Bài toán chuyển đổi nhìn từ Vinashin: Một ngoại lệ hay một tiền lệ?

<center><img src="http://img571.imageshack.us/img571/2571/danluanorg007.jpg"
alt="" /></center>

<em><center>Các công trình có quy mô càng lớn thì
số tiền thất thoát càng nhiều</center></em>


<strong>Đồng loạt chuyển đổi</strong>

Theo Luật DN, bắt đầu có hiệu lực từ 1-7-2006 thì các doanh
nghiệp Nhà nước (DNNN) phải chuyển đổi thành công ty TNHH 1
thành viên hoặc công ty cổ phần. Thời hạn chuyển đổi, tính
từ lúc Luật có hiệu lực là 4 năm, tuy nhiên mãi đến thời
điểm 19-3-2010, Chính phủ mới ban hành Nghị định 25/NĐ-CP về
việc chuyển đổi và có hiệu lực vào ngày 5-5-2010.

Thế mà chỉ đúng vào ngày 30-6-2010, hơn 20 Tập đoàn, TCTy lớn
có quyết định chuyển đổi: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
(Petro Vietnam), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines),
Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tập đoàn Điện lực
Việt Nam (EVN)...sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một
thành viên. Đáng chú ý nhất trong danh sách chuyển đổi là
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập
Đoàn Công nghiệp và Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Luật sư
Phạm Hữu Huỳnh, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam gọi đây là một <em>"quyết định hành
chính đồng loạt"</em>.

Theo đánh giá của Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Quang A, dù các
DNNN đã được chuyển đổi dần dần trong 4 năm qua, tuy nhiên,
20 Tập đoàn, TCTy lớn vừa chuyển đổi ngay trước "hạn
chót" vừa qua có tỷ trọng tài sản chiếm tới 70-80% tổng
tài sản của các DNNN.

Vì vậy, việc chuyển đổi ồ ạt, ngay trước "hạn chót"
và gắn với tái cơ cấu vừa được coi là một lối thoát,
một cuộc giải cứu cho các Tập đoàn, TCTy làm ăn thua lỗ,
mất vốn Nhà nước. Trả lời báo Người Lao động: Chuyên gia
kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc tái cơ cấu Vinashin là:
<em>"Nhà nước đã chọn cứu Vinashin theo một cách dễ dãi
nhất trong khi đẩy gánh nặng nợ cho nền kinh tế, doanh nghiệp
và suy cho cùng là người dân đóng thuế gánh"</em>. Bởi theo
bà: <em>Bản thân Vinashin không có động lực, sức ép đủ
mạnh để cải cách, tái cấu trúc thực sự từ bên
trong...Trách nhiệm để xảy ra thua lỗ, nợ nần ở Vinashin
đáng ra phải được xử lý bằng pháp luật. Việc xử lý
kiểu kiểm điểm nội bộ như vậy sẽ tạo tiền lệ xấu cho
các tập đoàn kinh tế khác của Nhà nước</em>.

Việc ban hành văn bản hướng dẫn quá chậm trễ và chuyển
đổi "đồng loạt" còn sinh ra một tình trạng khác: Các DN
chưa kịp, chưa có quyết định chuyển đổi sẽ không thể
hoạt động vì không có luật để điều chỉnh vì Luật Doanh
nghiệp Nhà nước đã hết hiệu lực vào 30-6-2010.

<strong>Đừng để ngoại lệ thành tiền lệ</strong>

Theo nguyên tắc, việc chuyển đổi DNNN hoạt động theo Luật
Doanh nghiệp Nhà nước sang Công ty TNHH 1 thành viên là nhằm
phân định rạch ròi ngân sách Nhà nước và ngân sách tài
chính của doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu. Tức là
doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm đối với các hoạt
động kinh doanh bằng nguồn vốn và tài sản của mình chứ
không thể trông chờ vào <em>"bầu sữa ngân sách"</em>.

Tuy nhiên, theo Thời báo kinh tế Sài Gòn, trong Thông báo kết
luận của Thủ tướng Chính phủ số 168- VPCP thì <em>"Vinashin
sẽ được Bộ Tài chính cấp bổ sung vốn điều lệ của tập
đoàn từ quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương đồng
thời thực hiện việc điều chỉnh vốn điều lệ phù hợp
với tình hình tái cơ cấu"</em>. Mặt khác, Chính phủ tiếp
tục phát hành trái phiếu và cho Tập đoàn này vay lại để
thực hiện các dự án cấp thiết và cơ cấu lại nợ trong
nước đã đến hạn. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cũng
nhận được yêu cầu khẩn trương giải ngân nguồn vốn vay
hỗ trợ khắc phục khủng hoảng từ Ngân hàng Phát triển châu
Á (ADB) có tổng trị giá 500 triệu USD/5 năm cho Vinashin để
hoàn thiện các dự án đóng tàu dở dang mà chủ tàu đã huỷ,
bất kể chưa có chủ tàu mới. Tất cả các khoản nợ mà
Vinashin vay của các ngân hàng Nhà nước hay ngân hàng thương
mại mà Nhà nước có cổ phần chi phối, các công ty tài chính
Nhà nước sẽ được cơ cấu lại theo hình thức giãn nợ,
khoanh nợ. Riêng các hợp đồng đóng tàu còn hiệu lực, hiệu
quả, Chính phủ còn chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho
Vinashin tiếp tục được vay để hoàn thành và nhấn mạnh:<em>
"Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại
thực hiện nghiêm túc chỉ đạo nói trên".</em>

Thực tế cũng cho thấy Vinashin cũng đã có quyết định chuyển
sang mô hình công ty TNHH 1 thành viên, với vốn điều lệ là
14.655 tỉ đồng.

Ai sẽ phải trả khoản nợ "20 ngàn tỷ" đã được "tái
cơ cấu"? Vẫn là Nhà nước, thể hiện qua việc chuyển nợ
sang Tập đoàn Dầu khí và TCTy Hàng hải.

Ai sẽ chịu trách nhiệm về tài chính cho Công ty TNHH Nhà nước
1 thành viên Vinashin? Cũng vẫn là Nhà nước khi "chủ nợ Nhà
nước", hoặc với tư cách bảo lãnh, hoặc với tư cách cổ
phần chi phối trong các Ngân hàng, công ty tài chính được
lệnh không được phép đòi nợ.

Ai sẽ cung cấp vốn cho con nợ Vinashin? Cũng vẫn là Nhà nước
khi Bộ Tài chính tiếp tục cấp bổ sung vốn điều lệ, Chính
phủ tiếp tục phát hành trái phiếu, thậm chí Vinashin còn
được nhận 500 triệu USD từ nguồn vốn vay hỗ trợ khắc
phục khủng hoảng.

Vinashin đang là một ngoại lệ so với các quy định về chuyển
đổi doanh nghiệp. Tuy nhiên sẽ rất nguy hiểm nếu đây là
một tiền lệ để các DNNN, dưới tên gọi mới là các Công ty
TNHH nhà nước 1 thành viên tiếp tục trông chờ cả vào bầu
sữa Nhà nước và có quyền kinh doanh thua lỗ mà không phải
chịu trách nhiệm như Vinashin.

Anh Đào

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5604), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét