Nguyễn Đình Đăng - ABC về tự do trí tuệ và kiểm duyệt

<em>"Ở nơi nào người ta đã đốt sách, người ta sẽ kết
thúc bằng đốt sinh mạng con người."</em>

Almansor (1821) – Heinrich Heine

<strong>A. Tự do trí tuệ là gì và tại sao nó quan
trọng?</strong>

Tự do trí tuệ có nghĩa là bất kỳ một cá nhân nào sống
trong xã hội loài người đều có quyền tìm kiếm và tiếp
nhận thông tin thuộc mọi quan điểm mà không hề bị bất cứ
một trở ngại nào. Tự do trí tuệ vì vậy bảo đảm cho con
người quyền tự do bộc lộ ý tưởng bằng nhiều cách khác
nhau qua đó có thể làm sáng tỏ mọi khía cạnh của một vấn
đề, một nguyên nhân, hay một trào lưu. Như vậy tự do trí
tuệ có quan hệ mật thiết với tự do ngôn luận và tự do
biểu hiện. Thiếu tự do trí tuệ xã hội sẽ dễ dàng bị
một thiểu số nhân danh dư luận, nhân danh nhà cầm quyền,
nhân danh các nhà tài phiệt, hay nhân danh một giai cấp, tầng
lớp nào đó trong xã hội v.v. lừa dối. Của cải vật chất,
tinh thần, tài nguyên, lãnh thố của quốc gia và cả sinh mạng
con người dễ bị lợi dụng nhằm đạt mục đích ích kỷ
của một số người hoặc các tập đoàn.

Tự do trí tuệ là một trong những hòn đá tảng xây nên nền
móng của một xã hội dân chủ. Trong một xã hội dân chủ,
mỗi người dân là người chủ của chính mình, là người
điều khiển chính bản thân mình, chứ không phải ai khác.
Nhưng để mỗi người dân có thể chịu trách nhiệm về việc
đó, mọi công dân của xã hội phải được nhận đầy đủ
thông tin. Tự do trí tuệ như vậy bao gồm tự do tàng trữ,
tiếp nhận và phát tán thông tin.

Đối kháng với tự do trí tuệ là kiểm duyệt.

<strong>B. Kiểm duyệt là gì, nó xảy ra như thế nào và ai là
người muốn kiểm duyệt?</strong>

Kiểm duyệt là sự ngăn cấm, loại bỏ, hay đàn áp những ý
tưởng hoặc thông tin mà một số người thấy không chấp
nhận được hoặc cho là nguy hiểm. Những người này có thể
là một số cá nhân, nhóm người, hoặc một số người nhân
danh nhà cầm quyền. Kiểm duyệt bắt đầu khi có một người
nói: "Chớ có cho ai đọc quyển sách đó (hoặc mua số báo
đó, hoặc coi bộ phim hoặc vở kịch đó, hoặc nghe bài hát
hoặc bản nhạc đó, hoặc xem bức tranh đó) vì tôi không
đồng ý." Các nhà kiểm duyệt ép các cơ quan, trường học,
nhà xuất bản, báo chí, tổ chức, công ty, viện nghiên cứu,
v.v. loại bỏ các thông tin mà họ cho là không thích hợp hoặc
nguy hiểm, không cho phép công chúng tiếp xúc với các thông tin
đó. Kết quả là không ai có thể có cơ hội đọc hoặc xem
các thông tin này để có thể tự suy nghĩ và phán xét đúng,
sai, hay, dở về chúng. Các nhà kiểm duyệt muốn tự đánh giá,
xếp loại, phân "luồng" thông tin cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, đã là công dân một xã hội dân chủ, pháp quyền,
thì bất kỳ người nào cũng có quyền đọc, nhìn, nghe, và
tuyên truyền các ý tưởng không vi phạm hiến pháp, cho dù nhà
kiểm duyệt không muốn chấp nhận những ý tưởng đó đi
chăng nữa.

Kiểm duyệt xảy ra khi các tài liệu bày tỏ ý tưởng như
sách, báo, phim, ảnh, các tác phẩm nghệ thuật, v.v. (gọi chung
là "tài liệu") bị loại bỏ hoặc cất đi không cho công
chúng xem. Một số cá nhân hoặc nhóm người "điểm mặt chỉ
tên" những "tài liệu" mà họ phản đối. Trong một số
trường hợp, các nhà kiểm duyệt cấm các trường học không
được sử dụng các "tài liệu" này, cấm các hiệu sách,
hiệu đĩa, hiệu băng video không được lưu giữ chúng, cấm
các nhà xuất bản không được ấn hành chúng, cấm các
galleries, các phòng triển lãm không được trưng bày chúng.
Kiểm duyệt cũng xảy ra khi một số "tài liệu" bị hạn
chế phạm vi sử dụng, chỉ được sử dụng đối với một
loại công chúng dựa trên một số tiêu chuẩn về tuổi tác,
hoặc các tiêu chuẩn khác (ví dụ sách báo, phim ảnh dành cho
người lớn, v.v.).

Trong đại đa số trường hợp, nhà kiểm duyệt (hoặc người
có tư tưởng kiểm duyệt) thường chân thành tin rằng kiểm
duyệt có thể làm xã hội tốt đẹp hơn, lành mạnh hơn, có
thể bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên, và giữ gìn hoặc khôi
phục cái mà nhà kiểm duyệt cho là "giá trị tinh thần",
"bản sắc dân tộc", hay "thuần phong mỹ tục", v.v. Các
nhà kiểm duyệt có thể thật sự tin rằng một số "tài
liệu" có chứa nội dung quá khích, chống lại, thậm chí phá
hoại trật tự xã hội hiện hành tới mức không còn cách nào
khác để ngăn chặn "tác hại" của chúng, ngoài việc "khai
tử" cho các "tài liệu" này, tức là loại bỏ chúng, không
bao giờ công bố chúng. Một số nhà kiểm duyệt khác thì lo
ngại rằng những người trẻ tuổi hoặc yếu đuối hơn sẽ
có thể làm điều xấu do bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng
xấu. Thậm chí, vẫn còn không ít người tin rằng có một ranh
giới hết sức rõ ràng giữa những tư tưởng "đúng đắn",
phù hợp với "đạo đức" và những tư tưởng "sai
trái", "đồi bại". Những người này muốn đảm bảo
rằng xã hội sẽ chỉ có lợi nếu tuân theo quan điểm của
họ. Họ tin tưởng rằng một số cá nhân nào đó, hoặc một
số tổ chức, cơ quan, đoàn thể nào đó, thậm chí toàn xã
hội sẽ lâm nguy nếu một số tư tưởng riêng rẽ nào đó
được lan truyền rộng rãi mà không bị ngăn cản.

Trớ trêu thay, điều mà các nhà kiểm duyệt thường không để
tâm đến là kiểm duyệt không khác gì con dao hai lưỡi đối
với chính các nhà kiểm duyệt. Cụ thể là, nếu như ngày hôm
nay các nhà kiểm duyệt thành công trong việc loại trừ hay đàn
áp các tư tưởng mà họ không thích, ngày mai những người
khác có thể sẽ dùng chính cái tiền lệ đó để loại trừ
hay đàn áp những tư tưởng mà các nhà kiểm duyệt hôm nay
đang ưng ý. Cách đây 150 năm, trong tác phẩm Bàn về tự do
(1859), John Stuart Mill [1] đã viết: "Nếu như toàn nhân loại,
ngoại trừ một người, có chung một quan điểm, và chỉ có
một người duy nhất có quan điểm trái ngược, thì bằng cách
bịt miệng người đó, toàn nhân loại cũng chẳng có lý gì
hơn là chính người đó, nếu y có quyền, sẽ dùng quyền lực
của mình để bịt miệng toàn nhân loại." Ông còn viết:
"Chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn rằng quan điểm mà
chúng ta đang gắng sức bóp chết là một quan điểm sai; và
nếu chúng ta có chắc chắn đi chăng nữa thì việc bóp chết
nó vẫn cứ là một điều quái gở."

<strong>C. Mối quan hệ giữa kiểm duyệt và tự do trí
tuệ</strong>

Những quyền mà các nhà kiểm duyệt thực hiện khi họ phát
biểu quan điểm hoặc mối lo ngại của họ về các tác phẩm
của đương sự (nhà xuất bản hay tác giả) cũng chính là
những quyền mà đương sự đó cần được bảo vệ khi đối
mặt với nhà khiểm duyệt. Điều đó có nghĩa là khi các nhà
kiểm duyệt công bố cho công chúng biết sự phê phán của họ
chống lại một số ý tưởng nào đó, họ đã thực hiện
những quyền đúng như những quyền của người sáng tạo ra
hoặc truyền bá các "tài liệu" mà các nhà kiểm duyệt
phản đối. Điều đó cũng có nghĩa là, trong một xã hội dân
chủ, quyền của các nhà kiểm duyệt trong việc phát biểu và
thuyết phục người khác chấp nhận quan điểm của mình sẽ
được luật pháp bảo vệ chừng nào quyền của những người
phát biểu quan điểm đối nghịch cũng được luật pháp bảo
vệ. Quyền của cả hai phía đều phải được luật pháp bảo
vệ như nhau. Nếu không, không phía nào có thể tồn tại lâu
dài được.

Lịch sử nhân loại đã làm chứng cho vô vàn các cuộc kiểm
duyệt. Sách vở thường xuyên bị kiểm duyệt vì nội dung
chính trị, tình dục, hoặc ngôn ngữ xúc phạm tới chủng
tộc, dân tộc, văn hóa, giới tính, lập trường chính trị,
tín ngưỡng, tôn giáo của các nhóm người khác nhau. Các tài
liệu bị coi là nhảm nhí, tục tĩu, khiêu dâm, hoặc không
thích hợp cho thiếu nhi cũng thường bị kiểm duyệt. Từ khi
nhân loại bắt đầu lưu giữ được các biểu hiện của mình
bằng văn bản, nhiều người đã bị thiêu sống trên giàn
lửa, bị ép uống thuốc độc tự tử, bị đóng đinh câu rút,
bị giam cầm, đày ải, hành hạ, sỉ nhục chỉ vì những gì
họ đã viết ra và tin theo. Sau đây chỉ là một vài ví dụ
điển hình. Đầu năm 213 TCN Tần Thủy Hoàng định "xóa
sổ" lịch sử bằng cách ra lệnh đốt tất cả sách sử trừ
những sách sử của nhà Tần. Những ai tàng trữ hai bộ Kinh Thi
vàKinh Thư hoặc sách vở của trăm nhà đều phải đem trình
quan để đốt đi. Hai người dám bàn nhau về Kinh Thư, Kinh Thi
thì chém giữa chợ, lấy đời xưa mà chê đời nay thì giết
cả họ. Một năm sau Tần Thủy Hoàng ra lệnh bắt 460 Nho sĩ
đem chôn sống. Heinrich Heine từng viết trong vở kịch Almansor
(1821) của mình: "Ở nơi nào người ta đã đốt sách, người
ta sẽ kết thúc bằng đốt sinh mạng con người". Một thế
kỷ sau, lời tiên trì của Heine đã thành sự thật ngay tại
quê hương ông. Năm 1933 những người Đức Quốc xã bắt đầu
bằng việc đốt sách tại Berlin. Trong số sách báo bị đốt
đó có cả các tác phẩm của chính Heinrich Heine. Tám năm sau,
Đức Quốc xã dựng nên các trại tập trung và lò thiêu
người, mà điển hình là trại Auschwitz, nơi một triệu một
trăm ngàn con người đã bị thiêu chết, trong đó 90% là người
Do Thái. Tại Liên Xô trong những năm 1940 – 1950 Stalin đã ra
lệnh đốt toàn bộ sưu tập sách của người Do Thái thuộc
thư viện ở Birobidzhan – thủ phủ của khu vực tự trị của
người Do Thái lúc bấy giờ, nằm ở Viễn Đông, giáp vùng
Khabarovsk, Amur của Nga, và biên giới giữa Nga và Trung Quốc.
Trong cuốn Khủng bố vĩ đại tác giả Robert Conquest cho biết
khoảng 10 triệu người đã bị hành quyết hoặc chết trong các
nhà tù dưới chế độ Stalin. Khi Stalin chết vào năm 1953, Liên
Xô có 12 triệu người bị giam trong các trại tập trung.

Trong số những lời phản đối kiểm duyệt của các trí thức
và nhân vật lừng danh trên thế giới trong lịch sử cận
đại, hùng hồn nhất có lẽ là phát biểu của thủ tướng Anh
Winston Churchill. Ông nói: "Các bạn hãy nhìn các nhà độc tài
đang ngự trên bệ, bao bọc bởi những hàng lưỡi lê của quân
lính và dùi cui của đội cảnh sát của họ. Thế nhưng con tim
của họ đang bị bao trùm bởi một nỗi sợ hãi không nói
được và không thể nói được nên lời! Họ sợ các lời nói
và ý nghĩ. Những lời nói được phát ra bên ngoài, những ý
nghĩ sôi sục bên trong, tất cả bỗng chốc trở nên mạnh mẽ
hơn, chính bởi vì chúng bị cấm đoán. Những cái đó làm họ
hoảng sợ. Chỉ một con chuột nhắt, một tư tưởng nhỏ xíu
như con chuột nhắt, xuất hiện trong phòng đã khiến cả những
thống lãnh quyền lực nhất rơi vào trạng thái hoảng loạn."

<strong>D. Sự vô nghĩa của kiểm duyệt tự do trí tuệ trong
thời đại internet</strong>

Trong bức thư ngày 7 tháng 1 năm 1794 gửi nhà độc tài
Robespierre [2] vì đã đốt tờ báo Vieux Cordelier, nhà cách mạng
và nhà báo Pháp Camille Desmoulins [3] đã trích dẫn lời của
Jean-Jacques Rousseau: "Đốt không phải là câu trả lời".
Desmoulins đã phải trả giá cho câu nói của mình bằng chính
mạng sống của ông: Ngày 31 tháng 3 năm 1794 ông bị bắt và
bị đem ra xử tại "Tòa án cách mạng". Tại đây ông bị
buộc tội "gián điệp", bị từ chối quyền tự bào chữa,
rồi bị kết án tử hình ngày 5/4/1794 lúc ông mới 34 tuổi [4].
Mặc dù cái kết cục bi thảm ấy thường được lặp đi lặp
lại nhiều lần trong lịch sử, câu trích dẫn lời Jean-Jacques
Rousseau đã vạch rõ một chân lý hiển nhiên: "Không thể
thuyết phục được một con người bằng cách bịt miệng anh
ta".

Lịch sử đã sang trang trong hai thập kỷ cuối và nền văn minh
nhân loại đã bước sang một thời đại mới: thời đại của
internet. Hơn cả máy in, điện thoại, radio, rồi vô tuyến
truyền hình, internet là phương tiện lan truyền tự do ngôn
luận và tự do tư tưởng mạnh mẽ nhất và dân chủ nhất mà
con người từng được biết đến. Khi mà bất cứ người nào
ở bất cứ nơi đâu (được nối mạng) trên thế giới cũng
có thể gửi mọi thông tin, ảnh, phim video, âm thanh lên internet
để toàn thế giới có thể đọc, xem, nghe được ngay tức
khắc, kiểm duyệt dần dần trở nên bất lực, trơ trẽn, lố
bịch, và vô nghĩa. Tự do ngôn luận dần dần trở thành cái
gì đó không ai có thể hạn chế được.

Trong phần kết của bài báo "Những chiến sĩ của mặt trận
tàng hình" [5] đăng tại Tạp chí Nga ngày 8/6/2006, tác giả
Alexander Kolesnichenko đã kết luận: "Internet là phương tiện
thông tin đại chúng tự do nhất trong các phương tiện từng
tồn tại từ trước tới giờ. Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ
được lựa chọn trên internet không chỉ những gì để đọc,
mà còn để nghe và nhìn nữa. Cứ mặc kệ cho nhà nước tiếp
tục kiểm soát vô tuyến truyền hình và những tập đoàn đặc
quyền đặc lợi tiếp tục chiếm hữu các tờ báo của họ.
Như người đời thường nói, cứ kệ cho họ chiếu và viết
những nhăng nhít mà chỉ có chính họ sẽ xem và đọc mà
thôi."

<div class="rightalign">Tokyo 22/5/2006</div>

<div class="rightalign">Hiệu đính ngày 24/5/2009</div>

<strong>Chú giải</strong>

*) Phần A, B và C của bài viết này chủ yếu dựa trên trang
"Intellectual freedom and censorship Q & A" tại website của American
Library
Association:http://www.ala.org/ala/aboutala/offices/oif/basics/ifcensorshipqanda.cfm.
[1] John Stuart Mill (1806 – 1873) – triết gia theo tư tưởng tự
do người Anh

[2] Maximilien Robespierre (1758 – 1794) – một trong các lãnh tụ
khét tiếng nhất trong thời kỳ Khủng bố (1793 – 1794) của
Cách mạng Pháp (1789 – 1799). Bắt đầu như một người theo
phái tư tưởng tự do, lấy tác phẩm của Jean-Jacques Rousseau
làm sách gối đầu giường, Robespierre có niềm tin ngây thơ
đến mù quáng vào cuộc cách mạng Pháp. Trong giai đoạn gay
cấn nhất của cuộc cách mạng, Robespierre được bầu làm
người đứng đầu Ủy ban An toàn Công cộng (một dạng Ủy ban
An ninh Quốc gia (KGB) của thời Cách mạng Pháp) gồm 12 ủy
viên. Đây là ủy ban thừa hành thực chất có quyền lực
nhất. Để chống lại các lực lượng "phản cách mạng"
trong nước, Ủy ban này ban hành chính sách của thời kỳ Khủng
bố. Trong diễn văn ngày 5 tháng 2 năm 1794 Robespierre biện hộ
cho Khủng bố như một biện pháp của lòng yêu nước và công
lý để bảo vệ "thành quả cách mạng" là "tự do" và
"bình đẳng". Ông tuyên bố xã hội chỉ bảo hộ các công
dân hòa bình, mà theo định nghĩa của ông đó là những người
Cộng hòa. Những người bảo hoàng và những người âm mưu
chống đối bị ông xếp vào hàng kẻ thù của tự do, phải
bị Khủng bố trừng trị. Chỉ trong trong vòng 5 tháng từ tháng
9/1793 đến tháng 2/1794 chỉ riêng Tòa án Cách mạng ở Paris đã
kết án và chặt đầu gần 300 người. Riêng trong ngày
Robespierre đọc diễn văn nói trên, có hơn 5000 người bị giam
trong các nhà ngục ở Paris chờ xử án. Chính bản thân
Robespierre cũng trở thành nạn nhân của bộ máy mà ông là
người tham gia sáng lập: Sốt ruột vì tiến trình chậm chạp
của cách mạng, Robespierre đưa ra lời đe dọa Quốc hội. Chỉ
5 tháng sau bài diễn văn, Robespierre bị bắt và bị kết án tử
hình.

[3] Camille Desmoulins (1760 – 1794) – nhà cách mạng và nhà báo
Pháp, nổi tiếng bởi bài diễn thuyết mở màn cho cuộc tấn
công nhà ngục Bastille. Ngày 12/7/1789, nghe tin vua Louis XVI cách
chức tổng trưởng tài chính Necker – một người theo phe cải
cách, Desmoulins đã nhảy lên bàn tại một quán café cạnh Hoàng
cung (Palais Royal) và loan tin cho đám đông khoảng một vạn dân
chúng về vụ bãi nhiệm nhà cải cách và nguy cơ bị các đạo
quân người Thụy Sĩ và Đức của nhà vua thảm sát. Trong lúc
cao hứng, ông kêu gọi dân chúng cướp vũ khí xuống đường.
Cuối cùng ông rút trong túi ra hai khẩu súng lục và tuyên bố
với đám cảnh sát đang theo dõi nhất cử nhất động của ông
rằng ông thà chết chứ không chịu rơi vào tay họ. Ông nhảy
từ trên bàn xuống trong vòng tay nồng nhiệt của đám đông.
Hành động của Desmoulins đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc nổi
dậy của dân chúng và quốc dân quân tại Paris trong 2 ngày
tiếp theo. Ngày 14/7/1789 đám đông khoảng một ngàn người tấn
công nhà ngục Bastille để cướp vũ khí. Sau 4 tiếng đồng hồ
cầm cự, thống chế de Launey đầu hàng, bị đám đông bắt,
bị đâm nhiều nhát dao cho đến chết, rồi bị chặt đầu đem
diễu phố.

[4] Gieo gió thì gặt bão, chỉ bốn tháng sau đó, chính bản
thân Robespierre cũng bị bắt và bị đưa lên máy chém ngày
28/7/1794.

[5] Александр Колесниченко "Бойцы
невидимого фронта", Русский Журнал, 8/6/2006.

© 2009 Nguyễn Đình Đăng

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140717/nguyen-dinh-dang-abc-ve-tu-do-tri-tue-va-kiem-duyet),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét