phải lo lắng cho nên hôm nay tôi mới có dịp bình tâm ngồi
viết những dòng này.
Thế là tôi đã trở về thăm nhà sau 3 năm xa cách. Mặc dù tin
rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp, ngồi trên máy bay tôi vẫn
thấp thỏm không yên. Tôi gặp một chút rắc rối. Tên tôi tự
dưng biến mất khỏi danh sách nên phải đi standby. Đến Đài
Bắc, có mấy tay mặt mũi bặm trợn đến ngồi ở các ghế
xung quanh, thỉnh thoảng liếc nhìn cười cười, khiến tôi
không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, sự căng thẳng cũng kích thích
trí tò mò cao độ. Nếu như có chút máu mạo hiểm trong
người, bạn sẽ hiểu vì sao có những người say mê trèo lên
vách đá hiểm trở hoặc đi xe một bánh trên cáp treo giữa các
toà nhà cao tầng. Họ nhất định phải làm như thế, nếu
không thì cuộc sống đối với họ sẽ trở nên vô vị.
Nhưng cuối cùng, chẳng có chuyện gì ghê gớm xảy ra. Tôi lại
được ôm hôn bố mẹ, được nằm trên chiếc giường thời
thơ bé. Gia đình chúng tôi đã sống trong ngôi nhà này 50 năm,
từ khi tôi còn chưa có mặt trên đời.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, công an chỉ quan tâm đến
những người tham gia các tổ chức chính trị. Những người
này sẽ bị giữ ngay ở sân bay hoặc được bí mật theo dõi.
Tôi không thuộc đối tượng ấy cho nên vẫn nhởn nhơ ra bắc
vào nam. Đôi khi còn cảm thấy bực bội bởi vì chẳng ai buồn
quan tâm đến mình.
Hà Nội thay đổi nhiều. Chỗ nào cũng mọc lên cao ốc, dải
phân luồng và đường hầm. Giá cả đắt hơn nhiều so với
ngày tôi ra đi. Được cái lần này về tôi gặp nhiều bạn
cũ. Có người đã 5, 10 năm giờ mới gặp lại. Có người vẫn
độc thân, người thì đã li dị. Trục trặc, ngoại tình, đổ
vỡ gia đình ở Việt nam đang là vấn nạn, (cho dù điều này
đem lại cho tôi niềm vui "tội lỗi" bởi có nhiều bạn cũ
để đi chơi). Các bạn đã kết hôn và sống một thời gian ở
nước ngoài, nếu định trở về VN cũng nên cân nhắc kỹ vấn
đề này. Môi trường hải ngoại che chở tổ ấm của bạn
tốt hơn nhiều đấy.
Nhưng điều tôi quan tâm hơn cả là người Vịệt trong nước
nghĩ gì? Liệu có cơ hội nào cho một sự "đổi mới toàn
diện" trên đất nước chúng ta hay không? Người sống lâu
năm ở nước ngoài thường cảm thấy bức bối khi nhìn về
Tổ Quốc. So với phương Tây thì ở VN chỗ nào cũng lộn xộn,
kém cỏi. Nhưng có vẻ như đa phần người trong nước không
nghĩ thế, hoặc là họ quá quen với những chuyện đó rồi.
Internet ở Việt Nam vẫn bị chặn. Nhà tôi đăng ký Internet
với VDC Hà nội thì không vào được danluan.org, x-cafevn.org,
talawas.de và có lẽ các trang khác như doithoai, ykien, danchimviet...
cũng vậy. Không dùng được google.com, yahoo.com. Lướt những
trang này sẽ tự động nhảy đến google.com.vn và yahoo.com.vn.
Dùng VDC Sài gòn thì tôi thấy các trang kia không bị chặn, tuy
google và yahoo thì tình hình vẫn vậy. Không rõ với các ISP
khác như Viettel, FPT có khác hay không. Tuy nhiên, không phải vì
thế mà người Việt không đọc được các thông tin trái
chiều. Phụ nữ, trẻ em, học sinh, sinh viên Việt nam ít quan
tâm đến các vấn đề thời sự. Nhưng đàn ông, đặc biệt
là tầng lớp trí thức và trung lưu thì theo dõi thường xuyên.
Những trang xem nhiều nhất có lẽ là BBC và RFA. Những trang
khác như x-café, danluan, danchimviet ít được biết đến hơn có
thể vì thiếu sự quảng bá hoặc thông tin chưa đủ chuyên
nghiệp, hoặc đôi chỗ thông tin chưa đủ chuyên nghiệp hoặc
là kiểm chứng. Những vụ việc lớn như PMU18, hay Tàu cao tốc
vừa rồi, đâu đâu người ta cũng bàn luận sôi nổi.
<h2>Nhưng người Việt nói chung chỉ bàn tán vậy thôi, ít khi
có những phản ứng tích cực. Tại sao vậy??</h2>
Tôi tạm thời chia các vấn đề ra làm 2 loại:
1) Loại có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các
cá nhân, tập thể hoặc tổ chức: ví dụ trù dập cá nhân,
bóc lột, lừa đảo, hành hung người lao động, người tiêu
dùng, người sản xuất v.v...
2) Loại có ảnh hưởng gián tiếp đến các đối tượng trên
hoặc các vấn đề vỹ mô của quốc gia: tham nhũng của công,
tham quyền cố vị, bè cánh chia chát quyền lực và bổng lộc,
quản lý và lãnh đạo thiếu dân chủ, thực thi các chính sách
có hại cho cộng đồng và quốc gia v.v…
Với loại 1, trước nay người bị hại vẫn lên tiếng tự
bảo vệ quyền lợi của họ. Các nhà báo cũng có những hỗ
trợ tích cực. Loại này thường dễ tìm kiếm bằng chứng, và
pháp luật cũng đứng về phía người bị hại, và không phải
là vấn đề quan tâm của entry này. Loại 2 mới thật sự phức
tạp, bởi là những vấn đề "cha chung không ai khóc", khó
kiếm bằng chứng hoặc động chạm đến quyền lợi trực
tiếp của những thế lực quá mạnh.
Trước nay, những người yêu nước thường kỳ vọng ở một
giải pháp triệt để, cải tổ tận gốc thể chế chính trị
theo hướng dân chủ hóa. Nếu được như vậy thì thật lý
tưởng. Tuy nhiên, dân chủ không chỉ là bầu cử với sự tham
gia của nhiều đảng phái. Dân chủ đích thực là sự tham gia
tích cực của toàn dân vào các vấn đề của quốc gia.
Sự phát triển của xã hội dân sự bằng cách hình thành các
nhóm lợi ích, theo như chủ trương của nhiều tổ chức chính
trị hết sức cần thiết, tuy nhiên chủ yếu sẽ vẫn chỉ
giải quyết các vấn đề loại (1), nghĩa là chỉ kích thích
phát triển được chủ nghĩa cá nhân, bè nhóm. Một xã hội
lành mạnh còn đòi hỏi người dân phải có tinh thần tập
thể cao, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề vỹ mô, dù
không trực tiếp dính dáng đến quyền lợi của mình.
Tôi cho rằng sự yếu kém, bất ổn ở các nền dân chủ châu
Á so với các đối tác ở châu Âu, bắc Mỹ chính vì lý do
này. Bất bình đẳng trong xã hội quá lớn kết hợp với sự
thiếu thốn nghiêm trọng tinh thần cộng đồng, quốc gia của
người dân khiến cho các nền dân chủ dễ dàng sụp đổ hoặc
bị thao túng bởi một số cá nhân, bè nhóm, (do các đối
tượng này kích động hoặc mua chuộc được những người
lãnh đạo các nhóm lợi ích hoặc một số nhóm dân).
Bất bình đẳng tôi muốn nói ở đây bao gồm bất bình đẳng
về thu nhập, quyền lực và cả bất bình đẳng trong ý thức
hệ. BBĐ về thu nhập và quyền lực cần được các nhà hoạt
định chính sách giải quyết. Tuy nhiên, bất bình đẳng trong
tư tưởng cần nhiều nỗ lực của giới trí thức, đặc biệt
là các nhân sỹ, đại trí thức, các cụ cao tuổi và những
người có địa vị uy tín cao trong xã hội, mà tôi sẽ gọi
tên chung là giới Trí thức tinh hoa, (Elite).
Sẽ rất khó để những người có thu nhập thấp tham gia ý
kiến vào các vấn đề vỹ mô. Giới thượng lưu cũng vậy,
bởi duy trì hiện trạng đem lại nhiều lợi ích cho họ. Nhưng
học sinh sinh viên, giới trí thức trung lưu, tuy không giàu có
nhưng cũng không quá nghèo, cũng chẳng mặn mà với các vấn
đề quốc gia, do mặc cảm tự ti, hoặc bởi tiếng nói của
họ không được tôn trọng đúng mức.
Nguyên nhân là do dường như toàn thể giới trí thức VN, (bao
gồm cả các Elite), đều cố gắng tạo ra những lằn ranh
đẳng cấp. Trong công việc chuyên môn, đã đành, ngoài xã
hội, ở những nơi công cộng, nơi truyền bá kiến thức phổ
thông, đâu đâu họ cũng muốn tạo ra sự khác biệt. Ở đâu
họ cũng muốn nói để người khác phải lắng nghe, muốn đề
xuất ý tưởng để người khác thực thi, muốn thể hiện tầm
quan trọng của mình càng nhiều càng tốt.
Ấy là chưa kể những "nỗ lực làm nản lòng người khác",
dù vô tình hay cố ý, nhấn mạnh đẳng cấp, tôn ti trật tự,
của những người trung gian. Đã hai lần, khi tôi tham gia tranh
luận với một người thành công hơn mình về một vấn đề
xã hội và khi bình luận về một Elite, một nhà báo và một
thành viên mạng Vietphd đã kéo tôi "trở về với thực
tại" bằng những lời đại loại như: "<em>Này chị, chị
thử nhìn lại xem mình là ai, chị là cái gì mà dám phát biểu
như vậy</em>". Đấy là một nhà báo và một nghiên cứu sinh,
những người được coi là đi nhiều, hiểu biết rộng mà còn
nghĩ như vậy. Có vẻ như tư duy: "<em>tri thức có tương quan
chặt chẽ với bằng cấp, địa vị, thành tích học
tập</em>" ăn sâu bén rễ trong trí não người Việt kinh khủng
lắm.
Trong một xã hội như vậy, sẽ rất khó để cho những người
trẻ tuổi, không nhiều bằng cấp, kinh nghiệm, những người
chưa thành đạt, tham gia ý kiến vào các vấn đề ít đem lại
lợi ích cho họ. Họ im lặng bởi không muốn mang tiếng thiếu
khiêm tốn, thích nổi trội, bởi "<em>nói nhiều, sai nhiều,
nói ít sai ít, không nói không sai</em>". Họ lẳng lặng bon
chen, học hành, phấn đấu bao giờ trở thành Elite hoặc tuổi
tác đủ cao phát biểu cũng chưa muộn. Có lẽ chính vì vậy,
đa phần những người tham gia tích ý kiến tích cực vào các
vấn đề xã hội là các nhà báo, các luật sư (do đặc thù
nghề nghiệp) và các cụ hưu.
Tôi không phủ nhận là có nhiều lý do lịch sử, truyền thống
văn hóa và cả chính sách xã hội khiến người Việt say mê
đẳng cấp đến thế. Tôi cũng không kỳ vọng đa số trí
thức trung lưu (những người chưa ở mức Elite) sẽ tích cực
tham gia vào quá trình bình đẳng hóa xã hội bởi những lý do
kể trên. Tôi cho rằng, ở đây cần nỗ lực chủ yếu từ
giới Elite, bởi những người này đã tương đối hài lòng
với địa vị của mình, không cần phải phấn đấu nhiều
nữa. Nếu các cụ không chìa bàn tay bình đẳng với những
đối tượng khác trong xã hội thì không ai làm được những
việc ấy.
Không phải vô lý mà cách mạng Pháp đề cao khẩu hiệu:
"<em>Tự do, Bình đẳng, Bác ái</em>". Không Bình đẳng, Bác
ái, thì không thể có Tự do được. Tôi cho rằng trước nay
giới Elite Việt nam, ngay cả những người có hoạt cộng đồng
tích cực, bình luận rất hay khẩu hiệu này, nhưng lời nói
của họ chưa thực sự đi đôi với việc làm.
Văn hóa bình đẳng có thể bắt đầu từ những hành vi rất
đơn giản, chẳng hạn như:
- Thể hiện trên bài viết hoặc bài phát biểu rằng tất cả
mọi người, bất kể tuổi tác, địa vị, bằng cấp đều có
thể có ý tưởng mới và hay về các vấn đề xã hội.
- Các hội thảo phổ biến kiến thức xã hội xếp ghế theo
hình tròn hoặc chữ U, không có sự phân biệt giữa các Elite
hoặc không.
- Các Elite chủ động liên hệ và mời những người trẻ,
người ít kinh nghiệm, không địa vị tham gia vào các hoạt
động và tuyệt đối tôn trọng những sáng kiến của họ,
không áp đặt ý kiến của mình.
- Trong mọi hoạt động cộng đồng luôn luôn nghĩ đến sự
công bằng về lợi ích và uy tín xã hội của tất cả các bên
tham gia.
- Tìm kiếm và phổ biến các kinh nghiệm giáo dục bình đẳng
ở các nước...
và nhiều điều khác nữa mà tôi chưa nghĩ ra, hi vọng mọi
người sẽ tiếp tục đề xuất.
Ngoài ra, các trung tâm phát triển văn hóa, các quỹ hỗ trợ
phát triển giáo dục, xã hội, chính trị và nhân quyền, nên
đầu tư nhiều hơn vào các đề án phát triển văn hóa bình
đẳng ở VN. Như trên đã khẳng định, không phải giới trí
thức VN không được tiếp cận các thông tin trái chiều, mà
họ không buồn tham gia vào các công việc "vác tù và hàng
tổng". Bởi vậy, trong bối cảnh hiện nay, các tổ chức này
không nhất thiết phải cố gắng tuyên truyền các vấn đề
nhạy cảm. Quan trọng hơn là phải tạo ra môi trường bình
đẳng về mặt tư tưởng. Một khi tư duy bình đẳng phổ biến
trong xã hội, người ta sẽ không có nhu cầu phải bon chen cật
lực để giành được địa vị cao, hoặc giàu có bằng mọi
giá, mà sẽ tích cực tham gia các vấn đề xã hội.
Đài truyền hình VN cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong
giáo dục bình đẳng. Ví dụ có thể tổ chức chương trình
"Đối thoại bình đẳng". Ban đầu, các cuộc thi sơ khảo để
chọn ra một số người có khả năng đối thoại không quá
tệ. Sau đấy những người đã vượt qua vòng sơ khảo có thể
tham dự đối thoại bàn tròn với 1 số Elite về các vấn đề
xã hội trên kênh truyền hình.
Dĩ nhiên, bình đẳng không phải là tất cả mà phải kết hợp
nhiều biện pháp khác. Tuy nhiên, tôi cho rằng tư duy bình đẳng
hết sức quan trọng trong lúc này, bởi đang là trở lực lớn
cho các tiến trình cải tổ xã hội.
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5785), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét