Phạm Viết Đào - Chính trị không phải là công cụ độc quyền của Đảng cầm quyền hay của chính thể đương nhiệm! (kết)

Chỉ khi nhà văn nhận thức ra được "hàng lang" mà ngòi bút
của mình được phép tung hoành; vẫn xảy ra hiện tượng,
nhiều nhà văn với tài năng của ngọn bút, có khả năng lách,
với qua được cái hàng lang mà các định chế chính trị nào
đó đặt ra để bày tỏ, truyền tải được thái độ chính
trị của cá nhân mình.

Giống như một cầu thủ bóng đá: khi quả bóng đang trong
thế,tầm tranh chấp giữa 2 cầu thủ đối kháng (giữa nhà văn
và định chế chính trị đang tồn tại; khi trái bóng đang ở
trạng thái lơ lửng về quyền sở hữu, chưa xác định được
ai sẽ là chủ nhân ông của trái bóng), lúc đó người nào
nhanh chân chạm trúng bóng trước, trái bóng sẽ thuộc quyền
sở hữu của phía chạm bóng trước, luật pháp đứng về phía
anh ta…

Trước một vấn đề nào đó do cuộc sống đặt ra mà dư
luận đang phân vân, nếu nhà văn đụng bút vào được và
chứng minh được "cú vào bóng", chính kiến mà mình bày tỏ
là hợp lệ, trong khuôn khổ luật chơi của định chế chính
trị đương quyền cho phép, thì đương nhiên đường chuyền
tiếp theo của "trái bóng" sẽ thuộc thẩm quyền và sở
hữu của nhà văn, mang dấu ấn nhà văn…

Thuật ngữ nhà nghề bóng đá quan niệm rằng: ai vào, đá trúng
bóng trước mà không cản, chạm vào đối phương thì quyền
sở hữu trái bóng thuộc về anh. Bất cứ một thể chế chính
trị nào khi xây dựng hệ thống luật pháp, tức hệ thống
luật chơi trước hết để mang lại lợi ích cho bộ máy cầm
quyền, cho bản thân những kẻ trong guồng máy đó. Chỉ khi nhà
văn hiểu và nắm vững luật chơi thì anh vẫn có khả năng
giành được bóng để có thế sút vào cầu môn đối thủ.

Một tiền đạo muốn đá được bóng vào cầu môn đối
phương phải vượt được sự cản tranh của 11 cầu thủ đối
phương; Điều này khác gì các nhà văn, nếu muốn bằng tác
phẩm của mình nêu được một vấn đề nào là của mình và
bạn đọc quan tâm thì tất nhiên cũng phải vượt qua các rào
cản.

Cái "cầu môn" mà nhà văn sút "trái bóng-tác phẩm văn
học" vào đó là: sự tác động vào trái tim của xã hội,
thế giới bạn đọc, là định chế xã hội đương quyền.
Nếu như nhà văn đòi hỏi một thứ tự do tuyệt đối thì
khác gì một tiền đạo tài danh lại đi nhờ trọng tài phạt
thẻ đỏ, đuổi tất cầu thủ đối phương ra ngoài sân để
một mình một bóng nghều nghện dắt bóng đá vào cầu môn
đối phương. Nếu thế sao gọi là tài năng được!

Đã có lần tôi trò chuyện với nữ nhà thơ Romania Ana Blandiana,
bà là người bị cấm in thơ dưới thời ông Nicolae Ceausescu;
thế nhưng đó chính là thời kỳ bà viết được nhiều thơ và
thơ hay; thơ bà được thế giới biết đến là thơ viết trong
giai đoạn cộng sản. Còn hiện nay, đất nước Romania không
còn cộng sản, không còn chế độ kiểm duyệt, nhà văn muốn
viết, muốn in đâu thì in, thế nhưng khi tôi hỏi Ana Blandiana
bà đã viết và in được gì? Bà cho biết khi được trả lại
tự do thì gần như bà lại không sáng tác và xuất bản được
gì đáng giá mà quay ra viết văn xuôi…

Cũng giống như trong đại dương và trong rừng, thử hình dung
nếu không còn hổ dữ, nếu không còn cá mập; nếu chúng bị
săn bắt hết thì đại dương và rừng sẽ còn lại nhan nhan
những động vật ốm yếu, kém thể chất làm bá chủ đại
dương và rừng rậm?

Trong hoạt động sáng tạo văn học hiện nay, văn học cần
phải tránh các thái độ cực đoan: Coi chính trị là chính trị
văn học là văn học, anh đi đường anh và tôi đi đường tôi;
từ nhận thức này dẫn tới tuyệt đối hóa chính trị, tuyệt
đối hóa văn học. Thái độ cực đoan thứ 2 đó là đồng
nhất một tác phẩm văn học như một công trình, một sản
phẩm chính trị; do sự đồng nhất này nên đã có sự nhìn
nhận, đánh giá một tác phẩm văn học như một tác phẩm
chính trị. Trong kinh tế đã có khái niệm: Hình sự hóa các
quan hệ kinh tế; còn trong văn học thì cách nhìn nhận này dẫn
đến hành vi hành chính cực đoan: hình sự hóa quan hệ văn
chương…

Xin lấy ví dụ: Trong một tác phẩm văn học A,B,C… nào đó,
nhà văn có thể xây dựng nhân vật điển hình của mình là
một vị thủ tướng chẳng hạn. Bởi vì, một tác phẩm văn
học bao giờ cũng có nhân vật chính diện, phản diện. Do tài
năng của nhà văn, đã xây dựng nên được hình tượng một
thủ tướng rất tiêu cực, rất xấu xa mà hết thảy người
đọc đều căm ghét ông ta. Mặc dù, nhân vật thủ tướng này
không được mô tả xác định rõ thuộc thế chế nào, giai
đoạn cụ thể nào. Do vì tác phẩm bị xem xét, đánh giá như
là một sản phẩm chính trị, nên nó bị xếp chụp cho cái mũ
tuyên truyền chống và lật đổ nhà nước… Điều này đã
từng xảy ra. Vừa qua một hãng phim đã phải dừng một đề
án làm phim vì bộ phim xây dựng một nhân vật trung tâm là
thủ tướng; Bộ Văn hóa-Thông tin đã chính thức yêu cầu đơn
vị đầu tư không triển khai bộ phim này, mặc dù kịch bản
ghi rõ đây là nhân vật Thủ tướng của thế kỷ sau?

Hiện đang có sự nhẫm lẫn giữa khái niệm chính trị và khái
niệm chính trường. Bản thân nhà lý luận Lê Ngọc Trà trong
môt công trình nghiên cứu về mối liên hệ giữa văn học và
chính trị cũng có cách hiểu rất thô sơ về mối quan hệ
giữa văn học và chính trị. Xin trích một đoạn trong công
trình nghiên cứu trên của ông.

"<em>Chất văn khác chất chính trị. Nhà văn không phải là
chính khách. Nghệ sĩ mà đi hoạch định đường lối kinh tế -
xã hội thì phải coi chừng. Không phải ngẫu nhiên mà các
cương lĩnh chính trị của Balzac, Dostoevski, Turgheniev, L. Tolstoi
đều thường hoang tưởng hoặc sai lầm. Lênin đã từng cho
rằng Gorki không nên can dự vào công việc chính trị cũng vì
vậy, Lênin viết: "Gorki là tài năng nghệ thuật có tầm cỡ
lớn, đã và sẽ đóng góp cho phong trào vô sản toàn thế giới
rất nhiều. Nhưng tại sao Gorki lại phải đi làm chính trị
để làm gì kia chứ?" (Toàn tập, T.31, t. Nga, tr.49). Gorki nhớ
lại có lần trong khi trò chuyện, Lênin nói: "Dù sao thì công
việc của anh cũng khác tôi. Tôi không có quyền hình dung mình
là thằng ngốc, còn anh thì lại phải như vậy, nếu không anh
làm sao tả được thằng ngốc là thế nào. Khác nhau ở chỗ
đó" (Lênin - Về văn học và nghệ thuật, Moskva, 1967,
tr.647).</em>"

Tại sao lại đánh giá tư chất chính trị của Balzac, Dostoevski,
Turgheniev, L. Tolstoi qua các cương lĩnh manh tính nghiệp dư của
họ mà không căn cứ vào công việc chuyên môn, chuyên nghiệp
của họ đó là những hệ tư tưởng-chính trị được thể
hiện trong những cuốn tiểu thuyết bàn về chiến tranh và hòa
bình (Chiến tranh và hòa bình - Tolstoi), bàn về chế độ tư
bản dã thú (Vỡ mộng-Balzac)… Những tác phẩm đó mới chính
là nơi bộc lộ những gì tinh túy nhất về thái độ chính
trị của họ.

Điều này cũng giống như ai đó đánh giá, phân tích thái độ
chính trị của nhà thơ Tố Hữu đối với đất nước, nhân
dân nhưng lại không căn cứ vào Từ ấy, Việt Bắc, Gió
lộng… mà lại căn cứ vào chính sách giá lương tiền mà Tố
Hữu đặt bút ký với tư cách Phó Thủ tướng? Nếu căn cứ
vào giá lương tiền mà đánh giá thì Tố Hữu là một công
chức, một quan chức hạng bét vì ông là một trong những
người góp phần làm cho nền kinh tế rối bét cả lên. Lê
Ngọc Trà đã có sự lẫn lộn giữa thái độ chính trị trong
sáng tạo văn học với công việc chính trường mà một cá
nhân nhà văn nào đó tham dự...

Thiên chức chính trị của nhà văn là bằng hình tượng nghệ
thuật, bằng kết cấu nội tại của số phận, của hệ thống
hình tượng do anh sáng tạo ra mà người ta hiểu được thái
độ, quan điểm chính trị của nhà văn trước một hiện thực
nào đó của cuộc sống đang gây tranh cãi, đang nằm ở ngã ba
đường, người đọc rất muốn nghe nhà văn bày tỏ thái độ.
Bằng cảm nhận, bằng dự cảm vốn có của mình, nhà văn sẽ
sử dụng hệ thống hình tượng văn học để lên án, hay phủ
định hiện thực nào đó; đó mới chính là thái độ chính
trị đích thực và tích cực của nhà văn…

Một hiện tượng đang xảy ra trong đời sống văn nghệ: Hiện
đang có rất nhiều vấn đề đang được tranh cãi chưa ngã
ngũ, các cơ quan tuyên giáo xếp vào vấn đề nhạy cảm; vì
thế nên rất nhiều nhà văn, nhiều cơ quan chuyên môn văn học
(báo, nhà xuất bản) đã từ bỏ thiên chức chính trị văn
học của mình, sợ giây vào nó như giây vào việc buôn hàng
quốc cấm; còn các cơ quan xuất bản, các nhà biên tập báo
chí, xuất bản thì ngại đụng vào vấn đề này thì giống
như đỉa ngại đụng vào vôi?

Do hiểu và nhận thức xơ cứng về thái độ chính trị của
văn học và của nhà văn nên những nhà văn có lập trường
chính trị thường được coi là vững, đúng đường lối,
những nhà văn "lề phải" là loại nhà văn thường tránh xa
những vấn đề mà dân tuyến giáo, giới chức hành chính mệnh
danh là vấn đề nhạy cảm. Thực tiễn này đã và đang là nguy
cơ làm cho các nhà văn bị thui chột, tê liệt những cảm quan
chính trị đối với thời cuộc và thời đại mà anh đang
sống.

(Đã và đang hình thành một quan niệm bệnh hoạn trong thế
giới thông tin, trong đồi sống văn học, đó là quan niệm về
"lề trái, lề phải"… trong thế giới này. Điều nực
cười là cái quan niệm bệnh hoạn này thậm chí cũng đã lan
truyền ra thế giới, gần đây Đài BBC cũng đã bắt đấu chia
lề ra khi phản ảnh tình hình thông tin, văn học Việt Nam?)

Trên các trang viết của nhiều nhà văn, trên các ấn phẩm
xuất bản kể cả của của Hội Nhà văn, hình như đang tạo
nên một thứ "phản xạ có điều kiện", phản xạ nghề
nghiệp của một số nhà văn, nhà biên tập: tìm cách né tránh
những vấn đề thời sự chính trị nóng bỏng của đất
nước, trong khi đó thì kể cả những người dân bình thường
nhất cũng cảm thấy nhức nhối. Nhiều người lại ngộ nhận
coi đó là cách ứng xử thời thượng của giới cầm bút:
không giây vào chính trị…

Thực tế đã xảy ra, một nhà văn cho dù được xếp vào diện
duy lý, từng trải nhất nhưng tất yếu không khỏi không có
lúc có những cảm nhận ngây thơ về các vấn đề thời thế,
về chính trị, về một hiện tượng cụ thể nào đó của
đời sống. Không phải ngẫu nhiên mà Lê Nin khuyên các nhà văn
nên kết bạn với các nhà chính trị để hai bên có thể bổ
sung và giúp nhau làm giàu thêm vốn kiến thức, nghề
nghiệp…Nhà chính trị học thêm ở các tác phẩm văn học
những điều do nhà văn cảm nhận và ngược lại nhà văn cũng
cần được chất duy lý của nhà chính trị bổ sung.

Hay như Chế Lan Viên: nhà thơ duy lý được nhiều người coi là
số 1 của Việt Nam nếu suy xét về thái độ chính trị của
ông, khi căn cứ vào một số câu thơ thì đúng có những câu,
những bài ngô nghê:

Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này không

Không đâu và cả trong những ngày đẹp nhất:

Khi Nguyễn Trãi lamg thơ và đánh giặc

Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn…

Chỉ có Chế Lan Viên nhìn nhận đất nước đẹp ở cái giai
đoạn lịch sử khi Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc kháng chiến
chống quân Minh, khi ông thất sủng về ở ấn ở Côn Sơn; còn
đối với các nhà chính trị và các nhà sử học thì đó là
giai đoạn cực kỳ rối ren về chính trị. Còn khi Nguyễn Du
viết Kiều thì đất nước, xã hội như thế nào đọc Truyền
Kiều một học sinh phổ thông cũng cảm nhận được…

Còn như nói giai đoạn chống Mỹ là giai đoạn đẹp nhất của
Tổ quốc, của đất nước Việt Nam thì đó là một kiểu
đặt vấn đề theo kiểu định lý đảo. Nói dân tộc, đất
nước trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ là anh hùng thì
được; như nếu nói Tổ quốc chưa bao giờ đẹp như những
năm chiến tranh chống Mỹ thì quả Chế Lan Viên có óc thẩm
mỹ khôi hài? Trong mỹ học khái niệm về các phạm trù mỹ
học như cái anh hùng và cái đẹp là khác nhau!

Để đảm bảo an toàn, nhiều nhà văn chấp nhận sử dụng
lại những "bã thải" của chính trị, những nguyên liệu
tái chế; tức là chuyện đã đâu ra đấy cả rồi, đã có
kết luận, các cơ quan tuyên giáo đã bật đèn xanh và thậm
chí khuyền khích đầu tư tiền để nhà văn viết giống như
loại sách người tốt việc tốt. Như vậy văn học, nhà văn
đã từ bỏ thiên chức khám phá thì sự sáng tạo của anh
phỏng còn ý nghĩa gì vì nó không chứa đựng những nhân tố
cách mạng, đi đầu của đời sống.

Một thực tế, hiện các nhà văn cảm nhận, thậm thía về
mặt trái của cái cơ chế thị trường còn kém hơn cả anh
nông dân là những người ít chữ nghĩa. Bởi vì, người nông
dân do họ trực tiếp làm ra hạt gạo, con cá, con tôm cho dù
sản phẩm của họ đạt chuẩn thị trường nhưng kết cục
họ vẫn trắng tay vần nghèo khổ nên họ hiểu hơn nhà văn
suốt ngày loanh quanh chung quanh các bàn trà trong các nhiệm sở ?

Tình cảnh xa rời, cách bức với vấn đề của đời sống
của nhà văn giống như cảnh một anh thầy đồ, đứng trên
bờ chọc batoong xuống ruộng để cảm nhận, chia sẻ cái rét
buốt của người nông dân trong mùa gieo cấy cuối đông...

Trong khi phần đông các nhà văn đang từ bỏ đánh mất dần
thiên chức chính trị của văn học thì Hội Nhà văn lại tìm
cách giương cao ngọn cờ chính trị nghề nghiệp lên, liệu
việc làm này có giống với hiện tượng quảng cáo đối với
các mặt hàng kém chất lượng đang được bày bán trên thị
trường?

Thái độ chính trị nhân văn nhất của nhà văn hiện nay là
nói lên đươc tiếng nói của nhân dân. Nói tiếng lòng của
nhân dân không có nghĩa là đối lập với Chính quyền. Bởi
trong các cương lĩnh chính trị vẫn xác định chính quyền,
chính thể đương nhiệm là nhà nước của dân, do dân và vì
dân; như vậy thái độ chính trị của nhà văn và mục tiêu
hướng tới của nhà nước và chính thể đương nhiệm đều
có chung mẫu số.

Nói như vậy không nghĩa tác phẩm văn học phải rập khuôn các
cương lĩnh chính trị. Nếu vậy thì còn gì là văn học. Nếu
lúc này lúc kia, tác phẩm này tác phẩm kia có sự vênh lệch
pha nào đó về thái độ của nhà văn đối với một vấn đề
nào đó đang diễn ra trong đời sống thì đó cũng là tiếng
nói mang hình thức xây dựng theo kiểu văn học. Khổng Tử hay
nhà chính trị cổ đại Trung Hoa nào đó đã từng đúc kết:
Người chê ta mới là thầy ta…

Muốn nâng cao chất lượng sáng tác văn học thì nếu chỉ
bằng việc tạo cơ sở vật chất cho nhà văn thôi thì chưa
đủ. Để văn học, nhà văn thực hiện được thiên chức:
Hiểu biết, khám phá, sáng tạo…như ý kiến của cố Thủ
tướng Phạm Văn Đồng, tổ chức Hội Nhà văn, các cơ quan
quản lý chuyên trách cần xuất phát từ những nét đặc thù
của chính trị trong văn học, tạo môi trường cho hoạt động
sáng tạo của nhà văn. Chỉ khi tạo điều kiện cho nhà văn
thật sự dấn thân được vào các vấn đề mà đời sống xã
hội đang diễn ra; chỉ khi nhà văn được pháp luật bảo hộ
sự tự do và công khai bày tỏ cảm quan và thái độ chính
trị, chính kiến của mình thông qua sản phẩm văn học, thì
lúc đó chúng ta mới có nền văn học đúng nghĩa và nhà văn
làm đúng thiên chức nhà văn.

Để đạt được môi trường lý tưởng đó đòi hỏi sự nỗ
lực cố gắng cả từ hai phía: phía các nhà văn và cả phía
các cơ quan chức năng, công quyền… Bởi vì, nhà văn và thể
chế đương quyền là 2 bánh xe của một cỗ xe đang chuyển
động. Chỉ khi quan niệm được như vậy chúng ta mới yên tâm
rằng: đất nước đang có một thể chế chính trị phát triển
lành mạnh và một nền văn học phát triển đúng thiên chức
của nó; "Con phượng thì múa, con nghê thì chầu…"

Xin kết thúc bài viết bằng ý kiến của TBT Phan Đăng Lưu do
bạn Ruồi Trâu comment:

<center><img src="/files/u1/xhds_BaoChi1938.jpg" width="456" height="504"
alt="xhds_BaoChi1938.jpg" /></center>

Xin mở ngoặc: Ý kiến của ông Phan Đăng Lưu là ý kiến góp ý
với chính quyền thực dân, chính quyền lấy việc bóc lột xứ
An Nam thuộc địa làm mục đích tồn tại; chính quyền này
hoàn toàn khác xa với chính thể của dân, do dân và vì dân
hiện nay …

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5935), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét