Tôi ra khỏi nhà lúc 8h30, chạy thẳng ra khu vực nóng của SG.
Chạy chầm chậm qua các ngã đường để xem khí thế ra sao.
Dọc các con đường chính dẫn về trung tâm mọi hoạt động
diễn ra bình thường. Tại khu vực nóng, lượng người và xe
ít hẳn so với ngày thường.
Sáng nay, hầu như hàng quán chung quanh khu vực nóng đều im ỉm.
Ngay cả Diamond Plaza, nơi mua sắm nổi tiếng tại trung tâm, cho
đến quá 9h30 cũng không mở cửa dù thời gian hoạt động
được gắn ngay mặt tiền là từ 9h30: 22h mỗi ngày. Các quán
cafe quanh đấy hầu như không hoạt động.
Trước LSQTQ và dọc đường PNT kéo từ Hồ Con Rùa cho đến
Diamond Plaza vẫn lưu thông bình thường, tuy vậy, hai bên
đường không khí căng thẳng và lực lượng nổi vẫn rất
đông, như không hề có dấu hiệu nhân nhượng. Các hàng rào
có bánh xe xếp lố nhố trên vỉa hè báo hiệu mọi việc đều
sẵn sàng.
Có không dưới 300 bóng dáng với sắc phục vàng, xanh trên các
ngã đường từ PNT, V.V. Tần, NTMK, Pasteur, NKKN, Hàn Thuyên,
Nguyễn Du, Nguyễn Văn Chiêm... Theo quan sát, có 2 xe công lộ hú
còi chực sẵn ngay vòng xoay Hồ Con Rùa. Xe mô tô chuyên dụng
không dưới 20 chiếc đậu quanh LSQTQ và rải rác các điểm
quanh đó.
Lực lượng áo kem (thanh tra xây dựng), áo xanh đậm (dân phòng
và các công ty bảo vệ của TNXP), còn đông hơn, họ đứng
rải rác dọc hai bên đường PNT, quanh khu vực công viên hai bên
dinh ĐL, bên hông Nhà thờ Đức Bà. Lực lượng chìm cũng đông
không kém, ước lượng hơn 200 chú.
Tổng cộng "phía ta", có lẽ từ 600 - 700 người. Từ đấy, làm
cho ngay người đi đường cũng chú ý cái không khí đông mà
lại trầm lặng. Nhiều bà con đi xe ngang qua đều ngoái đầu
nhìn với vẻ lạ lẫm và đầy thắc mắc trên con đường PNT
nhiều cây xanh, bóng mát mà không khí "trang nghiêm" vô cùng:(
Lực lượng "phía địch" mỏng, ít, đa số là lớp trẻ và
trung niên. Ước lượng khoảng dưới 400 thong dong đi quanh khu
vực nhà thờ Đức Bà, ngồi rải rác trong các công viên, vô
tư lự nhìn các đám cưới đang diễn ra màn chụp hình quanh
Nhà thờ ĐB. Sáng nay có tới 3 đám cưới quanh Nhà thờ Đức
Bà. Các cô dâu chú rể đang vui tươi trước ống kính của các
phó nháy. Ai nấy đều bình thản đứng ngồi, đọc báo quanh
và trong công viên.
Không khí tẻ nhạt và căng thẳng hầu như từ "phía ta" gây ra.
Một chút hơi hướm gầm ghè từ các chú chìm. Một câu thanh
niên trẻ đứng trước Diamond Plaza đưa máy ảnh cầm tay lên
chụp hình, thì một chú chìm đứng ngay cạnh ra hiệu cho chú
nổi đàng trước và chỏ tay về phía cậu thanh niên. Cậu thanh
niên cười gượng gạo và nhìn quanh thấy có vẻ lẻ loi nên
cất máy vào túi áo.
Trước mặt tiền của Diamond Plaza đang đóng cửa im ỉm có
khoảng 30 người đứng trên thềm, ngồi trên các vỉa hè loanh
quanh. Tất nhiên đang nói đây là "phía địch".
Các chú nổi và chú chìm xem ra khá căng. Họ đang ở thế bị
động. Điều này rất hay. Dường như họ được lệnh cắm
chốt và thay phiên nhau liên tục để đi ăn sáng, và đi vệ
sinh trên những chiếc xe mô tô chuyên dụng. Chỉ tội cho các
chú áo kem và áo xanh đậm, chắc đứng lâu và mỏi giò nên
lóng ngóng và có nhiều chú tỏ ra mệt mỏi ngồi bệch ven
đường dưới những bóng mát.
Không khí khá tĩnh lặng và thăm dò lực lượng lẫn nhau. "Phía
địch" quá ít so với "phía ta" nên chắc khó có cuộc tuần
hành.
Một số điều đáng lưu ý:
- Lực lượng trí thức nổi tiếng hoàn toàn chẳng thấy bóng
dáng một ai.
- Lớp thanh niên nhiệt huyết khoảng 300 ngồi rải rác, nhàn
tản hai bên công viên như đang chờ một tín hiệu nào đấy mà
cho đến lúc tôi quay về để viết tường thuật, chưa thấy
động tĩnh gì.
- "Phía ta" hoàn toàn bị động và chờ đợi, vì có lẽ họ
thiếu thông tin. Những cuộc bắt bớ hôm trước, theo dư luận
là "bắt nhầm còn hơn bỏ sót" là chủ yếu. Đó là một trong
những đặc tính của bên cầm quyền khi không còn nắm được
lòng dân. Hầu như thông tin họ dựa trên facebook, các trang báo
tự do là chủ yếu.
- "Phía ta" có vẻ hụt hẫng và bồn chồn khi thấy đã quá 10
giờ30 mà chẳng có gì để làm nên mỏi gối chồn chân.
- Cần tạo ra không khí như vậy cho "phía ta" luôn "đề cao
cảnh giác" mỗi tuần. Do vậy, lời kêu gọi nên được
thường xuyên kêu gọi, ai rảnh cứ đi ra công viên ngồi chơi.
Ai không rảnh thì thôi. Cho đến một hôm nào đó, nếu "tự
nhiên" rất nhiều người rảnh thì lại tuần hành tiếp. Làm
điều này để buộc "phía ta" luôn căng thẳng, túc trực, đắn
đo. Buộc "phía ta" luôn trong tâm lý bị động chờ đợi, ăn
không ngon ngủ không yên, không biết lúc nào cuộc tuần hành
diễn ra. Đó là đánh đòn tâm lý ở thế chủ động.
- Rút kinh nghiệm những cuộc tuần hành trước, chúng ta nên:
+ Đi chậm, không tách đoàn.
+ Mục đích cuộc tuần hành là huy động thật nhiều người
dân biết và cùng tham gia, do đó chúng ta đừng đi "loanh quanh
cho đời mỏi mệt" như hôm 12/6. Hôm đó, chỉ loanh quanh khu Nhà
thờ Đức Bà, công viên trước dinh ĐL. Tất nhiên việc này,
có phần do "phía ta" cố tình chia cắt đoàn làm nhiều nhóm nên
không khí bị loãng.
+ Không cần phải tập trung trước LSQTQ, mà hãy tập trung nơi
thị tứ với những điểm công cộng như: Nhà hát TP, Chợ Bến
Thành, Bến xe bus ngay vòng xoay chợ Bến Thành, Tòa nhà Bitexco
cao nhất SG với biểu tượng hoa Sen. Tập trung ở những chỗ
đấy bắt đầu cho cuộc tuần hành thì thông tin và số người
sẽ lan nhanh và rộng, khi có số đông cỡ 1.000 thì bắt đầu
diễu hành qua các phố xá đông đúc, cho đến khi nào thật
đông cỡ 5.000 - 6.000 thì hãy quay trở về điểm nóng như LSQTQ
lúc đó đạt được khí thế cao, tình hình sôi động mà "phía
ta" có muốn đàn áp cũng rất khó.
+ Xin chia sẻ với các bạn trẻ: rèn luyện bản lĩnh và ứng
phó trước những tình huống xấu như hôm 12/6. Ví dụ, khi ai
đó hăm he, quát nạt, túm cổ, đòi giữ máy chụp hình, quay
phim của các bạn, các bạn hãy nói kiên quyết, dứt khoát
nhưng không dữ dẵn rằng:
Tôi không làm gì cả, tôi đi vì tôi phản đối TQ xâm lược.
Anh là ai? tên gì? anh mặc đồ thường dân như tôi tại sao
lại có quyền túm cổ tôi?
Tôi móc túi ư? bằng chứng đâu? người bị móc túi đâu?
La lớn: "bớ người ta, có kẻ côn đồ bắt nạt người lương
thiện".
Chạy tới ngay những chú nổi và khai báo tỉnh rụi về hành vi
của tên côn đồ đó.
Trong trường hợp các bạn lo sợ quá mà bỏ chạy và bị nó
túm thì không chống cự mà hãy kiên quyết nói: tôi sẽ đi theo
anh, anh đi kè bên tôi, làm sao tôi chạy được, không cần túm
cổ tôi. Thậm chí đưa hai tay ra vào bảo "anh còng tay tôi đi,
nếu anh có đủ bằng chứng tôi là kẻ xấu". Thẳng thắn và
cương nghị đi theo nó vào và chỉ vào những chỗ có biển báo
đó là cơ quan công quyền. Dứt khoát không đi vào những nơi
mờ ám. Đặc biệt không vào chỗ của công an và nói rõ rằng:
nhiều cái chết đã xảy ra rồi, tôi dứt khoát không vào, nếu
anh buộc tôi vào thì tôi sẽ la thật to vì anh nên nhớ anh đang
mặc đồ thường dân như tôi, anh không có quyền buộc tôi vào
những chỗ không phải của anh... nếu anh buộc tôi vào đấy,
nghĩa là anh tự khai anh là công an, vậy đưa thẻ cho tôi coi
rồi tôi vào? v.v...
Qua bất cứ cuộc tuần hành dù lớn nhỏ nào, mỗi chúng ta
đều rút ra nhiều bài học để rèn luyện thêm bản lĩnh, hy
vọng các bạn cũng vậy.
Chúc tất cả các bạn mạnh khỏe, vui vẻ và phấn chấn hơn,
bản lĩnh hơn. Thân mến!
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9110), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét