Ghi âm phần xét hỏi buổi sáng ngày 14/10/2008 đối với nhà báo Chiến (vụ khởi tố tướng Quắc)

<div class="special_quote">Xin mời độc giả quan tâm tải xuống
đoạn băng ghi âm ở địa chỉ sau:

http://www.x-cafevn.org/forum/files/Hai-Chien.MP3

Sau khi bóc băng, tôi có một thắc mắc hết sức ngây thơ là
phóng viên Nguyễn Việt Chiến cuối cùng bị kết tội lộ bí
mật Nhà nước hay tội nói dối - vu khống? Lộ mật thì có
vẻ là không phải, bởi có nhiều báo đăng tin mật này trước
cả báo Thanh Niên. Mà nếu lộ mật thì ông Quắc, người chịu
trách nhiệm chính trong việc giữ bí mật, phải chịu tội
nặng nhất. Nói dối thì hình như Tòa không chứng minh được.

Nếu phải ra trước một phiên tòa mà Tòa tìm mọi cách gán
tội cho bị cáo, thay vì cho bị cáo cơ hội giải trình nhằm
làm sáng tỏ sự vô tội của mình như thế này, tôi xin nhận
tội cho đỡ mất thời gian của hai bên. Ý nghĩa đi tìm công
bằng và công lý trong phiên tòa còn đâu nữa.

Điều đáng chú ý là nhà báo Nguyễn Việt Chiến là người duy
nhất không phải Đảng viên trong 4 bị cáo của phiên tòa. Theo
gợi ý của VKS, phóng viên Chiến sẽ nhận án từ 24-30 tháng
tù giam, trong khi người cung cấp thông tin mật hoặc sai sự
thật là ông Quắc có thể nhận án treo hoặc cảnh cáo. Để
xem kết thúc phiên toà vào ngày mai, bản án chính thức sẽ ra
sao...</div>

<h2>Phần tòa hỏi phóng viên Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh
Niên)</h2>

<em>- Bị cáo Chiến khai tất cả những trích đoạn, những bài
báo ở trong cáo trạng đã nêu, và những bài này đã được
đăng trên báo Thanh Niên, bị cáo đã được tống trạng cáo
trạng, được nghe cáo trạng rồi đấy, bị cáo có xác nhận
rằng tất cả các bài báo này do bị cáo viết không?</em>

- Dạ thưa Tòa là đúng ạ.

<em>- Đúng. Thế nội dung các bài báo này tập trung viết về
cái gì?</em>

- Thưa quý Tòa, tôi xin khẳng định trước tòa là tất cả
thông tin trong 14 trích đoạn trong cáo trạng là những thông tin
tôi thu thập trực tiếp từ những cán bộ có trách nhiệm trong
cơ quan điều tra, từ các cán bộ của cơ quan chuyên án trong
thời gian diễn ra vụ án PMU18, và những trích đoạn này có
nội dung viết về những vụ chạy án, về tham nhũng của PMU18.

<em>- Căn cứ vào đâu mà bị cáo lại có những số liệu để
viết bài, thế rồi có những cái bình luận, những cái phân
tích như là trong các trích đoạn này?</em>

- Dạ thưa báo cáo với quý Tòa là toàn bộ 14 cái trích đoạn
đấy là những đặc trưng của thông tin và tôi xin báo cáo
với Tòa là [nhấn mạnh] không hề có phân tích, không hề có
bình luận. Đây chỉ là những đoạn trích ngắn về thông tin,
và thưa quý Tòa là những số liệu này, báo cáo với Tòa, đã
được đăng tải trên các tờ báo, rất nhiều các tờ báo vào
thời điểm diễn ra vụ PMU18. Trong các bài viết của tôi, tôi
đều có tổng hợp từ rất nhiều nguồn tin, từ báo giấy,
báo điện tử, nguồn tin của các cơ quan chức năng, sau đó
tôi dùng thông tin đã kiểm chứng lại qua một số cán bộ
của C14, sau đó mới đăng báo.

<em>- Thế quan hệ với các cán bộ ở C14, trực tiếp là quan
hệ với ai?</em>

- Báo cáo với quý Tòa là tôi đã làm ngành Nội chính, theo dõi
ngành Nội chính đã gần 20 năm, cho nên mối quan hệ của tôi
với ngành công an cũng là tương đối quen biết. Các nguồn
thông tin mà tôi sử dụng trong các bài viết của tôi gồm các
nguồn thông tin từ C14 Bộ Công An và Tổng cục Cảnh sát Bộ
Công An. Trong những thông tin này thì ở C14 tôi có trực tiếp
trao đổi thông tin - trao đổi trực tiếp và trao đổi qua
điện thoại - với thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, cục
trưởng; đại tá Trần Trọng Lượng, phó cục trưởng, trung
tá Lê Đức Vinh...

<em>- [cắt ngang] ah thôi</em>

- [tiếp tục] cán bộ ban chuyên án...

<em>- [cắt ngang] Thế từ cục trưởng Phạm Xuân Quắc, bị cáo
đã lấy được những tin gì?</em>

<div class="boxright200"><div class="quotebody"><div class="quoteopen"><img
class="quoleft" src="/misc/quoleft.png"/></div>30 năm làm báo, trong đó
20 năm chuyên viết về nội chính. Tôi đã nhiều lần có mặt
tại phòng xử án này. Các thẩm phán ngồi kia chắc cũng không
lạ gì tôi. Với lương tâm của một nhà báo, tôi khẳng định
không có mục đích nào xấu khi viết bài về PMU 18. Mong các
vị hãy minh oan cho tôi<img class="quoright" src="/misc/quoright.png"/>
<br class="quoteclear"></div><div class="quoteauthor">» Nguyễn Việt
Chiến</div></div>
- Dạ thưa báo cáo quý Tòa, trong 14 trích đoạn thông tin thì
toàn bộ có thể nói tôi đã kiểm tra thông tin qua thiếu
tướng Phạm Xuân Quắc. Một số thông tin khác bổ trợ là
một số cán bộ lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát như phó Tổng
cục trưởng tổng cục Cảnh sát Phạm Quý Ngọ, phó Tổng cục
trưởng Cao Ngọc Óanh, phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hòa Bình
và đồng chí Trần Văn Thản Tổng cục trưởng cũng cung cấp
các thông tin bổ sung cho tôi khi tôi dùng thông tin của anh Quắc
kiểm chứng lại với bên Tổng cục Cảnh sát.

Thưa quý Tòa là tôi đã nộp lại cho cơ quan điều tra rất
nhiều cuốn băng ghi âm, trong đó có cuốn băng ghi âm tôi ghi
cuộc trao đổi trực tiếp với các đồng chí này qua điện
thoại, hoặc phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở Tổng cục
Cảnh sát và trụ sở C14 và có hai cuốn băng ghi âm là tôi ghi
trực tiếp khi trung tá Lê Đức Vinh đến cung cấp tại trụ
sở cơ quan tôi là báo Thanh Niên với sự chứng kiến của
đồng chí phó Tổng Biên tập...

<em>- [cắt ngang] Thôi. Cho đến bây giờ, và đến cả lúc bắt
đầu bị khởi tố, thì bị cáo thấy những nội dung bài báo
mà bị cáo viết thì có đúng sự thật không?</em>

- Dạ, thưa báo cáo quý Tòa thế này, tôi đã được xem bản
cáo trạng. Trong 14 nội dung được trích đoạn trong đó thì có
đến 8 nội dung liên quan đến Bùi Tiến Dũng dùng 500.000 USD
để chạy án, thì báo cáo với quý Tòa, tất cả nội dung này
theo tôi là nội dung xác thực. Nó xác thực ở vấn đề ngay
trong bản thân cáo trạng khẳng định rằng đó là từ đặc
tình Nguyễn Văn Luận, nằm tại buồng Bùi Tiến Dũng khai ra,
sau đó chính tướng Quốc đã đem thông tin này báo cáo Chính
phủ, báo cáo Bộ Công An Tổng cục Cảnh sát, và chính tướng
Quốc đã cung cấp cho 3-4 phóng viên như cáo trạng đã nói,
chẳng hạn anh Hồ Phương báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh,
anh Tống Văn Thanh báo Lao Động và anh Đào Tuấn báo...

<em>- [cắt ngang] Thôi được rồi...</em>

- [tiếp tục] và tôi đã xác minh qua tướng Quốc những thông
tin này và những thông tin này là có...

<em>- [cắt ngang] Nhưng mà bị cáo trả lời thẳng câu hỏi của
Tòa này...</em>

- Dạ vâng

<em>- Tức là sau này, bị cáo đã biết đấy, thì toàn bộ
những thông tin này đến khi kết thúc điều tra vụ án PMU18,
và đến khi xét xử vụ án này thì những thông tin bị cáo
đưa này có không?</em>

- Dạ báo cáo với quý Tòa, trong cái vụ án xét xử PMU18 thì
cho đến nay mới chỉ xét một nửa phần, tức là mới xét xử
phần đánh bạc và phần đưa hối lộ. Phần nửa còn lại
chưa có...

<em>- Không, nhưng mà người ta kết luận rồi, những cái thông
tin mà bị cáo viết ở trên bài của mình đăng báo, kết quả
sau này đều là không có thực, thế bị cáo nghĩ thế nào?</em>

- Dạ thưa báo cáo quý Tòa là thế này, trong quá trình điều
tra thì anh em phóng viên chúng tôi là gần 2 năm sau mới có kết
luận điều tra, cho nên chúng tôi không thể đưa thông tin theo
kết luận điều tra được. Mà thông tin tại thời điểm đấy
vụ án mới xảy ra, thì các kênh thông tin để báo chí phản
ánh thông tin, chúng tôi chỉ biết tiếp nhận từ những người
có trách nhiệm của cơ quan điều tra và từ những cán bộ
của Ban chuyên án. Báo cáo với quý Tòa là những thông tin lộ
lọt như cáo trạng đã khẳng định, thì thưa quý Tòa là lúc
đó anh em hoàn toàn tin tưởng những thông tin trực tiếp từ
tướng Quốc là trưởng ban chuyên án cho chúng tôi biết như
thế. Cả những lần tôi phỏng vấn trực tiếp đều có cuộc
băng ghi âm, thì theo tôi nghĩ đó là những thông tin xác thực.

Nhưng qua những giai đoạn điều tra về sau này, có thể những
thông tin đó chưa được làm rõ trong vụ án này chứ không
phải thông tin là thông tin [không nghe rõ] đâu.

<em>- Aah, nhưng mà người ta kết luận hết ròi. Không có!</em>

- Dạ, thưa quý Tòa, bây giờ quý Tòa có thể cho...

<em>- [cắt ngang] Bây giờ thế này nhé. Trên mốc ngày 6/2006 theo
một đường dây chạy án cho Bùi Tiến Dũng nhắm tới ít nhất
3 quan chức cấp cao của một số bộ ngành với mưu đồ dùng
uy thế của họ để can thiệp vào quá trình điều tra vụ án.
Những nhận định này là anh lấy từ đâu?</em>

- Dạ thưa báo cáo quý Tòa, là bài báo ấy tôi viết ngày 6, hay
ngày 4 ạ tháng 4.

<em>- Thế 3 quan chức cấp cao đấy là...</em>

- Dạ vâng, tôi muốn nói ngày 6...

<em>- [cắt ngang] nghi ngờ cái từ này này "với mưu đồ dùng uy
thế của họ để can thiệp vào quá trình điều tra vụ
án"</em>

- Dạ vâng

<em>- Dựa trên cơ sở nào mà bị cáo lại dùng những từ ấy
nhỉ?</em>

- Dạ vâng tôi muốn giải trình một chút. Tức là ngày 6 tháng
4 tôi đăng bài báo ấy, thì trước đó từ ngày 31 tháng 3 cho
đến ngày 6 tháng 4, tất cả những thông tin này đã được
rất nhiều báo chí đăng tải...

<em>- Báo nào đăng?</em>

- Cụ thể ngay trong cáo trạng có nói, báo Tuổi Trẻ đăng,
tức là báo Tuổi Trẻ đăng ngày 4 tháng 4, và báo Tuổi Trẻ
đăng ngày 31/3 đã nói rất rõ 3 quan chức, trong đó một quan
chức Tổng cục Cảnh sát, một quan chức Hàm Bộ trưởng, một
quan chức hàm Thứ trưởng [Xem thêm bản cáo trạng của VKS -
chú thích của người bóc băng]. Sau khi nhận được thông tin
trên báo Tuổi Trẻ thì tôi có trao đổi trực tiếp với thiếu
tướng Phạm Xuân Quắc, là "báo cáo thủ trưởng (tôi quen gọi
anh Quắc), hiện nay ngày 31/3 (khoảng một tuần trước khi thời
điểm tôi trao đổi anh Quắc), hiện nay báo chí đăng rất
nhiều thông tin về đường dây chạy án 500.000 USD, trong đó có
danh sách chạy án mà tôi biết trong danh sách đó có 8 cán bộ
cao cấp cấp của các cơ quan bảo vệ pháp luật và cơ quan
của Trung Ương, thì bây giờ tôi muốn hỏi tướng Quắc là
hiện nay các báo chí nêu 3 quan chức như thế thì thiếu tướng
xác định đến đâu rồi?" thì tướng Quắc bảo đúng là có
thông tin hiện nay đường dây chạy án của Bùi Tiến Dũng đã
nhắm đến các quan chức đó, và đường dây chạy án nhắm
đến 3 quan chức này hòng lợi dụng cái ảnh hưởng của họ
để có thể tác động đến quá trình điều tra vụ án. Đó
là điểm thứ nhất.

Điểm thứ hai là trong trả lời phỏng vấn của đồng chí
Trần Đại Hưng, phó trưởng Ban nội chính Trung ương trả lời
báo Tiền Phong trước thời điểm xảy ra thì đồng chí đã
khẳng định rằng vụ án PMU18 là vụ án đặc biệt nghiêm
trọng, xét về quy mô và tính chất thì lớn hơn rất nhiều
vụ án 500KV trước đây, những đối tượng trong vụ án đã
tổ chức 4 đường dây chạy án nhằm vào các quan chức...

<em>- [cắt ngang] Thôi, bị cáo dừng lại đã. Đó là những
nhận định của người khác[?!?] Bị cáo khai tiếp này: "Bùi
Tiến Dũng khai đã đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan
trọng", ra ngày 16/4/2006 có đoạn thế này: "đáng lưu ý là Bùi
Tiến Dũng có những lời khai nóng nhất về việc y đã đưa
tiền chạy án cho gần 40 nhân vật". Thế nguồn tin này bị cáo
lấy từ đâu?</em>

- Thưa quý Tòa, cái nguồn tin này, trong suốt thời gian 5 tháng
tạm giam tại A24, tôi đã trình bày là cái nguồn tin này xuất
phát từ 4 nguồn tin. Đầu tiên là trước khi viết bài tôi
thường xuyên ra vào trụ sở của C14, gặp tướng Phạm Xuân
Quắc tôi mới nói "thưa Thủ trưởng, có thông tin là Bùi Tiến
Dũng khai ra những đối tượng chạy án thì bây giờ có khoảng
bao nhiêu người?". Thì ông Quắc có nói với tôi là "có khoảng
vài chục người". Thế tôi hỏi "cụ thể là bao nhiêu thưa
Thủ trưởng" thì ông Quắc nói là "hàng chục người". Thì tôi
biết lúc đó tướng Quắc không muốn cho tôi biết rõ số
lượng thì tôi đi ra ngoài...

<em>- Thôi, dừng lại đã nhé. Tướng Quắc thì nói rằng có
vài chục người...</em>

- Vâng, thì tôi có hỏi lại cụ thể là bao nhiêu thì tướng
Quắc có nói là "hàng chục người".

<em>- Thế sao anh lại viết là có gần 40 nhân vật?</em>

- Vâng, thế quý Tòa để tôi giải thích. Sau đó tôi đi ra
ngoài, và tại quán nước ở cổng C14 tôi ngồi uống nước ở
đấy thì có 2 điều tra viên mà tôi biết mặt họ trong một
số lần vây bắt một số bị can trong vụ án này thì hai bên
có trao đổi với nhau thế này. Tức là Bùi tiến Dũng, mà
người ta gọi là Dũng Tổng, vừa mới khai ra là đưa tiền
chạy án cho 3 đến 4 đầu mối, 3-4 đầu mối này nhằm tới
9-10 người khác nữa, cho nên tổng số người Bùi Tiến Dũng
đưa tiền chạy án lên tới 40 nhân vật quan trọng, gồm có
giám đốc các doanh nghiệp sân sau, các doanh nghiệp tư nhân
của Bùi Tiến Dũng, quan chức một số bộ ngành quan trọng,
cán bộ một số cơ quan bảo vệ pháp luật đang thụ lý điều
tra vụ án, và quan chức một số bộ ngành.

Sau khi gặp hai điều tra viên, tôi vẫn thấy chưa có thể chắc
chắn, cho nên tôi đã gọi điện cho Trung tá Lê Đức Vinh, cán
bộ của Ban Chuyên Án ở C14 đến trụ sở tòa soạn Báo Thanh
Niên, bởi từ trước đến nay trung tá Lê Đức Vinh đã cung
cấp rất nhiều thông tin cho chúng tôi liên quan đến vụ án
này, và cả các vụ án trước đó. Trung tá Vinh đã đến cơ
quan tôi vào đúng trước ngày mà, bài tôi đăng ngày 16/4, trung
tá Vinh đã đến cơ quan tôi ngày 15/4, để tôi kiểm tra nguồn
thông tin này. Thì chính trung tá Vinh đã nói với tôi là hiện
nay, số lượng đối tượng mà chạy án Bùi Tiến Dũng khai ra
là lên đến gần 40 người, và trung tá Vinh có nói tên một
số quan chức...

<em>- [cắt ngang]Bị cáo nghe này, Lê Đức Vinh là ai?</em>

- Lê Đức Vinh là trung tá người của C14...

<em>- [cắt ngang] Người C14 nhưng mà có nhiệm vụ gì? Lê Đức
Vinh có nhiệm vụ gì?</em>

- Lê Đức Vinh là cán bộ Ban Chuyên Án, trước đó Lê Đức
Vinh đã bắt và khám xét Tôn Anh Dũng, và thưa quý Tòa, đã báo
cáo cho báo Thanh Niên toàn bộ quá trình bắt khám xét Tôn Anh
Dũng tại sân bay Nội Bài.

<em>- Khám xét thì biết [về] bắt khám xét thôi!</em>

- Dạ vâng...

<em>- Thế sao bị cáo lại tin vào Lê Đức Vinh là cung cấp gần
40 người, trong khi đấy cục trưởng nói vài chục người? Lê
Đức Vinh có phải là người trực tiếp xét hỏi các bị cáo
và điều tra đâu?</em>

- Dạ thưa quý Tòa là thế này, cuộc trao đổi của tôi với
Trung tá...

<em>- [cắt ngang] Thế cho đến bây giờ, bị cáo thấy bị cáo
dùng con số gần 40 người có chính xác hay không? Và 40 người
ấy là ai? Như thế có chính xác không?</em>

- Dạ thưa quý Tòa, tôi thì cho đến nay vẫn cho rằng con số
đó là con số có thật. Bởi vì...

<em>- [cắt ngang] Căn cứ vào đâu mà anh bảo là chính
xác...</em>

- Không, tòa cho tôi được phép giải thích. Sau đó tôi phỏng
vấn thiếu tướng Phạm Huy Ngọ, Tổng cục trưởng Tổng cục
Cảnh sát, thủ trưởng cơ quan điều tra Bộ Công an, và chính
ông Ngọ đã xác nhận có chuyện 40 nhân vật chạy án trong vụ
Bùi Tiến Dũng, và cuốn băng đó tôi nộp lại A54, và tôi cho
đấy chính là một lời xác nhận rất quan trọng, và tôi tin
tưởng cái đó là đúng. Còn việc trung tá Lê Đức Vinh tới
cơ quan chúng tôi để cung cấp thông tin này, thì cả trước và
sau trung tá Lê Đức Vinh đến, chúng tôi có hai băng ghi âm
đều ghi rõ, vào ngày thứ hai trung tá Lê Đức Vinh khẳng
định với tôi [anh Chiến cuống không nói rõ đoạn này]

<em>- [cắt ngang] Tại cơ quan điều tra, bị cáo nghe này, Lê
Đức Vinh cũng khai là phủ nhận cái tin này. [Cao giọng] Lê
Đức Vinh khai là không có nói gì về số lượng nhân vật
chạy án cả, không phải là cái người được giao điều tra
vụ án này. Và trong các băng ghi âm cũng không bàn về cái
này.</em>

- Thưa quý Tòa thế này, để có thể giúp được làm rõ vấn
đề này thì tôi đề nghị với Tòa có thể cho công bố cái
trích lục toàn bộ những lời bóc băng của hai cuốn băng ghi
âm. Tôi nhớ rất rõ ràng [cao giọng] không những với tôi, mà
còn có cả hai đồng chí Tổng biên tập, là danh sách 40 nhân
vật chạy án đã được báo cáo lên Văn Phòng Trung Ương
Đảng, không những báo cáo Bộ Công An, mà còn báo cáo lên Văn
Phòng Trung Ương Đảng. Sau này anh Vinh có nói là vì anh ấy
uống rượu với chúng tôi, anh muốn nói gì, dù sao chăng nữa,
anh cũng là cán bộ công an điều tra, anh đến trụ sở báo
Thanh Niên cung cấp thông tin cho báo, mà anh nói vấn đề đó ra
thì lúc đó vấn đề tương đối chính xác. Ngay bản thân cơ
quan tôi...

<em>- Nghe này, bị cáo nghe này. Bài Cơ quan điều tra triệu tập
thứ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải Nguyễn Việt Tiến: Cơ quan
điều tra mở chuyên án làm rõ vụ Bùi Tiến Dũng cùng một số
người khác dùng 500.000 USD chạy tội trước khi Dũng bị bắt
giữ. Tổng số tiền chạy án mà Dũng (Tổng) và một số
người khác huy động có thể lên tới con số 20 tỷ đồng".
Con số 20 tỷ này là bị cáo dựa vào đâu để viết?</em>

- Dạ thưa quý Tòa, vào cái ngày tôi đăng bài báo này, tức là
- nếu tôi không nhầm - bài báo này đăng ngày 21/3, đúng không
ạ.

<em>- Và "Cơ quan điều tra hiện đang có trong tay danh sách số
người được Bùi Tiến Dũng giao tiền chạy án". Có trong tay
danh sách không? Ai bảo, ai nói với anh?</em>

- Dạ vâng, quý Tòa cho tôi được giải trình. Tức là vào ngày
20/3 thông tin này đã đăng trên một số báo, trong đó có báo
nói rằng số tiền chạy án có thể lên tới 20 tỷ đồng và
cơ quan điều tra đã có danh sách chạy án này. Và đặc biệt
có thông tin của phóng viên báo CA thành phố HCM là anh Hồ
Phương, anh có nói anh liên lạc với anh Đinh Văn Huynh và
được biết hôm đó chính anh Đinh Văn Huynh đã vào trại giam
của Bộ Công An để liên lạc thẩm vấn bị can Bùi Tiến Dũng
về số tiền 500 ngàn USD. Thì sau đó tôi có trao đổi với
tướng Quắc, tôi nói "thưa Thủ trưởng, hôm nay một số báo
đưa tin số tiền chạy án lên gần 20 tỷ đồng chứ không
phải 500 ngàn USD như báo chí đăng ngày 20. Thưa Thủ trưởng,
hôm nay có thông tin rằng là Ban chuyên án bắt đầu mở chuyên
án điều tra vụ này, và số tiền chạy án lên đến gần 20
tỷ đồng và bản danh sách chạy án đã có, thì những thông
tin này đã điều tra đến đâu?". Thì ông Quắc nói "Đúng có
những thông tin như thế, hiện nay đã có danh sách chạy án
nhưng chưa thể công bố được, chúng tôi đang tiếp tục
điều tra xác minh làm rõ.

Thưa quý Toà, thông tin này rất logic, rất phù hợp với cáo
trạng đã khẳng định là lời khai của Nguyễn Văn Luận,
đặc tình của công an nằm trong trại giam Bùi Tiến Dũng có
nói rằng cùng [tiếp tục cuống, nói không nghe rõ] đã có danh
sách chạy án ...

<em>- Nghe đã. Không có ai nói rõ cho bị cáo là số tiền lên
tới 20 tỷ cả. Thế thì căn cứ vào đâu mà lại viết lên
như thế?</em>

- Báo cáo với tòa là cái số tiền đó đã được đăng trên
một tờ báo và tôi khẳng định rằng báo này đăng trước
đó 20 tỷ, và tôi dùng thông tin đó để kiểm chứng lại với
tướng Quắc và sau đó đăng trên báo Thanh Niên.

<em>- Nhưng mà tướng Quắc có nói là 20 tỷ không?</em>

- Thì có thông tin về số tiền như thế, có thông tin như thế
báo đăng, bây giờ công an điều tra đang tiếp tục xác minh
làm rõ.

<em>- Nhưng mà động cơ nào cứ phải viết nó lên 20 tỷ? Để
làm gì?</em>

- Dạ báo cáo quý Tòa là trong quá trình diễn ra vụ án PMU18,
phải nói là vụ án này thời điểm đó là được sự chú ý
của cơ quan pháp luật và dư luận rất nhiều, có rất nhiều
nguồn thông tin về các đường dây chạy án, có rất nhiều
nguồn thông tin về số tiền chạy án. Thưa quý Tòa là trong
bài báo đăng trước đó, báo Công An Nhân Dân đã khẳng định
số tiền Bùi Tiến Dũng bay vào TP Hồ Chí Minh họp với đồng
bọn đưa ra là 2 triệu USD, chứ không phải chỉ có 20 tỷ.
Chính vì có nhiều nguồn thông tin, trước khi chúng tôi sử
dụng lại, chúng tôi đã kiểm chứng lại qua cơ quan điều tra.

<em>- Thế tóm lại, đến khi kết thúc điều tra vụ án PMU18,
tất cả những bài bị cáo viết đều là không có thật. Vấn
đề Bùi Tiến Dũng chạy án ra làm sao, không có. Vấn đề Bùi
Tiến Dũng tham nhũng, tham ô, lấy tiền đánh bạc như thế nào
cũng không có. Thế mà trong thời gian ấy thì tất cả cứ sôi
sùng sục hết cả lên. Thế thì bị cáo thấy tất cả các bài
viết của bị cáo có đúng sự thực không?</em>

- Dạ thưa quý Tòa, tôi muốn nói vài lời. Ngày 5/5/2006

<em>- Đấy, bị cáo suy nghĩ kỹ đi, rồi...</em>

- [cắt ngang]không, tôi muốn nói là Tổng cục Cảnh Sát đã
họp báo công khai và công bố số tiền Bùi Tiến Dũng đánh
bạc là 2,6 triệu USD, và khẳng định hoàn toàn số tiền này
là số tiền tham nhũng từ các dự án PMU18. Hôm đó chính ông
Quắc, đại diện Tổng cục Cảnh sát đã công bố toàn bộ
điều tra ban đầu vào ngày 5/5/2006, và cho đến ngày hôm sau,
6/5/2006, tất cả báo chí toàn quốc đều đăng tin số tiền 2,6
triệu USD là số tiền xuất phát từ các dự án tham nhũng của
PMU18, đặc biệt trong đó tướng Quắc còn khẳng định là vụ
án này tham nhũng rất nghiêm trọng, chỉ kiểm tra 3 trong 5 gói
thầu Bắc Ninh - Nội Bài, Bắc Ninh - Hòn Gai đã phát hiện một
gói thầu Bùi Tiến Dũng, Phạm Tiến Dũng cùng đồng bọn đã
thông đồng với nhau khai khống chiếm đoạt 3,4 tỷ đồng,
tại một gói thầu khác đã thông đồng với một nhà thầu
của nước ngoài để...

<em>- [cắt ngang] Thôi được rồi</em>

- chiếm đoạt 18 tỷ đồng. Tôi nghĩ rằng vấn đề là tham
nhũng và dùng số tiền đấy để đánh bạc và chạy án hoàn
toàn đều xuất phát từ cơ quan điều tra và công khai với
tất cả báo chí thì tôi nghĩ cái này là có thật.

<em>- Thế bị cáo thấy mình có phải chịu trách nhiệm về
những bài viết của mình không?</em>

- Dạ thưa quý Tòa, bản thân tôi là một nhà báo, trong quá
trình tác nghiệp, thời điểm ấy cơ quan điều tra chưa có
kết luận thế nào nên chúng tôi không có cách nào khác phải
dựa vào thông tin chúng tôi điều tra, thưa đồng chí là các
phóng viên có thể có nguồn điều tra riêng và nguồn điều tra
này xuất phát từ những cán bộ của Ban Chuyên án, xuất phát
từ cơ quan chức năng và tôi rất tin tưởng...

<em>- [cắt ngang] Bị cáo chỉ trả lời vào câu hỏi của tòa
là bị cáo có phải chịu trách nhiệm về những bài mình đã
viết không?</em>

- Thưa quý Tòa, tôi là một nhà báo, tất cả bài viết của
tôi chịu sự xem xét và điều chỉnh của Luật Báo chí, trong
Luật Báo chí có quy định điều 7 rất rõ ràng là "nếu cơ
quan báo chí mà đưa thông sai sự thật, đưa thông tin xuyên
tạc, mà sau khi có đơn của các cơ quan, tổ chức và cá nhân
bị xâm hại quyền lợi, báo chí phải đăng đính chính và
nếu báo chí không đăng đính chính thì cơ quan báo chí phải
chịu trách nhiệm khi các đơn vị cá nhân ấy khởi kiện ra
tòa". Tôi cho rằng tôi có trách nhiệm, chẳng hạn nếu những
vấn đề này mà sai thì tôi sẽ được điều chỉnh bằng
luật Báo chí. Nhưng thưa quý Tòa, trong suốt thời gian 1 năm
diễn biến vụ án PMU18 báo Thanh Niên không hề nhận được
đơn từ bất cứ cơ quan tổ chức nào nói rằng chúng tôi đã
xâm hại đến quyền và lợi ích của họ để bắt đính
chính, do đó tôi nghĩ là thông tin tôi đưa không có xâm hại
đến lợi ích của ai cả, và những thông tin này là thông tin
có thật.

<em>- [Chuyển sang một giọng nam khác] Bị cáo [không nghe rõ],
trong tất cả những câu hỏi và lời khai bị cáo đã trả lời
toàn bộ tại phiên tòa này, thì Tòa hỏi thêm: Bị cáo thừa
nhận rằng những thông tin này do bị cáo viết, phải không?
[dạ, vâng] Và thừa nhận rằng những thông tin này bị cáo
lấy từ cơ quan điều tra, cụ thể là tướng Quắc và ông
Vinh, có phải không? Thế tôi hỏi bị cáo, những ông này có
phải là người phát ngôn của công ty điều tra không? Ông Vinh
chẳng hạn?</em>

- Dạ thưa quý Tòa, trong hai cán bộ điều tra này...

<em>- [cắt ngang] Thôi nói gọn thôi, không cần nhiều</em>

- Thì anh Vinh là một cán bộ Ban Chuyên Án, còn tướng Quắc
chính là người phát ngôn của Cơ quan Điều tra, bởi tướng
Quắc là trưởng ban chuyên án.

<em>- Căn cứ vào đâu mà bị cáo cho rằng tướng Quắc là
người phát ngôn của cơ quan điều tra? Ông Vinh cũng là người
phát ngôn của cơ quan điều tra?</em>

- Dạ thưa quý Tòa tôi không khẳng định ông Vinh, tôi chỉ
khẳng định tướng Quắc là người phát ngôn của cơ quan
điều tra.

<em>- Thế thì những thông tin bị cáo lấy từ ông Vinh, thì
việc lấy thông tin đó là đúng hay sai?</em>

- Dạ vâng, thưa quý Tòa như thế này...

<em>- Ngắn gọn thôi</em>

- Tôi cho là tướng Quắc là người phát ngôn chính thức, vì
tướng Quắc đã được rất nhiều lần mời đến Ban Tư
tưởng Văn hóa Trung ương, để thông báo toàn bộ diễn biến
vụ án này trước các tổng biên tập và phó tổng biên tập
các báo về vụ án, và trong các lần họp báo công bố ở
Tổng cục Cảnh sát thì chính tướng Quắc là người phát
ngôn...

<em>- Thôi nói gọn nói gọn</em>

- Cho nên là tôi rất tin tưởng tướng Quắc...

<em>- Giả sử tướng Quắc được bầu lên, cho phép là người
phát ngôn, thì phải họp báo, đúng không. Thế những thông tin
này, mà trước đó tướng Quắc chưa họp báo, thì cái việc
mà tướng Quắc phát ngôn đó, giả sử bị cáo lấy thông tin
từ tướng Quắc đi, thì việc lấy tin đó đúng hay sai?</em>

<em>Thứ hai, những thông tin này, theo bị cáo, có thuộc độ
mật nhà nước không?</em>

- Dạ thưa quý Tòa, tôi cho là thế này, ông Quắc là Cục
trưởng...

<em>- [cắt ngang] Không, tòa hỏi, những thông tin này, trong giai
đoạn này, có thuộc độ mật nhà nước không?</em>

- cơ quan điều tra, ông là thiếu tướng nên ông phải có trách
nhiệm biết là thông tin ông trao đổi có phải là mật hay
không...

<em>- [cắt ngang] bị cáo [hai người cùng lúc nói nghe không rõ],
theo nhận thức bị cáo</em>

- Theo nhận thức của tôi, đây là những thông tin về chống
tiêu cực, tham nhũng, tôi...

<em>- [cắt ngang] có thuộc độ mật nhà nước không?</em>

- Không không, không thuộc độ mật. Bởi vì khi thiếu tướng
đã cung cấp thông tin thì nó không mật.

<em>- Tòa dẫn chứng những cái thông tin mà thuộc độ mật nhà
nước, tức là theo quyết định 738 của Bộ trưởng Bộ Công
An khẳng định độ mật Nhà nước, đó là những thông tin
trong giai đoạn điều tra. Đây có phải là thông tin trong giai
đoạn điều tra không?</em>

- Dạ thưa...

<em>- Có hay không thôi!</em>

- Dạ có.

<em>- Thế thì theo quy định của Luật Báo chí tại điều 10,
đó là gì "không được tiết lộ bí mật Nhà nước". Thế thì
bị cáo nghĩ thế nào?</em>

- Dạ thưa quý Tòa [Tòa giục nói gọn thôi], tôi nghĩ rằng
đây không thuộc danh mục tiết lộ bí mật Nhà nước; bởi
nếu đây là danh mục tiết lộ bí mật nhà nước, thì ông
Quắc sẽ bị khởi tố vì tội Tiết lộ bí mật Nhà nước
chứ không phải tiết lộ bí mật công tác.

<em>- Tôi nói này, theo luật Báo chí thì khẳng định rằng
những thông tin này là không được tiết lộ bí mật công tác,
không được tiết lộ Nhà nước. Thế thì bị cáo sử dụng
thông tin này trong giai đoạn điều tra thì theo quyết định
của Bộ trưởng Bộ Công An, thì việc sử dụng này, thì theo
bị cáo, có vi phạm nguyên tắc không? Nói gọn có hay không
thôi?</em>

- Tôi thấy là không vi phạm bởi vì người cung cấp...

<em>- Khỏi khỏi [gõ búa]</em>

<em>- [Một giọng nam khác] Tôi xin hỏi bị cáo. Bị cáo khai
đều xác nhận những thông tin mà cáo trạng quy kết, bị cáo
nêu tại báo là các thông tin xung quanh vụ án PMU18, đúng không?
[Vâng] Bị cáo là một trong những nhà báo có thâm niên công
tác ở báo Thanh Niên, bị cáo biết Luật Báo chí quy định
quyền và nghĩa vụ của Nhà báo như thế nào không? Bị cáo có
biết không?</em>

- Dạ có

<em>- Bị cáo có nhớ không? [Im lặng một lúc - giọng nam nói
tiếp] Điều 10, những điều không được thông tin trên báo
chí, bị cáo có biết quy định tại tiết 3, không được tiết
lộ bí mật Nhà nước và những bí mật khác do Pháp luật quy
định, bị cáo có biết không?</em>

- Có biết

<em>- Như vậy là bị cáo thừa nhận rằng các thông tin mà bị
cáo viết trong các bài báo nêu trong báo Thanh Niên là các thông
tin xung quanh vụ án PMU18, bị cáo biết Luật Báo chí quy định
bị cáo không được thông tin, như vậy bị cáo vi phạm. Bị
cáo thừa nhận bị cáo vi phạm...</em>

- Dạ thưa quý Tòa, tôi nghĩ rằng những thông tin mà tướng
Quắc cung cấp cho tôi nó không nằm trong danh mục...

<em>- [cắt ngang] Đấy là bị cáo cho rằng mình không thuộc,
còn các quy định của pháp luật đã quy định các thông tin
trong quá trình điều tra vụ án là các thông tin bí mật trong
công tác. Bị cáo không biết thì đấy là trách nhiệm của bị
cáo. Một khi bị cáo là phóng viên tác nghiệp thì bị cáo
phải biết được các quy định được làm cái gì và những
cái gì bị cấm.</em>

- Dạ thưa quý Tòa, tôi nghĩ là nếu mà Luật Báo chí quy định
tiết lộ những bí mật Nhà nước thì tôi sẵn sàng chịu
trách nhiệm.

<em>- Không, Luật Báo chí ngoài quy định Nhà nước thì luật
có quy định là gì: và những bí mật khác do pháp luật quy
định. Bị cáo không biết à?</em>

- Dạ vâng, thưa quý tòa...

<em>- Bị cáo không biết thì trách nhiệm của bị cáo</em>

- Dạ thưa quý Tòa, tôi nghĩ rằng một ông trưởng ban chuyên
án

<em>- [cắt lời] Bị cáo không thể tự nghĩ, tất cả các hành
vi nhận thức của bị cáo đều được luật pháp điều
chỉnh, không thể bị cáo cho rằng mình nghĩ thế này là đúng,
nghĩ thế kia là không đúng. Bị cáo nhận thức được
không?</em>

- Dạ thưa quý Tòa là cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng tôi
không phạm tội tiết lộ bí mật, bởi vì người tiết lộ bí
mật...

<em>- [cắt ngang] Bị cáo lưu ý VKS tối cao không truy tố bị
cáo về "tội tiết lộ bí mật", mà truy tố bị cáo về việc
"lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích Nhà
nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".
Bị cáo coi lại cáo trạng, nhớ rằng tội danh truy tố của
bị cáo là như vậy.</em>

- Vâng

<em>- Và cái thứ hai, xin nhắc lại với bị cáo, chính VKS tối
cao truy tố hai bị cáo Quắc và Huynh về tội làm lộ bí mật
bởi vì trong đó có hành vi cung cấp một phần thông tin xung
quanh liên quan tới vụ án cho bị cáo. Bị cáo thấy chưa?</em>

[Im lặng]

<em>- Kể cả các cáo trạng quy định là các thông tin hai bị
cáo Quắc và Huynh đưa cho các bị cáo là nhà báo và các phóng
viên khác thì là các thông tin ở trong vụ án. Và theo quy định
của Nhà nước, luật pháp thì không được thông tin lên trên
mặt báo.</em>

- Thưa quý Tòa là trong suốt thời gian diễn ra điều tra vụ án
PMU18, tất cả thông tin đã được đăng tải trên các cơ quan
đại chúng, tất cả tờ báo đều đăng...

<em>- [cắt ngang] Bị cáo lưu ý, bị cáo lưu ý, trong phạm vi
truy tố của bản cáo trạng, chúng tôi đã công bố, chúng tôi
truy tố hai nhà báo là bị cáo Chiến và bị cáo Hải là hai
phóng viên không chỉ đưa một tin mà đưa rất nhiều tin một
cách có hệ thống các thông tin xung quanh vụ án PMU18. Ngoài
đưa các thông tin đã nêu tại cáo trạng thì các bị cáo là
phóng viên này bịa đặt, thổi phồng, suy diễn... Bị cáo
không thể nại ra các trường hợp khác, các phóng viên khác.
Các trường hợp khác, các phóng viên tại các báo khác thì cơ
quan điều tra cũng đã nêu là gì, "tiếp tục điều tra xem xét
và xử lý theo quy định của pháp luật".</em>

- Thưa quý tòa là trong quá trình điều tra vụ án PMU18, ba
đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước là
đồng chí Phan Diễn, đồng chí Vũ Quốc Hùng và đồng chí
Trần Đại Hưng đã trả lời phỏng vấn báo chí và khẳng
định toàn bộ các nội dung tham nhũng, chạy án...

<em>- [cắt ngang] Bị cáo nghe này, những lý do mà bị cáo nêu,
về quan điểm đường lối chỉ đạo của Đảng và Nhà nước
để xử lý vụ án PMU18 là có tính chất chỉ đạo. Trách
nhiệm của cơ quan phụ trách điều tra là phải điều tra làm
rõ, bị cáo có biết rằng Bộ Luật tố tụng quy định điều
tra vụ án là một quá trình trong đó phải có chứng cứ buộc
tội các bị cáo [Chúa ơi!!!]. Các nhà báo không thể nhận tin
một cách không chính thức từ các nguồn không chính thức để
nêu lên mặt báo coi như là nhận định thay cho kết luận của
cơ quan điều tra được. Bị cáo có rõ không?</em>

- Dạ vâng, dạ thưa quý Tòa là trong toàn bộ tất cả gần 2
năm diễn ra vụ án PMU18, ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương là
cơ quan quản lý cao nhất của Đảng về lĩnh vực văn hóa,
không hề có bất kỳ văn bản nào nhắn nhở, chấn chỉnh báo
Thanh niên về việc đã đưa thông tin sai sự thật, đã đưa
thông tin lộ bí mật. Và ngay cơ quan của Bộ Công An cũng không
có một văn bản nào chính thức phát hiện vấn đề cơ quan
báo Thanh niên đã đăng tải những bài này là không đúng. Cho
nên tôi nghĩ rằng, trong cái thiển ý của tôi, tôi nghĩ rằng
thông tin tôi đưa là không sai.

<em>- Này này bị cáo chịu nghe đi. Cái bài viết mà về thông
tin là "Nguyễn Đình Toản (Công an Quận Đống Đa) nộp cho cơ
quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an 9.000USD và thông tin Nguyễn
Việt Tiến bắt đầu khai nhận về tội thiếu trách nhiệm và
cố ý làm trái liên quan đến nhiều dự án", thì những thông
tin này bị cáo lấy ở đâu.</em>

- Dạ thưa quý Tòa, thông tin này là tôi trao đổi trực tiếp
với tướng Phạm Xuân Quắc qua điện thoại, và tôi ghi âm
toàn bộ cái trao đổi ấy, sau đó đưa lên mặt báo, và nộp
lại cho cơ quan A54 toàn bộ các băng ghi âm. Và tôi khẳng
định, ngoài băng ghi âm thì tướng Quắc còn cung cấp cho tôi
rất nhiều thông tin về vụ án này.

<em>- Thế theo bị cáo, những thông tin này có phải là thông tin
về điều tra vụ án không?</em>

- Thưa quý Tòa, những thông tin này là thông tin theo tôi là rất
chính xác, bởi vì sau đó tại cuộc họp báo công khai của
Tổng cục Cảnh sát thì tướng Quắc đã công bố công khai
toàn bộ những thông tìn...

<em>- [cắt ngang] Thôi thôi, là do tướng Quắc cung cấp hả.</em>

- Vâng, tướng Quắc cung cấp.

[Im lặng]

<em>- Có lẽ đến giờ nghỉ trưa. Chiều nay đúng 13h phiên tòa
tiếp tục.</em>

(Hết)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5662), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét