Lữ Tuấn - Từ Hà Nội đến Sài Gòn năm 1954 (tư liệu)

<div class="special_quote"><em><strong>Lời giới thiệu của Giao
Chỉ:</strong></em> Bài viết về năm di cư 1954 của tác giả Lữ
Tuấn được coi là một tài liệu cô đọng nhất để thế hệ
sau này hiểu rõ những gì đã xảy ra khi hiệp định đình
chiến Geneve được ký kết. Tác giả là một thanh niên Bắc
Kỳ di cư, nhập ngũ trường Võ Bị Đà Lạt, trải qua nhiều
đơn vị và cuối cùng đã tồn tại sau 7 năm tù lao cải. Ông
từ giã Hà Nội năm 1954 nhưng lại có dịp đi qua Hà Nội trong
một đêm chuyển trại tù từ Việt Bắc vào miền Trung. Với
những kỷ niệm đầy biến động và đau thương của cuộc
đời một thanh niên, tác giả ghi nhận từng chi tiết đoạn
đường đã trải qua với những nhận xét rất khách quan và
chính xác. Lịch sử luôn luôn đã có những ngã rẽ khác biệt
ảnh hưởng đến ngàn đời sau, bắt đầu từ một triệu
người từ Bắc vào Nam 1954 và tiếp theo là 130,000 di tản đợt
đầu năm 1975. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết
đầy dữ kiện lịch sử 50 năm về trước của Lữ Tuấn.

Giao Chỉ
San Jose. Tháng 7,2004</div>

Tháng 6 năm 1954 đúng 50 năm về trước, là lúc mọi người
trong vùng kiểm soát của chính phủ Quốc Gia ở Bắc Việt cực
kỳ lo lắng và hoang mang sau khi cứ điểm Điện Biên Phủ thất
thủ ngày 7 tháng 5 năm 1954. Nhiều tin đồn trái ngược càng
làm cho mọi người thêm sợ hãi. Khoảng 20 tháng 6, tại Nam
Định và các tỉnh phụ cận, có tin đồn được lan truyền
nhanh chóng nói rằng quân đội Pháp và quân đội Quốc Gia
Việt Nam (QGVN) sẽ rút khỏi Nam Định và các tỉnh phía Nam Hà
Nội. Từ hôm ấy, hàng loạt doanh trại được tháo gỡ vội
vàng, xe vận tải quân sự chở vật liệu nặng bắt đầu theo
nhau từ Bùi Chu, Ninh Bình, Thái Bình đổ về Nam Định cùng các
xe cộ từ Nam Định nối nhau đi Hà Nội. Kho đạn Nam Định cho
phá hàng loạt đạn súng cối và đạn pháo binh ở vùng đất
hoang phía tây thành phố.

<div class="boxright400"><img src="/files/u1/TuHaNoiDenSaigon1954b.jpg"
width="500" height="364" alt="TuHaNoiDenSaigon1954b.jpg" /><div
class="textholder">Hình chụp vào tháng 9 năm 1954 trên tàu USS
Bayfield với những Bắc di cư đang quan sát phố xá tại bến
tàu Saigon. Sau Hiệp Ðịnh Geneve, tàu USS Bayfield là một trong
những vận-chuyển hạm của Hải Quân Hoa Kỳ được giao phó
nhiệm vụ chở người tị nạn từ Bắc vào Nam. (HÌNH ẢNH:
Trung Tâm Quân Sử Hải Quân Hoa Kỳ)</div></div>
Bộ Tư Lệnh Pháp và chính quyền Bảo Đại không hề lên
tiếng về tình hình tại Bắc Việt. Bộ Chỉ Huy Pháp tại Nam
Định vẫn tiếp tục công việc chuẩn bị cuộc diễn binh hùng
hậu vào ngày quốc khánh Pháp, 14 tháng 7 năm 1954 mà họ đã
loan báo trước. Vào lúc này, đã có tin đồn ông Ngô Đình
Diệm sẽ về nước làm thủ tướng. Những truyền đơn đầu
tiên ký tên Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia ủng hộ ông Diệm
xuất hiện lác đác ở Nam Định.

Ba ngày cuối cùng phi cơ quân sự lên xuống liên tiếp. Khi đã
chuyên chở gần hết vật dụng và người, trạm hàng không
quân sự Nam Định bắt đầu cho mọi người tự do lên phi cơ
C-47 còn trống nhiều chỗ để đi Hà Nội.

Nam Định bắt đầu hoảng hốt thực sự từ ngày 28 tháng 6 khi
điện bị cắt. Thành phố tối mù. Nhiều người chen chúc mua
vé xe hoặc thuê xe di tản về Hà Nội. Nam Định là nơi số
doanh trại và binh lính dầy đặc nhất Việt Nam. Trước đó
từ 9 giờ khuya là giờ giới nghiêm, thành phố vắng vẻ không
một bóng người trên phố xá. Nay đột nhiên tất cả chìm
trong không gian đen thui, nhưng lại cựa mình mạnh hơn trong bóng
tối. Trên đường phố người ta đi lại đông đúc khác
thường quá cả giờ giới nghiêm.

Gia đình tôi lúc ấy đang ở một căn cư xá công chức nơi mẹ
tôi làm việc. Lúc 7 giờ sáng, một anh lính tống thư viên
người Pháp vào sở đưa một giấy báo di chuyển, ghi đúng số
người thuộc quyền sở này và gia đình nhân viên kể cả 4 gia
đình ở cư xá. Tất cả mau lẹ tập trung đợi xe. Sau đó
chừng 15 phút, một tiểu đội Bảo Chính Đoàn dẫn 4 xe vận
tải trưng dụng của tư nhân đến nơi và cho biết đúng 8 giờ
kém 15 mọi người phải có mặt đầy đủ trên xe.

Việc di tản có vẻ đã được chuẩn bị nhiều tuần lễ
trước đó. Số người ngồi trên xe thoải mái rộng rãi vì
không ai mang theo đồ đạc gì nhiều ngoài một vài chiếc valise
và túi xách tay gọn nhẹ.

<center><img src="/files/u1/hanoi06.jpg" width="500" height="335"
alt="hanoi06.jpg" /></center>
<center><em>Ðường phố Hà Nội, tháng 7 năm 1954. (HÌNH ẢNH: sưu
tầm)</em></center>

Lệnh di chuyển cho biết đoàn xe này phải qua trạm kiểm soát
phía bắc hướng đi Phủ Lý-Hà Nội vào khoảng giờ nhất
định mà tôi nhớ là sau 8 giờ và trước 8 giờ 10 phút. Lệnh
này cũng cảnh cáo nếu xe nào đến sớm quá hay muộn quá theo
giờ ấn định sẽ bị ủi ra khỏi mặt đường để tránh
nhiễu loạn giao thông.

Hồi đó tôi còn là học trò. Vội vàng xếp quần áo, hình
ảnh, giấy tờ cần thiết, cuống cuồng không biết phải mang
theo gì và phải bỏ lại món nào. Lúc còn chừng 25 phút, tôi
xin phép mẹ tôi chạy ra phố nói là để chào mấy thằng bạn.
Cô ruột tôi , người nuôi nấng tôi từ nhỏ không chịu vì
sợ tôi chậm trễ e sẽ kẹt lại. Nhưng mẹ tôi hiểu ý, mỉm
cười can thiệp nói, "Chị cứ cho nó đi, nó không dám về
muộn đâu."

Mẹ tôi thừa biết tôi đi đâu. Tôi đạp xe với tốc độ
không thua các tay đua vòng quanh Đông Dương, xẹt qua trước nhà
cô bạn mà tôi thương vụng nhớ thầm từ năm 17 tuổi và chưa
hề mở lời yêu đương.

Nàng đang ngồi chải tóc ở cửa sổ trên lầu. Không rõ nàng
có nhìn thấy tôi hay không, nhưng tôi vội vàng đánh bạo thu
hết can đảm hôn gió trên bàn tay phải ném về phía cửa sổ
rồi lao xe như gió về nhà, trước giờ xe chạy khoảng 10 phút.
Ở miền Bắc hồi ấy trai gái còn nhút nhát, phải can đảm
lắm mới dám làm như thế vì tôi linh cảm chuyến đi này sẽ
lâu lắm, có thể là cả đời. Sau này trong đời lính chưa bao
giờ tôi phải vận dụng can đảm cao độ như vậy dù gặp
nhiều tình thế rất khó khăn nguy hiểm.

Quân cảnh Pháp thi hành đúng giờ giấc như quy định. Tại
trạm kiểm soát Cổng Hậu, từng đoàn xe gồm năm mười chiếc
có lính hộ tống được cho khởi hành. Một vài xe đến muộn
phải đậu một bên đường chờ giải quyết sau. Trên đường
đi, tại mỗi cây cầu đều có một toán Công Binh đặt sẵn
chất nổ. Một trung sĩ Công Binh Việt Nam cho biết họ phải
phá nổ các cầu này khi đơn vị cuối cùng đi qua.

Buổi trưa đoàn xe chúng tôi đi đến Hà Nội. Gia đình tôi về
ở nhà người thân. Đêm hôm ấy thị xã Phủ Lý bị một sư
đoàn Việt Minh tấn công. Thành phố đã hư hại sẵn nay lại
chịu tàn phá gần hết những gì còn lại.

Cuộc rút lui này tuy tiêu biểu cho việc Pháp thua trận nhưng
lại là cuộc rút lui thành công. Dựa vào tài liệu của Pháp
và thực tế quan sát thấy tại chỗ, cho thấy Đại Tá Vanuxem
chỉ huy trưởng Phân Khu Nam đã điều động cuộc rút lui mau
lẹ, có trật tự với tổn thất nhẹ không đáng kể. Đoàn
quân rút lui vượt qua nút Phủ Lý trước khi bị địch đánh
chận.

Kế hoạch tỉ mỉ do bộ tham mưu Pháp bí mật soạn thảo, trong
đó chỉ có các sĩ quan từ đại úy mới được cho tham dự.
Mọi việc đánh máy, chuyển nhận công điện, văn thư tài
liệu đều do các cấp sĩ quan từ đại úy trở lên đích thân
thi hành. Bí mật được giữ đến phút chót. Chỉ có một
điều đáng tiếc là nhiều đội dân quân tự vệ ở nhiều
làng mạc các tỉnh vùng này kể cả quanh những trung tâm chiến
lược như Phát Diệm, Bùi Chu bị Pháp bỏ rơi. Nhiều dân quân
chạy không kịp bị Việt Minh bắt và giết hại.

Hà Nội vốn yên tĩnh, lúc đó đang sống thanh bình không nghe
tiếng súng. Những vũ trường, hàng quán sang trọng và độc
đáo với những thắng cảnh nổi tiếng đầy bóng dáng người
đẹp thướt tha. Cuộc di tản 4 tỉnh phía Nam làm cho đường
phố Hà Nội đông người thêm nhưng vẫn không mất vẻ mỹ
lệ của đất Thăng Long ngàn năm văn vật.

Lúc ấy hội nghị Geneve bắt đầu họp. Ai cũng thấy phe Cộng
Sản đang nắm ưu thế. Những người có quan tâm đều lo ngại
không biết sẽ đình chiến kiểu nào. Có thể là hai bên ngưng
bắn xen kẽ mà sau này năm 1972-73 người ta gọi là "giải
pháp da beo." Cũng có thể là chia đôi đất nước thành hai
miền Nam và Bắc. Người ta cũng bàn tán gay go về ranh giới
đình chiến sẽ nằm ở vĩ tuyến nào? Vĩ tuyến 13, 16 hay 19?

Đầu tháng 7, ông Diệm ra Hà Nội. Một số đông đảo dân
chúng chào đón ông, và nhiều người hy vọng vị nhân sĩ này
sẽ cứu vãn tình hình. Sau đó ngày 7 tháng 7 năm 1954 ông Diệm
chính thức nhậm chức thủ tướng. Ông thành lập Ủy Ban Bảo
Vệ Bắc Việt. Các đoàn thể, đảng phái chống Cộng đều
ủng hộ đường lối này. Nhiều sĩ quan, binh sĩ cũng sẵn sàng
tham gia việc phòng thủ lãnh thổ phe quốc gia đang nắm giữ.
Một số đông đảo đặt niềm hy vọng lớn lao vào sự trợ
giúp của Hoa Kỳ thay thế người Pháp.

Nhóm chúng tôi là đảng viên Đại Việt và Quốc Dân Đảng
đều hăng hái tham gia tuyên truyền vận động ủng hộ chủ
trương giữ Bắc Việt. Đêm đêm, chúng tôi đi ném truyền đơn
ở khu Hồ Tây, Cổ Ngư, Ngọc Sơn và nhiều nơi khác kể cả
những nơi có lính Pháp lui tới. Hà Nội bắt đầu có không
khí căng thẳng và phảng phất mùi chiến tranh.

Đường phố Hà Nội về khuya lần đầu tiên có những bóng
dáng cảnh sát võ trang súng trận Mas-36 và quân phục tác chiến
đi tuần tiễu. Nhưng các cơ sở dân sự cơ yếu và doanh trại
quan trọng của quân đội Quốc Gia Việt Nam đều thấy có lính
Maroc hoặc da đen canh gác, rõ ràng là Pháp đang phòng ngừa
chính biến chống lại họ.

Ngày 14 tháng 7, quân đội Pháp tổ chức diễn binh ờ Bờ Hồ
phía Tòa Thị Chính. Thông cáo và bích chương của Pháp vẽ
hình nắm đấm được thấy khắp nơi. Pháp giải thích rằng
rút 4 tỉnh phía Nam là bàn tay trước kia xòe ra nay nắm lại
để đánh mạnh hơn. Tất nhiên ít ai tin vào luận điệu này.

Đám học sinh chúng tôi từ Nam Định chạy về nhiều đứa
tình nguyện vào Khóa 5 Sĩ Quan Trừ Bị và lục tục lên
đường khoảng trước ngày 15 tháng 7 năm 1954. Phần còn lại
thường tìm gặp nhau trao đổi tin tức và bàn luận về tình
hình đất nước.

Chiều 21 tháng 7 năm 1954 khi bọn tôi đang tụ họp thì có tin
trên đài Con Nhạn (Hirondelle) của quân đội Pháp vang lên lời
loan báo "Hiệp Định Đình Chiến đã được ký kết." Tờ
báo của quân đội Pháp cũng đăng câu ấy trên trang nhất
bằng chữ lớn. Mọi người bàng hoàng dù biết trước thế
nào việc này cũng sẽ đến. Báo này cho hay đất nước phân
chia ở sông Bến Hải, Vĩ Tuyến 17.

Tân Thủ Tướng Pháp Mendès-France nhậm chức ngày 17/6/54, đã
tuyên bố rằng ông ta sẽ từ chức nếu không đạt được
thỏa hiệp trước ngày 20 tháng 7 năm 1954. Vì thế hiệp định
Geneve về Đông Dương được ký lúc sáng sớm ngày 21 nhưng nhà
cầm quyền Pháp đã cho đồng hồ ngưng chạy từ đêm trước
để làm như lúc ấy vẫn còn là ngày 20. Tại Việt Nam thời
điểm này là trưa ngày 21.

Hà Nội liền thay đổi rõ rệt. Niềm hy vọng giữ Bắc Việt
lịm tắt dần và dân chúng nóng lòng về tin tức sẽ có cuộc
di cư. Một số bài trên báo chí đang từ thái độ chống cộng
quay dần sang ủng hộ Việt Minh. Người các tỉnh đổ về Hà
Nội đông đảo. Cán bộ Việt Minh cấp thấp ra vào Hà Nội
dễ dàng. Đồ chơi trẻ em bày bán trước dịp Trung Thu có
những chiếc máy bay, xe thiết giáp, xe chở lính, tàu thủy
được sơn cờ đỏ sao vàng. Các cơ quan an ninh chẳng ai thèm
để ý.

Một số cán bộ Việt Minh quen biết gia đình tôi đến thăm và
khuyên gia đình tôi nên ở lại nhưng mẹ tôi và tôi đã dứt
khoát ra đi. Sau đó 4 tháng, chúng tôi gặp lại vài người trong
số cán bộ này ở Sài Gòn. Chính họ cũng đã mau chóng nhận
rõ thực chất của Cộng Sản và kịp thời ra đi trước khi
cảng Hải Phòng đóng cửa tháng 3 năm 1955.

Những gia đình chuẩn bị di cư đem đồ đạc bày bán dọc bờ
hồ Thiền Quang làm thành một thứ chợ trời. Một buổi sáng
sớm khi những người đầu tiên đang lục tục khuân đồ đạc
đến chợ thì thấy có một lá cờ đỏ sao vàng treo trên tàng
cây cao chừng ba bốn mét. Một thanh niên nổi nóng trèo lên
giật lá cờ ném xuống đất.

Một trung tá người Pháp đi bộ ngang qua hung hăng can thiệp,
lớn tiếng đại ý nói đó là quốc kỳ của một nhà nước,
không được xúc phạm. Ông ta không ngờ những người bán chợ
trời đều không ưa lá cờ máu ấy. Thế là xô xát xẩy ra,
kết quả viên trung tá bị trọng thương vì gạch đá gậy gộc
cho đến lúc xe quân cảnh Pháp cấp cứu.

Tin tức về di cư được loan báo chính thức vào đầu tháng 8.
Nhiều nhà giầu đã đi vào Nam bằng phương tiện riêng. Đại
đa số còn lại đợi ghi danh di cư bằng phi cơ và tàu biển.
Trong nhóm chúng tôi từ Nam Định lên, phần đi Khóa 5 Thủ
Đức, số còn lại một phần tham gia đoàn cán bộ xã hội
được gửi vào Nam để phụ trách các trại tiếp cư do Bộ Xã
Hội thiết lập. Tôi ở trong số này. Buổi chiều ngày 11 tháng
8 năm 1954 bốn đứa bọn tôi đi bộ thăm tất cả các di tích
và thắng cảnh quanh Hà Nội lần cuối.

Sáng sớm 12 tháng 8 khi qua cửa kiểm soát phi trường Gia Lâm,
một trung úy Nhảy Dù người Pháp hỏi chuyện chúng tôi vì
thấy 25 đứa trong đoàn cán bộ xã hội toàn là thanh niên còn
trẻ. Sau khi nghe chúng tôi nói rõ lập trường và mục đích ra
đi, ông ta nắm tay chúng tôi giọng xúc động nói rằng,
"Nước Pháp đã liên tiếp sai lầm để các bạn chịu hậu
quả đau đớn hôm nay." Nói xong không ai ngờ viên trung úy
trẻ dưới 30 này bật khóc, nước mắt chảy dài trên má.

Chúng tôi cũng cảm động tuy nhiên vẫn còn cầm được nước
mắt. Nhưng khi phi cơ lượn một vòng lấy cao độ, tất cả
đều ngó xuống. Giữa tấm thảm mây mưa xám xịt che kín bên
dưới phi cơ có một khoảng trống vuông vắn hiện ra Hồ Gươm
và 36 phố phường. Cảnh tượng tuy tầm thường nhưng lại gây
xúc động mạnh, khiến đứa nào cũng rưng rưng nước mắt.
Đây là lần chúng tôi vĩnh biệt Hà Nội. Vĩnh biệt miền
Bắc.

Sau những giờ bay dài phi cơ đến Tân Sơn Nhất, cảnh những
con rạch đỏ ngầu giữa hai hàng dừa xanh làm chúng tôi tươi
vui hơn. Được đưa về nhận việc tại trại Bệnh Viện Bình
Dân dưới quyền Bộ Xã Hội, ngày hôm sau chúng tôi được
phân phối đi các trại tiếp cư khắp Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia
Định. Đợt đầu tiên đồng bào di cư bằng cầu vận chuyển
của chính phủ và các nước trợ giúp đã vào Sài Gòn từ
đầu tháng 8 năm 1954.

Nhờ vào dịp hè, các trường học vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia
Định được trưng dụng để đón nhận người di cư đến
bằng phi cơ quân và dân sự, các quân vận hạm Mỹ như Marine
Serpent và Marine Addler, các mẫu hạm Anh và Pháp. Trại tiếp cư
lớn nhất vùng Sài Gòn là trại Phú Thọ Lều (sát trường đua
Phú Thọ, gồm hàng trăm lều vải lớn mỗi lều chứa bốn năm
gia đình do quân đội Mỹ dựng. Gọi là Phú Thọ Lều để
phân biệt với trại Học Sinh Di Cư Phú Thọ ở gần kế đó.
Trại Phú Thọ Lều chứa trên 10 ngàn người.

Trợ cấp tiền mặt một ngày cho mỗi người lớn 12 đồng,
trẻ em 6 đồng, dư để ăn ba bữa tươm tất. Lúc ấy một bát
phở hay một tô hủ tiếu giá 3 đồng, một bữa cơm ở quán
ăn xã hội hai món canh và mặn giá 5 đồng. Chai bia 3 đồng kể
cả nước đá, một gói thuốc lá Ruby 8 đồng. Lương giáo viên
tiểu học khoảng hơn 4,000 đồng, lương trung sĩ 2,200 đồng,
lương cán bộ ngang lương thấp là 1,500 đồng. Một căn nhà
gỗ lợp tôn 4×20 mét ở mặt đường khoảng chợ Hòa Hưng giá
chừng 30,000 đồng.

Đời sống trong các trại tiếp cư rất đa dạng. Sống chật
chội chung đụng và ồn ào, làm nảy sinh nhiều vui buồn,
đụng chạm, kết bạn, rã bạn, tạo ra những mối tình ái
lăng nhăng xấu tốt đủ cỡ đủ kiểu. Những cảnh âu yếm
giao tình nặng nhẹ bên bờ bụi gần trại trong đêm khuya vắng
vẻ của trai gái, vợ chồng đủ lứa tuổi, là những nét sinh
hoạt rất sống động có đủ vui, buồn, yêu, giận, phát khóc
và nực cười.

Từ tháng 8 năm 1954, mỗi ngày có trung bình hàng ngàn người
từ Hà Nội và Hải Phòng vào Sài Gòn bằng đường hàng không
và nhiều ngàn người mỗi tuần bằng tàu chiến. Công việc
định cư được tiến hành song song và khẩn thiết. Phủ Tổng
Ủy Di Cư lúc ấy đã thay thế bộ Xã Hội trong nhiệm vụ
chuyên biệt này.

Thời gian tạm cư kéo dài đến cuối năm 1954 và các trường
học được trả lại cho học sinh. Trại Phú Thọ Lều giải
tán. Người di cư theo nhau đi định cư khắp nơi, ở nhà tư
hoặc ở các trại định cư khắp các tỉnh. Tính đến chuyến
tàu sau cùng tháng 3 năm 1955 có khoảng 950,000 người từ bắc
Vĩ Tuyến 17 di cư vào Nam.

Nếu tính theo giấy tờ, con số này có thể lên tới hơn 1
triệu vì có sự gian lận sổ sách của một số viên chức cán
bộ lợi dụng thủ tục khai và lãnh tiền trợ cấp dễ dàng.
Và không phải 90% người di cư là tín đồ Công Giáo như nhiều
người nhận định. Số đồng bào Công Giáo di cư có lẽ chỉ
chiếm khoảng 70% tổng số.

Một điểm đáng ghi nhận là đáng lẽ số người di cư còn cao
hơn nữa nhưng vì vụ tướng Nguyễn Văn Hinh chống ông Diệm
và những cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng
Bình Xuyên đầu năm 1955 ở Sài Gòn nên nhiều người Bắc
không dám vào Nam. Tin tức về vụ này làm một số rất nhiều
người đã định ra đi nhưng vì e ngại loạn lạc mà đổi ý.

Nói chung, sự xuất hiện của ông Ngô Đình Diệm và thái độ
can dự của người Mỹ đã gây được tin tưởng trong một số
đông đảo người miền Bắc khiến họ yên tâm vào Nam. Đại
đa số thành phần trí thức, chuyên viên cao cấp như kỹ sư,
bác sĩ, chuyên viên trung cấp, thợ giỏi, đã rời bỏ đất
Bắc khiến chính quyền ông Hồ Chí Minh gặp khó khăn lớn trong
mục tiêu xây dựng một đội ngũ chuyên viên kỹ thuật mà họ
cho là xương sống của nền kinh tế và khoa học kỹ thuật Xã
Hội Chủ Nghĩa.

Cuộc di cư năm 1954 tạo ra những thay đổi sâu rộng trong lịch
sử Việt Nam. Xin ghi lại một vài sự kiện nổi bật xảy ra
và những nét đặc biệt của cuộc di cư sau Hiệp Định Geneve
1954 điển hình tại vùng thủ đô Sài Gòn.

Trước hết phải nhìn nhận cuộc di cư đã giúp hàn gắn
những chia cách đáng buồn giữa hai miền trong nước. Tình
trạng chia rẽ do hậu quả của những năm dài dưới chế độ
thuộc địa Pháp đã tiêu tan mau chóng. Những dị biệt về
phong tục, ngôn ngữ vì ngăn cách, lâu ngày được san bằng
gần hết. Những ngăn cách và hiểu lầm còn lại không gây
hậu quả nào nghiêm trọng. Về mặt chính trị và xã hội, sau
nhiều biến chuyển và chiến tranh, cuộc di cư vĩ đại năm 1954
đã góp phần thay đổi bộ mặt bề ngoài cũng như nếp sống
của dân chúng đến chỗ tốt đẹp, phong phú hơn.

Trước tháng 10 năm 1954, chính quyền địa phương còn gần y
nguyên như thời Pháp Thuộc. Văn thư, giấy tờ, tên công sở,
phố xá còn dùng tiếng Pháp. Từ khi chính phủ Ngô Đình Diệm
nắm toàn quyền sau những âm mưu đảo chánh bất thành, luật
lệ được thi hành nghiêm chỉnh. Nhiều cải cách hành chánh
đã làm giảm hẳn nạn giấy tờ nhiêu khê. Văn thư, giấy tờ
đều bắt đầu dùng tiếng Việt. Xin Tư Pháp Lý Lịch bây giờ
chỉ mất một tuần thay vì đợi 3 tháng. Xin chứng nhận bản
sao đợi lấy ngay hay sau vài giờ thay vì một tuần lễ. Các
cuộc cải tổ mạnh mẽ được tiến hành có kết quả tốt
nhờ phần nào ở sự ủng hộ tích cực của đồng bào di cư
đối với chính phủ.

Cuộc đổi tiền Đông Dương thành tiền Việt Nam năm 1955 trong
3 ngày không giới hạn số lượng là một đòn bất ngờ vô
hiệu hóa hàng tỷ bạc Đông Dương mà chính quyền Hồ Chí Minh
thu gom được ở miền Bắc vì họ không kịp chuyển vào Nam
để đổi lấy tiền miền Nam mới. Đợt đổi tiền này cũng
chấm dứt luôn thói quen tiêu dùng coi nửa tờ giấy bạc 1
đồng như 5 cắc (hào). Khi cần xài hay trả lại 5 cắc, chỉ
cần xé đôi tờ giấy bạc một đồng. Đành rằng tập tục
này không áp dụng cho những giấy bạc mệnh giá trên một
đồng.

Lúc ấy ảnh hưởng tuyên truyền của Cộng Sản rất mạnh ở
nam phần ngay tại Sài Gòn. Nhiều người mở đài Hà Nội công
khai mà không ai bắt bớ. Nhiều người miền Nam ít hiểu biết
về thực tế Cộng Sản đã thật thà hỏi mấy đồng bào di
cư mới gặp gỡ rằng "Ngoài Bắc đã độc lập rồi, mấy
thầy cô dô đây làm chi?" Do đó đã xẩy ra một số đụng
chạm nhỏ trong tháng đầu. Dần dần đồng bào miền Nam mới
nhìn đồng bào di cư một cách có thiện cảm hơn.

Trong bối cảnh ấy, lực lượng học sinh di cư đã dẫn đầu
cuộc biểu tình vào dịp 20 tháng 7 năm 1955 đòi tống xuất các
đoàn đại biểu của quân đội Cộng Sản từ Hà Nội trú
đóng tại hai khách sạn Majestic và Galliéni (đường Trần Hưng
Đạo). Khi bị khiêu khích, cuộc biểu tình biến thành bạo
động, gây thiệt hại nặng cho hai khách sạn nhưng không có
thương vong quan trọng. Những hành vi cương quyết của quần
chúng khiến bọn thân Cộng Sản không còn nhởn nhơ tuyên
truyền bán công khai như trước.

Người di cư tiếp xúc, trao đổi với dân chúng địa phương
mau chóng tạo ra những hiểu biết và thông cảm. Về kinh tế
thương mại, người Bắc vào Nam đã mở mang thương trường, ra
các cửa hàng nhất là hàng ăn. Năm 1954 hầu hết cửa tiệm ăn
do người Hoa kinh doanh, và họ dành độc quyền ngành lúa gạo
cũng như các sạp thịt ở mọi chợ. Đời sống dễ dàng ở
miền Nam khiến người Việt ít muốn cạnh tranh, ngay như ngành
công chức cũng không hấp dẫn nhiều người. Bà con lao động
xích lô kiếm đủ tiền tiêu trong ngày nhiều khi đẩy xe lên
lề dưới bóng cây làm một giấc, khách gọi mấy cũng từ
chối. Cách biệt giầu nghèo ở Nam Việt lúc ấy rất ít.

Các tầng lớp dân di cư cần cù chịu đựng tham gia thị
trường lao động đã làm cho đời sống kinh tế miền Nam lên
cao nhưng lại buộc mọi người phải làm ăn chăm chỉ hơn.
Một số người địa phương không hài lòng vì nếp sống thong
thả lè phè cũ đã mất đi không còn trở lại.

Trang phục phụ nữ hai miền khác nhau, nổi rõ nhất là giới
nữ sinh trung học tuổi đôi tám. Nữ sinh Hà Nội làm dáng sớm
hơn, quần hẹp, áo dài nở vòng số một. Nữ sinh Sài Gòn vận
quần trắng rộng, áo bà ba trắng nhiều hơn áo dài được may
vòng số 1 tương đối phẳng phiu có lẽ vì đó là cách tỏ ra
là con nhà nghiêm túc. Sau hơn một năm các cô hai miền tự
nhiên hòa hợp cách ăn mặc, bọn thanh niên sinh viên học sinh
chúng tôi không còn phân biệt được gốc gác các cô qua y
phục nữa. Điều quan trọng và dễ thương hơn hết là những
câu chuyện tình Bắc duyên Nam đã nhiều khi hóa giải rất
nhiều cho những mâu thuẫn văn hóa chính trị.

Các trường phía Bắc di chuyển vào Sài Gòn giữ gần y nguyên
ban giám hiệu và tổ chức riêng. Từ Hà Nội vào, Chu Văn An
tiếp tục tại cơ sở cạnh Petrus Ký. Trưng Vương học chung cơ
sở nhưng khác giờ với Gia Long… sau hai ba năm mới ra học ở
các cơ sở riêng trước Thảo Cầm Viên. Mấy năm sau nữa thì
học sinh gốc hai miền dần dần pha trộn.

Chuyện đáng nhớ là năm 1955 học sinh Bắc vào Nam và các bạn
gốc miền Nam mở chiến dịch phá bỏ tên đường tiếng Pháp.
Nhờ đó mà việc đặt tên đường mới, vốn là việc mất
nhiều công sức, đã được Tòa Đô Chánh Sài Gòn thực hiện
trong vòng khoảng một tháng.

Về mặt văn hóa và báo chí, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo từ
Bắc vào Nam đã hòa hợp với đồng nghiệp miền Nam tạo ra
sinh khí mới, lối viết và văn phong, sắc thái trong sáng, có
sức truyền đạt hơn. Sau một thời gian ngắn người đọc
chỉ có thể nhận thấy một số khác biệt ít ỏi giữa bài
vở sách báo do các tác giả gốc từ các miền khác nhau viết
ra.

Đặc biệt là về tân nhạc, lớp nhạc sĩ và ca sĩ cũng như
những người yêu nhạc từ miền Bắc vào Nam đã lôi cuốn
được phong trào âm nhạc mới phát triển mạnh để tiến
đến tới cao điểm nghệ thuật ca nhạc trong các thập niên
sau. Và ngược lại số người Bắc di cư hâm mộ ca nhạc kịch
cải lương cũng gia tăng nhiều.

Về mặt ăn chơi, sự thay đổi rõ rệt hơn. Sòng bạc Kim Chung,
Đại Thế Giới, khu mại dâm Bình Khang bị đóng cửa đầu năm
1955. Giữa năm 1954 cả Sài Gòn hình như chỉ có 2 hay 3 tiệm
phở Bắc. Chỉ sau vài tháng số tiệm phở tăng đến hàng
chục. Các quán cà phê cũng lục tục ra đời cùng với các
ngành buôn bán khác. Các xuất gọi là phụ diễn tân nhạc
trước khi chiếu phim chính ra đời dần dần tiến đến những
buổi trình diễn âm nhạc chuyên nghiệp gọi là "nhạc hội"
giúp vào việc phổ biến âm nhạc sâu rộng hơn. Trước đó
hoạt động âm nhạc chỉ được biết qua các chương trình ca
nhạc và các cuộc thi hát, tuyển lựa ca sĩ của các đài phát
thanh quốc gia, đài quân đội và đài Pháp Á cùng hai đài Huế
và Hà Nội.

<div class="boxleft400"><img src="/files/u1/TuHaNoiDenSaigon1954c.jpg"
width="500" height="353" alt="TuHaNoiDenSaigon1954c.jpg" /><div
class="textholder">Hình chụp tại Saigon vào tháng 10 năm 1954 trong
một trại định cư với hàng trăm căn lều. Lúc đó, một trong
những trại định cư lớn nhất ở Saigon là trại Phú Thọ
Lều được thiết lập tại Quận 10 sát bên trường đưa Phú
Thọ. Trại này có lúc đã chứa đến 10,000 người di cư. (HÌNH
ẢNH: sưu tầm)</div></div>
Ngôn ngữ hai miền sau cuộc di cư cũng thay đổi và pha trộn
về từ ngữ tuy vẫn giữ những nét độc đáo của từng vùng
mà không lai giọng. Điểm đáng lưu ý là sau nhiều năm gia
đình gốc gác miền Bắc di cư có con cái đứa thì nói giọng
địa phương (Nam hay Trung), đứa thì nói giọng Bắc, đứa thì
nói cả hai ba giọng tùy theo môi trưởng xóm giềng và trường
học. Nhưng không mấy ai nói lẫn lộn cùng một lúc các giọng
khác nhau.

Về mặt đời sống xã hội, người di cư dần dần và chậm
chạp chịu ảnh hưởng bởi lối sống phóng khoáng, chân thật,
thẳng thắn của dân miền Nam. Sau một thế hệ, tính nết
người Bắc di cư khác hẳn tính nết của đồng hương của
họ còn ở lại quê nhà. Đến sau 30 tháng 4 năm 1975 người ta
càng thấy điều này rõ rệt hơn khi gặp đợt Bắc Kỳ mới
vào Nam.

Trong đời sống tinh thần, có hai sự kiện đáng nhớ trong
thời gian ấy. Một là trước ngày Việt Minh tiếp thu Hà Nội
thì chùa Một Cột, di tích quý báu nhất của Việt Nam bị kẻ
vô danh phá bằng chất nổ. Rất may chùa chỉ hư hại một góc.
Nghe tin ấy chúng tôi đều hết sức buồn phiền. Hai là giữa
lúc nhịp độ di cư đang lên cao thì Hoàng Dương, em nhạc sĩ
Hoàng Trọng cho ra đời ca khúc Hướng Về Hà Nội với lời ca
tha thiết "Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi… mái
trường phượng vĩ dâng hoa, dáng chiều ủ bóng tiên nga…
biết đâu ngày ấy anh về." Ca khúc này khiến lứa tuổi 18,
19 chúng tôi cảm thấy rõ điều mà các văn thi nhạc sĩ gọi
là "tan nát cõi lòng."

Dĩ nhiên trong ngót một triệu người Bắc di cư có đủ mọi
thành phần tốt xấu kể cả đầu trộm đuôi cướp, quan lại
tham nhũng, trọc phú bất lương, tay sai thực dân và nội tuyến
Cộng Sản. Nhưng so với số các phần tử tinh hoa của xã hội,
số người yêu nước, chuyên viên giỏi các loại, các nhân sĩ,
trí thức, chiến sĩ quốc gia chân chính, thì những phần tử
xấu xa nói trên chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ bé.

Một số người cho rằng người miền Bắc di cư đã là chứng
nhân lịch sử khiến đồng bào miền Nam hiểu rõ bản chất
của chế độ Cộng Sản. Điều đó có thể đúng một phần
nhỏ. Phần quan trọng hơn là chính vì thực tế những đường
lối mà Cộng Sản thi hành tại miền Nam tại nông thôn từ
khoảng năm 1961 trở đi. Từ đó họ đã thấy rằng chế độ
Cộng Sản đi ngược lại quyền lợi và sự an hòa của nhân
dân ta nhất là giai cấp nghèo khổ ở nông thôn.

Tôi và các bạn cùng lứa tuổi di cư vào ở miền Nam gần 40
năm tính đến năm 1990 qua di trú sang Hoa Kỳ. Tuy sinh ra trên
đất Bắc nhưng chỉ ở Bắc dưới 20 năm trong đó mới biết
chuyện đời được dăm ba năm. Vì thế chúng tôi có hai miền
quê quán. Quê quán thứ nhất ở miền Bắc còn ở trong tim
nhiều hơn. Quê quán thứ hai ở miền Nam sau ngày di cư năm 1954
mới thực sự chứa đựng nhiều vui buồn, yêu thương, giận
dỗi, vinh quang và tủi nhục vì trải qua quãng đường đời
dài 40 năm với biết bao nhiêu là kỷ niệm.

HẾT

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5806), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét