Lưu Trần Sinh: Kim Tích Việt Nam - (I) Chết Không Nhắm Mắt

Ngày nảy ngày nay, ở làng An-na-mít (Annamite) xứ In-đô-chin
(Indochine), có một gia đình quý tộc đầy danh giá và quyền uy.
Chồng là Côm-mu-nit đờ Pát-ty (Communist de Party), vợ là
Sô-xơ-lim Gâu-vờ-mần (Socialism Goverment). Họ là dòng dõi của
cụ Tiên Chỉ làng, tên là Ân-cừu Lếch (Uncle Lake).

Dân làng An-na-mit tự ngàn xưa vốn quen sống tự do phóng túng,
ít suy nghĩ bài bản sâu xa, ít tinh thần kỷ luật, ít đoàn
kết, nên thường xuyên bị các làng khác bắt nạt. Tự xa xưa
(và cho đến tận bây giờ) là làng Chai-nơ (China) ở ngay bên
cạnh, không ngừng xâm lấn đất đai, mưu toan chiếm đoạt,
thống trị. Cách đây hơn trăm năm, dân làng Phờ-răng-sê
(France), ở tận xứ Ơ-rồ-pá (Europa) sang bóc lột với danh
nghĩa bảo hộ. Gần hơn nữa, dân làng Phờ-lâu-phờ-léc (Flower
flag) mãi tận xứ A-mê-rì-cấn (American) cũng kéo sang oánh nhau
với danh nghĩa <em>"bảo vệ thế giới tự do"</em>.

Với tinh thần tự do phóng túng, lối sống <em>"mưa lúc nào mát
mặt lúc ấy"</em>, quan niệm <em>"nước nổi bèo nổi, gió đâu
che đấy"</em> ... dân làng An-na-mit rất không thích bị ai câu
thúc kiềm tỏa, dẫu là sự câu thúc kiềm tỏa có lợi hướng
đến văn minh. Do đó, hồi đầu thế kỷ trước, đa phần dân
làng vô cùng căm ghét đám người Phờ-răng-sê. Lợi dụng
điều này, lại được hoàn cảnh xã hội hồi ấy cổ xúy cho
việc chống bảo hộ, lại thêm có lý luận cao siêu của Mã
Các Tư cùng với Lý Ninh - người làng Rù-xiến (Russian), cụ
Lếch thuyết phục được đa phần dân làng nổi lên đánh
đuổi đám Phờ-răng-sê giành giữ quyền độc lập tự do.

Sự việc thành công, cụ Lếch được dân làng tôn lên làm
Tiên Chỉ. Sau đó, cụ Tiên Chỉ cùng với gia tộc của mình
lại tiếp tục lãnh đạo dân làng đánh đuổi dân
Phờ-lâu-phờ-léc, việc cũng được thành công. Chỉ có điều,
cụ Tiên Chỉ qui tiên đươc sáu năm thì sự thành công mới
trọn vẹn. Mả cụ rất là to, được đặt nằm ngay giữa trung
tâm của làng, mặc cho các thày phong thủy can ngăn, bảo rằng
như thế là nhiều ám khí, âm đè dương, không có hậu, dễ
bị tuyệt tự.

Với những công tích lừng lẫy huy hoàng như thế, gia tộc
Côm-mu-nit chiếm trọn quyền cai trị dân làng, đa phần dân
làng ai cũng lấy thế làm phải, mặc dù đứng ngoài nhìn vào
với con mắt khách quan thì như vậy không hẳn là hoàn toàn
tốt. Một số không nhỏ người dân không chịu được sự
thể này, đã phải bỏ làng ra đi.

<center>* * *</center>

Hình như ông Côm-mu-nit đờ Pát-ty có số thân cư thê. Từ ngày
làng xóm sạch bóng ngoại thôn, ông càng ngày càng sợ vợ. Mụ
Sô-xơ-lim lúc chiến tranh khốn khó thì còn nể sợ chồng,
nhưng từ ngày đại nghiệp thành công, mụ càng ngày càng lên
mặt lấn át chồng con, hoạnh họe bà con xóm làng, họ mạc.
Giống đàn bà có quyền hành, lại nắm vật chất trong tay thì
trong hàng triệu người may ra mới có một người nhân từ
vượng phu ích tử, mụ Sô-xơ-lim không nằm trong số những
trường hợp độc đắc ấy.

Hồi còn đánh nhau với dân các xứ khác, Sô-xơ-lim cũng giản
dị, gày gò, kham khổ như bao dân làng An-na-mit. Từ khi nghiệp
lớn của gia tộc đại thành, mụ càng ngày càng phổng phao,
mỡ màng, phốp pháp. Cùng với sự cải biến về thể chất,
cái máu ăn chơi, cái dâm tính bị kiềm chế lâu nay giờ
được dịp phát tiết. Sô-xơ-lim lấy làm buồn chán khi thấy
chồng mình, Côm-mu-nit sao mà quê kệch, không được oai phong
như lão Êm-pi-rô (Empiror). Mụ cũng rất khó chịu khi thấy gia
tộc nhà chồng đánh nhau tuy giỏi nhưng không được phong nhã
hào hoa như nhà Ca-pì-tốn (Capital).

Cái gì đến nó sẽ phải đến, mặc dù ngoài miệng thơn thớt
<em>"học và làm theo đạo đức tác phong của cụ Lếch"</em>,
Sô-xơ-lim dần dần lấn sâu vào con đường ăn chơi trụy lạc.
Kết quả của những cuộc tình trác táng ấy là những đứa
con hoang. Với lão Êm-pi-rô, Sô-xơ-lim cho ra một đứa con, dân
làng quen gọi là thằng Quan Liêu. Với gã Ca-pì-tốn, mụ cho ra
một đứa con khác, dân làng quen gọi là con Tham Nhũng. Chưa
dừng lại ở đó, mụ Sô-xơ-lim Gâu-vờ-mần còn nhăng nhít
với cả đám lưu manh trộm cướp, kết cục, mụ đẻ ra mấy
đứa liền, dân làng quen gọi là lũ Cơ Hội.

Cái đám con hoang này càng lớn khôn lại càng ra oai tác quái,
vì quyền lợi cá nhân chúng hung hoăng không từ một thủ
đoạn nào, sẵn sàng hãm hại bất cứ ai chống lại chúng, dù
là anh em trong nhà hay đồng tộc. Chúng còn bán cả tài nguyên,
đất đai với cái giá rẻ mạt cho người Chai-nơ. Dân làng
An-na-mit kêu ca nhiều lắm, ngay cả một số trưởng lão trong
tộc Côm-mu-nit cũng không nhịn được, phải lên tiếng cảnh
tỉnh phê bình. Tuy nhiên, cái đám con hoang kia, dù hung hoăng hãm
hại làng xóm anh em nhưng chúng lại rất khéo nịnh ông
Côm-mu-nit, thành ra ông quý chúng lắm, coi đó mới là nhà có
phúc. Tất nhiên, tất cả những ai chê bai, phê bình cái đám
con hoang ấy, ông Côm-mu-nit và bà Sô-xơ-lim đều cho là ghen ăn
tức ở, thậm chí có người còn bị ông khép vào tội "phản
động" và trừng trị thẳng tay.

<center>* * *</center>

Theo chủ thuyết được cho là <em>"đỉnh cao trí tuệ"</em> của
Mã Các Tư và Lý Ninh, dân làng An-na-mit mấy chục năm nay làm
ăn theo lối tập thể hóa, tất cả của cải đều là của
chung. Cụ tiên chỉ Lếch có trồng một cái cây gọi là giống
đào tiên Hạnh Phúc Tập Thể. Ăn loại quả đào này, con
người ta luôn luôn có tinh thần trẻ trung, vui tươi, phấn
khởi, chăm chăm nghĩ đến việc chung hơn là việc riêng, coi ăn
đói mặc rét đi vác tù và hàng tổng mới là hạnh phúc tuyệt
vời. Có lẽ, một phần lớn nhờ vào tác dụng thần diệu
của loại đào tiên này, dân làng An-na-mit mới có thể chịu
đựng khó khăn gian khổ mà đoàn kết đánh thắng được
nhiều đám người ngoại thôn xâm nhập.

Sau ngày nghiệp lớn đại thành, xóm làng trọn vẹn. Khi đám
con hoang của mụ Sô-xơ-lim lớn khôn, chúng ma lanh đem cấy các
mầm cây khác lạ vào cây đào tiên thần diệu, rồi thì chúng
độc quyền hái những quả trên những cành cây ấy làm của
riêng, với lý lẽ <em>"cánh của tôi thì quả cũng của
tôi"</em>. Thế là, dân làng cứ ra sức chăm bón cho cái cây
Hạnh Phúc Tập Thể và lũ con hoang thì tha hồ mà hái quả
hưởng lộc riêng. Đám con hoang ngày càng phát phì ra, còn dân
làng An-na-mit thì ngày càng xiêu điêu khốn khó. Đói ăn vụng,
túng làm liều, trong làng đã xuất hiện những nhà có con trai
làm trộm cướp, nói cho oai là làm đại ca-bảo kê, con gái làm
đĩ, gọi lịch sự là làm cave, đào hát.

Việc đến thế, tất lẽ dĩ ngẫu là có sự phản ứng mãnh
liệt. Tờ-rú (Truth), người con mang đúng dòng máu của lão
Côm-mu-nit, đã nhiều năm chinh chiến cùng cha ông tạo dựng cơ
nghiệp, phản ứng mạnh nhất. Kết cục, cha nó phán rằng
<em>"mày hay cãi như thế thì không phải là con tao, con tao không
mất tư tưởng lập trường như thế"</em>. Bị kỳ thị, bị
đuổi đi, bị cha mẹ và đám em cùng mẹ khác cha trù dập tàn
tệ cho đến nơi đến chốn, nhà Tờ-rú lâm cảnh khốn khó,
con cái vì thế mà ngày càng suy thoái yếu ớt chết dần chết
mòn.

Để giảm bớt phản ứng của dân làng, vợ chồng nhà
Côm-mu-nit và Sô-xơ-lim nghĩ ra cách khoán, chia cây Hạnh Phúc ra
làm nhiều phần cho từng nhóm dân chăm sóc. Nhưng tình hình
vẫn không được ổn, dân làng vẫn chưa thoát cảnh thiếu
đói, túng quẫn. Đến gần đây, theo sự sắp đặt của lũ con
hoang và cũng là <em>"học theo Chai-nơ"</em>, cây Hạnh Phúc Tập
Thể được cổ phần hóa. Tuy nhiên, vì các cành cây to đều
từ các mầm lạ mà đám con hoang đã cấy vào, cho nên, chúng
nhận hết các cành ấy. Dân làng không có cành cây nào, đành
trở thành nô lệ làm thuê, thật chả khác gì sự tan rã của
công xã nguyên thủy ngày trước.

Quyền lãnh đạo, chỉ huy làng An-na-mit lần lần lọt vào tay
đám con hoang Quan Liêu - Tham Nhũng - Cơ Hội, danh nghĩa là con
nhà Côm-mu-nit nhưng thực chất chúng hoàn toàn không mang nguồn
gien và dòng máu Côm-mu-nit. Dân làng, ai có nhận thức được
bản chất sự việc, chỉ ra, nói ra sự thật tàn nhẫn trớ
trêu, ngay lập tức bị khép tội <em>"phá hoại, phản
động"</em>. Một số trưởng lão của gia tộc Côm-mu-nit uất
ức quá, không chịu được, phản đối ầm ầm. Nhưng các cụ
vừa lên tiếng đã bị chê trách <em>"già cả, lẫn cẫn, nhạt
phai lý tưởng, mắc mưu diễn biến hòa bình"</em>. Việc làng,
việc họ, vì thế, ngày một thêm bí bết.

<center>* * *</center>

Tình hình làng xóm ngày càng nhộn nhạo, cướp giết hiếp ngày
càng nhiều. Gần đây, cho dù các nhà trường đều kẻ khẩu
hiệu to đùng, học từ Chai-nơ, rằng "tiên học lễ, hậu học
văn" nhưng trong làng đã xuất hiện những vụ việc xưa nay
hiếm, con giết cha, cháu giết bà, cha ruột cưỡng hiếp con gái
mang thai nhiều lần ... Quĩ làng ngày càng teo tóp bởi những
việc như đóng tàu to, xây đình lớn, tổ chức lễ hội hoành
tráng ngàn năm ... những việc mà lợi chung quá ít, lợi riêng
cực nhiều. Chênh lệch giàu nghèo trong làng ngày một gia tăng.
Lại thêm ngày càng nhiều dân làng bị sai nha bắt giam, bị
công sai đánh chết vì không chịu cam tâm làm nô lệ cho đám
Quan Liêu - Tham Nhũng - Cơ Hội, không chịu phòi tiền hối lộ
những kẻ có quyền.

Nhưng, bởi cái sự quen với quyền hành độc tôn, nghiện lợi
ích toàn trị, lại thêm đám con hoang Quan Liêu - Tham Nhũng - Cơ
Hội thao túng, gia tộc Côm-mu-nit không sửa được thói quen
bảo thủ độc đoán. Lão Côm-mu-nit già yếu lại sợ chết,
không dám cải đổi thói hư tật xấu. Thành ra, những sự tai
quái, tàn tệ trong làng, trong họ vì thế mà không tài nào sửa
chữa được. Uy tín của gia tộc Côm-mu-nit ngày càng giảm. Dân
làng ngày càng nói nhiều, nghĩ nhiều đến một gia tộc khác,
có tên là Đê-mô-cra-tích (Democratic).

Rồi thì, thời thế đổi thay, xu hướng văn minh dân chủ
thắng thế. Đám chức sắc bên làng Chai-nơ, chỗ dựa vững
chắc của vợ chồng lão Côm-mu-nit và đám con hoang, bị dân
Ơ-rô-pa, dân Phờ-lâu-phờ-léc, dân Già-pản xúm vào đánh
bại. Ở làng An-na-mit, dân làng cũng ủng hộ gia tộc
Đề-mô-cra-tích, đánh đổ lão Côm-mu-nít, mụ Sô-xơ-lim cùng
đám con hoang Quan Liêu - Tham Nhũng - Cơ Hội. Điều đáng nói là
việc này nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của không ít
thành viên trong gia tộc Côm-mu-nít.

<center>* * *</center>

Trên đường chạy loạn, hai vợ chồng Côm-mu-nit và Sô-xơ-lim
ghé nghỉ tạm trong một ngôi chùa. Lão Côm-mu-nít vì tuổi cao
sức yếu, lại thêm mấy năm gần đây ăn chơi trác táng trụy
lạc, bị lên cơn đau tim nguy kịch. Cảm thấy mình khó qua
khỏi, lão cầm tay vợ mà rằng:

- <em>Giờ phút tử biệt sinh ly, âm dương cách trở của đôi ta
sắp đến gần rồi, bà hãy nói thật cho tôi biết, hồi
trước, lúc chiến tranh khốn khó, bà ăn nằm với ai mà đẻ ra
thằng Tờ-rú vậy?</em>

- Đến nước này thì tôi cũng xin nói thật với ông - Mụ
Sô-xơ-lim sụt sùi trong nước mắt - Chỉ có thằng Tờ-rú mới
đích thực là con ông thôi!

- <em>Bà có nói đùa không đấy?!</em> - Lão Côm-mu-nit giật
mình, hoảng hốt, cố dồn sức hơi tàn hỏi lại.

- Tôi không đùa đâu - Mụ Sô-xơ-lim xúc động trả lời - Ông
xem, thằng Tờ-rú thẳng tính, thô kệch giống ông như đúc.
Quê mùa, chất phác, bôn sệt như ông làm sao tạo ra được nét
oai phong như thằng Quan Liêu, làm sao tạo ra được tính phong
nhã hào hoa như con Tham Nhũng, làm sao tạo ra sự giảo hoạt, ma
lanh như mấy đứa Cơ Hội, Hãnh Tiến, Bon Say!

Nghe đến đây, lão Côm-mu-nit hét lên một tiếng <em>"Trời hỡi
trời!"</em>. Rồi thì, máu từ miệng, từ mũi lão tuôn ra ồng
ộc trong khi mắt lão vẫn mở trừng trừng. Mụ Sô-xơ-lim
hoảng sợ lay gọi mãi nhưng không thấy chồng trả lời và
cũng không thấy chồng mụ thở nữa, lão đã chết.

Lão Côm-mu-nit chết không nhắm được mắt không phải vì cơ
nghiệp đổ vỡ hay là bị vợ lừa, ngoại tình bấy nhiêu năm,
những sự ấy nhiều người bị. Lão chết trong uất ức là vì
tiếng là nắm được bí kíp <em>"đỉnh cao trí tuệ loài
người"</em> nhưng đã không minh mẫn nhìn ra đâu là dòng máu
thật của mình, đâu là con hoang giả hiệu. Để đến nỗi,
phút cuối đời, sắp lìa trần mới nhận ra cả một đời oai
hùng mà tuyệt tự, đau đớn vô cùng khi chính bản thân lão
đã ra tay tiêu diệt cháu con đích thực của mình, tạo nên sự
tuyệt tự ấy.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7325), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét