Đơn xin được… chết

Đã gần nghìn ngày trôi qua, kể từ ngày người đàn bà Tày
quê mình viết đơn cho các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai xin đưa
chồng về để… chết. Nhưng, ngồi tại nhà mình, bà Hoàng
Thị Bình, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh Cao Bằng vẫn
sửng sốt và buồn rầu khi tình cờ cùng tôi nhắc lại câu
chuyện hy hữu, có chút gì bi hài và cay đắng ấy. Bà đã về
BV Bạch Mai thăm, tặng quà. Rồi, khoảng 400 triệu đồng đã
được các nhà hảo tâm gửi về ngõ hầu cứu sống anh chàng
người Tày bị ong bồ vẽ đốt, hôn mê mấy chục ngày, đã
mười phần chết chỉ một phần sống kia. Nạn nhân đã
được cứu nhờ phép nhiệm màu của tình nhân ái, nghĩa đồng
bào.
Song, đó cũng là lúc một trang chuyện rầu lòng khác được
mở ra.

<h2>"Y tá ở Bạch Mai xé giấy bảo em nếu muốn để chồng
chết thì… viết đơn"</h2>

Bản Nà Cốc, xã Lê Lai, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng nằm hiu
quạnh ven con đường thiên lý nối Lạng Sơn với Cao Bằng đang
bị băm thành hang hốc bởi ùn ùn xe công-ten-nơ chở hàng từ
mạn bể Hải Phòng lên biên giới. Đại gia đình Nông Đoàn
Dưỡng đi bộ cả cây số từ bản ra đầu núi đứng chờ
chúng tôi. Không hỏi khách là ai, đến với mình với mục
đích gì, nghe nói có người lên chơi là bản Tày mến thương
trải lòng đi đón. Dưỡng 36 tuổi, gầy nhom, bước đi liêu
xiêu còn phải chống nạng, đầu vẫn trọc lốc, lỗ chỗ các
vệt sẹo trắng, nói năng vẫn lẩy bẩy, có cái gì ngơ ngẩn
thường gặp của kẻ từ cõi chết trở về.
Ong đốt làm Dưỡng phải nằm mê man bất tỉnh đúng 39 ngày,
mê từ vạt núi đi chặt củi đầu xã, mê ra huyện lên tỉnh,
bất tỉnh nhân sự đến tận BV Bạch Mai dưới Hà Nội. Nằm
viện tròn 4 tháng! Dưỡng chỉ nhớ, khoảng 18h chiều một ngày
cuối tháng 9 năm 2008, đi chặt củi cùng chúng bạn, vừa đụng
dao vào bụi rậm, Dưỡng nghe tiếng u u, rồi các "viên đạn
màu đen" (con ong bồ vẽ) đầy lông lá bay kín bầu trời. Nó
đốt vào đầu, mu bàn tay, vào mặt anh chi chít. Theo bản năng
người đi rừng, Dưỡng chỉ còn biết nhắm mắt lại để
tránh ong độc đái vào mắt giết mù đôi mắt của anh. Dưỡng
hôn mê từ bìa rừng, chúng bạn phải đẽo cáng khiêng Dưỡng
về. Hôn mê sâu, suy thận, suy gan, loãng máu, rối loạn đông
máu, lúc kịch phát còn bị trào máu vào phổi… tất cả các
bác sỹ ở tuyến huyện, tuyến tỉnh đều lắc đầu bảo
phải về Khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai may ra còn 1% hy
vọng sống. Ngày 1/10/2008, nạn nhân được nhập viện Khoa
Chống độc, BV Bạch Mai, Hà Nội, khi mà khoảng 50 vết ong
đốt đã hoại tử, lở loét.

Vừa vào nhập viện ở tầng 1, lên đến tầng 2, đã thấy
thông báo nộp 5 triệu đồng. Vài ngày sau, Nông Thị Hồng, 37
tuổi, vợ Dưỡng được các nhân viên ngành y gọi lên, thông
báo: đóng 20 triệu đồng tiền viện phí. Hồng rụng rời chân
tay. Mạng người là vô giá, các bác sỹ cứu chồng mình thì
mình phải giả tiền chứ có ai bóc lột mình đâu, Hồng hiểu
thế. Nhưng, Hồng vẫn không hình dung được sao mà thuốc thang
đắt đỏ thế - trong khi anh chồng vẫn với ống thở mê man,
không khác gì cái tử thi. Vay mượn, lạy lục, bán chác đủ
thứ, nộp tiền xong. "Vài ngày sau, lại chuẩn bị nộp 10
triệu, ối giời ơi, chồng em vẫn mê man anh ạ", kể đến
đây, Hồng khóc nức nở. Dưỡng gạt nước mắt chống nạng
ra ngoài sân ngắm núi xóm Nà Cốc. Tôi an ủi an Hồng: "Thì
thuốc thang đắt đỏ. Thời buổi này, con đường ngắn nhất
để người ta có thể đi đến khánh kiệt, là đường đến
Bệnh viện mà. Nhà mình nghèo gianh tre thế này, thấy 10 triệu
là to, chứ…". Hồng bảo, em đã đưa chồng về đến thủ
đô Hà Nội, nhà em nghèo hết cỡ thế này, anh bảo, có ai lại
muốn chồng "được" chết. Nhưng mà em không có một xu trong
người, sau quá trình liên tục nộp đủ thứ tiền. Chị Th.,
bên tài chính của khoa, chị ấy bảo, mày không có tiền,
chồng mày đang thở bằng ống thở, lại phải lọc máu liên
tục vì bị ong độc đốt, lại truyền đủ thứ thuốc men,
rút "ống" ra là chết ngay lập tức, "chết ngay tại
chỗ" (từ ngữ trong nguyên văn). Ngoài tiền đã trả, vẫn
còn nợ bệnh viện 35 triệu, mỗi ngày sắp tới lại cần
nhiều triệu nữa để điều trị! Trời ơi, còn cái gì để
bán, em cũng bán ngay để cứu chồng. Nhưng không có gì cả, em
phải làm gái góa thôi, hai đứa con em thành mồ côi mất thôi.

Em khóc, nếu không có tiền thì phải chết, em ở hoàn cảnh
này, chẳng biết còn con đường nào khác đâu. Hồng kể:
"Lúc ấy em "bí" lắm, không biết làm thế nào nữa. Trăm
sự nhờ các bác sỹ thôi. Nếu không nhờ được, em đành cho
chồng về quê, lấy thuốc lá lẩu ở địa phương, sống thêm
giờ nào hay giờ ấy, chứ biết làm sao? Chị Th. ấy bảo, nếu
muốn về, về xin giấy của địa phương này, viết đơn đi
này. Em viết mãi không xong, em trình bày hoàn cảnh, tên là gì,
ở bản gì, hộ nghèo ra sao. Em hỏi chị Th, chị ơi viết thế
nào nữa, chị bảo, thì viết xin cho chồng về để chết chứ
còn thế nào nữa. Chị ấy lấy giấy bút cho em viết mà. Lúc
ấy khóc nhiều lắm. Giờ em nhớ, đơn của em là: Đơn xin đưa
chồng về để chết" (nguyên văn lá đơn đó hiện chúng tôi
đang có, như sau: "… Lý do tôi làm đơn này xin cho chồng về
để chết vì gia đình gặp hoàn cảnh thật sự khó khăn, chúng
em không tiếp tục ở lại bệnh viện được nữa nên gia đình
xin cho chồng về để chết…") . "Viết xong em đặt lên bàn
của chị Th. ấy. Em ra ngoài tìm cách liên lạc với xe cấp
cứu của bệnh viện tỉnh Cao Bằng, bảo các bác ấy lúc nào
tiện thể đưa bệnh nhân xuống thì nhớ mang theo cái bình ô xy
như hôm đưa chồng em xuống Bạch Mai ấy. Em muốn chồng em
sống thêm một tý, về đến nhà cho các con em được nhìn mặt
bố lần cuối". Em ra ngoài ngồi chờ, 8h, rồi 9h, rồi 10h,
chưa thấy họ cho phép em mang chồng về, em lo lắm.

Chị Nông Thị Mai Sao, lãnh đạo Hội Nông dân huyện Thạch An,
là người gắn bó với Hồng từ ngày mẹ Hồng chết, khi Hồng
mới 3 tuổi đầu, ngồi nghe chuyện từ đầu, kể thêm: "Đêm
ấy, thấy tiếng khóc rầm rĩ. Tôi cũng sang nhà đem toàn bộ
quần áo, chăn, màn các thứ của Dưỡng ra giặt, giặt phơi
trắng các bờ rào để chuẩn bị liệm xác Dưỡng. Để
Dưỡng mang đi về cõi bên kia (theo phong tục người Tày). Bà
con bắt đầu xẻ gỗ đóng quan tài cho Dưỡng, cả đêm bản
làng không ngủ. Có người khóc rấm rứt ngồi chờ sáng. Hai
đứa nghèo và ngoan lắm, các con nó xinh như búp bê sắp mồ
côi cha".

<h2>Số tiền 400 triệu của độc giả được chi tiêu ra
sao?</h2>

Sau chừng 100 ngày điều trị, Dưỡng đã trở về từ cõi
chết. Tuy nhiên, vì hôn mê sâu quá lâu, lại thêm sự tác oai
tác quái của nọc độc ong bồ vẽ, nên Dưỡng đối mặt với
chứng teo cơ. Lúc về, Dưỡng bảo, mình như đứa trẻ lấy
bấy vừa sinh ra, nằm đâu nằm đấy, mắt trắng dã, đầu
trọc lốc, thỉnh thoảng gào thét mê sảng.

Gặp chúng tôi sau hơn 2 năm về lại bản Nà Cốc, Dưỡng vẫn
lẩy bẩy, vẫn cầm nạng chống lui cui. Cả bản làng, cả
đại gia đình, thật sự cảm ơn các bác sỹ, cảm ơn cả xã
hội đã thấy người ta buộc phải buông xuôi sự sống vì
đói nghèo mà không hề vô cảm. Và, Dưỡng vẫn không biết
rằng, kể từ khi lá đơn "trần đời có một" của Hồng
đến tay các nhà báo, một cuộc quyên góp từ nhiều tầng
lớp, từ độc giả trong và ngoài nước đã diễn ra, và số
tiền ủng hộ người viết đơn xin cho chồng được chết lên
tới 400 triệu đồng. Với người nuôi vợ con bằng nghề kiếm
củi tập tàng trong rừng núi gần như hoang hóa của vùng Thạch
An như Dưỡng, số tiền đó lớn hơn cả ngọn núi trước nhà.
Sự sống là thứ quan trọng nhất, Dưỡng không đòi hỏi gì
hơn.

Nhưng vợ Dưỡng thì hơi băn khoăn. Trong lá đơn gửi chúng
tôi, Hồng cảm ơn xã hội và các bác sỹ thật lòng. Người
như Hồng có lẽ cả đời không nói dối ai bao giờ. Hồng
viết bằng mực xanh, trên giấy học trò, chồng Hồng và bé
Diễm (con gái Hồng và Dưỡng) cùng ký: "Chúng tôi là người
nhà, khi nhà hảo tâm đưa tiền tận tay, chị Thảo cán bộ
bệnh viện còn yêu cầu phải nộp lại", chuyện 400 triệu
ủng hộ chữa bệnh cho Dưỡng, Hồng cũng viết "chúng tôi
không được ai thông báo", "trước khi xuất viện, chúng tôi
có được 10 triệu (BV đưa) về tiền xe đi lại và chăm sóc
chồng". Hết.

Thật lòng, nhóm nhà báo chúng tôi tiện công tác qua Thạch An,
thăm lại người viết đơn cho chồng được chết, chỉ để
tặng chút quà mọn. Bất ngờ nghe chuyện "cắc cớ", tôi
bấm máy di động, bật loa cho cả nhà Dưỡng nghe, đầu kia,
một nữ nhà báo tận tâm viết bài, chụp ảnh, kêu gọi, trao
tiền, đưa tin chi tiết về quá trình cả xã hội chung tay cứu
Dưỡng đã vô cùng bất bình. Nhà báo này nói, đại ý: ôi, em
đã không có số điện thoại, không làm sao liên lạc được
với họ. Vụ việc 400 triệu ủng hộ Dưỡng chi tiêu ra sao, có
lẽ là nỗi áy náy, và bức xúc nhất, ám ảnh nhất trong cả
chục năm làm báo vừa qua của em. Họ quá nghèo, quá thật thà,
chắc chắn bây giờ họ vẫn nhớ mặt và tên em. Vì em đã
gặp họ quá nhiều, lo cho họ từng tí. Em nhớ, Dưỡng về
bản, vẫn là người da bọc xương, bị liệt. Nhưng khi tiền
về, thì họ lại không dùng hoàn toàn để phục vụ cho việc
chữa bệnh, chăm sóc Dưỡng và gia đình. Em vô cùng bất bình.

Ngay lập tức, chúng tôi mở laptop, dùng thẻ kết nối internet
3G, gõ tên "Nông Đoàn Dưỡng" và từ khóa "ong đốt",
thì được hàng chục kết quả với các trang báo lớn, viết
kỹ, lần lượt từ việc Dưỡng bị ong đốt, chụp ảnh lá
đơn xin được chết, sự bế tắc, rồi 200 triệu, rồi lên
tới 400 triệu ủng hộ bệnh nhân Dưỡng. Các con số trên cực
kỳ rõ ràng, y tá Phạm Thị Thảo (người tiếp nhận tiền cho
Dưỡng), rồi TS Phạm Duệ (Giám đốc Tủng tâm chống độc)
phát biểu trên báo hẳn hoi, "bệnh nhân Dưỡng đã nhận
được số tiền ủng hộ lên tới 400 triệu đồng" (trích
nguyên văn từ một bài báo đã đăng, tác giả Lệ Hà). Và,
trước khi đặt bút viết bài này, trao đổi với TS Duệ, chúng
tôi cũng vẫn nhận được lời xác tín như trên. Ông Duệ
bảo, số tiền còn thừa của 400 triệu đồng kia (sau khi chữa
bệnh cho Dưỡng) đã được Trung tâm hỏi ý kiến một số nhà
tài trợ rồi để lại trong quỹ nhằm điều trị bệnh nhân
khác.

Một nhà báo tâm huyết trong cuộc vận động tiền cứu Nông
Đoàn Dưỡng lại cho rằng, số tiền đó không phải được
dùng vì mục đích như ông Duệ nói. Chị đã nhiều lần gặp
riêng Nông Thị Hồng để hỏi về việc tiền có đến tay gia
đình Hồng không. Chị Hồng có xác nhận với chúng tôi điều
này. Nữ nhà báo cũng cảnh báo, nếu tôi hỏi sẽ bị ông Duệ
nổi đóa vì "lý do đặc biệt", quả thực, nghe lại băng
ghi âm cuộc trao đổi của chúng tôi thì thấy ông Duệ rất
"nặng lời"… Vậy là đã rõ, dù thế nào thì việc không
thông báo, không minh bạch tiền 400 triệu đồng của nhà hảo
tâm cho bệnh nhân Dưỡng vẫn là điều đáng "trách móc",
nếu không nói là một sự cẩu thả và... Bởi tiền đó, như
cán bộ Trung tâm trả lời báo chí ngay thời điểm vừa có 400
triệu độc giả gửi, là: tiền gửi cho con người tận khổ
Nông Đoàn Dưỡng chữa bệnh. Câu hỏi đặt ra là: giả sử
số tiền thừa sau khi chữa bệnh cho Dưỡng mà không bị thắc
mắc, "dư luận cấn cá" thì Trung tâm có sử dụng vào cái
gọi là "quỹ" cho bệnh nhân khác như ông Duệ nói không?
Thêm nữa: thời điểm Trung tâm quyết định xin ý kiến nhà
hảo tâm (nếu điều này là có thật như ông Duệ nói) là khi
nào? - trước hay là sau thời điểm có "dư luận"? Liệu có
phải, ngay sau khi "toa" thuốc cuối cùng điều trị cho
Dưỡng chấm dứt, người ta đã tổng kết tiền thừa và đem
tiền đó vào ngay cái quỹ vì bệnh nhân khác không? Hay là
việc đem tiền của Dưỡng vào cái quỹ kia chỉ là "một
cách nói", là một sự "chữa cháy" của những sự mờ ám
nào đó?

Dù thế nào, nghi ngờ, thắc mắc và bức xúc của một số nhà
báo, của gia đình bệnh nhân Dưỡng cũng là chính đáng. Tiền
của ai người đó chi tiêu, tiêu tiền của người khác mà chưa
xin phép, dù là đem xây đình chùa hay để cứu người đi nữa,
vẫn là sai. Hy vọng chúng ta sẽ sớm có câu trả lời thỏa
đáng.

Thảo Giang - Doãn Hoàng

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8880), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét