Đào Tuấn - Không thể thấy sự thật nào là đưa sự thật đó

<em>Trong số những thông tin mà Wikileaks nói sẽ tung lên mạng,
có tới 31 ngàn trang tài liệu liên quan đến Việt Nam. Điều
gì sẽ xảy ra khi các cơ quan báo chí có được chúng và những
thông tin này được đăng tải trên blog có được coi là hợp
pháp? Dưới đây là cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Đức Dũng,
một giáo sư Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nơi đào tạo
hầu hết các nhà báo trong cả nước.</em>

<em><strong>PV:</strong> Thưa ông, thế giới đang được chứng
kiến vụ lộ thông tin mật lớn nhất từ trước đến nay. Ông
bình luận gì về quan điểm khi đưa các thông tin đặc biệt
nhạy cảm này của wikileaks, rằng họ "muốn thế giới văn minh
hơn" và chống lại "những tổ chức lợi dụng tính chất bí
mật của công việc của họ để che giấu những hành vi không
đúng đắn"?</em>

- <strong>PGS.TS Nguyễn Đức Dũng:</strong> Đúng là thế giới
ngoại giao đang rung chuyển vì vụ này, những thông mà trang
WikiLeaks đưa ra sẽ ảnh hướng và có thể chấn động đến
mối quan hệ giữa Mỹ và các nước khác trên thế giới ngay
cả những đồng minh của Mỹ. Vụ việc này còn tiếp diễn
nên chúng ta chưa thể hình dung hết được những hậu quả có
thể gây ra. Trong bối cảnh thế giới phẳng như hiện nay, rõ
ràng việc ngăn chặn thông tin là rất khó khăn. Ở một khía
cạnh khác, việc bình đẳng và cung cấp thông tin cũng làm cho
thông tin trở nên minh bạch. Tuy nhiên nếu xét về phương diện
nội dung thì những thông tin cho dù là sự thật nhưng bao giờ
cũng nhìn nhận ở khía cạnh lợi ích. Nếu thông tin đó
đụng chạm vấn đề nhạy cảm thì cần thận trọng. Có
những thông tin lan tràn trên mạng, nhưng cũng có những thông
tin có thể gây đổ vỡ, thậm chí chiến tranh. Vì vậy trong
đời sống bao giờ cũng có những sự thật nếu công bố sẽ
gây ra bất lợi, không những bất lợi với những người cần
che đậy, mà những người đàng hoàng cũng bị ảnh hưởng. Do
đó, tôi cho rằng việc công bố thông tin mật với lý do để
thế giới văn minh hơn, muốn cho những tổ chức phi chính phủ
công khai hoạt động của họ để che giấu những hành vi không
đúng đắn, thì chưa hẳn đã đúng. Vì trong đời sống của
con người, cũng đã có những bí mật, chỉ cần 1 người
biết. Mỗi quốc gia cũng cần giữ những thông tin bí mật của
mình. Nếu cung cấp thông tin vô chính phủ tràn lan thì tác hại
là chủ yếu

<em>Về khía cạnh đạo đức, các nhà báo có một nghĩa vụ
tối thượng là đưa đến công chúng sự thật. Các nhà báo
sẽ phải xử lý sao đối với những thông tin, dù là sự thật
nhưng đã được liệt vào danh mục tài liệu mật?</em>

- Chúng ta đã biết khi đã được liệt vào tài liệu bí mật,
chẳng may những bí mật này bị rò rỉ thì nó có 2 mặt dưới
góc độ báo chí: Đấy là cơ hội để cho nhà báo phanh phui
những sự thật. Nhưng điều thứ 2, quan trọng hơn, nếu không
cẩn thận thì chính những tài liệu đó là con dao 2 lưỡi
đẩy người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nếu xét
về khía cạnh đạo đức thì tôi nghĩ bất kỳ người làm báo
nào cũng phải luôn luôn hành xử trên những kiến thức nghiệp
vụ và đạo đức. Những thông tin sự thật mà ảnh hưorng
cuộc sống người khác thì không nên đưa. Các tổ chức, các
quốc gia có luật của họ, khi anh đụng chạm đến tài liệu
mật thì về mặt về nghề nghiệp anh đã vi phạm luật pháp.
Như vậy, không những riêng về khía cạnh nghiệp vụ, mà về
khía cạnh đạo đức nhà báo cũng cần phải cẩn trọng với
tài liệu mật.

<em>Theo ông, một nhà báo cần phải giải quyết thế nào khi
đứng trước sự lựa chọn phục vụ công chúng bằng cách
công bố sự thật và trách nhiệm của một công dân trước
những tổn hại mà sự thật đó có thể gây ra?</em>

Rõ ràng, nhà báo cũng là một công dân. Cái tôi của nhà báo
cũng là cái tôi của một công dân. Là một nhà báo bao giờ
cũng phải chịu trách nhiệm, và lường được trách nhiệm
trước những hậu quả thông tin mà mình gây ra, một thông tin
có thể tác tác dụng tích cực hoặc tiêu cực. Chẳng hạn như
trước đây, có những thông tin ăn bưởi bị ung thư, hay bí
mật thông tin xung quanh đồng tiền Polimer, thì nó cũng động
chạm quyền lợi quốc gia. Đồng tiền vừa in ra, mà báo chí
cứ phanh phui, chê là nhược điểm này nọ thì ảnh hưởng
lớn tới nền kinh tế, hoạt động tiền tệ của nước ta.
Rồi Thủ tướng có quyết định dừng đưa tin, thì nếu báo
nào đưa tin thì bị đình chỉ hoạt động thì nhà báo không
thể viện lý do: tôi vì lý do sự thật mà cứ đưa tin. Những
thông tin đó có hậu quả rất lớn cho đất nước, nhà báo
phải đứng trên lập trường chính trị nữa. Không thể thấy
sự thật nào là đưa sự thật đó.

<em>Người sáng lập wikileaks là Assange đã gửi những tài liệu
này tới 5 cơ quan truyền thông có ảnh hưởng lớn ở Mỹ và
Châu Âu và ở mức độ nào đó, những tờ báo lớn đã đăng
tải các thông tin. Nếu là TBT một tờ báo VN khi nhận được
những tài liệu này, thì ông sẽ hành xử ra sao và vì sao?</em>

- Những thông tin Wikileaks đưa đến, nếu là tôi, tôi không
đăng tin bởi nó có thể ảnh hưởng tới nỗ lực ngoại giao
của nước ta. Chẳng hạn như ông Obama đang hàn gắn quan hệ
với Nga, thì một vài lời chỉ trích mối quan hệ với Putin
thì ắt sẽ phá vỡ mối quan hệ này. Bất kỳ một TBT nào
cũng nhận ra được điều này và họ sẽ không đăng.

<em>Báo chí công dân ở VN đã phát triển khá mạnh mẽ qua hình
thức blog cá nhân và gần đây bắt đầu đã có những vụ
việc liên quan đến trách nhiệm của "nhà báo công dân". Về
lý thuyết thì công dân có quyền công bố thông tin và chịu
trách nhiệm về tính chính xác của thông tin như những nhà báo
chuyên nghiệp? Vụ wikileaks liệu có ảnh hưởng lớn tới mô
hình báo chí công dân, đặc biệt là ở Việt Nam?</em>

- Về lý thuyết công dân có quyền được công bố thông tin.
Nhưng ở nước ta không thừa nhận thuật ngữ báo chí công
dân. Luật báo chí nói báo chí là tiếng nói của các tổ
chức của đảng, diễn đàn của nhân dân. Chúng ta không có
báo chí tư nhân và tiếp tục được khẳng định, chúng ta có
những lý do riêng để duy trì quan điểm này. Blog không phải
là diễn đàn hợp pháp.

Trước có 1 số người muốn nhấn mạnh, báo chí phải nhận
diện báo chí công dân, nhưng chúng ta không như thế, chúng ta
không có báo chí tư nhân, Blog cá nhân không là 1 tờ báo

Tuy nhiên cũng nói, blog cũng có tác dụng là nhiều người
đọc. Nên nếu anh ghi cảm xúc của anh thì không sao, nhưng khi
anh tung lên mạng, có nghĩa là anh xã hội hóa nó. Nếu anh bình
phẩm người này, người kia thậm chí lợi dụng cái này nói
cái khác kinh doanh bất hợp pháp, thì những hành vi đó đã
lợi dụng hành vi này vi phạm luật pháp. Anh sẽ phải chịu
sự quản lý và đối mặt với luật pháp. Về nguyên tắc mà
nói, thì anh có thể cung cấp thông tin của anh, đảm bảo
nguồn tin, nhưng thông tin ngụy tạo, nhặt nhạnh, làm không
lành mạnh, chửi bới thì không được. Vì nó làm hỗn loạn.
Nếu xem blog là báo chí thì chúng ta đang làm tầm thường nền
báo chí của nước ta. Vì vậy, các cá nhân đưa ra những thông
tin vu khống, thì họ đối mặt với luật pháp là điều
đương nhiên.

<em>Xin cám ơn ông!</em>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7215), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét