<b> Bi kịch thứ ba là bi kịch của trí thức hệ Cộng
sản, nơi cái Tôi cá nhân bị tước đoạt, chủ nghĩa tập
thể nhân danh lên ngôi.</b>
Sự thất bại của phong trào Duy Tân có những lý do khác nhau,
nhưng lại một lần nữa, nước Việt lại từ chối đường
hướng dân chủ, tự cường để rồi lịch sử lại đưa
những người Cộng sản lên vũ đài chính trị cao nhất, và
tạo ra một bi kịch kéo dài đến tận ngày hôm nay.
Bản thân bi kịch này có hơi hướng của bi kịch thứ nhất
lẫn thứ hai nếu xét trên phương diện chữ Trung của "trí
thức" và sự bất lực của họ trong vòng quay của chuyên
chế chính trị. Nhưng rõ ràng, lần này lớp trí thức được
dẫn dụ một cách khéo léo hơn, khiến cho họ tạo cái tròng
cho chính mình trong tương lai. Đó là một bi kịch chua chát.
Bi kịch này bắt đầu từ ngay thời kì đầu - khi chủ nghĩa
Cộng sản đang gây dựng mầm mống tư tưởng và tổ
chức tại Việt Nam. Rõ nét nhất là thông qua khẩu hiệu trong
các công hội đỏ, nông hội đỏ, tự vệ đỏ thuộc chính
quyền Xô Viết (Nghệ Tĩnh): Trí phú địa hào, đào tận gốc
trốc tận rễ. [15] Khẩu hiệu đỏ này nhanh chóng bị nhận
xét trong chỉ thị về vấn đề thanh Đảng Trung kỳ (20/05/1931)
là: thanh trừng trí phú, địa hào, đào tận gốc, trốc tận
rễ, như vậy thì lấy gốc đâu mà đào, xem rễ ở đâu mà
trốc, quả là một ý nghĩ mơ hồ, một chỉ thị võ đoán và
là một lối hành động quàng xiên chi tướng.
12 năm sau, ý nghĩ mơ hồ đó nhanh chóng trở nên được hệ
thống hóa một cách chặt chẽ hơn trong quản lý trí thức
thông qua bản Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), một bản
đề cương được đánh giá là "sức mạnh tinh thần vĩ
đại đã trở thành ngọn cờ tập hợp, cổ vũ, động viên
giới trí thức, khoa học, văn học, nghệ thuật Việt Nam
đương thời vào cuộc chiến đấu quyết liệt cho sự toàn
thắng của cách mạng dân tộc dân chủ, bảo vệ truyền thống
văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa mới của Việt
Nam."[16]
Chính đề cương này đã đặt trí thức dưới lá cờ
Đảng, mọi yếu tố chuyên môn của trí thức đều phải
phục vụ cho cách mạng và mục tiêu độc lập. Điều này
nhìn chung là hợp lý, nhất là để tránh sự phân tán tư
tưởng trong quá trình tập hợp lực lượng để tiến hành
một cuộc kháng chiến trường kì – nhằm mục tiêu độc lập
dân tộc.
Tuy nhiên, bi kịch của Trí thức bắt đầu rõ ràng khi
Đảng bắt đầu quên trả cho người trí thức một không gian
tự do của họ. Sự việc càng tồi tệ hơn khi mối quan hệ
giữa những người Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc
được thắt chặt vào 18/1/1950, mở màn cho sự du nhập sâu
hơn chủ nghĩa Mao vào nền chính trị - văn hóa – xã hội
Việt Nam. Điều này thể hiện rõ nét thông qua khái niệm
"Chỉnh huấn" tư tưởng, đường đi dành cho giới trí thức
Việt Nam.
Kết quả là, một năm sau (11/05/1951), lớp chỉnh huấn tư
tưởng dành cho trí thức ra đời đầu tiên tại chiến khu
Việt Bắc (11/05/1951) với câu nói nhấn mạnh "Lớp chỉnh
huấn này mở đầu cho cuộc chỉnh Đảng" báo hiệu tấn bi
kịch của Trí thức Việt Nam về sau. Cái điều mà nhà thơ
Xuân Diệu tự hào rằng: Chỉnh huấn tức là cưu mang, giúp
đỡ bạn chọn lấy con đường tư tưởng đúng, tránh cho bạn
cái thảm hại gãy đổ, mở cho bạn con đường sống vinh
hiển. […] Chỉnh huấn là một lồng ấp diệu kỳ làm cho tâm
hồn mới của anh được tự nở… Chủ nghĩa Mác – Lênin.
[17]
Sự "tự nở" mà Xuân Diệu nhắc đến đó chính là sự
tự ý thức và luôn cảnh giác con đường mà lớp trí thức
phải đi, đó là con đường thẳng tắp, và nó được
hướng dẫn bởi những làn đường mang tên "chỉnh
huấn". Từ nay, người trí thức mất đi cái riêng biệt
để đi vào cái chung, mọi thứ phục vụ cái chung. Nơi mà
bản thân nó dần dần bị lạm dụng để rồi triệt tiêu
cả tinh thần Độc lập của trí thức, khiến họ từ con
người trí thức trở thành công cụ trí thức, phần
nhiều cho hoạt động tuyên truyền. Không một ai ngờ vực
sự chuyển biến từ cái chung cho mục tiêu giành độc lập, lý
tưởng Chủ nghĩa Xã hội dần tiến đến cái chung cho sự lãnh
đạo của Đảng trong một thời gian dài.
Tầng lớp trí thức trở thành công cụ cho cuộc chiến,
họ phục vụ vô điều kiện với mệnh lệnh từ trên ban
xuống và hành động vô thức trong lý tưởng chỉ đạo.
Mọi cái đứng ngoài cuộc chiến, chủ nghĩa đều bị
xét xử.
Chính điều đó, khiến cái Tôi – cái Riêng (cái Tôi) bị phê
phán và cái chung (Tập thể hoặc nhân danh tập thể) lên ngôi
trong mọi lĩnh vực của văn hóa, khoa học. Yếu tố Đảng
trở nên mãnh liệt, chi phối mọi hành vi của giới trí
thức.
<center><img
src="https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiGbjGu6Z4emOulmylW4HNBP8FoVD-5WDCaOctvIWfkd8rGqDL2egmoegOT2qjAfiopModps0cSGzG2__DOKe9dO82L5g0YJAFM06-yHm-6el526H7E7DSUelwhS7r0mLAkNDqRS7NfMmk/s1600/nhung-loi-trang-troi.jpg"
width="600"></center>
<center><em>GS Trần Đức Thảo một hình mẫu của bi kịch trí
thức Việt nam.</em></center>
Phong trào "Nhân văn – Giai phẩm" ra đời trong một dịp
ngẫu nhiên (hay sắp đặt?) và được lãnh đạo Cộng sản cho
phép. Ngay lập tức, Trần Dần (người phê bình tập thơ
Việt Bắc của Tố Hữu trước đó) cùng Hoàng Tích Linh,
Hoàng Cầm, Trúc Lâm, Tử Phác… đệ trình Dự thảo đề nghị
cho một chính sách văn hoá (04/1955) với đề nghị "yêu cầu
tự do sáng tác, trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn
nghệ sĩ, thủ tiêu hệ thống chính trị viên trong các đoàn
văn công quân đội" [18] . Nói vắn tắt, họ đang đòi lại
cái mà Đảng đã vay mượn trong thời kỳ khó khăn.
Cái khao khát sự tự do đó của giới trí thức được
Trần Đức Thảo khái quát: Tự do không phải là cái gì có
thể ban ơn. […] Người trí thức hoạt động văn hoá, cần
tự do như khí trời để thở. Có tự do thì mới đẩy mạnh
được sáng tác văn nghệ, nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ
thuật. Phát triển tự do là nhu cầu thiết thân đồng thời là
nhiệm vụ số một của người trí thức cũng như của toàn
dân. Hình thức tự do là tự do cá nhân. [19]
Tự do của Trần Đức Thảo, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang…
chính là tự do của người trí thức, chống lại sự
áp đặt – nắn tư tưởng tầng lớp trí thức - một
biểu hiện của nô lệ hóa trí thức nhằm phục vụ có
mục đích của Đảng.
Nhưng có lẽ, Trần Đức Thảo và những người bạn trong
"Nhân văn – Giai phẩm" quên đi báo cáo "Chủ nghĩa
Mác và văn hóa Việt Nam" của Trường Chinh vào tháng
07/1948, trong đó ông Chinh nhấn mạnh: Không phải chỉ cần
phê bình những khuynh hướng sai lầm về tư tưởng, học
thuật, nghệ thuật của ta mà thôi; phải phê bình và nhất là
chú trọng đả kích tư tưởng, văn học, nghệ thuật phản
động của địch. Cuộc đấu tranh về văn hoá và tư tưởng
không thể tách rời cuộc đấu tranh về chính trị, quân sự
và kinh tế được. [20]
Kết quả, "những họng súng đã sẵn sàng nã đạn vào nhóm
người trong phong trào Trăm Hoa Đua Nở, bên cạnh đó là tầng
lớp trí thức bị nghi là không chịu quỳ gối tuân phục
trước các ông Trời Marxist-Leninist." [21] Phong trào bị bị
đánh và khép vào tội xét lại, chống Đảng, Trostky,
đầu cơ cách mạng, cơ hội chính trị… và hàng loạt từ
ngữ nặng nề khác mà báo chí cũng như giới trí thức Đảng
giáng vào khi luận tội họ. Họ - những con người xuất sắc
đại diện cho văn hóa, khoa học của Đảng trước đây bị…
kết tội, không phải từ sự phán xét của tòa án, mà từ
chính những người cùng một chiến tuyến trước đây.
Như Xuân Diệu, sự nhạy cảm, lãng mạn, trữ tình của nhà
thơ đã biến thành sự nhạy cảm chính trị và giai cấp ghê
gớm khi ông phê phán kịch liệt phong trào Nhân Văn – Giai
Phẩm vì cho rằng có "tính chất phi chính nghĩa, tính chất
chống Đảng, chống chế độ của báo Nhân văn và các tập
sách Giai phẩm". Ông nhấn mạnh "đấu tranh tư tưởng là
đấu tranh quyết liệt, không nhân nhượng. […] không cho nó
thở, không cho nó sống." Cũng bởi vì ông đang đứng ở vị
trí người Trí thức dưới sự dẫn đường của lá cờ
Đảng, nên ông khắc nghiệt khi nhấn mạnh: "Đối với những
tư tưởng lạc hậu, chúng ta giúp đỡ, chăm nom, cải tạo,
nhưng đối với những tư tưởng chống Đảng, chống chế
độ, chúng ta không thoả hiệp, bắt phải quy hàng".
Ngay trong địa vực Thơ, nơi làn gió Thơ Mới với cái Tôi
đã làm nên Xuân Diệu cũng bị ông Đảng hóa: "thơ của ta
phải có tính đảng, phải trung thành không lay chuyển với sự
nghiệp của Đảng, của nhân dân", và ông không giấu diếm
sự thật đằng sau đó "thật đúng như vậy rồi, đấu tranh
cho thơ cũng là đấu tranh cho tư tưởng, cho Đảng" [22]
Nó dập tắt cả tinh thần phản biện, cái Tôi – Những đòi
hỏi được coi là "sự việc thực là cụ thể, lẽ
thực là tha thiết".
Đầu tháng 06/1958, hơn 800 văn nghệ sĩ trong Hội nghị BCH
Hội Liên Hiệp VHNT Việt Nam đã hoan ngênh kết quả thắng
lợi của đấu tranh chống Nhân Văn – Giai phẩm. Còn những
trí thức tham gia dù ít (tranh biếm họa) hay nhiều (xã luận)
đều bị tước đi cái quyền công dân trên chính đất nước
mà họ đã từng cống hiến hết mình chỉ vì đòi hỏi… sự
tự do trong lĩnh vực của chính họ.
Kết thúc một thời điểm hiếm hoi trong đấu tranh đòi
tự do – vốn một thời giới trí thức phải nhún nhường,
chịu lui, để cái chung lên ngôi, vì mục tiêu độc lập, sau
lại bị Đảng cố tình bỏ quên… kể cả trong thời bình.
<b>Bi kịch thứ tư, chính là nền hòa bình nhưng trí thức vẫn
là đối tượng phục vụ Cách mạng</b>
Chính sách độc tôn tri thức và biến trí thức thành
những công cụ không hơn không kém kéo dài mãi cho đến ngày
hôm nay (2014). Dù rằng, hệ quả nó để lại là khiến cho
tầng lớp trí thức bị đánh mất năng lực, tính sáng
tạo lẫn cả sự dấn thân của mình.
Điều này đã được cảnh báo từ thập niên 50 của thế kỷ
trước và nay vẫn tiếp tục hiện diện trong đời sống của
trí thức. Đó là hiện tượng "trong địa hạt khoa học tự
nhiên, sự xâm phạm của những cán bộ chính trị vào địa
hạt chuyên môn như thế cố nhiên là rất trở ngại cho công
tác chuyên môn, nhất là công tác nghiên cứu khoa học. Trong
địa hạt khoa học xã hội thì mối tệ cũng không kém" [23] .
Bởi vậy nên sau ngày thống nhất (1975), giới trí thức
tiếp tục lén lút tìm cái cái tự do của mình. Tất
nhiên không dễ dàng gì khi mà cả nước đang sôi sục
"quá độ lên chủ nghĩa xã hội". Thời kỳ mà "bắt chủ
nghĩa tư bản phải phục vụ chủ nghĩa xã hội, bắt nhà tư
bản phải cày trên mảnh đất vô sản" [24] – Những sự
cởi mở đều bị nghi kỵ dù dưới hình thức bày tỏ nào.
Cái nghi kỵ mà một thời nhà thơ Hữu Loan đã phải
gằn lên: "Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc,
vậy mà họ cho tôi là phản động. Tôi phản động ở chỗ
nào? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được
khóc?" [25]
Sự xung đột giữa chế độ mới với trí thức miền
Nam cũng là một điều đáng chú ý sau giai đoạn thống
nhất này khi mà vượt biên trở thành một sự lựa chọn lớn.
Lý do, họ vừa rơi vào vòng cải tạo để rồi sau đó không
được sử dụng trong bất kỳ lĩnh vực gì thuộc về nhà
nước. Kể cả con cái của họ cũng vậy, vấn đề lý lịch
là rào cản và dư âm nó vẫn còn trong hệ thống nhà
nước hiện nay.
Điều này phản ảnh qua mục "Trí thức miền Nam sau 75"
của báo Huy Đức (Bên Thắng Cuộc). Trong đó có nhắc
đến câu chuyện về hệ thống nước máy thành phố
Hồ Chí Minh năm 1977 bị đục, khi ông Võ Văn Kiệt mời
các trí thức đến hiến kế, trong đó có ông Phạm
Bửu Tâm (vốn là một nhà giáo uy tín) đã nói thẳng:
Từ ngày mấy anh về, cái đầu trí thức khoẻ, vì cái gì cũng
đã có mấy anh nghĩ hết. Nước là chuyện mấy anh, đâu phải
chuyện tụi tui.
Đó là di chứng nặng nề mà Đảng hóa trí thức đã tạo ra.
Để củng cố cho quyền lực lãnh đạo của Đảng.
Thế nên mới có chuyện: Những năm ấy, các trí thức Sài Gòn
vẫn nhận được điện thoại từ Văn phòng Thành ủy hỏi xem:
Có công trình khoa học chào mừng 3-2 hay 19-5 không? [26]
Vẫn một tư duy hóa Đảng Trí thức, thế nên, lớp trí thức
"chế độ cũ" đã rầu, thì lớp trí thức phục vụ cho
"Bắc Việt" lại rầu không kém, họ rầu vì sự vỡ mộng
về cái mà chế độ đối đãi với mình và sự bó chặt và
cố tìm cách chi phối, định hướng chính trị trong lĩnh vực
họ đang hoạt động sáng tạo.
Những con người đang muốn bứt mình ra khỏi cái không gian
bức bối, ảm đạm đó và tìm lại chút dư âm của phong trào
Nhân văn – Giai phẩm. Nơi họ nhận ra rằng "văn chương
không cần những người chỉ viết như nô bộc hay giải
khuây".
Họ nhận ra mình là công cụ của Đảng quá lâu, nhất là khi
hòa bình lập lại thì điều này trở nên thật phi lý.
Họ bằng cách này hay cách khác từ bỏ phục vụ dưới lá
cờ Đảng với niềm tin yêu và sự mãnh liệt, đã nhanh chóng
"từ giã ý thức hệ" để "đi tìm cái tôi đã
mất".
Sự từ giã đó đi từ cảm nhận sự phản bội, và họ cố
gắng tìm cách ly khai với Đảng để nhận ra rằng "về tinh
thần và tư tưởng, tôi thấy mình hoàn toàn tự do, hoàn toàn
được giải phóng. Bây giờ, trên đầu tôi không còn bị kẹp
chặt bởi cái "kềm sắt" của chủ nghĩa Mác - Lê Nin, của
đảng cộng sản nữa." Nó cho phép những con người trí thức
được phép "suy nghĩ rất thoải mái, không bị một sự hạn
chế nào khi tư tưởng của tôi đã thực sự được giải
phóng - tư tưởng đã bay bổng."[27]
Sự bẻ ngoặt đó bi kịch ở chỗ họ thừa nhận sự trói
buộc bấy lâu "không phải từ trên trời rơi xuống, lúc
đầu không do ai áp đặt. Nó là sản phẩm lịch sử của nhân
loại trong cơn "Khủng hoảng do tăng tốc" (thế kỷ 18-19)
của con tàu Văn minh".
Cái sản phẩm đó đã khiến cho "Tầng lớp trí thức chả
có tài sản gì ngoài cái đầu được tư duy tự do, thì cái
đầu cũng bị nhà nước trưng thu luôn, vì từ nay họ chỉ
được nghĩ được viết theo sự chỉ dẫn của một học
thuyết, của một đường lối nếu họ không muốn giẫm vào
vết chân của nhóm "Nhân Văn Giai Phẩm".
Sự nhẫn nhịn và chịu đựng, sự cam tâm cho một mục tiêu
cao cả là nền độc lập – tự do đã biến họ thành công
cụ của vấn đề giai cấp, cướp đoạt đi của họ cái địa
hạt thuộc về văn hóa, khoa học. Nhưng thực ra họ bị lừa
gạt bởi "cái chủ trương rất quyến rũ, rất "văn
nghệ", nhất là với giới trí thức, của chủ nghĩa Mác
"cải tạo thế giới, cải tạo con người" nhưng sau cùng,
họ mới nhận ra là "hoá ra chuyện không đâu, nói cho vui, bây
giờ người ta cũng hay nhắc đến để chế giễu một học
thuyết xã hội chứa đầy những hoang tưởng."
Nhiều người trong số lớp người trí thức ấy đã bỏ qua
cả một tuổi xuân để hy sinh và cống hiến để rồi đón
nhận cái phũ phàng nơi thực tại – nơi Đảng chối bỏ sự
trả lại quyền được nói – viết – nghĩ của họ. Những
Trần Độ, Trần Xuân Bách, Hoàng Văn Hoan, Hoàng Minh Chính,
Trần Mạnh Hảo, Dương Thu Hương, Bùi Tín, Tô Hải, Nguyễn
Hộ, Tống Văn Công, Dương Thu Hương, Hoàng Minh Chính, Hà Sĩ
Phu, Nguyễn Gia Kiểng, Lữ Phương, Trần Khải Thanh Thủy, Vũ
Thư Hiên, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Hiếu Đằng…
Tất nhiên, họ bị trả giá cho hành vi nhìn lại của mình,
ngay cả khi cái độ tuổi nông nổi đã trôi qua rất lâu. Lớp
người tri thức ấy một phần bị cô lập, theo dõi, giam lỏng
nơi quê hương; bị phần bị bắt giam hoặc đưa ra nước ngoài
với các hình thức khác nhau. Họ trở thành tù nhân lương tâm;
bất đồng chính kiến ngay đối với lý tưởng mà họ từng
theo đuổi dù rằng nhà nước chưa bao giờ chấp nhận "tội
danh" đó.
Yếu tố xã hội chủ nghĩa bao khuôn một cách dai dẳng,
kể cả khi đất nước được Đảng xác định là nền kinh
tế tri thức nhưng điều đó không ngăn Đảng cố biến tầng
lớp trí thức trở thành "tầng lớp trí thức xã hội chủ
nghĩa". Thế nên bao nhiêu năm qua, 3 cấp học đầu tiên trong
mỗi buổi lễ chào cờ đều có câu: Vì Tổ quốc xã hội chủ
nghĩa. Vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại – sẵn sàng [28] .
Lên cao hơn (TC-CĐ-ĐH) là khóa học chính trị đầu năm, cuối
năm với một chương dài về sự lãnh đạo của Đảng, về
Chủ nghĩa xã hội…. Thành ra, đội ngũ trí thức nhìn "hùng
hậu" với khoảng 1,5 triệu người bao gồm những người tốt
nghiệp cao đẳng, đại học, hàng ngàn giáo sư, phó giáo sư,
tiến sĩ, hàng chục ngàn thạc sĩ, hoạt động trên tất cả
các ngành nghề, trong đó đông đảo nhất là khoa học - công
nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa… nhưng xã hội lại vận
động chậm chạp cũng vì thế.
Tất nhiên, nếu có thế hệ vỡ mộng, thế hệ nhìn lại, thì
cũng sẽ có thế hệ dấn thân - tự tìm cách bước ra cái
khuôn phép đó với sự trợ lực của internet – mạng xã hội.
Tầng lớp tri thức này nhìn thấy sự im lặng đó trả giá quá
đắt về mặt chủ quyền, quốc gia và tính tự chủ của
người công dân. Họ buộc lên tiếng để đòi lại những gì
đáng ra thuộc về họ - những giá trị cơ bản về dân quyền.
Lên tiếng để họ sử dụng lại cái tri thức trong vai trò trí
thức để bảo vệ nó bằng những luận điểm, luận cứ khoa
học thay vì nhìn Đảng che giấu nó đi như một điều gì đó
đáng kinh sợ.
Kiến nghị 72 bùng nổ như là sự quay trở lại của các trí
thức Đảng về lại địa hạt khoa học tự nhiên, khoa học xã
hội của mình. Nó cho thấy cái quyền được nói – được
tham gia – được thực hiện các hành vi tự do căn bản, trong
giá trị chung của loài người. Họ đứng ra bảo vệ cho lập
trường của chính mình với những luận điểm chắc chắn.
Lúc đầu, vẫn thấy đâu đó một thái độ giữ kẽ, và chờ
đợi. Nhưng rồi những Nhóm mở miệng với thơ Tự Do, Nguyễn
Đắc Kiên với phê phán tư tưởng toàn trị của ông Tổng,
đến Nhã Thuyên quay trở lại tìm hiểu sâu về tinh thần của
nhóm "Nhân văn – Giai phẩm" đã làm bùng lên trở lại tinh
thần quyết liệt của Trí thức. Họ không muốn bị chỉ
đạo, làm thay, họ không muốn sự xen ngang của chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong các công trình khoa
học của họ.
Tinh thần đòi trả tri thức lại cho trí thức biểu hiện ngày
một quyết liệt hơn. Đi từ Kiến Nghị, Thư ngỏ, Tâm thư…
cho đến các cuộc tọa đàm, hội thảo về các vấn đề đất
nước. Từ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa cho đến đi tìm về
tư tưởng Phan Châu Trinh, gợi mở nền Giáo dục khai phóng với
Cánh Buồm, gần đây là cùng ngồi lại để tìm hiểu "Thoát
trung về Văn hóa". Những Hội đoàn độc lập từ Văn đoàn;
Công đoàn; Hội nhà báo Độc lập; Hội phụ nữ nhân quyền;
Hội tù nhân lương tâm… ra đời cũng báo hiệu cho sự tập
hợp tầng lớp Trí thức với sự tự do thực sự mà các nhà
Duy Tân thế kỷ 20 chưa làm được.
Tất nhiên, Đảng không muốn bỏ rơi sự độc quyền mà mình
gầy dựng bấy lâu. Nhất là sự độc quyền chân lý thông qua
sự độc quyền trí thức. Nhưng đôi khi các nhà tuyên huấn
trở nên lạc giọng, khi quên rằng thời kì khói lửa chiến
tranh bao trùm, chính sách cộng sản thời chiến đã buộc
trí thức phải dồn vào cuộc chiến theo mục đích
được đặt ra bởi các nhà chính trị đã chấm dứt. Vì
lẽ đó mà lời ông Nguyễn Phú Trọng hay lời trên báo QĐND,
Nhân Dân tuy hai mà một. Những lời lẽ mang hàm ý đe dọa đó
trở nên mất sức sống trước một Nhã Thuyên được bao quanh
bởi những người ủng hộ, những Hội đoàn độc lập đầy
sức sống với tôn chỉ sự thật, đa chiều và phản biện.
Chính yếu tố phản biện, các dòng thông tin trái chiều và
những lớp trí thức dám dấn thân đã làm sôi nổi trở lại
tư cách trí thức trước một lớp trí thức Đảng. Điều mà
trước đây còn nhiều hạn chế.
Nó cho thấy nhu cầu đòi hỏi Đảng phải trả cho Trí thức
không gian nghiên cứu (bao gồm nghĩ, nói, viết…) về lại
chính nơi của nó. Để đảm bảo tính sáng tạo, tính lao
động và tính thúc đẩy xã hội. Nó cũng cho thấy Đảng vẫn
còn tồn tại những con người tuyên huấn, cố tình gây ra sự
khủng hoảng thừa trong khoa học với tư tưởng, giữa sáng
tạo với nhiệm vụ.
Và như thế, nó có sự tương đồng trở lại với
thời điểm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Thấy lại
một Trần Dần, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang sôi nổi đòi hỏi
quyền lợi chính đáng của mình vốn bị Đảng "tịch thu"
ngang nhiên. Nhưng lần này, trí thức Việt có lẽ đã chuẩn
bị kỹ hơn cho một cuộc chiến, là chấp nhận sự dấn thân
để bước ra khỏi đối tượng phục vụ của Đảng. Tuy
nhiên, không có nhiều, sự sôi nổi đôi khi vẫn mang tính nhất
thời, còn nhiều lắm những tri thức mà Boxitvn phải thừa
nhận rằng: điều chua chát là cho đến nay trí thức – chúng
tôi muốn nói chủ yếu đến lớp trí thức trong khuôn – vẫn
là đàn cừu dễ chăn, bị đánh thì cũng chỉ biết chạy, vẫy
đuôi và kêu be be [29] .
<b>"Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách"</b>
Có thể thấy, thời điểm nào trí thức cũng gặp phải bi
kịch, và hầu hết mà nói phần lớn là do trí thức mà nên.
Đủ sự nhạy cảm nhưng lại dễ bị dắt mũi. Nó nguy hiểm
khôn cùng khi bi kịch của trí thức chính là bi kịch của dân
tộc. Không phải ngẫu nhiên mà ta tìm thấy một Việt Nam cuối
thế kỷ 19 – đầu 20 ở hiện tại về mặt chủ quyền, ngu
trung, dân khí. Hay một cách hành xử với trí thức theo phong
cách thập niên 60 của thế kỷ 20 ở thời điểm 201x, đó là
muốn trí thức phải tự do trong khuôn Đảng. Nó một cách
trắng ra, thì đó là sự tước bỏ quyền "nghiên cứu, phân
tích, và chỉ trích các cuộc tranh luận cũng như các
hoạt động công cộng, để gây ảnh hưởng đến sự
phát triển của xã hội". Hay nói đúng hơn, tước quyền
được đứng về phái giá trị phổ quát của nhân loại.
Hiểu rõ cái bi kịch của người tri thức về mặt khách quan
lẫn chủ quan để nhận ra rằng không ít những trí thức chấp
nhận sự tước đoạt phi lý đó cả trong quá khứ lẫn hiện
tại.
<b>Trở thành những con cừu kêu bebe…</b>
Do vậy, muốn thoát khỏi bi kịch dân tộc thì đòi hỏi sự
đấu tranh không ngừng của cá thể trí thức cho đến một
tập thể trí thức, sự đấu tranh đó là sự tìm về của
trách nhiệm và nghĩa vụ chân chính của một người trí thức.
Để hiểu rằng, trí thức không phải là những cái máy ngày
qua ngày nạp đi – nạp lại những kiến thức cũ như chuyện
người thợ giữ một kiểu bào quanh năm suốt tháng, mà phải
luôn luôn động. Động để hiểu quốc gia đang dịch đến
đâu, thế giới xoay như thế nào. Để biết mình phải làm gì
để giữ cái vị trí là lực lượng đi đầu trong mọi vấn
đề của xã hội. Nhằm đảm bảo sự thúc đẩy xã hội trên
các phương diện.
Động trong trí thức cũng chính là cách hành xử của một
nhân cách độc lập, điều chỉ có ở "con người tự
trọng". Có tự trọng mới thành con người đáng giá để có
sự quan hệ với người khác, với đất nước, với nhân
loại. Nhưng muốn khẳng định được cái nhân cách đó thì
bản thân người trí thức phải "được giải thoát khỏi
tình trạng phụ thuộc… vào gia thế, vào họ, vào làng, khỏi
mặc cảm vào ân huệ, để không phải sống chờ đợi, ỷ
lại, tìm cách tự bảo vệ bằng dối trá, che đậy, hay tìm ô
dù để nấp bóng."[30]
Động trong tầng lớp trí thức cũng là để tránh phạm phải
những khuyết điểm mà Việt Nam Quốc sử khảo (1908) từng nêu
ra, đó là: hay nghi kỵ lẫn nhau; coi trọng những điều xa hoa
vô ích, biết lợi cho mình chứ không biết hợp quần; tiếc
của riêng mà không nghĩ đến lợi chung; biết thân mình mà
không nghĩ đến việc nước.
Chỉ có như thế, trí thức mới có thể đủ tư cách định
hình tương lai của dân tộc này. Tránh được cái họa biết
trước nhưng lại bất lực kéo dài từ cuối thế kỷ 19 đến
nay và để lại hệ lụy bi đát cho quốc gia, dân tộc.
Hệ lụy đó không những là hệ lụy của mất nước, mất
chủ quyền, cũng những năm tháng tang tóc vì chiến tranh –
loạn lạc mà còn là hệ lụy của một đất nước đang bán
tài nguyên, buôn chất xám với giá rẻ mạt, chủ quyền bị
xâm phạm trắng trợn, đời sống tinh thần thì trụy lạc,
giả tạo với rượu bia/ ca hát; trong khi vật chất thì ô
nhiễm; đời sống kinh tế thì ngày càng thua kém vài chục
đến hơn thế kỷ với các quốc gia khu vực và trên thế
giới…
Vậy nên, hãy quyết tâm đấu tranh với chính mình, cùng hợp
quần lại để làm nên một "Tân Việt Nam" như Phan Bội
Châu từng chỉ ra: "Dựng công lao lại cho núi sông mà bảo
lấy tâm lực của một vài người làm để làm, quyết không
thể nào làm được! Chi bằng hãy kết đoàn thể, liên tính
tình, tập trung mưu kế, hợp tiền của, vứt bỏ hết lòng ghen
ghét nhau, cùng nhau một đường sống chết."[31]
Chỉ vậy thì mới mong kết thúc BI KỊCH TRI THỨC VIỆT –
Mới mong giải được cái BI KỊCH DÂN TỘC đang có nguy cơ quay
trở lại.
<i>Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác
giả.</i>
_______________________
[1] <a
href="http://bachkhoatoanthu.vass.gov.vn/noidung/tudien/Lists/GiaiNghia/View_Detail.aspx?TuKhoa=tr%C3%AD%20th%E1%BB%A9c&ChuyenNganh=0&DiaLy=0&ItemID=2036">bachkhoatoanthu.vass.gov.vn/noidung/tudien/Lists/GiaiNghia/View_Detail.aspx?TuKhoa=tr%C3%AD%20th%E1%BB%A9c&ChuyenNganh=0&DiaLy=0&ItemID=2036</a>
[2] <a
href="http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&News=5099&CategoryID=42">tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&News=5099&CategoryID=42</a>
[3] <a
href="http://vanhoanghean.com.vn/thu-vien-van-hoc-nghe-thuat/thien-ha-dai-the-luan">vanhoanghean.com.vn/thu-vien-van-hoc-nghe-thuat/thien-ha-dai-the-luan</a>
[4] <a
href="http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c160/n2419/Ve-nhan-vat-Truong-Vinh-Ky-doi-dieu-tran-tro-moi-tren-mot-cong-trinh-bien-khao-cu.html">tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c160/n2419/Ve-nhan-vat-Truong-Vinh-Ky-doi-dieu-tran-tro-moi-tren-mot-cong-trinh-bien-khao-cu.html</a>
[5] <a
href="http://ditichlichsuvanhoa.com/index.php?option=com_dttc&task=view&id=460">ditichlichsuvanhoa.com/index.php?option=com_dttc&task=view&id=460</a>
[6] <a
href="http://vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=13703.45;wap2">vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=13703.45;wap2</a>
[7] <a
href="http://hobuivietnam.com.vn/index.php?nv=News&at=article&sid=315">hobuivietnam.com.vn/index.php?nv=News&at=article&sid=315</a>
[8] <a
href="http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c116/n963/Vai-cam-nhan-gia-tri-minh-triet-cua-Dong-Kinh-Nghia-Thuc.html">tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c116/n963/Vai-cam-nhan-gia-tri-minh-triet-cua-Dong-Kinh-Nghia-Thuc.html</a>
[9] Phan Bội Châu niên biểu, Nxb Giáo dục, 2002
[10] <a
href="http://huc.edu.vn/chi-tiet/872/.html">huc.edu.vn/chi-tiet/872/.html</a>
[11] <a
href="http://vi.wikisource.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1o_%C4%91%E1%BB%A9c_v%C3%A0_lu%C3%A2n_l%C3%BD_%C4%90%C3%B4ng_T%C3%A2y">vi.wikisource.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1o_%C4%91%E1%BB%A9c_v%C3%A0_lu%C3%A2n_l%C3%BD_%C4%90%C3%B4ng_T%C3%A2y</a>
[12] <a
href="http://vietnamvanhien.net/PhanChuTrinh.html">vietnamvanhien.net/PhanChuTrinh.html</a>
[13] <a
href="http://ytuongsangtao.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/phan_chau_trinh_hien_dai_mot_cach_la_lung/default.aspx">ytuongsangtao.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/phan_chau_trinh_hien_dai_mot_cach_la_lung/default.aspx</a>
[14] <a
href="http://phamquynh.wordpress.com/2012/08/17/">phamquynh.wordpress.com/2012/08/17/</a>
[15] <a
href="http://btxvnt.org.vn/cms/?m=16&act=view&id=124">btxvnt.org.vn/cms/?m=16&act=view&id=124</a>
[16] 1<a
href="https://www.blogger.com/23.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/tulieuvedang/details.asp?topic=168&subtopic=463&leader_topic=981&id=BT581155508">23.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/tulieuvedang/details.asp?topic=168&subtopic=463&leader_topic=981&id=BT581155508</a>
[17] <a
href="http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn0nnnmnmn31n343tq83a3q3m3237nvn#phandau">vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn0nnnmnmn31n343tq83a3q3m3237nvn#phandau</a>
[18] <a
href="http://bichkhe.org/home.php?cat_id=147&id=1113">bichkhe.org/home.php?cat_id=147&id=1113</a>
[19] <a
href="http://viet-studies.info/TDThao/TranDucThao_NoLucPhatTrienTuDoDanChu.htm">viet-studies.info/TDThao/TranDucThao_NoLucPhatTrienTuDoDanChu.htm</a>
[20] <a
href="https://www.blogger.com/123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/tulieuvedang/details.asp?topic=168&subtopic=463&leader_topic=981&id=BT2861157752">123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/tulieuvedang/details.asp?topic=168&subtopic=463&leader_topic=981&id=BT2861157752</a>
[21] <a
href="http://viet-studies.info/NMTuong/NMTuong_HoiKy.htm">viet-studies.info/NMTuong/NMTuong_HoiKy.htm</a>
[22] <a
href="http://hcmup.edu.vn/index.php?option=com_content&id=12885&tmpl=component&task=preview&lang=vi&site=0">hcmup.edu.vn/index.php?option=com_content&id=12885&tmpl=component&task=preview&lang=vi&site=0</a>
[23] <a
href="http://viet-studies.info/GiaoDucKhaiPhong_HoangDung.htm">viet-studies.info/GiaoDucKhaiPhong_HoangDung.htm</a>
[24] <a
href="http://viet-studies.info/LuPhuong/LuPhuong_VietNamDoiMoi_1979_1986.htm">viet-studies.info/LuPhuong/LuPhuong_VietNamDoiMoi_1979_1986.htm</a>
[25] <a
href="http://bbc.co.uk/vietnamese/culture/2010/03/100320_huuloan_orbit.shtml">bbc.co.uk/vietnamese/culture/2010/03/100320_huuloan_orbit.shtml</a>
[26] Bên Thắng Cuộc, Huy Đức.
[27] <a
href="http://viet-studies.info/NguyenKhai_DiTimCaiToiDaMat.htm">viet-studies.info/NguyenKhai_DiTimCaiToiDaMat.htm</a>
[28] <a
href="http://gocnhinalan.com/bai-cua-khach/tr-thc-min-nam-sau-75.html">gocnhinalan.com/bai-cua-khach/tr-thc-min-nam-sau-75.html</a>
[29] <a
href="http://lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&id=1170&Itemid=69">lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&id=1170&Itemid=69</a>
[30] <a
href="http://boxitvn.blogspot.com/2014/08/nhan-ky-niem-101-nam-ngay-sinh-nguyen.html">boxitvn.blogspot.com/2014/08/nhan-ky-niem-101-nam-ngay-sinh-nguyen.html</a>
[31] <a
href="http://vieclam.laodong.com.vn/giao-duc/con-nguoi-tu-do-nhan-ai-la-dich-den-cua-giao-duc-nhan-cach-178323.bld">vieclam.laodong.com.vn/giao-duc/con-nguoi-tu-do-nhan-ai-la-dich-den-cua-giao-duc-nhan-cach-178323.bld</a>
[32] <a href="http://procontra.asia/?p=2213">procontra.asia/?p=2213</a>
***********************************
Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140826/lien-son-bi-kich-tri-thuc-bi-kich-dan-toc-phan-2),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét