Lạc Văn - Những điều Trung Quốc phải hiểu

So với hơn 1 năm trước, khi tôi viết „Duyên tình Việt –
Trung", tình hình tranh chấp trên Biển Đông hôm nay có những
diễn biến rất phức tạp, căng thẳng, khó dự đoán. Cường
độ thông tin về biển đảo, Trường Sa – Hoàng Sa trên các
phương tiện thông tin đại chúng trong nước xuất hiện liên
tục, đặc biệt các ngôn từ như: „Trung Quốc", „Bắc
Kinh", „ngang ngược", „gây hấn" v.v. xuất hiện không né
tránh. Tình hình khó dự đoán cũng bởi Trung Quốc gây hấn
với Việt Nam và Phi-líp-pin ngay trước thềm và sau Hội nghị
an ninh châu Á lần thứ 10 hay còn gọi là Đối thoại Shangri
La10 khai mạc 4/6/2011. Cũng nhiều người đánh giá hành động
của Trung Quốc là phép thử với sự phản ứng của các bên
liên quan và tiếng nói chung của các nước ASEAN. Ngoài ra hành
động như vậy trong thời điểm nêu trên cũng là tín hiệu
của sự thách thức đối với cộng đồng quốc tế. Tín hiệu
như vậy cũng chứng tỏ Trung Quốc đã tự đánh giá mình mạnh
đủ có thể sử dụng vũ lực trước tiên dưới vỏ bọc dân
sự để khẳng định tham vọng của mình.

Ngày hôm nay khó ai ngoài người Trung Quốc có thể nghĩ về
những lời nói của chính quyền Trung Quốc với hình ảnh hợp
tác và ôn hòa như ông Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương
Quang Liệt trình bày trong Hội nghị Đối thoại Shangri La là
chân thành và thiện chí. Liệu có thiện chí đối thoại, đối
thoại theo luật pháp quốc tế hay không khi người phát ngôn
Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du cho rằng „Việt Nam tiến
hành thăm dò dầu khí tại vùng biển do Trung Quốc quản lý và
việc các cơ quan hữu quan của nước này thực hiện là tuân
thủ luật biển và hoạt động giám sát trên vùng biển thuộc
chủ quyền pháp lý của Trung Quốc" và tàu Bình Minh 02 bị ba
tàu hải giám Trung Quốc uy hiếp và cắt cáp trong khu vực vùng
đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt
Nam theo Công ước Luật Biển 1982, chỉ cách bờ biển Phú Yên
120 hải lý. Ngay sau đó, vào ngày 9/06 tàu cá của Trung Quốc
được hộ tống bởi hai ngư chính phá cáp thăm dò của tàu
Viking 2 của Việt Nam thuê trong thềm lục địa 200 hải lý của
Việt Nam.

Đã bao giờ Trung Quốc đối thoại với các bên hữu quan tuân
thủ theo Công ước luật biển 1982 và luật pháp quốc tế về
đường lưỡi bò mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền tại
Biển Đông?

Tham vọng của Trung Quốc không phải luật pháp quốc tế, đó
là điều hiển nhiên. Trung Quốc có thể dùng vũ lực đối
với các nước láng giềng yếu hơn để đạt được tham vọng
của mình, nhưng liệu nó sẽ đem lại lợi hay hại cho Trung
Quốc?

Những điều Trung Quốc cần phải hiểu, đó là:

<ul>
<li>Trung Quốc gây sức ép về vấn đề Biển Đông lên các
nước trong khu vực một bước, các nước đó buộc phải tiến
gần hơn về phía Hoa Kì và các cường quốc có xung đột hay
tiềm tàng xung đột lợi ích với Trung Quốc như Nhật Bản,
Ấn Độ v.v. thêm một bước. Trong thời điểm hiện nay cũng
như trong tương lai gần, Trung Quốc cần đồng minh, bạn bè hơn
là tạo nên kẻ thù hay sự đối đầu hoặc sự phòng ngừa
của các nước láng giềng. Sự cởi mở trong thương mại và
hợp tác với các nước láng giềng sẽ đem lại nhiều lợi
ích kinh tế cũng như chính trị cho Trung Quốc hơn là sự bế
tắc trong quan hệ. Nhất là trong thương mại, Trung Quốc hiện
giờ đang xuất siêu sang các nước láng giềng, và tại nhiều
nước, hàng Trung Quốc bị mang tiếng là hàng chất lượng kém,
độc hại, gây ảnh hưởng xấu tới các nhà sản xuất nội
địa.</li>

<li>Theo ước tính, biển Đông được xác định có trữ lượng
dầu mỏ khoảng 7,7 tỷ thùng dầu, trữ lượng khí đốt
khoảng 266 nghìn tỷ feet khối. Thời báo Hoàn Cầu của Trung
Quốc mới đây khẳng định Biển Đông có trữ lượng 50 tỷ
tấn dầu thô, hơn 20.000 tỷ mét khối khí đốt, gấp 25 lần
trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí đốt hiện có của
nước này. Bên cạnh các con số dự đoán, cho dù Trung Quốc
chèn ép được một nước hay thậm chí cả Việt Nam cùng
Phi-líp-pin và Ma-lai-xia cũng như Bru-nây, thì Trung Quốc cũng
không thể làm chủ toàn bộ Biển Đông, bởi các nước lớn
có quyền lợi sát sườn đối với Biển Đông cũng như xác
định Trung Quốc là đối tượng cạnh tranh tiềm tàng sẽ
không thể ngồi yên để Trung Quốc chia phát con bài tự do hàng
hải tại Biển Đông trong tương lai. Hôm nay Trung Quốc tuyên
bố tôn trọng tự do hàng hải tại Biển Đông, nhưng những
tuyên bố đó cũng chỉ „chân thành" như những tuyên bố
„đãi bôi" của ông Lương Quang Liệt tại hội nghị Shangri
La.</li>

<li>Đánh giá theo tình hình ngày hôm nay, đụng độ quân sự hay
thậm chí chiến tranh Việt – Trung giới hạn không thể loại
trừ hoàn toàn. Trong trường hợp đó, Việt Nam không còn lựa
chọn chung dung giữa hai nước Trung Quốc và Hoa Kì. Cho dù Chính
quyền Việt Nam có những khác biệt chính trị với Hoa Kì bao
nhiêu, Việt Nam sẽ chấp nhận cho Mỹ có căn cứ không hải
lục quân tại Việt Nam. Và đó sẽ là ác mộng kinh hoàng đối
với Trung Quốc. Trung Quốc không thể chấp nhận nếu lục quân
Mỹ có mặt tại biên giới phía Nam Trung Quốc, tiếp giáp với
vùng kinh tế phát triển của Trung Quốc. Và nếu như hải quân
Mỹ có căn cứ tại Việt Nam thì hải quân Trung Quốc bị kìm
hãm tối đa bởi chuỗi căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản, Hàn
Quốc, Phi-líp-pin, Việt Nam, đó là chưa tính đến giải pháp
Đài Loan. Trong khi đó, không quân Mỹ có thể nắm thế chủ
động, bao vây Trung Quốc từ phía tây tại Afganistan qua phía
đông tại Nhật Bản. Như vậy không gian phát triển của Trung
Quốc sẽ bị hạn chế tối đa. Mỹ, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản,
Úc, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước có tranh chấp tại Biển
Đông với Trung Quốc sẽ có lợi ích đối nghịch với một
nước Trung Quốc trỗi dậy bằng vũ lực.</li>

<li>Đối với Việt Nam, hòa bình và ổn định rất cần thiết
để phát triển cũng như đối với Trung Quốc vậy. Nhưng trong
lịch sử Việt Nam, đã bao lần người dân phải chấp nhận hy
sinh, đấu tranh để giữ nước, và không thể hoài nghi với
tinh thần dân tộc của người dân Việt Nam, bởi vậy trong
trường hợp chiến tranh không thể tránh khỏi, người Việt Nam
sẽ hiên ngang đối diện. Với bờ biển dài hàng ngàn km chạy
dọc Biển Đông, Việt Nam có nhưng lợi thế quân sự. Tận
dụng lợi thế địa thế, không quân, hải quân với đội tàu
nổi, tàu ngầm (trong vài năm nữa), tên lửa đất đối hải
v.v. sẽ nắm được ưu thế nhất định. Trong trường hợp
chiến tranh trên biển, an toàn của những chiếc tàu tiếp tế
quân sự, tàu chở dầu của Trung Quốc không được đảm bảo.
Nó cũng nặng nề giống như đoàn thuyền chở lương của quân
Nguyên Mông trong thế kỷ 13 bị Trần Khánh Dư đánh tan tành
tại cửa biển Vân Đồn vậy. Còn chiến tranh trên bộ với
Việt Nam, một nước với khoảng 90 triệu dân, và truyền
thống đấu tranh của quân và dân Việt Nam là quyết định
hoàn toàn không thông minh đối với Trung Quốc.</li></ul>

Như nhiều nhà phân tích đã nêu ý kiến, Việt Nam cần đưa
hình ảnh Việt Nam mong muốn hòa bình, tôn trọng luật pháp
quốc tế, nước nhỏ bị Trung Quốc chèn ép, đe dọa và dùng
vũ lực để thỏa mãn tham vọng bành trướng của họ. Việt
Nam phải kiên định khẳng định chủ quyền của mình tại
Biển Đông, không thể thỏa hiệp trong vấn đề chủ quyền.
Bên cạnh đó Việt Nam và các nước có liên quan, có lợi ích
gắn với Biển Đông cần đoàn kết, kiên quyết đấu tranh
chống biện pháp dùng vũ lực giải quyết tranh chấp. Đó không
chỉ là lợi ích của riêng Việt Nam mà còn là lợi ích của
tất cả các bên.

Ngoài biện pháp tăng cường sức mạnh quân sự, vận dụng
sức mạnh của người dân Việt Nam, biện pháp trước mắt là
người dân có thể hưởng ứng phong trào „Tẩy chay hàng Trung
Quốc", hoặc tạo thói quen tiêu dùng, dùng hàng không Trung
Quốc trong trường hợp có thể thay thế và chấp nhận được
bằng hàng nội địa hay hàng nhập khẩu khác nếu Trung Quốc
gây sức ép với Việt Nam. Hiện nay trong thương mại song
phương, Trung Quốc xuất siêu sang ta rất nhiều, và họ là
người hưởng lợi từ thương mại, vậy nên tẩy chay hàng
Trung Quốc là đánh trực tiếp tới túi tiền của họ.

Về lâu dài thì nước Việt Nam giàu mạnh bao nhiêu, an ninh
quốc gia được tăng cường bấy nhiêu.

Lạc Văn
Tháng 6/2011

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9069), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét