Đỗ Trung Quân - Phản biện xã hội

<strong>Đỗ Trung Quân:</strong> Kỳ này ta bàn về Phản biện xã
hội, một đề tài được coi là hot trong tuần qua, nhân sự
kiện bauxite Tây Nguyên.

Bà con biết rồi đó, chiều ngày 27.10 vừa rồi, trên báo
điện tử Vietnamnet có cuộc tranh luận trực tuyến giữa đại
diện bộ Tài nguyên – Môi trường, chủ đầu tư với các
chuyên gia, các nhà văn hoá… về chủ đề: Nên tiếp tục khai
thác hay dừng dự án bô-xít Tây Nguyên. Cuộc tranh luận có sự
tham gia của khán giả với rất nhiều loại chính kiến đã
diễn ra rất sôi nổi. Gần đây báo điện tử Dân trí đã mở
các cuộc trưng cầu dân ý về bauxite ở Tây Nguyên, về Đại
lễ Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội… với sự tham gia đông
đảo của bạn đọc. Những sáng kiến như thế này cho thấy
phản biện và dư luận xã hội đã thực sự được coi trọng.

Để tránh phải nói dài, tôi xin đưa ra câu hỏi thứ nhất:

Quan niệm của các bác về phản biện xã hội, ý nghĩa và tác
dụng của nó.

<strong>Nguyễn Minh Sơn:</strong> Phản biện là hành vi xác định
tính khoa học của hành động con người. Chính vì vậy phản
biện xã hội là một hoạt động nhằm tìm sự đồng thuận
một cách khoa học. Phản biện xã hội thực sự cần thiết
trong một xã hội văn minh. Nó tránh những sai lầm chủ quan,
điều hòa các nhóm lợi ích xã hội, điều chỉnh các khuynh
hướng chính trị, kinh tế, văn hóa gần với đời sống con
người hơn. Thông qua phản biện, các nhóm lợi ích có thể
đạt được thỏa hiệp cho một hành động khả dĩ chấp nhận
được. Một xã hội không chấp nhận phản biện là một xã
hội tăm tối, lợi ích không được san sẻ cho cộng đồng mà
chỉ dồn vào tay một nhóm nhỏ.


<strong>Nguyễn Quang Lập:</strong> Tôi nhất trí với ý kiến của
Sơn. Mục đích của phản biện là tìm kiếm sự đồng thuận.
Vì thế hiển nhiên phản biện xã hội phải được tồn tại.
Những ai sợ phản biện, ghét phản biện, cho rằng phản biện
là chống đối, và tìm cách cản trở nó thì quả thật là sai
lầm. Nếu họ cứ khư khư giữ quan niệm đó thì chính họ sẽ
không tồn tại trong xã hội công dân.

<strong>Võ Đắc Danh:</strong> Bọ Lập nói đúng. Tôi xin trích
một đoạn trong bút kí "Canh bạc" của tôi: "Một xã hội
luôn luôn thiếu sự phản biện nên người ta dễ nhầm lẫn
giữa khái niệm phản biện và phản động, giữa phản đối
và chống đối. Người cầm bút khác với con két là ở chỗ
biết nói thay tiếng nói phản biện của người dân trước
những quyết sách đi ngược lại với quyền lợi và nguyện
vọng của họ."

<strong>Hồ Trung Tú:</strong> Thời xưa, vua quyền hành như ông
trời mà cũng đặt ra chức gián quan và có luật để bảo vệ
những người này. Không cho phản biện, không nghe phản biện
thì độc tài mới làm vậy chứ ai làm! Đơn giản là vì
người có tài bao nhiêu đi nữa thì cũng không thể biết hết
mọi chuyện, làm đúng mọi chuyện được. Với hiện nay có
nhiều điều tế nhị không hẳn là không cho phản biện nhưng
không thể nghe phản biện. Thông cảm đi.

<strong>Nguyễn Trọng Tín:</strong> Trong một gia đình, nếu chỉ
có một người nói, dù người đó có vai trò quan trọng nhất,
và mọi người còn lại chỉ có nghe và làm theo, thì thử hỏi
đó có còn là một gia đình đúng nghĩa của nó không? Người
ta có còn thấy mình thật sự đang sống, đang là con người
trong một gia đình như thế không? Theo tôi là không. Ở trong
một gia đình đã như thế thì trong một đất nước, một xã
hội, một cộng đồng sống của con người, sự phản biện xã
hội còn cần thiết hơn. Nếu không thì nó không giống với xã
hội loài người.

<strong>Đỗ Trung Quân:</strong> Ý bác Tín giản dị nhưng rất
sâu sắc, tôi rất đồng tình. Phản biện không phải là
"bất tuân thượng lệnh" mà là đặt lại một vấn đề khi
nó chưa đủ thuyết phục. Giờ "trần thuyết" của học sinh
cấp 2 ngày xưa là giờ luyện tập trình bày vấn đề và lắng
nghe phản biện từ người nghe. Ngay từ khi đi học ta đã bắt
đầu làm quen với phản biện rồi.

Cảm ơn các bác, bây giờ ta sang câu thứ hai:

Những ngộ nhận về phản biện xã hội?

<strong>Hồ Trung Tú:</strong> Ngộ nhận lớn nhất là chụp cho
phản biện những cái mũ về lòng yêu nước, về thù địch,
phản động…

<strong>Nguyễn Minh Sơn:</strong> Tôi thấy không có sự ngộ nhận
nào về phản biện xã hội cả. Chỉ có những thể chế có
đặc điểm riêng biệt không chấp nhận phản biện xã hội mà
thôi.

<strong>Võ Đắc Danh:</strong> Tôi nhất trí với chú Sơn và bác
Tín. Xin bổ sung thế này, đôi khi chỉ vì ích kỉ, vì lợi
lộc riêng nên người ta qui kết cho phản biện nhiều tội rất
nguy hiểm. Ở xã hội nào cũng có những "ngộ nhận" kiểu
này. Tôi để hai chữ ngộ nhận trong ngoặc kép để nói thực
ra chẳng ai ngộ nhận cả.

<strong>Nguyễn Trọng Tín:</strong> Chỉ có kẻ ngông cuồng tự
phụ mới muốn chỉ một mình nói, chỉ huy, coi mình là chân
lý, buộc mọi người chỉ nghe và lệ thuộc. Họ không ngộ
nhận đâu, họ chỉ muốn cai trị, muốn đứng trên hết thảy
mọi người.

<strong>Nguyễn Quang Lập:</strong> Tôi thấy các bác nói không sai
nhưng có vẻ hơi cực đoan. Kì thực có những ngộ nhận về
phản biện thật. Một khi người ta quá tin tưởng về điều
người ta đang làm, đâm ra họ nghi ngờ mục đích của các
phản biện, từ đó cho rằng đó không phải là phản biện,
đó là chống đối. Chuyện này ở đâu cũng có. Nếu tôi nghi
ngờ lòng tốt của ai đó thì mọi góp ý của họ thường bị
tôi cho là chơi đểu, là xỏ lá, là xuýt chó vô bụi v.v. Bản
thân cá nhân mỗi người nhiều khi cũng bị ngộ nhận, đừng
nói là toàn xã hội.

<strong>Đỗ Trung Quân:</strong> Các bác nói hay lắm. Phản biện
khác hẳn ngụy biện, càng khác hẳn thói chụp mũ "không
được chê con tao xấu" dù có khi "con tao" nó thiểu năng
thật sự. Nói thế cho dễ hiểu. Tôi cũng nhất trí với bọ
Lập, không phải sự chống đối phản biện nào cũng đều bị
qui là độc tài cả.

Câu hỏi cuối cùng:

Muốn có phản biện xã hội tốt cần có những điều kiện
gì?

<strong>Nguyễn Minh Sơn:</strong> Muốn phản biện xã hội tốt
phải chuẩn bị tư duy phản biện ngay từ trong nhà trường.
Hệ thống giáo dục của Anh xem tư duy phản biện như một bộ
môn chính quy đối với học sinh trong độ tuổi trên 16. Dưới
độ tuổi nói trên, tư duy phản biện được dạy xen kẽ qua
các bài giảng. Một xã hội muốn phát triển thì phải phát
triển tầng lớp trung lưu. Ở Việt Nam tầng lớp trung lưu là
tầng lớp trí thức. Chính họ đã được trang bị kiến thức,
tư duy phản biện, tự tin vượt qua tâm lý thụ động trong lề
lối suy nghĩ do hoàn cảnh xã hội đem lại để góp phần xây
dựng những hành động, khuynh hướng chưa hẳn là chân lý
nhưng đúng đắn hơn cho các nhóm lợi ích khác nhau. Tôi cũng
cần phải nói thêm rằng hệ thống giáo dục Việt Nam thừa
hưởng kéo dài giáo dục khoa bảng nên những con người được
đào tạo ra thiếu tính phản biện. Thậm chí phản biện
được coi là "phạm húy". Chúng ta hoàn toàn chưa quen cách
làm việc nhóm như phương Tây, không biết chấp nhận người
khác, ý kiến khác, không thừa nhận phản hành động… nên
phản biện thường bị quy kết là hành vi "phá đám".

<strong>Võ Đắc Danh:</strong> Tôi nghĩ thông tin minh bạch, minh
bạch thông tin, công khai, dân chủ, v.v. chính là mảnh đất
tốt nhất cho phản biện. Chẳng phải tôi nghĩ vậy đâu, ai
cũng nghĩ vậy thôi.

<strong>Hồ Trung Tú:</strong> Như bác Kwan nói, cần phải tạo
dựng thái độ phản biện, học cách tranh luận ngay ở trong
trường học. Ở xã hội thì quan trọng nhất là dân chủ. Khái
niệm này nói hổng ai sợ, thế nhưng nếu nói đến dân chủ
thể hiện trong tự do báo chí thì lại có vấn đề. Tui nghĩ,
nếu báo chí được tự do nêu quan điểm thì mỗi báo sẽ có
một quan điểm riêng và từ đó xã hội sẽ có sự cân bằng,
ai cũng được quyền nói qua nói lại, ý kiến nào cũng được
phát biểu. Ví dụ chuyện bauxite, có báo phản đối thì cũng
có báo bảo rằng nên cần làm. Bưng bít không cho các ý kiến
được trình bày sẽ tạo nên sự ngột ngạt không đáng có.
Và đó mới là điều kiện để phản biện phát triển tốt
nhất.

<strong>Nguyễn Trọng Tín:</strong> Tôi nghĩ chẳng cần điều
kiện gì cao siêu, chỉ cần tổ chức một xã hội có thiết
chế dân chủ, thông qua một qui ước duy nhất là một bản
hiến pháp được mọi người trong xã hội đó cùng chấp nhận
vì thấy mình được sống cho mình và cho người khác một cách
đầy đủ nhân phẩm.

<strong>Nguyễn Quang Lập:</strong> Bravo bác Tín. Tuy nhiên tôi lại
nghĩ quá trình nên đi ngược lại thì hay hơn, đầu tiên chấp
nhận phản biện, dần dần ta tiến tới một hiến pháp sao cho
phản biện có đất sống và phản triết, khi đó ta thực sự
xây dựng một xã hội có dân chủ. Chẳng biết tôi có không
tưởng quá không nhưng ở ta con đường đi có lẽ như vậy thì
thuận hơn.

<strong>Đỗ Trung Quân:</strong> Nhất trí với các bác. Tôi xin
bổ sung thêm một ý nhỏ: Phản biện cần minh bạch từ trích
nguồn nếu có. Không nên nặc danh trong phản biện. Tính chính
danh là thái độ ngay ngắn khi phản biện một vấn đề.Tầm
của vấn đề càng quan trọng càng phải chính danh trong phản
biện. Cảm ơn các bác đã tham gia rất xôm trò.

<em>Đỗ Trung Quân</em>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/6950), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét