Chuyện gì đã xảy ra trong ngày chuyến bay 17 bị bắn rơi?

<em>Diên Vỹ chuyển ngữ</em>

SNIZHNE, Ukraine (AP) - Giàn phóng bánh xích với bốn tên lửa
đất đối không SA-11 tiến vào phố vào giữa trưa và đậu
tại đường Karapetyan. Cách đấy 2.400 ki lô mét về hướng
tây, hành khách đang lên chuyến bay 17 của hãng Hàng không
Malaysia.

Đấy là một ngày nhộn nhịp tại thị trấn miền đông Ukrain
này, những cư dân nhớ lại. Có vô số những thiết bị quân
sự đi qua đây. Nhưng thật khó để bỏ qua được hệ thống
tên lửa cồng kềnh có tên là Buk M-1. Nó đã để lại những
vệt bánh xích cày sâu dưới nhựa đường khi chạy ầm ầm qua
phố trong một đoàn xe nhỏ.

Đoàn xe dừng lại trước một nhóm phóng viên hãng tin Associated
Press. Một người đàn ông mặc bộ quân phục lạ lẫm với
tiếng nói đặc giọng Nga, xem xét không cho họ quay phim. Sau đó
đoàn xe lại đi tiếp, hướng về một địa điểm không biết
được tại trung tâm của khu vực miền đông Ukraine đang nằm
trong tay của quân li khai thân Nga.

Ba giờ sau, người dân ở cách thị trấn Snizhne 10 ki lô mét
về hướng tây nghe thấy những tiếng nổ lớn.

Rồi họ trông thấy những mảnh vụn kim loại móp méo và thi
thể rơi xuống từ trên trời.

Giới chỉ huy li khai tại Donetsk công khai liên tục bác bỏ mọi
trách nhiệm về việc bắn rơi chuyến bay 17.

Sergei Kavtaradze, một phát ngôn viên của người cầm đầu phe li
khai Alexander Borodai, nhắc lại với hãng AP hôm thứ Sáu rằng
không có đơn vị phiến quân nào trang bị vũ khí với khả
năng bắn được đến tầm cao như thế, và nói rằng những
giả thiết khác nào cũng đều là một phần của cuộc chiến
thông tin nhằm phá hoại mục đính của phe nổi dậy.

Tuy nhiên, những bác bỏ này ngày càng bị thách thức bởi
những thông tin từ cư dân, từ những quan sát của phóng viên
tại địa phương và những tuyên bố của một chỉ huy phiến
quân. Chính quyền Ukraine cũng đã cung cấp những trao đổi mà
họ có được trong đó cho thấy sự dính líu của quân li khai
trong việc bắn rơi chiếc máy bay.

Một lãnh đạo cao cấp của phiến quân đã trao đổi với AP
trong tuần này và thừa nhận rằng phe li khai là thủ phạm. Ông
nói rằng một đơn vị đóng quân tại thị trấn quê hương
của Tổng thống Viktor Yanukovych đã bị truất phế, bao gồm
cả người Nga và người Ukraine, đã dính líu đến việc phóng
một hoả tiễn SA-11 gần Snizhne. Vị chỉ huy phiến quân này có
liên hệ trực tiếp với nội bộ giới lãnh đạo quân nổi
loạn tại Donetsk, nói rằng ông không muốn cho biết danh tính
vì ông đang tiết lộ những thông tin đi ngược lại với thông
tin chính thức của phe nổi loạn.

Các phiến quân cho rằng họ đã nhắm vào một máy bay quân sự
của Ukraine, người này cho biết. Tuy nhiên họ đã bắn vào
một phi cơ chở hành khách từ Amsterdam đi Kuala Lumpur. Toàn bộ
298 người trên máy bay đều thiệt mạng.

Những trao đổi trên điện thoại được chính quyền Ukraine
bắt được và công bố có vẻ đã củng cố việc phe li khai
đã không biết được đấy là một máy bay dân sự.

Trong những băng ghi âm này, có thể nghe được tiếng chửi
thề của những phiến quân đầu tiên đến hiện trường và
trông thấy vô số những thi thể và phù hiệu của Hàng không
Malaysia.

Ukraine lập tức qui trách nhiệm cho phe li khai. Trong một cuộc
phỏng vấn tại Kiev tuần này, người đứng đầu cơ quan
chống khủng bố của Ukraine là vitaly Nayda đã đưa ra cho phóng
viên AP biết lập luận của phía chính quyền về sự kiện hôm
17 tháng Bảy. Ông nói rằng lập luận này dựa trên thông tin
thu giữ được, từ các tình báo viên và cư dân.

Nayda qui hoàn toàn trách nhiệm đến Nga: Ông nói bệ phóng tên
lửa đến từ Nga và do người Nga điều khiển. Hôm thứ Sáu
Bộ Ngoại giao Nga đã tù chối nhận định về hai cáo buộc
này. Moscow vẫn tiếp tục bác bỏ có liên quan đến việc bắn
rơi máy bay.

Viên chỉ huy phiến quân mà AP trao đổi đã không trả lời câu
hỏi về việc chính quyền Nga có liên qua gì đến vụ tấn
công. Các quan chức Hoa Kỳ cáo buộc Nga đã tạo ra các "điều
kiện" làm chiếc máy bay bị bắn rơi, nhưng không đưa ra một
bằng chứng nào về việc tên lửa trên đến từ Nga hay Nga có
liên quan trực tiếp đến sự kiện.

Theo Nayda, vào lúc một giờ sáng ngày 17 tháng Bảy giàn phóng
tên lửa đã băng qua biên giới Nga vào Ukraine trên một chiếc
xe tải. Ông trích dẫn những trao đổi thu giữ được nhưng
không đưa ra cho phóng viên AP tham khảo. Đến 9 giờ sáng, ông
nói, giàn phóng đã đến Donetsk, căn cứ của phiến quân cách
biên giới 200 ki lô mét. Từ Donetsk nó được cho là đã dỡ
khỏi chiếc xe tải và bắt đầu tự chạy trong một đoàn xe
khác.

Nayda nói giàn tên lửa Buk chuyển sang phía đông về hướng
Snizhne. Cư dân trong thị trấn cho AP biết là nó đến Snizhne
vào khoảng giữa trưa.

Trong ngày ấy có rất nhiều xe chuyên chở vũ khí chạy qua thị
trấn," Tatyana Germash, một kế toán viên 55 tuổi được phỏng
vấn vào hôm thứ Hai nói, bốn ngày sau vụ tấn công.

Valery Sakharov, một thợ mỏ 64 tuổi, chỉ ra vị trí nơi ông
thấy giàn phóng tên lửa.

Giàn tên lửa Buk đã đậu trên đường Karapetyan vào buổi
trưa, nhưng sau đó đã dời đi; tôi không biết đi đâu," ông
nói. "Xem kìa - nó còn để lại dấu vết trên nhựa đường."

Ngay cả trước khi chiếc máy bay bị bắn rơi, hãng thông tấn
AP cũng đã tường thuật việc hệ thống tên lửa có mặt trong
thị trấn hôm 17 tháng Bảy.

Đây là nội dung bản tin: "Hôm thứ Năm một phóng viên hãng
Associated Press đã thấy bảy chiếc xe tăng của phiến quân
đậu tại một cây xăng bên ngoài thị trấn Snizhne phía đông
Ukraine. Trong thị trấn ông còn thấy có một hệ thống Buk,
vốn có thể bắn tên lửa lên đến độ cao 22 nghìn mét."

Các phóng viên AP đã thấy giàn tên lửa Buk đi qua thị trấn
vào lúc 1:05 trưa. Chiếc xe trên đó chở bốn tên lửa dài 5,5
mét nằm trong một đoàn xe bao gồm hai xe dân sự.

Đoàn xe dừng lại. Một người đàn ông mặc quân phục màu
cát không gắn quân hiệu - khác với loại quân phục màu xanh
lá cây mà phiến quân thường mặc - đi đến hướng các phóng
viên. Người đàn ông này không muốn họ ghi lại bất kỳ hình
ảnh nào của giàn hoả tiễn. Hài lòng vì thấy họ đã không
chụp ảnh, đoàn xe tiếp tục đi.

Khoảng ba giờ sau, vào lúc 4:18 chiều, theo đoạn băng ghi lại
cuộc điện thoại thu được do chính quyền Ukraine đưa ra, tổ
điều khiển hệ thống Buk đã vào vị thế sẵng sàng khi một
trinh sát gọi điện báo cáo có một máy bay đang đến.

"Một chú chim đang bay về hướng các anh," người trinh sát nói
với một phiến quân mà chính quyền Ukraine nhận diện là Igor
Bezler, một chỉ huy quân nổi loạn mà Ukraine khẳng định cũng
là một sĩ quan tình báo Nga.

Người mang tên Bezler trả lời: "Máy bay trinh thám hay máy bay
lớn?"

"Tôi không thấy được vì bị mây che. Quá cao," người trinh
sát trả lời.

Vị chỉ huy phiến quân mà AP trao đổi nói rằng Bezler đã ra
lệnh cho một phiến quân khác có bí danh là Sapper, một sĩ quan
cao cấp của phiến quân có mặt tại giàn phóng tên lửa lúc
ấy.

Theo lời vị chỉ huy phiến quân, Sapper đang cầm đầu một
đơn vị phiến quân trong đó khoảng phân nửa là người đến
từ miền viễn đông của Nga, đa phần là từ đảo Sakhalin
ngoài bờ biển Thái Bình Dương.

Sapper xuất thân từ thị trấn Yenakiieve gần đấy, ông nói.
Thị trấn này cũng là quê hương của cựu tổng thống
Yanukovych.

Phóng viên đã không liên lạc được với Sapper để phỏng
vấn và đã không biết được danh tính thật của ông. Hôm
thứ Sáu, trong cuộc phỏng vấn với AP Bezler đã bác bỏ mọi
liên quan đến việc tấn công máy bay. "Tôi đã không bắn rơi
chiếc máy bay của Hàng không Malaysia. Tôi không có đủ thực
lực để làm việc đó," ông tuyên bố.

Tuy nhiên theo lời kể của vị chỉ huy phiến quân, ngày hôm
ấy Sapper đã được điều đến để thanh tra ba chốt kiểm
soát tại các thị trấn Debaltsevo, Chernukhino và Snizhne, cả ba
nơi này đều nằm trong bán kính 30 ki lô mét nơi chiếc máy bay
bị bắn rơi. Tại một thời điểm nào đó giữa các chuyến
đi này, ông ta đã nhập cùng đoàn xe hộ tống hệ thống tên
lửa.

Vào khoảng 4:20 chiều, tại thị trấn Torez, cách Sinizhne 10 ki
lô mét về hướng tây, cư dân trong vùng đã nghe những tiếng
nổ lớn. Một số cho biết là họ đã nghe hai tiếng nổ trong
khi những người khác nhớ là chỉ có một.

"Tôi nghe liên tiếp hai tiếng nổ rất mạnh. Ban đầu là một
phát nổ rồi một phút, một phút rưỡi sau, lại có một phát
nổ nữa," Rostislav Grishin một nhân viên trại tù 24 tuổi nói.
"Tôi ngóng đầu xem và chỉ một phút sau tôi thấy một chiếc
máy bay đang rơi qua các tầng mây."

Vào 4:40 chiều, trong một cuộc điện thoại mà chính quyền
Ukraine ghi giữ và công bố, một người được nhận danh là
Bezler nói với cấp trên của ông rằng ông đã bắn rơi một
máy bay.

"Vừa bắn rơi một máy bay. Đấy là nhóm của Sapper. Nó rơi
bên ngoài Yenakiieve," người đàn ông nói.

Trong khi tính xác thực của cuộc điện thoại vẫn chưa được
kiểm định độc lập, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Kiev nói
rằng các chuyên gia trong cộng đồng tình báo đã cho là nó xác
thực.

Còn giàn hoả tiển Buk, Nayda nói, thông tin tình báo cho biết là
nó đã tiếp tục di chuyển ngay sau cuộc tấn công.

Trong cùng đêm ấy, ông nói, nó đã vượt qua biên giới về
lại Nga.

***********************************

Entry này được tự động gửi lên từ trang Dân Luận
(https://www.danluan.org/tin-tuc/20140727/chuyen-gi-da-xay-ra-trong-ngay-chuyen-bay-17-bi-ban-roi),
một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời
độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân
Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc
hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây
(http://kom.aau.dk/~hcn/vuot_tuong_lua.htm) hoặc ở đây
(http://docs.google.com/fileview?id=0B_SKdt9lFNAxZGJhYThiZDEtNGI4NC00Njk3LTllN2EtNGI4MGZhYmRkYjIx&hl=en)
hoặc ở đây (http://danluan.org/node/244).

Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPress
(http://danluan.wordpress.com) và Blogspot (http://danluanvn.blogspot.com),
mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp
trục trặc... Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để
gửi bài viết cho Dân Luận!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét