Khi chế độ Tướng Quân của giòng họ Tokugawa bị sụp đổ
vào năm 1868, các nhà lãnh đạo mới của nước Nhật chỉ là
những chính khách non trẻ, chưa từng có kinh nghiệm gì về
cách quản trị đất nước. Tuy nhiên, họ lại là những
người có đầu óc thực tế, đã áp dụng thử từng phần các
cách tổ chức chính trị của Tây Phương vào xã hội Nhật
Bản.
Các năm đầu của công trình cải cách đã đòi hỏi rất
nhiều ngân quỹ dùng cho những chương trình như thành lập lục
quân và hải quân tân tiến, thuê mướn các chuyên viên nước
ngoài, gửi các sinh viên đi du học, đặt nền móng cho một
chính sách giáo dục quốc gia phổ thông, xây dựng các kỹ
nghệ và hầm mỏ mới, đặt các cơ sở truyền thông mới và
làm phát triển hòn đảo Hokkaiko…
Về đối ngoại, chính phủ mới phải lo đối phó với các món
nợ cũ của chính quyền Tokugawa, còn về đối nội, việc bồi
thường cho các lãnh chúa cũ, cho các võ sĩ Samurai bất mãn và
sự tốn kém trong việc dẹp cuộc nổi loạn của miền Satsuma
vào năm 1877…, tất cả đã làm cho ngân quỹ quốc gia khô
cạn. Vào thời kỳ đó, Nhật Bản cũng khó lòng xin được các
trợ giúp tài chính và kỹ thuật của các nước ngoài vì dù
sao, các món tiền cho vay đều kèm theo lãi xuất rất cao và
Nhật Bản thời đó còn là một quốc gia nghèo, chưa có đủ uy
tín cần thiết để mượn được tiền. Người Nhật cũng
hiểu rõ bản chất "đáng sợ" của các món tiền vay mượn
từ các nhà tài phiệt đế quốc. Nhật Bản chỉ còn cách là
trông vào chính mình để phục hưng kinh tế.
Một sự việc đã xẩy ra có lợi cho Nhật Bản vào các năm
trong thập niên 1860. Thời bấy giờ tại châu Âu có bệnh dịch
tầm và nhờ vậy, đã có nhu cầu rất lớn về tơ tầm và
trứng tầm, và các miền sản xuất tơ tầm tại miền trung
Nhật Bản đã đáp ứng được nhu cầu đó. Các nhà kinh doanh
tơ tầm này lại áp dụng nền cơ khí mới vào phương pháp se
sợi, cuốn tơ… nhờ thế họ đã sản xuất được những
sợi tơ tầm đều hơn, có chất lượng hơn hẳn các nước
khác tại châu Á. Nhờ các cải tiến kỹ thuật áp dụng vào
kỹ nghệ, Nhật Bản đã giành được thị trường tơ lụa
tại Phương Tây và lụa Nhật Bản đã là nguồn xuất cảng
lớn nhất cho tới thế kỷ 20. Nhờ tơ lụa, Nhật Bản đã cân
bằng mậu dịch với Tây Phương trong khi đó, đã dần dần
cải tiến nền kinh tế trong nước.
Tại quốc nội Nhật Bản, tình trạng tài chính của các năm
trong thập niên 1870 cũng rất bi đát. Đồng tiền đang trên đà
lạm phát nguy hiểm. Tiền xuống giá đã làm lợi cho các nhà
nông là những người phải đóng thuế cố định. Do đồng
tiền nhỏ đi và nhờ sản phẩm, các nhà nông Nhật đã có dư
vốn để đầu tư vào nông nghiệp. Thêm vào đó là sự cải
tiến các phương tiện giao thông, việc bãi bỏ các hàng rào
phong kiến ngăn cản việc thương mại và sự du nhập các kỹ
thuật mới về nông nghiệp… tất cả đã khiến cho nông sản
gia tăng rất nhiều trong vài thập niên. Tuy nhiên, sự lạm phát
lại làm giảm rất mau nguồn lợi tức của chính phủ do thuế
má, khiến cho việc quản trị chính quyền bị lung lay. Các
biện pháp tài chính mạnh vì vậy cần phải được áp dụng.
Bộ Trưởng Tài Chính thời bấy giờ là Matsukata Masayoshi, là
một trong các nhà lãnh đạo trẻ của miền Satsuma, đã giữ
chức vụ trong gần hai thập niên. Matsukata đã áp dụng một
chính sách hạn chế khắc khổ. Ông đã cắt giảm các ngân
khoản, bán bớt các xí nghiệp của chính phủ và các nhà máy
không có tính chiến lược cho tư nhân. Dĩ nhiên các chính sách
kinh tế của Matsukata đã bắt người dân Nhật phải chịu
đựng nhiều thiếu thốn và thời bấy giờ, chính phủ cũng
đủ mạnh để dẹp tan các chống đối.
Một ảnh hưởng do chính sách kể trên là các tài nguyên kỹ
nghệ non yểu của nước Nhật lại rơi vào tay một số người
có tiền. Những người này đã mua của chính phủ các nhà máy
với số vốn rẻ hơn là số tiền mà chính phủ đã bỏ ra
để thiết lập. Nhờ xuất vốn thấp, cộng với cách quản
trị tư vừa uyển chuyển, vừa cương quyết, các xí nghiệp tư
nhân Nhật Bản đã xây dựng được đủ kỹ năng và kinh
nghiệm để vượt qua các khó khăn ban đầu trong phương pháp
kỹ nghệ hóa. Một thành công cụ thể là ngành tơ sợi trong
các năm giữa thập niên 1880. Kế đó là sự thành công của
các ngành kỹ nghệ khác.
Vào cuối thế kỷ 19, Nhật Bản đã thành công trong việc kỹ
nghệ hóa, tuy nhiên các cải cách của Matsukata lại khiến cho
các lợi lộc tài chính của sự phát triển tập trung vào tay
của một nhóm nhỏ tư nhân, hay các tay tài phiệt (zaibatsu).
<center><img
src="https://fbcdn-sphotos-c-a.akamaihd.net/hphotos-ak-ash3/s720x720/1233415_531361683598251_1291097030_n.jpg"
width="500" /></center>
<center><em>Shogun Tokugawa Ieyasu</em></center>
Các nhà kỹ nghệ và doanh nhân mới của thời Minh Trị không
phải là con cháu của những nhà thương mại của thời kỳ
Tokugawa, vì những người đó đã cố bám víu lấy nền kỹ
nghệ cổ truyền hay các phương pháp làm thương mại lỗi
thời. Một trường hợp ngoại lệ là gia đình Mitsui, thiết
lập từ thế kỷ 17, đã trở nên một thành phần quan trọng
nhất trong nền kinh tế mới. Các doanh gia mới phần lớn có
nguồn gốc bình thường, song lại là những người mạo hiểm
có tài, biết nắm lấy các cơ hội vàng son của một thời kỳ
thay đổi nhanh chóng. Shibusawa Eiichi thuộc một gia đình nông
dân miền Edo biết làm thương mại, trở nên giàu có và đạt
được giai cấp Samurai vào năm gần tàn của chế độ Tướng
Quân. Eiichi rời chính quyền mới vào đầu thập niên 1870 để
trở nên một nhân vật hàng đầu trong ngành kỹ nghệ tơ sợi,
ngành ngân hàng và trong một số các ngành chuyên môn khác.
Các doanh gia thành công khác phần lớn cũng thuộc giai cấp
Samurai, có học thức, có liên quan chặt chẽ với các bạn bè
trong chính quyền, và một số cũng đã có kinh nghiệm kinh doanh
cho các lãnh chúa, nhờ vậy họ đã là những người dấn thân
đầu tiên vào thương trường. Đây là trường hợp của ông
Iwasaki Yataro thuộc miền Tosa. Ông này khởi đầu bằng xưởng
đóng tầu và đã xây dựng nên Hãng Mitsubitshi, là đại công ty
chỉ đứng thứ nhì sau Hãng Mitsui.
Như vậy tới giữa thập niên 1880, Nhật Bản đã thành công
trong việc chuyển tiếp từ một chế độ phong kiến sang thành
một quốc gia tân tiến. Trong nước đã có một nền chính trị
ổn định với nền kinh tế đủ mạnh để cạnh tranh với các
nước ngoài, chẳng hạn như về ngành tơ sợi. Đối ngoại,
Nhật Bản đủ mạnh để không bị các quốc gia khác lấn át.
Không phải là dễ dàng khi cắt nghĩa sự thành công của tiến
trình phục hưng thời Minh Trị. Có nhiều nguyên do bổ túc cho
nhau và có những đặc thù về dân tộc, về địa lý, về văn
hóa… tất cả đã khiến cho sự phục hưng đất nước được
tiến hành mau chóng.
Nhật Bản là một quốc gia hải đảo, ở xa các quốc gia
khác, không bị các cuộc ngoại xâm nên dân tộc Nhật sống
biệt lập và thuần chủng. Họ không có các nhóm dân thiểu
số quan trọng và sau hơn hai thế kỷ sống dưới chế độ
Tướng Quân áp chế, cô lập và bế quan, người Nhật không có
các chia rẽ tôn giáo, một điều tai hại cho việc đoàn kết
quốc gia tại các nước đang phát triển. Hơn nữa, người
Nhật vốn có một tinh thần quốc gia rất cao, không một
người dân nào lại có ý tưởng muốn nhờ vả một lực
lượng nước ngoài để chống lại đồng bào của mình.
Tinh thần quốc gia của người Nhật đã xuất hiện rất sớm,
có lẽ từ thời vay mượn nền văn minh Trung Hoa. Vào thế kỷ
thứ 7, Nhật Bản còn là một xứ sở nhỏ, lạc hậu so với
nước Trung Hoa rất lớn, lại có một nền văn minh rất cao. Do
mặc cảm thấp kém, người Nhật đã học hỏi Trung Hoa nhưng
họ đã không dập đúng theo khuôn mẫu đi mượn mà biến cải,
sao cho thích hợp với xứ sở của họ. Do không bị ngoại xâm,
Nhật Bản hoàn toàn có hòa bình và trật tự xã hội, nhờ
thế người Nhật đã làm phát triển được một nền kinh tế
quốc gia tự cường, một nền học vấn khá cao so với các
nước khác thời bấy giờ, cũng như đạt được các tiêu
chuẩn cao về tính hữu hiệu chính trị. Do nền nông nghiệp,
người Nhật đã có từ lâu tinh thần tập thể, biết phối
hợp và cộng tác với nhau trong các việc công ích, biết sống
hài hòa với nhau, không có các hành động hung dữ mỗi khi xẩy
ra các biến cố lớn như trong hai thập niên 1860 và 1870. Giống
như các dân tộc khác tại miền Đông và miền Đông Nam châu
Á, người Nhật chăm chỉ làm việc và ham chuộng giáo dục.
Họ lại có khiếu thẩm mỹ đặc biệt, biết yêu thiên nhiên
và đưa thiên nhiên vào trong cuộc sống.
Qua đầu thế kỷ 19, các giai tầng xã hội của Nhật Bản
cùng gặp các trắc trở. Các giới lãnh chúa, quý tộc, võ sĩ
Samurai dần dần trở nên mắc nợ nhiều hơn, và chủ nợ là
giới thương nhân trước khia bị coi là thấp hèn. Giới nông
dân cũng trở nên giàu có nhờ sản xuất. Hai giới này đã
được hưởng quyền tự trị tại làng xã và thành thị, vì
thế đã trở nên các doanh gia có thế lực. Sự không ổn
định về các giai tầng xã hội đã dẫn đến đòi hỏi phải
thay đổi và những người tạo nên cuộc thay đổi chính là
các hiệp sĩ Samurai đầy tham vọng, có tinh thần quốc gia,
không chịu khuất phục trước sự đô hộ của người nước
ngoài.
Vào thời bấy giờ, các nhà lãnh đạo Nhật đã không đi tìm
các tư tưởng ngoại lai của Phương Tây như chế độ dân
chủ, chế độ cộng hòa… vì chính các nhà lãnh đạo cũng
chẳng hiểu rõ tường tận về những lý thuyết này. Họ đã
khôn ngoan quay về với sự "phục hưng" một nền quân chủ
đã có từ lâu đời và là biểu tượng của dân tộc, một
điều rất dễ hiểu và rất hấp dẫn đối với mọi người
dân Nhật.
<center><img
src="https://sphotos-a-ams.xx.fbcdn.net/hphotos-ash3/994916_531360943598325_100695472_n.jpg"
width="400" /></center>
<center><em>Thiên hoàng Minh Trị</em></center>
Sự thành công của thời kỳ Minh Trị Phục Hưng còn do tính
thực dụng của các nhà lãnh đạo trẻ, họ đã tiến chậm
chạp, bỏ ngay những khởi đầu sai lầm, thử nghiệm các
điều học hỏi mới và coi kỹ xem các cải cách có thích hợp
với xã hội và dân tộc của họ không. Họ đã không tuân theo
một giáo điều nào, một ý thức hệ ngoại lai nào, lại không
chịu một áp lực nào của ngoại bang. Các nhà lãnh đạo trẻ
đã có hoàn toàn tự do, làm việc theo một trình tự hợp lý,
tập trung trước tiên vào các công tác căn bản, và để về
sau các công việc khó khăn hơn và không cần thiết lúc bấy
giờ. Họ đã thiết lập nền trật tự xã hội và luật pháp,
làm phát triển giao thông, đặt cơ sở cho nền giáo dục tiểu
học trước khi nghĩ tới bậc đại học, nuôi dưỡng phát
triển nông nghiệp để người dân có đủ lúa gạo, nâng đỡ
các kỹ nghệ đơn giản trước khi bước vào giai đoạn kỹ
nghệ hóa đất nước.
Các nhà lãnh đạo trẻ Nhật Bản đã ước muốn làm ổn
định đất nước trước khi mong muốn Nhật Bản đóng một vai
trò quốc tế và vì thế, Nhật Bản đã đạt được phương
pháp tổ chức một xã hội tân tiến, có được một nền kinh
tế phát triển. Thời kỳ "Minh Trị Phục Hưng" đáng được
coi là một bước đường lịch sử xuất sắc và độc đáo
của Nhật Bản.
Phạm Văn Tuấn
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130827/pham-van-tuan-nuoc-nhat-tren-duong-minh-tri-phuc-hung),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét