Ba mươi lăm năm sau cuộc chiến, câu chuyện của Việt Nam là sự phản bội

Một tiêu đề của tờ báo địa phương dường như nói lên
tất cả: "<em>Phương pháp chủ yếu là dùng Tình Cảm</em>". Câu
chuyện: hoạt động buôn bán Phụ nữ và Trẻ em dọc biên
giới Việt - Trung.

Một trong những "phương pháp tình cảm" được sử dụng như
thế này: Một người đàn ông từ thành phố dụ dỗ một
thiếu nữ thôn quê, rồi đem cô ta qua biên giới Trung Quốc sau
khi làm đám cưới với cô. Khi đến nơi, cuộc trăng mật biến
thành một trao đổi nô lệ: chú rể bán cô dâu ngây thơ của
mình vào một nhà chứa, rồi biến mất dạng.

<div class="boxright320"><img src="/files/u1/sub01/vietnam-new-money.png"
width="600" height="443" alt="vietnam-new-money.png" /><div
class="textholder">Trong khi học thuyết Marxist Leninist vẫn được
giảng dạy tại các trường phổ thông và đại học, những
nông dân nghèo khổ thường bị bứng khỏi đất đai với số
tiền bồi thường nhỏ nhoi để những kẻ giàu có và quyền
lực sử dụng làm sân gôn.</div></div>
Hoặc nói có thể là "phương pháp tình cảm gia đình": một goá
phụ tuyệt vọng vì người chồng nông dân của mình chết trong
một tai nạn, đã quyết định bán con gái của bà. Đứa con
gái ngỡ đây là một chuyến mua hàng bên kia biên giới Trung
Quốc nhưng lại hoá ra là một cơn ác mộng. Người con gái
trẻ bị bán vào một nhà chứa và lại bị bán cho một ông
già để làm.

Trong cả hai trường hợp, các nạn nhân đều bị bỏ rơi bởi
tình yêu và lòng trung thành. Đối với họ điểm mấu chốt
ảnh hưởng đến cuộc đời cả hai rốt cuộc là sự phản
bội.

Nhưng phản bội không đơn giản là câu chuyện của những phụ
nữ và trẻ em bị buôn bán, một hiện tượng đang vượt tới
tầm mức đại dịch. Trong một ý nghĩa khác, nó đã trở thành
câu chuyện của chính Việt Nam. Các triều đại hưng thịnh
rồi lụi tàn, những kẻ thực dân đến rồi đi, những cuộc
nội chiến xảy ra, mạng sống và đất đai bị tàn phá, nhưng
điểm mấu chốt của việc bị lừa dối, bị phản bội vẫn
tiếp tục tạo dựng nên lịch sử của đất nước này.

Đương nhiên có nhiều dạng phản bội. Ba mươi lăm năm
trước, Quân đội Nam Việt Nam bị Hoa Kỳ bỏ rơi và nguồn
cung cấp vũ khí vào cuối cuộc chiến bị giảm xuống còn vài
viên đạn cho mỗi người lính khi những chiếc xe tăng của
Cộng sản phía bắc đang tiến về phía nam.

Nhưng bị phản bội không chỉ thuộc về những người thua
trận. Nó cũng cũng đùa giỡn một cách mỉa mai hơn nữa đối
với những người được cho là thắng trận. Những người
Việt Cộng - du kích quân của Mặt trận Dân tộc Giải Phóng
Miền nam Việt Nam - nhanh chóng nhận ra rằng họ đã không thực
sự "thắng" khi Sài Gòn sụp đổ. Chỉ trong vài tháng, các đơn
vị của họ bị giải thể hoặc bị hợp nhất dưới sự chỉ
huy của Hà Nội, giới lãnh đạo miền nam bị buộc phải về
hưu. Mặc dù so với những thành phần khác, họ là những
người chịu đựng mất mát nhiều nhất, những người Việt
Cộng nhận ra mình bị mất quyền tự quản và rốt cuộc biến
thành thuộc cấp của giới lãnh đạo phía bắc.

Nhưng chính bản thân các quan chức cộng sản miền bắc cũng
không thoát khỏi việc bị phản bội. Trong số khoảng chục
người bất đồng chính kiến lưu vong là Đại tá Bùi Tín,
viên sĩ quan cao cấp nhất của Hà Nội tiến vào Sài Gòn khi
cuộc chiến kết thúc để tiếp nhận sự đầu hàng chính
thức của Nam Việt Nam. Ông Tín lại bỏ Việt Nam đến Pháp
khoảng một thập niên sau. Nguyên nhân: ông bức xúc trước giai
đoạn hoà bình của cộng sản khi những trại cải tạo và
những vùng kinh tế mới được dựng lên để trừng phạt
miền nam, trong khi vô số thuyền nhân bỏ mạng trên biển.
Đấy không phải những gì ông trông đợi khi miền Bắc đang
tìm cách "giải phóng" miền Nam khỏi tay người Mỹ trong chiến
tranh. Những cuốn sách của ông: "Đi theo con đường của Hồ
Chí Minh: Hồi ký của một người miền bắc," và "Từ thù
đến bạn: Qua cái nhìn của một người miền bắc về cuộc
chiến" đã trở thành những bằng chứng hùng hồn của sự
kiêu ngạo và thoái hoá ở Việt Nam, cộng thêm lời kêu gọi
dân chủ thống thiết.

Và ngay cả Hồ Chí Minh, người cha của Chủ nghĩa Cộng sản
tại Việt Nam, hoá ra cũng không thoát khỏi sự phản bội. Theo
một số ít người Việt hiểu biết nội tình của đảng, Bác
Hồ đã trải qua những năm cuối của đời mình trong cảnh bị
quản thúc tại gia, người yêu của ông bị giết chết và con
cái bị lấy đi. Đấy là những gì tiểu thuyết gia Dương Thu
Hương, hiện sống lưu vong đã viết trong cuốn sách mới nhất
của bà là "Đỉnh cao chói lọi", một tiểu thuyết dựa trên
lịch sử không chính thức về những năm cuối đời của Hồ
Chí Minh. Bản thân bà Hương nếm mùi bị phản bội một cách
sâu đậm. Từng là đoàn viên thanh niên trong phong trào Cộng
sản, về sau bà bị quản thúc tại gia vì những cuốn sách phê
phán Cộng sản, đặc biệt là cuốn "Những thiên đường mù".
Các quan chức chính quyền gọi bà là "con mẹ phản quốc".

Việt Nam trong thì hiện tại là một Việt Nam ở phía cuối
của xã hội không tưởng của Orwell, như được miêu tả một
cách châm biếm trong Trại Súc Vật, nơi mà "<em>mọi súc vật
đều bình đẳng nhưng một số súc vật thì bình đẳng hơn
những con khác</em>". Tham nhũng tràn lan, và theo tờ báo Asia Times
Online, "<em>Việc sang nhượng đất đai trở thành những vấn
đề nghiêm trọng ở Việt Nam. Một số nhà quan sát tiên đoán
rằng, giống như Trung Quốc, việc thu hồi đất đai nhà nước
đầy nghi vấn có thể dẫn đến sự tràn lan về bất ổn xã
hội và ngăn cản quá trình phát triển xã hội kinh tế của
Việt Nam</em>".

Trong khi học thuyết Marxist Leninist vẫn được giảng dạy tại
các trường phổ thông và đại học, những nông dân nghèo khổ
thường bị bứng khỏi đất đai với số tiền bồi thường
nhỏ nhoi để những kẻ giàu có và quyền lực sử dụng làm
sân gôn. Trong khi những phụ nữ và trẻ em nghèo khó ở vùng
quê hiện đang trở thành những món hàng bị bán qua biên giới,
thường là với sự đồng loã của những quan chức địa
phương, thì thành phố lại sáng ngời với sự giàu sang mới,
và những ngôi nhà cao tầng tiếp tục mọc lên như nấm.

Ta không phải tìm xa hơn Sài Gòn. Biển quảng cáo nước hoa
Chanel và túi Versace giờ đây che phủ những khẩu hiệu Cộng
sản tuyên dương giới công nhân, nông dân và thiên đường xã
hội chủ nghĩa. Những tiệm massage nằm trong tầm nhìn của
bức tượng Hồ Chí Minh đang tươi cười ở trung tâm Sài Gòn,
một thành phố được đổi tên một cách không đúng đắn
lắm cho một con người từng cổ vũ cho tính giản dị.

Trong một buổi tối gần đây ở khu vực mới của Sài Gòn là
Quận 7, tại một nhà hàng 3 tầng thời thượng có tên là Cham
Charm - được xây nhái theo đền Angkor Wat với đá hoa đen và
dòng nước chảy theo hai bên tam cấp bóng lộn - có những
chiếc Mercedes, Lexus và cả một vài chiếc Ferrari lẫn Rolls Royce
dừng bánh với giới paparazzi đang chụp ảnh tại lối vào. Hôm
ấy là sinh nhật của ca sĩ nổi tiếng Hồng Nhung và những
người bạn giàu sang - đa số có quan hệ với chính quyền
hiện tại - đang tổ chức một buổi tiệc riêng dành cho cô.
Champagne tuôn trào, rượu vang được rót, và một dãy dài đầy
ắp những món hào biển, sushi và tôm hùm dùng để phục vụ
350 khách VIP. Một lúc sau, Nhung gọi những "đồng chí" của
mình lên trên sân khấu, nhiều người trong họ là những triệu
phú hoặc vợ chồng của triệu phú. Họ cùng nhau hát một bài
ca tuyên truyền của Cộng sản - lên đường đáp lại tiếng
gọi của tổ quốc. Trong khi những người phục vụ đeo nơ
trắng rót rượu Champagne, chiếc máy chiếu phát ra những hình
ảnh ngày xưa của Nhung: Một thiếu nữ mặc đồng phục Cộng
sản đang ca hát. Đương nhiên, chẳng ai hát bài ca về sự
phản bội tại một buổi dạ tiệc vàng, nhưng người ta cũng
thấy được một sự mỉa mai quá hiển nhiên.

Cách buổi dạ tiệc không xa mấy, một nhạc sĩ già trong căn
hộ tồi tàn của mình nói rằng ông cực kỳ cay đắng: "<em>Xã
Hội Chủ Nghĩa đã trở thành Cơ Hội Chủ Nghĩa</em>". Ông
từng quen biết và tận tâm phục vụ Bác Hồ nhưng giờ đây,
tuổi già sức yếu, ông trở thành một người lớn tiếng chỉ
trích chính quyền Hà Nội. Ông vô cùng đau đớn khi ba năm
trước Việt Nam đã nhượng bộ những mảnh đất dọc theo
biên giới cho Trung Quốc và còn ký kết một hợp đồng trị
giá hàng tỉ Mỹ kim để biến những đồi núi nguyên thuỷ
của tỉnh Lâm Đồng thành nơi khai thác bauxite, một quá trình
phá huỷ hệ thống sinh thái.

Điều đáng lo hơn là việc tranh chấp quần đảo Trường Sa
cũng đã rơi vào tay Trung Quốc, làm vùng biển Việt Nam trở
nên yếu thế trước sự bành trướng của Trung Quốc. Có
những cuộc biểu tình phản đối hiếm hoi nhưng chẳng ai lắng
nghe. "<em>Các quan chức chính quyền đã thái hoá cùng cực</em>",
người nhạc sĩ già nhận định. "<em>Họ chỉ biết cúi đầu
trước đồng tiền. Tôi đã mặc quân phục và đi biểu tình.
Tôi thấy buồn khi chứng kiến chính quyền lừa dối nhân dân
năm này qua năm khác. Nếu ta nhường đất cho Trung Quốc, thì
khác nào bán máu của dân</em>".

Điều này có thể giải thích rằng tại sao, trong một thế
giới với phương châm "làm giàu là vinh quang," và kim chỉ nam
đạo đức đã bị hỏng, thì mẹ có thể bán con, chồng bán
vợ, chính quyền bán đi đất đai từng phải đổ những giọt
máu quí giá để có được.

Hệ quả là những ai sống trong thế giới này mà vẫn giữ
những đức tính xưa sẽ là người đau khổ nhất. Nguồn tin
nói rằng cô gái bị mẹ mình bán đi, sau này được giải cứu
đã nói rằng cô không oán trách mẹ mình. Cô nói với các nhân
viên xã hội rằng cô sẵn sàng chịu đựng để cứu gia đình.
Và người nhạc sĩ già yêu nước, từng là một con người lý
tưởng, giờ đang khóc trong giấc ngủ của mình. Và người
chống đối lưu vong đang tuyệt vọng nhìn Việt Nam bị chủ
nghĩa vật chất nuốt chửng.

Những người khác thì vẫn đang tiến tới với tốc độ chóng
mặt. Vì để tồn tại ở Việt Nam, cũng như định luật mới
của xứ sở này, điều tiên quyết nhất là người ta phải
học cách phản bội quá khứ.


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/4844), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét