Mr. Dâu Tây - Một Việt Nam thật sự

Thường tôi không thích những câu hỏi kết thúc bằng chữ
"nhất." Tôi đanh đá vậy.

Anh Joe thích món gì nhất? Anh Joe ở Việt Nam thích nơi nào
nhất? Tôi hiểu đó là những câu hỏi vui vẻ, nhẹ nhàng, thể
hiện sự quan tâm. Nhưng rất tiếc, não tôi không chấm điểm
một cách chính xác được. Bún chả là 7.61, Hội An là
8.64…Với tôi, việc chọn "thích" hay "không thích" đã
là khó rồi (tôi có thích lấy vợ Việt Nam hay không?), chứ
nói gì đến việc chọn một ứng cử viên thích nhất.

Nhưng hôm trước một phóng viên hỏi tôi một câu hết sức là
"nhất" – và tôi có một câu trả lời hết sức chính xác.
Câu hỏi là "Anh thấy cảnh nào ở Việt Nam là đẹp nhất".
Bình thường tôi sẽ cựa quậy trên ghế, thở dài. Một câu
hỏi khiến quái vật trong đầu tôi mở mắt, thức dậy. Tôi
càng già (hoặc càng ế) càng muốn trả lời những câu hỏi
đó theo cách của đạo diễn Lê Hoàng: trả lời bằng cách
đặt câu hỏi về câu hỏi. "Tôi hỏi lại em câu đó em có
trả lời ngay được không?", chẳng hạn. Hoặc, "Xin lỗi,
đây là bài phỏng vấn hay là bài thi cấp một?"

Một số phóng viên cứ gặp Tây là "Anh thích … chấm chấm
chấm… nhất?". Gặp Mỹ Linh sẽ không hỏi "Chị thích bài
hát nào nhất", gặp Lê Hoàng sẽ không hỏi "Anh thích phim
nào nhất?" Nhưng cứ Tây là thích món gì nhất, thích nơi nào
nhất, có kinh nghiệm nào là thú vị nhất, vui nhất, hay nhất?
Vâng, để tôi mở file excel trong não xem sao. Một câu hỏi hết
sức "lười" cũng như các câu hỏi kết thúc bằng "cảm
thấy thế nào" mà MC truyền hình hay hỏi khách mời ("Dạ,
em cảm thấy vui, chị ạ!")

Đó là bình thường. Nhưng lần này tôi chưa kịp thở dài thì
một hình ảnh rõ ràng xuất hiện trong đầu tôi. Tôi trả lời
ngay: "Cảnh đẹp nhất ở Việt Nam là cảnh các trẻ em ở
vùng xa mặc đồng phục trên đường đi học." Từ trước
đến giờ, đó vẫn là cảnh đẹp nhất.

Một trong rất ít lần tôi trả lời một câu hỏi "nhất"
mà không bịa ra một nội dung phù hợp cho xong.

<div class="boxleft200"><img
src="http://danluan.org/files/u1/538904_827320_a.jpg" width="180"
height="258" alt="538904_827320_a.jpg" /><div class="textholder">Photo: Dzung
Viet Le</div></div>
Tôi tự hỏi mình vì sao tôi thấy cảnh đó là đẹp nhất –
mà vì sao tôi trả lời phóng viên ấy một cách tự tin, không
sợ sến. Chắc do cảnh đó gồm nhiều vẻ đẹp thuộc nhiều
lĩnh vực, nếu một khái niệm lãng mạn như "vẻ đẹp" có
thể bị chia cắt theo một khái niệm khoa hoặc như "lĩnh
vực": tuổi trẻ, thiên nhiên, niềm hy vọng. Việc học hỏi,
tính ngoan ngoãn, khả năng vượt qua…Mỗi khi tôi cùng người
bạn cũ của tôi là chiếc xe Minsk lang thang ở vùng núi, thoáng
thấy cảnh các em mặc đồng phục, đeo cặp sách, đẩy xe
đạp lên dốc vì không đạp được…là chúng tôi thấy phê
phê, một vẻ đẹp trọn vẹn.

Đó là Việt Nam thật.

Tôi quên hết các cảnh nữ sinh đánh nhau dạo này hay xuất
hiện trên mạng. Nữ sinh đánh nhau chỉ là Việt Nam online.
Việt Nam online xa Việt Nam thật. Xa thật và thật xa. Cướp,
giết, hiếp, lộ hàng, hành hạ, đấm đá, các bệnh lãnh cảm,
ác cảm, thiếu thiện cảm… mà Lại Văn Sâm dịch sai, ôi
thật là kinh khủng, THẬT LÀ KINH KHỦNG!

Nhìn các em lên đường đi học là tôi vừa quên cảnh xấu
vừa nhớ cảnh đẹp – cảnh tuổi thơ ấu. Hồi nhỏ tôi cũng
đi bộ lên trường. Đường cũng có dốc và tôi cũng phải
xuống xe đạp, đẩy lên… Tôi cũng mặc quần xanh và áo
trắng, cũng hơi sợ cô giáo nhưng đồng thời lại cũng hơi
"yêu yêu". Chiều về tôi vừa đi đường vừa trò chuyện
cùng các bạn bè, có tiền là qua cửa hàng mua kẹo, không thì
nhịn. Tuổi ấu thơ của tôi là thế đấy, chỉ có điều tôi
không lần nào cầm ô che nắng cho các bạn gái trong lớp.

Có nhiều cảnh khác ở Việt Nam cũng đẹp, cũng đầy tính
nhân văn. Nhưng xa lạ. Tôi không nhận ra tôi trong các bà già
nhuộm răng đội nón. Răng tôi vẫn còn trắng (nói chung, răng
tôi vẫn còn), và theo tôi được biết, không kiếp trước nào
tôi là bà già đội nón.

Phải ở các em học sinh tôi mới nhận ra tôi.

Ở miền Bắc có một đoạn đường tuyệt đẹp xuất phát từ
Hồ Ba Bể ở Bắc Kạn, rồi xuống Bằng Lũng, Ao Sen, nối lại
với Quốc lộ 3 nơi có tượng một con chim đại bàng đậu
trên cao, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 20km. Cách đây mấy
tuần tôi đi đường này về Hà Nội (bơi ở Hồ Ba Bể sạch
lắm; bơi ở Vịnh Hạ Long có quá nhiều túi nylon bơi cùng).
Tôi thấy một mùa thu nhẹ nhàng, một Việt Nam chân thật –
và càng chân thật càng có giá trị, nếu một khái niệm nghệ
thuật như "chân thật" có thể đi song song với một khái
niệm kinh doanh như "giá trị".

Cánh đồng, mặc dù không bất tận (vùng núi mà) nhưng không
thể đẹp hơn. Trẻ em, mặc dù không giàu (vùng núi mà) nhưng
cũng không thể dễ thương hơn, ngoan, yêu học. Đây là Việt
Nam thật, tôi nói cho xe Minsk nghe. Kể cả các em hư cũng chỉ
hư kiểu ngoan.

Về Hà Nội tôi nhất quyết không mở laptop lên mạng. Tôi sợ
đánh mất cảm giác nhẹ người đó. Đúng lúc đó tôi đã
hiểu thế nào là Việt Nam thật, thế nào là Việt Nam ảo. Tôi
đã muốn giữ lại cách hiểu đó, sự tỉnh táo đó.

"Thôi cứ mở tôi đi, có gì đâu," laptop nhẹ nhàng nói. Tôi
bỗng thấy mình là thằng nghiện và laptop là nàng tiên nâu.
"Đọc các trang báo cũng vui chứ. Biết đâu mấy ngày vừa qua
có nhiều sự kiện thú vị xảy ra, anh phải biết chứ! Nào,
anh cứ bấm vào nút kia đi… đúng rồi, đúng như thế
đấy…"

<em>Joe</em>

<center><img src="http://danluan.org/files/u1/538914_6080619_n.jpg"
width="500" height="333" alt="538914_6080619_n.jpg" /></center>
<em>Photo: Vu Khanh Truong</em>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/7005), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét