Vương Thảo - Xin hãy ủng hộ một NGÀY NÓI THẬT

Trong tư duy của người Việt Nam, ngày 1 tháng 4 là ngày mọi
người được quyền nói dối. Trong ngày đó, người thân, bạn
bè, đồng nghiệp… thường nghĩ ra một câu chuyện không có
thật để "lừa nhau".

Tôi thấy cái người nghĩ ra ngày 1 tháng 4 thực sự là một
người thâm thúy và có tính hài hước. Đã nhiều lần tôi tự
hỏi: Vì những lý do gì mà người ấy (ông hoặc bà) nghĩ ra
một Ngày Độc Đáo như vậy cho con người? Có thể người đó
nghĩ: hãy để cho con người có quyền được nói dối trong
một ngày để rồi lại phải nói thật với nhau.

Bởi nói dối là một "gien" có trong tất cả mọi người hay là
như một bản năng của con người. Nhưng vì là con người cho
nên họ luôn luôn ý thức vươn đến sự chân thành và trong
sáng. Chính thế được nói dối trong một ngày công khai vừa
như nhắc nhở đến tính chân thực vừa như gián tiếp giải
tỏa một điều gì đó và lại vừa mang đến cho con người
một ngày có những bất ngờ và vui vẻ.

Nhưng cho đến bây giờ, ngày 1 tháng 4 chẳng còn bao ý nghĩa
với con người nữa. Vì sao vậy? Vì chúng ta đã nói dối nhau
quá nhiều ngày trong một năm. Chúng ta nói dối với nhau trên
giường ngủ, trong phòng ăn, trong quán cà phê, trong công sở,
trong hội trường, trong tin nhắn điện thoại, trong văn bản
viết tay hoặc đánh máy vi tính.

<div class="boxleft300"><img
src="http://www.maivoo.com/pictures_fullsize/19/kblwb1252071848.jpg" /><div
class="textholder"> Tổng bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu không
nhân ngày Cá Tháng Tư: "Cần phát huy dân chủ, tập trung trí
tuệ để lựa chọn được các đồng chí đủ đức, đủ tài,
được nhân dân tín nhiệm bầu vào các cơ quan lãnh đạo của
Đảng các cấp"</div></div>
Chúng ta không những nói dối mà còn cười dối, rồi chúng ta
khóc dối nữa. Có những người con trong hàng chục năm đối
xử với cha mẹ tệ hại, nhưng khi cha mẹ mất thì khóc lóc
thảm thương, tiếc nuối. Tôi từng dự những đám tang và nghe
người bên cạnh nói: "Nó (con cái) đối với bà ấy (ông ấy)
như quân hằn quân thù thế mà bây giờ còn khóc lóc thế
được".

Tôi chính là người chứng kiến một ông thủ trưởng đọc
điếu văn thảm thương trong tang lễ một nhân viên của mình
làm cho hầu hết những người quanh đó đều khóc. Nhưng thực
tế trong nhiều năm, ông thủ trưởng kia đã "hành hạ" người
nhân viên xấu số đó đến sống dở chết dở.

Đã có ngày 1/4 cho những lời nói dối vô hại và vui vẻ,
liệu ngày 2/4 có thể là ngày chúng ta trả lời thật cho tất
cả các câu hỏi không?

Lại có những cơ quan nói dối khi hàng quí hàng năm báo cáo
thành tích của mình như giời như bể mà thực tế thì thảm
hại vô cùng. Sau đó, người ta còn liên hoan trống giong cờ
mở để mừng "sự nói dối" đó. Vì thế mà khi quy chế thi
cử nghiêm ngặt một chút là hầu hết các trường lộ ra một
sự thật là biết bao nhiêu năm nay, họ đã nói dối về việc
học hành của học sinh.

Hiện thực cho thấy: nói dối đã và đang trở thành một thói
quen của chúng ta. Tôi đã từng nói trên báo chí không chỉ
một lần, không chỉ hai lần và không chỉ ba lần rằng: một
con người hay một cộng đồng mà không biết nói thật thì con
người đó hay cộng đồng đó đang suy tàn.

Tất nhiên, chúng ta phải phân biệt rõ ràng giữa hai khái
niệm: Bí mật đời tư và sự nói thật. Chúng ta không thể
"quy kết" ai đó giữ kín chuyện riêng tư là kẻ nói dối.

Chúng ta đã có ngày 1 tháng 4. Và tôi thấy chúng ta nên có ngày
2 tháng 4. Đó là ngày gì? Đó là Ngày Nói Thật. Xin các bạn
hãy hãy thử hình dung có một ngày chúng ta nói thật với nhau
thì ngày đó sẽ như thế nào? Đó là ngày con cái nói thật
về cha mẹ, anh chị em nói thật với nhau, chồng nói thật với
vợ, học trò nói thật về thầy cô, hàng xóm nói thật với
hàng xóm, đồng nghiệp nói thật với đồng nghiệp, nhân viên
nói thật với lãnh đạo... rồi con đường và những công
trình nói thật với những người xây dựng, tài khoản bí mật
nói thật với những chủ tài khoản, bất động sản nói thật
về những kẻ dạy người khác sống thanh liêm, bằng giả nói
thật với trí thức, những lời hoa mỹ nói thật với kẻ xu
nịnh, bản báo cao thành tích nói thật với người đọc nó,
phong bì nói thật với người nhận...

Nếu có một ngày như thế, tất cả chúng ta sẽ kinh hoàng
nhận ra chúng ta đã sống với nhau như thế nào. Nhưng chúng ta
cũng thấy hy vọng bao nhiêu về chính chúng ta vì ít nhất chúng
ta cũng dám nói thật một ngày về những điều xấu xa của
chúng ta. Và khi con người nói ra tội lỗi của mình thì tội
lỗi đó được tha thứ.

Xin hãy có ngày 2 tháng 4. Xin hãy nói thật một ngày. Nếu chúng
ta chưa đủ can đảm nói thật với người khác thì bước
đầu chỉ xin chúng ta nói thật với chính mình. Chúng ta có
thể đứng trước cái gương ngày ngày chúng ta vẫn chải
chuốt tóc mình, dùng son phấn trang điểm gương mặt mình,
thắt cà-rà-vạt đẹp trên chiếc cổ áo đẹp của mình...

Nhưng nếu chúng ta không dám nhìn thẳng mặt mình thì chờ đêm
tối, chúng ta hãy đứng trước bức tường và nói thật với
cái bóng của chúng ta. Và nếu không có khả năng nói thật
với cái bóng của chính mình thì hãy trùm chăn kín đầu và
nghĩ về những việc làm xấu xa và ích kỷ của chúng ta để
thử xem chúng ta có còn biết xấu hổ nữa không (?)

Ngày 1 tháng 4 đang đi qua và sau đó là ngày 2 tháng 4. Tôi nghĩ
đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ đồng ý về một Ngày Nói
Thật. Cho dù chúng ta chỉ nói một sự thật nào đó thôi và
cũng chỉ nói với chính mình thôi cũng đã làm cho xã hội này
có những đổi thay không nhỏ. Bởi chỉ cần mỗi con người
nói thật một lời thôi thì cả xã hội sẽ bớt đi hàng chục
triệu lời nói dối.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4599), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét