Nguyễn An Dân - Chọn ai: Thời gian quyết định không còn dài nữa

Theo nhiều nguồn tin hành lang "không có cách gì kiểm
chứng", thì trung ương đảng đang rất lo ngại về nội dung
cuộc gặp Trung Quốc-Mỹ (Đối thoại Chiến lược và Kinh tế
Mỹ-Trung) đang diễn ra tại Bắc Kinh trong hai ngày 08-09/07/2014.
(1)

Nỗi lo của đảng là liệu rằng Mỹ và Trung Quốc, sau hàng
loạt những phát ngôn leo thang của hai nước về việc Trung
Quốc đang dùng các giàn khoan dầu bành trướng Biển Đông, đã
nhận ra quyết tâm của nhau và "sự lừng chừng của Việt
Nam", nên có thể sẽ đi đến một thỏa hiệp "gạt Việt
Nam sang một bên" nhằm chia chác các lợi thế địa chính trị
của Việt Nam cho lợi ích riêng của các cường quốc. Nếu có
thỏa thuận đó thì "thân phận" Việt Nam sẽ như thế nào?

Trước tiên, việc Mỹ muốn ủng hộ Việt Nam và tác động
vào đảng cầm quyền để từ đó dựng lên một phe chính
quyền thân Mỹ là điều có thể xẩy ra. Tuy nhiên, đó chỉ là
điều kiện cần, điều kiện đủ là bản thân phe này phải
tự mình mạnh lên và nắm quyền chủ động khi tình thế đòi
hỏi quyết tâm hành động. Bất kỳ vì một lý do gì làm cho
phe này lừng chừng lại và đưa Việt Nam vào một tình thế
"muốn có cả Mỹ và Trung Quốc là đồng minh" để "vừa
giữ nước vừa giữ đảng trong chiến lược lâu dài" thì
điều kiện đủ lại không có để điều kiện cần kia xẩy ra
được. Đảng hãy nhớ rằng các cường quốc họ đối lập
trong chiến lược nhưng luôn có sự hợp tác khi cả hai cùng có
lợi trong từng thời điểm.

Điểm qua những tuyên bố gần đây nhất của ông Nguyễn Phú
Trọng, Tổng Bí Thư đảng CSVN, thì dường như đảng vẫn chưa
dứt khoát muốn thoát Trung. Ngày 1/7 phát biểu trước cử tri
Hà Nội "bức xúc" vì tình hình biển Đông, ông vẫn nói
về Trung quốc như "người bạn láng giềng lớn, muốn hay
không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau", và cho rằng làm
gì thì cũng phải "giữ được an ninh chính trị, trật tự an
toàn xã hội, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân
dân, không để nội bộ rối ren". (2)

Dù đảng có nói gì đi nữa, tôi biết đảng thừa hiểu rằng
chỉ có thể dựa vào Mỹ để ngăn cản âm mưu lấn chiếm
lãnh thổ của Trung Quốc đối với Việt Nam nên hôm nay họ
"lo lắng không yên" cũng là phải. Đảng biết kịch bản
các nước lớn bắt tay để chia chác lợi ích trên vai các
nước nhỏ là chuyện xưa nay không thiếu. Nhưng với những
tuyên bố như trên từ người lãnh đạo cao nhất nước, làm
sao Mỹ yên tâm để "bắt tay" với Việt Nam?

<b>"Khu tự trị Việt Nam"</b>

Mỹ và Trung Quốc, trong chiến lược đường dài dĩ nhiên họ
là đối thủ, nhưng trong chiến thuật ngắn hạn, sự liên minh
tạm thời là điều luôn luôn có vì những lợi ích kinh tế.
Nhất là Mỹ, bản thân nhà nước Mỹ xây dựng trên học
thuyết Tư Bản, có nghĩa là các bước đi ngoại giao, chính
trị, quân sự nào đó…thì cũng chỉ phục vụ cho lợi ích
kinh tế. Trong quan hệ Mỹ-Trung-Việt cũng thế, khi Mỹ xét
chọn, kết quả kinh tế sẽ là yếu tố quyết định cho quả
cân nghiêng về bên nào.

Trừ khi Trung Quốc xâm phạm đến Mỹ (hoặc những đồng minh
lâu đời của Mỹ) một cách thẳng thắn và bá đạo thì khác,
còn lại đối với những nước mà quan hệ "chưa đạt
được gì cụ thể" như kiểu Việt Nam thì dù Trung quốc có
"bắt nạt" kiểu nào, mà Việt Nam lại vẫn "lùng khừng"
muốn "bắt cá hai tay", Mỹ dĩ nhiên phải tính toán
"được-mất". Trong tình thế đó thì lợi ích kinh tế sẽ
là yếu tố chi phối quan trọng, theo đó Mỹ sẽ chọn chiến
thuật mà cả Mỹ và Trung Quốc đều có sự hài lòng tương
đối. Việt Nam với một thị trường tiêu thụ chỉ bằng 8%
thị trường Trung Quốc, kim ngạch Mỹ- Trung cũng cao hơn kim
ngạch Mỹ-Việt gấp hơn 10 lần, dĩ nhiên Mỹ phải ưu tiên
Trung Quốc hơn Việt Nam trong các quyết sách đối ngoại ngắn
và trung hạn của mình theo nhu cần trong từng thời điểm.

Về địa chính trị, biết rằng vai trò của Việt Nam là quan
trọng ở Biển Đông và với dự án Kênh Đào Kra, nhưng Mỹ
cũng không thể bảo vệ Việt Nam được nếu đảng cầm quyền
Việt Nam không tỏ ra một thiện chí cho thấy họ thật sự coi
trọng quan hệ Việt-Mỹ hơn quan hệ Việt-Trung. Đó là nói về
mặt lý thuyết chiến lược, còn lý thuyết chiến thuật ngắn
hạn hiện nay thì Mỹ cũng không thể bảo vệ Việt Nam được
khi mà về công khai, chưa có hiệp ước quân sự hay đồng minh
chiến lược nào được ký kết chính thức giữa hai nước.

Trong quá khứ đến hiện tại (và nhiều khả năng là sẽ còn
tiếp diễn ở tương lai), Việt Nam (dưới sự dẫn dắt của
đảng CS) đã nhiều lần từ chối các bàn tay mà Mỹ chìa ra
cho mình, khiến cho quan hệ Mỹ-Việt chiều rộng thì có mà
chiều sâu thì chưa vì vốn dĩ thể chế hai bên khác nhau, và
đa số người dân Việt Nam (trong và ngoài nước) đều không
tin cậy chính quyền Việt Nam, thì làm sao Mỹ tin cậy đảng
cầm quyền Việt Nam để cùng tiến vào chiều sâu được?

Mỹ cần Việt Nam cho chiến lược của Mỹ ở Thái Bình Dương
và Đông Nam Á, nhát là trong chính sách xoay trục hiện nay
không? Khẳng định là có. Chính vì thế nên từ năm 1991 Mỹ
xem xét bỏ cấm vận, tái lập quan hệ đại sứ, ủng hộ cho
Việt Nam vào Asean, WTO…cấp quy chế có lợi cho Việt Nam trong
hiệp định thương mại Việt-Mỹ…khi các ông thủ tướng
Việt Nam sang Mỹ vận động và xin giúp đỡ. Mới nhất là Mỹ
đã "thông cảm" cho Việt Nam được tạm hoãn và thi hành
dần dần một số điều kiện để vào TPP bất chấp nội lực
của Việt Nam là yếu nhất và mô hình chính trị "không
giống ai" của Việt Nam trong khối đó. Sự kiên nhẫn của
chính phủ Mỹ với đảng cầm quyền Việt Nam theo tinh thần
"chúng ta cùng thắng" (win-win) là thiện chí ai cũng có thể
thấy và không thể phủ nhận.

Thế nhưng bất chấp các thiện chí trên của Mỹ, đảng cầm
quyền luôn lý luận rằng quan hệ với Mỹ không cần thiết
bằng quan hệ với Trung Quốc, vì mục tiêu giữ đảng và
đường lối XHCN. Ngay cả khi lúc này, dù đa số nhân dân (và
các đảng viên thân Mỹ) cũng đã biết rằng dã tâm của Trung
Quốc là lấn chiếm lãnh thổ (cả trên biển và đất liền)
của Việt Nam. Dùng miếng mồi ý thức hệ XHCN để chi phối
hệ thống chính trị Việt Nam, Trung Quốc đã và đang tiến
tới việc biến Việt Nam chỉ còn là một quốc gia độc lập
trên danh nghĩa nhưng trong thực tế thì ở tư thế như một
"tỉnh tự trị" của Trung Quốc. Các điều kiện cần của
âm mưu này đều đã thể hiện ra bằng các thỏa thuận
"ngầm" song phương mang tính áp chế và ràng buộc mà đến
nay phe chính quyền đang xì ra cho dân biết dần dần.

Cường quốc thôn tính nước nhỏ tưởng chỉ có một bài
bản. Đó là làm nước nhỏ suy yếu về nội lực, phụ thuộc
về kinh tế-chính trị-quân sự…cô độc về ngoại giao để
không phản kháng được. Điều này đảng cũng biết, thế
nhưng đảng vẫn đưa Việt Nam sa vào ngày càng sâu. Trong các
bước đi quan trọng, Trung Quốc đều muốn Việt Nam phải đi
theo và đi sau mình. Sự kiện Trung Quốc cản trở Việt Nam gia
nhập WTO là một ví dụ gần và dể thấy nhất.

Sau năm 1972, Mao Trạch Đông chủ động bắt tay với Mỹ để
phát triển kinh tế theo học thuyết "mèo trắng mèo đen"
của Đặng Tiểu Bình để tái thiết Trung Quốc. Dù thế, họ
vẫn ép đảng tiếp tục đánh Mỹ "đến người Việt Nam
cuối cùng" và coi Mỹ là "thù địch". Sau khi thành công
trong việc làm Việt Nam xa lánh Nga và Mỹ, Trung Quốc đi các
bước tiếp theo là tất yếu, xâm lấn lãnh thổ và tìm cách
"chi phối chính trị để gián tiếp đô hộ". Tiến công chi
phối-phá hoại toàn diện từ kinh tế, chính trị, an ninh quân
sự cho đến việc hôm nay là các giàn khoan…tất cả là một
bài bản nhịp nhàng logic và là chiến lược lâu dài.

Vậy quan hệ thân thiết với Mỹ hay với Trung Quốc, quan hệ
nào có lợi và bất lợi cho Việt Nam hơn, chắc mọi người
Việt "tử tế" đều thấy rõ. Đảng chẳng lẽ không thấy
sao, nhưng dường như đảng không muốn chọn lối đi tốt nhất
cho đất nước và cho dân tộc. Nguyên nhân nằm ở đâu?

Gần đây nhất, Mỹ và các đồng minh trong khu vực Đông Á
đều chính thức lên tiếng là sẽ ủng hộ Việt Nam nếu Việt
Nam thoát Trung cũng như cải cách chính trị để nội lực mạnh
lên, nhằm phụ họ trong việc kềm chế Trung Quốc trong đường
dài, nhưng phe đảng quyền vẫn tỏ ra không muốn thực hiện.
Điều đó dĩ nhiên làm các nước phương Tây và đồng minh
Đông Á càng có cơ sở để hoài nghi việc liệu họ có nên
giúp đỡ Việt Nam mạnh mẽ hơn không? hay là họ giúp Việt Nam
lúc này để rồi sau này Trung Quốc hưởng lợi vì Việt Nam
vẫn là đàn em của Trung Quốc?

Nếu Việt Nam cứ tiếp tục chọn con đường trở thành "khu
tự trị và là tiền đồn ĐNÁ" của Trung Quốc như lâu nay,
thì tôi tin rằng Mỹ sẽ bỏ rơi Việt Nam mà thỏa hiệp với
Trung Quốc để làm dịu đi sự căng thẳng vì mấy cái giàn
khoan lúc này. Nếu Việt Nam là "ông em" của "ông anh Trung
Quốc"" thì dĩ nhiên các "đại ca" như Mỹ sẽ không quan
trọng đàn em nữa mà đàm phán với "ông anh-người có quyền
quyết định". Đó là phong cách làm việc của tư bản, nhanh
gọn lẹ và đúng người đúng việc.

Điều này đã bắt đầu hé lộ khi chúng ta thấy các phát
biểu của Tập Cận Bình (*) với John Kerry tại Bắc Kinh trong
ngày 09/07/2014. Một mặt Trung Quốc khẳng định với Mỹ là
lập trường của họ trong tranh chấp Biển Đông (với Việt
Nam) hiện nay là đúng và sẽ không từ bỏ, một mặt Trung
Quốc không muốn đối đầu với Mỹ và đề nghị củng cố
thương mại để cùng nhau kiếm tiền. Tập Cận Bình dùng
những từ ngữ mang tính hàm ý rất cao như "Đối đầu TQ –
Mỹ chắc chắn sẽ là một thảm họa (Mỹ-Trung không nên vì
một Việt Nam "thấp kém và không nhất quán" như thế mà đi
đến đối đầu?). Phát ngôn của Tập Cận Bình hàm ý như
thế e rằng không sai mấy nếu Việt Nam không nhanh chóng tỏ rõ
lựa chọn đối ngoại của mình.

Nội dung quan chức hai bên như John Kerry và Tập Cận Bình nói
ra cho thấy khả năng thỏa hiệp Biển Đông theo mô thức "bỏ
Việt Nam qua một bên" là có cơ sở để nhận định nếu
Việt Nam vẫn cứ "thiếu nhất quán" như lâu nay. Nếu đảng
cầm quyền Việt Nam vẫn tự huyển hoặc rằng Biển Đông,
kênh đào Kra và cảng Cam Ranh là những lợi thế địa chính
trị để mặc cả với Mỹ hơn là thiện chí chân thành hợp
tác để hai bên cùng có lợi thì Mỹ sẽ bỏ thật. Công thức
thỏa hiệp có thể dự đoán theo kịch bản: tranh chấp lãnh
hải với các nước Philippin, Nhật Bản, Hàn Quốc (các đồng
minh của Mỹ lâu nay) thì Trung Quốc nên và phải dừng lại (ít
nhất là tạm thời trong lúc này) vì các nước này Mỹ không
thể bỏ. Còn lại là Nga cứ ở Cam Ranh, Trung Quốc cứ lấy
Hoàng Sa-Trường Sa vả Mỹ sẽ giữ kênh đào Kra. Thế là xong
vấn đề Việt Nam, và ba cường quốc Mỹ-Nga-Trung Quốc tạm
chấm dứt vấn đề Biển Đông để quay qua các khu vực khác.
Kịch bản đó là đối với Việt Nam chính là thời kỳ Hán
thuộc lần thứ 3.

<b>Cơ hội cuối cùng cho tất cả</b>

Một quốc gia Do Thái Giáo nhỏ bé như Israel mà quyết tâm lập
quốc và làm mình lớn mạnh lên được trong một khu vực toàn
các quốc gia Hồi Giáo, là nhờ làm đồng minh với Mỹ-Âu
châu. Dù khác nhau về hình thức nhưng giống nhau về bản chất
trong kiểu như Việt Nam ở sát bên Trung Quốc. Vậy vì cái gì
mà đảng cầm quyền Việt Nam không thể đưa đất nước làm
được như dân Do Thái, phải chăng vì chủ nghĩa Mác Lê và
quyết tâm tiến lên CNXH quan trọng hơn lãnh thổ và sự hùng
mạnh, tự chủ của quốc gia-dân tộc trong một tư thế như
Israel hôm nay?

Chừng nào đảng còn muốn giữ quan hệ cộng sản và XHCN cho
"giống Trung Quốc" thì sẽ không có ông Mỹ- ông Âu nào có
thể giúp gì được cho Việt Nam vì họ không tin và không cần
mối quan hệ "thiếu nhất quán" đó. Nếu các quan chức trung
ương đảng thuộc phe thân Mỹ lo sợ sự thỏa hiệp này sẽ
làm Việt Nam "mất nước" như tôi nghe đồn sáng nay thì hơ
hãy nhanh chóng hành động trước khi quá trễ, đây là CƠ HỘI
CUỐI CÙNG CỦA ĐẢNG để chọn con đường chuyển hóa từ
trên xuống trước khi cuộc cách mạng quần chúng từ dưới
lên xảy ra (mà các điều kiện cần và đủ đang dần hội tụ
rồi) Coi chừng đây cũng là cơ hội cuối cùng, mà chọn lựa
sai lầm sẽ "sai một ly đi một dậm": sẽ dẫn đến mất
nước và mất cả đảng.

Chuyện xưa không xét, nếu Hoàng Sa-Trường Sa mất lúc này,
dân tộc Việt Nam "có đầy đủ thông tin và thẩm quyền"
để nhận định: "tội là ở đảng"

<i>Nguyễn An Dân</i>

_________________________

(1) <a
href="http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/185125/ong-tap-can-binh--doi-dau-voi-my-se-la-tham-hoa.html"
target="_blank">http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/185125/ong-tap-can-binh--doi-dau-voi-my-se-la-tham-hoa.html</a>

(2) <a
href="http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/183735/tong-bi-thu--khong-ai-chon-duoc-lang-gieng.html"
target="_blank">http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/183735/tong-bi-thu--khong-ai-chon-duoc-lang-gieng.html</a>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140710/nguyen-an-dan-chon-ai-thoi-gian-quyet-dinh-khong-con-dai-nua),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét