Thế kỷ XX và XXI vẫn còn chế độ độc tài. Mà tới hai
loại lận:
- Cách mạng tư sản thành công đã 200 năm. Từ chỗ ban đầu
"hoang dã", chế độ tư bản đã bước lên những bậc rất
cao của nền văn minh công nghiệp. Và nay, nó đang kiến tạo
nền văn minh mới: Văn minh hậu công nghiệp. Cái kính chiếu
yêu (làm lộ diện loài yêu quái) nó tặng nhân loại là: Sự
tách bạch ba quyền (lập pháp, hành pháp, tư pháp) là minh
chứng - đồng thời là sự đảm bảo - cho một thể chế dân
chủ và ngày càng dân chủ. Nếu không như vậy, dù che dấu
cách nào, thì đó vẫn là chế độ độc tài, thậm chí là tàn
dư biến thể của chế độ phong kiến từ mấy thế kỷ
trước rơi rớt lại, cứ như từ dưới âm ty hiện lên, dù
được dán cái nhãn "thiên đường" XHCN.
- Thế kỷ XX (và XXI), vẫn có những nước từ ngàn năm nay ba
quyền chưa bao giờ phân lập (các nước nông nghiệp "bỏ
qua" chế độ tư bản, để dán nhãn XHCN), nhưng cũng có
nhiều nước ba quyền từ chỗ đã từng phân lập bỗng bị
một người (hoặc một đảng) thâu tóm, tạo ra chế độ độc
tài (Đức, Ý, Tây Ban Nha, Nhật, Chilê…).
Nguồn gốc độc tài khác nhau, nên hình thái không giống nhau.
Dù trường hợp nào, nhà độc tài thời nay không dại gì xưng
vua, mà tự xưng - hoặc được đảng tôn xưng - là "lãnh
tụ" cho ra vẻ cách mạng, hợp thời. Tóm lại. thời nay, hễ
độc tài là phải nguỵ trang.
Các vị lãnh tụ thường cố ý dài dòng khi đặt tên đảng và
quốc hiệu - cho thêm phần đẹp đẽ - để mỵ dân. Nhưng một
khi nắm được cả 3 quyền trong tay, lãnh tụ sẽ tự biến
mình thành bạo chúa, việc đầu tiên là đầy đoạ và giết
hại trí thức. Điều dễ hiểu: Chỉ có trí thức mới đủ
năng lực và dũng cảm vạch trần sự dối trá. Ông Hoàng Tùng,
nguyên bí thư trung ương đảng, trong hồi ký đã nhận định
rằng Tần Thuỷ Hoàng kém xa Mao Trạch Đông về giết hại trí
thức.
<h3>Vài ví dụ về lãnh tụ và tên đảng, tên nước được
đặt dài dòng:</h3>
- Hitler: Đảng Công nhân Quốc gia Xã hội chủ nghĩa Đức -
gọi tắt là Quốc Xã;
- Lênin, Stalin: Đảng Lao động Dân chủ Xã hội chủ nghĩa Nga,
sau đổi là đảng cộng sản bôn sê vich Liên Xô, quốc hiệu
là Liên bang các nước cộng hoà XHCN xô-viết (Liên Xô, SSSR);
- Mao Trạch Đông: nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa;
- Kim Nhật Thành: nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên;
- Gaddafi: nước Đại Dân Quốc Nhân dân Xã hội Chủ nghĩa Ả
Rập Libya;
- Ne Win: nước Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Myanma
(1974);
… vân vân. Mời mọi người bổ sung tiếp.
Hầu hết, các vị lãnh tụ lên ngôi cũng qua bầu cử, nhưng có
cách để liên tiếp trúng cử (với trên 90% phiếu bầu), qua
đó cầm quyền nhiều nhiệm kỳ hoặc suốt đời…
<h3>Độc tài ở nước nông nghiệp (ví dụ Việt Nam) </h3>
Thích hợp với nền nông nghiệp lạc hậu là <em>chế độ phong
kiến</em>. Việt Nam ta giành độc lập (1945) khi 95% số dân còn
làm ruộng. Tới nay – sau 66 năm, tức 2/3 thế kỷ - nông
nghiệp vẫn mênh mông, nhưng manh mún, lạc hậu, và vẫn giam
hãm tới 2/3 số dân. Tư tưởng tiểu nông vẫn hết sức nặng
căn.
Nếu theo lý luận của Mác, cách mạng ở VN lẽ ra phải là
cách mạng phản phong kiến, thiết lập nhà nước pháp quyền
TBCN, do trí thức của giai cấp tư sản lãnh đạo… giống như
Tôn Trung Sơn đã thực hiện năm 1911 bên Tàu - với ba quyền
tách bạch nhau. Nhưng đảng CSVN lại quyết thực hành theo lý
lẽ và cách thức của Lênin, vì nó đáp ứng sự sốt ruột:
Đó là "bỏ qua" chế độ tư bản – mà các nước như Mỹ,
Anh, Pháp, Ý… đã và đang tốn mấy trăm năm thực hiện, nay
vẫn chưa xong. Tiết kiệm mấy trăm năm cho tiến trình lịch
sử há chẳng phải là thành tựu cổ kim chưa có hay sao? Bị
cám dỗ, ham là phải, nhưng cái tội là mê muội lâu quá nên
trái quy luật.
Muốn làm trái quy luật tất nhiên phải ép buộc, nghĩa là
phải chuyên quyền, cách duy nhất là không tách bạch ba quyền,
buộc toàn dân tuân theo cương lĩnh. Rốt cuộc, những cái
đảng quyết "bỏ qua" tư bản, sớm muộn sẽ đưa đất
nước quay lại chế độ phong kiến. Do đó, tới nay, khi đã
hết vai trò lịch sử "ngoài lợi ích cầm quyền vĩnh viễn,
đảng này không còn lợi ích nào khác".
<h3>Giới lãnh đạo: Dù tài giỏi, thiện chí và nguỵ biện,
nhưng… </h3>
Trong 66 năm ấy, giới lãnh đạo đảng CSVN đã trải 3 thế hệ
chủ yếu.
- Phải là tài giỏi thì họ mới huy động được toàn dân
khởi nghĩa và kháng chiến chống Pháp. Chỉ có 5-10 ngàn đảng
viên, nhưng tỷ lệ hy sinh tới 10%, tức là cao gấp 10 lần tỷ
lệ hy sinh của người ngoài đảng (1% trong số 30 triệu dân).
Lịch sử mãi mãi tôn trọng họ, nhưng vinh quang của họ đang
bị thế hệ lãnh đạo hiện nay chiếm đoạt, thừa hưởng.
- Đảng cầm quyền nào, dù trong sạch hay tham nhũng, đều muốn
được dân khen. Việc xoá bỏ giai cấp địa chủ và tư sản
(xoá bóc lột) để sau đó có thể công hữu hoá… phải coi là
xuất phát từ thiện chí: đảng không tư túi, và thật sự tin
rằng đời sống nhân dân sẽ được cải thiện nhờ "sản
xuất lớn". Vấn đề là cách làm: cực tả (tàn bạo) do
Lênin đưa ra. Lịch sử không thiếu những ví dụ: bất cứ
phong trào cực tả nào cũng đẫm máu quần chúng (Công xã Paris,
Xô viết Nghệ Tĩnh) dù mục tiêu đầy thiện chí.
Vâng, bà mẹ nào mà chẳng "thiện chí" mong đứa con lớn
nhanh? Nhưng bị xui dại, bà ta đã dùng cái thòng lọng treo cổ
đứa con lên, lại buộc thêm tảng đá dưới chân, cho… mau
lớn (ví dụ này lấy trong bài của Trần Hiền Thảo, Trần
Trung Thực).
Thế hệ lãnh đạo đầu tiên - có công, dám hy sinh, nhưng cũng
mắc những sai lầm "chết người" - nay đã vắng bóng. Thế
hệ trung gian lẩn quẩn trong chiến tranh, bế tắc trong kinh tế,
nay đã thưa thớt... (bị coi là trung ít, gian nhiều: công ít,
tội nhiểu - như tôi đây!).
- Còn thế hệ cầm quyền hiện nay? Chẳng có tí công trạng gì
hết, nhưng trên danh nghĩa là "kế tục" do vậy thừa hưởng
mọi vinh quang và quyền lực, đồng thời vô trách nhiệm với
sai lầm cũ. Mong có chính danh, nhóm chóp bu hiện nay không ngớt
nhấn mạnh "kế tục sự nghiệp, nối tiếp truyền thống và
kiên trì con đường". Sự nguỵ biện đương nhiên phải
được che dấu, ngụy trang – như hiện nay chúng ta đang thấy:
đàn áp trí thức.
Tóm lại, ban đầu dù tài giỏi đến đâu; sau đó dù thiện
chí đến đâu; và hôm nay dù khéo trá hình đến đâu… rốt
cuộc, thể chế nước ta đã phơi bày là phong kiến phản
động – vì ngay từ đẩu cả ba quyền gom vào tay một nhóm,
đứng trên pháp luật, hành xử như vua.
Đáng buồn là tư tưởng tiểu nông của dân ta vẫn còn rất
nặng nề. Chính tư tưởng này tạo ra nhu cầu có vua, có thánh,
để mà… có cái tôn thờ. Để vinh danh nhân vật Thạch Sanh,
tư tưởng tiểu nông không thể có cách nào khác là đặt anh ta
lên ngôi vua.
<h3>Không riêng nước ta </h3>
Đặc trưng này không riêng nước ta mới có. Tất cả các
nước nông nghiệp lạc hậu (như Nga, Trung, Triều, Cu Ba, Lào,
Miên…) đều như vậy. Cách mạng khá dễ thành công khi nhiệm
vụ là đuổi thực dân và đánh đổ phong kiến, tuyên bố
độc lập - vì lòng dân đã quá chán ghét chế độ cũ và vì
xu thế thời đại. Tai hoạ là muốn "bỏ qua" chế độ tư
bản, để đi tắt, hòng… vượt tư bản (!). Loanh quanh, không
sớm thì muộn, chế độ phong kiến (trá hình dân chủ) sẽ lộ
diện. Lãnh tụ, có thể ban đầu rất bình dân, vào sinh ra tử,
nhưng về sau sẽ xa dân và được tô vẽ thành con người siêu
phàm; khi chết được tôn thánh, được ướp xác, xây lăng.
Để làm gì? Để vừa thoả mãn tư tưởng tiểu nông của đa
số dân, lại vừa để đám cầm quyền thế hệ sau tuyên bố
rằng họ trung thành tuyệt đối và xứng đáng kế tục sự
nghiệp vinh quang của thánh nhân. Do vậy, không một đảng CS
nào khi còn nắm quyền mà dám lơ là chuyện ca ngợi lên tận
mây xanh vị thánh mà đảng đã dựng lên. Đáng thương là cụ
Fidel. Cụ không mất đúng lúc để được tôn thánh, mà cứ
sống lâu để nay phải đích thân thừa nhận sai lầm, hết cả
thiêng.
<h3>Nước công nghiệp: Không dễ thực hiện độc tài </h3>
Một cá nhân hoặc một nhóm muốn trở thành độc tài ở một
nước công nghiệp không dễ và cũng không thể tồn tại lâu
dài. Người dân từng được hưởng dân chủ, tự do, đã giác
ngộ cao về quyền lợi. Do vậy, thoạt đầu nhà độc tài
phải lợi dụng (hoặc tạo ra) được cơ hội, phải biết mỵ
dân, phải lập đảng khuynh tả… để có thể thắng cử. Khi
quyền lực đã vững, phải tạo cớ (khủng hoảng, chiến tranh)
để có lý do tập trung quyền lực hơn nữa.
Nhiều trường hợp phái dùng bàn tay sắt (phát xít hoá). Có
thể nói, độc tài tới mức phát xít hoá thì một nguyên nhân
là sự phản kháng của trí thức. Nhưng nền độc tài này
không thể lâu dài, vì trước sau phát xít sẽ gây chiến và
bại trận.
Còn ở nước nông nghiệp, chế độ trước cách mạng vốn dĩ
là phong kiến, nên độc tài là tự nhiên. Vô phúc, nếu đảng
cách mạng tự nhận là vô sản, sớm hay muộn nó sẽ tự phơi
bày là một đảng vua quan. Ngày nay, sở dĩ nó phải ngụy trang
thành dân chủ vì đã là thế kỷ XXI, hầu hết các nước đã
đa đảng. Chớ nếu là 100 năm trước, sẽ khác: Ông Viên Thế
Khải bên Tàu, ngay sau khi kế vị chức Đại Tổng Thống của
Tôn Trung Sơn đã tuyên bố tắp lự: Phục hồi quân chủ.
Điều may là ông chết sớm, điều không may là cụ Mao… nứt
trời rơi xuống, khiến chế độ tư bản ở Trung Quốc chết
yểu khi mới chập chững (1949), vua Mao lên ngôi.
Dân trí cao, người dân đã từng được hưởng dân chủ, tự
do… do vậy ở nước công nghiệp, ban đầu nhà độc tài phải
hứa hẹn, mỵ dân và tỏ ra khuynh tả. Sau khi đã thắng cử,
trong quá trình cầm quyền, ông ta mới phát xít hoá (Đức, Ý,
Tây Ban Nha…). Ở một số nước, độc tài được thực hiện
bằng đảo chính của nhóm quân phiệt (Nhật, Miến Điện,
Libya...). Một số nước khác, nhà độc tài dùng cách "leo
dây": thân cả phe XHCN, thân cả phương Tây, khéo léo để
được cả hai phe ủng hộ; đặng thực hiện độc tài với
dân. Nhiều nhà độc tài châu Phi và Trung Á đã ngã lộn xuống
đất từ cái thế chênh vênh này.
<h3>Trí thức dưới chế độ độc tài</h3>
Chế độ độc tài nào cũng kỳ thị trí thức, tức căm ghét
người bất đống chính kiến (chính kiến = ý kiến về chính
trị) đồng thời cũng sợ hãi họ. Do vậy, chế độ độc tài
rất có ý thức ngăn cản trí thức liên kết với nhau thành
lực lượng. Ở Việt Nam, họ được đưa vào "đoàn thể"
nhưng thành phần khá hẩu lốn (công đoàn). Ví dụ, trong tổ
công đoàn, Tôn Thất Tùng hay Trần Đại Nghĩa, Lương Định
Của… phải hop hành với bác lao công, chị tạp vụ, ông bảo
vệ, cô thư ký, anh y tá… Vậy làm sao có thể thảo luận về
chính kiến?
Phải 50 năm sau, đảng mới cho phép trí thức có đoàn thể
riêng - hiện nay ở cấp toàn quốc do ông Đặng Vũ Minh uỷ
viên trung ương, đứng đầu. Ông này là đại biểu quốc hội
nhưng trong suốt nhiệm kỳ vừa qua ông không nói một câu nào
trong mọi cuộc thảo luận ở hội trường. Liệu nay có thể
trông mong gì ở ông?
Ai cũng thấy, các đoàn thể này không bao giờ bênh vực – mà
khai trừ lập tức - nếu đoàn viên trí thức dám phê phán
đảng cầm quyền. Ngay năm 2010 và 2011 LS Lê Trần Luật và TS
Cù Huy Hà Vũ bị "đoàn thể" của mình khai trừ là do vậy.
Đặc biệt chế độ độc tài rất cần mua chuộc những
người có học vấn cao, những chuyên gia giỏi; một mặt để
họ phục vụ mình; nếu lại ca ngợi mình nữa, càng tốt -
nếu không thì cũng đừng bêu xấu chế độ. Các chế độ
độc tài xa xưa hay cận đại (Đức phát xít, Nga xô viết, Tàu
cộng sản…) đều làm như vậy. Ở VN, đảng CS cũng rất cần
sự đồng tình của Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Lương
Định Của… và nay là Ngô Bảo Châu… Mặt quan trọng khác,
chế độ dùng cách đe doạ và đàn áp để ngăn cản người
"có học" trở thành trí thức. Tuy họ được vuốt ve, tâng
bốc với đủ thứ danh hiệu hão, nhưng bị trở mặt cũng rất
nhanh, rất thật. Ông Nguyễn Huệ Chi cứ là giáo sư, nhưng -
giáo sư cũng mặc mẹ giáo sư - vẫn cứ bị mấy anh công an
nhãi nhép lôi lên thẩm vấn!.
Biện pháp cuối: dùng luật biến trí thức thành tội phạm
hình sự
Nếu các biện pháp tinh thần và vật chất không kết quả,
đảng dùng cả Luật đánh vào đặc trưng số 1 của trí thức:
tức là tinh thần phản biện. Điều 88 coi hành vi ngôn luận
của trí thức là tội hình sự, giống như tội giết người,
cướp của, hiếp dâm.
<h3>Sự thích nghi với hoàn cảnh</h3>
Độc tài Việt Nam lộ diện lần đầu năm 1957 khi nó đàn áp
nhóm Nhân Văn. Nạn nhân của nó, nhiều người sống sót tới
thời gian rất gần đây. Họ là tấm gương cảnh báo để trí
thức Việt Nam tìm ra cách tồn tại hợp pháp và an toàn, dù
rất trầy trật.
- Trước hết, đó là những người "có học", lương thiện
và có công trạng mà chế độ phải thừa nhận. Tới một
ngày, họ nhận ra lý tưởng đẹp đẽ mà họ dành ra gần cả
đời theo đuổi chỉ là áo tưởng (tới nửa nhân loại bị
lừa cơ mà), còn thực chất đây là chế độ độc tài kiểu
phong kiến. Sau năm 1954 và 1975, giới cầm quyền không thể nại
ra lý do chiến tranh để tiếp tục trì hoãn sự phân lập của
ba quyền nữa, họ nhận ra bộ mặt thật của chúng. Họ phát
biểu ban đầu còn dụt dè, sau mạnh bạo dần, nhưng vẫn cố
giữ giới hạn an toàn. Sự phê phán rất nhất quán trong một
thời gian đủ dài khiến mọi người thừa nhận họ là trí
thức. Hoàn cảnh khiến họ không thể làm khác hơn, không thể
làm ở mức như Zola đã làm.
Đã là phi nghĩa, độc tài, bao giờ cũng có mâu thuẫn giữa
nói (rất lọt tai) và làm (rất phản động). Sự mâu thuẫn
này đã bị trí thức triệt để lợi dụng. Ví dụ, dựa vào
lời của lãnh tụ, dựa vào chính cương, điều lệ… để
chỉ trích những việc làm hiện tại.
- Tiếp bước họ, những trí thức thế hệ sau càng dấn thân
hơn, quyết liệt hơn và chấp nhận nguy hiểm, kể cả vào tù
do điều 88 luật hình sự. Blog giúp họ phương tiện rất hiệu
quả. Rất nhiều người công khai danh tính, nhưng lực lượng
dùng bút danh cũng không kém mạnh mẽ và nguy hiểm. Họ không
đơn độc như cha anh thời đàn áp Nhân Văn.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9032), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét