Khuya trở giấc. Không ngủ được. Ba giờ sáng.
Chầm chậm ra khỏi giường, ông mở nhẹ cách cửa sổ ọp ẹp
để tìm chút gió trong căn phòng dường như đang ngột ngạt,
khó thở cho trái tim già nua, héo hắt...
Màn đêm nhờ nhờ hắt ra vài bóng lá Ngọc Lan mùi thoang
thoảng tựa hoa Lài, nhưng còn ngái ngủ, những bóng lá in trên
vách tường lỗ chỗ, chi chít những tờ bướm "hút hầm cầu",
những dấu mực "khoan cắt bê tông"...(!)
Yên ắng. Thoảng xa xa ngoài đường cái là những tiếng xe rầm
rì báo hiệu một chuyến hàng HOA cho buổi chợ mới.
Ngước nhìn bầu trời đêm để kiếm một vì sao nào đó mà
định hướng nhìn. Chẳng có... Bất giác, ông nhớ tới cờ
Tổ quốc và cười khẩy một mình trong bóng tối...
Xóm nhỏ ngọai ô - nơi ông ta ở - cũng chẳng thay đổi gì
lắm sau nhiều năm, mặc dù ngoài đường cái người ta vẫn
miệt mài xới lên đào xuống, thi công cho nhiều công trình mang
tên tầm cỡ. Chỉ tổ cho nước ngập lầy lội vào những mùa
mưa trong con hẻm thân thuộc này...!
Saigon đang sắp vào mùa mưa.
Nghe nói năm nay mưa sớm.
Càng sớm càng buồn.
Saigon lại sắp vào cuối tháng Tư.
Quá khứ xa ngái... Quá khứ mà có muốn cũng chẳng còn đọng
lại nhiều lắm vì lẽ, nó đã bị mài mòn như tảng đá bị
mài mòn bởi những dòng thác mỗi ngày đổ qua, khi nhẹ nhàng
lúc mãnh liệt. Mài mòn từ những khổ cực thân xác, nỗi đau
tinh thần, đến nỗi làm tâm hồn ông dường như ngày càng trơ
lì, lãnh cảm với tất cả đang diễn ra xung quanh.
Tiền kiếm ngày càng khó. Tiền tiêu ngày càng nhiều. Nghèo
vẫn hoàn nghèo. Lương hưu của ông chỉ đủ cho ông xài tiện
tặn và đôi lúc lai rai vài chai bia với bạn bè.
Con cái lớn hết rồi, ông nghĩ cũng đỡ lo, ai dè, nó giao hai
đứa cháu cho ông bà, nói là "Ba giúp giùm tụi con mấy tuần!".
Con nhỏ người làm vừa lười, vừa ỏng eo chê lương thấp
trong lúc giá cả tăng cao, tụi nó chưa tìm ra người làm khác,
lại phải đi công tác nước ngoài. Vậy là ông có thêm "nhiệm
vụ" mới. Hai đứa cháu, một lên 3 và một lên 5 mỗi sáng ông
chở đi học, thêm một con chó mà tụi nó nuôi, mỗi sáng ông
phải dẫn chó đi ị! Ông là một đại tá về hưu.
Thằng Hai nhà ông đỗ xịch xe trước ngõ, vợ nó ngồi trong
đó chờ, nó dẫn hai đứa con và con chó dắt bộ vào nhà ông
khỏang 500 thước, vì hẻm nhỏ nên xe nó không vào được. Bộ
dạng thằng Hai cũng qúy phái lắm. Hàng xóm ai cũng nhìn
ngưỡng mộ. Ông cũng thấy vui vui!
<center><strong>* **</strong></center>
Ba rưỡi sáng. Nhìn ra khoảng không gian từ cửa sổ, trên căn
gác nhà ông, trong một con hẻm nhỏ, bóng đèn đường vẫn
sáng trên cây cột gỗ đã cũ, đứng xiêu vẹo vì chân gốc
đang mục dần mà chẳng ai buồn thay cột mới, dù ông đã báo
nhiều lần lên Sở điện.
Sở điện nói: "nó" còn tốt lắm, hơn ba chục năm nay có gì
đâu, chỉ cần "gia cố" một chút là xài thêm ba chục năm nữa
cũng an toàn.
Ông sợ: rủi ngày mai nó sụm sao?
Hư đâu sửa đó. Nhẹ như không ấy mà!
Ông ra về mà nghi ngờ cái vụ "nhẹ như không" lắm!
Ông chỉ sợ "nó" sụm một phát một thì chết cả xóm chứ
chẳng chơi. Ra tới cổng, cậu nhân viên kỹ thuật còn vồn vã
bắt chặt tay ông và nói: "Chúng cháu luôn tiếp thu ý kiến
của bà con, có gì bác cứ báo nhé!"
Ông lặng thinh và nghĩ... để về báo bà con trong xóm xem sao,
chứ ở đây nó nói vậy mà nhẹ nhàng nữa, thì mình biết
làm... sao bây giờ!
<center><strong>* **</strong></center>
Bốn giờ sáng. Rời cửa sổ, đến bên chiếc bàn quen thuộc,
se sẻ mở máy để vào mạng. Thật khẽ khàng để không làm
thức giấc bà vợ đang ngủ ngon lành.
Lâu lắm rồi không còn nước mắt cho ai cả và kể cả cho
bản thân. Quen rồi. Quen như đã từng trơ mắt nhìn những
người thân, người bạn lần lượt, lần lượt... bỏ đi vào
cái ngày xưa xa tít tắp - ngày 30/4/1975.
Cha mất. Một ít nước mắt trong ngày đưa tang.
Mẹ qua đời. Chẳng còn giọt nước mắt nào nữa.
Chết trong lừa đảo. Khô khốc. Cũng may, đến trước vài
tuần khi chết mới nhận ra. Nghe người ta gọi là "hồi quang
phản chiếu". Không biết đúng không nữa.
Ông ghét quần tang, áo chế. Ghét nước mắt. Ghét những
người cần xốc nách hai bên để lê theo xe tang. Ghét rên rỉ
và than khóc. Ghét salonpas hai miếng dán hai bên màng tang. Ghét
khóc tập thể. Hùa nhau khóc. Khóc mà vì thấy mọi người khóc
rồi mình khóc theo. Ông ta gọi là yếu quá. Không có "tính
Đảng".
Tính Đảng? Tính đảng là gì? Lần đầu sau nhiều năm quen
biết, bạn ông ta mới nghe cụm từ lạ lạ, hay hay.
À! nếu quên thì nhắc cho nhớ "Biến đau thương thành hành
động cách mạng". Quen không? Ừ, thì quen. Nhưng "tính Đảng"
là gì?
Ông giảng (1):
Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới
làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm
nên.
Tính đảng là gì?
Một là: Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên
trên hết.
Hai là: Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và
phải làm đến nơi đến chốn.
Phải hiểu rằng: Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính
sách mới đúng. Mà muốn Đảng hiểu rõ thì đảng viên và cán
bộ phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã,
từng huyện, từng tỉnh, từng khu.
Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả
là "nồi vuông úp vung tròn", không ăn khớp gì hết.
Ba là: Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau.
Vì kém tính đảng mà có những bệnh sau này: Bệnh ba hoa, bệnh
chủ quan, bệnh địa phương, bệnh hình thức, bệnh ham danh
vị, bệnh ích kỷ, bệnh thiếu kỷ luật, bệnh hủ hóa, bệnh
cẩu thả, bệnh thiếu ngăn nắp, (gặp sao hay vậy), bệnh xa
quần chúng, bệnh lười biếng.
Mắc phải một bệnh trong mười hai bệnh đó tức là hỏng
việc. Vì vậy, chúng ta phải ráo riết dùng phê bình và tự
phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy. Có như
thế Đảng mới chóng phát triển...
Ấy là ông nói theo Đảng nói. Nói xong, ông cũng thấy ngường
ngượng, vì ông bạn cứ lõ mắt nhìn như con nai vàng ngơ ngác!
<center><strong>* **</strong></center>
Năm giờ sáng. Trời đã dần sáng rõ. Những cành lá Ngọc Lan
đang rạng rỡ hơn. Mùi hương thoang thoảng của hoa Ngọc Lan
làm ông cảm thấy dễ thở hơn và nghe lâng lâng trong lòng cho
một ngày mới.
À quên! Còn cái cột điện. Dứt khoát chiều nay phải bàn với
bà con trong xóm.
Có lần mấy đứa thanh niên nói: "Sao bác không kiện nó đi?"
Đứa khác lao nhao: "Mày giỏi! đi xúi ông già. Sao mày không
kiện?"
Đứa khác nữa nói: "Nếu bác B.Ch đứng đơn kiện thì tụi
cháu vững tâm và làm theo, bác là người có tâm, có tiếng ở
xóm mình. Không phải tụi cháu ngại, nhưng làm gì cũng có
người lãnh đạo tinh thần, phải không tụi bây?"
"Ừ! đúng rồi, đúng rồi!"
Ông thấy tụi nhỏ nói cũng có lý.
Ông già rồi, sống bao năm nữa. Cái cột có ngả xuống ngay
ông thì cũng thế thôi, nhưng tội đám trẻ. Ông cũng ghét bóng
tối lắm. Mỗi lần nhớ:
"Trời tối đen như mực và như cái tiền đồ của chị" (2) là
ông không chịu được, cứ như ai đang bóp mũi, bóp họng không
cho ông thở vậy!. Ông cần phải sống. Sống cho con cháu nhà
ông nhờ vào những lúc tụi nó khó khăn.
<center><strong>* **</strong></center>
Hồi nào giờ, Đảng dạy, có gì thì anh em trong nhà bảo nhau
chứ đừng kiện tụng. Xấu anh, hổ em, người ngoài nó cười,
sướng ích gì. Ông thấy cũng phải. Nhưng...
Chắc là phải kiện thôi - ông nhủ thầm
Dù ông còn băn khoăn "tính Đảng" lắm...!
<em>Nguyễn Ngọc Già</em>
________________
Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995,
Tập 5, trang 266, 267, 268.
http://cema.gov.vn/modules.php?name=Content&op=details&mid=7509 (1)
Tác phẩm "Tắt Đèn" - Ngô Tất Tố (2)
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/8539), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét