vùi sau một đêm thức khuya chăm người bệnh, bỗng giật mình
tỉnh giấc. Người đầm đìa mồ hôi, nhớp nháp. Ngột ngạt.
Điện mất! Sở Điện chỉ thông báo sẽ cắt điện luân
phiên, một tuần vài ngày. Ngẫu hứng. Có hôm cắt từ 5 giờ
sáng. Có hôm mất điện lúc nửa đêm. Có tuần cắt hai ngày
liền nhau. Tuần sau cắt cách nhật. Tuần sau nữa cắt ngày
đầu, ngày cuối…
Bảy giờ sáng, điện thoại di động rung lên bần bật. Nhà
văn Bùi Ngọc Tấn: "Alô, hôm nay anh "đi sơ tán" xuống nhà
con trai út. Mất điện từ tinh mơ mờ đất. Không thở được!
Chiều lúc nào về, anh gọi. Sang mà lấy sách." May cho nhà văn
có hai con trai ở cùng thành phố. Sơ tán vòng quanh.
Mùa hè năm nay xuất hiện thêm một cụm từ mới: "sơ tán
điện". Cánh phụ nữ í ới gọi nhau "buôn dưa lê", tranh
thủ lang thang siêu thị – điều hòa miễn phí. Đàn ông kéo
nhau ra quán. Đang mùa World Cup, khói thuốc lờ đờ, thiếu ngủ.
Ở trường, giờ ra chơi kéo dài hơn. Học sinh được nghỉ
sớm. "Ai có giấy dùng giấy, ai có mo dùng mo…" Chiếc quạt
nan tưởng chừng như đã bị tuyệt chủng từ cuối thập kỷ
chín mươi, giờ đây lại có dịp "tái xuất giang hồ". Anh
bạn mình, Phó giám đốc một trung tâm đào tạo có hạng của
Thành phố, vẩy chiếc quạt lụa màu nâu - thổi mát cả một
vùng, đắc ý khoe: "Quà tặng của Sư thầy đấy". Phần
chuôi quạt đã lên màu đen bóng, lem nhem bụi phấn và mồ hôi.
<center>* * *</center>
Quán bún cá ngõ Lê Quýnh không chen chúc như mùa đông. Bà chủ
quán luôn tay quạt, chan, múc… Bún cá, bún chả cá, bún ốc,
bún tôm… bát nào cũng hấp dẫn, chào mời. Máy nổ chạy
phành phạch. "Lũ bất nhân! Nắng nóng thế này mà cắt điện
thì quá bằng giết dân." Một thực khách mồ hôi túa ra như
tắm, nhễ nhại chửi đổng. "Trót nghiện món bún của bà
chị nên ngày nào cũng phải ghé. Ăn mà như đi tắm xông
hơi…" Một bà tuổi xồn xồn tiếp lời. Người ngồi kế
bên hạ giọng: "Tôi nghe nói "tụi nó" nhập nhiều máy nổ
quá. Phải cắt điện mới mong tiêu thụ hết". Tin đồn
chẳng biết thực hư, đúng sai. Chỉ thấy máy nổ, ắc-qui,
đèn sạc, quạt sạc… "made in China" bày kín vỉa hè. Nhà
mình cũng có tới vài ba chiếc. Khi có điện, quạt chạy vù
vù, đèn sáng lung linh. Điện nguồn vừa ngắt, cánh quạt lảo
đảo như người say, ánh đèn lờ mờ, nhấm nhẳng. Nhà ống,
thiếu cả ánh sáng và không khí.
<center>* * *</center>
"Tăng điều hòa lên chút, bác tài ơi. Năm này cắt điện
nhiều quá!". "Sông Đà năm nào chẳng cạn? Quốc Hội họp
nên mới ra nông nỗi thế." "Bác bảo sao? ưu tiên điện cho
các nghị sĩ thảo luận và bấm nút à?" "Cô chắc mới ở
xa về? Trông nước da khắc biết." Bác tài taxi nhìn mình qua
gương chiếu hậu: "Ngành điện như cậu con cầu tự đang làm
mình làm mẩy. Muốn tăng giá, muốn dự án điện hạt nhân
được thông qua thì đây là thời điểm tốt nhất để gây áp
lực tại nghị trường". Lý lẽ tuyệt hay! Ai dám bảo chỉ
số IQ của người Việt thấp?
<div class="boxright300"><img src="/files/u1/sub01/1006091q.jpg" width="450"
height="319" alt="1006091q.jpg" /><div class="textholder">Mất điện
triền miên đang làm giảm lòng tin của dân vào chính phủ:
Nhưng đó phải chăng chính là hệ quả của một chính phủ
không đáng để dân đặt lòng tin vào?</div></div>Hôm trước xem
tivi, thấy ngài Thị trưởng Hà Nội yêu cầu giám đốc Sở
Điện lực không cắt điện của dân trong những ngày nắng
nóng. Nếu thực sự thiếu điện chỉ vì sông Đà hết nước,
ngài Thị trưởng dù có dọa cách chức thì ông Sở điện cũng
đành bó tay, "trả ấn từ quan". Đằng này… Làm dân thủ
đô sướng thật!
Mình thường ngấm ngầm phản đối điện hạt nhân. Lý do: tham
sống, sợ chết. Thực phẩm, môi trường đã thừa ô nhiễm.
Mỗi gia đình bình quân nuôi một bệnh nhân ung thư tiềm năng.
Liên-xô hùng mạnh thế mà còn có Trec-nô-bưn. Ai dám quả
quyết, có chuyên gia kỹ thuật của Nga, nhà máy điện nguyên
tử ở Việt Nam sẽ an toàn tuyệt đối? Nhưng nếu cứ cắt
điện triền miên khi nhiệt độ ngoài trời xấp xỉ 42 độ C,
mình cũng sẽ đồng tình bấm nút. Ai mà chẳng phải chết!
Chết vì ung thư hay chết nóng có khác gì nhau?
<center>* * *</center>
"Dân thành phố các chị mỗi tuần mất điện vài ngày đã
kêu. Chúng tôi ở quê, chỉ mong tối về có tí đèn chăm con
gà, con lợn cũng khó. Nhiều nhà có thóc mà không thể xát
thành gạo để thổi nấu. Tát nước gầu sòng rã cả hai
vai…" Chị phụ nữ ngồi cạnh mình trên chuyến bay giá rẻ
của hãng Hàng không Jetstar than thở. "Có nơi người ta phải
đổ đi mỗi ngày hàng trăm lít sữa bò mà chẳng biết kêu
ai." Vị khách ngồi hàng ghế trên ngoái xuống góp chuỵên.
"Quê tôi, người ta chất rơm xung quanh trạm biến thế. Có
làng còn trói cả thợ điện phơi ngoài nắng…" "Dân Thái
Bình vẫn vậy! "Nghe tiếng trống năm ba mươi còn lay động
đến bây giờ". Một bác về hưu tủm tỉm ngân nga…
<center>* * *</center>
Khi xưa vua An Dương Vương để mất Loa thành. Thần Kim Quy chặn
ngang trên đường vua đưa công chúa Mỵ Châu chạy trốn: "Kẻ
thù ở ngay sau lưng vua đó".
Mất điện triền miên đang làm giảm lòng tin của dân vào
chính phủ. Chưa có con số thống kê cụ thể nào về thiệt
hại trong sản xuất kinh doanh. Hay là có kẻ "phản động"
nằm ngay trong ngành Điện Việt Nam?
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5577), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét