Dạy, học và giáo dục giả hiệu

Ai cũng biết, hay chắc phải biết, rằng nhồi sọ không phải
là sự giảng dạy theo đúng nghĩa của nó, và kết quả của
nhồi sọ là cái gì đó trái ngược hẳn với cái học chân
chính. Thế nhưng, thực tế cho thấy rằng, hầu hết những gì
đang diễn ra trong trường lớp của chúng ta không là gì khác
hơn lối dạy học nhồi sọ.
Vì sao chuyện này lại xảy ra? Vì sao chúng ta lại quá sức
lầm lẫn bản chất của dạy và học đến nỗi để cho những
trò giáo dục giả hiệu xảy ra tràn lan trong học đường đến
như thế?

Chỉ vì ta đã đánh mất ba nhận thức căn bản về bản chất
của dạy và học, và do đó, đưa đến ba giả thuyết sai lầm
sau đây:

1. Cho rằng các hoạt động của thầy cô trong lớp học luôn
luôn là các hoạt động chính yếu và đôi khi là nguyên nhân
chính yếu tạo nên sự học nơi các học sinh.

2. Khi nói rằng sự học là do sự truyền dạy của người
thầy hay do học sinh tự khám phá ra, ta đã lầm lẫn mà cho
rằng những gì học sinh học qua sự truyền dạy của thầy là
những gì mà các em thu nhận một cách thụ động từ thầy cô
giáo.

3. Vì không phân biệt được đâu là kiến thức chân chính
với ý kiến cá nhân, cũng như không phân biệt được những
ấn tượng được tạo ra và giữ lại trong ký ức với sự
hiểu biết do tâm trí phát triển nên, điều đó đưa đến
giả định sai lầm thứ ba: đó là cho rằng kiến thức chân
chính có thể được tiếp thu mà không cần phải hiểu.
Ba giả thuyết sai lầm này kết hợp vào với nhau thành một
thể thống nhất đến nỗi hễ giả thuyết này được tạo
nên, thì hai giả thuyết kia cũng theo sau. Cho nên, ta cũng chẳng
nên ngạc nhiên khi thấy cả ba giả thuyết này đã thống trị
nền giáo dục của ta và đưa đến kết quả không tránh
được là "nhồi sọ" đã được chấp nhận như một
phương pháp giảng dạy chân chính, thay vì phải được xem như
một món đồ giả đáng ghê tởm và cần phải vất bỏ.

Ba nhận thức căn bản về bản chất của dạy và học, mà qua
đó các giả thuyết sai lầm nêu trên có thể được sửa
đổi, cũng được kết hợp vào nhau đến nỗi mà khi ta dùng
bất cứ một nhận thức nào để tìm hiểu thế nào là sự
dạy học chân chính, thì ta cũng hiểu được như rút ra từ hai
nhận thức kia. Thêm vào đó, cùng với sự hiểu biết thế nào
là sự dạy chân chính, rút ra từ ba nhận thức nêu trên, ta
sẽ hiểu rằng sự học chân chính phát xuất từ sự phát
triển của tâm trí, chứ không phải là sự hình thành ký ức,
và sự học chân chính gồm có sự thu thập kiến thức và
thấu hiểu, chứ không phải chỉ là chấp nhận những ý kiến
được quy phạm sẵn.

Nhận thức căn bản đầu tiên cho ta thấy rằng sự giảng
dạy, cũng giống như nghề nông và nghề thuốc, là một nghệ
thuật hợp tác, chứ không phải một nghệ thuật sản xuất.

Nhận thức thứ hai là mọi sự học đều do khám phá mà ra,
hoặc là tự mình khám phá, hoặc là sự khám phá nhờ có sự
chỉ dẫn, nhưng không bao giờ sự học xảy ra chỉ vì học sinh
được truyền dạy.

Nhận thức thứ ba là những mẩu thông tin hay dữ kiện do ký
ức giữ lại mà không có sự thấu hiểu, những thông tin, dữ
kiện đó không phải là kiến thức, mà chỉ là những ý kiến
cá nhân, không hơn gì những thành kiến do tuyên truyền hay các
sự nhồi sọ khác tạo nên.
Tôi sẽ giải thích thêm về những nhận thức căn
bản nêu trên.

<strong>I. Sự giảng dạy là một nghệ thuật hợp tác chứ
không phải một nghệ thuật sản xuất</strong>

Trong số những nghệ thuật có ích, chỉ có ba được coi là
nghệ thuật hợp tác. Tất cả các loại nghệ thuật khác đều
là sản xuất. Ba loại nghệ thuật hợp tác là nghề nông,
nghề thuốc và nghề dạy học.

Hãy lấy một thí dụ về một nghệ thuật hữu ích như sản
xuất giày dép, đóng tàu bè, hay làm bàn tủ. Kết quả của
nghệ thuật loại này không thể nào hiện hữu được nếu
không do các hoạt động của người nghệ sĩ hay người thợ
đưa vào-người thợ đóng giày, người thợ đóng thuyền bè,
hay người thợ mộc sản xuất ra những sản phẩm này. Những
vật liệu dùng để tạo ra những sản phẩm này, nếu cứ để
yên ở đó, không thể nào tự biến thành sản phẩm được.
Những sản phẩm hữu dụng này chỉ hiện hữu khi có người
thợ can thiệp vào để tạo hình cho chúng, hay chuyển đổi
những nguyên liệu thành sản phẩm mong muốn. Hoạt động sản
xuất của con người ở đây không những là nguyên nhân chính,
mà còn là nguyên nhân duy nhất mang lại kết quả là sản phẩm
ta định làm ra.

Bây giờ hãy xem những trái cây hay ngũ cốc ta dùng, sức khỏe
ta có và những kiến thức hay sự thông hiểu ta thu thập
được. Ta có thể gọi những điều này, theo thứ tự, là
những sản phẩm của nông nghiệp, của y học, và của giáo
dục.

Trong trường hợp trái cây và ngũ cốc cùng những những loại
động vật ăn được, người tiền sử đã từng săn thú và
thu thập cây trái để làm lương thực.

Điều này có nghĩa là những thức ăn của con người là sản
phẩm của thiên nhiên mà con người chỉ việc hái trái về hay
giết con thú để dùng làm thực phẩm. Nông nghiệp bắt đầu
khi con người thu thập được những kỹ năng để cộng tác
với thiên nhiên hầu tạo ra các loại trái cây hay ngũ cốc hay
các loại gia súc để làm thực phẩm. Nông nghiệp, do vậy,
trở thành một trong những nghệ thuật hợp tác đầu tiên của
con người.

Từ rất lâu trước khi có nghệ thuật y khoa, sức khỏe của
con người là kết quả của các nguyên nhân thiên nhiên. Y học
trở thành nghệ thuật chữa bệnh khi con người thu thập
được những kỹ năng giúp con người hợp tác với tiến trình
tự nhiên để bảo vệ sức khỏe hay giúp con người mau bình
phục sau cơn bệnh.

Sau cùng, ta có sự giảng dạy, và ở đây, chính Socrates là
người đầu tiên cho rằng giảng dạy là một nghệ thuật hợp
tác. Socrates so sánh cách dạy của ông với công việc của một
bà mụ đỡ đẻ. Chính bà mẹ, chứ không phải bà mụ, mới
là người phải chịu đau đẻ để sinh ra đứa bé. Bà mụ
chỉ hợp tác trong tiến trình sinh nở ấy, giúp cho bà mẹ sinh
con dễ dàng và vệ sinh hơn mà thôi.

Nói một cách khác, thầy giáo, cũng giống như bà mụ, luôn
luôn có thể không cần thiết. Trẻ con có thể được sinh ra
mà không cần có bà mụ. Kiến thức và sự hiểu biết có thể
có được mà không cần có thầy dạy, qua những hoạt động
hoàn toàn tự nhiên của tâm trí.

Những thầy cô nào mà tự coi mình là nguyên nhân chính hay duy
nhất tạo ra sự học nơi học sinh là những người không hiểu
được rằng dạy học là một nghệ thuật hợp tác. Họ cứ
nghĩ rằng họ là người sản xuất ra kiến thức hay sự hiểu
biết trong tâm trí của học sinh, giống như người thợ đóng
giầy làm ra đôi giầy từ miếng gỗ hay miếng nhựa.

Chỉ đến khi nào mà thầy cô ý thức được rằng nguyên nhân
chính yếu của sự học là các hoạt động xảy ra trong tâm
trí của học trò, thì lúc đó họ mới làm đúng vai trò của
người nghệ sĩ hợp tác. Mặc dù hoạt động trong tâm trí
của học sinh là nguyên do chính tạo nên sự học, hoạt động
này không phải là nguyên do duy nhất. Ở đây người thầy có
vai trò là nguyên nhân hợp tác thứ hai đóng góp vào sự học
của học sinh.

Nếu, nói theo Hippocrates (ông tổ ngành Y khoa), giải phẫu là
một bước đi xa rời khỏi nghệ thuật hợp tác của trị
bệnh, thì theo quan điểm của Socrates, việc giảng dạy bằng
giáo huấn, truyền thụ thay vì bằng thảo luận và vấn đáp,
cũng là một bước đi xa rời khỏi nghệ thuật hợp tác của
giáo dục.

<strong>II. Sự học qua giảng dạy và qua sự khám phá</strong>

Nếu trong sự học chân chính, hoạt động trong tâm trí của
học viên là nguyên do chính tạo nên sự học, thì tất cả
mọi sự học đều có được qua khám phá.

Sự học chân chính có thể xảy ra do a) học sinh tự mình khám
phá ra, hay b) sự khám phá có sự trợ giúp của người thầy,
các hoạt động trong tâm trí của học sinh vẫn là nguyên do
chính của sự học, nhưng không phải nguyên do duy nhất.
Khi những lời giảng dạy không có những sự khám phá đi kèm
theo nơi học sinh, khi những lời giảng dạy chỉ tạo nên
những ấn tượng trên ký ức mà không có sự thấu hiểu trong
tâm trí, thì sự giảng dạy như vậy không phải là dạy chân
chính mà chỉ là sự nhồi sọ. Sự giảng dạy chân chính khác
biệt hẳn với sự nhồi sọ ở chỗ nó luôn luôn có những
hoạt động của người thầy hợp tác với các hoạt động
khám phá do tâm trí của học sinh tạo ra.

<strong>III. Tương quan giữa Tâm trí với Ký ức, giữa Kiến
thức với Ý kiến</strong>

Trong tiếng Hy lạp, tâm trí, nous, đi kèm với sự hiểu biết.
Điều gì mà ta không hiểu, ta chỉ giữ lại trong tâm trí như
là một điều được ghi nhớ. Ký ức là một phó sản của
nhận thức bằng giác quan; hiểu biết là một hành động của
trí tuệ. Ta không nên nhầm lẫn những câu nói ta nhớ nằm
lòng với những sự kiện được hiểu thấu đáo.

Tương quan với sự khác biệt giữa tâm trí và ký ức là sự
khác biệt giữa kiến thức và ý kiến. Khi nói ta biết một
điều gì (kiến thức) nghĩa là ta hiểu về điều đó với
đầy đủ suy luận và các bằng chứng hỗ trợ cho suy luận,
và điều này hoàn toàn khác với việc có ý kiến về một
điều gì đó.
Thế thì vì sao mà học sinh lại chỉ có ý kiến thay vì có
kiến thức, nhất là trong suốt quá trình đi học?

Lý do là vì các em đã nhận những ý kiến này từ "quyền uy
trắng trợn" của thầy cô, những người đã giảng dạy như
những nghệ nhân sản xuất thay vì hợp tác-những thầy cô đã
nhồi sọ học sinh bằng phương pháp đọc, chép, chứ không có
bất kỳ một hoạt động nào khiến học sinh suy nghĩ hay khám
phá.

Tôi dùng từ "quyền uy trắng trợn" để chỉ thứ quyền
lực mà thầy cô tự chiếm lấy cho mình và bắt học sinh phải
chấp nhận những gì mình bảo chúng chỉ vì mình ở trong
cương vị làm thầy. Chỉ có một loại quyền uy hợp pháp và
hợp lý [trong giáo dục], đó là quyền uy của suy luận xác
đáng hoặc của những bằng chứng rõ ràng chứng minh cho những
điều cần hiểu.

Những ý kiến được cố gắng ghi nhớ trong ký ức, nhất là
khi "học gạo" để thi, là những ý kiến dễ dàng quên
nhất.

Ý tưởng một khi đã thông hiểu sẽ ở lại với ta lâu nhất.
Những gì ta đã hiểu không thể dễ dàng quên lãng vì đó là
một thói quen của trí tuệ, chứ không phải chỉ là một
điều để nhớ.

<strong>IV. Kết luận</strong>

Quan niệm cho rằng thầy cô là những người có kiến thức và
truyền lại những kiến thức cho học sinh tiếp thu một cách
thụ động là một quan niệm vi phạm bản chất tự nhiên của
giáo dục, tức là một nghệ thuật hợp tác. Sự giảng dạy
chân chính không thể chỉ được truyền đạt bằng những lời
giảng mà không có sự suy nghĩ và hiểu biết cùng với sự
khám phá trong tâm trí của học sinh.

<strong><div class="rightalign">Mortimer J. Adler, DiText</div></strong>

Nguồn: <a href="http://phiatruoc.info/">Tạp chí Phía Trước</a>
__________

<em>Mortimer Adler là một triết gia, và là một trong những nhà
giáo dục hàng đầu của Mỹ. Adler sinh năm 1902 và mất năm
2001, thọ 99 tuổi. Adler được coi là một trong những triết gia
về giáo dục thuộc trường phái Perennialism, một lý thuyết
giáo dục chủ trương rằng con người, dù ở bất cứ nơi nào,
cùng sở hữu và chia sẻ một bản năng chung-lý tính­-một
bản năng xác định con người. Từ nhận định này, Adler chủ
trương rằng nền giáo dục phổ thông phải đồng nhất cho
mọi học sinh. Mọi học sinh đều phải được dạy để có 3
loại kiến thức: kiến thức phổ thông; kỹ năng tư duy; và
hiểu biết về tư tưởng và giá trị. Mỗi loại kiến thức
khác nhau đòi hỏi một phương pháp dạy khác nhau. Adler cùng Max
Weismann thành lập Trung tâm Nghiên cứu các Tư Tưởng Vĩ Đại
và ông cũng đề nghị một chương trình giảng dạy các tác
phẩm kinh điển (Great Books) của văn hóa Tây phương cả hai
trình độ trung học và đại học tại Mỹ và Canada.</em>

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140714/day-hoc-va-giao-duc-gia-hieu),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét