Văn Việt - Ba cuốn sách mới của nhà văn Nguyễn Quang Lập

Hung tin vừa chấn động truyền thông: nhà văn Nguyễn Quang Lập
tức blogger Quechoa đã bị An ninh TPHCM bắt đi từ nhà riêng ở
Thảo Điền lúc 14h ngày hôm nay (6/12/2014) theo điều 258 Bộ
Luật Hình sự. Trong khi theo dõi số phận của nhà văn kiêm
blogger có lượng người đọc cao hàng đầu hiện nay tại VN,
nguyên thành viên nòng cốt của Ban Vận động Văn đoàn Độc
lập VN, Văn Việt xin giới thiệu lại 3 tác phẩm gần đây
của ông được truyền thông chính thống đề cao. Chúng ta cùng
cầu chúc cho Nguyễn Quang Lập được an lành. Chúng ta luôn
đứng bên anh.

<strong>1/ Nguyễn Quang Lập kể 'Chuyện nhà quê'</strong>

Giọng điệu châm biếm, hài hước và phong cách "khẩu văn"
– viết như nói – giúp Nguyễn Quang Lập rút ngắn khoảng
cách giữa độc giả và tác giả.

Tên sách: Chuyện nhà quê
. Tác giả: Nguyễn Quang Lập
, NXB
Hội nhà văn

"Chuyện nhà quê" là tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn
Quang Lập.

<div class="boxleft300"><img
src="http://www.danluan.org/files/u5311/chuyen-nha-que-cover-1304-1405478229-187x300.jpg"
/><div class="textholder">Bìa sách "Chuyện nhà quê</div></div>

Qua những trang viết trong Chuyện nhà quê, ông phơi bày tật
xấu của các nhân vật một cách không thương tiếc. Lối viết
"khẩu văn" đặc trưng của bọ Lập có thể khiến người
đọc lần đầu tiên tiếp xúc những tác phẩm của ông có
đôi chút choáng ngợp với những suy nghĩ về con người, cuộc
sống được bộc lộ một cách rất thành thật và hồn nhiên,
chẳng hề ngượng ngùng hay cố gắng hoa mỹ.

Chẳng hạn như ở truyện ngắn Anh hờ hờ, tác giả dám đưa
cả bản thân mình và những tên tuổi khác vào làm nhân vật
như: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Khải… Cả câu chuyện là để
phê phán thói hư vinh, xem trọng danh vọng hơn bản chất nghệ
thuật của anh Hờ Hờ. Tác giả can đảm tự phê phán thói
xấu của chính mình qua một chi tiết trong truyện: khi biết ai
về nhà anh Hờ Hờ cũng được đãi cỗ linh đình, ông cũng
mong muốn được anh Hờ Hờ mời về nhà và khi có cơ hội
đó, ông đã nhận ngay lập tức. Tinh thần tự phê phán đó
khiến người đọc phần nào nhớ đến Trung Trung Đỉnh vì ông
cũng nhiều lần tự phê phán bản thân qua những truyện ngắn
có nhân vật chính như đang đại diện cho chính bản thân mình.

Trang viết của Nguyễn Quang Lập cũng không thể thiếu chất
hài hước, trào phúng. Đọc hết một truyện ngắn của ông,
thường người ta tìm thấy sự châm biếm ẩn sau cuối mỗi
câu chuyện. Như trong Ký ức năm hào, ở đầu truyện, có thể
người đọc sẽ chỉ nghĩ đây là hồi ức dễ thương, có
phần hài hước của một cậu bé về lần đầu tiên khi cậu
kiếm được năm hào và nâng niu nó như thế nào. Cậu có phần
tự mãn về bản thân mình khiến chúng ta chưa thấy rõ sự tự
châm biếm mỉa mai, nỗi buồn của cậu. Chỉ đến tận cùng,
câu chuyện mới đột ngột chuyển hướng. Tiêu biểu cho kiểu
cấu trúc này là những truyện như: Thằng sứt môi, Chuyện
tình anh cu Đom…

Chuyện nhà quê còn là mảng hồi ức khó quên của một người
con khi nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Làng phố trong văn của
bọ Lập có sự kết hợp giữa cái bần cùng, chất phác của
làng với cái ồn ào, xô bồ của phố. Sự nhạy cảm vốn có
của một nhà văn nhiều kinh nghiệm sống giúp Nguyễn Quang Lập
viết nên những trang viết rất đời. Ông trăn trở trong từng
câu chuyện và nhân vật thể hiện cái nhìn thương cảm trước
những tha hóa, đổi thay của con người, của thời cuộc.

<em><strong>Bạch Tiên</strong></em>

http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/diem-sach/nguyen-quang-lap-ke-chuyen-nha-que-3018194.html

<strong>2/ 'Hạnh phúc mong manh' của Nguyễn Quang Lập</strong>

Các nhân vật của ông dường như chưa hề bị đời sống làm
cho méo mó, dị dạng. Họ vẫn rất đẹp, đẹp từ vóc dáng,
tâm hồn.

Tên sách: Hạnh phúc mong manh
Tác giả: Nguyễn Quang Lập
NXB
Văn học
Giá bìa: 58.000 đồng

<div class="boxleft300"><img
src="http://www.danluan.org/files/u5311/hanh_phuc_mong_manh.jpg" /><div
class="textholder">Bìa sách "Hạnh phúc mong manh".</div></div>

"Hạnh phúc mong manh" là tập sách chọn lọc những truyện
Nguyễn Quang Lập viết trong thời kỳ đầu, sau khi ông giải
ngũ và trở về làm việc ở Sở Văn hóa – Thông tin Bình Trị
Thiên thời bấy giờ. Lúc đó, ông ngày ngày nấu cơm rửa chén
giặt đồ hầu hạ em trai là Nguyễn Quang Vinh viết tiểu
thuyết (như sau này ông kể lại trong tạp văn Tôi đã viết
truyện ngắn như thế nào).

Trong Hạnh phúc mong manh, độc giả được gặp lại những
truyện ngắn đã làm nên tên tuổi nam tác giả trên văn đàn
Việt Nam. Một trong những truyện đó là Tiếng lục lạc. Nỗi
ám ảnh về di chứng chiến tranh, nỗi xót thương về số phận
con người trong Tiếng lục lạc đã theo những trang văn Nguyễn
Quang Lập tới hôm nay, mỗi ngày thêm quyết liệt.

Không chỉ là điểm khởi đầu, cuốn sách nhỏ này còn mang ý
nghĩa là nơi lưu giữ những cảm xúc và hồi ức thời tuổi
trẻ của ông. Trong những ngày xưa cũ ấy, ông đã nhìn cuộc
sống như một bức tranh màu nước. Dẫu có đổ vỡ, xót
thương thì vẫn hàm chứa một vẻ đẹp mong manh đến nao lòng.

Trung tâm "những bức tranh màu nước" của ông là Kan Liêng
trong Cầu cho Nàng Liêng trẻ mãi, là Thương trong Chuyện sót
lại ở thung lũng Chớp Ri, là Liên và Mai trong Hạnh phúc mong
manh, là Cu-muôn và Ba-đoong trong Cây sến lửa… Cách ông miêu
tả vẻ đẹp và nỗi u sầu của họ như thể đây là hình
ảnh được tạo ra từ những đám mây và ráng chiều, nhìn từ
một khe núi sâu, có chút gì đó xa xôi, phi hiện thực, nhưng
lại mang tới cho ta một cảm giác rất thực.

Bước ra từ bầu không khí quyện khói súng những tháng ngày
chiến tranh và sau chiến tranh, nhân vật của Nguyễn Quang Lập
dường như chưa hề bị đời sống làm cho méo mó, dị dạng.
Họ vẫn rất đẹp, đẹp từ vóc dáng, tâm hồn.

Nàng Kan Liêng trong Cầu cho Nàng Liêng trẻ mãi có lẽ là hình
ảnh hoàn mỹ nhất về cái đẹp trong tập truyện ngắn này.
Nàng như một bông hoa rừng tươi mát, trẻ trung, "đẹp từ
thời nàng còn nói ngọng đẹp mãi lên đến thời nàng được
cưa sáu cái răng cửa". Đẹp cả khi nàng thấm thía nỗi bơ
vơ, lẻ loi sau lần ném hòn sỏi từ chối Kon Kim – người
nàng thầm thương từ lâu, vì chàng "khèn bè không biết
thổi, đàn Abel không biết chơi, hát cha-chấp câu quên nhiều
hơn câu nhớ". Giọng văn trong truyện này cũng thật đặc
biệt, như tiếng khèn bè, như tiếng suối chảy, như tâm tình
giản đơn bộc trực của những người vùng cao. "Ồ, về núi
rừng của miềng mà không biết chuyện Kan Liêng là không biết
về rồi. Cho miềng điếu thuốc, miềng kể cho mà nghe". "Kon
Kim lại trở về với dân làng Tupal. Làng Tupal tự hào lắm,
dọc song Đăk-rông không ai tài giỏi như Kon Kim. Kon Kim buồn
nhưng không chết, làng Tupal vui hung". "Nhưng ai cũng biết, Kan
Liêng đẹp nhất làng Tupal vẫn lẻ loi, khi hội đã tàn, lửa
đã tắt, Kan Liêng trở về không làm sao chợp mắt. Kon Kim cũng
rứa…"

Cô giáo Thương trong Chuyện sót lại ở thung lũng Chớp Ri lại
mang vẻ đẹp của một tâm hồn đa cảm và yếu đuối. Người
yêu hy sinh ở chiến trường xa, nỗi đau khổ và cô đơn khiến
cô ngã vào vòng tay của một thầy giáo trẻ cùng trường.
Nhưng điều ấy lại khiến cho Chơn – đứa con nuôi cô vô
cùng yêu quý, phẫn nộ bỏ đi khiến cô bỏ dạy một năm để
đi tìm, khóc gọi tên con từ buổi chiều này sang buổi chiều
khác…

Trong Hạnh phúc mong manh, cuộc ra đi của Liên và đứa con ở
cuối truyện là kết quả của một cuộc giằng xé nội tâm
đầy phức tạp. Liên bị thất lạc anh trong chiến tranh khi đã
có với anh một đứa con, đã cùng con trải qua năm tháng nghèo
nàn và đau khổ, khi tìm được anh thì anh đã có vợ rồi.
Dẫu thế, anh vẫn thương yêu mẹ con Liên, và anh lại đang
muộn mằn đường con cái. Dường như chỉ cần vươn tay tới
một chút nữa, Liên sẽ chạm tới hạnh phúc. Nhưng cô đã
chọn quyết định buông tay. Có lẽ vì hạnh phúc như một
chiếc chăn, người này ấm thì người kia lạnh. Cô thà bước
tiếp trong cơn giá lạnh ngoài kia chứ không thể giành lấy
chút ấm áp của người đàn bà cũng đầy nỗi lòng trong căn
nhà ấy…

Hạnh phúc mong manh, ngay từ nhan đề tập truyện này đã mang
theo nhân sinh quan của Nguyễn Quang Lập những ngày đầu theo
nghiệp viết lách. Ông biết rằng hạnh phúc là thứ khó nắm
bắt, nhưng ông nhìn thấy những sinh thể mang theo loại cảm
giác hạnh phúc ấy ở khắp nơi. Trong nụ cười của nàng Kan
Liêng, trong ý chí của Chơn, trong niềm thanh thản của Liên…

Có lẽ vì khi ấy ông còn trẻ, và nhìn cuộc đời bằng đôi
mắt lãng mạn. Thường người ta sẽ đánh rơi đôi mắt ấy
ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời và không biết cách
nào để tìm lại. Nguyễn Quang Lập, may mắn hơn, ông đánh rơi
nó vào những trang viết của ông.

<em><strong>Hoài Thương</strong></em>

http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/hanh-phuc-mong-manh-cua-nguyen-quang-lap-2946320.html

<strong>3/ Ba hương vị khó quên trong 'Ký ức vụn'</strong>

The cay, ngọt đắng hay mằn mặn là những 'gia vị cảm xúc'
mà Nguyễn Quang Lập đưa vào trang viết.

Tên sách: Ký ức vụn. 
Tác giả: Nguyễn Quang Lập, 
NXB Văn
học và công ty sách Phương Nam ấn hành.

<div class="boxleft300"><img
src="http://www.danluan.org/files/u5311/bia-ki-uc-vun-cover-3d-1373275507_500x0-210x300.jpg"
/><div class="textholder">Bìa sách "Ký ức vụn".</div></div>

Nối tiếp thành công của Ký ức vụn tập một, Nguyễn Quang
Lập tiếp tục "khuấy đảo giang hồ" với cuốn sách thứ
hai cùng tên. Đây vẫn là tập hợp những entry mới từ trang
blog riêng của ông, vốn được nhiều người đón đọc, vẫn
là món khẩu văn rặt giọng "bọ" tưng tửng ngày nào mà ai
trót vào xem thì khó dứt ra. Trang văn của bọ Lập khiến độc
giả thấy hứng thú có lẽ là nhờ sự kết hợp của ba loại
hương vị vừa quen, vừa lạ, vừa độc tạo nên món "đặc
sản" khẩu văn.

Hương vị thứ nhất: châm biếm the cay. The cay thôi, chứ chẳng
phải là cay nồng độc địa. Óc quan sát, khả năng tung hứng
ngôn ngữ của ông khiến độc giả phải thán phục. Chỉ bằng
một vài câu nhẹ tênh, viết mà như nói (cho nên mới gọi là
khẩu văn), nhân vật của ông xông xênh hiện ra, sống động
và chân thực.

Hãy xem bọ Lập tả chân dung một ông sếp tổng công ty Nhà
nước mù công nghệ nhưng cứ thích tỏ vẻ ta đây sành điệu
bờ lốc bờ leo như ai. "Nghe chúng nó bảo mày có cái blog hay
lắm à, gửi cho anh đọc đi. Mình nói anh vào Guk gồ gõ… là
ra ngay thôi. Anh nói Guk gồ guk gheo làm gì cho phức tạp, dạo
này anh bận lắm. Mày chịu khó ra bưu điện gửi cho anh."
(Chuyện mạng méo thời nay).

Hay một chị gái quê nhờ bán than mà lột xác thành quý bà sang
trọng, mấy chục năm sau gặp lại: "Chị cười to, nói thằng
ni khinh chị rứa bay. Tau bây chừ quan hệ tuyền ông to bà nậy,
phải đổi giọng bọ ra giọng Bắc cho nó sang, thỉnh thoảng
nhả ra mấy tiếng Ing Liền cho người ta nể".

Chân dung anh cu Đom đểu giả bạc tình chỉ tả câu này là ra
hết: "Anh Đom nói chui vô hang Dơi chớ mô, ăn hết đồ ăn
mang theo thì về chớ răng. Anh khoa chân múa tay, nói chưa khi mô
tau được ăn no như rứa, cơm no bò cưỡi ngày sáu phát sướng
cực. Anh lại ngửa cổ cười he he."

Những gương mặt, câu chuyện ấy ta vẫn gặp hàng ngày. Nhưng
hình như trong ký ức của ta chẳng được sống động đến
thế, mà bảo ta kể lại, ta cũng chịu thua, không cách nào kể
lại ra được cái vị đậm đà, the cay như bọ kể.

Hương vị thứ hai là: rưng rưng ngọt đắng. Chuyện bọ Lập
không chỉ có châm biếm mà còn có thấm đẫm nghĩa tình, nghĩa
tình thật sâu. Hình ảnh con bé cố hết hơi ù mọi để lấy
được phần thưởng cái bánh Trung thu về cho em, đang sung
sướng ôm cái bánh chạy về nhà thì trên đường Mỹ thả bom,
sợ quá em đứng tim mà chết, khi chết vẫn ôm khư khư cái
bánh Trung thu trước bụng (Con ù mọi) khiến ta ám ảnh mãi.

Hình ảnh người cha (Nhớ ba), người thầy (Thầy trò một
thuở), quê hương Ba Đồn (Nhớ cái đình làng, Nhớ đồng)…
đầy ắp nỗi niềm da diết. Vị rưng rưng vừa ngọt ngào vừa
đắng lòng sau những câu chuyện tếu táo, bông lơn càng khiến
độc giả không thể nào bỏ được văn bọ.

Và cuối cùng, đã là khẩu văn Nguyễn Quang Lập thì không thể
thiếu vị mằn mặn phồn thực mà một số người vẫn nhăn
mặt chê là "tục". Thật ra văn bọ "tục mà không tục".
Cái tục trong sáng, khỏe khoắn, gần gũi, nhiều lúc thật hồn
nhiên. Thiếu đi hương vị mằm mặn phồn thực ấy, có lẽ Ký
ức vụn không ra được dáng hình, hồn cốt của nó, có lẽ
chiếu văn của ông đã bớt đậm đà và độc giả đã kém
thích thú đi.

Thật may là món khẩu văn của bọ Lập trong Ký ức vụn đủ
cả ba hương vị ấy vẫn đậm đà duyên dáng. Nếu đọc kỹ
một chút, bạn còn có thể phát hiện thêm nhiều hương vị
khác, sau mỗi dáng hình, câu chuyện, lời văn.

"Ký ức vụn" phần hai gồm bốn phần: Phần một – Những
người bạn khó quên với những ký ức khó quên như: Con bò
của thằng Thọt, Thằng cu Bợp, Đèn ông sao… Phần hai gồm
những buồn vui một thuở gom nhặt từ bộn bề cuộc sống: Có
bệnh thì vái tứ phương, Cái mặc thời bao cấp và mối tình
nửa nắng, Chuyện mạng méo thời nay, Hão! Hão… Phần ba viết
về những người tác giả từng gặp với những chân dung biếm
họa, như:: Anh Hờ Hờ, anh Cu Bịp, Mụ Cà… Phần bốn là
khoảnh khắc thương nhớ, là dư âm da diết của: Nhớ đồng,
yêu cái đình làng, Nhớ ba, Nhớ những người thầy, Vẩn vơ
phố cổ…

Bìa cuốn sách "Ký ức vụn" của Nguyễn Quang Lập, Nhà
xuất bản Hội Nhà Văn và công ty Sách Thái Hà ấn hành. Lần
xuất bản đầu tiên của cuốn sách này là vào năm 2008, do
Trung tâm văn hóa Đông Tây thực hiện. Trong lần in mới, sách
được bổ sung phần phụ lục, có điều chỉnh một số bài
viết đã in trước đây.

<strong><em>Hoài Thương</em></strong>

http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/diem-sach/ba-huong-vi-kho-quen-trong-ky-uc-vun-2844979.html

<strong>Bảo Ninh khen tạp văn của Nguyễn Quang Lập</strong>

<div class="special_quote"><em>Được Nguyễn Quang Lập đến tận
nhà tặng tập tạp văn 'Ký ức vụn' mới ra mắt, Bảo Ninh
đọc cuốn sách một mạch từ nửa đêm đến sáng. Theo tác
giả 'Nỗi buồn chiến tranh', tạp văn của 'Bọ Lập'
gần với thể loại truyện ngắn, hay tiểu thuyết.</em>!</div>

Về chuyện Nguyễn Quang Lập đến nhà tặng sách, Bảo Ninh kể,
trong buổi tối mưa gió, "Bọ Lập" mang sách đến tận nhà
và bảo sách để đọc cho vui. "Tôi nằm đọc Ký ức vụn
tới nửa đêm, thấy khuya quá rồi thì tắt đèn nhắm mắt.
Nhưng không thể ngủ. Lại phải bật đèn, mở sách ra, đọc
tiếp. Hơn 290 trang kìn kìn chữ, đọc một hơi tới sáng. Cả
ngày hôm sau chỉ nghĩ về cuốn sách ấy", Bảo Ninh chia sẻ
cảm nhận.

Theo nhà văn Bảo Ninh, cuốn Ký ức vụn "viết lách nhẹ
không, như chơi, mà cuốn hút người đọc ngay lập tức.. Đây
là một tác phẩm sâu nặng buồn vui. Buồn nhiều hơn vui".

Dù trang bìa quyển sách ghi đây là tạp văn chọn lọc, Bảo
Ninh cho rằng, tác phẩm này gần với thể loại truyện ngắn
hay tiểu thuyết hơn, dù nó không mang tính hư cấu.

"Sự thực thì tôi thấy Ký ức vụn là một cuốn tiểu
thuyết. Cuốn ấy viết cho những người cùng thời cùng kiểu
với tôi. Bởi tiểu thuyết là thế. Không có đời mình trong
đó, nhưng đọc thấy đời mình, đời bạn bè mình, thấy lại
trước mắt năm tháng đã qua, những năm tháng hiện hữu trong
các câu chuyện và cả ở khoảng trống giữa các câu chuyện.
Thời thơ ấu, tuổi học trò, mối tình đầu, tang thương
chiến tranh, đời văn, quê nhà và tha hương lang bạt. Trần
Vàng Sao. Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đoàn Anh Thắng. Phùng Quán.
Bạn bè ở Huế…", Bảo Ninh bày tỏ.

Bảo Ninh cũng chia sẻ, không chỉ ông mà nhiều độc giả,
nhất là độc giả trẻ thích thú tìm đến với cuốn Ký ức
vụn và đó là điều đáng mừng cho văn học.

http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/bao-ninh-khen-tap-van-cua-nguyen-quang-lap-1970921.html

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20141207/van-viet-ba-cuon-sach-moi-cua-nha-van-nguyen-quang-lap),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét