Ve sầu và Kiến - Câu chuyện ngụ ngôn thời hiện đại

<div class="special_quote">Martin Wolf là biên tập viên đứng đầu
chuyên mục kinh tế của báo Financial Time. Bài viết dưới đây
được đồng đăng tải trên tờ Financial Time (Mỹ) số ngày 25
tháng 5 năm 2010 và báo Le Monde (Pháp) ngày 01 tháng 6 năm 2010 theo
hình thức hợp tác. Nó lược tả quan hệ kinh tế thế giới
dưới một góc nhìn giản lược nhưng triết lý, từ sự hình
thành đồng tiền chung châu Âu, cuộc khủng hoảng subprime tại
Mỹ, đến nguy cơ «phá sản» ngân sách của các quốc gia như
Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italy... Tạp chí Thanh Niên PHÍA TRƯỚC
chuyển ngữ gửi đến quý bạn đọc để có thể chiêm nghiệm
và tự rút ra một bài học cho chính mình, ở tầm vĩ mô, tập
thể hay cá nhân. Trong một chừng mực nào đó, nó chỉ ra sự
mong manh của chiến lược «Hướng về xuất khẩu» của các
nước đang phát triển.</div>

«<em>Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè,
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối…</em>»

<em>Nguyễn Văn Vĩnh dịch thơ của La Fontaine</em>


Tất cả mọi người đều biết câu chuyện ngụ ngôn Ve sầu
và Kiến. Con ve sầu lười biếng ca hát suốt mùa hè, trong khi
đó thì kiến làm việc quần quật cả năm để dự trữ cho
mùa đông. Khi những ngọn gió bấc đầu tiên bắt đầu thổi,
ve sầu đến năn nỉ kiến cho chút gì đó để ăn. Kiến từ
chối còn ve sầu thì đói lả. Ý nghĩa của câu chuyện này
dưới góc nhìn kinh tế: sự lười biếng vẫn đẻ ra nhu cầu.

Cuộc sống thật đương nhiên phức tạp hơn câu chuyện ngụ
ngôn của Esop. Ngày hôm nay, Kiến chính là người Đức, người
Trung Quốc, người Nhật Bản, còn Ve sầu là người Mỹ,
người Anh, người Hy Lạp, Ailen và Tây Ban Nha. Kiến sản xuất
các hàng hóa tiêu dùng mà ve sầu cần và muốn sử dụng. Ve
sầu hỏi Kiến muốn gì để trao đổi ngược lại. Kiến trả
lời «Chẳng muốn gì». «Các ông chẳng có thứ gì hấp dẫn
chúng tôi ngoài mấy ngôi nhà bên bờ biển. Các ông hãy cho
chúng tôi vay tiền. Như thế các ông sẽ có hàng hóa sử dụng,
còn chúng tôi thì sẽ tạo các quỹ dự trữ».

Cả kiến và ve sầu đều hạnh phúc nhờ cuộc trao đổi. Với
bản tính tiết kiệm và cẩn trọng, kiến đặt hết tiền của
mình vào các ngân hàng nổi tiếng uy tín. Các ngân hàng này
lại dùng số tiền đó cho ve sầu vay. Ve sầu chẳng cần phải
làm lụng sản xuất gì, vì đã có kiến sản xuất tất cả
những thứ mình cần, không những thế lại còn sản xuất với
giá rẻ. Có điều kiến không thể bán cho ve sầu nhà cửa, các
trung tâm thương mại, và những khu văn phòng chọc trời. Cái
này ve sầu phải tự làm lấy. Ve sầu thậm chí còn nhờ cả
nhân công của kiến đến giúp mình làm tại chỗ. Sau đó ve
sầu thấy rằng, nhờ việc xây dựng và thu hút các khoản chi
tiêu tại nhà mình, giá đất tăng vọt. Vậy là ve sầu tiếp
tục đi vay tiền để xây dựng, và để chi tiêu (bởi vì đối
trọng của khoản nợ đó sẽ là giá trị tăng thêm của
đất). Trước sự thịnh vượng của các tổ ve sầu, kiến lóa
mắt và bảo các ngân hàng của mình : «hay tiếp tục cho vay,
vì một ngày nào đó có thể xấu trời, mà Kiến chúng ta không
thích đi vay nợ». Đằng nào thì kiến cũng giỏi sản xuất
hàng hóa tiêu dùng hơn là quản lý tài chính. Ve sầu tinh quái
chỉ việc biến các khoản nợ của mình thành các chứng từ
bất động sản có giá trị tương đương tại ngân hàng.

Tổ kiến Đức nằm ngay cạnh vô số các tổ ve sầu, «Chúng
tôi muốn là bạn với tất cả mọi người», kiến Đức nói
với các hàng xóm của mình như thế. «Vì sao chúng ta không sử
dụng một đồng tiền chung để thúc đẩy thương mại ? Nhưng
trước hết các bạn phải hứa trong tương lai sẽ luôn luôn cư
xử như kiến». Các chú ve sầu phải qua một kỳ sát hạch cư
xử. Cuối cùng, chúng cũng có được cái mình muốn: thông qua
một đồng tiền chung châu Âu cho toàn khu vực.

Trong một khoảng thời gian, tất cả mọi người đều sống
hạnh phúc. Các chú kiến Đức nhìn vào số tiền ve sầu nợ
mình và cảm thấy giàu có. Trong khi đó tại các tổ ve sầu,
các chính phủ bắt đầu thấy tài khoản quá thâm hụt và nói
: «Xem này, đã đến lúc chúng ta cũng cần phải thắt chặt
các chính sách tài khóa như kiến». Kiến thì đương nhiên
không thể nói với ve sầu chuyện đó. Chúng im lặng vì không
lẽ lại nói với ve sầu rằng tại tổ ve sầu, lương và giá
cả nói chung đều ở mức rất cao, dẫn đến một mặt hàng
hóa sản xuất ra sẽ đắt hơn mức giá trung bình, mặt khác
lại cho phép vay nợ với lãi suất thấp, như thế sẽ có lợi
nếu tiếp tục chi tiêu và xây dựng.

Những chú kiến Đức khôn ngoan nhất chỉ kết luận úp mở
rằng: «không cái cây nào có thể lớn mãi đến tận trời».
Quả thật như thế, một ngày, giá đất tại các tổ ve sầu
cao đến mức đỉnh điểm và không thể lên hơn được nữa.
Các ngân hàng của kiến đương nhiên vô cùng lo lắng và muốn
thu hổi lại bớt các khoản tiền cho vay của mình. Ve sầu
buộc phải bán bớt tài sản của mình để trang trải nợ,
nhưng bong bóng bất động sản nổ dẫn đến sụp đổ hệ
thống. Ve sầu buộc phải dừng các công trường dang dở của
mình, đồng thời cũng phải mua hàng của kiến ít đi. Tại tổ
ve sầu, người lao động mất việc làm, còn tại nhà kiến
tình hình cũng tương tự. Ngân sách chính phủ bị thâm hụt
nặng nề, nhất là tại tổ ve sầu. Các chú kiến Đức chợt
nhận ra rằng khoản dự trữ tại các ngân hàng nhờ bán hàng
cho ve sầu hóa ra chẳng có nhiều giá trị, bởi vì ve sầu
thực ra chẳng có gì trao đổi theo chiều ngược lại, ngoài
vài căn nhà tràn ánh mặt trời bên bờ biển. Các ngân hàng
của kiến đứng trước hai lựa chọn: hoặc là buộc phải xóa
một phần nợ cho ve sầu, hoặc là kêu gọi các chính phủ của
mình đưa tiền cho ve sầu để bọn chúng…chi tiêu và/hoặc
trả nợ.

Chính phủ kiến không thể chấp nhận ngân hàng của mình xóa
nợ, vì như thế không khác gì ngân hàng vứt hết tiền của
chính người dân nước mình. Chính phủ chọn giải pháp thứ
hai, được gọi bằng thuật ngữ là các «gói cứu trợ và
kích thích kinh tế». Song song với chuyện đó, chính phủ kiến
yêu cầu ve sầu tăng thuế và giảm chi tiêu để thu hẹp thâm
hụt ngân sách. «Kể từ giờ», kiến nói với ve sầu, «các
ông phải cư xử thật sự như kiến». Các tổ ve sầu rơi vào
một cuộc suy thoái kinh tế nặng nề. Nhưng ve sầu rốt cục
vẫn không thể sản xuất các hàng hóa mà kiến muốn, lý do
đơn giản chỉ là vì ve sầu không biết sản xuất. Và bởi vì
ve sầu không tiếp tục xin được tiền mua hàng của kiến, nó
bắt đầu đói lả. Các chú kiến Đức rốt cục lại vẫn
phải xóa nợ cho ve sầu. Tuy nhiên bởi vì vẫn chưa rút được
bài học, chúng lại vẫn phải tìm các tổ ve sầu khác để
bán hàng, và tái lập các khoản cho vay mới.

Dường như trên thế giới còn có nhiều tổ kiến khác, đặc
biệt là tại châu Á. Một trong những tổ kiến giàu có nhất
là Nhật Bản có rất nhiều điểm giống Đức. Tổ kiến Trung
Quốc, tuy to hơn nhiều lần những cũng nghèo hơn nhiều lần hai
tổ kiến đầu. Tuy nhiên tất cả bọn chúng đều có chung
đặc điểm là muốn tích trữ sự giàu có bằng cách bán hàng
với giá cạnh tranh cho ve sầu để đổi lại thu về các khoản
nợ. Tổ kiến Trung Quốc thậm chí còn cố tình cố định tỷ
giá hối đoái của đồng tiền nước mình thật thấp, để
bán hàng với giá cực rẻ.

May cho châu Á là trên thế giới còn có nhiều tổ ve sầu khác
tại châu Mỹ. Muốn biết đâu là tổ ve sầu thật sự, cần
phải nhìn xem tại đó người ta có theo đuổi phương châm: «In
shopping we trust?» Các tổ kiến châu Á giao thương với châu Mỹ
tương tự như cách mà tổ kiến Đức giao thương với các hàng
xóm của mình. Kiến châu Á gánh những núi nợ khổng lồ của
người Mỹ và tự cho là mình giàu có.

Tuy nhiên cũng có một điểm khác biệt. Khi cuộc khủng hoảng
nổ ra ở Mỹ, khi ve sầu không thể vay thêm tiền và thâm hụt
ngân sách bùng nổ, chính phủ Mỹ không nói «tình hình rất
nghiêm trọng, chúng ta cần phải thắt chặt ngân sách,» mà
lại nói «Chúng ta cần phải chi tiêu thêm nữa để tái kích
thích kinh tế». Thâm hụt ngân sách của ve sầu đạt mức kỷ
lục chưa từng thấy.

Việc này làm cho người châu Á lo lắng. Người đứng đầu
tổ kiến Trung Quốc nói với nước Mỹ, «Chúng tôi, các chủ
nợ của các ông, muốn các ông ngừng đi vay thêm nợ và hãy
làm theo cách mà các chú ve sầu châu Âu đang làm». Câu nói làm
cho người đứng đầu tổ ve sầu Mỹ cười ầm: «Chúng tôi
chưa bao giờ yêu cầu các ông cho chúng tôi vay những khoản
tiền này. Chính chúng tôi còn nói với các ông đây là một
điều điên rồ. Chúng tôi chỉ muốn làm thế nào để mỗi
một con ve sầu Mỹ đều có việc làm. Nếu các ông không muốn
cho chúng tôi vay tiền, các ông chỉ việc điều chỉnh lại tỷ
giá hối đoái đồng tiền của các ông. Như vậy là hàng hóa
các ông sẽ đắt lên và chúng tôi sẽ tự sản xuất hàng hóa
cho mình thay vì nhập khẩu. Chẳng ai sẽ đi vay nợ của ai
nữa». Nước Mỹ đã dạy cho chủ nợ của mình một bài học
xưa như trái đất, «Nếu bạn nợ ngân hàng của mình 100 USD,
bạn đang có vấn đề. Nhưng nếu bạn nợ 100 triệu USD, vấn
đề sẽ không còn ở phía bạn nữa mà chạy sang phía ngân
hàng.»

Sếp xòng Trung Quốc không muốn tin vào sự thật là những
khoản cho vay của họ sẽ mất giá nặng nề so với khi họ cho
vay. Mặt khác Trung Quốc vẫn muốn sản xuất hàng giá rẻ để
bán ra nước ngoài. Trung Quốc giải quyết chuyện này bằng
cách…lại cho Mỹ vay tiếp. Vài thập kỷ sau, người Trung
Quốc nói với người Mỹ: «Bây giờ thay vì cho nợ, chúng tôi
muốn các ông sản xuất các hàng hóa khác để trao đổi
ngược lại.» Nghe xong ve sầu Mỹ ôm bụng cười lăn lộn, và
vội tìm cách khác để giảm hơn nữa giá trị các khoản nợ
của mình. Kiến thì mất hết các khoản dự trữ và một số
bắt đầu chết đói.

Ý nghĩa của câu chuyện này ư? Nếu bạn thật sự muốn xây
dựng một sự giàu có bền vững, đừng bao giờ cho ve sầu vay.

Đông A chuyển ngữ.
Nguồn: Financial Times


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8505), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét