Xích Tử - Nỗi khổ của nghề luật sư ở Việt Nam

Thời đổi mới, cải cách tư pháp, nghề luật sư và dịch vụ
pháp luật ở Việt Nam được phục hồi, một cách thận
trọng. Sự thận trọng không thể thiếu vì mấy mươi năm qua
trước đó, nhân sự, nghề nghiệp, công việc dịch vụ này khi
tham gia vào quá trình tố tụng, cho có chứng, đều được phân
công từ nhà nước, ăn lương nhà nước. Chả vậy mà có
người cho rằng tưởng cái nghề luật sư đã tuyệt chủng ở
Việt Nam.

Tuy nhiên, vì là cái được phục hồi, lại là sự phục hồi
trong hoàn cảnh thận trọng, từng bước phải cân nhắc đắn
đo nên nghề luật sư không có được phong độ tự nhiên hùng
dũng như nó có trước đây ở nước ta hoặc so với lịch sử
đời sống pháp luật bình thường ở nhiều nước.

Trước hết, dù đã cố gắng hội nhập, song những hành lang
về đào tạo, chứng nhận hành nghề, qui chế của hội đoàn
của Việt Nam, trong đó có những nội dung không giống với các
nước, là thách thức khổ sở của những người có nghiệp
dĩ với nghề luật.

Sau khi đã qua được những cửa ải đó, quá trình hành nghề,
độc lập hoặc có cơ sở dịch vụ đăng ký hành nghề (văn
phòng luật sư hoặc công ty luật), luật sư luôn chịu áp lực
về mặt quản lý nhà nước của ngành tư pháp và sự giám
sát, thậm chí cạnh tranh của chính hội đoàn của mình. Tổ
chức ấy đúng ra, với bản chất nghề nghiệp, có chức năng
thứ nhất là bảo vệ hội viên; song thời gian qua cho thấy nó
chính là cánh tay nối dài của cơ quan tư pháp, của nhà nước,
làm công việc quản lý hội viên. Cái án bị khai trừ khỏi
hội hoặc đoàn luật sư luôn luôn treo trên đầu những người
có năng lực, có tư duy độc lập và có lý tưởng bảo vệ
công lý.

Khi tham gia tố tụng, đối với các vụ án hành chính dân sự
hoặc hình sự ở những vi phạm không đụng đến vi phạm an
ninh quốc gia, bí mật nhà nước, tuyên truyền, chống phá, lật
đổ nhà nước, phản quốc v.v…, tuy vẫn bị hạn chế rất
nhiều về cách thức và thời gian tiếp cận hồ sơ, cáo
trạng, tiếp xúc thân chủ…, luật sư vẫn có được một số
thuận lợi. Nhờ vậy, chất lượng và hiệu quả của dịch
vụ pháp luật của những trường hợp này cao hơn, thậm chí
có những phiên toà qua tranh tụng, bào chữa, bản án có thể
giảm, huỷ để điều tra lại, hoặc tuyên bố vô tội.

Những thuận lợi và thành công này sẽ không có hoặc khó có
trong các vụ án thuộc các tội danh/ lĩnh vực "nhạy cảm"
nói trên (dù vẫn được xếp một cách kỹ thuật vào loại án
hình sự, giống như ở miền Nam trước đây, khi Tổ chức Ân
xá quốc tế can thiệp, không có tù chính trị mà chỉ là tù
vì tội phá rối trị an). Trước hết là những cản ngại bị
tạo ra/ xảy ra trong việc thực hiện các công việc, công
đoạn, thao tác nghề nghiệp liên quan đến tố tụng, từ việc
có được chấp nhận bào chữa hay không, tiếp xúc hồ sơ, cáo
trạng, tiếp xúc bị can, làm việc với cơ quan điều tra (công
an), nhân chứng, gia đình thân chủ, làm việc với báo chí
(phương tiện vốn đã được tiếp xúc với hồ sơ và kết
tội dọn đường khi chưa xét xử)…

Song cái lớn nhất là áp lực tâm lý có tính đặc thù của
vụ án. Khi hệ thống báo chí đã từng ngày càng đi xa vào
việc kết tội một đối tượng nào đó, tác động một cách
có kế hoạch vào toàn bộ tâm lý, nhận thức xã hội thì
việc làm của luật sư trở nên hết sức đơn độc; đó là
chưa kể có những trường hợp bị khủng bố bới các nhóm
"tự phát" là xã hội đen, thương binh được ai đó giật
dây.

Cuối cùng, nếu mọi cái không còn vướng cản bởi thủ tục,
luật sư được ngồi ghế luật sư bào chữa tại toà. Đến
đây, kịch bản tố tụng pháp luật đến hồi thắt nút: một
bên, cơ quan điều tra là công an nhân dân, cơ quan xét xử là
toà án nhân dân, cơ quan công tố là Viện kiểm sát nhân dân,
cả hội thẩm cũng là hội thẩm nhân dân; bên còn lại, trơ
trọi, vĩnh viễn không thể là bị cáo nhân dân, luật sư bào
chữa nhân dân. Cái khiên chữ nghĩa nhân dân cùng cái khiên
chất dẻo tổng hợp có in chữ CSCĐ được mua bằng tiền nhân
dân đã bị chiếm dụng làm tấm chắn cho phía ngồi ghế cao.
Bị cáo và luật sư bào chữa như bị tách ra khỏi nhân dân,
đối lập với nhân dân, bị đoạt mất vị trí trong nhân dân.
Tương quan lực lượng như vậy không lấy gì làm fair play cho
một cuộc xử; thế thua đã rõ ràng. Nếu có tội, bị cáo sẽ
được "bảo vệ" ra xe tù; còn người bào chữa thì bước
ra khỏi toà, về nhà bằng xe máy, trước con mắt vô cảm, nghi
ngại, ái ngại, và có thể dè bĩu, chế giễu, thù địch, căm
phẫn của một đám đông nhân dân nào đó trong cái bầy đàn
dân trí – văn hoá đương đại của đất nước. Hình ảnh
của vị luật sư ra khỏi toà với tư thế hiên ngang, tự tin
sau phiên tranh tụng vụ án Loan giết Thân trong Đoạn tuyệt
của Nhất Linh khó tìm gắp trong bối cảnh hài hước và khổ
sở này.

<strong>Xích Tử</strong>


***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9748), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét