Điều 88 Luật Hình Sự trực tiếp chống trí thức, tức chống
tinh hoa dân tộc và "nguyên khí quốc gia", cũng là chống xu
thế văn minh nhân loại. Nhất định nó sẽ bị xoá bỏ để
dân Việt phát triển tiếp trên con đường văn hiến từ 4000
năm trước, đuổi kịp xu thế thời đại.
<h2>Áp lực quốc tế ngày càng mạnh</h2>
<h3>Từ các nước cùng ký kết </h3>
Khi chỉ còn vẻn vẹn 5 nước do đảng CS cầm quyền, Nhà
Nước VN buộc phải tuyên bố hoà nhập thế giới và đổi
mới trong nước, nhưng vẫn lo mất quyền cai trị. Dù vậy,
đến nay, đảng CS không còn nhắc lại điệp khúc "hoà nhập
nhưng không hoà tan; đổi mới nhưng không đổi màu" nữa; vì
hoà nhập là xu thế không thể chần chừ, lảng tránh. Cưỡng
cũng chẳng được; chậm cũng không xong.
Tiêu chí quan trọng nhất đo đạc mức độ hoà nhập là sự
nghiêm chỉnh tuân theo các Tuyên Ngôn, Hiệp Định và Quy Ước
quốc tế mà Việt Nam đã ký kết thực hiện. Do chỉ muốn
đổi mới kinh tế nên VN từng bước thực hiện các quy định
liên quan, còn các quy định chính trị - trong đó có các Tuyên
Ngôn về nhân quyền và về các quyền dân sự - thì VN cố ý vi
phạm nặng nề - vì chúng đe doạ trực tiếp thể chế độc
tài. Điều 88 là một trong những vi phạm trắng trợn và nặng
nề nhất; tới mức trong mọi phiên toà chính trị, các luật
sư đều vạch trần điều này.
Thật dễ hiểu, nếu một nước vi phạm thì những nước cùng
ký kết có thể lên tiếng nhắc nhở, phê phán, chỉ trích kể
cả phản đối. Đây không còn là chuyện nội bộ nữa, một
khi đã cùng cam kết đa phương với nhau. Suốt 30 năm nay, VN tự
thấy không đủ tư cách để lên tiếng chỉ trích bất cứ
nước nào về thiếu dân chủ, tự do, nhân quyền… mà chỉ
toàn là lên tiếng rằng mình bị… "xâm phạm nội bộ".
Nói cho đủ, có một số lần VN lên tiếng bênh vực – khá
yếu ớt - những chính quyền "cùng một ruộc" (như Miến
Điện, Irak, Lybia…).
Thực ra, sự vi phạm của nhà nước CSVN phải tới mức độ
nào đó mới bị các nước khác phản ứng. Tuy vậy, nếu phản
ứng chưa đủ mạnh, nghĩa là chưa đủ đe doạ tới lợi ích
sống còn (về kinh tế và chính trị) thì Nhà Nước CS vẫn
ngoan cố. Điều này, trong một thời gian dài, khiến giới "có
học" trong nước thất vọng, vì dường như sự chỉ trích
của các nước, thậm chí của các tổ chức quốc tế, cứ như
nước đổ đầu vịt. Kỳ thực, không phải như vậy đâu. Nhà
nước CS cũng biết sợ khi nằm trong danh sách CPC và càng biết
sợ sau khi được ra khỏi danh sách đó. Ví dụ, trước 1985,
người bất đồng chính kiến có thể bị bắt giam mà không
cần xét xử, nhưng vì muốn ra khỏi danh sách CPC, nên nhà
nước CS phải có điều 82 trong Luật Hình Sự. Nói khác, nhìn
từ một góc độ nào đó thì cái điều 82 (năm 1985) dù man rợ
cũng khiến chế độ độc tài phải mở một phiên toà trước
khi bắt giam. Rồi điều 82 (năm 1985) đã phải sửa thành điều
88 (năm 1999) cho bớt "man rợ" đi, chỉ còn là… "phản
động" thôi. Một ví dụ khác, nghị định 31CP do thủ tướng
Võ Văn Kiệt ban hành có nội dung rất chuyên chế: Cho phép
chính quyền "bỏ tù tại nhà" những người phản kháng -
dưới danh nghĩa rất "nhân đạo" là cải tạo không giam
giữ" – mà không qua xét xử. Điều này khiến quốc tế
tưởng rắng án chính trị ở Việt Nam không nhiều. Tuy nhiên,
té ra nạn nhân của nghị định này toàn là trí thức, như Hà
Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự, Mai Thái Lĩnh… chính do vậy, tới lúc
trong nước và quốc tế nhận ra, và dấy lên làn sóng phản
đối. Suốt bao nhiêu năm, cái quốc hội 90% đảng viên cứ
mặc cho cái nghị định này khủng bố hàng trăm trí thức;
nhưng "đùng một cái" khi chỉ còn một-hai tháng nữa là
hết nhiệm kỳ, cái Cuốc Hội này bỗng vội vàng "bác bỏ"
nghị định trên. Sao vậy? Hoá ra, đảng CSVN phải làm như vậy
để VN được vào WTO. Cộng Sản VN cũng biết sợ khi EU tỏ
thái độ chỉ làm ăn kinh tế với những nước dân chủ, tôn
trọng nhân quyền… Không phải bỗng dưng mà VN cử một phái
đoàn lớn sang tận châu Âu để trình bày, giải thích; nhưng
thất bại vẫn hoàn thất bại. Hàng năm, VN vẫn phải chấp
nhận 2 lần đối thoại nhân quyền với EU; thực chất là
ngồi nghe hoạnh hoẹ và cãi chầy cãi cối.
<h3>Áp lực có có kế hoạch từ Liên Hợp Quốc</h3>
Không những từng nước cùng ký kết tuyên ngôn nhân quyền lên
tiếng về VN còn vi phạm, mà các tổ chức quốc tế liên quan
cũng nhiều lần trong nhiều năm đã lên tiếng. Ví dụ Hội ký
giả quốc tế đã nhiều năm phong tước "hung thần báo chí"
cho các lãnh đạo đầu sỏ của Việt Nam - vị đầu tiên là
Đỗ Mười, vị gần đây nhất là Nguyễn Phú Trọng. Thống kê
cho hết số lần lên tiếng của các tổ chức quốc tế về
Báo chí, Nhân Quyền, Minh Bạch… cũng là một kỳ công.
Nhưng đáng kể nhất là áp lực có kế hoạch từ Liên Hợp
Quốc, từ 2009.
Thế kỷ XXI, không thế lực độc tài nào dám tháo bỏ cái
mặt nạ dân chủ. Do vậy, những nước độc tài khổng lồ
như Nga, Trung – dù ngồi ghế thường trực Hội Đồng Bảo An
- vẫn không cưỡng được quyết định nâng cấp từ Uỷ Ban
nhân quyền lên thành Hội Đồng nhân quyền (2006) - gồm tới 47
thành viên, được bầu theo địa lý.
Chẳng lạ gì, càng các chính quyền độc tài, càng muốn ứng
cử vào Hội Đồng đông đúc này. Ví dụ, Lybia đã nhảy vào
đó; VN đang tấp tểnh ứng cử năm tới. Cũng chẳng lạ gì khi
cách đây mấy tháng (ngày 25-2-2011) Hội Đồng dự tính sẽ khai
trừ Lybia vì chính quyền nước này đã bắn vào dân biểu
tình.
Việc có ý nghĩa lớn mà Hội Đồng làm được (2009) là buộc
tất cả các nước phải có báo cáo chính thức về tình hình
nhân quyền nước mình, trình bày công khai trước một hội
nghị để được chất vấn, phê phán và đánh giá. Tất nhiên
báo cáo của Việt Nam được đảng CS tô vẽ (cho đẹp) và che
dầu (cho bớt xấu), dù được Lybia và vài nước "khen",
nhưng sự phê phán mới thật là kinh, bị chất vấn cũng lắm
và bị đề nghị "phải cải thiện thêm" cũng chẳng ít.
Người trơ mặt chịu trận là đồng chí thứ trưởng ngoại
giao Phạm Bình Minh. Rốt cuộc, hội nghị "chốt lại" thực
trạng nhân quyền của Việt Nam năm 2009, để sau 4 năm sẽ
đánh giá lại về sự tiến bộ. Điều nhục nhã này, đảng
CSVN giấu tịt, mà chỉ rêu rao ở trong nước rằng: Báo cáo
về nhân quyền của nước ta đã được "<a
href="http://www.tin247.com/lien_hop_quoc_thong_qua_bao_cao_nhan_quyen_cua_viet_nam-2-21488112.html">thông
qua</a>". Cách dùng chữ thuộc hạng "siêu" đấy chứ?.
Đảng CS cứ làm như tình hình nhân quyền của VN được quốc
tế coi là "khả quan" lắm. Tiếc rằng giới trí thức VN
chưa khai thác đủ về tình hình này (nhiều tư liệu tôi lấy
từ bài của Trần Hiền Thảo).
Chưa khi nào đảng CSVN lâm vào tình thế thảm hại này. Đại
cuộc đã vậy, thì cái điều 88 Luật Hình Sự cũng vậy. Áp
lực quốc tế sẽ tới lúc đủ mức để nó phải bị xoá
bỏ. Tuy nhiên, nếu cứ ngồi đó mà đợi (thụ động) quốc
tế can thiệp thì… còn lâu! Quốc tế chỉ can thiệp mạnh
nếu trong nước đấu tranh mạnh và tin tức gửi ra đủ gây
phẫn nộ. Chúng ta cần vạch rõ hơn nữa tính chất chống trí
thức của nó. Cần phải nói, nói nữa, nói mãi, nói trong mọi
dịp (và nói chẳng cần dịp nào hết) về tính chất phản
động của cái điều 88 này để quốc tế biết và nhất là
để dân biết. Dân biết mới là cái gốc để xoá bỏ nó. Đó
mới là cách chủ động, tích cực.
<h2>Mục tiêu của đảng</h2>
- Như đã nêu, điều 88 nhằm vô hiệu hoá quyền tự do tư
tưởng, tự do biểu đạt và ngôn luận của trí thức. Mất
những quyền này, người "có học" nói chung và trí thức
nói riêng… sống cũng như chết.
- Án tù rất nặng có tính răn đe hết sức nghiêm khắc.
Hàng ngàn người "có học" muốn phản biện bất cứ gì
cũng phải tự kiểm duyệt. Họ phải tự biết dừng lại
trước khi bị điều 88 chiếu tướng. Muốn phản biện một
điều thì phải kèm theo 9 điều ca ngợi, y như lá sớ của bề
tôi muốn can vua. Trong khi đó, văn phong và nội dung điều 88 mù
mờ tới mức khó mà biết đâu là giới hạn an toàn. Một chế
độ tự nhận "dân chủ triệu lần" mà khi mở lớp trao
đổi "thuần tuý kiến thức" về dân chủ đã phải đi tù 3
và 4 năm. Chỉ dịch tài liệu về dân chủ đã tù 7 năm.
- Với điều 88, trong thời gian dài, chính quyền chính quyền CS
không ngớt "khẳng định" với 6 tỷ người trên trái đất
rằng "Ở Việt Nam không có ai là tù chính trị; bọn ra toà
chỉ toàn là tội phạm hình sự". Điều khó hiểu là nạn
nhân của điều 88 đều là người "có học" và trong số
này càng ngày càng nhiều luật sư "phạm tội hình sự".
Trên thế giới liệu ở đâu có hiện tượng độc đáo này?
- Nói cho ngay, một đất nước mà tham nhũng "càng chống, càng
tăng" tới mức đe doạ sự tồn vong của chế độ; một
đất nước luôn luôn bị xếp loại thấp (quá thấp) về tự
do báo chí, tự do tôn giáo và về tính minh bạch… mà cứ ra
rả rằng "không có bất đồng chính kiến", không có tù
chính trị… thì cho dù đảng CS có khẩn cụ Mác hiện lên,
cụ cũng không thể tin được, huống hồ một học sinh.
<h2>Không trở thành trí thức cũng không xong</h2>
Những người "phản kháng" thoạt tiên rất biết điều,
thái độ ban đầu rất mềm mỏng, không chỉ có lý mà còn có
tình với chính quyền của đảng CS - kể từ các bậc đại
lão như Nguyễn Hộ, Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Thích Huyền
Quang… tới thế hệ các cụ Thích Quảng Độ, Hà Sỹ Phu, Mai
Thái Lĩnh, Nguyễn Thanh Giang, Trần Mạnh Hảo, Vũ Thư Hiên…
rồi tới Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Trần Khải Thanh
Thuỷ… và thế hệ hiện nay. Họ nhìn ra những bất công, bất
cập và muốn góp ý một cách xây dựng để đảng CS sửa
chữa những thiếu sót; nhờ vậy, dân thêm tin đảng. Họ đều
là những người "có học", đủ khả năng tự ghi ra - thành
bài vở, văn bản - những suy nghĩ riêng, thể hiện đúng quan
điểm, thái độ và ý kiến cá nhân. Không những họ nhuần
nhuyễn tiếng mẹ đẻ mà còn đủ năng lực tham khảo các tài
liệu ngoại ngữ. Ngay từ đầu, không ai muốn trở thành
"bất đồng chính kiến" để mà đối đầu với một đảng
có cả một hệ thống đàn áp khổng lồ và tàn bạo đến
vậy.
Nhưng thái độ - mang tính nguyên tắc - của đảng CS là cự
tuyệt, còn nếu trả lời (hiếm lắm) chỉ là chiếu lệ, đầy
vô cảm và trịch thượng, kể cả trả lời cho các bậc tiền
bối. Chính thái độ của đảng mới là nguyên nhân và động
lực làm cho ngày càng nhiều trí thức – do tự trọng, do tin
chắc mình đúng - muốn nêu vấn đề cho "tới nơi, tới
chốn", cho rạch ròi chân lý. Và không thiếu người chỉ vì
góp ý mà bị vu cáo những tội danh mang tính thấp hèn, nên họ
vì danh dự mà quyết tranh luận tới cùng. Thế là, họ trở
thành bất đồng chính kiến. Để răn đe, đảng CS đã đưa
vào Luật Hình Sự năm 1985 và sửa đổi năm 1999 một điều
khoản mà bản chất là diệt trừ mọi mầm mống để giới
"có học" trở thành trí thức. Và đó cũng là cách bôi nhọ
trí thức. Bôi nhọ tới mức nêu nguyên cớ bắt người là
"hai bao cao su đã qua sử dụng" thì thật hết cách bôi nhọ.
Cái điều khoản "diệt trí thức" của Luật đã khiến các
văn bản do trí thức vắt óc viết ra với bao tâm huyết (kể
cả của nhóm trí thức ở viện IDS do tiến sĩ Nguyễn Quang A
đứng đầu) đều có tiềm năng bị biến thành chứng cứ của
các vụ án hình sự - nếu chúng gay gắt phản đối các chủ
trương sai lầm của đảng.
Không kể lớp trí thức già bị sách nhiễu, bắt bớ, giam cầm
trước 1985 (bất cần luật), thì thế hệ trí thức đầu tiên
trở thành nạn nhân của Luật Hình Sự đã bị toà sơ thẩm
nêu tội danh là… gián điệp (!), với mức án tù thấp nhất 7
năm. Gián điệp cái quái gì (?) khi Nguyễn Vũ Bình viết bài
cảnh báo sự xâm lăng của Bắc Triều (nay đang thành sự
thật); Phạm Hồng Sơn dịch bài Dân Chủ Là Gì sang tiếng
Việt, còn Nguyễn Khắc Toàn chỉ giúp đỡ dân oan khiếu kiện
đúng nơi, đúng luật…
Não trạng của đảng CS về trí thức dưới thời các vị Đỗ
Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh thật là kỳ quặc mà
dưới đây không thể bỏ qua.
<h2>Não trạng của đảng: Tuyên ngôn chống trí thức </h2>
Khi đảng CSVN ban hành một điều luật coi hoạt động tư duy
của trí thức là tội hình sự, thì não trạng của nó rõ ràng
có vấn đề. Đó là não trạng căm hận của bạo chúa đổi
với kẻ muốn làm lung lay ngôi vị cai trị của mình. Nếu trí
thức từ năm 1898 tới nay đã nhiều lần ra Tuyên Ngôn chống
độc tài, thì các chính quyền độc tài cũng ra Tuyên Ngôn
chống trí thức. Ở VN: Đó chính là điều 82 trước đây và
điều 88 hiện hành. Một não trạng bình thường không thể
nghĩ ra cái tên rất "quái" như tên của điều 82 và 88.
Luật Hình Sự 1985, điều 82 có tên "<em>tội tuyên truyền
chống chế độ XHCN</em>". Quái chưa? Nếu dân thế giới ở
180 nước chọn chế độ tư bản và dân ở 20 nước chọn chế
độ XHCN thì đó là quyền của người ta - miễn là dựa vào
kết quả trưng cầu dân ý. Tuyệt đa số dân Đông Âu sau khi
thoát khỏi chế độ XHCN đã tán thành gia nhập EU để vĩnh
viễn chấm dứt chế độ cũ. Rành rành bằng lá phiếu, dân
các nước này đã chống chế độ XHCN. Vậy, hà cớ gì điều
82 dám hăm doạ trên 50% (và nay là 75%) dân số địa cầu, chỉ
vì họ không thích một chế độ?. Não trạng như vậy sao gọi
được là bình thưởng?
Với chủ nghĩa Cộng Sản hay bất cứ chủ nghĩa nào khác, mọi
người tha hồ khen hay chê, tin hay không tin, theo hoặc không theo,
chống (bằng ngôn ngữ) hay không chống… Trên giấy, chủ nghĩa
nào cũng tốt đẹp, cũng đầy hứa hẹn. Chủ nghĩa CS và CNXH
càng đẹp tới mức vài tỷ người từng mơ ước. Nhưng khi
thực hiện, mới sinh chuyện. Chế độ CS khi thực hiện ở Nga,
Liên Xô, Đông Âu, Tàu, Việt, Triều, Cuba… (tuy mới chỉ là
giai đoạn "XHCN") lập tức đều gây thảm hoạ. Chính vì
vậy Hội Đồng EU ra nghị quyết lên án chế độ CS mà không
lên án chủ nghĩa CS. Sự phân biệt như vậy đủ rõ. Hôm nay,
đảng CS Nga vẫn tồn tại, vẫn nêu cao chủ nghĩa, vẫn tuyên
truyền kết nạp, vẫn tranh cử… Mặc nó. Nó có quyền như
vậy. Chế độ tư bản có thể dung chứa nó, nhưng một khi nó
nắm chính quyền, nó không chấp nhận một đảng nào khác. Sự
tàn sát trong nội bộ đảng CS đã đủ kinh hoàng rồi; vậy,
thử hỏi: Nó tha gì các đảng khác? Nó tha gì người phản
biện nó?
Nửa tỷ dân Đông Âu và Liên Xô từng quyết liệt chống lại
chế độ CS mới giải thể được nó, và khi trưng cầu dân ý,
tuyệt đa số dân tán thành gia nhập EU. Trong khi đó, đảng CS
VN nêu "<em>tội tuyên truyền chống chế độ XHCN</em>". Thật
hết nói.
Tới năm 1989 và 1991 (khi chế độ XHCN ở Đông Âu và Liên Xô
đổ kềnh) thì tên gọi của điều 82 tỏ ra không những vô
duyên mà còn phản động - khiến mọi người liên hệ với
lời tuyên bố của những người Hồi giáo cực đoan:
"<em>bất kể ai không theo đạo Hồi đều đáng phải chịu
sự phán xét của đức Ala</em>". Thế mà tới 14 năm sau (1999)
điều 82 nói trên mới được sửa. Điều 88 có tên là
"<em>Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam</em>".
<table>
<tr><td><strong>Luật năm 1985</strong>
Điều 82. Tội tuyên truyền chống <em><strong>chế
độ</strong></em> xã hội chủ nghĩa
</td><td><strong>Luật năm 1999</strong>
Điều 88. Tội tuyên truyền chống <em><strong>Nhà
nước</strong></em> CHXHCN Việt Nam
</td></tr>
<tr><td>1- Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm
chống chính quyền nhân dân thì bị phạt tù từ ba năm đến
mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc <strong><em>chế độ</em></strong> xã
hội chủ nghĩa;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin
bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có
nội dung <em><strong>chống chế độ</strong></em> xã hội chủ
nghĩa.
2- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị
phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
</td><td>1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm
chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị
phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng <em><strong>chính quyền nhân
dân</strong></em>;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin
bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có
nội dung <em><strong>chống Nhà nước</strong></em> Cộng hoà xã
hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị
phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
</td></tr>
</table>
Ngay cả khi điều 82 được sửa thành điều 88 – ngoài chuyện
vẫn mù mờ - nó vẫn thể hiện một não trạng chuyên chế
tới mức quái gở. Làm gì trên đời này có thứ "nhà
nước" tồn tại vĩnh viễn chỉ nhờ khoác cái tên "XHCN"?
Cái thứ "nhà nước" vì sợ hãi mà kết tội cả các "tài
liệu tuyên truyền" thì nên đổ quách đi cho rồi. Thực tế,
cái "nhà nước" loại này – dù có cả vũ khí nguyên tử -
đã đổ rất êm thấm ở Liên Xô và Đông Âu cả chục năm
trước khi điều 88 ra đời rồi.
(còn tiếp)
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9116), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét