu
được rằng không phải lúc nào những người xung quanh cũng
đáp trả con bằng tình thương yêu, và một số ngoại lệ phi
lý vẫn xảy ra thường xuyên.
<div class="boxright300"><img
src="http://danluan.org/files/u1/sub01/embe_sg.jpg" width="490" height="653"
alt="embe_sg.jpg" /><div class="textholder">Biểu tình tại Sài Gòn
(5.6.2011)</div></div>
Mẹ còn không muốn cho con đi biểu tình với mẹ hôm nay, vì
biểu tình cũng có nghĩa là nói lên chính kiến của mình, và
con không nên tham gia chỉ vì người khác (dù người khác đó
là mẹ) tham gia.
Vì vậy, tối hôm qua mẹ đã bảo con: "<em>Sáng mai con sang ông
bà chơi, mẹ đi biểu tình chống Trung Quốc</em>". Mặc dù rất
háo hức sang nhà ông bà vì sẽ được chơi xếp hình, tô màu
với chị Dĩn và em Tôm, nhưng con vẫn hỏi: "<em>Biểu tìn là
gì hả mẹ ? Tại sao mẹ lại biểu tìn chống Trung Quốc hả
mẹ ?</em>".
Thế là mẹ lấy bản đồ ra, chỉ cho con hình nước Việt của
mình và bảo: "<em>Trung Quốc lấy mất đất của nước Việt
mình, làm người Việt mình đau. Trung Quốc to hơn mình, nhưng
Trung Quốc sai thì mình vẫn phải phản đối. Mẹ đi biểu tình
để cùng các bác các cô khác nói lên điều đó</em>".
Con bảo: "<em>Trung Quốc xấu quá, hư quá mẹ nhỉ. Mình không
chơi với Trung Quốc nữa, mình cho cá mập cắn chết Trung Quốc
luôn</em>". "<em>Ôi, không nên bạo lực như thế con ạ. Mình
chỉ đi biểu tình hòa bình thôi, mình không bạo lực</em>". Con
nghĩ một lát rồi bảo: "<em>Con muốn đi biểu tìn với mẹ
cơ!</em>". "<em>Con không muốn chơi với chị Dĩn và em Tôm à? Đi
biểu tình sẽ rất mệt và có thể nguy hiểm như động vào
dao, đồ điện vậy</em>". "<em>Thế hả mẹ? Nhưng con cứ muốn
đi biểu tìn với mẹ cơ</em>".
Sáng nay con gọi mẹ dậy, con không chịu ăn sáng vì muốn đi
"biểu tìn" ngay. Nhưng không được, con trai ạ. Trước khi thực
hiện nghĩa vụ công dân, mình phải làm tốt nghĩa vụ cá nhân
của mình đã. Mẹ phải cho con ăn sáng, và con phải ăn ngoan.
Tham dự biểu tình hôm nay mệt hơn mẹ tưởng. Trời nắng
đến 36, 37 độ, oi bức kinh người. 2 mẹ con lếch thếch tìm
chỗ gửi xe (khá xa chỗ biểu tình), nhập được vào đoàn
rồi thì lại phải chạy lòng vòng qua bao tuyến phố. Các chú
cảnh sát cứ thích lùa người biểu tình vào những đường
nắng ong đầu nhất để các chú cũng phải nhễ nhại mồ hôi
đuổi theo là sao? Trời nóng, người đông, mẹ phải lúc thì
bế, lúc thì cõng con cho an toàn. Tối qua giày đế bằng của
mẹ bị hỏng, thế là mẹ phải đi giày cao gót. Mẹ không có
mũ, con chẳng có cờ, biểu ngữ... 2 mẹ con mình trông không
"chuyên nghiệp" lắm nhỉ. Thế nhưng mẹ con mình đã thực
hiện được một cuộc đi bộ dài hơn 3 tiếng đồng hồ
dưới trời nắng gắt cùng các bác, các cô, các chú biểu tình
"xịn".
Cảm ơn chú Dino đã tạm xa cái máy ảnh để cõng con một
đoạn đường. Cảm ơn cô Codet đã giúp mẹ chăm sóc con. Cảm
ơn cô chú không đi biểu tình nhưng đã tặng con chai nước mát
ở đường Phùng Hưng. Cảm ơn các cô, chú, các bác mà mẹ con
mình không biết tên đã cho con uống nước khi con khát, cho con
quạt giấy khi con nóng, và mỉm cười với mẹ con mình. Cảm
ơn gần nghìn người ở Hà Nội, khoảng 2000 người ở Sài Gòn
hôm nay đã xuống đường biểu tình, tay giơ cao biểu ngữ và
cờ Tổ Quốc, cùng hô khẩu hiệu, hát quốc ca..., bất chấp
những rắc rối và hiểm nguy họ có thể gặp phải. Cảm ơn
các chú cơ động đã lấy dùi cui đẩy mẹ con mình (theo nhiệm
vụ) nhưng lại giữ tay mẹ để mẹ con mình không bị ngã (theo
phản ứng tự nhiên của một con người).
Hôm nay chú Tie Suc bảo mẹ: "<em>Năm 2007 cô này đi biểu tình
một mình, năm nay có zai đi cùng nhé!</em>". Khi mẹ đi biểu
tình năm 2007, mẹ mới sinh con được một vài tuần, cuống
rốn con còn chưa rụng. Còn năm nay, con đã là một người đàn
ông cao 1m05, con đã thấy cậy to mà ức hiếp, ăn cướp của
người khác là xấu. Và con đã tự quyết định đi biểu tình
với mẹ, đã là một trong những người cuối cùng rời đoàn
biểu tình chứ không khóc đòi về giữa chừng dù có lẽ con
rất mệt, như mẹ vẫn nói với con: "<em>Đã làm, thì làm đến
cùng, khó thì phải cố đến khi không cố được nữa</em>".
Mẹ tôn trọng và tự hào về người đàn ông chân (vẫn còn)
ngắn của mẹ quá!
Suốt buổi biểu tình hôm nay con nói rất ít. Có lẽ con mệt,
có thể đám đông, những nắm tay vung lên, những dùi cui, súng
ống... mọi điều quá mới và làm con chấn động. Cũng có
thể bộ não 3 tuổi rưỡi của con chưa thật sự hiểu những
điều xảy ra quanh con ngày hôm nay, nên con chỉ muốn làm một
"quan sát viên".
Nhưng sau khi ngủ trưa dậy, tự nhiên con nói: "<em>Mẹ ơi, con
sẽ không bao giờ để Trung Quốc đánh em Tôm, đánh mẹ</em>".
Con yêu, mẹ vẫn không muốn con đi biểu tình. Mẹ hy vọng khi
con lớn lên, dù sống ở Việt Nam hay nơi nào khác trên trái
đất, con cũng có thể được tự do nói lên những ý kiến,
nguyện vọng chính đáng của mình và không cần phải đi biểu
tình giữa thời tiết khắc nghiệt, giữa những người mang dùi
cui, súng ống trấn áp. Con sẽ không bao giờ phải ngần ngại
trước các loại áp lực, phải ít nhiều suy tính về sự an
toàn của bản thân mỗi lần quyết định nói lên chính kiến
của mình, như thế hệ của mẹ. Bởi mẹ hy vọng khi đó, xã
hội sẽ tiến hóa đến mức quyền được phát biểu chính
kiến của con người sẽ được coi là đương nhiên, cho dù
chính kiến đó khác với mong muốn của một đám đông hay một
nhóm người nào đó.
Mẹ yêu và tôn trọng con, ngay cả khi con không nghe lời mẹ. Và
nếu điều con thực sự muốn không nguy hại đến tính mạng
của con và xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của người
khác, thì ngay cả khi mẹ không muốn, con vẫn cứ làm, con yêu
nhé!
Hà Nội, 05. 06. 2011.
Mẹ Phương của con
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9013), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét