Thủy Tiên thương yêu,
Vào tù mẹ nhớ con nhiều lắm, dõi theo từng bước chân con,
lòng đầy tự hào vì con gái mẹ đã trưởng thành vượt bực,
đã hoàn toàn thoát khỏi bóng râm của mẹ và vươn lên phô
sắc, khoe hương, tự khẳng định mình và còn lo lắng quan tâm
sâu sắc đến mẹ nữa. Hy vọng những việc con đang làm cho
mẹ sẽ được toại nguyện, thành công mỹ mãn vì số con vốn
đã gặp may, lại thêm tấm lòng và ý chí của con luôn hướng
về mẹ nữa.
Mẹ mừng vì không đơn độc, sau lưng mẹ là con, là cả gia
đình thân thương gồm bà, bố, em An Khuê, cậu mợ và hai em
Khải Nam, và Hiên Nhi cùng bao nhiêu tấm lòng bạn bè của bà
con cô bác khác.
Thành thật mẹ ấm lòng vì con đang ở trong vòng tay yêu thương
của mọi người. Bi kịch tạo nên thiên tài… Vì nỗi đau
của mẹ mà con được nhiều người biết tới, nâng đỡ, chở
che để con phấn đấu và trưởng thành, lớn hơn tầm kích
của mình.
Phần mẹ về trại từ 29-4. Một mình một xe, hai tay bị còng
– đúng chân dung của một con tù, khác hẳn với chân dung
ngoài đời mà con đã từng biết (Làm nghề gì, có chân dung
của người đó). Hy vọng nhờ những việc làm thiết thực
của con, thông qua tấm lòng của bạn bè, bà con cô bác mà mẹ
sớm được giải thoát.
Khí hậu Lam Sơn vô cùng khắc nghiệt con ạ. Ở nhà quanh mẹ
là cả một trạm y tế thu nhỏ. Nào bình thở Ô Xy, nào
giường massage, nào bác sỹ chăm sóc riêng (Bác Sỹ Nguyễn Thị
Nga – Giám đốc bệnh viện Nội Tiết) rồi bác Hòa thường
xuyên đến cứu huyệt cho mẹ 1 ngày 1 lần 1 tiếng rưỡi
đồng hồ… còn ở đây, mẹ đã kiệt quệ sau 6 tháng 21 ngày
bị giam cứu tại Hỏa Lò, giờ về trại thêm cái nắng nóng
nung người của Vùng Chướng Khí Lam Sơn (thường xuyên 37-39, 40
độ C) cùng qui định quá khắc nghiệt của trại tù. Sáng 5
giờ đã trở dậy, điểm danh, ăn sáng, 6 giờ ra sân chung chờ
đợi, xuất trại để 6h30 có mặt tại xưởng, cho đến 11giờ
mới được vê, sau một lần chờ đợi khám xét, vào buồng và
lại điểm danh.
Tắm giữa giếng sâu hun hút và chật chội kinh người (200-250
người) trên đầu là nắng nóng kinh hoàng. Nhìn xuống lòng
giếng đã chóng mặt, huống hồ múc nước tắm giặt, thở ra
cả mang tai… Tất cả tồng ngồng trong bộ cánh Eva, chung quanh
là cả thế giới phụ nữ. Thật không khác gì cảnh bầy đàn
ăn lông ở lổ từ thời đại hồng hoang nguyên thủy con ạ.
Mất hết khái niệm về phái đẹp, về sự kín đáo duyên dáng
của phụ nữ – Có lẽ không nơi nào trên thế giới này còn
nền văn mình rừng rú, lõa lồ, thô thiển đến vậy. Hoàn
toàn chỉ còn là phần con không còn phần người. Nhìn đã đủ
rùng mình gai lạnh, huống hồ phải hội nhập, trãi nghiệm.
11 giờ 30 phút ăn trưa, 12 giờ đi nghỉ đến 12 giờ 30 lại
trở dậy, ra sân chung xuất trại đến 5 giờ mới về. Xưởng
bạc không được dùng quạt, còn phải che chắn bao tải, ni
long, chăn cũ để bạc không bay… nóng không khác gì lò hấp
thịt người khổng lồ (thường xuyên ở mức 40-42 độ C) hút
kiệt cả sức lực của người tù… Không dưới chục lần
mẹ nghe bạn tù kể lại: Suốt 3 tháng mùa hè, cả bầu trời
xứ Thanh như một quả cầu lửa, những cơn gió lào vô tình
tạt sang từ bên kia biên giới. Ai nấy ngộp thở như bị rang
trong chảo nóng. Bụng dạ, ruột rà cứ bỏng rát lên từng
đoạn như thể bị ai thò tay vào kéo căng ra phơi dưới nắng.
Vạn vật hổn hển vì thiếu Ô Xy, ngực nhói lên từng cơn sau
mỗi nhịp thở, cảm giác nóng bỏng len vào từng làn da, thớ
thịt, máu cạn dần sau 3 tháng trời nắng quần, đất hun…
Khăn trùm, đầu mặt tay chân kín mít chỉ để hở hai con mắt,
ngồi thở mà mặt mũi tay chân đen thủi đen thui, hệt như cột
nhà cháy.
Chiều 6 giờ đóng khu, tắm rửa, ăn uống để 6 giờ 30 điểm
danh, khóa buồng chờ điện bật sáng. Có lẽ không ở đâu như
Việt Nam mình con ạ, mất điện đã trở thành điều bình
thường như cơm bữa. Thoạt đầu mới vào hè thì một ngày
có, một ngày mất, càng nóng nhiều thì 2 ngày mất, một ngày
có. Quả là phú quý giật lùi. Trong khi các nước tiến bộ
được khuyến khích dùng điện thì Việt Nam phụ thuộc vào
độ chảy của các dòng sông, nước cạn, điện cũng cạn theo.
Nghèo nàn, dốt nát, lạc hậu, không biết hội nhập toàn cầu,
xa lộ thông tin theo kiểu gì nữa, ngoài kiểu bótay.com.
Ồn ào, căng thẳng đến 12 giờ đêm, tất cả mới chìm vào
giấc ngủ. Mẹ bị suy nhược thần kinh nặng, chỉ cần người
bên cạnh ho lắng, khịt mũi, cựa chân, lật tay,… thế là
lại tỉnh. Đến 5 giờ sáng nhịp điệu lại bắt đầu, căng
thẳng mệt nhoài như những ngày trước và sau đó.
Thiếu ngủ trầm trọng, nắng nóng kinh hoàng, mẹ gần như dở
điên dở dại vì những cơn đau đầu tra tấn, lại thêm nhiễm
khuẩn đường ruột, ngày ôm bụng "xổ ruột" cả chục
lần, khiến sức khỏe vốn kiệt quệ càng kiệt quệ hơn, trong
vòng nữa tháng, sút mất 3 kg thịt. Ai nhìn cũng chán.
Cũng may mẹ được giám thị Hai cho nghỉ dưỡng bệnh 1 tháng,
vì thế vừa kịp hồi sức, vội viết thư cho con ngay đây.
Thủy Tiên con, sang Pháp chưa đầy 10 tháng, mẹ biết con đã
sang Mỹ, Bỉ, Thụy Điển nhiều lần so với tuổi 20 của con
quả là điều hạnh phúc lớn lao. Song dù thế nào cũng không
được ảnh hưởng tới việc học tập con nhé.
Mẹ biết con sáng dạ vì quá khứ có sức mạnh di truyền, con
được thừa hưởng từ ông ngoại, từ mẹ hệ DNA rất quý,
hơn nữa, quá trình nhận thức gắn liền với hứng thú. Giỏi
ngoại ngữ, con lại vào trường ngôn ngữ nên càng có điều
kiện khẳng định năng lực của mình. Biết thêm một ngoại
ngữ là sống thêm một cuộc đời, con biết 4 ngoại ngữ,
sống phong phú hơn cuộc đời bố mẹ, ông bà 4 lần đấy con
ạ. Con cố tận dụng cơ hội để bật lên nhé. Đừng vì
được đi đó đi đây mà sao lãng việc học tập. Hơn bao giờ
hết, mẹ đặt hy vọng vào con nhiều lắm. Từ khi con tròn 1
tuổi, ru con ngủ, con thuộc làu bài ru của mẹ, rồi 3 tuổi,
nét vẻ mềm mại, tinh tế của con đã làm mẹ giật mình và
kỳ vọng vào con rất nhiều. Từ khi con lên 6 học hệ chuyên
Pháp, thi đổ thủ khoa 9,75 điểm, mẹ đã biết con chính là
sự bù đắp cho số phận mẹ, khi trước đó, vì phải đi
thực tập sư phạm thực tế, sản xuất ở những vùng quê
hẻo lánh nước đọng, ao tù mà mẹ bị viên tắt ống dẫn
trứng, chửa ngoài dạ con, chết đi sống lại. Suốt 12 năm
học của con, đặc biệt những năm con thi vào cấp III, thi hệ
nào đổ vào hệ ấy, thi trường nào đổ vào trường ấy, vào
học tại Amtecdam, mẹ lại càng tin tưởng và kỳ vọng ở con
hơn. Thực tế con đã không làm mẹ thất vọng, ngược lại con
là niềm tự hào của cả đại gia đình mình, đặc biệt là
bên nội,… Bây giờ được sang Pháp, điều kiện, môi trường
thuận lợi, con càng phải phát huy thế mạnh của bản thân con
nhé.
Nhớ viết thư thăm mẹ – cho mẹ gửi lời chào quý trọng và
đầy biết ơn tới các cô, dì chú bác bên Pháp, Mỹ, Thụy
Điển và Bỉ. Mẹ mong từng ngày được ra tù để có điều
kiện đền đáp tấm lòng thương yêu chăm sóc, lo lắng quan tâm
của tất cả tới mẹ. Con đang sống thay cả phần mẹ. Phải
hết sức khiêm nhường lễ độ con nhé. Càng hiểu biết càng
phải nhu mì, lễ phép con ạ. Thế mới là con gái của mẹ,
mới xứng đáng với tấm lòng của bạn bè, cô dì chú bác
giành cho mẹ, thông qua con.
Ký tên
<em>Trần Khải Thanh Thủy</em>
Địa chỉ của mẹ: Đội 21 - K4 - Trại 5 - Lam Sơn – Thanh Hóa
<center><img src="http://danluan.org/files/u1/TKTT1.jpg" width="450"
height="632" alt="TKTT1.jpg" /></center>
<center><img src="http://danluan.org/files/u1/TKTT2.jpg" width="450"
height="642" alt="TKTT2.jpg" /></center>
<center><img src="http://danluan.org/files/u1/TKTT3.jpg" width="450"
height="639" alt="TKTT3.jpg" /></center>
<center><img src="http://danluan.org/files/u1/TKTT4.jpg" width="450"
height="625" alt="TKTT4.jpg" /></center>
<center><img src="http://danluan.org/files/u1/TKTT5.jpg" width="450"
height="658" alt="TKTT5.jpg" /></center>
<center><img src="http://danluan.org/files/u1/TKTT6.jpg" width="450"
height="637" alt="TKTT6.jpg" /></center>
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5787), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét