Ayn Rand - Quyền Con Người (phần 1)

<em>Hưởng ứng bài viết của Thượng tướng Nguyễn Văn
Hưởng - "Hãy hiểu đúng về nhân quyền Việt Nam" - để
rộng đường dư luận, tôi xin dịch tiểu luận có nhan
đề "Quyền con người" (Man's Rights) của Ayn Rand. Quan
điểm của Ayn Rand không nhất thiết trùng quan điểm của
tướng Hưởng.</em>

<em>Bản dịch chắc chắn không tránh khỏi nhiều sai sót,
rất mong được các bạn góp ý, sửa chữa. Xin cảm
ơn.</em>


<center>* * *</center>

<h2>QUYỀN CON NGƯỜI</h2>

<div class="boxright300"><img src="/files/u1/4394151_3268775_n.jpg"
width="500" height="334" alt="4394151_3268775_n.jpg" /><div
class="textholder">Ảnh chỉ có tính trang trí.</div></div>
Ai muốn cổ súy cho xã hội tự do – tức chủ nghĩa tư
bản – người ấy phải biết rằng nền tảng không thể
tách rời của xã hội tự do là nguyên tắc về các
quyền cá nhân. Ai muốn cổ vũ cho các quyền cá nhân,
người ấy phải biết rằng chủ nghĩa tư bản là hệ
thống duy nhất có thể duy trì và bảo vệ các quyền
đó. Và nếu ai đó muốn đo lường mối quan hệ giữa
tự do với các mục tiêu của trí thức ngày nay, người
ấy có thể dựa vào một thực tế là khái niệm
quyền cá nhân đang bị xói mòn, bóp méo, xuyên tạc và
hiếm khi được đưa ra thảo luận, đặc biệt hiếm
được thảo luận bởi lực lượng gọi là "<em>những
người bảo thủ</em>".

"Quyền" là một khái niệm đạo đức; là khái niệm
tạo sự dịch chuyển logic từ các nguyên tắc hướng
dẫn hành động của cá nhân tới các nguyên tắc hướng
dẫn quan hệ của anh ta với những người khác; là khái
niệm duy trì và bảo vệ đạo đức cá nhân trong xã
hội; là mối liên kết giữa quy tắc đạo đức của
một cá nhân và quy tắc pháp lý của một xã hội,
mối liên kết giữa đạo đức và chính trị. Quyền cá
nhân là phương tiện để đặt xã hội xuống dưới
luật đạo đức.

Mọi hệ thống chính trị đều dựa trên một số quy
tắc về đạo đức. Đạo đức học thống trị trong lịch
sử nhân loại là các biến thế của học thuyết tập
thể-vị tha, thứ học thuyết đặt cá nhân thấp hơn các
thế lực thần bí hoặc xã hội. Hậu quả là phần
lớn các hệ thống chính trị đều là những biến
thể của cùng một dạng chuyên chế nhà nước, chỉ khác
nhau ở mức độ chứ không phải ở nguyên tắc cơ bản,
chỉ bị giới hạn một cách tình cờ bởi truyền
thống, hỗn loạn, xung đột đẫm máu và các cuộc sụp
đổ có tính chất chu kỳ. Trong tất cả những chế độ
như thế, đạo đức là một thứ quy tắc áp dụng cho
cá nhân chứ không phải cho xã hội. Xã hội được
đặt bên ngoài luật đạo đức, cùng với những biểu
hiện hay nguồn gốc của luật đạo đức ấy, hay những
người độc quyền diễn giải nó; và sự rao giảng về
hành động xả thân cống hiến cho trách nhiệm xã hội
được coi như mục đích chính của đạo đức học trong
sự tồn tại thế tục của con người.

Vì không tồn tại thực thể nào gọi là "xã hội",
vì xã hội chỉ là một số các cá nhân riêng lẻ, nên
điều này có nghĩa là, trong thực tế, những kẻ cai
trị xã hội được miễn trừ khỏi luật đạo đức.
Chỉ trừ việc phải tuân thủ các nghi thức truyền
thống, còn lại, họ nắm quyền lực tuyệt đối và áp
đặt lên xã hội sự tuân lệnh mù quáng, dựa trên
nguyên tắc tuyệt đối là: "<em>Cái tốt là cái gì
tốt cho xã hội (hay cho bộ lạc, chủng tộc, quốc gia),
và các sắc lệnh của nhà cầm quyền là tiếng nói
của cái tốt trên đời</em>".

Điều này đúng với mọi chế độ toàn trị, đúng
với mọi biến thể của đạo đức học theo chủ nghĩa
tập thể-vị tha, thần bí hay xã hội. "<em>The Divine
Rights of Kings</em>" (Quyền Thần Thánh Của Các Vị Vua) tóm
tắt luận thuyết chính trị áp dụng cho các chế độ
toàn trị thần quyền; còn "<em>Vox populi, vox dei</em>" (Ý
Dân Là Ý Trời) tóm tắt luận thuyết áp dụng cho các
nhà nước toàn trị. Một số bằng chứng: chế độ
thần quyền ở Ai Cập, với các Pharaoh được coi như
hiện thân của Chúa Trời; ách cai trị không giới hạn
của đa số hay nền dân chủ của Athens; nhà nước phúc
lợi của các hoàng đế La Mã; Tòa án Dị giáo thời
Trung cổ; chế độ quân chủ chuyên chế ở Pháp; nhà
nước phúc lợi của Bismarck ở Phổ; những căn phòng hơi
độc của Đức Quốc xã; những lò sát sinh ở Liên Xô.

Tất cả những chế độ chính trị này đều là biểu
hiện của đạo đức tập thể-vị tha. Đặc điểm chung
của chúng là xã hội đứng bên trên luật đạo đức,
như một thầy tế tùy tiện, toàn quyền, tối cao. Do
đó, về mặt chính trị, tất cả các chế độ này
đều là biến thể của một xã hội phi đạo đức.

Thành tựu cách mạng nhất của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ
là việc đặt xã hội xuống thấp hơn luật đạo
đức.

Nguyên tắc về các quyền cá nhân của con người thể
hiện sự vươn rộng của đạo đức sang hệ thống xã
hội – như một sự giới hạn đối với quyền lực
của nhà nước, bảo vệ con người trước sức mạnh tàn
bạo của cái tập thể, đặt lẽ phải lên trên quyền
lực. Mỹ là xã hội đạo đức đầu tiên trong lịch
sử.

Tất cả các chế độ trước đó đều coi con người
như phương tiện hiến dâng cho mục đích của những
người khác, và coi xã hội là mục đích của chính nó.
Nước Mỹ thì coi mỗi con người là mục đích của chính
mình, còn xã hội như phương tiện để đi đến một
sự đồng tồn tại hòa bình, có trật tự, tự nguyện
giữa các cá nhân. Tất cả các chế độ trước đó
đều cho rằng đời sống của cá nhân thuộc về xã
hội, xã hội có thể loại bỏ cá nhân theo bất kỳ
cách nào nó muốn; tự do mà cá nhân được hưởng chỉ
là nhờ sự ban ơn, sự cho phép của xã hội, và tự do
ấy có thể bị rút lại bất cứ lúc nào. Mỹ cho rằng
đời sống của mỗi con người thuộc về chính cá nhân
đó, do quyền của cá nhân đó mang lại (nghĩa là: do
nguyên tắc đạo đức và do chính bản chất con người
của cá nhân mang lại), rằng quyền là tài sản thuộc
sở hữu của mỗi cá nhân, xã hội do đó không có
quyền gì, và mục đích đạo đức duy nhất của nhà
nước là bảo vệ các quyền cá nhân.

"Quyền" là nguyên tắc đạo đức xác định và thừa
nhận sự tự do hành động của con người trong một xã
hội nhất định. Chỉ có một quyền cơ bản mà thôi
(tất cả các quyền khác là kết quả hoặc hệ quả
tất yếu của quyền cơ bản này): quyền của con người
đối với đời sống cá nhân. Đời sống là một quá
trình hành động tự duy trì và tự sinh sôi; quyền
đối với đời sống tức là quyền hành động tự duy
trì và tự sinh sôi – có nghĩa là: tự do tiến hành
tất cả các hành động mà tự nhiên đòi hỏi từ một
thực thể có lý trí, để hỗ trợ, thúc đẩy, hoàn
thành và hưởng thụ đời sống riêng của mình. (Đó là
ý nghĩa của quyền sống, quyền tự do và quyền mưu
cầu hạnh phúc).

Khái niệm "quyền" chỉ liên quan đến hành động –
mà cụ thể là liên quan đến tự do hành động, nghĩa
là thoát khỏi những cưỡng chế về mặt thể xác,
thoát khỏi tình trạng bị ép buộc hay bị can thiệp
bởi/từ những người khác.

Do đó, đối với mỗi cá nhân, quyền là sự thừa
nhận về mặt đạo đức đối với một sự chọn lựa
tích cực – được tự do hành động theo lý trí, vì
các mục tiêu riêng, do sự lựa chọn riêng tự nguyện,
không bị cưỡng ép. Về phần những người xung quanh,
các quyền của cá nhân đó không áp đặt nghĩa vụ nào
lên những người xung quanh ngoại trừ một quyền phủ
quyết: họ không được vi phạm các quyền của cá nhân
đó.

Quyền sống là nguồn của mọi quyền, và quyền sở
hữu là cách duy nhất để thi hành các quyền. Không có
quyền sở hữu, tất cả các quyền khác là bất khả
thi. Bởi vì con người phải tự mình duy trì đời sống
của mình, cho nên người nào không có quyền đối với
sản phẩm do nỗ lực cá nhân tạo ra thì sẽ không có
cách nào sống được. Người nào sản xuất và bị
những kẻ khác chiếm đoạt sản phẩm, thì ắt là nô
lệ.

Hãy nhớ rằng giống như tất cả các quyền khác,
quyền sở hữu là quyền hành động: nó không phải là
quyền đối với một vật (khách thể), mà là quyền
đối với hành động và các kết quả của hành động
sản xuất hay phát hiện ra vật đó. Nó không đảm bảo
con người sẽ tìm ra cái gì đó, mà chỉ là sự đảm
bảo rằng nếu ai đó phát hiện một vật thì anh ta sẽ
sở hữu nó. Đó là quyền nhận được, giữ lấy,
sử dụng và định đoạt giá trị vật chất của tài
sản.

Khái niệm quyền cá nhân còn mới mẻ trong lịch sử nhân
loại đến nỗi, cho tới ngày nay, nhiều người vẫn
không nắm bắt được nó một cách đầy đủ. Theo hai
luận thuyết về đạo đức học - thần bí và xã hội
- một số người khẳng định quyền là tặng phẩm của
Chúa Trời, những người kia thì cho rằng quyền là
tặng phẩm của xã hội. Nhưng, trong thực tế, nguồn
gốc của quyền là bản chất con người.

Tuyên ngôn Độc lập (của nước Mỹ – ND) tuyên bố rằng
con người "được Tạo hóa ban cho những quyền không
thể xâm phạm". Cho dù người ta coi con người là sản
phẩm của Tạo hóa hay ra đời một cách tự nhiên, vấn
đề nguồn gốc nhân loại cũng không làm thay đổi sự
thật rằng con người là thực thể thuộc một loài
đặc biệt – thực thể có lý trí – con người không
thể hành động hiệu quả dưới sự cưỡng ép, quyền
là điều kiện cần cho sự tồn tại đặc biệt của con
người.

"<em>Nguồn gốc của quyền con người không phải là
luật thần thánh hay luật quốc hội ban hành, mà là
luật đồng nhất. A là A, và Con Người là Con Người.
Quyền là điều kiện mà bản chất con người đòi hỏi
để có thể tồn tại một cách thích đáng. Ngay khi
xuất hiện trên trái đất, mỗi cá nhân đều có quyền
sử dụng trí tuệ của mình, làm việc vì các giá trị
của mình và giữ lấy sản phẩm do mình tạo ra. Nếu
cuộc sống trên trái đất là mục đích thì con người
có quyền sống như một thực thể có lý trí: tự
nhiên không cho phép con người phi lý trí</em>". (trích trong
tác phẩm Atlas Shrugged - Ayn Rand)

Vi phạm quyền con người nghĩa là bắt buộc con người
phải hành động ngược với lý trí, hay cướp đoạt
các giá trị của con người. Về cơ bản, chỉ có một
cách để làm việc đó: sử dụng vũ lực. Có hai đối
tượng tiềm tàng khả năng vi phạm quyền con người: tội
phạm và chính quyền. Thành tựu vĩ đại của nước Mỹ
là vạch ra được sự phân biệt giữa hai đối tượng
này – bằng cách cấm mỗi đối tượng thực hiện
những hoạt động được thừa nhận là hợp pháp của
đối tượng kia.

Tuyên ngôn Độc lập đặt ra nguyên tắc rằng "<em>để
bảo đảm những quyền này, chính quyền được lập ra
trong nhân dân</em>". Đó là lời biện minh duy nhất có
giá trị cho chính quyền, và nó định ra mục đích duy
nhất của chính quyền: bảo vệ quyền con người, bằng
cách bảo vệ con người trước bạo lực thể chất.

Do đó, chức năng của nhà nước được thay đổi từ vai
trò của kẻ cai trị thành kẻ phục vụ. Nhà nước phải
bảo vệ người dân khỏi tội phạm – và Hiến pháp
được soạn thảo là để bảo vệ người dân trước
nhà nước. Tuyên ngôn Nhân quyền (của Mỹ – ND) không
nhằm chống lại các công dân, mà chống lại chính quyền
– như một lời tuyên bố dứt khoát rằng các quyền
cá nhân thay thế cho bất kỳ thế lực cộng đồng hay
xã hội nào.

Kết quả là dạng thức một xã hội văn minh mà nước
Mỹ đã gần đạt tới - trong cái dải ngắn ngủi khoảng
150 năm. Một xã hội văn minh là xã hội trong đó bạo
lực bị nghiêm cấm trong các quan hệ giữa người với
người; chính quyền, đóng vai trò như cảnh sát, chỉ
được phép sử dụng vũ lực để thực thi biện pháp
trả đũa chỉ nhằm đáp lại những người đã ra tay sử
dụng bạo lực trước.

Điều này là ý nghĩa và mục đích căn bản của triết
học chính trị Mỹ, ẩn chứa trong cái nguyên tắc về
các quyền cá nhân. Nhưng nó không được hình thành một
cách rõ ràng, cũng không được chấp nhận hoàn toàn hay
thực thi một cách nhất quán.

Mâu thuẫn nội tại của nước Mỹ là đạo đức học vị
tha-tập thể. Chủ nghĩa vị tha không đi cùng với tự do,
chủ nghĩa tư bản và các quyền cá nhân được. Người
ta không thể mưu cầu hạnh phúc với tâm lý của một con
vật bị tế thần.

Chính là khái niệm quyền cá nhân đã sản sinh ra xã
hội tự do. Chính từ sự tiêu diệt các quyền cá nhân
mà tự do bắt đầu bị hủy hoại.

Một nền chuyên chế tập thể vốn dĩ không dám nô
dịch hóa bằng cách thẳng thừng tước đoạt các giá
trị vật chất hay đạo đức của quốc gia. Điều này
phải được thực hiện thông qua một quá trình mục
ruỗng từ bên trong. Cũng giống như trong lĩnh vực sản
xuất vật chất, hành động cướp bóc tài sản một
đất nước được thực hiện bằng cách tạo lạm phát
tiền tệ; thế là ngày nay người ta có thể chứng
kiến lạm phát được áp dụng khi bàn về các quyền.
Quá trình này kéo theo một số lượng tăng lên các
"quyền" mới được ban hành, nhiều đến mức người
ta không để ý thấy ý nghĩa của khái niệm quyền đang
bị lật ngược. Tiền xấu đẩy tiền tốt khỏi lưu
thông, tương tự, những "quyền mới in trên báo" này
phủ định quyền đích thực.

(Còn nữa)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/5784), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét