Lạc Văn - Tính chính đáng của các bên trong cuộc chiến tại Việt Nam 1945-1975 (phần 2)

<h2>I.TIÊU CHÍ ĐỘC LẬP – TỰ CHỦ VÀ TÍNH HỢP PHÁP CỦA CÁC
BÊN</h2>

Nếu chỉ xét tính hợp pháp của một chính quyền dựa trên
sự công nhận của LHQ thì sẽ là không đủ, bởi bản thân LHQ
bị thao túng bởi các nước lớn trong HĐBA. Có những trường
hợp lợi ích các nước lớn đó đi ngược lại với quyền
tự quyết của dân tộc khác.

Tính hợp pháp của chính quyền phải dựa trên sự công nhận
của người dân. Để xác định được liệu một chính quyền
có được người dân công nhận hay không thì cần phải xem
người dân có chân thành hợp tác, ủng hộ những mục tiêu
chính của chính quyền đó đề ra hay không.

VNDCCH ra đời vào mùng 2/9/1945, trước đó vua Bảo Đại đã
chính thức thoái vị tại Huế vào tháng 8/1945, trao ấn kiếm
cho chế độ mới.

Có người đem so sánh sự ra đời của VNDCCH với việc vua Bảo
Đại ra chiếu số 1 tuyên bố Độc Lập vào ngày 17/3/1945 lập
nên Đế quốc Việt Nam, và vào ngày 17/4/1945 thành lập chính
phủ do Trần Trọng Kim đứng đầu. Nhưng điểm khác biệt
giữa VNDCCH và Đế quốc Việt Nam là ở chỗ:

Nhà nước VNDCCH hoạt động có hiệu quả, lập ra bộ máy hành
chính từ trung ương đến địa phương, trong thời gian ngắn huy
động được sức người và vật chất để chuẩn bị kháng
chiến trong khi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đó
là những việc phải giải quyết như nạn đói Ất Dậu và
hậu quả của nó, quân đội nước ngoài đang có mặt trên
Đất nước dựa vào ủy thác của Đồng Minh theo hiệp ước
Postdam với số lượng lớn, gồm có quân Anh – Pháp tại phía
Nam, quân Tưởng Giới Thạch tại phía Bắc, quân Nhật thì chưa
rút về nước.

Việt Minh giành chính quyền bằng nội lực và sức mạnh quần
chúng và đó cũng là một trong những lý do VNDCCH tự chủ trong
quyết định của mình.

Việt Minh có thể vượt qua được nhiều khó khăn, huy động
được sức người và vật chất chuẩn bị kháng chiến như
đã nêu cũng bởi được đa số người dân công nhận và chân
thành hợp tác với chính quyền. Mục tiêu của chính quyền là
giữ độc lập và thống nhất Đất nước hợp với ý nguyện
người dân. Yếu tố này đồng hành cùng VNDCCH suốt 30 năm
chiến tranh, và cũng là yếu tố tạo nên sự ủy thác của đa
số người dân đối với chế độ.

Những việc mà Đế quốc Việt Nam đã làm được có thể kể
đến như:

- Thay chương trình dạy học từ tiếng Pháp sang tiếng Việt.

- Thống nhất Nam Kỳ trên danh nghĩa. Bản thân việc thống
nhất trên danh nghĩa này cũng phản ánh tính chất "tự chủ"
của nhà nước đó đối với phát xít Nhật.

Ngày 11/3/1945 hoàng đế Bảo Đại nêu vấn đề thống nhất
lãnh thổ với đại sứ Nhật Yokohama, ông này trả lời:
"<em>Xin Hoàng Thượng hãy nhẫn nại. Tình hình quân sự hiện
giờ làm cho nước Nhật phải đặt Nam Kỳ như một vùng chiến
lược, và phải nắm quyền cai trị xứ đó. Nhưng khi Nhật đã
thắng trận, sẽ trao trả lại cho Việt Nam</em>". Ngày 14/8/1945
Mỹ chấp nhận cho chính phủ Nhật đầu hàng, cũng ngày hôm
đó, đại sứ Nhật mới trả Nam Kỳ bởi không còn giữ
được nữa. Như vậy cũng thấy "thành ý" của phát xít Nhật
đối với nền độc lập của Việt Nam, và cũng thấy tính tự
chủ của Đế quốc Việt Nam.

Hiệu quả hoạt động của chính phủ Trần Trọng Kim có thể
thấy ở việc chính phủ đó đã làm được gì khi nạn đói
hoành hành với khoảng hai triệu đồng bào chết đói (không có
con số thống kê cụ thể) tại Miền Bắc, trong khi Nam Kỳ có
thừa lúa gạo.

Vả lại nếu nhà nước đó có được sự ủng hộ, ủy thác
của người dân thì đã không dễ dàng mất quyền vào tháng 8
năm 1945.

[B]1. Yếu tố độc lập – tự chủ và VNDCCH[/B]

Không ít người đồng nghĩa việc tham chiến của Pháp, rồi
đến Mỹ tại Việt Nam với sự trợ giúp vật chất, chính
trị cũng như nhân lực của Trung Quốc và Liên Xô cho VNDCCH.
Đó chính là tính nhiều mặt của sự việc. Có những sự
việc bề ngoài giống nhau, nhưng bản chất lại khác nhau. Yếu
tố quan trọng nhất tạo nên sự khác biệt đó là tính tự
chủ và tính hợp pháp của chính quyền.

Ngoài mục tiêu giữ vững chính quyền như bất cứ chế độ
nào khác, mục tiêu chính của VNDCCH (do Việt Minh lãnh đạo)
trong giai đoạn 1945-1946 là giữ được tự chủ (ít nhất trên
thực tế) và thống nhất Đất nước.

Có người cho rằng Việt Minh hành động theo chỉ đạo của
Quốc tế cộng sản. Trong báo cáo vào năm 1947, Special Projects
Staff - Ban Những Kế hoạch Đặc Biệt, chuyên đánh giá các tin
tức tình báo của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cùng với COMINT
(Communications Intelligence – Tình báo thông tin) đã không thể
tìm ra bất kỳ chứng cớ nào về sự điều khiển của Moskva
đối với phong trào cộng sản Việt Nam. Bản báo cáo tương
tự vào năm 1948 của bộ ngoại giao Hoa Kỳ lập lại tình
trạng đó và không thể tìm ra chứng cớ trực tiếp, nếu
xuất hiện bất cứ chứng cứ nào, âm mưu do Moskva điều
khiển là sự không bình thường [I]("Prelude: Indochina before
1950")[/I].

Trước năm 1950 Việt Minh không nhận được sự ủng hộ của
các nước cộng sản và bị cô lập cũng là điều dễ hiểu
bởi Stalin hoài nghi phong trào cộng sản Việt Nam pha đậm màu
sắc dân tộc chủ nghĩa. Sự hoài nghi càng tăng khi đảng cộng
sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán ngày 11/11/1945. Stalin lo
ngại Việt Nam là một Nam Tư ở Châu Á.
Mục tiêu chính của VNDCCH trong giai đoạn 1947-1954 là kháng
chiến chống thực dân Pháp, giành lại độc lập. Việt Minh
thực hiện chiến tranh nhân dân để áp chế sức mạnh vượt
trội của đối phương. Giành chủ động trên chiến trường,
chủ động về thời gian, địa điểm, giàn mỏng lực lượng
cơ động của Pháp. Trên lý thuyết, chiến tranh nhân dân
được tiến hành trong 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là xây dựng
và giữ vững căn cứ cách mạng, bảo toàn lực lượng, đẩy
mạnh hoạt động du kích. Giai đoạn 1 ứng với thời kỳ
1947-1950. Giai đoạn 2 là khi lực lượng hai bên cân bằng, và
giai đoạn 3 là giai đoạn phản công, khi chiếm ưu thế về
quân sự cũng như chính trị, tiến về giải phóng đồng bằng
và các đô thị.

Từ năm 1950, khi VNDCCH nhận được sự giúp đỡ hữu ích của
CHND Trung Hoa, tình thế trên chiến trường có thay đổi. Quân
đội NDVN thay đổi tắc chiến từ đánh du kích với quy mô
lực lượng "đại đội độc lập" thành đánh vận động
hoặc công kiên với quy mô đến đại đoàn hoặc nhiều đại
đoàn phối hợp. Chiến thuật tuy có thay đổi, song mục tiêu
và chiến lược không thay đổi.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Minh có lợi thế tinh
thần, tuy nhiên thế và lực của Việt Minh chưa thể giành
chiến thắng hoàn toàn trên chiến trường. Pháp và các Quốc
gia liên kết nằm trong Liên bang Đông Dương vẫn còn khoảng 450
ngàn quân, và vẫn nắm ưu thế về vũ khí. Nước Pháp tuy mệt
mỏi với cuộc chiến nhưng không đầu hàng. Tình hình đặc
biệt phức tạp vì Mỹ có thể nhẩy vào tham chiến thay Pháp
bất cứ lúc nào. Với tình hình như vậy, giải pháp chính trị
là giải pháp duy nhất đối với VNDCCH.

Thất bại trong đàm phán của VNDCCH tại Hội nghị Giơ-ne-vơ
là phải chấp nhận vĩ tuyến 17. CHND Trung Hoa và Liên Xô đã
không quyết tâm đấu tranh vì quyền lợi đồng minh vì cả
Liên Xô và Trung Quốc đều không muốn kéo dài cuộc chiến và
nguy cơ đối đầu trực tiếp với Mỹ.
Hiệp định Giơ-ne-vơ là thất bại đối với nước Việt Nam
nói chung, bởi không có ràng buộc pháp lý nào bắt buộc Mỹ
và chính quyền Sài Gòn phải thực thi Hiệp định dẫn đến
việc chia cắt Đất nước. Vấn đề nằm ở chỗ Mỹ và
đồng minh của họ đã có dã tâm quyết định vận mệnh của
Việt Nam.

Vào hạ tuần tháng 6/1954 các nhà lãnh đạo Anh - Mỹ gặp nhau
bàn về vấn đề Đông Dương đã đưa ra nguyên tắc 7 điểm
gửi cho người Pháp, theo như Ngoại trưởng Anh Eden thì đó là:

1) Duy trì độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Lào và
Campuchia, và đảm bảo sự rút quân của Việt Minh ra khỏi các
nước đó;

2) Duy trì ít nhất nửa phía nam của Việt Nam với đường phân
chia không xa về phía nam hơn Đồng Hới, và nếu có thể, lỏm
đất (enclave) nằm ở đồng bằng (sông Hồng);

3) Không với những hạn chế đối với Lào, Campuchia, và phần
Việt Nam còn lại dẫn đến suy giảm khả năng duy trì chế
độ ổn định không cộng sản của họ; và đặc biệt những
hạn chế làm suy giảm quyền duy trì quân đội thích hợp để
giữ an ninh nội địa, quyền để nhập vũ khí và dùng cố
vấn nước ngoài của họ;

4) Không với điều khoản chính trị có thể đánh mất phần
đất còn lại vào tay cộng sản;

5) Không với điều khoản có thể loại bỏ khả năng thống
nhất cuối cùng của Việt Nam bằng những biện pháp hòa bình;

6) Điều khoản cho người dân di cư hòa bình từ một vùng này
đến vùng khác của Việt Nam, dưới sự kiểm soát quốc tế;

7) Điều khoản cho phép kiểm soát quốc tế theo hiệp định
hoạt động hiệu quả.

Ngày hôm sau, 7/7/1954 Ngoại trưởng Mỹ Dulles gửi điện đến
Đại sứ Mỹ tại Paris Dillon có đoạn viết: "Chúng ta nhận
thức rõ rằng ngay cả khi Hiệp định đáp ứng cả 7 điểm
cũng không thể đảm bảo rằng một ngày nào đó Đông Dương
không rơi vào tay cộng sản. 7 điểm với mục đích cung cấp
cơ hội tốt nhất để điều đó không xảy ra. Cái đó yêu
cầu sự tuân thủ theo tiêu chí không chỉ đơn thuần trên mặt
chữ mà trên tinh thần. Vì sự thật không nghi ngờ là Tổng
tuyển cử có thể đồng nghĩa với thống nhất Việt Nam dưới
sự lãnh đạo Hồ Chí Minh, và bởi vậy Tổng tuyển cử chỉ
có thể xảy ra ở thời điểm xa nhất có thể sau hiệp định
ngừng bắn và trong điều kiện không bị đe dọa, để dành cho
những yếu tố dân chủ (ở Miền Nam) cơ hội tốt nhất"
[I]("The Pentagon Papers", Gravel Edition, Volume 1, Chapter 3, Document 74,
"Telegram from Secretary of State Dulles to Ambassador Dillon on the
Negotiations in Geneva, 7 July 1954, pp. 546-47".)[/I].

Đầu năm 1954 tổng thống Mỹ Eisenhower có nhận xét là nếu
Tổng tuyển cử diễn ra trong thời điểm đó giữa Hồ Chí Minh
và Bảo Đại thì Hồ Chí Minh có thể nhận được 80% phiếu
bầu [I]("President Dwight D. Eisenhower on the likelihood that Ho Chi Minh
would win a national election in Vietnam in 1955")[/I].

Mỹ và đồng minh đã quyết định số phận Việt Nam mà không
quan tâm đến quyền tự quyết của nước Việt Nam, không quan
tâm đến nhu cầu căn bản nhất của dân tộc Việt Nam là
độc lập - tự chủ, thống nhất đất nước, họ không chấp
nhận thực tế là những người cộng sản là thế lực chính
trị mạnh nhất và được nhiều người dân ủng hộ nhất
tại Việt Nam.

Chiến lược của Mỹ đối với Đông Dương trong thời gian đó
xuất phát vì học thuyết Đô-mi-nô. Vào tháng 4/1954. Tống
thống Eisenhower đưa ra lời tiên đoán nổi tiếng rằng nếu
Đông Dương sụp đổ, phần còn lại của Đông Nam Á sẽ "sụp
đổ rất nhanh" như "những quân bài Domino". Ông còn thêm rằng
"những hậu quả có thể xảy ra của mất mát này là không
thể tính được đối với thế giới tự do". Như trong hồi ký
của mình, McNamara viết: Cuối cùng tôi cũng nhận ra rằng trong
những năm ở Thượng viện, John F. Kennedy đã lặp lại những
đánh giá của Eisenhower về Đông Nam Á. Trong bài diễn văn
được công bố rộng rãi vào năm 1956, ông đã nói: "Việt Nam
là hòn đá tảng của Thế giới tự do ở Đông Nam Á. Đó là
con đẻ của chúng ta. Chúng ta không thể từ bỏ nó, không thể
phớt lờ những nhu cầu của nó" [I]("Nhìn lại quá khứ - Tấn
thảm kịch và những bài học về Việt Nam", McNamara)[/I].
Mỹ đã tham dự vào vấn đề Đông Dương vì ý thức hệ,
đặt xung đột tại Đông Dương trong cái nhìn của cuộc chiến
tranh Lạnh trên toàn cầu như vậy đó.

Tuy nhiên sự đối đầu và mối quan hệ tứ giác VNDCCH, Mỹ,
Trung Quốc, Liên Xô hoàn toàn không đơn thuần chỉ là cuộc
đối đầu Đông – Tây như nhiều người lầm tưởng. Đằng
sau đó là cả sự ích kỷ, tính toán vì những mục đích
riêng. Chính trị vốn là trò chơi bí hiểm và đầy bất ngờ.

Dưới đây là một vài số liệu về sự tham gia của các
nước liên quan đến cuộc chiến tranh tại Việt Nam:

<h3>a. Các nước XHCN</h3>

<h4>CHNH Trung Hoa:</h4>

Từ tháng 06/1965 đến tháng 03/1969, CHND Trung Hoa đưa sang Việt
Nam 346 chuyên gia quân sự và 320.000 lượt quân nhân, công nhân
xây dựng công trình quốc phòng, làm đường bộ, đường sắt.
Những đơn vị đầu tiên sang Việt Nam tháng 06/1965 gồm 4 chi
đội (tương đương sư đoàn) công binh 1, 4, 5, 6 được tổ
chức thành 22 trung đoàn công binh, trong đó chi đội 1 công binh
đảm nhiệm xây dựng đường sắt Lưu Xá - Kép, chi đội 5
công binh đảm nhiệm sửa chữa đường ô tô từ Lào Cai xuống
Yên Bái, chi đội 4 công binh đảm nhiệm nâng cấp quốc lộ 3
từ Bờ Đậu - Phú Lương đến Cao Bắc - Ngân Sơn. Ngoài ra còn
một số đơn vị công binh đường sắt, công binh không quân,
quân y, rà phá mìn của hải quân và công nhân xây dựng với
tổng số khoảng 170.000 lượt người.

Từ tháng 02/1969, toàn bộ các đơn vị CHND Trung Hoa gồm 7 trung
đoàn công binh làm đường sắt, 2 trung đoàn công binh sửa
chữa đường bộ, 4 chi đoàn cao xạ và một số đơn vị công
binh không quân với quân số 114.563 người lần lượt được
tổ chức rút về nước và đến tháng 09/1969 hoàn thành rút
quân khỏi Việt Nam.

Trong thời gian ở Việt Nam, các đơn vị CHND Trung Hoa bị tổn
thất 771 người chết và 1.675 người bị thương.

Từ cuối năm 1966, một số đơn vị phòng không CHND Trung Hoa
cũng được đưa sang Việt Nam làm nhiệm vụ chiến đấu tại
khu vực gần biên giới Việt - Trung, những đơn vị đầu tiên
là Chi đội (tương đương sư đoàn) 62 phòng không (từ tháng
12/1966 đến tháng 08/1967), Chi đội 170 phòng không (từ tháng
07/1967 đến tháng 03/1968) v.v. Tổng cộng có 16 lượt chi đội
với 63 lượt trung đoàn phòng không đã tham chiến ở Việt Nam,
với khoảng 150.000 lượt người.

<h4>Liên Xô:</h4>

Từ 1960 đến 1975, Liên bang CHXHCN Xô Viết đưa khoảng 6.500
lượt sĩ quan và 4.500 lượt hạ sĩ quan, binh sĩ sang làm nhiệm
vụ tại Việt Nam. Tổn thất ở Việt Nam là 13 người chết (4
không trong chiến đấu).
CHDCNH Triều Tiên:

Từ năm 1966 đến 1969, CHDCND Triều Tiên cử sang Việt Nam 384
chuyên gia quân sự (trong đó có 96 phi công và nhân viên kỹ
thuật không quân) và 35 chuyên gia về địch vận, phát thanh.
Trong thời gian tham chiến ở Việt Nam, tổn thất của CHDCND
Triều Tiên là 14 phi công chết (trong đó 2 không trong chiến
đấu).

Đến năm 1967 toàn bộ viện trợ của các nước xã hội chủ
nghĩa cho Việt Nam dân chủ cộng hoà ước tính đạt khoảng 1,5
tỷ rúp (hơn 1,5 tỷ đô-la nếu chuyển ra đô-la theo tỷ giá
hối đoái chính thức của Liên Xô 1 đô-la bằng 0,9 rúp). Phần
của Liên Xô là 36,8% hay 547,3 triệu rúp (608,1 triệu đô-la).

Thời gian trôi qua, viện trợ của Liên Xô lên tới khoảng 50%
của tổng số viện trợ của xã hội chủ nghĩa và vào năm
1968 nó đã đạt tỷ lệ 524 triệu rúp (582,2 triệu đô-la).

Những khoản viện trợ này hoàn toàn được tài trợ thông qua
các khoản cho vay tín dụng dài hạn. Mặc dù hàng hoá của Liên
Xô rất quan trọng cho ngành công nghiệp, viễn thông và nông
nghiệp, song VNDCCH vẫn quan tâm nhiều hơn đến viện trợ quân
sự.

Hợp tác quân sự giữa hai nước nhận được sự chú ý của
các nhà lãnh đạo ở Moskva và Hà Nội. Liên Xô bắt đầu
viện trợ cho đồng minh Việt Nam của mình vũ khí và các trang
bị quân sự vào năm 1953 (năm mà nó xuất hiện trong các bản
báo cáo của các quan chức Liên Xô). Số lượng viện trợ quân
sự của Liên Xô trước 1965 không lớn, phần lớn viện trợ do
Trung Quốc cung cấp. Tình hình thay đổi căn bản từ năm 1965.
Liên Xô tăng cường viện trợ quân sự của họ cho VNDCCH và
dần dần trở thành nguồn cung cấp chính các vũ khí và trang
thiết bị hiện đại cho VNDCCH. Theo một bản báo cáo của Bộ
Ngoại giao Liên Xô ngày 26 tháng 10 năm 1965, từ năm 1962 Moskva
đã cung cấp cho Chính phủ VNDCCH xấp xỉ 200 triệu đô-la trang
thiết bị quân sự, kể cả máy bay. Hơn một nửa số này đã
được chuyển đến trong năm 1965.

Trong năm 1966-1967 Moskva đã lĩnh trách nhiệm cung cấp 500 triệu
rúp trang thiết bị quân sự cho VNDCCH (xấp xỉ 550,5 triệu
đô-la) và đạt 1 tỷ rúp trị giá hàng quân sự tính từ năm
1953. Năm 1968 viện trợ quân sự chiếm khoảng hai phần ba tổng
số viện trợ của Liên Xô cho VNDCCH và tính ra được 357
triệu rúp (369,7 triệu đô-la).

Vào năm 1969 VNDCCH đã nhận được số viện trợ nửa tỷ
đô-la từ Liên Xô, chiếm năm mươi phần trăm số viện trợ
khối XHCN cung cấp. Mặc dù số viện trợ quân sự suy giảm
trong năm 1969, do giảm bớt các hoạt động quân sự ở chiến
trường, song con số vẫn trên hai trăm triệu đô-la.

Cùng với máy bay chiến đấu, pháo phòng không và ra-đa, tên
lửa "đất đối không" đã trở thành những chướng ngại vật
nghiêm trọng cho kế hoạch đè bẹp VNDCCH bằng những nỗ lực
quân sự của Mỹ. Vũ khí hiện đại bản thân chúng không đáp
ứng được tất cả những nhu cầu của VNDCCH. Hà Nội cũng
cần những cán bộ quân sự được đào tạo tốt, những
người có kinh nghiệm vận hành các vũ khí do Liên Xô cung cấp.
Điều này làm cho VNDCCH phụ thuộc vào các cố vấn Liên Xô và
đòi hỏi các quân nhân cần phải được gửi sang Liên Xô đào
tạo. Mỗi năm trong cuộc chiến tranh Việt Nam có hàng ngàn sĩ
quan, chiến sĩ của Việt Nam được đào tạo tại các trường
quân sự của Liên Xô.

Năm 1966, theo báo cáo của đại sứ quán Liên Xô, 2.600 người
Việt Nam được gửi tới đào tạo tại Liên Xô để phục vụ
cho ngành không quân và phòng không.

Vào cuối năm 1964, Trung Quốc đã cung cấp cho đồng minh Việt
Nam 457 triệu đô-la trị giá hàng viện trợ (48%), trong khi Liên
Xô là 370 triệu đô-la hay 40%.

Theo đánh giá của Liên Xô, từ năm 1955 đến 1965 CHND Trung Hoa
đã cung cấp cho Việt Nam 511,8 triệu rúp viện trợ kinh tế
(khoảng 569 triệu đô-la). Trong tổng số này, 302,5 triệu rúp
(336 triệu đô-la) được cung cấp dưới dáng các khoản viện
trợ. Liên Xô đánh giá sự giúp đỡ của Trung Quốc cho Hà
Nội năm 1972 là vào khoảng nửa tỷ đô-la.

Mặc dù năm 1968 Trung Quốc để mất vị trí đứng đầu trong
việc viện trợ, nhưng họ tiếp tục cung cấp một khối
lượng lớn viện trợ cho VNDCCH. Chẳng hạn, Bắc Kinh là nguồn
cung cấp chủ yếu ngoại tệ mạnh cho Mặt trận dân tộc giải
phóng MNVN. Năm 1966, Trung Quốc gửi cho MTDTGP 20 triệu đô-la,
năm 1967 khoản viện trợ này lên đến 30 triệu đô-la. Và CHND
Trung Hoa tiếp tục cung cấp thực phẩm và vũ khí cho VNDCCH
[I]("Liên bang Xô Viết và chiến tranh Việt Nam", Ilya V.
Gaiduk)[/I].

<h3>b.Hoa Kỳ và các nước đồng minh</h3>

<h4>Hoa Kỳ:</h4>

Vào thời điểm cao nhất tháng 4/1969, lục quân Mỹ tại Việt
Nam đạt quân số 363.000 người. Trang bị gồm có:

Pháo binh: 84 tiểu đoàn với khoảng 1.500 khẩu pháo các loại
(chủ yếu là pháo 105mm, 155mm trở lên).

Xe tăng thiết giáp: 24 tiểu đoàn với khoảng 2.900 xe tăng, xe
bọc thép các loại.

Vào thời điểm cao nhất tháng 4/1969, hải quân Mỹ đạt quân
số 36.000 người và lính thủy đánh bộ 81.800 người, lực
lượng phòng vệ bờ biển 400 người. Trang bị khoảng 267 tàu
hải quân các loại.

Lực lượng tác chiến của Hạm đội 7 Mỹ đánh phá miền
Bắc Việt Nam thường xuyên có 2-3 tàu sân bay, 15-30 tàu chiến
gồm tàu chống ngầm, tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu ngầm.
Riêng trong chiến dịch Linebecker II tháng 12/1972 có 6 tàu sân bay
tham gia.

Vào thời điểm cao nhất tháng 4/1969, không quân Mỹ đạt quân
số 61.400 người. Trang bị: 4.050 máy bay trong đó có 768 máy bay
chiến đấu và 2.668 máy bay trực thăng.

Mỹ đã huy động vào thời điểm cao nhất 68% lục quân, 40%
hải quân, 32% không quân chiến thuật, 50% không quân chiến
lược, 45 % pháo binh. Có 3.525.000 lượt quân đã sang tham chiến
tại Việt Nam. Trong thời gian chiến tranh, Mỹ đã động viên 8
sư đoàn, 2 lữ đoàn hậu bị, đồng thời huy động 5.000.000
lao động sản xuất cho quốc phòng phục vụ cuộc chiến tranh
này.

<h4>Hàn Quốc:</h4>

Tổng quân số lúc cao nhất: 50.000 người. Tổn thất: 4.407
người chết, 17.060 người bị thương.

<h4>Thái lan:</h4>

Tổng quân số: 13.000 người. Tổn thất: 351 người chết, 1.358
người bị thương.

<h4>Úc:</h4>

Tổng quân số: 7.000 người. Tổn thất: 469 người chết, 2.940
người bị thương.

<h4>Philippines:</h4>

Tổng quân số: 2.000 người.

<h4>New Zealand:</h4>

Tổng quân số: 600 người. Tổn thất: 55 người chết, 212
người bị thương.

<h4>Đài Loan:</h4>

Có 29 cố vấn quân sự.

Tổng chi phí quân sự của riêng Mỹ tại cuộc chiến tranh tại
Việt Nam từ 1965-1975 là 111 tỷ đô-la, quy đổi theo thời giá
năm 2008 thì bằng 686 tỷ đô-la. Cao điểm của cuộc chiến là
năm 1968, chi phí quân sự của Mỹ vào cuộc chiến tại Việt
Nam bằng 2,3% GDP của Mỹ [I]("CRS Report for Congress. Costs of Major
U.S. War", Stephen Daggett)[/I].

(Còn tiếp)

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4604), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét