Độc giả Dân Luận - Costa Rica: Một quốc gia không có quân đội

<div class="special_quote">Xin mến tặng anh Trần Huỳnh Duy Thức
(dù người viết rất nhỏ bé so với anh)</div>

<br><strong>1. Dẫn nhập</strong>

Như mọi người đều biết mỗi quốc gia cần phải có quân
đội với một ngân sách và số quân hợp lý ngay cả trong
thời bình để phòng thủ; trong dân gian cũng có câu "nuôi quân
ba năm chỉ dùng trong một ngày". Vài quốc gia như Singapore,
Thụy Sĩ dù nhỏ bé hoặc khả năng chiến tranh rất thấp vẫn
tổ chức quân đội và công dân trưởng thành phải thi hành
nghĩa vụ quân sự.

Thậm chí nhiều nước được cai trị bởi tập đoàn độc tài
quân phiệt, điển hình là Myanmar hiện nay, Nam Hàn trong thập
niên 1960, Thái Lan trong vài giai đoạn, Campuchia và miền Nam
Việt nam trong một thời gian ngắn trước 1975. Hai vùng Trung và
Nam của Châu Mỹ cũng nổi tiếng với các độc tài quân phiệt
juntas đã thay phiên cầm quyền phần lớn các quốc gia từ
Argentina, Bolivia, Colombia, ... đến Uruguay, Venezuela. Một ví dụ
nữa là Chile với nhà độc tài khét tiếng Pinochet. Sang thế
kỷ 21 vùng Châu Mỹ La tinh này đã từng bước dân chủ hóa.
Một trường hợp rất thú vị với Cộng Hòa Costa Rica, một
quốc gia nhỏ bé ở Trung Mỹ, đặc biệt về nhiều mặt từ
chính trị cho đến môi sinh.

<strong>Ghi chú</strong>: <em>Châu Mỹ La tinh gồm các quốc gia Trung
và Nam Mỹ, vốn từng là các thuộc địa của Tây Ban Nha (Spain)
và Bồ Đào Nha (Portugal), ảnh hưởng của đế quốc Anh trong
vùng này rất ít. </em>

<br><strong>2. Tổng quát</strong>

Costa Rica trong tiếng Tây Ban Nha mang nghĩa "duyên hải giàu" (Rich
Coast), nằm ở vùng giữa và thắt eo của Châu Mỹ; phía Nam
giáp Panama vốn có kinh đào Panama nổi tiếng, Bắc giáp
Nicaragua, Tây giáp Thái bình dương, Đông giáp biển Caribbe của
Đại tây dương. Từ trên núi cao của Costa Rica vào ngày trời
trong có thể thấy một lúc hai đại dương này.

Costa Rica rộng khoảng 50 ngàn km² (1/6 diện tích Việt Nam),
nhưng gần một nửa là rừng núi với nhiều núi lửa, một số
còn đang hoạt động. Địa thế khá hiểm trở, giao thông phần
lớn qua các đường đèo. Costa Rica nằm gần vùng xích đạo,
khí hậu nóng nhưng thủ đô San Jose được đặt trên cao nguyên
nên ở đây cũng dễ chịu.

Dân số Costa Rica khoảng 4,5 triệu. Đa số 94% là dân gốc Tây
Ban Nha và gốc Châu Âu nói chung, phần còn lại gồm dân gốc Da
Đỏ (bản xứ), gốc Phi Châu (tổ tiên qua đây làm nô lệ),
gốc Trung Quốc (tổ tiên được người Hoa Kỳ mộ phu sang) và
một vài nhóm người thiểu số khác. Dĩ nhiên Spanish được
dùng như ngôn ngữ chính thức nhưng tiếng Anh cũng khá thông
dụng. Công giáo là chính và tự do tôn giáo được tôn trọng.

<br><strong>3. Lịch sử</strong>

Kha Luân Bố (Christopher Columbus người Ý nhưng làm việc cho
triều đình Tây Ban Nha) là người Châu Âu đầu tiên đặt chân
đến Costa Rica vào năm 1502. Trước đó dân cư chỉ gồm người
Da Đỏ, và về sau là thời cai trị bởi đế quốc Tây Ban Nha.
Vì địa thế hiểm trở, giao thông khó khăn nên Costa Rica bị
cô lập và trở thành một thuộc địa nghèo và thê thảm nhất
Châu Mỹ, thật mỉa mai vì trái ngược với cái tên "duyên hải
giàu". Costa Rica gần như bị triều đình bỏ rơi, để cho tự
phát triển. Một yếu tố nữa cho sự nghèo kém là dân bản
xứ Da Đỏ ở đây quá ít để sử dụng trong lao động cưỡng
bức, người Châu Âu ở đây phải tự làm lấy phần lớn
nghề nông của mình.

Và vì không có giới nông dân bị áp bức, sinh hoạt trong xã
hội Costa Rica có chiều hướng bình đẳng hơn so với văn hóa
của các thuộc địa khác. Đây là một hạt giống cho nền hòa
bình và dân chủ sau này.

Costa Rica cùng các thuộc địa khác ở Trung Mỹ tuyên bố tách
khỏi triều đình Tây Ban Nha năm 1821, khi Mexico thắng cuộc
chiến tranh giành độc lập. Sau vài năm nằm trong đế quốc
Mexico, Costa Rica trở thành một bang của Liên Bang Trung Mỹ, và
sau đó rút khỏi để tuyên bố chủ quyền độc lập, tạo ra
một yếu tố phá vỡ liên bang ấy.

<br><strong>4. Chính tri và Đối ngoại</strong>

Theo dòng lịch sử, Costa Rica được cai trị bởi các juntas quân
phiệt xen kẽ với chế độ dân chủ và nói chung đã kinh qua
hòa bình, ổn định chính trị hơn các nước Châu Mỹ La tinh
khác, nhưng cũng đã trải qua hai thời kỳ ngắn trong bạo
động. Thời gian 1917-1919 là độc tài quân phiệt junta, lên
nắm quyền do đảo chánh và sau đó bị lật đổ.

Lần thứ nhì vào năm 1948, việc tranh cãi về kết quả bầu
cử giữa Calderon (thua) và Ulate (thắng) đã bùng phát cuộc nổi
dậy có vũ trang do Figueres và đảng Dân chủ Xã hội cầm
đầu. Figueres vốn là một doanh nhân, kinh tế gia, triết gia và
chính trị gia, lúc ấy vừa trở về từ vị trí lưu vong ở
Mexico và nhóm vũ trang của ông là một thành viên của "Đoàn
quân Carribe" vốn bao gồm cả nhóm của Fidel Castro. Ông ta chỉ
dùng vấn đề trong bầu cử làm cái cớ phát động cuộc
chiến để tiến hành một cuộc cách mạng. Phía bên kia gồm
có quân đội của chính phủ đầy tham nhũng do Tổng thống
Picado (cùng phe với Calderon) liên minh với quân du kích của
đảng Cộng Sản.

Cuộc nội chiến kéo dài 6 tuần lễ, với khoảng hơn 2 ngàn
người chết. Figueres toàn thắng và thành lập chính quyền quân
phiệt junta, nhưng ông hứa chỉ nắm quyền trong 18 tháng với
sự đồng ý của Ulate. Giữ lời hứa, 18 tháng sau quyền lực
được trao lại cho Ulate, người đã do dân bầu lên trước
đó.

Trong thời gian ấy chính quyền quân phiệt junta của Figueres
thiết lập các định chế và thực hiện những cải cách hết
sức quan trọng và rõ ràng là chỉ dấu cho một thể chế dân
chủ xã hội. Tất cả là 834 cải cách như:

<div class="special_quote">
- Loại đảng Cộng Sản ra ngoài vòng pháp luật

- Phụ nữ và người mù chữ được quyền đầu phiếu (<em>ghi
chú: năm 2010 Costa Rica đầu tiên có nữ Tổng thống là bà Laura
Chinchilla</em>)

- Người Da Đen được quyền công dân

- Bảo đảm giáo dục công cộng cho toàn dân

- Lập trường Đại học quốc gia và Viện Kỹ thuật

- Lập ra định chế an sinh xã hội, hưu trí và y tế

- Quốc hữu hóa các ngân hàng và ngành hỏa xa (với quyền tự
trị)

- Lập cơ chế kiểm soát việc trả ơn sau bầu cử

- Cải tổ lại Tòa án tối cao về Bầu cử

- Giải thể quân đội (một cách trớ trêu bởi chính quyền
quân phiệt)

- Soạn bản dự thảo Hiến pháp mới với nhiều quyền tự do
cho nhân dân và một điều khoản cấm thiết lập định chế
quân đội (đề phòng giới quân sự làm hỏng thể chế dân
chủ); tuy nhiên khi cần vẫn được phép tổ chức quân đội
tạm thời cho quốc phòng dưới sự lãnh đạo của giới dân
sự.

- Tổ chức bầu cử Quốc hội Lập hiến 1949 để phê chuẩn
bản Hiến pháp mới. Quốc hội này đã bác bỏ bản dự thảo
vì nhiều điều khoản mang tính cải tổ xã hội tận gốc, và
sau cùng thông qua bản đã được sửa đổi nhưng vẫn giữ
điều khoản cấm định chế quân đội.</div>

Về sau Figueres hai lần được bầu làm Tổng thống Costa Rica,
thường chỉ trích việc Hoa Kỳ qua bàn tay CIA ủng hộ các junta
quân phiệt trong vùng Trung Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu (1953-1958)
để đáp trả sự ủng hộ thời kỳ nổi dậy và theo thỏa
thuận từ trước với "Đoàn quân Carribe", ông giúp nhóm lưu
vong chống-Somoza (Somoza là người cầm đầu junta quân phiệt ở
Nicaragua, nước láng giềng phía Bắc của Costa Rica). Năm 1955 khi
nhóm này phá rối Nicaragua thì Somoza có cớ tấn công vào Costa
Rica, cho phép Calderon đang lưu vong (Tổng thống thất cử) xâm
nhập vào quê cũ.

Trước sự xâm lấn, Costa Rica không có quân đội để phản
công nên Figueres phải kêu gọi Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ
(Organization of American States -OAS- gồm cả Hoa Kỳ) bảo vệ. Tổ
chức này ra lệnh ngừng bắn để điều tra, tuy nhiên Nicaragua
với sự trợ giúp của CIA đã leo thang và dội bom Costa Rica.
Tổ chức OAS lập tức cho phép Hoa Kỳ "bán" cho Costa Rica 4
chiếc máy bay chiến đấu với giá 1 USD mỗi chiếc. Bộ Ngoại
giao Hoa Kỳ dưới áp lực của một số Dân biểu và cảm nhận
một cơ hội hàn gắn lại hình ảnh của Hoa Kỳ sau vài tai
tiếng nên đã nổ lực cứu và bảo tồn nền dân chủ cô
độc vùng Trung Mỹ. Cuộc tấn công từ Nicaragua chấm dứt, Bộ
Ngoại giao Hoa kỳ thắng CIA một bàn. Quân Nicaragua rút lui nhưng
Figueres phải hứa không trợ giúp nhóm chống-Somoza nữa.

Cũng do thỏa thuận với "Đoàn quân Carribe", khi Fidel Castro bắt
đầu hoạt động nổi dậy ở Cuba thì Costa Rica gởi vũ khí
sang giúp. Năm 1959 Fidel thắng và mời Figueres sang thăm, đến
Cuba ông này nhận thấy Cuba ngả về phía Cộng sản nên tuyên
bố cảnh cáo và lập tức bị tước mất máy vi âm. Tuy nhiên
Figueres chống lại việc CIA tìm cách phá chính quyền của Fidel
và ông ủng hộ J.F.Kennedy thành lập tổ chức "Liên minh cho sự
Tiến bộ" đẩy mạnh hợp tác kinh tế toàn Châu Mỹ (dĩ nhiên
loại trừ Cuba). Trong thời kỳ này, một xa lộ xuyên Trung Mỹ
được xây dựng.

Nhiệm kỳ hai (1970-1974): "Liên minh cho sự Tiến bộ" chấm dứt
và "Thị trường chung Trung Mỹ" sụp đổ làm nền kinh tế
nặng về nông nghiệp của Costa Rica gặp khó khăn. Figueres phải
tìm cách giao dịch với Liên Xô qua việc xuất cảng ca phê và
thiết lập bang giao. Năm 1971 khi một nhóm chống-Somoza cướp
máy bay ở phi trường San Jose (thủ đô của Costa Rica) thì chính
Figueres là người đứng trên phi đạo chỉa súng hướng về
phòng lái cho đến khi nhóm không tặc đầu hàng! (xin nhắc lại
trước kia Figueres đã hứa với Nicaragua không ủng hộ nhóm
chống-Somoza, nhưng còn lời hứa với "Đoàn quân Carribe" thì
sao?).

Các quốc gia khác thuộc vùng Trung Mỹ trong cảnh mất ổn
định cũng mang cho Costa Rica những thử thách lẫn cơ hội.

- Nicaragua: junta quân phiệt của Somoza cai trị từ 1936, đến
năm 1979 bị nhóm thiên tả Sandinista với căn cứ đặt trong
Costa Rica lật đổ. Costa Rica ủng hộ chính quyền Sandinista và
phản đối Hoa Kỳ trong việc hậu thuẫn nhóm du kích Contras
(viết tắt cho contrarrevolucionarios, phản cách mạng) vốn chống
lại Sandinista. Trong cuộc chiến này Costa Rica cũng phải đối
phó với làn sóng dân tị nạn từ Nicaragua.

- Guatemala: cuộc nội chiến giữa junta quân phiệt và quân du
kích thiên tả từ 1960 - 1996.

- El Salvador: cũng bị nội chiến giữa junta quân phiệt và các
nhóm thiên tả từ 1980 - 1992.

- Honduras: các junta quân phiệt thay phiên cai trị từ 1963 - 1981.

- Panama: nước láng giềng phía Nam do junta quân phiệt của
Noriega cai trị. Năm 1989 Noriega bị Hoa Kỳ đổ quân đánh và
bắt giam về các tội hình sự.

Trong thập niên 1980 ông Arias, một luật sư Costa Rica và phụ tá
cho Figueres, hoạt động bằng đường lối ngoại giao và thương
thảo, đã thuyết phục được các nước bạn trong vùng (trừ
Panama) cùng tham gia vào các Thỏa ước Hòa bình Esquipulas 1986
(và sau đó), đồng ý những biện pháp để thực hiện hòa
giải, chấm dứt xung đột, dân chủ hóa, tuyển cử tự do,
ngưng sự trợ giúp quân sự, kiểm soát vũ khí, và giúp dân
tị nạn. Tất cả được soạn thảo với lộ trình cụ thể
và việc thi hành được quốc tế giám sát.

Nhờ những thành quả ấy năm 1986 Arias đắc cử Tổng thống
và đoạt giải Nobel Hòa bình 1987. Ông dùng số tiền thưởng
để thành lập "Tổ chức Arias cho Hòa bình và Tiến bộ" gồm
có ba bộ phận phục vụ các vấn đề nhân quyền cho vùng Trung
Mỹ, toàn Châu Mỹ La tinh, và cả thế giới. Arias cũng kêu gọi
thành lập một "Quốc hội" chung cho toàn vùng Trung Mỹ.

<br><strong>5. Nói thêm</strong>

Trong các cuộc phỏng vấn, Figueres cho biết việc giải thể
quân đội là do cảm hứng từ cuốn sách "Outline of History" của
H.G. Wells mà ông đã đọc trong thời gian du học trường MIT ở
Hoa Kỳ về ngành Thủy điện. Nơi đây ông không học bao nhiêu
mà chỉ vào thư viện đọc sách về triết học, chính trị và
xã hội. Ông nói: "Tương lai của nhân loại không thể bao gồm
các lực lượng vũ trang. Cảnh sát thì được, bởi vì người
dân không hoàn hảo".

Ngày nay Costa Rica không có quân đội, còn lực lượng cảnh sát
gồm 7,5 ngàn nhân viên cho dân số 4,5 triệu (1 cảnh sát mỗi
600 dân). Với chính thể cộng hòa do Hiến pháp đề ra, chính
quyền được dựa theo nguyên tắc tam quyền phân lập bằng sự
kiểm soát và cân bằng mạnh.

- Hành pháp với Tổng thống do dân bầu, nhiệm kỳ 4 năm. Mỗi
Tổng thống không bị giới hạn số nhiệm kỳ nhưng chúng
phải cách nhau, không dược phép liên tục. Hai Phó Tổng thống
và các Bộ trưởng do Tổng thống chỉ định. Tất cả cấu
thành Hội đồng chính phủ với nhiều quyền hành.

- Lập pháp với Quốc hội (một viện, 57 thành viên theo tỉ
số dân) do dân bầu, nhiệm kỳ 4 năm, có thực quyền hơn so
với các nước khác trong vùng.

- Tư pháp với Tòa án tối cao gồm bốn phần hành: luật Hiến
pháp, luật hình sự, luật dân sự và luật thương mãi. Các
Thẩm phán tối cao do Quốc hội bầu, nhiệm kỳ 8 năm.

Ngoài ra các Cơ quan Tuyển cử Tối cao, Viện Kiểm toán, Viện
"Tiếng Dân Kêu" đều hoạt động độc lập. Costa Rica được
chia ra làm 7 tỉnh nhưng quyền hành được dồn về chính quyền
trung ương.

Với thể chế đa đảng, các đảng chính trị gồm Đảng Giải
phóng Quốc gia, Đảng Công dân Hành động, Đảng Đoàn kết Xã
hội Kitô, Đảng Phong trào Tự do, ...

Năm 2007 thỏa ước tự do mậu dịch với Hoa kỳ đã gây tranh
cãi và chia rẽ trầm trọng trong dân chúng Costa Rica nên một
cuộc Trưng cầu Dân Ý toàn quốc được tổ chức với 52%
đồng ý và 42% phản đối.

<br><strong>6. Phần kết</strong>

Từ một thuộc địa "nghèo và thê thảm nhất Trung Mỹ", trong
kỷ nguyên của bản Hiến pháp 1949 Costa Rica trở thành một
trong những quốc gia hòa bình, ổn định với mức sống cao ở
Châu Mỹ La tinh, tránh được các cuộc nội chiến và junta
độc tài quân phiệt, hoàn toàn khác hẳn với những nước
khác trong vùng.

Ngân sách và nhân lực thay vì dùng cho quân đội được dồn
vào văn hóa, giáo dục, y tế và an sinh xã hội như quỹ hưu
bổng. Tuy vẫn còn là một nước không giàu (per capita $10579 so
với Việt nam $2942 và Singapore $50700) nhưng dân quyền, dân trí
và dân sinh được xếp hạng khá với các chỉ số dưới đây
(số càng nhỏ càng tốt, dĩ nhiên có giá trị tương đối):
<div class="special_quote">
- Chỉ số về dân chủ (DI) năm 2006 xếp hạng 27 (Việt nam 149).

- Chỉ số tự do báo chí (PFI) năm 2007 hạng 30 (Việt nam 166).

- Chỉ số về tham nhũng (CPI) năm 2008 hạng 43 (Việt nam 120).

- Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2007 hạng 54 (Việt nam
116).

- Đặc biệt chỉ số môi trường (EPI) năm 2008 hạng 5 (Việt
nam 76), năm 2010 hạng 3 (sau Iceland và Thụy Sĩ) do rừng núi,
sông hồ, môi sinh được bảo vệ chặt chẽ. Báo Guardian ở
nước Anh đề cao Costa Rica là quốc gia "xanh" nhất và chỉ số
"hạnh phúc với môi trường" (HPI) cao nhất. Năm 2007 chính phủ
Costa Rica tuyên bố kế hoạch để trở thành quốc gia "carbon
neutral" đầu tiên vào năm 2021.</div>

Việc chính phủ chú trọng vào các định chế và dịch vụ cho
dân làm bộ máy hành chính cồng kềnh thiếu hiệu quả. Vì
vậy tuy dân Costa Rica được hưởng an sinh xã hội, y tế và
giáo dục tốt nhưng mức vay nợ mỗi đầu người khá cao.

<br><strong>7. Ghi chú</strong>

Trước Costa Rica, vài nước khác cũng không có quân đội hoặc
chỉ có các đơn vị bán quân sự nhưng Costa Rica là quốc gia
đầu tiên giải thể quân đội một cách chính thức qua Hiến
pháp. Một số các nước khác cũng theo chân, sau đây là một
danh sách tiêu biểu:

* Vài nước chỉ có Đơn vị bán quân sự (không có quân
đội):

- Monaco: bỏ quân đội từ thế kỷ 17, được nước Pháp bảo
vệ
- Iceland: bỏ quân đội từ năm 1869, là thành viên của NATO
- Costa Rica: giải thể quân đội qua Hiến pháp năm 1949
- Panama: giải thể quân đội qua Hiến pháp năm 1994
- Haiti: Quốc Hội loại bỏ quân đội năm 1995 nhưng không qua
Hiến pháp

* Vài nước hoàn toàn không có quân đội lẫn đơn vị bán
quân sự:

- Micronesia và Quần đảo Marshall: được Hoa Kỳ bảo vệ
- Samoa: được New Zealand bảo vệ
- Vatican: được nước Ý bảo vệ

Riêng Nhật bản tuy trên danh nghĩa không có quân đội qua Hiến
pháp nhưng thực chất Lực lượng Phòng vệ của họ là một
quân đội không có quyền tấn công và hoạt động ở nước
ngoài. Điều khoản này trong Hiến pháp do Hoa Kỳ và Đồng minh
áp đặt. Ngoài ra Nhật cũng dựa vào sức mạnh quân sự của
Hoa Kỳ.

<strong>PS</strong>: <em>Bác nào hiểu biết xin lý giải hoặc đưa
giả thuyết vì sao Figueres vốn thuộc giới dân sự lại không
tìm cách vào nghị trường bằng con đường bất bạo động mà
phải gây chiến, lập chính quyền quân phiệt rồi... giải thể
quân đội?</em>

<br><strong>8. Tham khảo</strong>

http://en.wikipedia.org/wiki/Costa_Rica
http://www.infocostarica.com/history/figueres.html
http://www.costaricalaw.com/legalnet/constitutional_law/constitenglish.html
http://en.wikipedia.org/wiki/Jos%C3%A9_Figueres_Ferrer
http://nobelprize.org/nobel_prizes/peace/laureates/1987/arias-bio.html
http://en.wikipedia.org/wiki/Esquipulas_Peace_Agreement
http://articles.latimes.com/2007/oct/08/business/fi-trade8
http://www.guardian.co.uk/environment/2009/jul/04/costa-rica-happy-planet-index
https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/cs.html
http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_without_armed_forces

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5648), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét