Bạo lực học đường

Có thể nói, chưa bao giờ báo chí trong nước lại đề cập
nhiều đến bạo lực học đường như hiện nay. Hãy đọc qua
số liệu cụ thể gần đây, bạn sẽ thấy choáng ngay: Ngày
3.3, HS Phạm Tường Vi đánh Nguyễn Quỳnh Anh - cùng học lớp
10A13, trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội. Ngày 13.3, HS Un Giang
San của trường THCS Nguyễn Văn Linh (Gia Lai) đã lôi kéo 2 bạn
khác đánh Lê Viết Lợi học cùng trường. Ngày 16.3, một vụ
hỗn chiến bằng hung khí giữa HS trường THCS Sông Hương và
THCS Cù Chính Lan tại khu vực Công viên Thanh Quảng, TP Thanh Hóa.
Ngày 21.3, Nguyễn Cẩm Ly, HS lớp 10 trường THPT Lê Quý Đôn (Hà
Nội) đánh bạn Phạm Thanh Giang cùng trường rồi quay clip đưa
lên mạng. Chiều 27.3, chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ, L.Đ.Hiến,
HS lớp 10C8 trường THPT dân lập Hồng Bàng (huyện Xuân Lộc,
tỉnh Đồng Nai), đã dùng dao thủ sẵn trong người đâm bạn
học cùng lớp là Lưu Thanh Tú ngay trước cửa lớp. Do vết dao
đâm xuyên tim, Tú đã chết tại bệnh viện. Ngày 30.3, Võ Thanh
Thảo, HS lớp 8A3 trường THCS Lê Lai, Q.8 (TP.HCM) đã bị 2
người bạn cùng lớp đánh đến ngất xỉu phải đưa đi cấp
cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngày 31.3, Dương Quốc Bảo, HS
lớp 7A2 trường THCS Ngô Tất Tố, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) bị nhóm
bạn nam đánh hội đồng ngay tại lớp. Điều gây sốc nhất
cho xã hội là có không ít nữ sinh bị đánh bất tĩnh, bị xé
áo giữa ban ngày bởi các nữ sinh khác trước sự chứng kiến
của nhiều người, trong đó có các bạn nam học sinh đã
được mô tả đầy đủ không những trên báo giấy, mà còn
sống động bằng hình ảnh trên báo mạng. Báo chí đã lên
tiếng, dư luận xã hội đã được cảnh tĩnh, Công an đã vào
cuộc, nhưng căn nguyên của sự xuống cấp trầm trọng về
đạo đức tuổi học trò này, đến giờ này vẫn chưa được
nhận diện một cách thấu đáo.

Dưới con mắt của những nhà biện chứng, căn nguyên của các
sự kiện phát sinh luôn được đánh giá từ hai phía: khách quan
và chủ quan. Về khách quan, thường được quy chụp cho môi
trường xấu vây quanh học trò. Môi trường xấu đó là gì?
Internet là đối tượng được quy chụp đầu tiên, bị lên án
là nơi tạo ra các "ma lực" cho lớp trẻ. Theo nhận định
của các nhà báo M.Tú, A.Chân, Đ.Loan trong chùm ký sự "Mặt
trái của thế giới ảo" đăng tải trên báo Sài gòn giải
phóng số ra ngày 15/3/2010 thì Internet được ví như là "mảnh
đất lắm người nhiều ma". Đọc qua kỳ 1 với tít "Lạc vào
xứ... bệnh" của ký sự này, TH phần nào đồng cảm với các
ký giã, rằng trên Internet có rất nhiều cám dỗ với thế hệ
trẻ nói chung, Việt Nam nói riêng. Trên thực tế, đã có bạn
ở Hà Nội vì mê game "Võ Long Truyền Kỳ", bắt chước game
thủ nên đã giết, rồi tự tay đào hố chôn xác của bạn
mình. Trước một số cổng trường trung học cơ sở ở thành
phố Hồ Chí Minh đã từng xuất hiện băng rôn kêu gọi các
bạn trẻ nhiễm game nên đi "cai nghiện" (!). Một số bạn trẻ
ở Việt Nam bị mã lực xấu trong thế giới ảo thôi miên,
buông xuôi các chuẩn mực đạo đức và lý tưởng sống là có
thực, nhưng không là tất cả, Internet không thể là tội đồ.

Thế giới ảo là vậy, thế giới thực thì sao? Theo đánh giá
của các nhà nghiên cứu giáo dục VN và quốc tế, giáo dục
các bậc phổ thông và Đại học ở Việt Nam tiếp tục nằm
trong tình trạng nhồi nhét, học sinh chịu áp lực từ nhiếu
phía: gia đình, nhà trường và xã hội. Các bạn không có
được một lựa chọn tương thích cho mình với tư cách là
một chủ thể. Nhà trường và phụ huynh đã làm thay các bạn
ấy tất tần tật. Các bạn ấy hôm nay, nhóm TH trước đây
cũng vậy thôi, giống như rô bốt đã được lập trình, học
cho phụ huynh, thành tích của thầy cô và Nhà trường. Ký giả
Minh Tiến đã có cái nhìn sâu sắc về yếu tố khách quan này
trong bài viết "Ngăn chặn bạo lực học đường" trên báo Sài
gòn giải phóng, số ra ngày 6/4/2010, rằng: "<em>Một khía cạnh
liên quan cần được xét đến, đó là mầm mống của bạo
lực học đường còn có thể xuất phát từ chương trình đào
tạo quá tải, làm cho học sinh bị rơi vào trạng thái căng
thẳng, nên khi gặp những vấn đề không như ý muốn thì các
em khó kiềm chế được bản thân, dẫn tới những hành vi
lệch lạc. Trong khi đó, trường học chưa thể tạo ra được
môi trường thân thiện, học sinh suốt ngày phải chạy đua
với việc học, không có thời gian tham gia các hoạt động xã
hội, thầy và trò không có nhiều cơ hội trò chuyện, cùng nhau
chia sẻ các hoạt động chung để hiểu nhau hơn</em>". Ở Việt
Nam hiện nay, bên cạnh các trường công lập, tư thục, đã có
nhiều trường phổ thông quốc tế. Cùng độ tuổi, cùng ở
một khu phố, bạn trẻ có điều kiện học trường quốc tế
hồn nhiên gấp nhiều lần bạn học ở trường công lập. Bởi
ở trường quốc tế, chương trình học của các bạn nhẹ hơn,
được tự nhiên phát triển nhân cách hơn so với các trường
phổ thông khác.

Bạo lực học đường hiện nay ở Việt Nam đã trở thành nổi
lo canh cánh của phụ huynh. Hai ký giã Thiên Long và Phi Loan đã
có bài viết "Bạo lực học đường: Không lẽ "ngậm bồ hòn
làm ngọt" đăng tải trên báo Thanh niên ngày 05/04/2010. Đọc
xong bài viết này, TH có cảm giác rằng những công bộc quản
lý giáo dục Việt Nam hiện nay, không có được cái tâm sáng,
nghiên cứu sâu sắc nguyên nhân chủ quan của sự bùng phát
bạo lực học đường. Trả lời của ông Nguyễn Hoài Chương -
Phó giám đốc Sở Gíao Dục - Đào Tạo thành phố Hồ Chí Minh
về sự kiện này thể hiện rõ sự hời hợt, rất có thể là
né tránh, biện minh. Ông nói: "<em>Việc đánh nhau trong trường
học là một thực tế nhưng nhà trường phải giải quyết trong
một thời gian dài chứ không thể một sớm một chiều vội
kết luận quy lỗi cho ngành giáo dục là không đúng. Những
biện pháp kỷ luật đối với HS cũng là một hình thức giáo
dục chứ không phải xử lý như tội hình sự, nên nếu em nào
giáo dục mãi không được thì phải đuổi học. Quy định của
Bộ GD-ĐT về việc xử lý kỷ luật HS có quy định rõ tùy theo
mức độ sẽ bị đuổi học, nhưng vấn đề giáo dục vẫn là
chủ yếu. Tuy nhiên, nếu đặt mình vào vị trí của phụ huynh
HS cá biệt mới thấy thông cảm. Chẳng cha mẹ nào muốn con
bị xử lý kỷ luật cả. Dù sao các em cũng là trẻ
con...</em>". Là quan lớn trong lĩnh vực giáo dục, chẳng lẽ
ông Chương không biết đã có một số bạn trẻ học kém,
không được thầy cô chia sẻ đã quyết định nhảy lầu tự
tử đó sao. Gần đây thôi, ngày 28/3, tại Trường THCS Thịnh
Quang (Hà Nội) một học sinh do không chịu đựng nổi những
lời mạt sát của cô giáo chủ nhiệm đã đột ngột nhảy ra
khỏi cửa sổ từ tầng hai lớp học để tự tử! Một khía
cạnh không thể không đề cập đến đó là sự thiếu quan tâm
việc học hành của con trẻ từ các bậc phụ huynh thời nay.
Công cuộc đổi mới tại Việt Nam trong thời gian qua đã tạo
ra một tầng lớp thương nhân giàu có. Họ nghĩ rằng, một khi
họ có nhiều tiền, họ sẽ mua được tất cả kể cả tương
lai của con cái. Họ tập trung lao vào những phi vụ kiếm tiền,
những cuộc nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng, bỏ lại phía sau
nổi khát khao của con trẻ về những bữa cơm ấm cúng gia
đình, về những lời dạy bảo về giới tính, kỹ năng sống,
làm người.

Từ những yếu tố khách quan nêu trên, một trong những nguyên
nhân chủ quan quan trọng bậc nhất của sự bùng phát bạo lực
học đường tự nó đã phơi bày: áp lực cho bạn trẻ học
đường quá lớn, tạo ra sự mất cân bằng về tâm lý, bị
tổn thương, hạn chế tự kìm chế cảm xúc. Bởi, ở lứa
tuổi phổ thông trung học, các em hay bị tổn thương do nhân
cách đang hình thành và sức chịu đựng chưa tốt bằng người
đã trưởng thành. Áp lực của gia đình, nhà trường và xã
hội trong một khía cạnh nào đó, thực chất là một hình
thức "khủng bố" tinh thần, hậu quả là những phản ứng tiêu
cực không kiểm soát được ở một số bạn trẻ, bạo lực
bùng phát là điều khó tránh khỏi.

Cải cách giáo dục Việt Nam đã từ lâu nhận được sự quan
tâm của toàn xã hội nhưng đến nay vẫn chưa tìm được lối
ra. Đã có không ít giáo sư tâm huyết với giáo dục đã tự
buông xuôi, nổi trội là GS Hoàng Tụy. Thầy cô tâm huyết với
giáo dục tiếp tục ngao ngán trước thực trạng ngày càng
nhiều phụ huynh Việt Nam quyết định gửi con em mình vào các
trường quốc tế tại Việt Nam và du học nước ngoài. Với
Thanh Hương cũng như bao nhiêu trí thức trẻ khác đều có chung
một khát khao: hãy giảm áp lực cho các bạn học sinh, sinh viên
Việt Nam. Để rồi, nếu chưa được như các bạn cùng trang
lứa ở các quốc gia tiên tiến, các bạn trẻ Việt Nam được
học tập, được khám phá kiến thức tương đồng với các
nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan hay Malaysia. Nếu cứ
chính trị và thành tích hóa học đường, cùng với sự ích
kỷ của các bậc phụ huynh đối với thế hệ trẻ Việt Nam
hôm nay, bạo lực học đường sẽ còn tiếp diễn, công cuộc
canh tân giáo dục nước nhà tiếp tục bế tắc.


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4634), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét