Đoan Trang - Truyền thông Việt Nam năm 2010: "Thư ký của thời đại"

<em><strong>(Đây là phần 6 của loạt bài "Truyền thông Việt Nam
năm 2010: TẤM GƯƠNG PHẢN ÁNH XÃ HỘI".)</strong></em>

Nhìn trở lại năm 2010 qua báo chí Việt Nam, tôi nghĩ đến lời
thầy giáo năm xưa: như một quy luật, khi nào xã hội càng
nhiều xáo động, lòng người càng mất niềm tin, văn học với
chức năng "phản ánh hiện thực" càng phát triển.

Ở khía cạnh ấy, báo chí còn hơn cả văn học, nó quả đúng
là tấm gương phản ánh hiện thực, ngay cả khi nó bị chi
phối đáng kể từ các lực lượng khác nhau: chính quyền, doanh
nghiệp, các phần tử cơ hội chính trị, v.v… Nói cách khác,
ngay cả trong vòng kiềm tỏa ấy, báo chí Việt Nam vẫn dựng
lên được một bức tranh mô tả đúng hiện trạng xã hội
nước nhà: <em><strong>méo mó</strong></em>.

Tôi cũng nhớ tới một câu chuyện của mình, như thế này: Vào
năm 1985, NXB Công an Nhân dân ấn hành một cuốn sách, nhan đề
"<em>Mùa xuân có bão</em>". Đó là một tuyển tập những
truyện ngắn mang tính chất "<em>kể chuyện cảnh giác</em>",
ghi lại những chiến công thầm lặng của các chiến sĩ công an
trên mặt trận chống tiêu cực. (Đây không phải hiện tượng
lạ trong ngành xuất bản. Có lẽ nhiều bạn đọc thế hệ 6x,
7x bây giờ vẫn nhớ tới hàng loạt tác phẩm văn học chống
tội phạm tương tự, cùng thời như "Vụ án đêm cuối
năm", "Chiếc khăn thêu bông huệ trắng", v.v…)

Với trí óc của một đứa bé 7 tuổi, tôi đã đọc và nhớ
như in nhiều chi tiết trong cuốn sách, tất nhiên là nhớ cả
tên tác giả. Một truyện ngắn mô tả lại tỉ mỉ cuộc sống
của một tội phạm - ở đây là một tên buôn lậu, chuyên
đánh hàng từ TP HCM mang ra Chợ Giời (Hà Nội) bán, ăn chênh
lệch, lấy tiền tiêu xài:

"<em>Trong thành phố của chúng ta bây giờ có những kẻ sống
phè phỡn như vậy (…) Chúng đập trứng gà vào phở, ấp giò
lụa lên xôi (…), bô bô chê bỉ những cán bộ vác cặp lồng,
ôm bí đỏ đi làm mỗi sáng qua mặt chúng:</em>

<em>- Đấy mới là người "có lập trường". Còn như bọn ta
đây là loại "không thương yêu giai cấp"! (…)</em>"

Việc gì phải đến đã đến. Sau một thời gian buôn bán, ăn
chênh lệch, kẻ xấu bị sa lưới pháp luật.

Còn có những truyện khác kể về các loại tội phạm khác
trong xã hội: ăn cắp, móc túi, vượt biên, móc ngoặc, buôn
lậu. Truyện nào cũng khắc họa các chiến sĩ công an nhân ái
và lịch thiệp trong cư xử với người dân, can đảm và quyết
liệt trong đấu tranh chống tội phạm.

Đối đầu với kẻ sống xa hoa, giò chả "<em>ngập răng ngập
lợi</em>" kia là một chiến sĩ công an thanh bạch: "<em>Mình
– tôi cười – buổi sáng làm bát cơm rang không mỡ</em>".
Một tình tiết khác tôi cũng rất nhớ, ở tuyển tập "Vụ
án đêm cuối năm": "<em>Loan (tên một bác sĩ định vượt
biên, bị bắt lại) xấu hổ quá. Với kẻ vượt biên, phản
quốc, có chửi mắng cũng là bình thường, mà anh (công an) vẫn
giữ thái độ ôn tồn, nho nhã</em>".

Nhưng, cũng với trí óc của một đứa trẻ lên 7, ngay từ
thời đó, rất kỳ lạ là… không hiểu sao tôi lại cứ ủng
hộ những nhân vật bị coi là "xấu" trong truyện. Ví dụ,
tôi thấy thương và cứ thấp thỏm lo cho cô gái tên Chi, sợ
cô ta bị công an bắt (trong truyện, cô ta có nghề móc túi và
trấn lột, được gọi là "thị Chi").

Bây giờ mà đọc lại thì có thể thấy ngay là nếu không đi
móc túi, Chi sẽ chết đói – không nhà cửa, không gia đình,
không nghề nghiệp, không tương lai. Còn anh chàng đi buôn hàng
từ Sài Gòn ra Hà Nội kiếm chênh lệch kia thì giỏi quá đi
chứ, và cuộc sống "đập trứng gà vào phở, ấp giò lụa
lên xôi" của anh ta là cuộc sống mà tất cả lũ trẻ con
chúng tôi ngày ấy đều ao ước.

… Nhiều năm sau, mỗi lần nhớ tới cuốn sách này, ý nghĩ
đầu tiên trong đầu tôi luôn là muốn tìm gặp các tác giả,
nhất là mấy vị mà tôi vẫn nhớ tên ấy, túm lấy cổ áo
họ và lắc thật mạnh, cho chừa cái tội "đầu độc trẻ
em" đi. May mà với cái cách viết của các vị, đến trẻ em
cũng không tiêu hóa nổi.

<center>* * *</center>

Trong cuốn sách nổi tiếng "Tư duy kinh tế Việt Nam
1975-1989", cố GS. Đặng Phong trích dẫn một loạt bài báo
đăng trên các báo lớn ngày ấy nói về chiến dịch Z30 (điều
tra, khám xét và tịch thu những ngôi nhà mới xây cao từ hai
tầng trở lên). Bài "Những kẻ có tài sản bất minh" của
tác giả Quang Cát ("Hà Nội Mới", số ra ngày 14/5/1983)
viết:

"<em>Gần 8 giờ sáng, chủ nhân vẫn chưa dậy, trong khi ngày
làm việc của thành phố đã bắt đầu… Đoàn kiểm tra đến
khám xét, hắn đã dậy và ra mở cửa phòng ngoài. Đây là
loại cửa gỗ lát dày, có đánh xi bóng nhoáng, phía trên gắn
kính mờ hoa dâu… Phòng khách lộng lẫy, có salon, máy quay
đĩa… Trong khi Hà Nội ta có bao nhiêu gia đình ở chật chội,
mỗi đầu người chỉ có 1m2, thì nhiều tên làm ăn bất chính
lại xây nhà, mua nhà sống xa hoa như vậy (…)</em>

<em>Hắn còn thuê người chuyên quét dọn ao vườn, nhà cửa.
Chúng ta công phẫn lên án bọn người buôn bán đầu cơ, thoái
hóa mất chất bằng con đường bất chính. Cho nên nhân dân
rất hoan nghênh những Chỉ thị và Quyết định của UBND TP ra
lệnh kiểm tra những đối tượng có nguồn tài sản bất
minh</em>".

Bài "Những ngôi nhà phi pháp" của Nguyễn Đức Thà (đăng
trên Hà Nội Mới ngày 17/5/1983) viết: "<em>Bước vào nhà đã
có cảm giác mát dịu, nền gạch tráng men, nhà dưới, tầng
trên đều có công trình vệ sinh riêng, có đèn néon, có gương
soi (…). Khi kiểm tra nhà hắn ngày 12 tháng 5 vừa rồi, thấy
có cả máy giặt, máy hút bụi, hơn 100 m vải, một số tấm
gỗ...</em>

<em>Đó là sự vô đạo đức, nỗi bất công không thể kéo
dài…</em>".

Bây giờ, đọc lại những bài báo ấy, tôi tin rằng nhiều
người trong chúng ta sẽ bật cười, hoặc sẽ điên tiết,
hoặc kinh sợ trước cái ấu trĩ của một thời. Nhưng, tôi
không dám chắc số đông trong chúng ta sẽ có mảy may cảm
thông với tác giả. Những gì họ đã viết ra đó, tiếc thay,
sẽ chỉ được lưu lại, được nhớ đến (nếu có) như
những ví dụ về cái sai, cái xấu, thậm chí cái ác của báo
chí.

Và đó là những "tấm gương" để chúng tôi nhìn vào mà
tự nghĩ đến mình: Mai sau này nhìn lại, liệu có bài báo nào
trong đời sẽ được độc giả nhớ đến? (Khả năng là ít
lắm, độc giả vốn dễ quên mà). Được nhớ đến như những
ví dụ tốt, hay sẽ bị đem ra làm "case study" cho sự dốt
nát về nghiệp vụ, tồi tệ về đạo đức? Liệu có bài báo
nào sẽ khiến chúng tôi không thể tha thứ cho chính mình không?

Chúng tôi không biết. Chúng tôi chẳng thể nào biết được.
Tuy nhiên, riêng về phần mình, tôi chỉ thấy rõ nhất một
điều: Cho dù thế nào, những truyện ngắn, những bài viết
tồi dở ngày xưa và bây giờ cũng không chỉ thể hiện trình
độ và đạo đức của người viết; mà chúng còn là tấm
gương phản ánh hiện thực xã hội đương thời, chúng soi rọi
trình độ phát triển của đất nước, bộc lộ năng lực
quản lý của nhà lãnh đạo, và dân trí của nhân dân.

Ước gì… chúng tôi có thể viết làm sao để con cháu sau này
sẽ không lục giở lại kho lưu trữ mà cười ngặt nghẽo:
"<em>Ngày xưa vào khách sạn mà bị bắt quả tang có bao cao su
đã qua sử dụng là có thể bị bắt đấy bọn mày ạ</em>",
"<em>Ngày xx tháng yy năm zz báo ABC đưa tin Việt Nam luôn bảo
đảm tự do Internet này, dân Việt Nam ở trong top hạnh phúc
nhất thế giới này, hahaha…</em>".

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7681), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét