Lạc Văn - Tính chính đáng của các bên trong cuộc chiến tại Việt Nam 1945-1975 (phần 3)

<h3>c. Quan hệ tứ giác VNDCCH, Mỹ, Liên Xô, CHND Trung Hoa trong
chiến tranh tại Việt Nam</h3>

Mục tiêu của VNDCCH trong giai đoạn 1954-1975 là thống nhất
Đất nước, xóa bỏ chế độ VNCH. Trong mỗi thời điểm của
cuộc chiến, VNDCCH lại có những chiến lược khác nhau để
thực hiện mục tiêu tùy vào tình hình cụ thể. Mối quan hệ
giữa VNDCCH với các đồng minh chính của mình là Liên Xô và
Trung Quốc cũng có những thay đổi rất lớn trong giai đoạn
đó. Cuốn sách "Liên bang Xô Viết và chiến tranh Việt Nam" của
Ilya V. Gaiduk đưa ra những thông tín quý để ta tham khảo về
mối quan hệ tứ giác đầy phức tạp đó.

Ilya V. Gaiduk viết cuốn sách dựa trên các tài liệu quan trọng
về chính sách đối ngoại của Liên Xô lưu trữ trong hồ sơ
mật đã được đưa ra công khai sau khi Liên Xô sụp đổ vào
năm 1991.

Năm 1964 là một năm quá độ đối với phía Liên Xô. Thái độ
của Liên Xô đối với cuộc xung đột ở Đông Dương chuyển
biến dần dần từ một chính sách không can dự vào các sự
kiện xảy ra vì chiến lược cùng tồn tại hoà bình của
Khơ-ru-sốp với phương Tây và tránh những cuộc xung đột
giống như cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962 đến
chính sách ủng hộ mạnh mẽ những người cộng sản Việt Nam.

Dưới thời Khơ-ru-sốp, Liên Xô giới hạn chủ yếu ở sự
ủng hộ về tinh thần đối với Việt Nam. Giữa VNDCCH và Liên
Xô có nhiều điểm bất đồng hơn là tương đồng.

Trong chuyến thăm Liên Xô bắt đầu từ ngày 31/1/1964 do Tổng
bí thư Lê Duẩn dẫn đầu với mục đích là khuyên các đối
tác Xô Viết hãy ủng hộ những quyết định của Đảng Lao
Động tại hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành trung ương
Đảng tháng 12 năm 1963. Tại hội nghị 9, những người lãnh
đạo đã đưa ra một quyết tâm to lớn nhằm chuẩn bị một
cuộc tổng khởi nghĩa ở miền Nam và đã dưa ra một chiến
lược cho cuộc khởi nghĩa này.

Các nhà lãnh đạo Liên Xô đã kết luận: "<em>các nhà lãnh
đạo Đảng Lao Động Việt Nam thực sự đã loại bỏ cơ hội
theo đuổi một chính sách cùng tồn tại hoà bình</em>".

Trong chuyến thăm, các đại diện của Việt Nam dân chủ cộng
hòa cũng nhấn mạnh đến cuộc đấu tranh chống lại chủ
nghĩa xét lại và sự đoàn kết với phong trào cộng sản thế
giới. Họ ủng hộ ý tưởng về một Hội nghị của các
đảng cộng sản và đảng công nhân quốc tế, nhưng khăng
khăng yêu cầu về cuộc đàm phán sơ bộ giữa Đảng cộng
sản Liên Xô và Đảng cộng sản Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo Xô Viết đã không thoả mãn với lập
trường của Hà Nội. Khơ-ru-sốp đã cho phía Việt Nam hiểu
rằng sẽ không có triển vọng cho việc hợp tác chặt chẽ
giữa hai nước nếu Hà Nội không thay đổi lập trường của
họ.

Hà Nội không thoả mãn với lập trường của Moskva. Để biến
những kế hoạch thống nhất đất nước thành hiện thực,
VNDCCH cần sự giúp đỡ vật chất dưới dạng vũ khí, đạn
dược, lương thực và các phương tiện vận tải từ các
đồng minh của họ. Vào mùa hè năm 1964, chỉ có Trung Quốc là
sẵn sàng cung cấp những viện trợ như trên, mà việc làm này
phần nào đó trùng khớp với những quan điểm của Trung Quốc
về những diễn biến đang xảy ra ở Đông Nam Á. Kết quả là,
vị thế của Liên Xô đối với VNDCCH và Mặt trận dân tộc
giải phóng MNVN nhanh chóng bị phai mờ, trong khi đó ảnh hưởng
của Trung Quốc phát triển vững chắc.
Những chuyển hướng của Liên Xô đối với cuộc chiến Việt
Nam diễn ra nhanh ngay sau khi "Ban lãnh đạo tập thể mới" lên
nắm chính quyền ngày 14/10/1964.

Việc quan hệ với Trung Quốc ngày càng xấu đi, và tình trạng
thù địch giữa hai cường quốc cộng sản này đã tác động
mạnh mẽ đến những cân nhắc của Liên Xô đối với chiến
tranh tại Việt Nam.

Vào đầu tháng 2/1965, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên
Xô Kosygin thăm Hà Nội. Chuyến thăm đã tạo ra một bước
tiến trong quan hệ giữa Liên Xô và Bắc Việt Nam sau cuộc gặp
của các nhà lãnh đạo Xô Viết với Thủ tướng Phạm Văn
Đồng vào tháng 10-11 năm 1964. Khoảng cách giữa các cuộc gặp
này và chuyến thăm của Kosygin đã được đánh dấu bằng
những thay đổi về chất trong mối quan hệ song phương giữa
Liên Xô và VNDCCH. Liên Xô không thể cứ thờ ơ với số phận
của một nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Ngay sau khi Kosygin đến Hà Nội, các đơn vị của Mặt trận
dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tấn công vào một
căn cứ của Mỹ ở Pleiku, giết 8 lính Mỹ và làm bị thương
hơn 60 người. Cuộc tấn công này đã biến thành một cái cớ
mà Mỹ chờ đợi từ lâu nay để tiến hành một cuộc trả
đũa.

Sự kiện ở Pleiku và việc trả đũa của Mỹ đã xoá đi
những gì còn lại trong hy vọng của Moskva nhằm tránh được
việc quốc tế hoá cuộc xung đột ở Việt Nam. Liên Xô bị
buộc phải gác qua một bên chính sách ủng hộ về tinh thần,
không tham dự và phải nhảy vào một cuộc chiến với những
hậu quả không thể lượng trước được.

Đối với các nhà lãnh đạo Xô Viết, sự bắt đầu của
hoạt động quân sự của Mỹ chống lại VNDCCH đã rút ngắn
khoảng cách chiến thuật của họ. Sự đoàn kết "vô sản"
cùng với cuộc đấu tranh giành độc lập và chống chủ nghĩa
đế quốc là luật lệ đã đặt ra của Liên Xô. Dù sao ủng
hộ Việt Nam, Moskva nâng cao hình ảnh của mình đối với các
Phong trào giải phóng dân tộc và chứng tỏ được uy tín của
mình trong con mắt của các đồng minh và khách hàng. Và do cuộc
chiến ngày càng đòi hỏi sự quan tâm chú ý của Washington, nên
Liên Xô có thể rảnh tay tác động tới các khu vực khác của
thế giới, đặc biệt là ở Châu Âu. Thêm vào đó, các hoạt
động quận sự ở Việt Nam đã tạo cho Liên Xô một cơ hội
tuyệt vời để thử nghiệm vũ khí cùng các trang thiết bị
khác nhằm phát triển công nghệ quân sự của họ.

Tuy nhiên Liên Xô không thể không nhận được mối nguy hiểm
của việc đối đầu trực tiếp với Mỹ, nhất là, nếu
Washington lựa chọn giải pháp vũ khí hạt nhân ở miền Nam
Việt Nam. Đối với Moskva đây là cơn ác mộng thực sự, vì
vào mùa hè năm 1965 Kreml thường xuyên nhận được những báo
cáo về khả năng này. Chẳng hạn, tháng 6 năm 1965, nguồn tin
tình báo Liên Xô thông báo với Điện Kreml rằng trong một
cuộc đối thoại với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ý, Amintore
Fanfani, Ngoại trưởng Mỹ Rusk thừa nhận rằng, các nhà hoạch
định chính sách Mỹ đang xem xét khả năng sử dụng vũ khí
hạt nhân chiến thuật tại Việt Nam.

Moskva cũng không thể bỏ qua những cạm bẫy bắt nguồn từ
sự dính líu của Liên Xô tại Việt Nam như là gánh nặng tài
chính của viện trợ cho VNDCCH, quan hệ xấu đi với phương Tây
và thái độ ương ngạnh không thể sửa chữa được của
những người đồng chí Việt Nam, luôn coi sự giúp đỡ cuộc
đấu tranh của họ là trách nhiệm duy nhất của nhân dân Liên
Xô.

Về phía Mỹ, các nhà lãnh đạo hy vọng việc để ngỏ những
kênh thông tin đối với Moskva và việc lôi kéo Liên Xô tham gia
vào sáng kiến hoà bình như là một bảo đảm ngăn chặn sự
dính líu quân sự của Liên Xô trong cuộc xung đột. Cuối cùng,
Washington xem Liên Xô như là một đối trọng đáng hoan nghênh
đối với Bắc Kinh tại khu vực Đông Nam Á và do vậy sẵn
sàng có những bước đi, tuy chỉ mang tính biểu trưng, để
đáp ứng mong muốn của Liên Xô cho một giải pháp hoà bình
của cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Nhưng với chiến lược của mình, VNDCCH đánh giá thời điểm
đó chưa thích hợp để đàm phán với Mỹ. Quan điểm thể
hiện qua cuộc nói chuyện giữa ông Lê Đức Thọ và một nhà
báo Pháp. Lê Đức Thọ không che giấu sự hài lòng về viện
trợ kinh tế và quân sự, cũng như sự ủng hộ tinh thần của
Liên Xô dành cho VNDCCH. Tuy nhiên ông cũng nhận thấy rằng các
nhà lãnh đạo Liên Xô không tỏ ra tin tưởng vào thắng lợi
sau cùng của Việt Nam trong cuộc chiến: "và điều này đã thúc
đẩy họ (các nhà lãnh đạo Liên Xô) tìm kiếm một giải pháp
cho vấn đề Việt Nam thông qua con đường đàm phán. Về phía
mình, chúng tôi nghĩ rằng những điều kiện đàm phán chưa
chín muồi".

Phía Mỹ hiểu rõ chính sách của Liên Xô là duy trì "chính sách
cơ bản là tìm kiếm sự cải thiện trong mối quan hệ song
phương Mỹ - Xô" như lời tuyên bố của Bộ trưởng Bộ ngoại
giao Liên Xô Gromyko tại buổi gặp gỡ lễ tân do Đại sứ quán
Mỹ tại Moskva tổ chức để chào mừng một nhà ngoại giao và
học giả có tiếng tăm, và cựu đại sứ tại Liên Xô, George
F. Kennan vào ngày 25/6/1965. Gromyko nhấn mạnh rằng tình hình
của Việt Nam cần phải được thảo luận trực tiếp với
VNDCCH. Quan điểm của Liên Xô là ủng hộ phát biểu bốn
điểm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 8 tháng 4.

Tuy nhiên chính quyền Johnson vẫn hy vọng rằng Moskva "sẽ dùng
ảnh hưởng của minh đối với Hà Nội trong nỗ lực mang lại
giải pháp hoà bình cho vấn đề Việt Nam" mà Mỹ không muốn
thấy tình hình leo thang đến một mức độ nguy hiểm.

Một trong những bước đầu tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía
Liên Xô của Mỹ là lộ trình của Harriman (cựu Đại sứ Mỹ
tại Moskva và có quan hệ mật thiết với các nhà lãnh đạo Xô
Viết, sau này là trưởng đoàn đàm phán Mỹ tại Paris dưới
thời Tổng thống Johnson) tới Liên Xô. Để che mắt dư luận
về mục đích thực của chuyến đi, lộ trình bao gồm Paris,
Moskva, Brussel, Tây Đức, Rome, Belgrad và London.

Ngày 8 tháng 7, Harriman tới Paris, tại đây ông đã thảo luận
mục tiêu chính chuyến đi của ông với Bộ trưởng Bộ ngoại
giao Pháp, Couve De Murville. Ngay sau khi biết bối cảnh nhiệm vụ
của Harriman, Couve De Murville đã thu hút sự chú ý của vị
đại sứ về vị thế khó khăn của Moskva. Ông lưu ý rằng,
"Liên Xô thực sự mong muốn hoà bình nhưng không có cách nào
khác để gây ảnh hưởng theo hướng này. Họ không thể làm
VNDCCH thất vọng, nhưng mặt khác, họ không muốn phó mặc
cuộc xung đột ngày một gia tăng cho sự rủi ro".

Với những thông tin gây lo lắng này, Harriman rời Paris đi Moskva
ngày 12 tháng 7. Trong buổi gặp với Thủ tướng Liên Xô, Kosygin
đã nêu rõ rằng, tình hình Việt Nam, mặc dù chỉ bó hẹp trong
phạm vi bó hẹp của nó, nhưng có ảnh hưởng đến quan hệ
giữa Moskva và Washington. Cho dù Kosygin có mong muốn giải quyết
được vấn đề Việt Nam nhiều đến đâu đi chăng nữa, thì
dẫu sao ông cũng vẫn ủng hộ ý kiến của Phạm Văn Đồng.

Tại Belgrad, Tito nói với Harriman rằng ấn tượng mà ông có
được từ các nhà lãnh đạo Moskva là tình hình bán đảo
Đông Dương đặc biệt khó khăn cho Liên Xô, bởi vì Mỹ ném
bom Bắc Việt Nam. Tito giải thích rằng: "Liên Xô không thể
không đoàn kết với Hà Nội vì làm khác đi sẽ tự đưa mình
vào một tình thế nguy hiểm là tự cô lập mình ở Đông Nam Á
và các đảng cộng sản ở các nơi khác". Nếu Mỹ muốn Liên
Xô giúp đỡ, Tito nhấn mạnh, trước hết cần phải ngừng ném
bom VNDCCH.
Cuối năm 1965, VNDCCH tin rằng chỉ có một giải pháp có thể
thoát ra khỏi cuộc chiến đó là phải giành thắng lợi về
quân sự đối với đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền
Sài Gòn. Trong tình hình này thì những nỗ lực của Moskva nhằm
thúc đẩy những ý tưởng về một thoả thuận với Mỹ tại
bàn thương lượng đã cho thấy là vô ích. Hơn nữa, khi thảo
luận những vấn đề trên với đồng nghiệp Bắc Việt Nam,
Moskva đã phải cẩn thận không làm tổn hại đến vị trí
của họ ở Hà Nội.

Liên Xô rõ ràng đã có ảnh hưởng tới các hoạt động tiếp
xúc của đoàn ngoại giao VNDCCH với các nước phương Tây. Các
quan chức và các nhà ngoại giao Xô Viết đã khuyên các đồng
nghiệp của họ ở Mỹ, Pháp, Anh và các nước phương Tây khác
về lập trường của Hà Nội đối với nhiều vấn đề trong
việc giải quyết cuộc chiến. Lần lượt, họ đã cung cấp cho
Hà Nội tin tức về lập trường của phương Tây cũng như các
tin mật từ các nguồn tin tình báo của họ. Các quan chức
VNDCCH đôi khi hướng dẫn các đồng minh Xô Viết về các hoạt
động cần tiến hành trong những tình huống cụ thể.

Sự minh hoạ rõ ràng nhất về vai trò của Liên Xô trong vấn
đề này nằm trong các tài liệu có liên quan đến các chính
sách của VNDCCH đối với Liên Hợp Quốc.

Năm 1966, khi chính quyền Sài Gòn yêu cầu Liên Hợp Quốc
cử các quan sát viên độc lập tới Nam Việt Nam để tham dự
các cuộc bầu cử, Tham tán VNDCCH ở Moskva Lê Trang đã gặp
một quan chức cao cấp ở Bộ Ngoại giao Liên Xô và đề nghị
Moskva "chặn đứng âm mưu của Mỹ nhằm sử dụng tổ chức
này vào những lợi ích của riêng Mỹ". Quan chức Liên Xô đó
đã thông báo với đồng nghiệp Việt Nam của ông ta rằng Liên
Xô đã tiến hành một số biện pháp nhất định đối với
kết cục trên.

Vấn đề phức tạp của LHQ nổi lên vào tháng 10 năm
đó, vụ này liên quan đến một trong những sáng kiến xuất
hiện lại của U. Thant. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy
Trinh đã hướng dẫn đại diện của Liên Xô về những bước
đi mà Liên Xô nên thực hiện trong giai đoạn này. Mặc dù
những chỉ dẫn của Nguyễn Duy Trinh đối với Moskva được
trình bày dưới vỏ bọc là một lời đề nghị, nhưng chúng
đã minh chứng một cách chi tiết về những biện pháp mà Liên
Xô phải thực hiện nhằm ngăn chặn LHQ khỏi biến thành "một
công cụ cho đế quốc Mỹ nặn ra".

Tình hình chiến tranh tạo nên thay đổi nhất định
trong chiến lược của VNDCCH trong năm 1966. Trong báo cáo chính
trị năm 1966, Sứ quán Liên Xô tại Hà Nội đã ghi nhận rằng
Mặt trận dân tộc giải phóng chỉ có thể tiếp tục cuộc
chiến tranh bằng cách dựa hoàn toàn vào sự trợ giúp của
miền Bắc. Về phần mình, VNDCCH cũng không thể chịu đựng
được sức ép của Mỹ nếu không có sự ủng hộ của các
nước xã hội chủ nghĩa, mà nguồn viện trợ của họ chiếm
đến hai phần ba ngân sách của VNDCCH. Sứ quán Liên Xô cũng
nhận thấy những khó khăn về kinh tế và những khó khăn khác
đã buộc Hà Nội đánh giá lại chiến lược chiến tranh
trường kỳ và quan tâm đến các triển vọng trên các mặt
trận chính trị và ngoại giao. Moskva hài lòng sử dụng các thay
đổi này để đưa quan điểm của mình về một giải pháp hoà
bình cho cuộc xung đột ở Việt Nam.

Những cố gắng của họ trở nên dễ dàng hơn bởi sự thật
rằng từ cuối năm 1966, Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam số
lượng lớn viện trợ quân sự, loại bỏ vũ khí của Trung
Quốc đã quá lạc hậu. Các nhà lãnh đạo Xô Viết bắt đầu
cởi mở hơn khi khuyên các nhà lãnh đạo Việt Nam cần phải
tăng cường các hoạt động ngoại giao.

Ngay cả khi biết rõ Hà Nội không sẵn sàng từ bỏ các kế
hoạch quân sự ở miền Nam và không đồng ý đàm phán,
Washington vẫn tiếp tục tìm kiếm một giải pháp cho Đông
Dương, hy vọng có được sự ủng hộ của Liên Xô trong nỗ
lực này.

Vào mùa thu năm 1966, Kreml đã nhận được một bản báo cáo,
từ các nguồn tin của Hungary ở Washington, về một loạt các
cuộc họp cấp cao đã được tổ chức ở Nhà Trắng để
hoạch định chính sách đối ngoại và triển vọng quan hệ Xô
- Mỹ. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã nhìn nhận
rằng thân thiện hơn với Liên Xô là sự đảm bảo cho an ninh
Mỹ trong "tình hình đặc biệt phức tạp" ở Đông Nam Á.

Để duy trì mối quan hệ như vậy, các nhà lãnh đạo Mỹ mong
muốn thuyết phục được quan điểm thường thấy của Liên Xô
khi cho rằng cuộc chiến ở Việt Nam là trở ngại chính cho sự
hợp tác có lợi giữa hai nước trong các lĩnh vực như giảm
vũ khí hạt nhân, trao đổi văn hoá và khoa học và các mối
quan hệ kinh tế. Theo phía Hungary, chính quyền Mỹ đã quyết
định cam kết với Liên Xô rằng Mỹ sẽ có những nhượng bộ
trong các lĩnh vực này và cả trong các lĩnh vực khác nếu sự
dính líu của Liên Xô trong cuộc chiến tranh Việt Nam giảm đi
hoặc chí ít cũng không tăng lên nữa.

Thậm chí Washington sẵn sàng xem xét đến những thay đổi
trong NATO và mối quan hệ với Bonn, ví dụ công nhận đường
biên giới Oder-Neisse giữa Đông Đức và Ba Lan và giới hạn
sự tham gia của Tây Đức trong việc điều khiển vũ khí hạt
nhân bằng việc tham gia có tính chất tượng trưng trong Uỷ ban
McNamara của NATO.

Sự thay đổi quan điểm của Hà Nội trong năm 1966 thể hiện
trong "Chiến dịch Marigold", sáng kiến của nhà ngoại giao Ba Lan
Janusz Lewandowski, đại diện của Ba Lan trong Uỷ ban kiểm sát
quốc tế về Việt Nam.

Vào cuối tháng 6 năm 1966, Janusz Lewandowski, từ Hà Nội trở
lại Sài Gòn, đã gặp Đại sứ Italia ở miền Nam Việt Nam.
Bước tiếp cận đầu tiên này của Lewandowski đã được nối
tiếp bởi một loạt các cuộc gặp giữa D'Orlandi và Lodge. Rõ
ràng là Hà Nội đã thay đổi đáng kể lập trường đối với
một số vấn đề chủ chốt. VNDCCH không còn đòi hỏi Mặt
trận dân tộc giải phóng phải được công nhận là người
đại diện duy nhất của nhân dân miền Nam và không phản đối
sự tham gia của chính quyền Sài Gòn vào việc đàm phán miễn
là Mặt trận dân tộc giải phóng cũng có mặt. Hơn nữa, VNDCCH
cũng chỉ yêu cầu tạm ngừng ném bom chứ không phải ngừng
bắn hẳn.

Nhận thức được mối lo mất thể diện của VNDCCH, Washington
đề nghị cả hai bên cùng giảm các hoạt động quân sự thành
hai giai đoạn. Trong cuộc nói chuyện với Lodge sau khi từ Hà
Nội trở về ngày 30 tháng 11, Lewandowski đã thảo luận những
điểm trên và nhấn mạnh rằng chúng đã được Hà Nội quan
tâm. Ông đề nghị "nên xác nhận ngay những điều này bằng
cách gặp và nói chuyện với Đại sứ VNDCCH ở Warszawa".

Bộ ngoại giao Mỹ cũng đã chỉ thị cho Lodge thông báo cho
Lewandowski biết việc Sứ quán Mỹ ở Warszawa sẽ liên lạc với
Sứ quán VNDCCH ở đó vào ngày 6 tháng 12 hoặc ngay sau đó.

Không chỉ Ba Lan đã thất vọng với kết quả của chiến dịch
Marigold mà cả Liên Xô cũng vậy. Moskva đã theo rất sát quá
trình phát triển đã hé mở giữa Ba Lan, Mỹ và Việt Nam từ
giữa tháng 6 đến tháng 12 năm 1966. Mặc dù không rõ là Moskva
có được thông báo về các sáng kiến của Lewandowski ngay từ
lúc đầu không, nhưng sự thực là Ba Lan đã giữ vai trò hết
sức quan trọng mà không gây ngạc nhiên cho giới lãnh đạo
Liên Xô.

Bất luận trường hợp nào, vào lúc cao điểm của Chiến dịch
Marigold tháng 11 năm 1966, Gromyko đã gặp Đại sứ Ba Lan ở
Moskva, người đã thông báo cho Ngoại trưởng Liên Xô về cuộc
nói chuyện giữa Lewandowski với Lodge và lập trường mà Mỹ
đưa ra.

Theo Đại sứ Ba Lan, Lodge đã bác bỏ bốn điểm của VNDCCH
nhưng chấp nhận khả năng ngừng ném bom Bắc Việt Nam miễn là
có thể nhân nhượng lẫn nhau từ phía Hà Nội.

Tuy nhiên, dù Kế hoạch Marigold có đem lại niềm hy vọng đáng
kể thì cuộc không kích của Mỹ vào các ngày 2 và 4 tháng 12
và 12 và 14 tháng 12 "đã làm hỏng tất cả". VNDCCH nhìn nhận
các cuộc tấn công này là hành động của chính quyền Johnson
nhằm bắt Hà Nội ngồi vào bàn đàm phán theo các điều kiện
của Mỹ.

Ngay sau khi Chiến dịch Marigold bị đổ bể, Washington quyết
định thử tiếp cận trực tiếp với VNDCCH.

Nó được khuyến khích bởi các tín hiệu phát đi từ Thủ
tướng Phạm Văn Đồng trong buổi trả lời phỏng vấn nhà báo
Mỹ Harrison Salisbury vào đầu tháng 1 năm 1967 cũng như những
lời góp ý gián tiếp của các nhà ngoại giao Liên Xô qua các
buổi nói chuyện với các quan chức Mỹ.

Cơ hội cho sáng kiến xuất hiện vào tháng 1 năm 1967, khi
Washington chỉ thị cho Sứ quán Mỹ ở Moskva tìm cách hẹn gặp
với Đại sứ VNDCCH và chuyển một bức thông điệp tới Hà
Nội.

Bức thông điệp khẳng định với phía Việt Nam rằng Chính
phủ Mỹ đặt "sự ưu tiên cao nhất cho việc tìm cách sắp
xếp cho việc trao đổi thông tin hoàn toàn đảm bảo an toàn và
có thể chấp nhận được với Chính phủ VNDCCH về khả năng
đạt được một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột ở
Việt Nam". Chính quyền Johnson khẳng định thiện chí sẵn sàng
với bất kỳ đề nghị nào của giới lãnh đạo Bắc Việt Nam
về thời gian và địa điểm của các cuộc thảo luận và
nhận thông tin của Hà Nội về các vấn đề này một cách
trực tiếp từ Bắc Việt Nam thông tin qua các cuộc tiếp xúc
ngoại giao ở bất kỳ thủ đô nào trên thế giới.

Sau một số nỗ lực, phó đoàn của Mỹ ở Moskva đã thành
công trong việc thu xếp một cuộc gặp với Tham tám công sứ
của VNDCCH Lê Trang vào ngày 10 tháng 1, và đã chuyển bức thông
điệp của Washington tại buổi gặp.

Dù cho ý định của cả hai bên là giữ kín các buổi tiếp
xúc, chính quyền Liên Xô cũng đã biết được. Sứ quán Mỹ
đã thông báo cho Bộ Ngoại giao biết những di chuyển, và các
cú điện thoại của các nhân viên ngoại giao Mỹ đã được
các tài xế và người trực tổng đài điện thoại báo cáo cho
KGB biết. Và không nghi ngờ gì nữa, Sứ quán VNDCCH cũng là
một mục tiêu nghe lén của Liên Xô.

Vào thời điểm đầu năm 1967, sự tự tin của Bắc Việt Nam
vào một chiến thắng nhanh và dễ dàng đã bị lung lay. Hà Nội
giờ đây không chỉ thừa nhận tính khả thi của các cuộc
đàm phán với Mỹ mà còn cho phép Liên Xô thăm dò lập trường
của Mỹ. Có lẽ đây là lần đầu tiên Hà Nội yêu cầu một
sự trợ giúp như vậy từ Moskva.

Các nhà lãnh đạo Liên Xô cảm thấy cơ hội thực
hiện kế hoạch hoà bình của họ trong chuyến thăm theo kế
hoạch tới Vương quốc Anh của Thủ tướng Liên Xô Kosygin vào
đầu tháng 2 năm 1967. Thủ tướng Harold Willson và các đồng
nghiệp của ông phấn khởi với những thiện chí của Thủ
tướng Liên Xô khi thảo luận vấn đề về giải pháp tại
Việt Nam, cho dù Kosygin ủng hộ công thức mà ông Trinh đã
trình bày trong buổi phỏng vấn của Burchett. Kosygin xem cuộc
phỏng vấn này "như là nguyên tắc cơ bản để Bắc Việt Nam
sẵn sàng đi tới đàm phán".

Tổng thống Johnson uỷ quyền cho Willson thông báo cho Kosygin
biết việc nếu ông nhận được một sự cam kết của Bắc
Việt Nam vào trước 10 giờ sáng ngày hôm sau rằng "mọi sự di
chuyển quân đội và tiếp tế vào miền Nam sẽ chấm dứt từ
thời điểm đó thì Mỹ sẽ không khôi phục lại việc ném bom
Bắc Việt Nam kể từ lúc đó".

Kosygin không nhận được sự đáp lại của Hà Nội về đề
nghị của Washington. Ông ta trở về Moskva mà không thu được
kết quả quan trọng nào cho giải pháp ở Đông Dương.

Kosygin cho rằng thời hạn mà Johnson áp đặt "giống như một
tối hậu thư" và lưu ý rằng Hà Nội không có cơ hội để xem
xét bức thông điệp và xử lý những ý kiến bàn bạc cần
thiết. Trong khi Mỹ yêu cầu Hà Nội chấm dứt việc thâm nhập
vào miền Nam, thì chính Mỹ lại tiếp tục gửi thêm quân, di
chuyển tàu chiến tới bờ biển Bắc Việt Nam và tăng số
lượng máy bay trong khu vực.

Như Đại sứ quán Liên Xô đã nhận xét, việc định
hướng lại chính sách và lập trường của Hà Nội, vào mùa
xuân 1967, thiên về quân sự là phù hợp với quan điểm của
các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam về các sách lược tiến hành
chiến tranh chống Mỹ và "bè lũ bù nhìn nguỵ Sài Gòn". Tuy
nhiên, trong định hướng chính sách này, rõ ràng giới lãnh
đạo Bắc Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ của đồng
minh ở Bắc Kinh.

Trong những tháng 10, tháng 11 năm 1966, giữa mùa hoa cúc vàng,
Tổng bí thư Lê Duẩn sang thăm thủ đô Trung Quốc và gặp gỡ
các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Chu Ân Lai kiên trì thuyết phục
các nhà lãnh đạo Việt Nam tiếp tục Chiến tranh chống Mỹ,
ít nhất đến năm 1968. Tuy vậy, Lê Duẩn không hề có một
lời hứa hẹn gì với Chu Ân Lai. Ông khẳng định với Chu Ân
Lai rằng VNDCCH mong muốn chấm dứt chiến tranh "với những lợi
thế tối đa của mình".

Mối quan ngại của Liên Xô về Việt Nam cùng với nỗi lo âu
về mối đe doạ của Trung Quốc được Moskva cho là tăng gấp
đôi. Trước hết, Ban lãnh đạo Liên Xô sợ rằng Bắc Kinh có
thể làm phương hại đến vị trí của Liên Xô ở Đông Nam Á
bằng việc khoét sâu những bất đồng về chính sách giữa
Liên Xô và Việt Nam. Mặt khác, Kreml cũng không kém phần lo
ngại về khả năng có sự câu kết giữa Trung Quốc và Mỹ có
thể tạo ra một giải pháp cho cuộc chiến ở Việt Nam hoặc
có lợi cho Washington hoặc đáp ứng được đòi hỏi của Bắc
Kinh. Trong trường hợp nào thì Moskva cũng đều có thể bị thua
thiệt.

CHND Trung Hoa có vai trò quan trọng trong cuộc chiến tại Đông
Dương. Các nhà cộng sản Việt Nam chia sẻ với những người
đương nhiệm Trung Quốc quan điểm về cuộc xung đột ở Đông
Nam Á và về tình hình quốc tế, về vai trò của phong trào
cộng sản trên thế giới và về những cuộc đấu tranh giải
phóng dân tộc, về việc giảm tình trạng căng thẳng và về
những triển vọng của sự chung sống hoà bình giữa chủ nghĩa
xã hội và chủ nghĩa tư bản.

Thái độ ủng hộ Trung Quốc mạnh mẽ phổ biến trong các nhà
lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam dân chủ cộng hoà. Trong khi
các chính trị gia, những người thông cảm với Liên Xô đã
bị cách chức trong giai đoạn bất hoà giữa Moskva và Hà Nội
vào đầu những năm 60.

Các khoản viện trợ của Trung Quốc rất cần thiết đối với
VNDCCH để theo đuổi chiến lược của mình. Ngoài ra Trung Quốc
còn duy trì sự có mặt quân sự trên lãnh thổ VNDCCH. Trong khi
đó các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam hiểu rõ rằng sự có mặt
của quân đội Trung Quốc chứa đựng nguy cơ về sự phụ
thuộc lớn vào Bắc Kinh, đặc biệt là vì số lượng quân
Trung Quốc và quân Việt Nam tại các tỉnh phía bắc Việt Nam
gần như tương đương. Hà Nội phản đối những lời đề
nghị của Trung Quốc gửi thêm quân tới lãnh thổ Việt Nam.

Nhân tố khác xác định vị thế mạnh mẽ của Trung Quốc tại
Bắc Việt Nam là VNDCCH phụ thuộc vào sự cộng tác của Trung
Quốc để có sự viện trợ từ các nước khác, kể cả Liên
Xô, bởi vì khối lượng lớn viện trợ từ các nước xã hội
chủ nghĩa khác phải đi qua lãnh thổ Trung Quốc.

Những người Xô Viết theo kịp với những diễn biến trong các
mối quan hệ Bắc Việt Nam - Trung Quốc. Họ để ý đến mọi
dấu hiệu của sự bất hoà đó cho những lợi ích riêng của
họ. Moskva đầu tiên nhận được những dấu hiệu như vậy
từ năm 1965 qua báo cáo của các nhân viên ngoại giao và các
nhà báo về sự phật ý đang tăng lên ở Hà Nội với chính
sách của Trung Quốc.

Theo báo cáo này, các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam đã bắt
đầu nghi ngờ về những mục đích đầu tiên của Bắc Kinh ở
Đông Nam Á. Hợp tác với Moskva sẽ tạo cho Hà Nội một cơ
hội để thoát khỏi sự bảo trợ quá đáng của Trung Quốc và
có một vị trí độc lập hơn trong quan hệ giữa Bắc Việt Nam
và Bắc Kinh.

Kreml trông đợi vào một nhóm các nhà chính trị thực dụng
trong giới lãnh đạo Bắc Việt Nam, họ là những người không
hài lòng với ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc ở VNDCCH và
mong muốn có được một chính sách mang tính dân tộc cao hơn.

Liên Xô đã được thông báo rằng, nhóm đó đang tồn tại ở
Hà Nội và thực sự bao gồm những nhân vật như Lê Duẩn,
Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp với sự ủng hộ ngầm của
Hồ Chí Minh. Rõ ràng là Liên Xô không thể sử dựng sức ép
trực tiếp đối với các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam do sợ
bị mất họ.

Những nỗ lực của Liên Xô nhằm thúc đẩy sự bất hoà giữa
Trung Quốc và Bắc Việt Nam đạt tới đỉnh cao trong cuộc
"Cách mạng văn hoá" do một phe nhóm thân Mao trong tầng lớp
lãnh đạo Trung Quốc gây ra.
Hà Nội rất lo lắng trước cuộc đấu đá giành quyền lực
ở Bắc Kinh và về những ý đồ của Trung Quốc lôi kéo Việt
Nam tham gia vào cuộc đấu đá này. Năm 1967, Bộ Chính trị
Đảng Lao động Việt Nam cử một ủy viên đến Bắc Kinh để
đánh giá tình hình ở Trung Quốc và những hậu quả của nó
đối với VNDCCH. Những kết quả của chuyến đi tìm hiểu
thực tế này đã cảnh báo các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam,
họ lo ngại rằng thắng lợi sắp đến của Mao có thể dẫn
đến sức ép của Trung Quốc đối với Hà Nội tăng lên.

Do nhận thức được sự ủng hộ có bảo đảm của Moskva và
nhận thức được cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường cộng
sản nhằm giành lấy ảnh hưởng ở Đông Nam Á, giới lãnh
đạo Việt Nam coi đây là một cơ hội duy nhất để "bắt cá
hai tay".

Khôn khéo vận dụng khủng hoảng giữa Trung Quốc và Liên Xô,
Hà Nội đã giữ được vị trí độc lập trong các mục tiêu
chính trị, trong khi càng ngày càng phụ thuộc hơn vào các
nguồn viện trợ vật chất của các đồng minh.

Như Douglas Pike đã nhận xét, trong suốt cuộc chiến tranh,
những người cộng sản Việt Nam đã duy trì một quan điểm
"cứng rắn một cách cực đoan và bảo thủ" đối với kẻ thù
của họ ở phía Nam. Và đối với những đóng góp của họ cho
"tiến trình cách mạng thế giới" và với trách nhiệm của các
nước xã hội chủ nghĩa khác đối với họ. "Mỗi một quốc
gia cộng sản, dù lớn hay nhỏ - lời của một nhà lý luận
cộng sản Hà Nội - đều có cả lợi ích quốc gia và nghĩa
vụ quốc tế. Và để giải quyết những vấn đề này, một
nước nhỏ (như VNDCCH) phải được tự do quyết định những
lợi ích và nghĩa vụ của nó mà không nên bị ép buộc phải
thực hiện bởi một quốc gia lớn hơn (như Liên Xô hoặc Trung
Quốc). Tuy nhiên một số quốc gia nhỏ cũng có quyền trông
đợi sự giúp đỡ từ những nước lớn". Như vậy, lời tuyên
bố này đã xác định rằng Liên Xô (và Trung Quốc) phải giúp
đỡ VNDCCH, dưới danh nghĩa vô sản quốc tế nhưng cũng với
tinh thần như vậy họ không thể đưa ra những đòi hỏi đối
với VNDCCH, vì như vậy là vi phạm đến quyền tự quyết.

Có một câu hỏi đặt ra là trong khái niệm này thì đâu là
sự tính toán thực tế và đâu là niềm tin trung thực. Hoà
quyện lại với nhau, cả hai điều này hình thành nền móng
trong chính sách đối ngoại của VNDCCH. Hai khái niệm này cũng
đã khẳng định hành vi cư xử của VNDCCH với Liên Xô.

Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội đã mô tả hành vi cư xử
này của Bắc Việt Nam như là một cách tiếp cận "dân tộc
hẹp hòi" đối với vai trò của Liên Xô trên vũ đài quốc tế
và ở Việt Nam.

Giới lãnh đạo Bắc Việt Nam tin tưởng rằng, chỉ có Đảng
Lao động Việt Nam mới có thể đánh giá đúng mức tình hình
ở Đông Dương và có thể tìm ra những phương pháp thích hợp
để giải quyết vấn đề Việt Nam, do đó tất cả các nước
xã hội chủ nghĩa phải có nghĩa vụ ủng hộ sự nghiệp của
Hà Nội. Nói một cách khác, theo quan điểm của Liên Xô, Bắc
Việt Nam đang chứng minh cho thấy đó là một nước độc lập
và cứng đầu.

Do đó, giới lãnh đạo Bắc Việt Nam đã phải miễn cưỡng
thông báo với các đồng nghiệp Liên Xô những thông tin về
tình hình chính trị ở Việt Nam và Đông Dương. Họ giấu
giếm thực trạng các vấn đề nội bộ của Đảng Lao động
và các diễn biến trong mối quan hệ giữa Hà Nội với Bắc
Kinh. Hà Nội không muốn chia sẻ với Moskva về những kế
hoạch tác chiến hoặc những quan điểm của họ về những
biện pháp khả thi để giải quyết cuộc xung đột. Để đáp
lại những thắc mắc dai dẳng của Moskva về các kế hoạch
tác chiến của VNDCCH năm 1967, Phạm Văn Đồng thậm chí còn
trả lời rằng Bắc Việt Nam không có những kế hoạch tác
chiến đó vì họ hành động theo tình hình đang diễn ra.

Moskva cũng không hài lòng với thái độ của Bắc Việt Nam
đối với vấn đề hợp tác kinh tế và quân sự. Đối với
viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam như là một nghĩa vụ quốc
tế đối với "nhân dân Việt Nam anh hùng", Hà Nội đã sử
dụng nguồn viện trợ này một cách đặc biệt cho lợi ích
riêng. Giới lãnh đạo Việt Nam tận dụng mọi cơ hội để
đề nghị các đồng chí Xô Viết mở rộng sự giúp đỡ,
nhưng Hà Nội đã không đáp lại sự quan tâm của đồng minh
một cách đúng mực, họ từ chối xem xét đến những lợi ích
và hiểm họa của người bạn đồng minh của mình và từ
chối đáp lại một cách tích cực những yêu cầu của Liên Xô
đưa ra.

Việt Nam dân chủ cộng hoà đã nhận được rất nhiều thiết
bị công nghiệp, các loại máy móc, mô tơ điện và xe tải.
Hầu hết các thiết bị này có thể được sử dụng để tái
thiết các nhà máy, các nhà máy điện, nhà ga xe lửa và những
cánh đồng bị bom Mỹ phá hoại. Và Hà Nội đã liên tục yêu
cầu viện trợ bổ sung những thiết bị trên. Nhưng chỉ một
phần viện trợ được sử dụng cho việc thái thiết. Phần
còn lại thì được dự trữ để sử dụng lâu dài.

Đôi lần quan chức cấp cao của Liên Xô đã phải nêu vấn
đề về việc tiếp cận các chiến lợi phẩm trong các cuộc
hội đàm với Phạm Văn Đồng và Lê Duẩn nhằm giải quyết
vấn đề đó. Tất cả các chuyên gia Liên Xô làm việc ở
Việt Nam đã được chứng kiến sự giấu giếm và trò chơi hai
mặt của các đồng chí Việt Nam. Các nhà ngoại giao và các
nhà chuyên môn khác bị đặt dưới sự giám sát chặt chẽ
của lực lượng an ninh VNDCCH. Họ sống trong một bầu không
khí thiếu tin cậy và bị ngờ vực. Các quan chức của VNDCCH,
cố gắng ngăn chặn sự tiếp xúc giữa người Liên Xô và
người Việt Nam, phía Việt Nam nghi ngờ rằng các chiến sĩ
đồng mình của họ có thể thu được những tin tức bí mật
bằng những kiểu gặp gỡ như vậy.

Một thái độ đáng kể nhất về thái độ của Việt Nam đối
với Liên Xô đã được thể hiện trong bức thư của Bộ hàng
hải thương mại Liên Xô gửi Xô Viết tối cao ngày 18 tháng 7
năm 1966. Qua việc miêu tả các hành động của người Việt Nam
ở cảng Hải Phòng, Bộ này đã nói rằng lãnh đạo cảng Hải
Phòng đã cố ý trì hoãn việc dỡ hàng của các tàu Liên Xô
và giữ các tàu đó tại cảng bởi vì những con tàu này có
thể hạn chế thiệt hại do bom gây ra đối với cảng khi Mỹ
ném bom. Hơn nữa, lãnh đạo cảng Hải Phòng thường xuyên xếp
những con tàu của Liên Xô gần những điểm dễ bị ném bom
nhất, ví dụ như gần những khẩu pháo phòng không nhằm đảm
bảo sự an toàn cho những khẩu pháo này trong các cuộc ném bom
của Mỹ. Trong các cuộc tấn công không quân của Mỹ, các tàu
quân sự Việt Nam sử dụng các con tàu của Liên Xô như một
lá chắn trong khi họ bắn trả các máy bay của Mỹ.

Vào mùa hè 1967 Hà Nội thiên về giải pháp quân sự và chuẩn
bị cho một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền
Nam. Các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam không thể không thấy rõ
rằng kế hoạch Tổng tiến công này đi ngược lại với quan
điểm của các đồng minh lớn của họ là Liên Xô và Trung
Quốc. Hầu như ngay từ lúc đầu, Liên Xô coi cuộc chiến tranh
Việt Nam là điều không mong muốn và cố thuyết phục Hà Nội
giải quyết vấn đề trên bàn đàm phán.

Trung Quốc cũng không hoan nghênh chủ trương tổng tiến công
này, vì Trung Quốc cho đó là một cuộc chiến tranh hao người
tốn của, một cuộc chiến tranh du kích chỉ hạn chế trong các
cuộc đột kích riêng lẻ của các lực lượng không chính quy
chống lại một kẻ thù siêu cường về quân sự.

Nhưng Hà Nội vẫn ấp ủ những kế hoạch Tổng tiến công vì
tin rằng thậm chí một thắng lợi cục bộ cũng có thể làm
xoay chuyển tình hình ở miền Nam có lợi cho những người
cộng sản Việt Nam, giáng một đòn chí mạng vào chế độ Sài
Gòn, và buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh chống miền Bắc
Việt Nam, qua đó tăng cường uy tín của Hà Nội đối với
Liên Xô và Trung Quốc cũng như phong trào cộng sản quốc tế.
Càng giành được nhiều thắng lợi nổi bật, những người
cộng sản Việt Nam càng chiếm được nhiều lợi thế hơn. Hà
Nội không hy vọng đánh bại Mỹ, nhưng Hà Nội có đủ lý do
để hy vọng thắng lợi đập tan chế độ Sài Gòn.

Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 đã không diễn ra như
dự kiến của các nhà lãnh đạo ở Hà Nội, nó còn chỉ ra cho
họ thấy rằng chỉ bám vào một giải pháp quân sự ở Việt
Nam là không thể chấp nhận được.

Tuy cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân thất bại trên phương
diện quân sự của những người cộng sản, nhưng nó lại là
đòn chí mạng cho chính sách giải quyết vấn đề Việt Nam
bằng giải pháp quân sự của Mỹ. Nhà cầm quyền Mỹ hiểu ra
rằng không thể thắng được cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Người dân Mỹ cũng mất lòng tin vào những báo cáo sai sự
thật về tình hình chiến sự tại Việt Nam của Lầu Năm Góc.

Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân đã đưa hai bên đến bàn
đàm phán tại Paris. Hội đàm chính thức giữa VNDCCH và Hoa Kỳ
diễn ra vào ngày 13 tháng 5 tại Khách sạn Majestic Paris.

Đối với Trung Quốc, ảnh hưởng đối với chính sách của
Bắc Việt Nam được CIA đánh giá là giảm đi một cách căn
bản. Trung Quốc chỉ có hai cách gây sức ép đối với Bắc
Việt Nam. Họ có thể cắt cung cấp gạo và bột mì, nhưng Hà
Nội có ít nhất ba tuần dự trữ gạo và Liên Xô có thể cung
cấp gạo bằng đường biển cho họ. Hoặc Trung Quốc có thể
triệu hồi các trung đoàn lao động quốc tế của họ khỏi
Bắc Việt Nam, nhưng việc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc có thể
làm những lực lượng này không còn có vai trò quan trọng nữa.
CIA báo cáo rằng tất cả các quan chức Bắc Việt Nam đều
đồng ý việc Trung Quốc không thể áp đặt ý chí của họ
đối với Bắc Việt Nam một cách có hiệu quả.
Phản ứng của Bắc Kinh đối với các cuộc Hội đàm ở Paris
không hề có dấu hiệu tích cực nào. Rõ ràng, Hà Nội đã
nhất trí phải ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ mà không hề
hỏi ý kiến phía Trung Quốc trước.
Thậm chí, sau khi Bắc Việt Nam tuyên bố sẵn sàng đàm phán,
trong cuộc viếng thăm Bắc Kinh của lãnh đạo Bắc Việt Nam
hồi tháng 4 năm 1968, phía Trung Quốc còn nói rằng, chưa phải
lúc Việt Nam ngồi vào đàm phán với Mỹ. Các nhà lãnh đạo
Trung Quốc nhấn mạnh: "Chúng ta đã quá vội đi đến nhân
nhượng".

Ban lãnh đạo Trung Quốc đã gây sức ép buộc Hà Nội từ bỏ
quyết tâm đàm phán bằng việc tạo ra những khó khăn cho hàng
loạt lĩnh vực hoạt động của Bắc Việt Nam. Họ ngăn trở
việc cung cấp viện trợ của Liên Xô cho Bắc Việt Nam.

Ngoài các kế hoạch ngăn trở Bắc Việt Nam ngồi vào hội đàm
với Mỹ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc còn ra sức lợi dụng
Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, Bắc Kinh bắt đầu
mở rộng các quan hệ riêng rẽ với Mặt trận dân tộc giải
phóng, thuyết phục các nhà lãnh đạo Mặt trận tiếp tục
"trường kỳ kháng chiến".

Theo báo cáo thì việc tiếp tục cuộc chiến ở Việt Nam cho
phép Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục đặt Trung Quốc
trong tình trạng căng thẳng, nhân dân càng sợ chiến tranh xâm
lược.

Theo những người Mao-ít, về mặt chiến lược, cuộc chiến
tranh ở Việt Nam sẽ làm suy yếu cả Mỹ và Liên Xô, và làm
tăng cơ hội đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai đối
thủ chính của Trung Quốc. Ngoài ra, Đại sứ quán Liên Xô tin
rằng Trung Quốc đang cố sử dụng các chiến thuật chiến tranh
và lợi dụng sự có mặt của Mỹ ở Đông Nam Á nhằm tăng
cường vị trí của mình ở khu vực này.

Năm 1969 tổng thống Nixon lên nắm quyền. Chính quyền Nixon có
những chính sách đối ngoại mới, đặc biệt là chính sách
cải thiện quan hệ với CHND Trung Hoa. Những gì được xem như
động lực để Nhà Trắng mở rộng lợi ích của Mỹ ở Trung
Quốc chính là sự xuống cấp nghiêm trọng trong quan hệ Trung -
Xô năm 1969 và là kết quả của các mưu toan giành được sự
ủng hộ về ngoại giao ở Washington của Liên Xô. Theo Kissinger,
"chính cử chỉ ngoại giao vụng về của Liên Xô đã làm chúng
ta nghĩ tới các cơ hội của mình".

Các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam có vẻ như buồn bã nhất với
thực tế mới này. Có một điều rõ ràng đối với họ là
Mỹ có khả năng tách họ ra khỏi đồng minh của chính họ
bằng cách sử dụng "ngoại giao tam giác".

Các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam đã nhận ra các hậu quả nếu
như cả hai đồng minh của VNDCCH đều quan tâm tới việc làm
hoà dịu mới căng thẳng đối với Mỹ. Nếu vậy, họ sẽ
thúc Hà Nội chấm dứt cuộc chiến ở Việt Nam càng sớm càng
tốt.

Tháng 5 năm 1971, các nhà lãnh đạo Hà Nội đã đưa ra quyết
định tổ chức một cuộc tiến công. Mục đích của cuộc
tiến công quân sự mới này là nhằm phá vỡ sự bế tắc trong
cuộc chiến và trong cuộc đàm phán ở Paris bằng cách giáng
một đòn mạnh vào chính sách Việt Nam hoá chiến tranh của
Nixon và thuyết phục Mỹ rằng chế độ Sài Gòn không có chủ
quyền riêng đối với miền Nam Việt Nam. Nếu như hai mục tiêu
này được hoàn tất, các nhà lãnh đạo Hà Nội hy vọng sẽ
nhận được các nhượng bộ từ phía Mỹ đối với vấn đề
căn bản của các buổi đàm phán là thành lập một chính phủ
liên hiệp.

Các nhà chiến lược của Hà Nội luôn coi cuộc đấu tranh quân
sự là một bộ phận cấu thành chính sách chiến tranh của
họ, họ không bao giờ từ bỏ chiến lược "vừa đánh vừa
đàm" mặc dù năm 1972 họ đã nhấn mạnh đến biện pháp
ngoại giao hơn. Bởi vậy, khi Việt Nam dân chủ cộng hoà nhận
thấy rõ ràng hơn rằng nếu chỉ dùng các biện pháp ngoại giao
không thôi thì không thể giành được những kết quả mong
đợi, họ đã hướng tới hành động quân sự.

Khi được thông báo các kế hoạch bắt đầu một cuộc tấn
công vào "mùa khô" năm 1972 của VNDCCH để "tạo điều kiện
thuận lợi cho các cuộc hoà đàm ở Việt Nam và Đông Dương",
Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội đã cho rằng "người Việt
Nam đang quá mạo hiểm". Họ đã đề nghị Moskva tiếp tục
giải thích cho các đồng chí Việt Nam việc sự dụng các biện
pháp ngoại giao.

Đại sứ quán Liên Xô đã nhắc lại đề nghị của mình trong
quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam dân chủ cộng hoà
của Chủ tịch Nicolai Podgornyi mùa thu năm 1971. Nhưng Hà Nội
đã bỏ ngoài tai đề nghị này của Liên Xô và các công việc
chuẩn bị cho một cuộc tiến công vẫn cứ được tiến hành
sau đó.

Trong khi Moskva và Washington tích cực tham gia thảo luận về
cuộc họp thượng đỉnh Xô - Mỹ ở thủ đô Liên Xô thì ngày
30/3/1972, các đơn vị pháo binh và bộ binh Bắc Việt Nam đã
phát động một cuộc tiến công kết hợp qua khu phi quân sự
tới thành Quảng Trị và từ phía Tây tới Huế.

Kế hoạch của các nhà chiến lược VNDCCH vẫn cứ làm cho các
đồng minh ở Moskva và Bắc Kinh bị một cú sốc ghê gớm. Cả
Liên Xô và Trung Quốc đều không nhiệt tình với quyết định
sử dụng hành động quân sự hỗ trợ cho các nỗ lực ngoại
giao của Hà Nội. Bắc Kinh quan tâm tới việc chấm dứt chiến
tranh ở Việt Nam bởi tình hình quốc tế đã thay đổi và bởi
tiến trình lập lại quan hệ với Mỹ. Còn Moskva đã đặc
biệt thất vọng về cuộc tiến công xảy ra ngay trước khi có
cuộc họp thượng đỉnh ở Moskva.

Vào thời điểm 1972, nước Mỹ thì đã quá mệt mỏi với
chiến tranh, dư luận trong cũng như ngoài nước Mỹ đòi hỏi
giải quyết vấn đề hòa bình ở Việt Nam như chính quyền
Nixon đã hứa. Quốc hội Mỹ dọa không chi thêm bất cứ đồng
đô-la nào cho cuộc chiến này nữa. Mỹ chỉ còn mục tiêu
chính trị duy nhất tại Đông Dương là rút quân trong danh dự
và giải quyến vấn đề tù binh Mỹ. Nỗ lực quân sự cuối
cùng của Mỹ là chiến dịch Linebacker II, được Việt Nam gọi
là chiến dịch "oanh tạc 12 ngày đêm". Rồi thì bốn bên: Hoa
Kỳ, VNCH, VNDCCH, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa MNVN
cũng ký kết Hiệp định Paris vào ngày 27/1/1973, chấm dứt sự
tham chiến của quân đội Mỹ tại Đông Dương.

(còn tiếp)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4607), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét