Paul Watzlawick - Đặc thù của những “thực tế” tư tưởng

Từ tư tưởng có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau,
nhưng gộp chung có hai phần chính: giả định cơ bản rằng
một hệ thống tư tưởng (ý thức hệ) giải thích thế giới
theo một quan điểm nhất định, và thứ nhì, nguyên tắc cơ
bản, bao gồm tất cả (và vì vậy thường gắn liền với)
đặc tính của lý tưởng.

Bài nghiên cứu này nhằm khảo sát "thực tế" nào đã
được dựng lên khi một người cho rằng cách nhìn về thế
giới của mình là tuyệt đối. Hơn nữa, các đặc thù khác
nhau được trình bày ở dạng tóm lược (các đoạn in nghiêng)
và bổ sung bằng các dẫn chứng biểu hiện hay những ví dụ
cụ thể. Các dẫn chứng không nên xem như chứng cứ, mà nên
được xem như những minh hoạ mang tính chất giai thoại, ẩn
dụ và khảo cứu cho những ảnh hưởng cụ thể; vì lý do đó,
chúng được biên soạn rất nhiều những môn và nguồn mà
không hề đòi hỏi tính trọn vẹn.

Chúng ta bắt đầu bằng chính một đề luận: <em>Bản chất
thực sự của một lý tưởng không liên quan tới thực tại
tạo ra bởi sự cộng nhận một lý tưởng. Nó có thể hoàn
toàn mâu thuẫn với một lý tưởng khác. Tuy nhiên, những kết
quả, là những sự rập khuôn đến kinh ngạc.</em>

Đối với một nhà tư tưởng – như chúng ta đôi lần, mặc
dù không đúng lắm, gọi kẻ sáng lập hoặc đấu tranh cho một
tư tưởng – luận đề này thật vô lý. Và hắn có vẻ đúng.
Theo nội dung, đức tin của Torquemada, Huyền thoại của thế
kỷ 20 (Myth of the 20th Century), quan điểm tuyệt đối mang tính
"khoa học" của Marx và Engels về thực tế xã hội, những
luận đề khá thuyết phục của nhóm Baader – Meinhof khác nhau
hoàn toàn. Dù vậy, một loạt những thí dụ như Toà dị giáo,
trại tập trung, trại cải tạo hoặc cảnh khủng bố là những
biến chứng kinh hoàng không thể chối cãi. Cho dù nạn nhân bị
sát hại bởi đao phủ của Pinochet hay Cộng Hoà Ireland, hành
động này không cho phép nhân danh một mục đích cao cả cho
bất cứ một tư tưởng nào. Sử gia người Anh Norman Cohn nói
về hiện tượng này trong cuốn Cuộc theo đuổi Thế kỷ (The
Pursuit of the Millenium):

<em>Trong lịch sử hoạt động xã hội, có một số tiến trình
cứ lập đi lập lại, càng lúc càng lộ rõ sự giống nhau
đến mức hiển hiện. Rõ nhất là những phong trào quần chúng
phấn khích, chủ đề của cuốn sách này. Rất nhiều lần,
người ta nhóm họp lại trong hàng nghìn những phong trào cách
này hay cách khác vào những giai đoạn khác nhau của lịch sử,
ở những nơi khác nhau trên thế giới và trong những xã hội
với những khác bịêt lớn lao về thể chế và khoa học kỹ
thuật, về giá trị và niềm tin. Các phong trào này khác nhau
về bản chất từ [những phong trào] bạo động nhất cho tới
hoà bình nhất, và với mục đính từ cao cả nhất cho tới
tầm thường nhất […] nhưng chúng đều hiện diện những
điểm tương đồng và dị biệt; và càng nhiều những phong
trào nổi loạn kiểu xã hội có vũ trang cuối thời Trung Cổ
trong những phong trào toàn trị hiện đại, càng xuất hiện
nhiều điểm tương đồng. Những phù hiệu và khẩu hiệu cũ
đều được thay mới, nhưng cấu trúc và những mơ tưởng
dường như không đổi.</em>[1]

<h2>Những xuất xứ tuyệt đối phi thực của tư tưởng</h2>

<em>Vì trật tự của vũ trụ thường khó hiểu đối với
người thường, sức thuyết phục của một lý tưởng càng cao
thì nó càng phải dựa vào, một nhân vật phi thường, siêu
phàm hoặc ít nhất một nhà sáng lập đại tài.</em>

Quyền lực tối thượng, và vì thế được viện dẫn thường
xuyên nhất, là lời của người sáng tạo ra thế giới. Nếu
Đấng đó hiện hữu, ta có thể cho rằng Đấng sáng tạo biết
được sự nguồn gốc, ý nghĩa, tiến triển và ngày sau hết
của thế giới. Nhưng đồng thời xuất hiện câu hỏi rằng
làm thế nào Đấng đó bảo đảm rằng sự thông hiểu và ý
muốn ]của Đấng đó] được truyền bá. Vì vậy cần có một
người diễn giải. Như lịch sử loài người đã chứng minh,
kẻ diễn giải này phải xuất phát từ cả hai nguồn, thần
thánh và con người; quỷ sứ, thiên thần, tiên tri, thông thái
– những tiên tri mù và thiên sứ thường có mẹ là người
trần, xuất hiện và rao giảng lời thông thái của Đấng này.

Những hiện tượng tương tự cũng xảy ra ở thế giới vô
thần, đưa ra những suy diễn tuyệt đối về thế giới: các
hệ thống triết học, tính thiên tài hoặc viễn đoán của
một vài cá nhân nào đó, tính vô khả luận của sự hợp lý,
của "lẽ thường", hoặc của sự áp đặt thô lậu, mỗi
điều được định nghĩa một cách rất riêng biệt. Những
điều này đóng vai trò quyền lực tối thượng. Chưa kể
thường nhật, ta thêm vào những thứ như sự thật hiển nhiên
và tuyệt đối của những thế giới quan mang tính khoa học.
Thêm vào đó là những thành kiến bất khả luận, vả một
lãnh vực của truyền thống, sự mê tín, và sự lạ thường
của những tin đồn. "Khi cả thành phố cùng nói về một
điều gì, chắc là có gì đó," là câu trả lời mà một nhóm
những nhà xã hội học nhận được khi tìm hiểu về xuất xứ
và sự lan truyền của một lời đồn ở Orleans.[2] Sự thật
"toàn vẹn" quả thật là hiển nhiên, chứ không phải
[thuộc về] xác suất. Nghi ngờ thật không cần tới. Để trả
lời tại sao Cuba không cho phép Hội Chữ Thập đỏ Quốc tế
tới thăm viếng các nhà tù, Fidel Castro đơn giản nói với
phóng viên một đài truyền hình Mỹ, Barbara Walters:

<em>Chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ và nguyên tắc của mình.
Chúng tôi luôn nói sự thật. Nếu ai đó nghi ngờ sự thật
này, họ có quyền của họ, nhưng chúng tôi sẽ không cho phép
người nào thử thách tính xác thực hoặc đả kích sự thật
của chúng tôi.</em>[3]

Một cách để tránh né đả kích và cả bàn luận là trình bày
sự thật một cách khó hiểu hoặc thay bằng một thứ công
thức hoàn toàn vô nghĩa đến độ - một cách tối nghĩa đến
– nó có vẻ vừa khoa trương và đồng thời [có vẻ] sâu
sắc. Một ví dụ điển hình là định nghĩa về tự do của
Michael Alexandrovitch Bakunin. Kẻ chủ trương của chủ nghĩa
khủng bố, kẻ đào huyệt chôn vùi tự do, viết trong Huấn
dạy Cách mạng (Revolutionary Catechism):

<em>Thật không đúng khi tự do của một cá nhân bị giới hạn
bởi tự do của những người khác khác. Một người thật sự
tự do khi tự do của mình được người khác chấp nhận và
phản ánh bởi sự động thuận hoàn toàn tự do của những
người xung quanh [người đó], tìm được sự xác nhận và mở
rộng sự tự do của họ.</em>

(Kiểu ba hoa như vậy, ngày nay được biết đến dưới tên
gọi không mấy hay ho "Đảng Trung Quốc." (Party Chinese))

<h2>Ngộ nhận về sự cần thiết của tư tưởng</h2>

<em>Có lẽ sẽ vô ích nếu muốn bàn về tại sao sự hiện
diện một thế giới quan tuyệt đối lại vô cùng quan trọng
đối với chúng ta. Loài người chúng ta và – theo như một số
nghiên cứu đương đại về động vật linh trưởng cho thấy
– một số động vật bậc cao có vẻ không chịu đựng nổi
về tâm lý nếu phải sống trong một thế giới không có ý
nghĩa và trật tự. Vì vậy, nó cần một thứ gì đó để lấp
chỗ trống, vì khoảng trống này nhẹ lắm sẽ có thể làm
chúng ta chán nản, và trong trường trường hợp nặng có thể
dẫn đến tâm thần và tự tử. Nhưng khi có rất nhiều thứ
bị đe doạ, thế giới quan, nếu có, phải vững chắc và giải
quyết được tất cả các vấn đề.</em>

Gabriel Marcel nhìn cuộc sống như một cuộc chiến đấu chống
trả tính hư vô. Toàn tập của Victor Frankl cho ta một kho tàng
dẫn chứng về việc con người có thể nhuốm bệnh vì cảm
thấy thiếu ý nghĩa, và ngược lại, những người có lý do
để sống có thể chịu đựng hầu hết mọi điều kiện
(Nietzsche).

Vậy có phải chỉ khi đói bệnh, hay an toàn cá nhân bị đe
doạ mà một cá nhân sẽ dễ bám theo một lý tưởng nào đó?
Tương tự, thời loạn lạc về chính trị và xã hội có dẫn
tới số đông gia nhập? Không hẳn vậy. Orwell viết trong Khảo
Luận (Essays) của ông,


<em>Các nhà văn hàng đầu những năm 20 thường bi quan. Và phải
chăng bởi vì tất cả những người này đang viết trong một
giai đoạn [xã hội] thịnh vượng khác thường? Chính những
thời như thế mà "khủng hoảng về vũ trụ" có thể phát
triển. Những kẻ đói khát chưa bao giờ buồn chán về vũ
trụ, họ không cả nghĩ về nó nữa.</em>[4]

Như chúng ta sẽ thấy sau này, việc đòi hỏi tìm kiếm về
những câu hỏi cháy bỏng có vẻ là biểu hiện của một xã
hội no đủ. Không thể chối cãi xã hội thoái hoá sẽ dẫn
đến bất an. Hơn thế, khó ai có thể cãi rằng tình trạng
khốn cùng là môi trường tốt cho những cố gắng vô vọng
nhằm thay đổi những hà khắc bằng vũ lực. Nhưng như Lenin
đã nhận ra, những cuộc nổi dậy tự phát không bắt nguồn
từ một ý thức cách mạng hiện có, mà là "một biểu hiện
của tức giận và vô vọng hơn là một cuộc đấu tranh".
Khát vọng về một xã hội không tưởng (utopia) có vẻ như
bắt nguồn không phải từ nghèo túng. Như trường hợp phản
kháng của phong trào hippy tại Mỹ, theo nhà xã hội học Walter
Holstein, là một phong trào

<em>Do lớp thanh niên được mọi ưu đãi của xã hội phát
động. Không phải ghen tức hoặc tham vọng đã dẫn tới những
cuộc nổi loạn của thế hệ hoa, mà là thừa mứa và khát
vọng cho những thay đổi.</em>[5]

<h2>Nghịch lý của những Giá trị Vĩnh cửu</h2>

Lý tưởng nào tự nhận mình là tiếng nói cuối cùng sẽ dẫn
tới một nghịch lý tồn tại hàng mấy thế kỷ. Nghịch lý
này, dù vậy, cho phép một hệ thống ý tưởng giải quyết
những mâu thuẫn lớn nhất một cách rất dễ dàng. Đó là
việc đưa giá trị số không hoặc vô tận vào những phương
trình toán học và kết quả của chúng.

Quan ngại về cách dùng bất cẩn hai giá trị này được Zeno
trình bày, dù cách đây đã gần 2500 năm, cho thấy khá rõ
những nghịch lý. Ví dụ như câu chuyện Achilles nổi tiếng
chạy nhanh – ngược với mọi lệ thường – "phải" thua
trong cuộc đua với con rùa. Từ thời đó, nghịch lý về giá
trị vô tận (từ ngữ của thời Bernhard Bolzano[6]) đã tạo
nguồn cảm hứng để loài người không ngừng chế ra những
phiên bản mới hấp dẫn hơn, như Arthur Schwitzer đã tả trong
truyện Bay vào đêm đen (Flight Into Darkness):

<em>Anh nhớ tới một lần vài năm trước, Leinbach đưa ra bằng
cứ rằng cái chết không thể xảy ra. Không nghi ngờ gì nữa,
Leinbach tuyên bố, không chỉ những kẻ sắp chết đuối, mà
mọi cái chết, sẽ sống lại toàn bộ cuộc sống của mình
trong giờ phút cuối với một tốc độ không tưởng. Cái cuộc
sống này cũng có giờ phút cuối, giờ phút cuối này lại có
giờ phút cuối của chính nó, và cứ như thế ; vì vậy cái
chết tự bản thân là vô tận: theo thuyết giới hạn một
người có thể tiến gần đến cái chết nhưng không bao giờ
chết.</em>[7]

Năm 1940, Arthur Koestler xuất bản cuốn sách nổi tiếng Bóng
tối giữa Ban ngày (Darkness at Noon). Bản tiếng Pháp tựa là Số
không và Vô Tận (Le Zéro et l'Infinity),[8] một tựa đề vượt
trội nguyên tác. Cuốn sách viết về hậu quả chính trị khi
đưa số không và vô tận – Koestler trình bày rõ trong các tác
phẩm khác của mình – vào bài toán xã hội:

<em>Tôi nhớ một câu của Malreaux trong Les Conquérants: "Une vie
ne vaut rien, mais rien ne vaut en vie." Trong xã hội, cuộc sống là
số không, với vũ trụ, là vô tận. Mọi học trò đều biết
rằng khi số không và vô tận được đưa cả vào một bài
toán nhất định, phương trình sẽ bị đảo lộn và bạn có
thể chứng minh ba sẽ bằng năm hoặc năm trăm. Không chỉ chủ
nghĩa Cộng sản mà bất kỳ một phong trào chính trị nào mang
trong mình thuyết vị lợi (utilitarian) đều trở thành nạn nhân
của một sai lầm chết người. Điều sai lầm có khi đơn giản
như một bài toán đố, nhưng hậu quả dẫn thẳng đến Thảm
hoạ của Goya, tới bục máy chém, tới phòng tra hình của Toà
Dị giáo, tới tầng hầm trại tập trung Lubianka. Cho dù, con
đường đó có được trải bằng trích dẫn của Rousseau, Marx,
Christ hay Mohammed, kết quả cũng vẫn vậy.</em>[9]

Từ những gì đã nói, có thể nhận ra – gần như chắc chắn
– rằng mục đích cuối cùng của mọi tư tưởng sẽ phải là
một thế giới không tưởng, và vì vậy vô nhân.

Ở đây, thuyết của Rousseau, lấy ra từ kho đồ cũ và phủi
bụi lại, nói về tính bản thiện của một con người và cái
xã hội đã thoái hoá hắn, đang trở lại với vinh quang. Tuy
nhiên, không rõ vì sao, ngay cả thời Rousseau, toàn những người
tốt lại thoái hoá thành những quyền lực ma quỷ chịu trách
nhiệm cho những áp bức, điên loạn, tự tử, ly dị, nghiện
ngập và tội ác. Năm 1945, Karl Popper, trong cuốn Kẻ thù của
Xã hội Mở (Open Society and Its Enemies),[10] đã đưa ra lời nhận
định nhãn tiền: Thiên đàng của một xã hội hoang sơ nhưng
hạnh phúc (chưa bao giờ tồn tại) đã hoàn toàn mất cho tất
cả những ai ăn quả từ cây kiến thức. Nếu chúng ta càng cố
gắng trở về thời huy hoàng của đời sống bộ lạc, Popper
cảnh báo, điều chắc chắn xảy ra là Toà Dị giáo, công an
chìm hoặc những tập đoàn tội phạm được lãng mạn hoá.
Một khi những vấn nạn hiện sinh của cá nhân, vốn tốt lành,
có thể đổ lỗi cho một xã hội "đen tối", không gì ngăn
cản được trí tưởng tượng phong phú. Một xã hội phúc lợi
phi quyền lực chỉ là chuyện huyễn hoặc. Vì vậy Marx & Engels,
ví dụ, nhận ra một kiểu biểu hiện quyền lực của giới tư
bản trong sự phân chia không thể tránh được về lao động
giữa những cá nhân và nhanh chóng nghĩ ra cách giải quyết:

<em>Ngay khi lao động bị phân chia, mỗi cá nhân có riêng hẳn
một lãnh vực hoạt động, hắn bắt buộc bị lệ thuộc và
không cách chi thoát ra được. Hắn có thể là thợ săn, dân
chài, chăn cừu hoặc phê bình, và phải giữ nguyên tình trạng
như vậy nếu không muốn mất nguồn sống; còn trong xã hội
cộng sản, nơi không ai có một lãnh vực riêng biệt nhưng mỗi
cá thể có thể trở nên hoàn hảo trong bất cứ lãnh vực nào
hắn mong muốn, xã hội điều hành việc làm ra của cải vì
vậy cho phép tôi có thể thực hiện việc này hôm nay, việc kia
ngày mai, có thể đi săn buổi sáng, đánh cá buổi chiều, chăn
gia súc buổi tối và viết phê bình sau khi ăn tối, chì vì tôi
có tư duy, mà không cần phải trở thành thợ săn, ngư phủ
hoặc nhà phê bình.</em>[11]

"<em>Tôi muốn thấy tất cả những người bị áp bức được
tự do. Và điều duy nhất ta phải làm là tiến tới một xã
hội cách mạng nơi mọi đòi hỏi và ước muốn của mọi
người được tôn trọng.</em>" Với những lời này, giáo sư
cực đoan môn Triết học Angela Davis diễn giải ước mơ của
tiên tri Isaiah vào thời cổ đại về con sư tử nằm bình thản
cạnh con cừu trong một thế giới tốt toàn vẹn. Nhưng những
gì nhà tiên tri có lẽ không thể nào biết được được trình
bày rõ ràng không cần giải thích trong câu đầu bản điều
trần của quốc hội Pháp đến Napoleon I: "<em>Thưa ngài, khát
vọng về sự hoàn thiện là một trong những căn bệnh trầm kha
nhất ảnh hưởng đến tư tưởng con người</em>." Các tác
giả của câu này dĩ nhiên đã có thể tận dụng những thành
quả đáng ngờ của việc trực tiếp trải nghiêm và tồn tại
được hậu quả của cố gắng giới thiệu những [khái niệm]
tự do, bác ái và bình đẳng.

Những kỳ vọng không tưởng còn được hỗ trợ từ nhận
định kẻ bị áp bức sẽ trở thành kẻ tranh đấu cho những
giá trị nhân loại cao đẹp sau khi được giải phóng vì chính
họ đã kinh qua áp bức và bất công. George Bernard Shaw đã chỉ
ra sai lầm này trong lời tựa cuốn Cẩm nang người cách mạng
(The Revolutionist's Handbook): "<em>Cách mạng chưa bao giờ làm
nhẹ gánh nặng của bạo tàn, chúng chỉ di chuyển nó sang một
bờ vai khác.</em>" Tại sao những lý tưởng cao đẹp nhất
trở thành sự đàn áp khủng khiếp nhất là vấn đề sẽ
được bàn tới trong bài luận này. Rằng những gì xảy ra trong
quá trình dẫn tới xã hội không tưởng đã được lịch sử
liên tục minh xác từ thời Plato cho tới gần đây. Và một
người phải nhớ rằng các lý tưởng thời cổ điển chỉ
hiện hữu trong đầu các tác giả của chúng và trên những
trang giấy của các luận thuyết. Tuy vậy, các khuôn mẫu xã
hội không tưởng này có đầy đủ đặc trưng của đàn áp,
ngay cả khi những khuôn mẫu này chưa bao giờ được thực
hiện. Wolfgang Kraus nhận định về điều này trong Sự ngưỡng
mộ bị phản bội (Betrayed Adoration, Die verratene Anbetung):

<em>Nếu một người xem xét các mô hình xã hội không tưởng
cổ điển để thấy các giá trị quan trọng đối với các tác
giả của chúng, người đó sẽ đưa đến một kết quả lạ
lùng. Từ nền Cộng hoà (Republic) và Luật (Law) của Plato tới
chương về Lycurgus của Plutarch, tới Xã hội không tưởng
(Utopia) của Thomas More và Nhà nước tươi đẹp (State of the Sun)
của Campanella, cho tới Atlantis của Francis Bacon và nhiều tác
phẩm nữa, sự ra đời kinh hoàng của những trật tự thiết
lập bằng bạo lực tự hiển hiện. Các thể chế độc tài
ngày nay, so với những cái gọi là nhà nước tối ưu trong các
tác phẩm đề cập, có thể xem là thành luỹ của tự
do.</em>[12]

Dù vậy, thế giới vẫn theo chân những kẻ dụ dỗ lý tưởng
cho tới kết cục bi thảm. Những gì còn lại là thất vọng và
niềm tin đổ vỡ, như thể không nhận thấy kết cục này ngay
từ đầu Max Frisch diễn tả điều này với sự cô đọng
đáng nể trong Giương cao ngọn lửa (The Fire Raisers):

<em>Những gì mọi người dự đoán
Từ đầu,
Cuối cùng lại xảy ra,
Đần độn,
Quá trễ để dập lửa,
Chính là số phận.</em>

Mỗi người có cách chấp nhận nỗi đau của ảo tưởng khác
nhau. Tháng 3, 1979 Nicklaus Meienberg viết trên tờ das Konzept,

<em>Hàng nhiều năm trời, chúng ta đã ngoảnh mặt với những
gì có thể bôi xấu hình ảnh đẹp đẽ của xã hội chủ
nghĩa, hoặc vì điều kiện lịch sử xã hội nhất định, ta
đã biện hộ cho cuộc tranh đấu ở Thuỵ Sĩ, tới khi Việt Nam
của chúng ta tiến vào Cambodia theo cách đặc thù, với bom đạn
kiểu Mỹ, xe tăng và chiến thuật Blitzkrieg […] một vài
người mới nhận rõ Khmer Đỏ đã phạm tội diệt chủng.
Nhưng không phải trước đó.</em>[13]

Và tờ Zeitdienst ở Zurich phàn nàn,

<em>Sau Prague, Ethiopia và Cambodia, ngày nay không thể còn những
phong trào cấp tiến giải quyết những đối kháng cơ bản
bằng bạo lực. Có thể đây là bài học chính cho thế hệ kế
tiếp, không còn những ví dụ chính trị tốt đẹp. Thời của
những khuôn mẫu chính trị đã chấm dứt.</em>[14]

<h2>Nghịch Lý của Hoàn Thiện và Vô Tận</h2>

Dù ngoài mặt, phần tư duy có nguyên tác và mãnh liệt đến
mấy, hay hệ thống tư tưởng nhìn có vẻ chặt chẽ tới đâu
đi chăng nữa, lý tưởng nào cũng tồn tại một sai lầm nghiêm
trọng: nó không thể chứng minh sự đúng đắn hoàn toàn không
còn mâu thuẫn của chính nó. Điều kiện cơ bản để xây
dựng một lý luận cho mọi thực tiễn được toán học nghiên
cứu nhiều nhất – nhất là Kurt Godel – và kết quả có thể
áp dụng được cho tất cả hệ tư tưởng mà bản chất phức
tạp liên quan tới đại số. Để đạt được sự tự do của
nó từ mâu thuẫn, điều không thể tránh khỏi là việc một
hệ thống nào đó phải bước ra khỏi khuôn mẫu ý niệm của
chính nó để chứng minh tính nhất quán bằng cách sử dụng
các hệ thống diễn giải bên ngoài mà tự thân nó không thể
tạo ra được. Và tính nhất quán hợp lý của các hệ thống
bên ngoài (metaframe) này – đúng hơn, khung ý niệm – sẽ phải
được thử nghiệm bởi một hệ thống đầy đủ hơn, và cứ
như vậy tiếp tục mãi. Ta biết từ Whitehead và Russell rằng
cái gì tổng thể không thể là một phần của cái tổng thể
đó được, nghĩa là không thể lấy mình làm chứng mà không
rơi vào nghịch lý của tự đối chứng (self-reflexivity). Kẻ
nói dối nổi tiếng tự tuyên bố "Tôi đang nói dối" là ví
dụ đơn giản nhất của nghịch lý này. Nếu thật sự hắn
nói dối thì câu nói đó đúng. Nếu câu nói đó đúng thì [câu
nói đó] không [còn] đúng nếu nói hắn nói dối. Vì vậy,
thật ra hắn nói dối khi hắn nói rằng hắn nói dối. Vì vậy
hắn nói dối … và cứ thế. Nói cách khác, câu nói "Tôi
đang nói dối" cùng một lúc ám chỉ một tổng thể (từ toán
học: tập hợp) của câu nói và một phần (phần tử) của
tổng thể, chính câu nói. Ở đâu tập hợp và phần tử không
được phân biệt rõ ràng, nghịch lý quen thuộc về tự đối
chứng trong lập luận cơ bản xuất hiện. Bản đồ không phải
vùng đất đó; cái tên được đặt không phải bản chất
thật của sự vật; một cách nhìn về thực tế chỉ là một
cách nhìn mà không phải thực tế thật sự. Chỉ có kẻ điên
mới ăn tờ thực đơn thay vì các món ăn trong thực đơn.

Kant đã nhìn ra đủ loại sai lầm kiểu này trong cách ta quyết
định, phân chia và giảm thiểu khái niệm cho chất lượng của
mọi vật trong và của chính nó.

Vì vậy, khi một thế giới quan, ví dụ một tư tưởng, tuyên
bố có thể giải thích tất cả, một việc không thể giải
thích được lại là chính hệ thống giải thích đó. Và điều
này dẫn tới việc mọi tuyên bố về hoàn hảo và tuyệt đối
đều sụp đổ. Popper đã chỉ ra điều này trong cuốn Gần
đúng và phản biện (Conjectures and Refutations),[15] trong đó, ông
khẳng định rằng không lý thuyết nào có thể chứng minh tính
tuyệt đối. Ta chỉ có thể rút kinh nghiệm từ sai lầm; và
không thể biết được chắc chắn. Vì thế, không một quyền
lực nào có thể coi là tối thượng. Tất cả những gì chúng
ta có thể đạt tới là những tiệm cận của một sự thật
không hoàn toàn dễ hiểu.

Nhà lý luận học người Anh Lucas nói rõ về đề tài này:

<em>Công bằng mà nói một số tư tưởng, không chỉ với
thuyết tất yếu (determinism), sẽ rơi vào bẫy của chính mình.
Một người Marxist nói rằng mọi tư tưởng không thể mang tính
chính đáng độc lập và chỉ biểu thị quyền lợi giai cấp
của những người trong nhóm, ta cũng nói trong trường hợp này,
quan niệm của anh ta cũng chỉ biểu hiện quyền lợi kinh tế
của giai cấp mình và cũng không đúng và chính đáng hơn những
quan điểm khác. Người theo Freud cũng vậy, nếu hắn cho rằng
tư tưởng của người khác chỉ là kết quả của những trải
nghiệm thời thơ ấu, theo biện luận đối xứng, chỉ đưa ra
các phản ứng trễ với những gì xảy ra cho hắn khi còn ấu
thơ. Kẻ theo luật tất yếu cũng thế. Nếu những gì hắn nói
là đúng, những gì hắn nói chỉ là hệ quả của di truyền và
môi trường, ngoài ra không còn gì khác. Hắn bảo tồn quan
điểm của mình không phải vì nó đúng, mà vì hắn bị ảnh
hưởng bởi một số thành tố nhất định; đó là, không phải
cấu trúc của thế giới là như thế mà chỉ một phần nhỏ
của thế giới cộng với cấu trúc của bộ não của kẻ theo
thuyết tất yếu đã đưa đến kết quả như vậy.</em>[16]

Nhưng cái thiếu sót không thể bù đắp này trở thành là
không thể chấp nhận được đối với kẻ theo đuổi lý
tưởng. Cách hiểu của hắn phải đúng tuyệt đối; nó phải
chứng minh được tất cả và vì vậy nó phải mang sẵn trong
mình một thứ chân lý. Trong việc cố gắng đạt được cái
không thể, bên chính trị dở hơn nhiều so với các đồng
nghiệp (confrères) bên tôn giáo. Lý do tại sao đạo Thiên Chúa,
lấy ví dụ, vẫn còn tồn tại với khá đông tín đồ chính
nhờ đẩy lùi việc hiện thực hoá ước mơ của Isaiah về con
sư tử ăn chay tới tận cùng của thời gian. Vì vậy tôn giáo
không phải giải quyết những mâu thuẫn đối kháng bằng cách
đưa vào khái niệm vô tận. Cho nên sự tồn tại của ma quỷ,
dù không được chấp nhận, ít nhất cũng được tương đối
hoá. Dù rằng những vấn đề khác, như khái niệm về đày
đoạ vĩnh viễn những kẻ không ăn năn, tội tổ tông, Thượng
Đế có bị chính luật mình sáng tạo chi phối hay có thể làm
được chuyện phi thường đều không có câu trả lời. Những
câu hỏi này đã dẫn Basilades, khoảng thế kỷ II, tới một suy
luận dị giáo (heretical) rằng vũ trụ là một ngẫu hứng tuỳ
tiện và nguy hiểm của đám nửa thần nửa thánh. Kẻ lý
tưởng chính trị không thể chờ tới ngày Tận thế; đối
với hắn, sự hoàn thiện phải xảy ra ngay tức khắc, hoặc
trễ nhất phải ngay thế hệ kế. Về điều này, Popper tranh
luận

<em>Đồng bào cần chúng ta giúp. Không thể hy sinh một thế hệ
nào cho những thế hệ kế tiếp, cho hạnh phúc lý tưởng [có
thể] không bao giờ trở thành hiện thực. Tóm lại, tôi đề
nghị nỗi khổ của con người là cấp thiết nhất cho một
chính sách khả dĩ, và hạnh phúc không phải vấn đề cần quan
tâm. Việc mưu cầu hạnh phúc nên để tự chúng ta.</em>[17]

Với đòi hỏi sự hoàn mỹ, kẻ lý tưởng bị kẹt giữa lý
luận nhị phân đúng và sai của Aristotle với khái niệm bắc
cầu (tertium) bị loại bỏ và những trò không lường của một
lý luận tự minh chứng đến thất bại. Vì không một lý
tưởng nào có thể chịu đựng nổi vấn đề nhân vô thập
toàn, như trong luận đề của Ernst-Wolfgang Bockenforde mà theo
ông, "các quốc gia tự do hiện đại dựa trên những giả
định không thể bảo đảm nếu không muốn hy sinh ngay chính
tự do".[18] Bài luận viết rất sâu xắc về thiếu sót căn
bản của tất cả thế giới quan và vì vậy, tất cả các
"quân bằng xã hội."

Nhóm cực tả đặc biệt tự mắc vào một mâu thuẫn không
thể giải quyết của "quân bằng": Một mặt, con người
chỉ là một bánh xe trong một guồng máy khổng lồ của lịch
sử đã được định sẵn; mặt khác, hắn tưởng tượng
được gọi và phải xoay chuyển lịch sử như một tiên tri khai
sáng bằng hành động tuỳ nghi theo chính đề cương của mình.
Vậy hắn hành động hay phản ứng? Đề cương của hắn xuất
xứ từ chính hắn, vì vậy mang tính tự phát, hay đã được
chỉ định từ bên ngoài – có lẽ do những lý luận vững
chắc của tiến trình lịch sử chăng? Lenin đã đề cập tới
vấn đề này . Trong bài luận nổi tiếng năm 1902 "Những
việc cần làm" (What Is to Be Done), ông loại bỏ vấn đề tự
phát trong cách mạng và kết luận chắc chắn

<em>Ta xác nhận ý thức dân chủ xã hội chưa có trong tầng
lớp lao động. Ý thức này chỉ có thể du nhập từ bên ngoài.
Lịch sử các nước cho thấy tầng lớp lao động, nếu để
tự mình, chỉ có ý thức tổ chức công đoàn.</em>

Và tổ chức ngoại vi nào có thể tạo ra động lực chính? Lạ
thay lại chính từ phía đối thủ, Lenin tiếp,

<em>Thuyết Chủ nghĩa Xã hội, dù vậy, phát triển từ các lý
thuyết về triết học, lịch sử và kinh tế của các đại
diện có học của các tầng lớp có của cải, giới trí thức.
Theo địa vị xã hội của họ, các ông tổ của chủ nghĩa xã
hội khoa học, Marx và Engels, thuộc tầng lớp trí thức tư
sản.</em>[19]

Thế thì siêu khuôn mẫu (metaframe) đã là giai cấp tư sản, và
ta phải tự hỏi siêu siêu hệ thống nào đã được xử dụng.
Thay vì đẩy vấn đề cho tới câu trả lời cuối cùng, mà
cách này sẽ dẫn tới thoái vị vô tận đã bàn tới, và cũng
dẫn tới mâu thuẫn xác nhận lý tưởng có thể tự minh xác
bằng chính hệ thống của mình. Roger Garaudy, cho tới những năm
70 là nhà tư tưởng chính của cộng sản Pháp, cố gắng tiếp
cận vấn đề chỉnh chu hơn, nhưng vẫn bị kẹt trong cái bẫy
của tự đối chứng – mà trong trường hợp ông này không
dẫn tới hậu quả đáng kể nào vì giải pháp đề dẫn vẫn
đưa tới thẳng những lâu đài trên mây. Trong cuốn sách của
mình, L'Alternative,[20] ông đánh vật với vấn nạn làm sao
tầng lớp lao động có thể vượt qua chính họ để đạt tới
tự chủ (autogestion) và vì vậy chắc chắn sẽ đạt tới sự
tự nhận thức về toàn bộ, thay vì một nhận thức từ bên
ngoài. Như nhiều người đã bàn tới, câu hỏi kế được
đặt ra:

<em>Làm sao giai cấp lao động tự mình thoát khỏi sự lệ
thuộc này để dẫn tới tự chủ? Câu trả lời của Garaudy
trở thành một đề tài thú vị, vì ông ta kết luận ngọt
ngào rằng "bước tiến đến tự chủ cũng phải tự
quyết." Và nó mâu thuẫn chính nó […] Tự quyết trở thành
một ouroboros (hình tượng con rắn tự cắn đuôi mình - ND)
hoặc trích Garaudy lần nữa: "Tự quản là trường học cho
tự quản." Trên thực tế, điều này được thực hiện bằng
cách giới lao động lựa chọn kỹ sư và chuyên viên, và có
thể đào thải họ bất cứ lúc nào. Nghĩa chính xác của việc
này là giới lao động ý thức được khả năng hạn chế của
mình vì vậy phải cần đến chuyên viên. Các chuyên viên này
phải thông báo, giải thích và thuyết phục, nhưng quyết định
cuối cùng thuộc về người lao động. Hay đúng hơn, một mặt
giới lao động tự nhận khả năng hạn chế của mình và vì
vậy cần đến các chuyên viên, nhưng mặt khác, họ lại trở
thành một thứ siêu chuyên viên (metaspecialist) đánh giá các
chuyên viên thật sự. Trong lúc Garaudy chỉ trích cách lãnh đạo
siêu khoa học của nhà nước tập trung kiểu Stalin, trong mô
hình của ông, thành phần cơ bản hay thay lại thực hiện tính
siêu khoa học kiểu đó. Ta thấy lại ý của Plato về nước
cộng hoà do các nhà thông thái lãnh đạo, một ý tưởng với
vô số nghịch lý và hậu quả được đề cập đến trong
cuốn Kẻ thù của xã hội mở (Open Society and Its Enemies) của
Karl Popper.</em>[21]

Con người hành động mà chưa "suy nghĩ đến phát bịnh"
thường tìm cách giải quyết kiểu Gordias. Martin Gregor-Dellin cho
ta một ví dụ thú vị về trường hợp này khi nghiên cứu về
mặt ý nghĩa (semantics) của Xã hội Chủ nghĩa ở Cộng hoà Dân
chủ Đức. Ông ta phân tích bài diễn thuyết của Erich Honecker
và vấp phải câu nói, "Theo thường lệ, Đảng ta sẽ lập
kế hoạch và lãnh đạo với hướng nhìn về tương lai."
Gregor-Dellin đáp lại,

<em>Ở đây lời nói phản thùng kẻ nói dối. Nó lột mặt nạ
một kẻ đáng lẽ điều hành lại hành xử như một tên cơ
hội. Vì vậy luật pháp không phải do hiện thực kinh tế và
xã hội quyết định mà do chính đảng "lập kế hoạch và
lãnh đạo theo lệ thường." Nhiệm vụ của tôi không phải
chứng minh Honecker đang đi ngược lại chủ nghĩa Marx. Dẫn
chứng cho thấy trong khoảnh khắc, ngôn ngữ độc lập với tư
duy đã làm khổ người nói. Cái hiện lên là bản chất bất
cần của trung ương đảng trong sự đồng thuận rằng luật
lệ thay vì phục vụ, phải được áp đặt.</em>[22]

Dù vậy, đối với kẻ tin, mọi sự vẫn tốt đẹp.

Nhìn Đâu Cũng Thấy Kẻ Thù

(nguyên bản: Heresy and Paranoia; Dị Tín và Hoang Tưởng)

<em>… weil, so schliesst er messerscharf,
nicht sein kahn was nicht sein darf.</em>
Christian Morgenstern

Cũng như đêm tiếp theo ngày, từ những định kiến của một
lý tưởng được đa số chấp nhận, tất cả các tiếng nói
khác đều bị coi là dị tín (heresy). Nghĩa nguyên thuỷ của
từ vựng hairesis không phải dị tín, mà là sự chọn lựa. Kẻ
gọi là dị tín vì vậy có tự do chọn lựa cuộc sống của
mình. Nhưng với sự chọn lựa, hắn sẽ va phải mâu thuẫn
với lý tưởng, với đức tin, với tôn chỉ. Ở đây cũng rất
quan trọng khi chỉ ra nếu không có sự hiện hữu của một tư
tưởng chính thống, dị tín cũng không hiện diện.

Có thể nhận ra vài đặc thù trong quá trình áp bức và thủ
tiêu dị tín.

Ý nghĩ sở hữu sự thật tối thượng đầu tiên dẫn đến
thái độ của nhà tiên tri khư khư giữ lấy niềm tin rằng sự
thật toàn vẹn sẽ tự hiển hiện. Thời điểm này, kẻ đấu
tranh cho lý tưởng sẽ vẫn còn tin vào cải hoá hoặc khả năng
thuyết phục được kẻ dị tín. Nhưng khi sự thật lì lợm
không tự hiển hiện hoặc không như dự tính, bước kế tiếp
chắc chắn phải dẫn tới cái Herman Lubbe gọi là bạo lực tự
cho phép. Vì quyền lợi sâu xa của mình, mọi người phải coi
chừng. Lubbe khám phá khái niệm này từ tờ Gươm Đỏ (Red
Sword), tiếng nói của cơ quan Cheka, xuất bản ngày 18/1/1919. Tờ
báo tuyên bố một đường lối khá nổi tiếng "Với chúng
tôi, mọi thứ đều được phép" và xác định bằng một
lời giải thích đáng kinh ngạc "Tính nhân bản của chúng tôi
là tuyệt đối."

Lubbe giải thích thế nào những điều như vậy có thể song
hành:

<em>Tư tưởng thuyết lịch sử về lịch sử như trên đã nói
[…] như một tiền đề về mặt lý thuyết cho việc toàn
quyền xử dụng bạo lực đã làm được điều này. Xem xét
kỹ về mặt lý tưởng, nó cho ta khả năng khám phá bí ẩn về
tâm thức của con người, như người ta ghét khi đáng lẽ phải
yêu, tình yêu thương con người ở những kẻ giác ngộ hoàn
toàn không bị vẩn đục bởi thất vọng khi ngay cả không ai
hâm mộ. Cái tình yêu nhân loại này đã biện hộ cho mọi
thứ.</em>[23]

Vì vậy kẻ cứu nhân độ thế không có sự chọn lựa; hắn
phải là bác sĩ giải phẫu vung vẩy con dao cứu rỗi. Hắn
không muốn bạo lực, nhưng thực tế (do hắn tạo ra) đã đưa
hắn vào con đường bạo lực, không phải [bắt nguồn] từ ý
muốn của hắn. Ném quả lựu đạn vào một cửa hàng đông
người là một biểu hiện tình yêu cách mạng với nhân loại
(và lại dẫn lời Lubbe, "Hoàn toàn không muốn ném lựu đạn
vào cửa hàng hay đồn cảnh sát, mà vào ý thức quần
chúng"). Trong trái tim của kẻ khủng bố giết người đại
trà Felix Dsershinski (lãnh đạo cơ quan Cheka - ND) là "một tâm
hồn nhạy cảm tinh tế và thơ mộng, luôn hướng về những
kẻ yếu đuối và khốn khổ […] luôn bị giằng co giữa lý
tưởng cao đẹp và giết người, chuyện hắn làm thường
ngày".[24] Gunter Grass đã từng nói về kẻ khủng bố Gudrun
Ensslin: "Cô ta có lý tưởng, với lòng căm thù sâu sắc tất
cả mọi kiểu nhượng bộ. Cô ta hướng về cách giải quyết
hoàn hảo[25]". Ai có thể, chắc chắn tránh làm bẩn tay mình.
Himmler, chứng kiến một vụ hành quyết tập thể ở Smolensk,
đã xây xẩm mặt mày sau vòng thứ nhì và phải rời hiện
trường. Nhưng từ khoảng cách vô nhiễm của bộ chỉ huy, ông
ta gửi thư cám ơn cấp dưới đã quên mình để hoàn thành
"nhiệm vụ khó khăn."[26]. Giải pháp cuối cùng (final
solution) của Nazis thực ra không quá tham vọng; lý tưởng của
họ chỉ phổ biến nội địa, không phải toàn cầu. Họ thoả
mãn khi diệt được kẻ thù, vì vậy thực hiện cái mà Elster,
trong phần đóng góp của mình vào tập sách này (t. 177); gọi
là sự phủ định chủ động (active negation). Kẻ lý tưởng
đúng nghĩa muốn biến đức tin thánh thiện của hắn tuyệt
đối và vĩnh viễn, cảm thấy cần phải huỷ diệt, tận diệt
mọi bằng chứng hoặc ý tưởng mâu thuẫn với hệ thống
[của hắn] – theo chiều tư duy của Elster đây là cuộc chiến
chống sự phủ định thụ động (passive negation). Nhưng để
đạt được điều này, bài bác, cấm đoán và trừng phạt
hoàn toàn không đủ. Vì, lại sư phụ Elster, mọi kẻ lý
tưởng phải biết mình đang đấu tranh cho điều gì. Đã đưa
vào khái niệm vô tận, kẻ lý tưởng tìm cách đưa số không
vào phương trình xã hội. "Mày là cái đi ngược lại khuôn
mẫu," kẻ hành hình giải thích cho nạn nhân của hắn trong
1984,

<em>Mày là một vết nhơ phải được chùi sạch […] Chúng ta
không thể để cho một ý nghĩ trái ngược tồn tại trên thế
giới này, dù thầm kín hay vô hại tới đâu.</em>[27]

Một người có thể tiêu diệt những kẻ dị tín, hay hơn nữa
– có thể nói, cho sự vĩ đại hơn nữa của lý tưởng (ad
majorem gloriam ideologiae) – đày đoạ tinh thần của họ đến
nỗi họ không những phải chấp nhận bản án vô lý nhất trong
thứ toà án khỉ (kangaroo courts), mà còn phải cầu khẩn để
được tiêu diệt. Nhưng theo những nguyên tắc lý luận, một
người không đối mặt với kẻ thù bằng xương bằng thịt,
mà đúng hơn, một ảo ảnh (fata morgana) do não trạng tạo ra
đã che dấu thực tế khỏi kẻ kiến tạo (ra thực tế đó).
Như đã nói, khái niệm về một thế giới quan tuyệt đối có
nghĩa không cách nhìn nào khác có thể tồn tại ngoài cách nhìn
này, hay chính xác hơn, không có quyền tồn tại. Vì nếu không,
ta sẽ thấy mình ở trong thế giới mà mọi thứ đều đúng,
cả trong những đối lập. Khi kẻ lý tưởng cố tự đối
chứng mình để thiết lập tính chính xác và sự thật của
chính chúng, một điểm mù xuất hiện đúng như Heinz von Foerster
nói ở trang 43 tập sách này:

<em>Lưu ý trong điểm mù, ngay cả một khối đen cũng không cảm
nhận được trong tầm mắt (nhận thấy một khối đen cũng có
nghĩa nhìn thấy). Nghĩa là điểm mù hoàn toàn, không nhận
thấy một thứ gì hiện hữu hay không hiện hữu. Những gì
cảm thấy không có cả một hình thù.</em>

Điểm mù này, hay điểm tự mù, tạo cho kẻ tin vào một lý
tưởng khả năng tin vào một sự thật tuyệt đối và hoàn
hảo của lý tưởng. Tuy nhiên, khi công bằng xã hội không
hiện ra, rõ ràng không phải lý tưởng cao đẹp sai mà chắc
chắn phải có kẻ thù nguy hiểm ẩn núp đâu đó chờ dịp
cản phá bình minh của thiên niên kỷ mới, hoặc một tên ký
sinh đôi khi tự lột mặt nạ với từ ngữ hắn dùng, những
từ ngữ thoái hoá khỏi một thứ ngôn ngữ đã trở thành bắt
buộc. "<em>Không được thay đổi sự thống trị của ngôn
ngữ</em>" Schneider viết về thời Nazi, "<em>tội lỗi chính
là nổi loạn chống lại nó. Cuối cuốn sách của Klemperer,[28]
câu trả lời của người phụ nữ thường dân về việc chồng
mình bị đưa đi trại tập trung 'vì bày tỏ ', chị ta
nói</em>".[29] Tay hài hước Ba Lan Wieslaw Brudzinsky khôn hơn,
một trong những câu đùa của ông, "<em>Ông ta hay bắt đầu
bài diễn văn một cách vô hại 'Nếu tôi có thể nói điều
này, như Engels đã nói …'</em>"

Như các triết gia khác, Leibniz đánh vật với điều không thể
giải quyết được giữa thế giới đầy những thiếu sót và
sự hoàn thiện của Thượng Đế. Trong kết luận nguyên tắc
nổi tiếng của mình, ông đã nhận định nếu thế giới hiện
hữu không phải tốt nhất, Thượng Đế có thể không biết,
không thể hoặc không muốn tạo ra một thế giới tốt nhất.
Nhưng cả ba biện luận đều không hợp với tính cách của
Thượng Đế. Do đó thế giới hiện hữu là thế giới tốt
nhất.

Kẻ lý tưởng suy nghĩ theo cách khác. Nếu quan điểm của ta
không phải là điều duy nhất đúng, chúng ta sẽ không bao giờ
biết đến thế giới tốt đẹp nhất, không thể thay đổi nó
toàn bộ, hay không muốn thay đổi nó toàn bộ. Nhưng cả ba
điều đều đi ngược lại với cốt lõi tư tưởng của ta; do
vậy sự xấu xa của xã hội phải do những kẻ thù chưa lộ
mặt.

<em>Có vẻ tới lúc này, cơn hoang tưởng (paranoia) xuất hiện
trong quá trình tư duy của kẻ lý tưởng</em>. Khái niệm về
hoang tưởng chỉ rõ nguồn gốc là những suy diễn cơ bản
được coi như tuyệt đối đúng. Vì đúng đắn tự thân, nó
không thể và không cần chứng minh chân lý của chính nó . Và
từ đó, những loại trừ nghiêm khắc mang tính lý luận được
suy diễn và tạo ra một thực tế trong đó mọi thất bại và
sai lạc đều do những loại trừ, không bao giờ vì chính những
suy diễn ban đầu.

Trong tháp ngà của lý luận hình thức (formal logic), điều sai
lầm mang tính kỹ thuật này dẫn tới một loại enfant terrible
của nghịch lý, qua nó tính thực dụng không được kiểm soát
chui vào những toan tính thường ngày. Vì chẳng có ăn nhằm gì
khi ông thợ cạo chỉ cạo râu cho những ai không tự cạo lấy
trong làng, dẫn tới câu hỏi không trả lời được là ai sẽ
chăm sóc bộ râu của ông ta. Đây chỉ minh chứng tiền đề
đã có phần không ổn. Tiền đề lý tưởng, tuy nhiên,
"không" thể nào sai lạc; nó tuyệt đối thần thánh. Ai đả
kích nó, vì vậy, đã tự chứng minh sự băng hoại và lưu manh
của mình. Chính điều này là lý do, lấy ví dụ, ngày 13/11/1974
tờ Pravda kết tội Solzhenitsyn: Các tác giả trước Solzhenitsyn
đã chỉ trích những thiếu sót và sai lầm của quá khứ; ông
lại tìm cách chứng minh những vi phạm về luật pháp không
phải là vi phạm những chuẩn mực của một xã hội Xã Hội
Chủ Nghĩa, nhưng chính là hậu quả trực tiếp từ bản chất
của chủ nghĩa Xã Hội. Vì vậy Solzhenitsyn trở thành kẻ phản
bội, và tất cả những ai chính trực, không chỉ ở Liên Xô,
đều phải khinh bỉ và căm giận. Những gì có vẻ không đúng,
không đồng thuận phải được giải thích bằng những sai lạc
nằm ngoài lý tưởng; vì tính hoàn mỹ của nó là chắc chắn
không thể nghi ngờ. Với điều này, lý tưởng tự khử trùng
bằng cách kết tội tất cả những vấn đề nhỏ nhặt nhất.
Bội phản và thế lực đen tối của kẻ thù trong ngoài ẩn
náu khắp nơi. Giả thuyết về nhiều âm mưu được lập ra và
nhân tiện che đậy cả tính vô lý của tiền đề, cần thiết
hoá và biện hộ cho những vụ thanh trừng đẫm máu. Như Elster
đã dẫn trong đóng góp của mình (t 201), hậu quả được hối
hận thay thế. Nên tham khảo thêm Elster dẫn chứng Zinoviev trong
Đỉnh Gió Ngáp (Yawning Heights):

<em>Theo cách nhìn của chính quyền, cá nhân nhất định cũng có
thể bị kết án để xảy ra thiên tai (động đất, hạn hán,
lụt lội).</em>

Điều này không chỉ đơn giản áp dụng cho thiên tai. Maurice
Duverger tường thuật trong phần đầu cuốn Những Người Trồng
Cam hồ Balaton (Les Orangiers du lac Balaton):[30]

<em>Thời chế độ Rakosi thân Lenin, lãnh đạo Hungary quyết
định trồng cam trên bờ hồ Balaton. Hồ này đóng băng suốt
mùa đông, nhưng vì lượng nước lớn làm giảm tính khắc
nghiệt của khí hậu lục địa, phía bờ được che khỏi gió
bắc nhìn gần giống vùng Địa Trung Hải. Vị chuyên viên nông
nghiệp phụ trách dự án đã can đảm chỉ ra dự án này chỉ
là ảo tưởng. Vô ích. Như cách diễn giải của duy vật lịch
sử, đã chiếm lĩnh sự thật khoa học, đảng không bao giờ sai
lầm. Người ta trồng hàng ngàn cây cam nhập khẩu bằng ngoại
tệ nặng. Chúng đều chết. Vì vậy, vị chuyên viên nông
nghiệp bị kết tội phá hoại. Hắn chẳng đã biểu thị ý
đồ xấu xa ngay từ đầu vì đã chỉ trích quyết định của
bộ chính trị đó sao?</em>

Vô số ví dụ về cách lập luận nghịch lý tự minh xác đi
từ buồn cười đến kinh hoàng. Ta thấy một ví dụ ở mức
độ đầu khi nhà tiên tri biện hộ cho những tiên đoán không
xảy ra. Theo báo chí, trong một cơn hạn hán kéo dài nhiều năm
ở California, 400 sinh viên của Trường đại học tiểu bang ở
San Jose (San Jose State University), dưới sự hướng dẫn của một
vài giáo sư, đã tụ họp tại giảng đường chính ngày 17
tháng 2, 1977, đọc kinh cầu mưa của thổ dân mong tạo ra mưa
bằng "năng lực tổng thể". Một người trong nhóm tổ chức
giải thích với báo chí "Những thái độ phiến diện có thể
là lý do duy nhất tại sao buổi lễ này thất bại".[31] Trời
không mưa. Kiểu lập luận này Popper gọi là tự bao che
(self-sealing); hoặc như Elster luận, nó gắn liền với lý luận
sơ khai kiểu Manichaen, "Ai không theo ta là kẻ chống lại ta".
Theo cách ta đã bàn luận, lý luận vòng vo kiểu này là đặc
trưng cho một lý tưởng, "Một người cộng sản giác ngộ
không thể chống cộng sản, Solzhenitsyn chưa bao giờ là người
cộng sản".[32] Đây là cách người đoạt giải thưởng
Stalin, Sergei Michalkov, xoá bỏ hiện tượng Solzhenitsyn . Nó làm
ta liên tưởng tới chuyện cười về ông rabbi tuyệt vời:


"<em>Không ai bằng ông rabbi của mình cả. Ông không những nói
chuyện với Thượng Đế mà, xem này, Thượng Đế nói trực
tiếp với ông ta.</em>

<em>Tôi không tin. Có ai làm chứng không? Nếu rabbi của anh nói
vậy, ông ta phóng đại, không, ông đang nói dối.</em>

<em>Thật sao? Đây là bằng chứng tốt nhất: Thượng Đế có
bao giờ nói chuyện với kẻ dối trá không?</em>"[33]

Kiểu lập luận này còn tồn tại được bao lâu lệ thuộc vào
nhiều yếu tố. Có vẻ một hệ thống quyền lực cứng nhắc
sống lâu hơn cá thể. Manes Sperber viết,

<em>Trong thời gian nhất định, kẻ khủng bố có thể đạt
một số thắng lợi đáng kể tạm thời, tạo ảo tưởng hắn
đang nắm trong tay định mệnh, tương tự cảm xúc của kẻ
bắt cóc khi hắn làm cả gia đình hoặc cả làng run sợ cho
đứa trẻ hắn có thể giết bất cứ lúc nào. Vì chính trị
là tranh giành quyền lực, ngay lúc đó, kẻ khủng bố sẽ nghĩ
họ, những kẻ đi lạc vào quên lãng, đang dẫn đầu trên con
đường tắt dẫn tới quyền lực.</em>[34]

Khi lý tưởng được thờ phụng bị phá sản, vẫn có thể
đổ lỗi cho những thế lực đen tối như lời giải thích
cuối cùng. Rõ ràng điều này vô cùng thích hợp với huyền
thoại kiểu thuyết của Hitler (Hitlerism) về hoàng hôn của
thần linh (twilight of the gods). Trong khảo luận Huyền thoại của
Thế kỷ 20, Kurt Sontheimer viết về Rosenberg,

<em>Ở Nuremberg, khi huyền thoại về Đế Chế đã tan vỡ, hắn
liên tục cổ võ đảng Xã hội Quốc gia lúc nào cũng đúng và
đáng kể, và nó thất bại chỉ vì người ta đã làm băng
hoại nó. "Sự cảm nhận một biến cố lịch sử trọng
đại". Thứ cảm nhận được triết gia phát xít Alfred Baumler
ca tụng năm 1943 rõ ràng đủ mạnh để Rosenberg không thể
nhận ra thực tế phũ phàng ngay trong phút suy ngẫm và bị xét
xử bởi những kẻ chiến thắng.</em>[35]

Trong cuốn băng lời nói cuối của mục sư Jones cho những
người theo mình vào ngày 18/11/1978, ngay trước vụ tự sát tập
thể của 900 người thuộc Ngôi đền Nhân dân (People's Temple)
trong rừng rậm xứ Guyana, chính phủ Mỹ và Guyana lúc đầu
giữ kín nhưng cuối cùng tiết lộ cho báo chí, ta nghe lời
biện hộ y hệt và một thoáng hối hận:

<em>Tôi đã hết mình tạo cho mọi người một cuộc sống tốt
đẹp. Dù tôi cố gắng cách mấy, một nhúm người trong chúng
ta, những kẻ dối trá, đã làm cho cuộc sống chúng ta không
chịu nổi […] Chúng ta không những đang ở trong tình huống
phức tạp: Không những có những kẻ đào thoát và phạm tội
phản bội mang tầm thế kỷ; một số bắt cóc trẻ em và
những kẻ mất con đang truy đuổi để giết họ, vì họ bắt
cóc con nít […] Chúng ta đã bị phản bội. Chúng ta đã bị
phản bội ghê gớm.</em>[36]

Chủ đề chính về một môi trường không nhân nhượng tìm
cách phá hoại lý tưởng có nhiều hình thái. Hitler dành cả
đời mình chống lại liên minh quyền lực (do chính mình tạo
ra) của "dân Do Thái, giai cấp giàu có và Bolshevik do Vatican
hỗ trợ." Cơn thịnh nộ của Ulrike Meinhof nhắm tới "liên
minh quốc hội Đức, chính quyền Mỹ, cảnh sát, những kẻ
cầm đầu nhà nước và các trường đại học, tư sản, giáo
chủ (Shah) Iran, các công ty đa quốc gia, và hệ thống tư
bản".[37] Những kẻ phản đối năng lượng nguyên tử tưởng
tượng đang chống lại một liên minh kiên cố và đầy quyền
năng của các công ty vô trách nhiệm, quyền lực của giới tài
chính và tất cả những ban biện phục vụ cho họ: toà án,
chính quyền, trường sở, cũng như các viện nghiên cứu, và
các đảng phái chính trị.

Sự chuyển tiếp từ khuôn mẫu tệ lắm chỉ phi thực tế, xa
vời và quái dị của xã hội không tưởng đến cơn hoang
tưởng lạnh lùng và phi nhân diễn ra chỉ ngày hôm trước ngày
hôm sau làm tâm lý học kinh ngạc. Những kết quả mâu thuẫn
của nghiên cứu và cố gắng giải thích hiện tượng này cho
tới nay – hoàn toàn không giới hạn chỉ các nhân vật lịch
sử, mà bao gồm cả những nhóm cực đoan cách mạng, khủng
bố, và trên hết, những nhóm mang mầu sắc tôn giáo hiện
đại – họ hình như có một điểm chung: Hậu quả tâm lý và
tri thức của việc tin vào một lý tưởng là tình trạng vô
cảm quỷ quái, so với chúng, những gì kẻ tội phạm hạng
nặng làm chỉ là những sai lầm đáng tiếc. Kẻ tha hương
người Nga, Naum Korshavin, ông phải biết, suy tư về vấn đề
này trong cuốn tự truyện viết ở Moscow năm 1968:

<em>Tôi ghét những kẻ cách mạng thuê […] Họ mang trong mình
tính tự kiêu cực đoan nhất, tốn kém nhất (cho người khác)
và vô tâm nhất. Họ đã tìm ra cách đơn giản nhất và rẻ
tiền nhất để thoả mãn tham vọng của mình, che dấu những
lỗ hổng tư duy cũng như tiến tới một thứ như thiên đàng
mà không tự bỏ tiền túi ra (và điều này càng làm tốn kém
chính mạng sống và số phận của người khác).</em>[38]

Cách nhìn của kẻ lý tưởng thật khác hẳn. Ta đã đề cập
tới giả thuyết về tính băng hoại và lưu manh của kẻ dị
tín. Ai không muốn dính dáng tới thực tế do lý tưởng tạo
nên hay lợi ích của nó có thể xem như bất bình thường
(không những đạo lý mà cả) về tâm lý. Ước vọng di tản,
ví dụ, có thể hiểu không chỉ là phủ nhận thực tế mà có
thể được xem như khó khăn cá nhân thích ứng với thực tế.
Những kẻ ăn bám xã hội, dưới mắt phát xít, là những kẻ
không đáng sống. Việc đào thải một con người thường do di
truyền quyết định. Tháng 10/1973, tiến sĩ Alfred Freedman, lúc
đó là hội trưởng Hội Tâm lý học Hoa Kỳ, tham dự một
cuộc hội thảo tâm lý học ở Liên Xô. Ông và cộng sự kết
luận một số hành xử như những cuộc biểu tình ở Quảng
trường Đỏ có thể xem như dấu hiệu của tâm thần bất ổn.

<em>Mặc dù đã công nhận phê bình tự nó không phải là biểu
hiện của bất bình thường cần chữa trị, có thể cảm thấy
đối lập, phê bình hoặc chống đối đều bị xem là những
biểu hiện bất bình thường và triệu chứng chính của bệnh
hoạn […] Gắn liền với cảm giác sự lệch lạc tạm chấp
nhận cho tới khi phát triển thành đối lập chính trị.</em>[39]

Việc cải hoá và cải tạo tư tưởng cho kẻ đối kháng là
tối cần thiết. Với nhấn mạnh không chỉ vào khuất phục
thụ động mà cả vào chấp nhận chủ động và tự giác, lý
tưởng càng phát sinh nghịch lý.

<h2>Nghịch lý về tự giác bắt buộc (demanded spontaneity)</h2>

<em>Câu hỏi cấp bách, về bản chất không có câu trả lời là
làm thế nào bản chất yếu đuối và tội lỗi của con người
có thể thoả mãn những đòi hỏi của đức tin tuyệt đối
hiện diện trong tất cả các tôn giáo, đặc biệt trong Thiên
chúa giáo.</em>

Lòng tin cá nhân vào Thượng Đế phải hoàn toàn tới bực nào?
Đạo lý thần học Công giáo phân biệt giữa thực hiện điều
răn của Thượng Đế vì sợ sẽ bị trừng phạt nếu cãi lại
(một cách tin tốt nhưng không giá trị lắm) và theo lời răn
của Thượng Đế vì yêu mến Ngài – một cách phục tùng tự
giác. Vấn đề phiền não của kẻ tin giữa tính vô thập toàn
của người thường và cuộc sống thánh thiện kiểu Imitatio
Christi được biểu tả sâu sắc trong Người cận vệ tôn giáo
vĩ đại (Grand Inquisitor) của Dostoyevski. Sau Dostoyevski, ta nghĩ
ngay đến Pascal, vì Pascal, hơn những nhà tư tưởng khác, cố
trả lời câu hỏi làm thế nào một người không tin có thể
tự thân, chính ra, tự giác, đạt tới tình trạng đức tin.
Trong suy ngẫm 223 (Pensee 223), ông phát triển đề luận nổi
tiếng bằng cách cho rằng một người có thể tự kêu gọi
niềm tin của chính mình bằng cách hành xử như đã có đức
tin[40] – như cầu nguyện, dùng nước thánh, đi lễ và theo
những nghi lễ hiến mình. Nếu so với những cái có thể đạt
được (niềm tin và sự cứu rỗi linh hồn), Pascal nói, những
gì phải làm là "quá nhỏ". "Có gì để mất đâu?" Ông
tự hỏi. Nghịch lý về quyết định tin để có được niềm
tin đã được Elster phân tích kỹ lưỡng.[41] Ở đây, ta lại
va phải vấn nạn của tự đối chứng . Elster chỉ ra ngay nếu
có thể quyết định tin vào p, một người không thể cùng một
lúc tin vào p và tin rằng đức tin của mình vào p xuất phát
từ quyết định tin vào p của chính mình. Nghĩa là, quyết
định tin vào p (nguyên cớ của niềm tin) không thể cùng một
lúc là cái cớ tự nó (lý do của quyết định tin). Do vậy,
biện luận của Pascal không chứng minh được sự hiện hữu
của Thượng Đế, đúng hơn, nhiều lắm chỉ đưa một bằng
chứng tin vào Thượng Đế có thể có lợi – nếu người đó
có thể tự mình quên quyết định tin của mình. Cách khác,
biện luận của Pascal đề cập tới những đòi hỏi của một
cá nhân từ chính mình và với hậu quả nghịch lý hắn phải
đối mặt.

Tuy vậy hiện giờ, từ đòi hỏi bên ngoài, nguỵ biện không
thể che giấu được nữa. Lý thuyết về trao đổi thông tin
giữa con người đã gọi kết quả này là nghịch lý về "tự
giác/cảm hứng". Nói đúng hơn, tình huống khó xử khi một
cá nhân B lệ thuộc vào A, với A đòi hỏi hành xử nhất
định từ B, nhưng cách hành xử, theo bản chất phải cảm
hứng hay tự giác. Chính vì đòi hỏi, nó không thể tự giác
hay tự cảm hứng được nữa. Vấn đề đòi hỏi tự cảm
hứng dẫn tới nghịch lý kiểu Russell như đã đề cập trong
phần nghịch lý về hoàn thiện và vô tận. Một ví dụ điển
hình của nghịch lý "hãy tự giác" là điều ước của
người vợ tiềm ẩn trong câu hỏi dành cho chồng mình: "Sao
anh chẳng bao giờ tặng hoa cho em nữa vậy?" Chỉ còn hai cách
cho chàng: Hoặc anh ta sẽ không tặng hoa cho vợ nữa, và điều
này sẽ làm nàng buồn, hoặc anh tặng hoa cho nàng – điều này
có thể làm phật ý nàng, vì anh đáng lẽ phải tự giác làm
những gì đòi hỏi, chứ không phải vì nàng đã đòi anh làm.
Nói cách khác, anh ta làm điều đúng vì lý do không đúng.

Vấn đề tự giác bắt buộc là một phần của tất cả những
thực tế của lý tưởng. Koestler nói về điều này trong cuốn
Bóng tối giữa ban ngày (Darkness at Noon) của mình:

<em>Đảng không chấp nhận ước vọng tự do của cá nhân –
nhưng cùng lúc đòi hỏi quyết tâm tự hy sinh. Đảng không
chấp nhận lựa chọn giữa hai đường lối – nhưng cùng lúc
đòi hắn lúc nào cũng phải chọn đúng đường lối. Đảng
không chấp nhận quyền lựa chọn giữa xấu và tốt – nhưng
cùng lúc đảng lên án tội lỗi và phản bội. Cá nhân đứng
ngay dưới tấm biển của tuyệt vọng, một bánh xe trong chiếc
đồng hồ đã lên giây đến vô tận không thể dừng – và
đảng đòi hỏi phải dừng bánh và đổi hướng chạy. Có cái
gì đó không ổn trong cách tính; phương trình không thể giải
được.</em>[42]

Và nạn nhân trong 1984 của Orwell cũng phải được tạo ra tính
tự cảm hứng.

<em>Đối với chúng tôi vâng lời một cách tiêu cực hay ngay
cả sự quy phục hèn hạ nhất cũng chưa đủ. Cuối cùng, khi
anh đầu hàng chúng tôi thì đấy phải là hành động tự
nguyện hoàn toàn. Chúng tôi không bao giờ thịt một tên dị
giáo vì hắn còn chống đối chúng tôi: khi nó còn chống đối
thì chúng tôi chưa thịt […]Chúng tôi cải đạo hắn, giành
lấy khối óc của hắn, cải hoá hắn. Chúng tôi sẽ gột rửa
hết ác tâm và ngộ nhận của hắn, đưa hắn về phe với
mình, mà không phải bề ngoài đâu nhé, thực sự, bằng cả
tâm hồn và trí tuệ kia. Chúng tôi biến hắn thành người
đằng mình rồi sau mới giết</em>[43] (<a
href="http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=2632&rb=0501">bản dịch
Phạm Minh Ngọc, talawas</a>)

Một lần nữa, theo cách tư duy của Elster, ta có thể suy ra
không chỉ có hai biểu hiện của từ bỏ, thụ động và chủ
động, mà còn có hai biểu hiện thụ động và chủ động của
sự chấp nhận và sự phục tùng. Một ví dụ về thụ động
có thể là thái độ "tự trốn tránh" (inner emigration)
được nhiều người áp dụng thời Hitler. Thái độ tự trốn
tránh thường mang biểu hiện bề ngoài "làm như thể" (act as
if), và những kẻ lý tưởng phát xít tức sùi bọt mép mỗi
lần phát hiện trường hợp này. Tinh thần kiểu anh lính vui
tính Schwejk từ thời quân đội hoàng gia Áo, và, trong Thế
Chiến II, gắn liền với "đâm sau lưng chiến sĩ" (Nazi có
luật đặc biệt về "đâm sau lưng" để đối phó tinh thần
này) của Binh nhì Hirnschal từ Radio London.

Cả hai kiểu phục tùng này, tay trùm quốc xã về Khai sáng
(bằng vũ lực) và Tuyên truyền biết rõ. Trong bài diễn văn
ngày 16/9/1935, Goebbels, chơi chữ từ câu nói về dùi cui của
Talleyrand, tuyên bố: "Làm chủ được dùi cui cũng tốt, nhưng
tốt hơn nữa khi làm chủ con tim!... Chúng ta phải hướng con tim
của dân tộc Đức tới mệnh lệnh hành động".[44] Nghịch
lý về "tự giác", ông ta biết rất rõ, như Schneider viết:

<em>Ngạc nhiên nhất là cách hắn biến tự nguyện, tương lai
và những gì bất khả dự đoán thành đối tượng của mệnh
lệnh: "Lệnh treo cờ được thi hành toàn diện trong nửa
tiếng tại thành phố và nông thôn," hắn ra thông lệnh ngày
1/5/1935 sau cuộc bầu cử Saar (liên bang Đức) […] "Dân chúng
tập hợp thành những cuộc diễu hành khổng lồ đầy cảm
hứng".</em>[45]

Trong khuôn khổ của lý tưởng, chỉ sự phục tùng tự giác
được chấp nhận, vì "Ai không theo ta, chính là chống lại
ta." Theo cách này, lý tưởng đã trở thành một thứ tôn giáo
(pseudo-religious). Roger Bernheim, ký giả túc trực tại Moscow của
tờ Neue Zurcher Zeitung, miêu tả phần hệ thống tôn giáo của
Đảng Cộng sản Nga:

<em>Đảng có thượng đế của mình. Câu nói "Lenin đã sống,
đang và sẽ sống mãi" thuộc về chủ trương của người
Cộng sản Nga, và cũng thuộc vào lãnh vực tín ngưỡng của
mọi công dân Soviet. Đảng cũng có các giáo chủ và linh mục,
kinh thánh và những đề mục, và cả những nghi lễ tôn giáo.
Các tuyên ngôn của Đảng mang đầy hình thức lễ nghi. Từ
"vĩ đại" thuộc về Cách mạng tháng 10, từ "vinh quang"
dành cho Đảng Cộng sản Soviet, về Lenin là từ "thiên tài"
[…] Nếu phải nói tới sự ủng hộ của nhân dân Soviet với
Đảng, sự ủng hộ này phải tuyệt đối, nhiệt thành và vô
điều kiện. Công nhân, nông dân và trí thức của nước này
"một lòng đoàn kết với Đảng".</em>[46]

Trong cái vũ trụ vô lý của cảm hứng bắt buộc, quyền lực
nhà nước đi quá việc cấm đoán những hành động mang tính
chống lại xã hội, tự mang cho mình trách nhiệm áp đặt tư
tưởng và niềm tin của công dân. Trích dẫn kết luận chính
xác của Revel, "trong xã hội toàn trị, nhà nước tự cho mình
nhiệm vụ ban phát ý nghĩa cho cuộc sống"[47]. Vì vậy, tư
duy độc lập là phá hoại, và cuộc sống trở thành một thứ
địa ngục đặc biệt. Theo tờ báo văn chương ngoài luồng,
Samisdat, địa ngục này gồm:

<em>Sự phục tùng toàn diện về tinh thần vượt qua mọi ràng
buộc về thể xác hay kinh tế, một đòi hỏi luôn luôn và tự
giác tham gia vào cuộc dối trá ai cũng biết.</em>[48]

Trò dối trá này tự tạo ra những sự hoa mỹ. Từ hiện
tượng khóc vì vui mừng khi thấy bộ mặt thần tượng của
Fuhrer (một người, Reck-Malleczowen,[49] bất cẩn gọi "mặt
cứt" không bao giờ trở về từ trại tập trung) là lời kinh
đơn điệu kéo dài của bản tụng ca đơn thuần trong một
thực tế đặc trưng của mọi lý tưởng, ngay cả hiện tại.
Vì chả có gì khác nhau giữa giọng văn to tát và truyền cảm
đã thần tượng hoá tình yêu chớm nở giữa một thanh niên
từ Hitler-Jugend (tạm dịch: Đoàn Thanh niên Hitler) và thiếu nữ
thuộc Bund Deuschter Madchen trong khu rừng xào xạc hoặc trong
rừng cờ và biểu ngữ, bên kia là nhóm sinh viên nam nữ trong
hành lang đầy hơi ngạt của trường Sorbonne tháng 5/1968, hoặc
truyện ngắn Trung Hoa Vai trò tình yêu (Role of Love) kể về mối
tình của tác giả với một thanh niên:

<em>Chúng tôi bắt đầu hỏi nhau "Có thấy đoàn xe tang thủ
tướng Chu đi vào đường Changan tới lễ tang thế nào không?
Bạn đã đứng ở đâu vậy? Có nghe phần đọc thơ tưởng
niệm thủ tướng Chu Ân Lai không? […] Lần đầu tiên nghe về
thất bại của Bộ Tứ lúc nào vậy" Càng nói, tôi càng thấy
chúng tôi có rất nhiều điểm chung.</em>[50]

Lời dối trá rõ rệt trong nghịch lý "cảm hứng bắt buộc"
phải được làm cho có vẻ. Vì lý do đó, tuyên truyền và,
trên hết, nghệ thuật đã sửa sang để phù hợp với lý
tưởng phải được huy động. Ấn tượng bề ngoài phải
được tạo nên bằng nghệ thuật để tạo nên một cảm giác
mê say nhiệt tâm trong tất cả - và ai không tự cảm thấy thì
nên coi lại bản thân thay vì xét lại cái thực tế chính
thống. Coi như ta phải phát triển các tình cảm này kiểu Pascal
cho tới tự phát, tới lúc đó ta sẽ cảm thấy Hua, người kế
vị Mao, như Yu Kuan Lee diễn tả trong thơ mình


<em>Trái tim rộn ràng
Làm nghẹn cổ
Những giọt lệ sung sướng
Làm mờ mắt.
Nhưng qua một rừng cờ đỏ
Và một biển hoa
Tôi thấy, tôi thấy
Chủ tịch Hua tại Thiên An Môn
Trong bộ quân phục màu xanh.</em>[51]

Không phải ai cũng thành công với trò lừa lọc cảm hứng mê
say này. Những gì Thomas Brasch bên Tây Đức viết trong tác phẩm
hài hước Tự phê (Self-Criticism) khác hẳn, thật hơn và [mang
tính] người hơn:

<em>Tôi nhận rồi. Tôi bị lạc đề. Tôi không đứng lên. Tôi
chỉ cậy đất ở ngón chân. Tôi chưa bao giờ nhiệt tình […]
Chúa ơi, bọn phản động thối rữa giữa răng tôi. Chúa ơi,
ngọn gió. Nó thổi qua những tư tưởng mang tính dân tộc của
chúng ta.</em>[52]

Những gì được đề cập tới lúc này chỉ đúng khi quyền
lực nằm trong tay kẻ lý tưởng. Trong lúc chờ đợi, nghịch
lý "cảm hứng bắt buộc" có nhiệm vụ khác. Nhiệm vụ này
xuất phát từ việc cần thiết để tạo ra nhận thức cách
mạng. Cách tạo ra này gọi là nâng cao nhận thức. Quá trình
dẫn tới hoàn thiện phải có ý thức sâu sắc về thiếu sót
của thế giới; dù vậy có vẻ một trong những điểm yếu
của con người là khả năng chịu đựng phần lớn thiếu sót.
Marx đặt ra từ huyền thoại hoá (mystification) cho "cả việc
giai cấp thống trị tạo ra điểm mù, lẫn sự tiếp tục hiện
diện của nó. Kẻ đấu tranh cho sự toàn vẹn, vì vậy, phải
trước hết xoá bỏ huyền thoại. Đơn thuần và khách quan chỉ
ra và phê phán những yếu kém hoàn toàn không đủ. Để hoàn
thành mục đích, phẫn nộ có thể không nên lập lại một
cách máy móc, mà thật ra phải tự cảm thấy. Chỉ tới lúc
đó lời kêu gọi về sự toàn vẹn mới được hưởng ứng
nồng nhiệt. Không gì đáng ghét cho mô hình của những kẻ
cứu nhân độ thế hơn là ý niệm tự kiềm chế, hoặc phải
chấp nhận sự thiếu sót của những gì có thể. Vì vậy,
cuộc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi nóng bỏng càng
có dịp xảy ra, nhất là tại những quốc gia có được một
nền tự do, an toàn và thừa mứa chưa từng thấy trong lịch
sử con người. Cũng vì tình trạng này của thế giới là kết
quả của sự tiến bộ vượt bậc của khoa học, khoa học –
nhất là trong thời đại này – từng bước đi vào tầm ngắm
của kẻ lý tưởng .

<h2>Tuyên Ngôn về tính Khoa Học</h2>


<em>Nếu thực tế không đồng thuận với lý thuyết,
Mặc kệ thực tế.</em>

Hegel, Marcuse trích

<em>Với mức khả tín ngày càng tăng về một thấu hiểu toàn
vẹn thực tế bằng quan sát khách quan và thí nghiệm có thể
lập lại, khoa học bắt đầu thay thế chỗ trống hệ ý thức
tạo ra do sự lụi tàn của những ý tưởng vĩ đại về tôn
giáo, đạo lý hay triết lý khoảng trăm năm trở lại</em>.
Phải công nhận. có một số đại diện ban đầu về tính cứu
rỗi của khoa học, như Bacon và Descartes. Dù vậy, trước đây
các dự án chính trị về xã hội không tưởng gắn liền với
một mặc khải thần thánh nào đó đã bị loại bỏ, và gần
đây, được thế chỗ bởi khoa học.

Ý niệm này rất hấp dẫn trong tính đơn giản và rõ ràng: Ai
nắm bắt được nguyên lý phức tạp của tự nhiên, vì tư
thế hiện diện hoàn toàn độc lập với tư tưởng, đức tin,
thành kiến, hy vọng, giá trị và những thứ khác của con
người, có thể sở hữu chân lý vĩnh cửu. Nhà khoa học đảm
nhiệm vị trí kẻ đi tìm Thượng Đế, chân lý khách quan thay
thế tín ngưỡng dị đoan:

<em>Ta phải tính đến tình trạng hiện tại của vũ trụ như
là kết quả của một tình trạng đã qua và nguyên cớ cho
những gì sắp đến. Giả dụ, một bộ nhớ có khả năng thấu
hiểu mọi tác động tạo nên chuyển động trong thiên nhiên và
vị trí tương đối của thực thể tạo ra nó – một bộ nhớ
đủ lớn để có thể đưa dữ liệu để phân tích – nó
phải bao gồm những chuyển động của những vật thể lớn
nhất trong không gian và của nguyên tử nhỏ nhất trong một
công thức, đối với nó, mọi thứ phải được chắc chắn và
tương lai, cũng như quá khứ phải hiện diện trong tầm
mắt.</em>[53]

Ngay từ 1840 Laplace dùng những từ trên để phác thảo ý niệm
về Tận Thế học thế tục. Tuy vậy, cho công bằng, cần nhấn
mạnh ông ta đã quan tâm tới yếu tố không tưởng bằng cách
dùng sự thể có điều kiện.

Những nhà tư tưởng sáng giá từ thời Giambattista Vico đã liên
tục nhấn mạnh các lý thuyết hoặc giả thuyết khoa học khá
lắm chỉ là một hình ảnh, một cách giải thích thế giới,
và chính nó không phải thực tế. Chính với ý niệm này mà
tập sách được hoàn tất như một đóng góp cho nghiên cứu.
Vào thời điểm này, ta chỉ muốn khảo sát kết quả thực tế
từ ngộ nhận rằng thế giới có thể (đã) được khoa học
giải thích, hoặc nói cách khác, khảo sát những gì xảy ra khi
lý tưởng cố dùng khoa học để biện hộ cho những tuyên cáo
về chân lý của mình.

Sự chính xác của kết luận khoa học là gì? Nếu tính trong
cuộc sống thường nhật, ta có thể chấp nhận chúng có một
độ chính xác tương đối. Quan sát một vật thể rơi tự do
trong môi trường chân không ở mực nước biển, giả dụ chúng
xảy ra dưới những điều kiện giống nhau – đều cho kết
quả hoàn toàn giống nhau. Ở đây ta tạm quên một sự thật
rằng quan sát không giải thích nguyên cớ của hiện tượng,
cũng không xác lập một khả đoán thống kê rằng vào lần
thứ 1001 vật thể sẽ xử sự đúng như vậy (thay vì, ví dụ,
bay ra khỏi trái đất). Đối chiếu lại một số vấn đề tôi
đã phân biệt, có hai phần khác nhau rõ rệt của cái ta gọi
là thực tại. Để mở đầu, tính chất của vật thể, ta sẽ
gọi đây là thực tế thứ nhất. Và vì vậy, thực tế này bao
gồm toàn bộ những "sự thật" từ quan sát hoặc thí
nghiệm (cả hai, dĩ nhiên, là sản phẩm của lý thuyết nào
đó), nghĩa là, một tổng thể những sự thật được xác lập
khách quan khi sự lập lại nhiều lần cùng một thí nghiệm cho
ra cùng kết quả dù do ai, ở đâu, lúc nào thí nghiệm được
thực hiện (Ta cũng không để ý tới điều này chỉ có thể
nếu tất cả những người tham gia xử dụng cùng một hệ
thống ngôn ngữ và ý nghĩa. Tháp Babel không xây dựng được
vì Thượng Đế ra lệnh cho thiên thần của mình "xuống và
làm rối ngôn ngữ của chúng").

Tới đây ta rất muốn đi tới một nhận định, với lý luận
rõ ràng, đã tìm ra chìa khoá dẫn tới cách diễn giải tuyệt
đối về thế giới, và với nó, bản hướng dẫn tuyệt đối
về thái độ đúng đắn của con người đối với thế giới,
nhân loại và ngay sự hiện diện của bản thân. Vì chân lý
đã có sẵn cho mọi người có lòng tốt, chỉ bọn điên, lì
và phá hoại mới chống lại lý trí.

Cái mà sự tầm thường hoá tai hại này bỏ qua là sự thật
rằng thực tế thứ nhất không đề cập tới ý nghĩa của sự
tồn tại. Đối với chúng ta, luật sức hút quả đất không
dạy ta biết thêm gì ngoài những điều chúng ta đã biết: Té
từ trên cao sẽ chết. Ý nghĩa của sự sống (và chết) không
từ đó mà ra. Shakespeare không biết một triết gia nào thoát
khỏi đau răng. Trong Tractatus, Wittgenstein viết:

<em>Ta cảm thấy khi tất cả mọi câu hỏi khoa học đã có lời
giải, vấn đề cuộc sống vẫn còn nguyên vẹn chưa có lời
giải đáp. Tất nhiên chẳng còn câu hỏi nào tồn tại lúc
đó, và chính điều này là câu trả lời.</em>[54]

Dù vậy thực tế đề cập ở đây (mà lý tưởng đề nghị
đưa ra lời giải) không phải thực tế của sự thật khoa học
tầng thứ nhất, đúng hơn liên quan tới phần của thực tế
mà sự thật thứ nhất được gán nghĩa, thứ bậc và giá
trị. Một đứa trẻ bình thường có thể nhận thức được
đèn đỏ nhưng không biết đèn đỏ cấm qua đường hoặc nó
chỉ nhà thổ. Ý nghĩa này của đèn đỏ chả dính dáng gì
tới bước sóng hay đại loại; đúng hơn, [nó chỉ là] chuẩn
mực con người quy định mọi hiện hữu như ký hiệu – và rõ
rệt hơn - mọi từ, chẳng liên hệ gì tới sự vật mà nó mang
tên (ngoại trừ từ tượng thanh [onomatopoetic]). Như Bateson và
Jackson đã nói: "chả có gì thật sự là năm trong số 5, chả
có gì thật sự là bàn trong từ bàn cả",[55] vì vậy, cập
nhật cách biểu tả của Shakespeare, "Không có gì xấu hay
tốt, nhưng ý nghĩ của ta làm nó thế." Phần của thực tế
bao gồm một tập hợp ý nghĩa, thứ tự và giá trị được
gọi thực tế thứ nhì. Khi ý kiến khác nhau, vẫn có lý phần
thực tế thứ nhất tham khảo ý kiến của ai sát với sự
thật cụ thể nhất và ai sai, về thực tế thứ nhì, chỉ cãi
vã vô ích về "chân lý" khoa học hoặc tuyên bố đã tìm ra
"chân lý". Ta sẽ lấy một trong nhiều ví dụ. Không có cách
giải quyết "khoa học", "khách quan" nào cho mâu thuẫn
giữa các nước Arabs và Israel, cũng không có giải quyết nào
kiểu đó cho sự bất hoà giữa hai cá nhân trong một mối quan
hệ. Các mối quan hệ không phải lãnh vực của thực tế thứ
nhất và các đặc tính thật sự của nó có thể quyết định
bằng khoa học. Thay vào đó, chúng là sản phẩm tuyệt đối
của cá nhân trong mối quan hệ, và vì vậy từ chối mọi quan
sát khách quan. Như vậy niềm tin thơ ngây vào lý lẽ dựa trên
kiến thức khoa học không còn là quyền lực tuyệt đối. Cùng
lúc, hy vọng vào "con người với bản chất tốt đẹp"
(Rousseau) và bản chất tốt đẹp của hắn phát triển từ tuân
thủ tự giác và hợp lý các hệ thống giá trị được khoa
học minh xác, và với hắn, ước mơ và khát vọng cá nhân song
hành với xã hội, chỉ là ảo tưởng và thất vọng.

Đây chính là cây thánh giá của những xã hội không tưởng
khoa học về một xã hội khoẻ mạnh, hiền hoà, hiến dâng:
tuyên bố về tính khoa học của lý tưởng, một tuyên bố phát
xuất từ mù mờ giữa thực tế thứ nhất và nhì. Khi điều
này xảy ra, sẽ tạo ra một thực tế mà kết quả không cần
thiết giống với thế giới bắt buộc của một lý tưởng
"phi khoa học" khác. Trong tâm lý học cổ điển, có một sự
ngộ nhận thơ ngây rằng tồn tại một thực tế thật mà
người bình thường (các nhà tâm lý, hơn ai hết) biết rõ hơn
kẻ điên. Khi nguyên tắc của cứu rỗi nhân loại dựa trên
khoa học áp dụng cho xã hội, xuất hiện một niềm tin - như
Anderson và Radnitzki đã sâu sắc chỉ ra trong một câu trả
lời[56] - vào sự thu hẹp giữa cái là và cái phải là, một hy
vọng thực hiện ước mơ hàng thế kỷ của nhân loại về
một thế giới trong đó sự thật tuyệt đối song hành với
ước mơ và nguyện vọng của con người.

Khi một lý thuyết khoa học cuối cùng được bọn ăn bám chính
trị vào nhà nước để xác nhận tính chính thống, làm tăng
lời biện hộ cho sự tồn tại của chính quyền, bức màn sắt
của nguỵ biện được hạ xuống. Huyền thoại của thế kỷ
20 (thuyết chủng tộc đưa luận chứng cho việc hàng triệu
người bị xem như vô dụng và trừ khử) của Alfred Rosenberg
hoặc thuyết di truyền đặc điểm tiếp thu (theory of genetic
transmission of acquired characteristics) (dẫn đến cái chết của
những đồng sự đã lên tiếng phản đối, và làm tê liệt
ngành di truyền học hàng mấy thập kỷ) của Trofim Denisovitch
Lysenko là các ví dụ sáng ngời – càng tuyệt vời hơn nếu ta
biết ngay trong thời của họ, những "lý thuyết" này đã là
phi lý. Trong thế giới của những kẻ lý tưởng khoa học,
không có chỗ cho nghiên cứu sâu hơn, cho bắt bẻ những ngộ
nhận từ trước hoặc nghi ngờ những gì có sẵn. Những
chuyện bình thường trong khoa học tự do trở thành bội phản
và phản động khi những kẻ cầm quyền tưởng tượng đang
nắm sự thật tuyệt đối.

Thật vậy, thường thì thực tế cuộc sống mới là phản
động vì đã đi ngược lại lý tưởng. Những kẻ lý tưởng
lúc đó thường phải làm một bước nhảy, khốn nạn cho
những ai không thích ứng kịp. Sự thật hôm qua thành phản
động ngày hôm nay. Những ai đã bị ám hại được phục sinh
thành thiên tài.

<h2>Thoái Hoá (Enantiodromy)</h2>

<em>Nhưng nơi nguy hiểm, giải thoát cũng đâm chồi</em>

Holderlin

Từ thời Heraclitus, nhà tư tưởng lớn về đổi thay, chúng ta
hiểu thoái hoá là quá trình chuyển tiếp qua phía ngược lại
của vấn đề. Mẩu tư tưởng 45 đọc "Thay đổi ngược lại
là sự phù hợp hoà hoãn với đối lập." Sau Heraclitus, nhiều
nhà tư tưởng qua nhiều thế kỷ đã miêu tả và cố giải
thích hiện tượng này và biến dạng của nó. Theo cách suy nghĩ
cổ điển một chiều kiểu suy diễn, những tiến triển kiểu
này hoàn toàn vô lý và không có lời giải thích. Có vẻ chỉ
có tư duy hiện đại với ý niệm về hệ thống và đặc thù
mới có thể đưa ra một tiếp cận thiết thực mang tính khái
niệm. Những công trình của nhà khoa học đoạt giải Nobel, Ilya
Prigogine – rất khó đọc cho độc giả không có kiến thức
về sinh vật, vật lý và hoá học – rất đáng được để ý.
Trong cuốn Từ hiện hữu đến hình thành (From Being to
Becoming)[57] về những hệ thống tự huỷ như một phương thức
diễn giải về thoái hoá, Prigogine chỉ ra các chức năng củng
cố và làm lỏng của những hệ thống này cũng có thể áp
dụng cho các hệ thống xã hội. Hoàn toàn nhấn mạnh, ấn
tượng chúng ta có được là có thể nhận thấy thoái hoá gần
như chắc chắn khi một trạng thái hoặc định hướng nào đó
trở thành cực đoan. Điều này có thể áp dụng được trong
những thực tế do lý tưởng tạo ra. Vì ở đó – như ta đã
chứng minh – mọi thứ đi ngược lại đều coi như không hiện
diện và làm cho không hiện diện. Ngay cả như vậy, lý tưởng
tự mắc vào phản đề ngầm của chủ động từ bỏ. Như
Elster đã nói trong bản phân tích về vô thần (t 184), đức tin
âm tính của một kẻ vô thần vẫn gắn liền với Thượng
Đế, chắc chắn như là kẻ có đức tin (còn hơn thế nếu kẻ
tin không muốn cải đạo); vì "sự bất lực của vô thần
hiển hiện đúng vì nó muốn đạt một vấn đề không thể:
Xác lập một tình trạng thụ động từ bỏ bằng chủ động
từ bỏ."

Nếu vấn đề này chỉ diễn ra trong đầu kẻ lý tưởng, nhân
loại chỉ nhún vai hay cười. Nhưng một khi thoái hoá như là
một đặc thù trong xây dựng thực tế lý tưởng được đưa
vào thực tế thay vì tưởng tượng, cái nhún vai hoàn toàn
không đủ. Nhân vật Shigalov trong tiểu thuyết Quỷ ám (The
Possessed) của Dostoyevsky là một ví dụ như vậy. Shigalov là tác
giả của một hệ thống xã hội không tưởng mà qua nó
"kiểu mẫu hiện tại của xã hội sẽ được giải phóng."
Như ta đoán, hệ thống này rất phức tạp. Hắn ta sẵn sàng
giới thiệu bản tóm tắt cho đồng chí của hắn, nhưng cảnh
báo từ đầu rằng sẽ

<em>kéo dài khoảng mười buổi tối, mỗi buổi cho một
chương. (Tiếng cười đâu đó) Tôi phải thêm, dù vậy, hệ
thống của tôi chưa hoàn hảo. (Lại có tiếng cười) Dữ liệu
của chính mình làm tôi bối rối, và kết luận mâu thuẫn
trực tiếp với ý tưởng ban đầu của chính tôi. Bắt đầu
với tự do vô hạn, tôi đi tới toàn trị vô hạn. Tôi sẽ
thêm, tuy vậy, không còn cách nào khác cho một công thức xã
hội ngoài của tôi. (Tiếng cười càng lớn).</em>

Dù nhân vật Shigalov chỉ là tưởng tượng, vấn đề của hắn
thì không; thật ra, đó là thực tế tàn khốc của nhiều
nước khi chủ nghĩa Shigalovism lên ngôi. Càng chủ động phủ
định, những thứ bị phủ định càng đổ xuống người tạo
ra. Freud đề cập tới sự trở lại của trí nhớ bị ẩn
giấu; với Jung mọi cực đoan về tâm lý "tàng ẩn phản đề
của chính nó, hoặc có mối quan hệ mật thiết" [25]. Lenin
tưởng đã "triệt tiêu bệnh quan liêu," nhận thức thoái
hoá khá cay cú. Heinz Abosh tư duy về điều này như sau:

<em>Một nền quan liêu mới, lớn hơn với quyền lực tuyệt
đối hơn xuất hiện từ đổ vỡ của bộ máy cũ. Những năm
cuối đời, Lenin lúc nào cũng than phiền về hình thái phát
triển bệnh hoạn này; ông không còn hoan nghênh "huỷ bỏ"
hệ thống quan liêu, chỉ tiếc những thành quả khả quan của
nó. Trong một thư mật năm 1922, ông xác nhận đất nước Soviet
"đã bị chế độ của Nga hoàng chiếm lấy, và được phủ
một lớp sơn Soviet mỏng"</em> [1].

Không phải kẻ lý tưởng nào cũng bi quan về đổ vỡ của lý
tưởng. Mấy kẻ khủng bố xuất hiện sau nhiều năm trong bóng
tối có vẻ muốn chứng minh lòng hối hận của mình bằng ngây
thơ và chân thật rằng con người là lầm lỗi. Chủ tịch
nước Cambodia Khieu Samphan với luận án Sorbonne của mình đã
tạo ra tiền đề và biện hộ về lý tưởng cho Khmer Đỏ trong
việc tàn sát 250,000 người và làm 1 triệu người khác chết
dần trong khổ sai và đói khát, giải thích với Liên hiệp Báo
chí Quốc tế (United Press International) ngày 20/8/1980,

<em>Bây giờ chúng tôi đã nhận thức không thể có cách mạng
xã hội chủ nghĩa trong thời đại này. Mục đích chúng tôi
muốn thực hiện khi còn sống là sự tồn vong của Cambodia […]
Mọi người vẫn còn sợ nhưng chúng tôi muốn nói rằng chúng
tôi theo chủ nghĩa dân tộc trước khi là cộng sản và chúng
tôi nhận ra không thể thực hiện ước vọng của chủ nghĩa
xã hội.</em>

Sự đổ vỡ của lý tưởng không chắc dẫn đến cảm nhận
đầy đủ về những ngộ nhận chết người trong ý thức hệ
lý tưởng, chỉ dẫn đến ngộ nhận mới. Vì cùng lắm ta chỉ
biết những gì thực tế không là. Hay như Von Glaserfield chỉ rõ
trong đóng góp của mình (t 39):

<em>Nghĩa là thế giới "thật" tự hiển hiện ngay tại nơi
lý lẽ đổ vỡ. Và vì ta có thể tả rõ và giải thích sự
đổ vỡ bằng chính ý niệm ta đã dùng để xây nên những hệ
thống thất bại, ta không thể nào nhận thức được lý do
chính dẫn đến thất bại.</em>

Rất khó để nhận thức sự thật về thoái hoá rằng phần
tối của lý tưởng khi đưa ra thực tế không thể đổ lỗi
cho "tai nạn nghề nghiệp", cho sự bất tài của cấp dưới
hoặc cho phá hoại của kẻ thù nào đó trong hoặc ngoài.
Stolzenberg cho ta một lý do khi chỉ ra (t. 265) rằng ta chỉ có
thể thoát ra cái bẫy của một tư tưởng tuyệt đối bằng
cách không coi tư tưởng này là sự thật – tồn tại độc
lập và dẫn tới một số kết luận cụ thể - và, thật ra,
chất vấn chính tư tưởng tuyệt đối này.

Duverger đưa ra chính vấn đề này trong cuốn <em>Những người
trồng cam ở hồ Balaton</em> của mình:

<em>Nhưng nếu Marx đã không bị phản bội? Ông không mong các
chế độ thậm tệ nhận rằng [chúng] theo tư tưởng của ông.
Chúng có lẽ làm ông kinh hãi. Nhưng nếu chúng không phải là
quái thai, một lầm lạc hay phản bội đối với hệ thống tư
tưởng của ông? Nếu chúng cho ta thấy lý luận tiềm tàng trong
hệ thống tư tưởng của ông, đẩy tới kết quả cuối
cùng?</em>[58]


Và xuyên suốt cuốn sách, Duverger khéo léo chỉ ra những vi
phạm chính là hậu quả xuất phát từ bản chất của lý
tưởng.

Ngày hôm nay, nhóm "tân triết học" của Pháp đang nói rõ
những gì Solzhenitsyn đã từng nói, và vì vậy – cách đây
chưa đầy 10 năm – ông ta bị kết án bôi bác sự thật.
Bernard-Henri Levy, trong cuốn Dã man mang bộ mặt người (Barbarism
with Human Face)[59] của mình, viết, "không có sâu trong quả
táo, tội lỗi sau này mới xảy ra, mà đúng hơn, con sâu là
quả táo và tội lỗi là Marx." Andre Glucksman đi tới cùng kết
luận trong Bậc thầy tư duy (Master Thinkers)[60]: Không có trại
cải tạo của Nga nếu không có Marxism. Và Monique Hirshhorn tóm
lược sự phát triển này với những lời sau:

<em>Sau khi tỉnh giấc khỏi sự kiên định cứng đầu, các
triết gia mới đang khám phá ra sự thật đơn giản đến không
ngờ . Mối liên quan giữa Gulag và Marx quá rõ ràng. Không phải
một thiếu sót có thể giải thích được bằng thói quan liêu,
phản bội của Stalin hay sai lầm của Lenin. Thật ra, đây là
hậu quả lý luận trực tiếp và không thể tránh được của
những nguyên tắc Marxism. Xã hội phi giai cấp không phải là
một tầm nhìn khai sáng, mà đúng hơn, cái tên khác của kinh
hoàng.</em>[61]

Một trong những hậu quả của tư duy suy diễn đơn giải là
sự thoái hoá – mặc cho tất cả minh chứng lịch sử ngược
lại – hoàn toàn không hiện hữu trong tư duy của những kẻ
lý tưởng và tiên tri, vì vậy họ hoàn toàn không ngờ. Tệ
hại hơn, những kẻ suy nghĩ hai chiều đã áp đặt tư tưởng
của chính họ vào con người, đạo lý và luật pháp. Người
tốt nào không muốn đứng sau những từ hấp dẫn như xã hội
phi giai cấp, tự do, bình đẳng, bác ái và những thứ đại
loại? Đối với đa số, khi tỉnh giấc thì đã quá muộn –
ngoài tay vệ sĩ tôn giáo vĩ đại (của Dostoyevsky), hắn đã
biết [từ trước]. Bất kể lý tưởng là gì và ở đâu, kết
quả cũng thế. Bất kể sự công bằng do Marxist hay tư bản
tạo ra, đều dẫn tới những hậu quả đặc thù. Cố gắng
quân bằng hoá sự đa dạng tự nhiên của con người đều dẫn
tới hậu quả không thể tránh được của mất cân bằng
nghiêm trọng do toàn trị. Tương tự, tự do bị xoá bỏ có
thể do chú trọng vô giới hạn và quá lo lắng bảo vệ tự do.

Cái một kẻ lý tưởng không thể chấp nhận trong cuộc tìm
kiếm sự hoàn hảo, ngay cả lúc hắn nhận ra, là một chân lý
từ cổ xưa được khám phá đi khám phá lại, càng lúc càng có
lý trong những thập niên gần đây, và áp dụng cho rất nhiều
ngành. Chân lý đó là: Các hệ thống phức tạp – xã hội
loài người, lấy ví dụ - mang bản chất năng động, nghĩa là
tự điều chỉnh, và mọi thứ đi ngược lại khuôn mẫu tự
nó sẽ dẫn tới điều chỉnh các vấn đề nguy hiểm cho hệ
thống hoặc hạn chế xu hướng phát triển tự nhiên. Nhưng
mọi thứ đang phát triển, vì vậy, không thể nào hoàn toàn –
và thực tế lý tưởng không thể chấp nhận điều này. Trong
những hệ thống phức tạp, đổi thay và tiến hoá từ các
phần tử mới đầu tưởng là sai lạc và bệnh hoạn; nhưng
nếu không có chúng, hệ thống sẽ nhũn hoá thành một thứ
bất lực vô vọng. Chính vì vậy, kẻ thù tưởng là rành rành
phải được xem như con cừu đen đối lập hoặc cái xấu cần
thiết hơn là những gì phải trừ khử.

Các nhà tư tưởng theo trường phái kiến tạo (constructivism)
sẽ cố gắng đưa tới lời giải thích rõ ràng hơn về vấn
đề phức tạp này và về thứ lý luận – tuy không thể giải
thích theo kiểu lẽ thường – tự khẳng định và chuyển hoá
một cách ngược ngạo. Phần bạt sẽ bàn tới nhiều hơn về
sự thăng trầm của trường phái kiến tạo. Trong khi chờ
đợi, câu nói của Winston Churchill cho ta một tia hy vọng:
<em><strong>Dân Chủ là một kiểu nhà nước tồi, nhưng tôi
không biết một hình thức nhà nước tốt hơn</strong></em>.


<em>Nguyên tác tiếng Anh "Components of Ideological Realities" trích
trong tập The Invented Reality, Paul Watzlawick hiệu đính. Nhà xuất
bản W.W. Norton & Company, 1984.</em>


______________________________


[1] Hirshhorn, Monique. Les Nouveaux Philosophes: L'Écume et la vague.
Stanford French Review 2, 1978, 301-313.

[2] Morin, Edgar, cộng tác với Bernhard Paillard and những người
khác. Rumours in Orleans (Peter Green dịch). Pantheon, New York, 1971.

[3] Castro, Fidel. Dẫn Neue Zurcher Zeitung, 4/5. 10. 1975.

[4] Orwell, George. "Inside the whale". Trong A Collection of Essays.
Doubleday, Garden City, New York, 1954, p. 235.

[5] Holstein, Walter. Der Untergrund, 2nd ed. Luchterhand, Neuweid, 1969, p.
67

[6] Bolzano, Bernard. Paradoxien des Unendlichen. Mayer và Muller, Berlin,
1889

[7] Schnitzer, Arthur. Flight Into Darkness (William A . Donke dịch). Simon
and Schuster, New York, 1931, pp. 29-30

[8] Koestler, Arthur. Le Zéro et l'Infinity. Calmann-Levy, Paris, 1945

[9] Koestler, Arthur. The Invisible Writing. Macmillan, New York, 1954, p.
357

[10] Popper, Sir Karl Raimund. Open Societies and Its Enemies. Harper, New
York, 1963

[11] Marx, Karl, and Engels, Friederich. The German Ideologue. International
Publishers, New York, 1947, p. 22

[12] Kraus, Wolfgang. Die verratene Anbetung. Piper, Munich, 1978, p. 49

[13] Meienberg, Niklaus. In das konzept, March 1979; Neue Zurcher Zeitung
trích dẫn, 17./18.3. 1979, p. 33.

[14] Zeitdienst. Trích dẫn trong Neue Zurcher Zeitung, 17.18.3. 1979, p.
35

[15] Popper, Sir Karl Raimund. Conjectures and Refutations, The Growth of
Scientific Knowledge. Basic Books, New York, 1962, p. VI

[16] Lucas, J. R. The Freedom of the Will. Clarendon Press, Oxford, 1970, p.
114

[17] Popper, Sir Karl Raimund. Utopie und Gewalt. Trong Utopie: Begriff und
Phanomen des Utopischen (Arnhelm Neususs, ed.). Luchterhand, Neuwied, 1968,
p. 332

[18] Bockenforder, Ernst Wolfgang. Der Staat als sittlicher Staat, Duncker
and Humblot, Berlin, 1978, p. 37

[19] Lenin, Vladimir I. Ibid.; p. 53

[20] Garudy, Roger. The Alternative Future: A Vision of Christian Marxism
(Leonard Mayhew dịch). Simon and Schuster, New York, 1974, pp. 169-171

[21] Watzlawick, Paul. Op . cit . p.253

[22] Gregor-Dellin, Martin. Schneider trích dẫn [52, p. 150]
Schriftsteller testen Politikertexte (H.D. Baroth, ed.) Munich, 1967, pp.
75-87

[23] Lubbe, Hermann. Ideologische Selbstermachtigung zur Gewalt. Neue Zurcher
Zeitung. 28./29. 10. 1978, pp. 65-66.

[24] Deutscher, Isaac. The Prophet Unarmed. Oxford University Press, London,
1959, p. 85

[25] Becker, Jillian, Hitler's Children: The Story of Baader-Meinhoff
Terrorist Gạng Lippincott, Philadelphia, 1977, pp. 72, 159

[26] Tất nhiên có những kẻ xem "nhiệm vụ khó khăn" là
niềm vui của mình: "Tiên chỉ của chúng ta là khủng bố vô
hạn đưa tới niềm vui vô hạn." Câu nói này được xem như
từ chuyên viên khủng bố Michael Bauman.

[27] Orwell, George. 1984. Harcourt, Brace, New York, 1949, p. 258

[28] Victor Klemperer, Die unbewii/tigte Sprache ("The Unconquered
Lan­guage") [261.]

[29] Schneider, Wolf. Worter machen Leute: Magie und Macht der Sprache.
Piper, Munich, 1976, p. 133

[30] Duverger, Maurice. Les Orangiers du Lac Balaton. Le Seuil, Paris, 1980,
p. 9

[31] Stienstra, Tom, 400 Students Chant Ritual at Rain-Makung Ceremony. Palo
Alto Times, 18.12. 1977, p. 2

[32] Michalkow, Sergej. In Der Spiegel 28, 4.2. 1974, p. 87

[33] Broch, Henry. Wunderrabbis. Neue Zurcher Zitung, 7./8. 11. 1978, p. 5

[34] Sperber, Manes. Die Erben des Herostratos. Suddeutsche Zeitung,
20/21.9.1975

[35] Sontheimer, Kurt. Die Erweckung der Rassenseele. In Bucher, die das
Jahrhundert bewegten (Gunther Ruhle, ed.). Piper, Munich, 1978, p. 113

[36] Jones, Jim. Quoted in San Francisco Chronicle, 15. 3. 1979, 5

[37] Becker, Jillian, Hitler's Children: The Story of Baader-Meinhoff
Terrorist Gạng Lippincott, Philadelphia, 1977, pp. 72, 159

[38] Korshavin, Naum. In Kontinent, Vol. 8 (Vladimir Ẹ Maximov, ed.),
Ullstein, Berlin, 1978. Quoted in Neue Zurcher Zeitung ½.7. 1978, p. 33

[39] Freedman, Alfred. Dẫn trong Monitor, American Psychological
Association, Vol. 4, No . 12, Dec 1973, p. 1, và United Press International,
Nov 2, 1073

[40] Ovid, trong cuốn Nghệ thuật của Tình yêu (Art of Love), cũng
nói tương tự như vậy về tình yêu "Tự thuyết phục bạn
rằng bạn yêu [khi bạn có những] khát khao tạm thời. Vậy hãy
tin… Một người yêu thương đúng đắn là người đã tự
khuyên chính mình tìm vào cảm xúc này."

[41] Elster, Jon. Ulysses and the Sirens: Studies in Rationality and
Irrationality. Cambridge University Press, London, 1979, p. 47-54

[42] Jones, Jim. Quoted in San Francisco Chronicle, 15. 3. 1979, 5

[43] Orwell, George. 1984. Harcourt, Brace, New York, 1949, p. 258

[44] Goebbels, Joseph, Schneider trích dẫn [52, p. 126]

[45] Schneider, Wolf. Op . cit . p.128.

[46] Bernheim, Roger. Der "kirchliche" Aspekt der sowjietischen KP. Neue
Zurcher Zeitung, 16. 8. 1970, 3

[47] Revel, Jean-Francois. La Tentation totalitaire. Laffont, Paris, 1976, p.
320. Trong xã hội toàn trị, nhà nước khoác lấy nhiệm vụ mang
lại ý nghĩa cho cuộc sống. Và Revel thêm, "Mặt khác, nhà
nước tự do thường tạo điều kiện để tập thể không bao
giờ áp đặt cách sống hoặc ý thích lên cá nhân

[48] Solzhenitsyn, Alexander, et al. Stimmen aus dem Untergrund. Zur
geistigen Situation in der USSR. Luchterland, Darmstadt, 1975.

[49] Reck-Malleczewen, Fritz P. Tagebuch eines Verzweifelten. Goverts,
Stuttgart, 1966

[50] Mader-Bogorad, Yvonne. Literatur als Zerrspiegel der Wurlichkeit. Neue
Zurcher Zeitung, 5./6. 5. 1975, p. 70

[51] Yu Kuang-Liẹh Trích dẫn trong Neue Zurcher Zeitung, 12./13.3 1977,
p. 5.

[52] Brasch, Thomas. Selbstkritik. Trong Kargo: 32. Versuch auf einen
untergehenden Schiff aus der eigenen Haut zu kommen. Suhrkamp Taschenbuch
541, Frankfurt am Main, 1979, pp. 160-161.

[53] Laplace, Pierre Simon de . A Philosophical Essay on Probability
(Frederick Truscott và Fredereck L. Emory dịch). Dover, New York, 1951, p.
4

[54] Wittgenstein, Ludwig. Tractatus Logico-Philosophicus. Humanities Press,
New York, 1951, p. 186

[55] Bateson, Gregory và Jackson, Don D. Một số trạng thái khác nhau
của cơ cấu mầm bệnh. Trong Disorders of Communication, Vol. 42
(David McK. Rioch, ed). Research Publications, Association for Research in
Nervous and Mental Disease, Williams và Wilkins, Baltimore, 1964, pp.
270-283

[56] Anderson, Gunnar, và Radnitzky, Gerard. Finalisierung der Wissenschaft
im doppelten Sinn. Neue Zurcher Zeitung, 19. /20.8. 1978, 33.

[57] Prigogine, Ilya. From Being to Becoming. W.H. Freeman, San Francisco,
1980.

[58] Duverger, Maurice. Les Orangiers du Lac Balaton. Le Seuil, Paris, 1980,
p. 9

[59] Kevy, Bernard-Henry. Barbarism with a Human Face (George Holoch dịch).
Harper and Row. New York, 1979

[60] Glucksman, Andre. The Master Thinkers (Brian Pierce dịch). Harper and
Row, New York, 1977.

[61] Hirshhorn, Monique. Les Nouceaux Philosophes: L'Écume et la vague.
Stanford French Review 2, 1978, 301-313


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8488), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét