Kim Châm - Băng hoại xã hội: Nguyên nhân và hướng giải quyết

Thời gian gần đây báo chí trong nước liên tục đưa tin về
những vụ việc lạm dụng tình dục ở khắp nơi tại Việt
Nam. Chỉ cần tìm kiếm trên internet với cụm từ "cưỡng
bức", người ta sẽ nhận được khá nhiều kết quả khiến
phải giật mình.

Điều đáng bàn là tình trạng đạo đức xã hội bị xuống
cấp nghiêm trọng này không chỉ xuất hiện ở thôn quê, nơi
thành phố, trong cuộc sống thường ngày của dân gian; mà nó
còn là hiện tượng đáng báo động trong đời sống đạo
đức của các quan chức, kể cả những người lãnh đạo hệ
thống giáo dục. Vụ hiệu trưởng mua dâm nữ sinh tại tỉnh
Hà Giang với danh sách đen một loạt các quan chức đầu ngành
tại tỉnh này là một ví dụ cụ thể.

Một trong những lý do khiến các giá trị đạo đức xã hội
bị đảo lộn, phẩm giá con người bị coi rẻ này là sự
buông thả trong việc quản lý, định hướng và phát triển xã
hội của những người lãnh đạo. Hãy nhìn xem, có đất nước
nào mà việc xuất bản một quyển sách nói về tình dục lại
dễ dàng hơn những trang viết trăn trở về số phận con
người và thực tế xã hội. Những tác phẩm có giá trị nhân
văn như "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư, hay "Thời
của thánh thần" của Bùi Ngọc Tấn, phải qua bao nhiêu lần
kiểm duyệt và phê phán trước khi xuất hiện trước công
chúng? Quyển "Thời của thánh thần" bị đình bản vì lý do
"nhạy cảm", trong khi đó thì quyển "Sợi Xích", một
tiểu thuyết được coi là dâm thư, thì lại được ra mắt
một cách rầm rộ. Sự so sánh này sẽ cho người ta nhận thấy
rõ ràng là sự định hướng và kiểm duyệt của các quan chức
văn hoá tư tưởng có vấn đề. Nhưng, đây chỉ là một bộ
phận trong cỗ máy nhà nước đang chạy rất trơn tru trên con
đường đưa Việt Nam xuống hố thẳm.

Theo các thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ
lệ người dân sử dụng Google để tìm kiếm những bài vở và
hình ảnh mang nội dung có liên quan đến từ ngữ "sex" trên
Internet cao nhất nhì trên cả thế giới. Rất nhiều trang mạng
cá nhân, và ngay cả các trang web có gốc từ các ban ngành nhà
nước, đã đăng tải nhiều hình ảnh và bài vở xoay quanh chủ
đề "sex". Chỉ cần vào chuyên mục giới tính trên các trang
Bee.net, Ngoisao.net, Vnexpress.net... người ta sẽ dễ dàng bắt
gặp các chủ đề liên quan đến tình dục. Trên các kênh
truyền hình, những đoạn quảng cáo tìm bạn tình, khám phá
khả năng tình dục... được phát đi phát lại mỗi ngày, và
nhiều thanh niên thiếu nữ bị thu hút vào các đoạn quảng cáo
này.

Trong khi đó, nếu tìm kiếm bằng Google với cụm từ "Hoàng Sa -
Trường Sa", người ta chỉ nhận được hầu hết tin tức về
bắt bớ, tin tức liên quan đến việc những người dùng
phương tiện internet để gióng lên tiếng nói, đòi lại chủ
quyền của những mảnh đất thiêng liêng của cha ông để
lại, đã và đang bị trù dập, bỏ tù, như blogger Osin (nhà báo
Huy Đức), blogger Điếu Cày, các thành viên câu lạc bộ nhà
báo tự do như bà Tạ Phong Tần (blogger Công Lý Sự Thật), ông
Phan Thanh Hải (blogger Anh Ba Sài Gòn)...

Từ những thực tế vừa nêu, đi kèm với sự kiểm soát thông
tin trên Internet và hệ thống truyền thông độc quyền và chặt
chẽ của nhà nước Việt Nam, người ta dễ dàng nhận ra rằng,
việc "buông thả" và "ngăn cấm" này phải là CHÍNH SÁCH
của giới cầm quyền CSVN, nhằm đánh lạc hướng quan tâm của
quần chúng, đặc biệt là giới thanh niên; vì họ biết rằng,
nếu những vấn đề "nhạy cảm" có cơ hội bùng nổ dây
chuyền, thì chế độ của họ sẽ nhanh chóng bị xụp đổ.

Việc buông thả trong quản lý các website đăng tải thông tin
về các chủ đề "sex", đồng thời mạnh tay trấn áp, đánh
sập các trang mạng đăng tải những thông tin phản ánh hiện
trạng đất nước và mối nguy cơ bị xâm lược từ Trung Quốc
của nhà nước CSVN, khiến người ta dễ dàng liên tưởng đến
việc các lãnh đạo Liên Xô cho trình chiếu những thước phim
"tươi mát XXX" ngay trên đài truyền hình quốc gia, để lôi
kéo thanh niên không xuống đường theo lời kêu gọi của ông
Yeltsin vào những ngày cuối cùng của chế độ cộng sản tại
Nga năm nào.

Xã hội Việt Nam ngày một nhiễu loạn, các tiêu chuẩn đạo
đức làm người ngày càng bị xem nhẹ và mất dần. Đúng, sai,
thiện, ác,... là những điều mà ngay từ tấm bé người ta đã
cảm nhận được trong đời sống hàng ngày từ gia đình, từ
xã hội, và từ sự giáo dục. Nhưng nay thì con người càng
ngày càng khó phân biệt lằn ranh đúng-sai trong cách hành xử.
Với nhiều người thì tình trạng hiện nay là điềm báo mạt
vận của một triều đại, một chế độ. Tuy nhiên, nếu nhìn
sự việc một cách khoa học, thì hiện trạng xã hội hiện nay
chính là hệ quả của sự bỏ mặc đất nước của giới cầm
quyền. Nhìn lại lịch sử người ta thấy rằng, mọi triều
đại khi bước vào giai đoạn suy tàn thì giới cầm quyền chủ
yếu chỉ tập trung vào ba việc: vơ vét, hưởng thụ, và trấn
áp dân chúng. Giới cầm quyền CSVN hiện nay xem ra không khác
những triều đại phong kiến mạt vận hay thời cuối của các
chế độ độc tài trên thế giới là mấy — tham nhũng tràn
lan, ăn chơi sa đoạ, và thẳng tay trấn áp những người tranh
đấu cho công bằng, công lý và chủ quyền thiêng liêng của
dân tộc.

Giai đoạn suy tàn của một chế độ, một triều đại, với
những đặc tính nêu trên, ngắn hay dài tuỳ thuộc vào nhiều
yếu tố; nhưng quan trọng nhất vẫn là nhân dân. Tình trạng
băng hoại xã hội chỉ có thể chấm dứt và giai đoạn phục
hưng dân trí và dân khí chỉ có thể bắt đầu, khi mà cái
chế độ sản sinh ra tình trạng băng hoại đó không còn tồn
tại nữa. Điều này tuỳ thuộc vào mọi người dân Việt
chúng ta.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4728), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét