Mạnh Kim - "Giải oan" cho Trung Quốc

Ngày 24-8-2011, Lầu năm góc lại tung ra báo cáo (94 trang) về
sự phát triển sức mạnh quân sự Trung Quốc với nội dung
rằng có nhiều dấu chỉ rõ ràng cho thấy sự tiến bộ vượt
bậc của kỹ thuật quân sự Trung Quốc, rằng hải quân Trung
Quốc đã được nâng lên tầm tay chơi có cỡ ở Thái Bình
Dương, trở thành nhân tố mới với sức mạnh có thể khống
chế Mỹ. Nói như thế quả thật là "oan" cho Trung Quốc bởi
gần như tất cả những gì về cái gọi là "sức mạnh quân
sự Trung Quốc" chỉ toàn là phóng đại quá đáng của phương
Tây nói chung và các nước láng giềng châu Á nói riêng! Quan
trọng hơn, Trung Quốc không hề có ý "gây xáo trộn hòa bình
khu vực". Đúng là "cây muốn lặng mà gió chẳng đừng"!
Đã đến lúc cần phải "giải oan" cho Trung Quốc!

Viết về bản báo cáo của Bộ quốc phòng Mỹ trên Tân Hoa Xã
(25-4-2011), cây bút Yu Zhixiao (Ngư Chí Hiêu?) một lần nữa nhắc
lại rằng, Trung Quốc hoàn toàn có đủ tư cách để xây dựng
một quân đội thiện chiến, bởi "<em>quan trọng hơn, điều
này sẽ có ích cho ổn định và hòa bình khu vực cũng như thế
giới</em>". Việc Mỹ cứ vu toáng lên về mối đe dọa quân
sự Trung Quốc thật ra chỉ là những "<em>đoán già đoán non
và lập luận thiếu logic</em>"… Trước đó, trong bài xã
luận (không đề tên tác giả), Tân Hoa Xã (13-6-2011) bày tỏ:

<em>"Thời gian gần đây, những bản tin từ một số phương
tiện truyền thông phương Tây viết về sức mạnh quân sự
Trung Quốc có khuynh hướng tô đậm kích cỡ đang phát triển
cũng như khả năng đe dọa của quân đội Trung Quốc. Vài nhà
quan sát phương Tây cố tình bóng gió với độc giả rằng có
cái gì đó "to lớn và xấu xa" đang phát triển cực nhanh
tại Trung Quốc… Giới chức chính trị và quân sự Trung Quốc
đã tận dụng mọi cơ hội có thể để nhắc đi nhắc lại
rằng Trung Quốc luôn kiên định với con đường phát triển
hòa bình nhưng rồi lời nói của họ chỉ như "đàn khảy tai
trâu" đối với nước ngoài, dù thông điệp được nêu luôn
hết sức rõ ràng: Trung Quốc không muốn chiến tranh; Trung Quốc
cần hòa bình… Bộ trưởng quốc phòng Lương Quang Liệt gần
đây nói rằng, yếu tố quan trọng để đánh giá một quốc gia
có phải là mối đe dọa thế giới hay không chẳng phải nằm
ở sức mạnh kinh tế hay quân sự mà phải ở chính sách đối
nội lẫn đối ngoại mà quốc gia đó theo đuổi... Cuối năm
ngoái, ủy viên Bộ chính trị đặc trách đối ngoại Đới
Bỉnh Quốc đã dẫn giải chi tiết về chiến lược phát triển
hòa bình của Trung Quốc. Trong bài viết dài mang tựa Sự cam
kết phát triển hòa bình, Đới tiên sinh nói rằng Trung Quốc
cần hợp tác với các nước trên tinh thần tất cả cùng có
lợi, thay vì đi theo con đường chủ nghĩa bá quyền nhằm phục
vụ lợi ích riêng quốc gia. Theo ngôn ngữ diễn đạt của
Đới tiên sinh, cam kết Trung Quốc đối với sự phát triển
hòa bình "<strong>sẽ không thay đổi trong 100 năm hoặc thậm
chí 1.000 năm</strong>"</em> (nghe rõ chửa?).

Xã luận trên nhắc thêm thực tế rằng, việc Trung Quốc tăng
ngân sách quốc phòng chẳng thấm vào đâu so với các nước
phương Tây, chừng khoảng 80 tỉ USD, tức 1,4% GDP, trong khi các
nước lớn khác chi đến 3-4% GDP. "Giới quan sát phương Tây"
cứ vu vạ lên đến 150 tỉ USD! Lấy đâu ra nhiều thế? Bóp
cổ dân để có ngần ấy tiền mà đầu tư súng ống thay vì lo
cho con dân no cơm ấm áo à? Trung Quốc còn hàng trăm triệu
người đang vật lộn với việc kiếm miếng ăn từng bữa bộ
không biết sao?! Ngay cả khi có nhiều như vậy chăng nữa thì
"<em>cũng chẳng đáng là bao so với ngân sách quốc phòng Mỹ
729 tỉ USD</em>"… Và về con tàu tội nghiệp Thi Lang, một con
tàu rách nát được trùng tu mất cả gần một thập niên,
thời gian đủ để "đế quốc Mỹ" đóng và cho hạ thủy
một "con" hàng không mẫu hạm mới nguyên, nó chỉ được
cái tiếng hão là "tàu sân bay" mà chẳng biết bao giờ mới
có thể thấy tiêm kích cơ lượn lên đỗ xuống nhẹ nhàng như
những cánh "hải âu phi xứ". Thế mà, thật không biết
thẹn, giới bình luận phương Tây đã rỗi hơi làm ầm ĩ
"một cách không cần thiết". Viết trên Tân Hoa Xã
(12-8-2011), cây bút Yan Hao (Nghiêm Hạo?) nhắc lại rằng,
"<em>thời điểm hiện tại, Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Ý,
Ấn Độ, Brazil và Thái Lan đang vận hành tổng cộng 21 hàng
không mẫu hạm… trong khi Trung Quốc là thành viên thường
trực Hội đồng bảo an cuối cùng sở hữu được tàu sân bay
đấy quí vị ạ</em>".

Trước nhiều ý kiến "sai lệch" nói rằng Trung Quốc tung
tàu sân bay ra Thái Bình Dương cốt nhằm bảo vệ "lợi ích
cốt lõi" tại biển Đông, tác giả Yan Hao đã dẫn lại lời
Tào Vệ Đông (nhà nghiên cứu của Viện nghiên cứu học thuật
thuộc Hải quân Trung Quốc), với phát biểu như sau: "<em>Tàu
sân bay tương lai của Trung Quốc chỉ giúp tăng cường thêm
yếu tố ổn định cho châu Á-Thái Bình Dương và hòa bình thế
giới</em>". Và bất ổn có đi chăng nữa thì cũng không phải
do thái độ hành xử ngang ngược chèn ép của Trung Quốc mà
chủ yếu là do các nước khu vực! Trong bài viết trên China
Daily (16-7-2011), cây bút Wang Hui (Vương Huệ?) nói rằng, trái
với tinh thần cống hiến xây dựng hòa bình của Trung Quốc,
các nước khu vực lại có khuynh hướng kết bè kết nhóm và bu
vào "đe dọa Trung Quốc". Mà trong đó "<em>Việt Nam là nơi
xuất phát gần như mọi xung đột đang diễn ra tại biển
Đông</em>" – như khẳng định của bài xã luận Global Times
(21-6-2011)!

Tóm lại, Trung Quốc, với tôn chỉ "hòa bình quật khởi"
(phát triển trên tinh thần hòa bình), là một quốc gia luôn tôn
trọng ổn định và hữu nghị. Tất cả những gì qui kết về
sự bành trướng Trung Quốc đều là "dối trá", "bôi
nhọ", "vu khống", "bịp bợm", "ác tâm"… Rõ ràng,
hơn bao giờ hết, Trung Quốc phải được "giải oan"! Chẳng
phải tại Diễn đàn Bác Ngao (Bác Ngao Á châu luận đàn) hồi
tháng 4-2011, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đáng kính đã chẳng nói
rằng, mục tiêu lớn nhất trong chính sách ngoại giao Trung Quốc
là xây dựng cho bằng được "một châu Á hài hòa" đó sao?!
Ông Hồ Cẩm Đào còn nói chắc nịch: "<em>Chúng ta cần phải
chia sẻ cơ hội phát triển và cùng đương đầu thách thức…
Chúng ta cần phải tìm tiếng nói chung và gạt qua khác biệt…
Chúng ta cần phải đấu tranh cho lợi ích chung và gắn kết sâu
hơn nữa cho hợp tác khu vực…</em>". Nói cách khác, chính
sách đối ngoại nhất quán của Trung Quốc (1.000 năm cũng không
thay đổi, nha!) là luôn tôn trọng nhau trên tinh thần láng
giềng tốt, với tôn chỉ luôn tìm kiếm mọi cơ hội có thể
để nâng cấp từ chiều sâu đến chiều cao, từ chiều ngang
đến chiều dọc, trong quan hệ quốc tế, đặc biệt với ASEAN.
Đó là kim chỉ nam của học thuyết đối ngoại Trung Quốc thế
kỷ 21. Tư duy đối ngoại Trung Quốc, theo ngôn ngữ và cách
hành xử tương ứng trước sau như một của Bắc Kinh, là tư
duy tử tế. Là sống tử tế. Sống hài hòa. Sống chân thật.
Thế mới đáng mặt là một cường quốc bắt đầu có "số
má" trên trường quốc tế lẫn khu vực…

Ức thay, vậy mà những cây bút "thọc gậy bánh xe"
như Robert Kaplan (Ban chính sách quốc phòng thuộc Bộ quốc phòng
Hoa Kỳ) cứ vu toáng lên về "mối đe dọa của sức mạnh
quân sự Trung Quốc"! Bắc Kinh dọa ai? Châu Á anh em ư? Chẳng
lẽ Trung Quốc lại ấu trĩ, đần độn và thậm chí lú lẫn
đến mức tự cô lập bằng cách làm khó mình, khi đẩy các
nước châu Á nhích lại với nhau để thành một khối chống
lại Bắc Kinh? Mãnh hổ có thể dễ dàng địch quần hồ
được chăng? Họa là bọn não lợn mới có lối tư duy chính
sách đối ngoại kiểu như vậy. Vậy mà, oan thay, những kẻ
như Robert Kaplan với những bài viết vu khống Trung Quốc phải
nói là đếm không xuể. Thật đúng là một bọn chỉ biết
"gắp lửa bỏ tay người", một bọn thật ác tâm! Trung
Quốc cần được "minh oan"! Nói cách khác, Trung Quốc đang
rất "khiêm tốn" khi nói về sự phát triển… khiêm tốn
trong sức mạnh quân sự còn rất hạn chế của họ. Chỉ
những kẻ đầu óc không bình thường mới tưởng rằng với
"sức mạnh" đó Trung Quốc đã có thể vỗ ngực xưng hùng
tranh ngôi bá chủ Thái Bình Dương và thậm chí còn đòi dạy
các nước láng giềng một bài học!

M. KIM

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(http://danluan.org/node/9744), một số đường liên kết và hình
ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để
xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường
lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa
tại đây (http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét