Người Úc dạy con ra sao?

<em><strong>Người Úc thường dạy con theo hướng phát triển tự
nhiên, thân thiện với môi trường sống, đồng thời biết
tự lập từ sớm và dùng tiền một cách hợp
lý.</strong></em>


<div class="boxright320"><img src="http://danluan.org/files/u1/Day_con_1.JPG"
width="460" height="259" alt="Day_con_1.JPG" /><div class="textholder">Trẻ
con Úc thường được dạy cách tự lập trong cuộc sống từ
khi còn rất nhỏ. (Bay Vút)</div></div>
<h2>Tự lập từ bé</h2>

Khác với quan điểm của phần đông các bậc cha mẹ châu Á,
người Úc rất coi trọng tính tự lập của con cái. Vì vậy,
ngay từ khi con của họ mới chào đời, họ đã rất ít khi
cho ngủ chung. Họ thường đặt đứa trẻ trong một chiếc nôi
riêng khi mới được mấy ngày tuổi, đồng thời cũng tránh
ôm ấp bé lâu vì điều này có thể khiến cho đứa bé quấn
"hơi" mẹ. Có thể vì vậy mà những đứa trẻ Úc rất
ít khi nhõng nhẽo, mè nheo hoặc đòi mẹ bế liên tục.

Khi trẻ Úc được một tuổi đã được cha mẹ tập cho cách
tự dùng thìa múc thức ăn. Marry, một người mẹ kể: "Ban
đầu khi mới tập dùng thìa, bé Ella nhà tôi không ăn được
gì vì thức ăn rơi hết ra ngoài nhưng sau đó một thời gian
thì bé đã biết cách sử dụng đôi tay khéo léo hơn. Vì vậy,
khi gửi bé đi nhà trẻ tôi rất yên tâm vì bé sẽ không bị
đói".

Có dịp đến tham quan nhà trẻ Úc, bạn có thể sẽ rất ngạc
nhiên vì có những bé chưa biết đi và biết nói nhưng đã có
thể ngồi ngay ngắn trên ghế và tự... bốc thức ăn cho vào
miệng. Xung quanh thức ăn rơi vãi, và miệng trẻ cũng dính
đầy thức ăn. Nhưng bạn đừng vội đánh giá rằng các giáo
viên mầm non ở đó "lười" chăm sóc bởi đó chính là
một phần của kế hoạch giáo dục cách tự lập cho trẻ ngay
từ khi còn rất nhỏ.

Không những thế, các bé còn được dạy cách tự đi vệ sinh,
tự rửa tay (cho dù mới chỉ 3 tuổi), tự mặc và cởi quần
áo, giày dép, tự giác lên giường nằm vào giờ ngủ trưa và
nếu bé đột nhiên thức dậy trong khi các bạn khác vẫn đang
ngủ thì bé phải giữ im lặng hoặc tự rời khỏi giường và
đi ra phòng chơi một mình.

Khi lớn lên thêm một chút và có thể chạy, nhảy được thì
trẻ phải tự mang vác đồ đạc của riêng mình. Một lần
người viết từng được chứng kiến một cậu bé Úc 4 tuổi
trên đường đi học về phụng phịu đòi mẹ bế. Thế nhưng,
mẹ cậu không hề "mảy may". Bà chỉ nhẹ nhàng nói với
con: "Mẹ có hai chân, con cũng có hai chân, vậy tại sao con
lại cứ đòi mẹ bế?" Không những thế, bà còn yêu cầu con
tự đeo chiếc ba lô nhỏ của mình thay vì để cho mẹ cầm
giúp vì "đó là đồ của con và không có lý do gì khiến con
đưa nó cho người khác cầm hộ".

Sau khi nghe mẹ giải thích, cậu bé đã hiểu ra vấn đề và vui
vẻ làm theo.

Các bậc phụ huynh Úc cũng thường để con em họ phát triển
một cách tự nhiên, không gò ép. Ví dụ nếu trẻ không muốn
ăn thì họ sẽ không ép mà cứ để cho tới khi bé đói sẽ
phải tự đi tìm thức ăn.

Marry cho biết: "Trẻ không muốn ăn nghĩa là không đói. Bé
Ella nhà tôi cũng nhiều lần bỏ bữa rồi sau đó vài tiếng
lại đi tìm tôi xin thức ăn vì đói. Nếu bạn cứ ép bé ăn
khi bé không muốn thì điều đó không tốt cho tâm lý của
bé".

<h2>Hòa mình cùng thiên nhiên</h2>

Ở Úc, các cha mẹ rất hay có thói quen đưa con ra công viên
dạo mát, hít thở khí trời hoặc đọc sách. Hồi bé Ella
mới được khoảng 9 tháng, bản thân Marry từng gặp phải
những ánh mắt ngạc nhiên của một số bà mẹ người Á
đông khi họ nhìn thấy cô thản nhiên ngồi đọc sách trong khi
bé Ella cứ một mình bò trên thảm cỏ xung quanh mẹ và chân tay
thì lấm bẩn.

Nhưng Marry cho biết đó là cách cô để con mình tự khám phá
thế giới xung quanh. Ella có thể sờ vào cỏ để biết cỏ
mềm mại thế nào hoặc sờ vào đất, lá cây.... để trải
nghiệm những cảm giác khác. Những tương tác đó, theo Marry,
là rất có lợi cho sự phát triển của trẻ em.

Judie, một bà mẹ Úc khác cũng có cách dạy con tương tự.
Những lúc cậu con trai 8 tuổi của chị bị ốm, thay vì đóng
kín cửa nhà để tránh gió thì chị lại chủ động mở cửa
ra để đón ánh nắng và lưu thông không khí cho căn phòng.
Thậm chí, chị còn khuyến khích con ra ngoài sân chơi cho khỏe
người bởi "khí hậu trong lành và sự vận động khiến cơ
thể nhanh chóng hồi phục".

Vào cuối tuần, hai vợ chồng Judie thường đưa con đi dã
ngoại hoặc đến các trang trại để ngắm các loài thú. "Bé
nhà tôi rất thích cho các chú dê con ở trang trại bú bình
sữa và thường vuốt ve, nựng nịu chúng. Theo tôi, biết gần
gũi, yêu thương loài vật từ nhỏ chính là nền tảng cho
sự phát triển lòng nhân ái của trẻ", Judie tâm sự.

<h2>Vài ý thức về sử dụng tiền bạc</h2>

Judie có một cửa hàng bán đồ ăn nhanh nên hàng tuần con trai
chị thường phụ giúp mẹ dán những chiếc hộp giấy đựng
đồ ăn và được mẹ trả "lương" sòng phẳng. Cậu bé
rất phấn khởi khi nhận được tiền và tiết kiệm để mua
đồ chơi.

Tuy nhiên, không phải lần nào giúp mẹ cậu cũng nhận được
tiền vì Judie cho biết chị cũng muốn bé hiểu rằng con cái
nên giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà làm một cách vô tư, không
đòi hỏi.

Một người bạn ở Úc kể về cách dạy con của chị dâu cô
ấy như sau: hàng tuần người chị dâu ấy trả 10 đô-la cho
cậu con trai 9 tuổi để giúp mẹ lau nhà, dọn vườn, kéo thùng
rác ra ngoài mỗi khi đến ngày đổ rác. Sau một thời gian làm
"thuê" cho mẹ, cậu bé tiết kiệm được 80 đô-la. Một
lần, cậu ngỏ lời muốn mua một chiếc xe scooter và chị
đồng ý dẫn con đi mua. Thế nhưng chiếc xe cậu bé chọn lại
có giá tới 130 đô-la. Hai vợ chồng chị nói với con: "Bố
mẹ sẽ cho con vay 50 đô-la còn thiếu rồi sau đó con phải làm
không công cho bố mẹ trong vòng 5 tuần. Nếu con đồng ý thì
bố mẹ mới lấy chiếc xe này cho con, nếu không thì con phải
chọn chiếc ít tiền hơn". Cậu bé gật đầu và rất chăm
chỉ làm việc 5 tuần sau đó để "trả nợ" cho mẹ.

Không những thế, phụ huynh còn dạy con em biết cân nhắc
và suy nghĩ đến giá trị của món đồ định mua có phù
hợp không. Dù đến siêu thị và bị hấp dẫn bởi
nhiều các loại đồ chơi đắt tiền nhưng con trẻ chỉ mua
khi chọn một món đồ chơi phù hợp với mức giá bố mẹ đã
đưa ra trước đó.

"Chúng tôi muốn trẻ hiểu rằng thường khi bạn sẽ rất
muốn mua một món đồ gì đó nhưng không có đủ tiền. Vì
vậy bạn phải biết cách lựa chọn món đồ phù hợp nhất
với cả hai tiêu chí: giá cả và sự hài lòng. Đôi khi, món
đồ bạn mua chưa hẳn là cái bạn thích nhất nhưng điều quan
trọng là bạn phải biết hài lòng với sự lựa chọn của
mình trong giới hạn số tiền cho phép", một phu huynh lý
giải cách giáo dục tiền bạc cho con em của họ.

Nhiều phụ huynh ở Úc cũng không bao giờ thỏa mãn ngay lập
tức mọi yêu cầu của con. Nếu trẻ yêu thích món đồ chơi
nào đó thì phải biết chờ cho đến những dịp lễ hoặc sinh
nhật để được tặng quà. Vì vậy, khi nhận được món quà
yêu thích sau vài tháng, thậm chí là cả năm chờ đợi thì
cậu bé sẽ vui sướng hơn rất nhiều và lẽ nhiên biết trân
trọng, giữ gìn nó cẩn thận.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7569), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét