Nguyễn Vạn Phú - Cứng rắn trước sức ép

Sự đời không đơn giản.

Trước đây chúng ta thường nghe phương Tây rao giảng về kinh
tế thị trường, về quản trị công ty, về việc nhà nước
phải tránh xa việc kinh doanh, để cho thị trường tự điều
tiết và tự quyết định.

Thế nhưng, mới đây, Standard & Poor's hạ điểm xếp hạng tín
dụng dài hạn của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam chỉ vì
Chính phủ Việt Nam theo họ, dường như không còn đứng ra
giải cứu các tập đoàn kinh tế nhà nước nếu chúng lâm vào
cảnh nợ nần.

Haha. Đúng là cháy nhà ra mặt chuột.

Như vậy trước đây các khoản vay của các tập đoàn nhà
nước với các định chế tài chính nước ngoài được ký
kết dễ dàng là do giới đầu tư nước ngoài yên chí có Chính
phủ đứng đằng sau, lỡ có bề gì, khoản cho vay của họ
cũng không sao. Đấy là nói về các khoản vay không có Chính
phủ đứng ra bảo lãnh.

Vì tâm lý ỷ lại đó, đã có những khoản tiền từ nước
ngoài cho Vinashin vay vô tội vạ, không cần đếm xỉa gì đến
quy trình thẩm định dự án vay một cách bình thường.

Thôi, chuyện đó không nói nữa. Vấn đề là với Vinashin,
chắc chắn sức ép từ bên ngoài bắt tập đoàn này trả nợ
đúng hạn trong thời gian tới sẽ rất cao.

Tháng trước Vinashin nói là sẽ đề nghị các chủ nợ hoãn
phần thanh toán 60 triệu đô-la đến hạn vào cuối tháng 12 này
thêm một năm. Nói vậy là không hiểu gì về quy trình làm ăn
của các chủ nợ - họ đâu dễ dàng gì cho hoãn khơi khơi vậy
vì còn phải giải trình với cổ đông, với giới điều hành
thị trường, với cấp trên. Và tiền của họ, khoản nào ra
khoản đó, làm gì có chuyện ưa hoãn là hoãn.

Khả năng họ không đồng ý là cao. Và hệ quả sẽ rất phức
tạp, không chỉ với Vinashin.

Trong tuần tới chúng ta sẽ nghe biết bao phân tích, rằng từ
nay doanh nghiệp Việt Nam đi vay nước ngoài sẽ khó khăn gấp
bội lần, vay được thì cũng phải chịu chênh lệch lãi suất
cao hơn trước nhiều. Rồi nhà đầu tư sẽ phát biểu theo
kiểu, một lần bất tín vạn lần bất tin. Tất cả đều
nhắm vào gây sức ép để Chính phủ đứng ra giải quyết nợ
cho Vinashin lần này.

Nếu nhìn ngắn hạn, chắc chắn sẽ có những ý kiến khuyên
Việt Nam nên giải quyết khoản nợ này chứ không thôi hậu
quả lan ra sẽ rất đắt đỏ.

Nhưng theo tôi, nên cứng rắn trước mọi sức ép. Vinashin vay
không có sự bảo lãnh của Chính phủ thì cứ để Vinashin
chịu trách nhiệm. Nếu chủ nợ tuyên bố Vinashin <em>default</em>
(mất khả năng chi trả), ảnh hưởng là có và sẽ rất lớn.
Nhưng chẳng thà chịu đau lần này, nhân đó thắt lưng buộc
bụng để vượt qua các thử thách còn hơn vì lợi ích ngắn
hạn mà nhượng bộ sức ép.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7232), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét