Phạm Chí Dũng - Việt Nam: Những tiền đề khủng hoảng

<strong>Con tin suy thoái của các nhóm lợi ích:</strong>

<div class="boxleft300"><img
src="http://ndhmoney.vn/image/image_gallery?uuid=4f417a4d-1309-43bf-b58b-b4b5ba7d83b5&groupId=10136&t=1299210042385"
/><div class="textholder"></div></div>Chưa bao giờ nền kinh tế Việt
Nam lại rơi vào tình trạng bấp bênh nguy hiểm như giờ đây,
với quá nhiều hệ lụy từ hệ thống ngân hàng và các thị
trường đầu cơ như bất động sản, vàng, chứng khoán, cùng
khối nợ xấu khổng lồ có thể lên đến trên 500.000 tỷ
đồng và nợ công quốc gia có thể lên đến 95 - 106% GDP nếu
tính theo tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc, trong đó có đến
vài chục tập đoàn kinh tế quốc doanh có rất ít khả năng thu
hồi vốn từ đầu tư trái ngành những năm trước và cũng có
rất ít khả năng trả nợ cho Nhà nước từ tình trạng chúa
chổm hiện nay.

Đầu năm 2013, lần đầu tiên Ủy ban thường vụ Quốc hội
đã thừa nhận có đến 100.000 doanh nghiệp phải giải thể và
phá sản. Con số này chiếm khoảng 18-20% tổng số doanh nghiệp
đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Kể từ năm 1990 đến nay,
đây là con số ngừng hoạt động lớn nhất, cho thấy tình
trạng nền kinh tế đã ở vào thế bĩ cực. Hậu quả này
xuất phát từ chính sách siết tín dụng cực đoan và treo cao
mặt bằng lãi suất cho vay của Ngân hàng nhà nước và nhóm
các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, dẫn đến hệ lụy
có đến ít nhất 60% doanh nghiệp không đủ vốn giá rẻ để
hoạt động. Thiếu vốn lại dẫn đến đình trệ sản xuất
và kéo theo thất nghiệp tràn lan.

Cho đến gần đây, bất chấp những đánh giá tô hồng của
các cơ quan quản lý nhà nước về "kinh tế đã thoát đáy"
hay "kinh tế có triển vọng phục hồi", số doanh nghiệp
ngừng hoạt động vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Động lực
tiếp tục treo khá cao mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân
hàng cũng đang khiến cho không chỉ doanh nghiệp mà nhiều nhà
băng chìm trong nguy ngập ứ vốn.

Trong khi đó, nợ và nợ xấu vẫn chưa có tín hiệu nào khả
quan hơn độ trũng chưa đến đáy của chúng. Chỉ vào tháng
7/2013, một báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia
mới lần đầu tiên thừa nhận tỷ lệ nợ xấu bất động
sản tại các ngân hàng thương mại cổ phần đã lên tới
33-35%. Con số này rất trái ngược so với báo cáo của Ngân
hàng nhà nước vào tháng 5/2013 và của Bộ Xây dựng vào tháng
7/2013, trong đó cho biết tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất
động sản chỉ còn 5,68% và 6,5%.

Tức con số của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cao gần
gấp 6 lần con số báo cáo của các cơ quan khác, tạo nên độ
phân hóa dữ dội ngay trong hệ thống nội bộ về nhận thức
tư tưởng và quan trọng hơn là thái độ "mở miệng".

Hậu quả của gần ba năm suy thoái qua là gần như toàn bộ
nền kinh tế Việt Nam đã rơi vào tình cảnh kiệt quệ, với
vòng quay vốn chỉ còn 0,8 lần so với hơn 2 lần vào những năm
2007-2008. Sức mua của xã hội giảm sút đột ngột và đẩy
nhanh nguồn cầu vào tình thế bán phá giá.

Nếu không giải quyết được nợ và nợ xấu, trong đó chủ
yếu là nợ xấu bất động sản, một phản ứng sụp đổ dây
chuyền giữa các doanh nghiệp bất động sản với nhau và doanh
nghiệp bất động sản với các ngân hàng chủ nợ, đặc biệt
là những ngân hàng nhỏ không trường vốn, là hoàn toàn có
thể xảy ra. Khi đó, những vụ vỡ nợ của ngành bất động
sản rất có thể sẽ kéo theo sự sụp đổ của ngân hàng và
của cả nền kinh tế trong thời gian tới.

<strong>Hiểm họa từ cuộc "hạ cánh cứng" của Trung
Quốc:</strong>

Những điều kiện tốt nhất cho sự phục hồi kinh tế đang
dần trôi qua. Đó là sự phục hồi chậm chạp nhưng khá ổn
của nền kinh tế Hoa Kỳ bắt đầu từ cuối năm 2011 cho đến
nay, trong đó có cả thị trường chứng khoán và đặc biệt
là thị trường nhà ở của Mỹ. Sự phục hồi này còn được
các tổ chức IMF, WB và một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm
lớn trên thế giới như Fitch Ratings, S&P, Moody's dự báo có
thể kéo dài đến hết năm 2014.

Tuy nhiên, mọi hình ảnh phục hồi sẽ không thể tồn tại
vĩnh viễn, nhất là trong bối cảnh mà một Nobel kinh tế như
Paul Krugman hay những tác giả khác như "chuyên gia tận thế"
Nouriel Roubini và doanh nhân có tiếng như Marc Faber vẫn liên tục
cảnh báo về những mối họa không tránh khỏi trong những năm
tới. Nguy cơ từ các nền kinh tế Hy Lạp, Síp và kể cả Tây
Ban Nha, Ý, Bồ Đào nha vẫn còn gần như nguyên vẹn.

Nhưng một trong những mối họa không còn ẩn giấu là nền kinh
tế Trung Quốc.

Nợ xấu bất động sản và những dấu hiệu đầu tiên của
cơn chao đảo tài chính khiến Trung Quốc có thể đang tiến vào
lộ trình của một cuộc hạ cánh không thể mềm, hay nói cách
khác là có thể phát sinh một đợt hạ cánh cứng. Hình ảnh
"nước giàu dân nghèo" hay "Voi cưỡi xe đạp" của nền
kinh tế lớn thứ hai trên thế giới này bắt đầu lộ diện
rõ nét. Bất chấp lượng dự trữ khổng lồ về ngoại tệ
lên đến 3.400 tỷ USD và được xem là lớn nhất thế giới,
Trung Quốc sẽ phải đối mặt với bong bóng nhà đất phình
quá lớn và hàng ngàn tỷ USD nợ của chính quyền địa phương
không có khả năng thanh toán. Tất cả những hậu quả đó
đều có thể ảnh hưởng khá nặng nề đến khối Cộng đồng
châu Âu và kể cả Mỹ - những địa chỉ liên đới với các
ngân hàng và quan hệ ngoại thương của Trung Quốc.

Nếu các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới như Mỹ, Đức
và đặc biệt Trung Quốc không thể cầm cự được, kinh tế
Việt Nam chắc chắn sẽ phải chịu hệ lụy trực tiếp –
một hệ lụy xảy ra song ánh mà không cần chờ đợi một độ
trễ nào như đối với cơn khủng hoảng kinh tế thế giới vào
năm 2008. Một trong những ảnh hưởng nặng nề nhất đối với
kinh tế Việt Nam có lẽ thông qua con đường buôn bán tiểu
ngạch truyền thống với Trung Quốc.

Một khả năng đang đến gần là nền kinh tế Trung Quốc không
thể cầm cự đến hết năm 2015, thậm chí sẽ suy thoái sớm
hơn. Nếu khả năng này xảy ra, cộng hưởng với những khó
khăn của kinh tế Mỹ, Tây Âu và đặc biệt là mầm mống
khủng hoảng tại khu vực Nam Âu như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ
Đào Nha, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng hầu như
trực tiếp.

Vốn đang nằm trong chu kỳ suy thoái nghiêm trọng kéo dài cùng
nội lực gần như suy kiệt, nền kinh tế Việt Nam sẽ khó có
khả năng chống đỡ được các cuộc tấn công suy thoái đến
từ bên ngoài. Một cuộc suy thoái kép, hoặc lớn hơn là khủng
hoảng kinh tế, sẽ đến với Việt Nam, phá tan những cầm cự
cuối cùng và đẩy xã hội vào tâm thế hỗn loạn.

<strong>Lộ diện những mầm mống khủng hoảng xã hội:</strong>

Trong bối cảnh suy thoái trầm kha về kinh tế, nạn tham nhũng,
vô cảm quan chức và phân hóa xã hội lại đóng vai trò rất
quan yếu trong việc phá nát những rường cột cuối cùng về an
sinh xã hội.

Gần như trái ngược với sự thừa nhận thiếu dũng cảm của
Đảng và Chính phủ từ "một bộ phận nhỏ" đến "một
bộ phận không nhỏ", tham nhũng đã trở thành một quốc nạn
từ chính quyền cấp trung ương đến toàn bộ các chính quyền
địa phương, tác động mạnh mẽ nhất đến tình trạng từ
suy giảm đến suy kiệt niềm tin vào chế độ của công dân.
Cho đến nay và sau quá nhiều lần thất vọng với cơ chế
phòng chống tham nhũng của Đảng, người dân đã hầu như
không còn hy vọng nào cho một tương lai được nhận ra vẻ
sạch sẽ trên khuôn mặt chính thể.

Trong gần ba năm suy thoái kinh tế qua, chỉ có nhóm lợi ích
ngân hàng, nhóm lợi ích vàng và những nhóm lợi ích có tên
"Dân sinh" như điện và xăng dầu là còn trụ được. Với
nhiều chính sách cố tình làm lợi cho các nhóm lợi ích này,
Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã biến các doanh nghiệp và
người dân trở thành một thứ con tin không có tương lai.

Hệ lụy kinh tế lại dẫn đến hệ lụy xã hội. Trong khi Bộ
Lao động, Thương binh và Xã hội công bố tỷ lệ thất nghiệp
vào cuối năm 2012 chỉ là 1,99%, tỷ lệ thất nghiệp thực tế
ở Việt Nam đang có thể vượt trên 20%, thậm chí sánh ngang
với tỷ lệ thất nghiệp 26% ở Tây Ban Nha hoặc gần 30% ở Hy
Lạp.

Trong thực tế, chỉ cần nhìn vào con số 100.000 doanh nghiệp
phải giải thể và phá sản như một công bố của Ủy ban
thường vụ Quốc hội vào đầu năm 2013, đã có thể thấy
rằng con số này chiếm đến 18-20% tổng doanh nghiệp đăng ký
hoạt động tại Việt Nam. Như vậy tỷ lệ thất nghiệp cũng
có thể tương đương với 18-20%, tức gấp 10 lần con số báo
cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Vốn đã quá thờ ơ trước thực trạng xuống dốc của dân
sinh trong những năm vừa qua, nhiều bộ ngành ở Việt Nam còn
trở nên bàng quan hơn nữa trong không khí thực dụng đang phổ
cập khắp nơi, từ thủ phủ đến từng làng xã. Người ta có
thể nhìn thấy tình trạng tham nhũng quá phổ biến ở nhiều
địa phương và các thành phố trung tâm, và tình trạng lộng
quyền và lộng hành của không ít nhân viên công an…

Thất nghiệp và hoàn cảnh quá đỗi khó khăn lại càng làm cho
người dân rơi vào tâm thế cùng quẫn. Sau một thời gian buộc
phải im lặng, báo chí đã dồn dập đưa tin về những cái
chết tự vẫn của người nghèo.

Chuyện chết chóc đã trở thành cơm bữa ở Việt Nam. Cùng
với thái độ vô cảm của nhiều chính quyền địa phương là
nạn bạo hành của công an ở nhiều tỉnh. Không ít cái chết
trong trụ sở công an đã xảy ra, nhưng chưa một lần những
người mặc sắc phục thừa nhận hành vi vi luật nghiêm trọng
của họ.

Trong khi đó, làn sóng trưng thu đất đai và cưỡng chế dân oan
khiếu kiện vẫn liên tục diễn ra ở nhiều địa phương với
tính chất côn đồ hóa về sau này.

Vào năm 2012 và 2013, những dấu hiệu khủng hoảng kinh tế đã
kéo theo những hiện tượng hỗn loạn xã hội. Dư luận đã
chứng kiến về hành vi "chống người thi hành công vụ"
của gia đình Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng vào đầu
năm 2012 như một ngòi nổ, mô phỏng cho phong trào nông dân
chống trưng thu ruộng đất một cách vô lối từ các nhóm lợi
ích, và có một nét gì đó gần tương tự với trường hợp
"rào làng" của làng Ô Khảm ở tỉnh Quảng Đông, Trung
Quốc.

Cho đến gần đây, người ta liên tục chứng kiến việc một
số nhóm lợi ích đã sử dụng côn đồ như một thủ đoạn
để giải tỏa đất đai và "giải quyết" nông dân. Ở Ninh
Bình hay Bắc Giang, người ta đang chứng kiến hàng trăm nông
dân bất mãn đoàn kết với nhau để chống nạn côn đồ lộng
hành, cùng hiện tượng dựng chiến lũy trong làng để chống
những kẻ mà nông dân coi là "giặc"… Hoặc như hiện
tượng "biểu tình quan tài" ở Hưng Yên…

Tất cả những hình ảnh đó cho thấy điều gì, nếu không
phải là sự bất lực, vô cảm của khá nhiều chính quyền
địa phương mà đã đẩy người dân vào tư thế phản ứng
tự phát không đáng có. Và hiện tượng tự phát như thế lại
là tiền đề rất thường cho một hiện tượng rộng lớn và
quy mô hơn hẳn: làn sóng bạo động và có thể cả bạo loạn
có thể xảy ra, đẩy nhanh tình hình vào thế mất kiểm soát…

<strong>Buổi giao thời sắp đến</strong>

Hầu như không thể hoài nghi, xã hội và có lẽ cả nền chính
trị Việt Nam đang dợm bước vào một buổi giao thời mang tính
xoay chuyển trong lịch sử đương đại của chế độ, nếu
lấy mốc thời gian từ năm 1975.

Còn nếu tính từ thời mở cửa đầu thập niên 1990 và sau các
cuộc chính biến mà đã thay đổi căn bản về mối quan hệ xã
hội nhà nước – công dân ở Liên Xô và Đông Âu cho đến
nay, chưa bao giờ Việt Nam lại rơi vào một chu kỳ suy sụp kinh
tế và kéo theo hàng loạt mầm mống phản ứng và biến loạn
xã hội như hiện thời.

Tất cả những dấu hiệu như thế, cộng hưởng với bầu
không khí cô đặc trì trệ về não trạng chính trị, nạn tham
nhũng thâm căn và di căn, cùng những rạn nứt không thể phủ
nhận trong nội bộ, đang biểu tả tính xu thế cho những biến
động và thay đổi lớn lao về kinh tế, xã hội và có thể
cả về tính tư tưởng ý thức hệ trong một tương lai không
quá xa.

<strong>Phạm Chí Dũng</strong>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://danluan.org/tin-tuc/20130828/pham-chi-dung-viet-nam-nhung-tien-de-khung-hoang),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét